Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2012/CT-UBND

Vị Thanh, ngày 04 tháng 01 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 80/2011/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 9 NĂM 2011 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CHẤP HÀNH XONG ÁN PHẠT TÙ

Để đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù nhằm quản lý, giáo dục, giúp đỡ người đặc xá, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các

Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Công an tỉnh:

a) Phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ đến các ngành, các cấp và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

b) Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

c) Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn Công an các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân khác theo quy định của pháp luật.

d) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

đ) Chỉ đạo Cơ quan thi hành án hình sự trong lực lượng Công an toàn tỉnh theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu tổng hợp số liệu, tình hình, đánh giá kết quả thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, số người điển hình tiên tiến tái hòa nhập cộng đồng, số người không về nơi cư trú, số người tái phạm tội và vi phạm pháp luật trong phạm vi địa phương mình quản lý; tổng hợp, báo cáo đề xuất Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện.

e) Chỉ đạo Công an cấp huyện làm tốt công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

b) Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù; quan tâm giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho những người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang:

Chủ động phối hợp Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp và các đoàn thể tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân các nội dung quy định tại Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc giúp đỡ, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sự đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân trong suốt quá trình thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ.

4. Sở Tư pháp:

Phối hợp Công an tỉnh và các ngành có liên quan trong việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền quy định.

5. Sở Công thương:

Vận động, kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, Hợp tác xã công nghiệp, thương mại, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh tiếp nhận, giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù.

6. Sở Tài chính:

Căn cứ vào các quy định hiện hành trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí kinh phí đảm bảo cho việc thực hiện các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

7. Trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan:

Các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

8. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:

a) Tổ chức quán triệt nội dung Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ và Chỉ thị này đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các ngành có liên quan. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện nhiệm vụ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù về địa phương.

b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, phòng, chống tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

c) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các ngành; đồng thời phối hợp với đoàn thể, các tổ chức xã hội quan tâm tạo điều kiện tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể:

Phối hợp chặt chẽ với các cấp Chính quyền và các ban, ngành chức năng tuyên truyền, vận động toàn dân tích cực tham gia thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ gắn liền với phong trào “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc”.

10. Trách nhiệm của gia đình người chấp hành xong án phạt tù:

a) Quản lý, giáo dục, động viên, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù xóa bỏ mặc cảm; tích cực lao động, học tập và tham gia các hoạt động xã hội, ổn định cuộc sống; hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người chấp hành xong án phạt tù tiếp tục thực hiện đầy đủ các hình phạt bổ sung, án phí, bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ dân sự khác (nếu có).

b) Phối hợp với chính quyền, các cơ quan, tổ chức quần chúng và nhân dân địa phương trong việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; kịp thời phát hiện, thông báo cho chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương về những biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật của người chấp hành xong án phạt tù.

11. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.

Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc các Sở; Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

Giao Công an tỉnh làm đầu mối thông tin báo cáo, phối hợp với các Sở, ngành tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ 06 tháng, hàng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các khó khăn, vướng mắc, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ .

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị, có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Công an tỉnh) để có hướng chỉ đạo kịp thời./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Công Chánh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 01/2012/CT-UBND về tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 80/2011/NĐ-CP quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù do tỉnh Hậu Giang ban hành

  • Số hiệu: 01/2012/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/01/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: Trần Công Chánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/01/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản