Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
******

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 016-NN/CT

Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 1961 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ CÔNG TÁC QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT Ở ĐỊA PHƯƠNG

Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu tự trị, các thành phố, các tỉnh, khu vực vĩnh linh 

Để cho các địa phương thi hành thống nhất các Nghị định số 70, 71/CP và Chỉ thị số 307/TTg ngày 09-12-1960 của Phủ Thủ tướng về nhiệm vụ, tổ chức ngành quản lý ruộng đất, Bộ quy định những điểm cụ thể sau đây về phạm vi hoạt động, nhiệm vụ và quyền hạn công tác quản lý ruộng đất ở mỗi cấp.

I. XÁC ĐỊNH PHẠM VI HOẠT ĐỘNG

Căn cứ theo điều 2 Nghị định số 70-CP ngày 09-12-1960 của Phủ Thủ tướng đã quy định:

“Cơ quan quản lý ruộng đất có nhiệm vụ giúp Bộ Nông nghiệp quản lý việc mở mang, sử dụng và cải tạo ruộng đất trong nông nghiệp”.

Như vậy, phạm vi hoạt động của các cơ quan quản lý ruộng đất thuộc hệ thống ngành Nông nghiệp chỉ bao gồm các ruộng đất dùng trong nông nghiệp. Cụ thể:

- Các loại đất, ruộng đang canh tác.

- Các loại đất trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, đất vườn và các đất thổ cư xen lẫn với ruộng đất nông nghiệp.

- Các loại đất hoang, đồi hoang có khả năng trồng trọt, hoặc chăn nuôi.

- Các đồng cỏ, các vùng chăn nuôi,

- Các hồ, ao xen lẫn với ruộng đất nông nghiệp.

II. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

1. Các thành phố trực thuộc các tỉnh

- Điều tra, đo đạc và tổng hợp, xác minh các kết quả điều tra, đo đạc của các huyện, xã, xây dựng các loại bản đồ về ruộng đất trong nông nghiệp; thường xuyên chỉnh lý bản đồ cho phù hợp với các sự thay đổi về hình thế ruộng đất, về tình hình canh tác và tình hình tiến hành cải tạo đất cho từng huyện và toàn thành phố, tỉnh.

- Tổng hợp, xác minh và quản lý các số liệu thống kê diện tích ruộng đất, các số liệu về phân loại đất.

- Quản lý việc thi hành các luật lệ, thể lệ chính sách và quản lý ruộng đất trong phạm vi quyền hạn quy định trong các luật lệ, thể lệ của Nhà nước về quản lý ruộng đất.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các công tác nghiệp vụ và việc thi hành các luật lệ, thể lệ, chính sách quản lý ruộng đất ở các huyện, xã. Giúp đỡ cho các huyện trong việc vẽ, in bản đồ cho các xã.

2. Khu tự trị Thái Mèo

Ngoài những nhiệm vụ công tác quản lý ruộng đất như đã quy định ở trên đối với các thành phố trực thuộc và các tỉnh, khu tự trị Thái Mèo còn có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng các chính sách cho thích hợp với đặc điểm tình hình của khu tự trị.

3. Khu tự trị Việt Bắc  

- Tổng hợp, xác minh các kết quả điều tra, đo đạc của các tỉnh, xây dựng các loại bản đồ về ruộng đất trong toàn khu; thường xuyên chỉnh lý bản đồ cho phù hợp với các sự thay đổi về hình thế ruộng đất, về tình hình canh tác và tình hình tiến hành cải tạo đất trong toàn khu.

- Tổng hợp, xác minh và quản lý các số liệu thống kê diện tích ruộng đất, các số liệu về phân loại đất.

- Quản lý việc thi hành các luật lệ, thể lệ, chính sách về quản lý ruộng đất trong phạm vi quyền hạn quy định trong luật lệ, thể lệ của Nhà nước về quản lý ruộng đất.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các công tác nghiệp vụ và việc thi hành các luật lệ, thể lệ, chính sách quản lý ruộng đất ở các tỉnh.

- Nghiên cứu, xây dựng các chính sách, thể lệ về quản lý ruộng đất cho thích hợp với đặc điểm tình hình của khu tự trị.

4. Các châu, các huyện

- Điều tra, đo đạc và tổng hợp, xác minh các kết quả điều tra, đo đạc của các xã, xây dựng các loại bản đồ về ruộng đất trong nông nghiệp; thường xuyên chỉnh lý bản đồ vẽ cho phù hợp với các sự thay đổi về hình thế ruộng đất, về quyền sở hữu sử dụng ruộng đất, về tình hình canh tác và tình hình tiến hành cải tạo đất cho từng xã trong huyện.

- Thẩm tra và xét duyệt các bản đồ giải thửa, sổ địa bạ, thống kê của các xã.

- Tổng hợp, xác minh và quản lý số liệu thống kê diện tích ruộng đất, các số liệu về phân loại đất.

- Quản lý việc thi hành các luật lệ, thể lệ, chính sách về quản lý ruộng đất trong phạm vi quyền hạn quy định trong các luật lệ, thể lệ của Nhà nước về quản lý ruộng đất.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các công tác nghiệp vụ và việc thi hành các luật lệ, thể lệ, chính sách quản lý ruộng đất ở các xã.

5. Các xã

- Cấp xã là nơi cung cấp những tài liệu, số liệu cơ bản để trên cơ sở đó mà xây dựng các bản đồ, các số liệu thống kê của huyện, tỉnh, khu và toàn quốc. Nhiệm vụ, quyền hạn quản lý ruộng đất của cấp xã:

- Điều tra, đo đạc, xây dựng các bản đồ giải thửa và sổ địa bạ, sổ thống kê về ruộng đất; thường xuyên chỉnh lý bản đồ, sổ địa bạ và sổ thống kê cho phù hợp với các sự thay đổi về hình thể ruộng đất, về quyền sở hữu sử dụng ruộng đất, về tình hình canh tác, tình hình phân loại ruộng đất và tình hình tiến hành cải tạo đất.

- Quản lý các số liệu thống kê diện tích ruộng đất, các số liệu về phân loại đất.

- Quản lý việc thi hành các luật lệ, thể lệ, chính sách về quản lý ruộng đất trong phạm vi quyền hạn quy định trong các luật lệ, thể lệ của Nhà nước về quản lý ruộng đất. Hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng ruộng đất ở các hợp tác xã.

Việc quản lý ruộng đất đang còn là một công tác mới mẻ, trên đây mới chỉ là những quy định bước đầu để đưa dần công tác vào nề nếp. Trong quá trình thực hiện các khu, thành, tỉnh sẽ góp ý kiến bổ sung làm cho công tác quản lý ruộng đất ngày càng phát triển và đạt nhiều kết quả tốt.

Về các luật lệ, thể lệ, chính sách quản lý ruộng đất, Bộ đang nghiên cứu xây dựng trình Hội đồng Chính phủ.

 

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG


 

 
Phan Văn Chiêu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 016-NN/CT năm 1961 về nhiệm vụ công tác quản lý ruộng đất ở địa phương do Bộ Nông nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 016-NN/CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 16/03/1961
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp
  • Người ký: Phan Văn Chiêu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản