BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2005/CT-BXD | Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2005 |
Trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp, đơn vị do Bộ quản lý đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các dự án đầu tư với cơ cấu đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, hình thức đầu tư linh hoạt, nguồn vốn đầu tư đa dạng, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo ra năng lực phát triển đáng kể cho doanh nghiệp, đơn vị và góp phần tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu và phát triển bền vững nền kinh tế của cả nước.
Tuy nhiên, công tác quản lý đầu tư và xây dựng của các đơn vị nói chung còn một số bất cập, tồn tại: hiệu quả đầu tư của một số dự án chưa cao; việc bố trí vốn và giải ngân vốn đầu tư cho một số dự án còn gặp nhiều khó khăn; một số chủ đầu tư chưa chấp hành nghiêm túc các quy định về trình tự, thủ tục trong quản lý đầu tư xây dựng, chưa quan tâm đúng mức đến công tác quyết toán vốn đầu tư cho các dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng.
Để triển khai thực hiện Luật Xây dựng; Nghị quyết số 36/2004/QH11 kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XI về công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước; Nghị quyết số 01/2005/NQ-CP ngày 14/01/2005 của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2005; nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ thị Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các Tổng công ty, Tổng giám đốc Công ty mẹ trong mô hình thí điểm Công ty mẹ – Công ty con, Giám đốc các công ty độc lập và Thủ trưởng các đơn vị do Bộ Xây dựng quản lý tổ chức thực hiện các nội dung sau:
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị: số 29/2003/CT-TTg ngày 23/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước; số 19/2003/CT-TTg ngày 11/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lập quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý xây dựng theo quy hoạch; số 05/2004/CT-BXD ngày 16/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư, quản lý tài chính tại các doanh nghiệp nhà nước do Bộ quản lý.
Đối với các dự án đang đầu tư: cân đối đủ nguồn vốn và tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, đặc biệt là các dự án đầu tư trọng điểm về xi măng, điện, phát triển nhà và khu đô thị và các dự án quan trọng của đơn vị; kiên quyết đình chỉ các dự án đầu tư không có hiệu quả; nghiên cứu để có thể gọi cổ phần ngay từ khi thực hiện đầu tư đối với một số dự án có nhu cầu vốn lớn. Đối với các dự án lớn gồm nhiều dự án thành phần có thể vận hành độc lập thì nghiên cứu, tách thành các dự án độc lập để thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư: phải chọn lọc để đầu tư có trọng điểm, bảo đảm có hiệu quả, phát huy được thế mạnh, khai thác được tiềm năng và thể hiện lĩnh vực mũi nhọn của đơn vị; rà soát lại về quy hoạch, kỹ thuật, công nghệ, thị trường, khả năng bố trí vốn đầu tư cho dự án; không quyết định đầu tư mới các dự án không có hiệu quả.
Người quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm về hiệu quả của dự án, đặc biệt là trường hợp đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, đầu tư ra nước ngoài, theo nguyên tắc “người quyết định đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân về hiệu quả đầu tư của dự án”.
Rà soát, đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư: đối với các dự án đầu tư đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng từ trước ngày 31/12/2004, các chủ đầu tư phải hoàn thành việc quyết toán ngay trong năm 2005.
Chậm nhất đến ngày 15/5/2005, các Tổng công ty, công ty và đơn vị thuộc Bộ gửi báo cáo rà soát các nội dung trên về Bộ.
Các chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công phải nghiêm túc tuân thủ và thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật hiện hành trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư.
Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế nội bộ của đơn vị về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng đất đai phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng hiện hành trong tất cả các khâu của quá trình triển khai dự án, bao gồm cả các dự án đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài, từ chủ trương đầu tư đến giai đoạn nghiệm thu, thanh toán, quyết toán, đưa dự án vào khai thác, sử dụng.
Các đơn vị có các dự án đầu tư phát triển nhà và khu đô thị phải kiểm tra, rà soát việc thực hiện, sửa đổi, bổ sung ngay các quy định, quy chế về bán, cho thuê nhà, đất có hạ tầng bảo đảm công khai, minh bạch, sát giá thị trường; đồng thời, phải giám sát chặt chẽ, có kế hoạch luân chuyển cán bộ quản lý dự án tại các vị trí nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực.
Đối với các dự án quy hoạch xây dựng: Ban Quản lý dự án đầu tư khảo sát quy hoạch xây dựng, các Vụ chức năng tổ chức rà soát lại thủ tục, hợp đồng, đồng thời phối hợp với các Sở Quy hoạch- Kiến trúc và Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có dự án trên địa bàn để đôn đốc, hỗ trợ đơn vị được giao thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng thực hiện và tiến độ giải ngân các dự án.
Đối với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác: các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư phù hợp với quy hoạch, thị trường và khả năng thực hiện dự án của đơn vị. Các dự án đầu tư của các doanh nghiệp phải có kế hoạch đầu tư từ năm trước và phải được Bộ chấp thuận về chủ trương đầu tư trước khi lập dự án đầu tư; sau khi quyết định đầu tư phải báo cáo Bộ để theo dõi, giám sát.
Tiến hành lập danh sách và công bố công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Xây dựng về các hoạt động tư vấn và xây lắp.
Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 03/2002/TTLT-BXD-BCA ngày 30/5/2002 của Liên Bộ Xây dựng – Bộ Công an về phối hợp công tác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn các cơ quan, đơn vị của Bộ Xây dựng.
12. Tổ chức triển khai thực hiện.
Năm 2005 là năm “Nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, đầu tư dàn trải, nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản”, Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị do Bộ quản lý phải gương mẫu, đi đầu trong việc nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng đất đai theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Giao Vụ Kế hoạch - Thống kê chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ, Thanh tra xây dựng theo chức năng được giao, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp tình hình báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các Tổng công ty, Tổng giám đốc Công ty mẹ trong mô hình thí điểm Công ty mẹ – Công ty con, Giám đốc các công ty độc lập và Thủ trưởng các đơn vị do Bộ quản lý chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG |
- 1Chỉ thị 19/2001/CT-TTg thực hiện Nghị quyết số 09/2001/NQ-CP về tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài thời kỳ 2001-2005 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 2Chỉ thị 19/2003/CT-TTg về tổ chức lập quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý xây dựng theo quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật xây dựng 2003
- 4Chỉ thị 29/2003/CT-TTg về chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 02/2005/CT-BXD về nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng đối với các đơn vị do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quản lý do Bộ Xây dựng ban hành
- Số hiệu: 02/2005/CT-BXD
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 31/03/2005
- Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
- Người ký: Nguyễn Hồng Quân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 7 đến số 8
- Ngày hiệu lực: 25/04/2005
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực