Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-UBND

Đồng Hới, ngày 11 tháng 01 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TỔ CHỨC QUẢN LÝ, VẬN HÀNH CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC TẬP TRUNG NÔNG THÔN

Thực hiện Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, từ năm 1999 đến nay, đã có 62 % dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, 50 % hộ gia đình nông thôn có hố xí hợp vệ sinh; cảnh quan môi trường nông thôn “Xanh - sạch - đẹp” đang xuất hiện ở nhiều làng, xã; hành vi vệ sinh cá nhân ở vùng nông thôn có nhiều tiến bộ; việc tổ chức quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung đã được chú trọng.

Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra 30 công trình cấp nước tập trung trong năm 2005 ở các huyện, thành phố, cho thấy chất lượng các công trình cấp nước còn thấp, chất lượng nước chưa được kiểm soát chặt chẽ, công tác tổ chức quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung còn yếu, kém hiệu quả; một số nơi còn buông lỏng. Phần vốn do người hưởng lợi đóng góp để xây dựng tuyến dẫn nước từ trục chính vào hộ gia đình không thu đủ, nên nhiều công trình không sử dụng hết công suất… thậm chí một số công trình mới đưa vào phục vụ trong thời gian ngắn đã bị hư hỏng, ngừng hoạt động gây lãng phí trong đầu tư và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững các công trình cấp nước tập trung, thực hiện Chỉ thị số 105/2006/CT-BNN ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường tổ chức quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai và chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã triển khai thực hiện một số công việc sau:

Những công trình cấp nước tập trung xây dựng xong đã bàn giao cho địa phương nhưng chưa có tổ chức quản lý vận hành phải thành lập ngay tổ chức quản lý vận hành, không để tình trạng có công trình nhưng không có chủ quản lý. Mô hình tổ chức có thể là tổ, đội quản lý (do người hưởng lợi lựa chọn); hợp tác xã dịch vụ nước hoặc giao cho các đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Thanh niên… tùy thuộc vào quy mô và điều kiện cụ thể của địa phương. Xây dựng cơ chế tài chính đảm bảo hoạt động của tổ chức quản lý vận hành đủ trang trải, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Những công trình đã có tổ chức quản lý vận hành, cần rà soát lại mô hình và cơ chế hoạt động, điều chỉnh những hạn chế về năng lực, trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế tài chính; đảm bảo tổ chức quản lý vận hành khai thác hiệu quả các công trình; đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ vận hành bảo dưỡng công trình.

Thường xuyên kiểm tra sửa chữa kịp thời các hư hỏng của công trình. Đối với các công trình lấy nước tự chảy, sau các đợt mưa lũ tổ chức kiểm tra nạo vét cát sạn, rác bồi lấp tại cửa nhận nước để công trình hoạt động bình thường.

Ủy ban nhân dân các xã có công trình tổ chức quản lý khai thác vận hành công trình, xây dựng đơn giá tiền nước theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý trình Hội đồng nhân dân xã phê chuẩn và ban hành để làm căn cứ thu tiền sử dụng nước của người sử dụng. Trường hợp thu không đủ chi, cân đối trong ngân sách sự nghiệp kinh tế của xã để cấp bù cho các tổ chức quản lý vận hành.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn, giúp đỡ các xã xây dựng đơn giá tiền nước, tính đủ và hợp lý các chi phí quản lý vận hành, bảo dưỡng.

Việc xây dựng mới các công trình cấp nước tập trung và công trình vệ sinh phải xuất phát từ nhu cầu người sử dụng. Người sử dụng nước phải được tham gia vào các khâu từ lập kế hoạch, xây dựng, giám sát và quản lý vận hành để làm chủ hoặc tham gia làm chủ đầu tư xây dựng, đồng thời có phương án quản lý vận hành có hiệu quả, bền vững công trình. 100 % số hộ sử dụng nước phải cam kết đóng góp vốn xây dựng theo mức vốn phân bổ của dự án.

Ủy ban nhân dân huyện, thành phố kiểm tra kết quả thu nộp phần vốn góp của các hộ dân, chỉ cho khởi công xây dựng khi phần vốn góp đã nộp đủ.

Ủy ban nhân dân các xã được giao làm chủ đầu tư xây dựng phải bố trí người am hiểu về xây dựng và giao nhiệm vụ cụ thể; thường xuyên liên hệ với các cơ quan chuyên ngành tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn kiểm tra về kỹ thuật xây dựng, về chuyên môn nghiệp vụ khác.

Định kỳ hằng năm hoặc đột xuất lấy mẫu nước phân tích, kiểm tra chất lượng nước theo Tiêu chuẩn 09/2005/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn hướng dẫn các mô hình tổ chức quản lý khai thác, vận hành bảo dưỡng công trình, công nghệ xử lý nước, công trình cấp nước tập trung, lập kế hoạch xây dựng, sửa chữa các công trình hằng năm, phối hợp với Ngân hàng Chính sách bố trí vốn đủ cho các hộ dân vay xây dựng công trình nếu có nhu cầu.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, hướng dẫn; đồng thời báo cáo thường xuyên Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ NN&PTNN;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các P.CT tỉnh;
- Các sở, NN&PTNT, KHĐT, XD;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh
- Báo QB, Đài PTTH QB;
- Lưu VT, XDCB.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hoài

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2007 về tăng cường công tác tổ chức quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn do tỉnh Quảng Bình ban hành

  • Số hiệu: 01/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/01/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Nguyễn Hữu Hoài
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản