Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/2003/CT-TTg | Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2003 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC LẬP QUY HOẠCH XÂY DỰNG ĐÔ THỊ VÀ QUẢN LÝ XÂY DỰNG THEO QUY HOẠCH
Sau Hội nghị quản lý và phát triển đô thị toàn quốc năm 1999 tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 30/1999/CT-TTg ngày 26 tháng 10 năm 1999 về công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị. Từ đó đến nay, các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ủy ban nhân dân các cấp đã có nhiều biện pháp thiết thực để triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị có một số chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, xuất phát từ tầm quan trọng của đô thị trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trước tình hình mới hiện nay, những vấn đề nổi cộm cần được tập trung giải quyết, đó là: việc lập, xét duyệt quy hoạch xây dựng, đặc biệt là quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại các đô thị còn nhiều bất cập về tiến độ, chất lượng và kinh phí; công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch chưa chặt chẽ do thiếu các biện pháp đồng bộ dẫn đến tình trạng xây dựng tự phát, lộn xộn, không phép hoặc trái phép làm cản trở việc triển khai đầu tư và xây dựng; chất lượng kiến trúc và mỹ quan đô thị bị hạn chế; trật tự xây dựng đô thị chưa được xác lập và gây lãng phí, tốn kém tài sản của nhân dân.
Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chính quyền đô thị các cấp thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức lập, xét duyệt quy hoạch xây dựng:
a) ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và chính quyền đô thị các cấp: tổng kết, đánh giá tình hình lập, xét duyệt quy hoạch xây dựng đô thị tại địa phương mình; ưu tiên dành các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho công tác khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại các đô thị để quy hoạch xây dựng phải đi trước, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng hàng năm, triển khai các dự án đầu tư, thiết kế xây dựng, giới thiệu địa điểm, cấp chứng chỉ quy hoạch, giao đất hoặc cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà.
b) Bộ Xây dựng chỉ đạo việc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng được duyệt; chủ trì lập quy hoạch xây dựng các vùng trọng điểm, quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội và quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; chủ trì soạn thảo Nghị định về quản lý quy hoạch xây dựng thay thế Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị, trình Chính phủ ban hành; hướng dẫn công tác quản lý các dự án quy hoạch xây dựng; sửa đổi, ban hành quy định về việc lập, xét duyệt quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch, các tiêu chuẩn, quy phạm, quy chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính: thẩm định kế hoạch vốn khảo sát và quy hoạch xây dựng hàng năm; cân đối đủ vốn cho công tác khảo sát và quy hoạch xây dựng, đặc biệt là quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 và tỷ lệ 1/500 các khu dân cư không thuộc dự án đầu tư xây dựng tập trung; nghiên cứu xây dựng cơ chế tạo vốn cho công tác quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
d) Bộ Tài chính hướng dẫn và chỉ đạo việc cấp phát; quản lý, thanh và quyết toán vốn ngân sách nhà nước đối với các dự án quy hoạch xây dựng.
2. Quản lý xây dựng theo quy hoạch:
a) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Tổ chức thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng sau khi được duyệt trên cơ sở áp dụng đồng bộ các biện pháp: ban hành Quy chế quản lý xây dựng theo các đồ án quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức công bố và công khai các đồ án quy hoạch xây dựng để dân biết, dân kiểm tra và thực hiện; lập, xét duyệt hồ sơ và đưa chỉ giới quy hoạch ra ngoài thực địa; giới thiệu và xét duyệt địa điểm xây dựng theo yêu cầu của các chủ đầu tư; cung cấp thông tin kịp thời về quy hoạch xây dựng thông qua biện pháp cấp chứng chỉ quy hoạch; đẩy mạnh công tác cấp giấy phép xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân xây dựng công trình phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt, bảo đảm chất lượng kiến trúc, cảnh quan và môi trường.
- Chỉ đạo việc kiểm tra, theo dõi tình hình xây dựng theo các đồ án quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; xử lý cương quyết và dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, tự ý điều chỉnh quy hoạch xây dựng không đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; xây dựng không đúng với quy hoạch, xây dựng không phép hoặc xây dựng sai giấy phép; tự ý điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền và không đúng với quy hoạch được duyệt.
- Áp dụng các biện pháp kiểm tra và ngăn chặn việc mua bán đất trao tay, chuyển quyền sử dụng đất trái phép tại các khu vực đã được quy hoạch để phát triển đô thị; nghiêm cấm việc giao đất, cấp giấy phép xây dựng khi không có quy hoạch chi tiết hoặc không theo quy hoạch chi tiết dọc các tuyến đường giao thông và hành lang kỹ thuật.
b) Thanh tra Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường định kỳ tổ chức thanh tra việc quản lý xây dựng, quản lý sử dụng đất và việc xây dựng dọc các tuyến đường giao thông, hành lang an toàn giao thông theo quy hoạch được duyệt để xử lý kịp thời các vi phạm theo thẩm quyền, đồng thời báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp khắc phục, nhằm đưa công tác quản lý quy hoạch xây dựng đi vào nề nếp.
3. Huy động các nguồn vốn phát triển đô thị theo dự án:
a) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, căn cứ Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ về việc phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị, căn cứ hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ:
- Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các huyện lập kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng và đề án đầu tư nâng cấp đô thị trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi phê duyệt làm cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng hàng năm và triển khai các dự án đầu tư xây dựng phù hợp với các tiêu chuẩn phân loại đô thị.
- Có biện pháp khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển đô thị; thực hiện các hình thức dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp, các khu đô thị, khu nhà ở xây dựng tập trung hoặc tại một số tuyến đường có điều kiện thu hồi đất hai bên đường để lập quy hoạch chi tiết làm cơ sở triển khai dự án đầu tư xây dựng đồng bộ "đường gắn với phố" theo phương thức sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
b) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu soạn thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định về đầu tư xây dựng các khu đô thị mới; hướng dẫn cơ chế phát triển đô thị theo các dự án xây dựng tập trung về các mặt quy hoạch, đầu tư và xây dựng; kinh doanh và khai thác sử dụng; tài chính và đất đai, bảo đảm cho việc phát triển đô thị theo dự án đạt hiệu quả cao.
4. Thực hiện phân công, phân cấp và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức lập quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch:
a) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu sắp xếp bộ máy tổ chức, thực hiện phân công, phân cấp trên cơ sở quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho các Sở, Uỷ ban nhân dân các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức lập quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch; thực hiện cải cách hành chính về quản lý quy hoạch và đầu tư theo tinh thần của Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ.
Đối với các vùng đô thị lớn, đặc biệt là vùng thành phố Hà Nội và vùng thành phố Hồ Chí Minh, mà quá trình phát triển thành phố hạt nhân có liên quan trực tiếp đến các tỉnh xung quanh về phân công chức năng, phát triển giao thông, kết cấu hạ tầng trên diện rộng, sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc các vùng trên cần chủ động hợp tác với nhau để xử lý các vấn dề về quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch và phát triển đô thị, nông thôn mà các bên cùng quan tâm.
b) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu việc phân cấp, phân công nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy quản lý đô thị các cấp theo hướng tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính chủ động cho chính quyền đô thị mỗi cấp trong việc quyết định những vấn đề về tổ chức lập quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch, xây dựng kế hoạch đầu tư cho khu vực công cộng, quản lý và sử dụng cơ sở hạ tầng, thu chi ngân sách, tổ chức và nhân sự, cải tiến thủ tục hành chính, giải quyết các vụ khiếu tố, khiếu kiện và xử lý các vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất đai, bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ môi trường; phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản lý đô thị.
Công tác quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý xây dựng theo quy hoạch có tầm quan trọng to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chính quyền các cấp phải có kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, hướng dẫn và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Chỉ thị này.
| Nguyễn Tấn Dũng (Đã ký)
|
- 1Thông tư 64-TC/ĐTPT-1996 hướng dẫn quản lý, cấp phát vốn quy hoạch ngành, lãnh thổ, quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn do Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 502/BXD-VKT năm 1996 ban hành giá quy hoạch xây dựng đô thị do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 3Chỉ thị 30/1999/CT-TTg về công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng
- 5Quyết định 05/2019/QĐ-TTg bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Thông tư 64-TC/ĐTPT-1996 hướng dẫn quản lý, cấp phát vốn quy hoạch ngành, lãnh thổ, quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn do Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 502/BXD-VKT năm 1996 ban hành giá quy hoạch xây dựng đô thị do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 3Chỉ thị 30/1999/CT-TTg về công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 136/2001/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Nghị định 72/2001/NĐ-CP về việc phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị
- 6Nghị định 07/2003/NĐ-CP sửa đổi Quy chế quản lý đầu tư xây dựng ban hành kèm Nghị định 52/1999/NĐ-CP và Nghị định 12/2000/NĐ-CP
- 7Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng
- 8Chỉ thị 09/2008/CT-TTg về tăng cường công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 19/2003/CT-TTg về tổ chức lập quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý xây dựng theo quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 19/2003/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 11/09/2003
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 150
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra