Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2005/CT-NHNN

Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG, TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG PHÙ HỢP VỚI KHẢ NĂNG HUY ĐỘNG VỐN VÀ KIỂM SOÁT RỦI RO, BẢO ĐẢM AN TOÀN HỆ THỐNG

Thực hiện Nghị quyết số 41/2004/QH1 ngày 03/12/2004 của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2005, Nghị quyết số 01/2005/NQ-CP ngày 14/01/2005 của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2005, trong đó giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện các giải pháp chủ động điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất phù hợp với mục tiêu, diễn biến của thị trường, nâng cao chất lượng tín dụng và khả năng an toàn hoạt động ngân hàng. Trong những tháng đầu năm 2005, nền kinh tế ổn định và phát triển, chỉ số giá tiêu dùng ba tháng đầu năm tăng 3,7%; hoạt động tín dụng tiếp tục được mở rộng nhưng rủi ro tín dụng chưa được kiểm soát và đánh giá một cách chặt chẽ, chưa phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và yêu cầu hội nhập.

Để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, ổn định tiền tệ và kiểm soát lạm phát, các tổ chức tín dụng và các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các giải pháp như sau:

I. ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

1. Thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn từ thị trường trong nước, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế cho các dự án tín dụng nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tích cực xử lý nợ tồn đọng để tăng khả năng đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, trên cơ sở đảm bảo an toàn và hiệu quả tín dụng.

2. Tốc độ tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với tăng trưởng vốn huy động thực tế, mục tiêu tín dụng đề ra từ đầu năm và khả năng kiểm soát chất lượng tín dụng; đảm bảo vốn khả dụng cho các nhu cầu thanh toán, an toàn hoạt động kinh doanh.

3. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cho vay, bảo lãnh, cho thuê tài chính, chiết khấu, bao thanh toán và bảo đảm tiền vay; xem xét và quyết định việc cho vay có bảo đảm bằng tài sản hoặc không có bảo đảm bằng tài sản, cho vay có bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay, tránh các vướng mắc khi xử lýtài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay. Đặc biệt chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, không để nợ xấu gia tăng.

4. Các tổ chức tín dụng phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các nguyên tắc, thủ tục cho vay và cấp tín dụng khác, tránh xảy ra sự cố gây thất thoát tài sản; sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tăng cường công tác đào tạo cán bộ để đáp ứng yêu cầu kinh doanh ngân hàng trong điều kiện hội nhập quốc tế.

5. Tiến hành rà soát, bổ sung và chỉnh sửa các quy chế, quy trình nghiệp vụ tín dụng đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh, ngăn ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng. Các tổ chức tín dụng khẩn trương ban hành và thực hiện các quy định nghiệp vụ:

a. Quy định về quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro tín dụng; hệ thống thông tin quản lý và điều hành kinh doanh nội bộ thông suốt từ hội sở chính đến chi nhánh ở các địa phương.

b. Quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp với quy định tại Khoản 2 và Khoản 6 Điều 1 Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03/02/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối vói khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 (dưới đây gọi là Quyết định 127).

c. Quy trình kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn và trả nợ của khách hàng đã ban hành phù hợp với quy định tại Quyết định 127.

d. Tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ kiểm soát nội bộ về hoạt động tín dụng; đổi mới phương thức kiểm soát tín dụng theo hướng quản lý tập trung, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời rủi ro.

6. Tiến hành phân tích, đánh giá quy mô, cơ cấu và hiệu quả tín dụng đối với các ngành kinh tế, thành phần kinh tế và địa bàn nông thôn, thành thị, để trên cơ sở đó thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng an toàn - hiệu quả - bền vững:

a. Chủ động nghiên cứu quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành kinh tế, địa phương; đánh giá và dự báo về nhu cầu vốn, khả năng huy động vốn, mức độ rủi ro tín dụng để xác định mức độ tăng tuởng tín dụng và cơ cấu vốn tín dụng cho từng ngành, địa phương, địa bàn nông thôn và thành thị.

b. Kiểm soát chặt chẽ các đối tượng cho vay và mức tăng truởng tín dụng bằng ngoại tệ để tránh rủi ro về tỷ giá, lãi suất và không làm ảnh hưởng đến mức tăng trưởng tín dụng chung.

c. Đối với các dự án đầu tư có nhu cầu vay số vốn lớn và thời hạn thu hồi vốn kéo dài cần thực hiện cho vay đồng tài trợ; mở rộng cho vay các dự án có hiệu quả, thu hồi vốn nhanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế tập thể và cá thể.

d. Tăng cường kiểm soát cho vay các dự án kinh doanh nhà ở, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị và khu công nghiệp, đảm bảo tỷ lệ thích hợp dự nợ cho vay các dự án này, cũng như các khoản cho vay có nhận thế chấp bất động sản.

7. Thực hiện các quy định bảo đảm kiểm soát rủi ro và an toàn hoạt động tín dụng:

a. Xây dựng và thực hiện đồng bộ một hệ thống quy chế, quy trình nội bộ về quản lý rủi ro; trong đó đặc biệt chú trọng việc xây dựng chính sách khách hàng vay vốn, sổ tay tín dụng, quy định về đánh giá, xếp hạng khách hàng vay, đánh giá chất lượng tín dụng và xử lý các khoản nợ xấu.

b. Mở rộng tín dụng trung và dài hạn ở mức thích hợp, đảm bảo cân đối thời hạn cho vay với thời hạn của nguồn vốn huy động.

c. Thực hiện đúng quy định về giới hạn cho vay, bảo lãnh, cho thuê tài chính, chiét khấu, bao thanh toán đối với một khách hàng và các tỷ lệ an toàn hoạt động kinh doanh.

d. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và khách hàng vay vốn để khẩn trương thu hồi nợ vay đối với các đơn vị vay vốn để thi công công trình xây dựng cơ bản, theo chủ trương của Nhà nước đến cuối năm 2006 xử lý dứt điểm nợ tồn đọng xây dựng cơ bản.

8. Đối với cho vay các công ty nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước đuợc cổ phần hóa, giao, bán, khoán, cho thuê, chuyển đổi hình thức quản lý:

a. Đáp ứng kịp thời các nhu cầu vay vốn có hiệu quả và có khả năng trả nợ đối với các doanh nghiệp nhà nước.

b. Việc cho vay vốn đối với các công ty nhà nước phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về cho vay và Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác; trong đó chú ý quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng vay vốn, hợp đồng thế chấp và cầm cố tài sản vay vốn của Hội đồng quản trị, đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước.

c. Các ngân hàng thương mại chủ động tham gia xây dựng và quyết định phương án sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước có vay vốn của ngân hàng với vai trò là chủ nợ, phù hợp với chính sách và giải pháp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước của Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX. Việc xử lý vốn vay và cho vay mới đối với các doanh nghiệp này được thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp nhà nước (giao, bán, khoán, cho thuê, cổ phần hóa, hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản) và chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn số 601/CP-ĐMDN ngày 06/5/2004 về việc tiếp nhận và thực hiện nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp nhà nước sắp xếp lại đối với các tổ chức tín dụng.

d. Đối với các trường hợp chây ỳ nhận nợ và trả nợ vay, các tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp kiên quyết, đúng pháp luật để thu hồi nợ vay, kể cả việc xử lý tài sản thế chấp, cầm cố và bảo lãnh, khởi kiện lên cơ quan tòa án.

9. Huy động các nguồn vốn để đầu tư dự án hiện đại hóa công nghệ và thiết bị phục vụ cho hoạt động kinh doanh; đồng thời khẩn trương đưa công nghệ, thiết bị mới vào khai thác để phát triển đa dạng các dịch vụ tín dụng, thanh toán và tiện ích ngân hàng, làm tăng hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

II. ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ THUỘC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

1. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các đơn vị tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ:

a. Đề xuất và thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế vĩ mô - tiền tệ, các tín hiệu của thị trường để có điều chỉnh cần thiết trong điều hành chính sách tiền tệ - tín dụng, không để xảy ra những biến động lớn về lãi suất, tỷ giá làm tăng thêm bất lợi cho hoạt động tín dụng ngân hàng.

b. Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và nâng cao vai trò quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng để sớm phát hiện và xử lý kịp thời những vướng mắc, kiến nghị, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

c. Nghiên cứu, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung các quy định về cho vay bằng ngoại tệ, bảo lãnh, cho thuê tài chính và các quy định cấp tín dụng khác phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, nguyên tắc thị trường, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng.

2. Đối với Thanh tra Ngân hàng Nhà nước:

a. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng; kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý kiên quyết đối với mọi trường hợp vi phạm.

b. Theo dõi, phân tích các khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ của các tổ chức tín dụng để cảnh báo, yêu cầu các tổ chức tín dụng có biện pháp thích hợp thu hồi nợ vay và ngăn ngừa rủi ro tín dụng.

c. Khẩn trương xây dựng và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về hệ thống cảnh báo sớm rủi ro đối với từng tổ chức tín dụng và toàn bộ hệ thống ngân hàng nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp có nguy cơ mất khả năng thanh toán, đảm bảo an toàn hệ thống. Đồng thời, hoàn thành đề án tổng thể về thanh tra, giám sát rủi ro và an toàn của hệ thống tín dụng, phù hợp với vhuẩn mực quốc tế và điều kiện hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

d. Nghiên cứu và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về yêu cầu tối thiểu đối với hệ thống quản trị rủi ro nội bộ của các tổ chức tín dụng và quy định về xếp hạng các tổ chức tín dụng theo tiêu chuẩn CAMEL.

3. Vụ Các ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng khẩn truơng hoàn chỉnh và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành các quy định:

a. Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng phù hợp với chủ trương đổi mới cơ chế tín dụng và đồng bộ với Quyết định 127.

b. Các quy định về an toàn vốn, giám sát rủi ro, kiểm toán nội bộ, mở, thành lập và chấm dứt hoạt động sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại.

4. Vụ Kế toán - Tài chính khẩn trương hoàn chỉnh và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành chế độ kế toán cho vay phù hợp với Quyết định 127.

5. Trung tâm thông tin tín dụng thực hiện các giải pháp về công nghệ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để tăng cường vai trò và nâng cao năng lực thu thập, xử lý, cung cấp thông tin nhằm hỗ trợ có hiệu quả đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng; phục vụ cho hoạt động giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

6. Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện quy định của pháp luật về cho vay, bảo lãnh, cho thuê tài chính, chiết khấu, bao thanh toán, bảo đảm tiền vay và các hình thức cấp tín dụng khác; chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn xử lý kịp thời các vi phạm, ngăn chặn sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức tín dụng.

b. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và chủ động phối hợp, thông tin cho các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn trong việc xây dựng và thực hiện các phương án sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước có vay vốn ngân hàng, phù hợp với chủ trương của Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX và pháp luật về doanh nghiệp nhà nước.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

 

 

Lê Đức Thuý

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/2005/CT-NHNN về nâng cao chất lượng tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 02/2005/CT-NHNN
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/04/2005
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Lê Đức Thuý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: 15/05/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 20/10/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản