BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/1998/CT-BCN | Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 1998 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG NĂM 1998
Thực hiện Nghị định 19/CP của Chính phủ, Chỉ thị số 2416 ngày 28/12/1996 của Bộ Quốc phòng và công văn hướng dẫn của Bộ Công nghiệp về công tác quốc phòng năm 1997, các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ đã có nhiều cố gắng, đạt kết quả tốt, tạo được chuyển biến tích cực, góp phần vào việc giữ vững và ổn định trật tự, trị an, tạo môi trường thuận lợi cho xây dựng và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác quốc phòng ở các cơ quan doanh nghiệp còn những vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu, thực hiện cho phù hợp với yêu cầu kết hợp kinh tế với quốc phòng một cách toàn diện, vững chắc.
Năm 1998, tình hình thế giới và khu vực vẫn còn diễn biến phức tạp, có những biến động khó lường. Đối với nước ta các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm gây bạo loạn, lật đổ bằng các thủ đoạn tinh vi và quyết liệt hơn.
Bọn phản động trong nước và quốc tế rất muốn lợi dụng tình trạng quản lý yếu kém của một số cơ sở địa phương, kích động gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội.
Để tiếp tục thực hiện Nghị định 19/CP theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VIII, chương trình hành động năm 1998 của Chính phủ và Chỉ thị 1807 của Bộ quốc phòng, Bộ Công nghiệp yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp triển khai thực hiện công tác quốc phòng năm 1998 như sau:
1/ Tiếp tục thực hiện Nghị định 19/CP ngày 12/3/1994 của Chính phủ, từng bước đưa công tác quốc phòng ở các cơ sở đi vào chiều sâu, thiết thực và nâng cao hiệu lực.
Lãnh đạo các cơ sở, cần tiếp tục nghiên cứu, nắm vững đường lối, quan điểm quốc phòng của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kết hợp chặt chẽ việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh té với quản lý quốc phòng – an ninh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ về nhận thức và tổ chức thực hiện từ cơ sở đến toàn ngành cho phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của ngành và địa phương, đưa công tác quốc phòng đi vào chiều sâu, có nề nếp, chất lượng cao và được quản lý theo pháp luật.
Các cơ sở thuộc các Tổng Công ty: Thép Việt Nam, Máy và Thiết bị công nghiệp, Máy động lực và Máy nông nghiệp, Hóa chất Việt Nam... đã thực hiện thí điểm động viên công nghiệp theo kế hoạch được phân công. Các cơ sở này cần tổ chức sơ kết 4 năm để chuẩn bị cho năm 1999 Bộ tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 19/CP một cách an toàn, báo cáo Chính phủ.
2/ Tiếp tục chỉ đạo việc phối hợp xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh thành phố:
Các cơ sở phối hợp với các địa phương giáo dục sâu rộng ý thức quốc phòng cho cán bộ công nhân viên, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng an ninh, tạo thế phòng thủ vững chắc từ cơ sở, đủ sức giành thắng lợi trong phòng chống “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, giữ vững ổn định chính trị ở từng cơ sở và địa phương; quán triệt từ nhận thức đến việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, đảm bảo gắn chặt lợi ích kinh tế với quốc phòng an ninh.
Theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và Ban Chỉ huy quân sự các địa phương, xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự nhằm chuẩn bị tinh thần lực lượng vật chất, sẵn sàng đối phó có hiệu quả với thiên tai và các tình huống phá hoại, xâm lược của địch.
3/ Công tác tuyển quân và dân quan tự vệ:
Các đơn vị cơ sở tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai các Pháp lệnh dân quân tự vệ, Pháp lệnh dự bị động viên, Luật nghĩa vụ quân sự; tổ chức đăng ký nguồn, đảm bảo số lượng, chất lượng, xây dựng chế độ, nề nếp quản lý theo quy định của các Pháp lệnh và Luật.
Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định 47/CP ngày 12/3/1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, Vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và Thông tư Liên Bộ số 01/1998/TTLB-CN-NV ngày 13/1/1998 của Bộ Công nghiệp và Bộ Nội vụ hướng dẫn về quản lý kinh doanh cung ứng vật liệu nổ công nghiệp.
4/ Công tác động viên công nghiệp phục vụ quốc phòng:
Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục nghiên cứu, lập kế hoạch động viên công nghiệp và động viên lực lượng kỹ thuật của các ngành công nghiệp phục vụ quân khí, quân nhu, quân trang, quân lượng... ở các cơ sở công nghiệp toàn quốc và một số trọng điểm nằm trên địa bàn quân khu V, quân khu I, quân khu Thủ Đô. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, các Tổng Công ty có các thành viên được Bộ Quốc phòng chọn làm thí điểm cần tạo điều kiện cho cơ sở phối hợp chặt chẽ với các đoàn nghiên cứu để đạt được kết quả tốt nhất.
5/ Thực hiện chính sách hậu phương quân đội:
Tiếp tục giáo dục cho toàn thể cán bộ công nhân viên trong toàn ngành hiểu rõ nội dung và ý nghĩa chính trị của chính sách hậu phương quân đội. Tiếp tục vận động hưởng ứng phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với nước.
6/ Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng:
Chỉ thị này được phổ biến đến các cơ sở trong ngành để thi hành.
Các cơ sở định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo về Bộ theo thời hạn quy định./.
Nơi nhận: | K/T BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP |
Chỉ thị 02/1998/CT-BCN về công tác quốc phòng năm 1998 do Bộ Công nghiệp ban hành
- Số hiệu: 02/1998/CT-BCN
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 06/02/1998
- Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
- Người ký: Lê Huy Côn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/02/1998
- Ngày hết hiệu lực: 05/11/2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực