Hệ thống pháp luật

Chương 3 Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Chương III

CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG, NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG

Điều 34. Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng

1. Cơ quan tiến hành tố tụng gồm:

a) Cơ quan điều tra;

b) Viện kiểm sát;

c) Tòa án.

2. Người tiến hành tố tụng gồm:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra;

b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;

c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên.

Điều 35. Cơ quan và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

1. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm:

a) Các cơ quan của Bộ đội biên phòng;

b) Các cơ quan của Hải quan;

c) Các cơ quan của Kiểm lâm;

d) Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển;

đ) Các cơ quan của Kiểm ngư;

e) Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

g) Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Các cơ quan cụ thể được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại khoản này được quy định tại Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

2. Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm:

a) Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đồn trưởng, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng; Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng;

b) Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Hải quan gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu;

c) Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Kiểm lâm gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm;

d) Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của lực lượng Cảnh sát biển gồm Tư lệnh, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển; Tư lệnh vùng, Phó Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật; Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn trưởng, Phó Hải đoàn trưởng; Hải đội trưởng, Phó Hải đội trưởng; Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển;

đ) Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Kiểm ngư gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;

e) Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của các cơ quan khác trong Công an nhân dân gồm Giám đốc, Phó giám đốc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân, Giám thị, Phó Giám thị Trại giam theo quy định của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự;

g) Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân gồm Giám thị, Phó Giám thị Trại giam; Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương.

h) Cán bộ điều tra thuộc các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 36. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra

1. Thủ trưởng Cơ quan điều tra có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra;

b) Quyết định phân công hoặc thay đổi Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiểm tra việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra.

c) Quyết định phân công hoặc thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra; kiểm tra các hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Điều tra viên, Cán bộ điều tra; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Điều tra viên.

d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra.

Khi vắng mặt, Thủ trưởng Cơ quan điều tra ủy quyền cho một Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Phó Thủ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng về nhiệm vụ được ủy quyền.

2. Khi tiến hành tố tụng hình sự, Thủ trưởng Cơ quan điều tra có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định khởi tố, không khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can; quyết định nhập hoặc tách vụ án; quyết định ủy thác điều tra;

b) Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của Bộ luật này;

c) Quyết định truy nã, đình nã bị can, khám xét, thu giữ, tạm giữ, xử lý vật chứng;

d) Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, khai quật tử thi, thực nghiệm điều tra, thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định. Yêu cầu định giá, định giá lại tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản.

đ) Trực tiếp kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và tiến hành các biện pháp điều tra;

e) Kết luận điều tra vụ án;

g) Quyết định tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra, phục hồi điều tra vụ án, bị can;

h) Ra các lệnh, quyết định và tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra.

3. Khi được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của mình.

4. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không được ủy quyền cho Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Điều 37. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên

1. Điều tra viên được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Trực tiếp kiểm tra, xác minh và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm;

b) Lập hồ sơ vụ án hình sự;

c) Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật;

d) Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự;

đ) Quyết định áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can; quyết định dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại; quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát; quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội;

e) Thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, xử lý vật chứng;

g) Tiến hành khám nghiệm hiện trường, khai quật tử thi, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra;

h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra theo quy định của Bộ luật này.

2. Điều tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra về hành vi, quyết định của mình.

Điều 38. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra

1. Cán bộ điều tra thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây theo sự phân công của Điều tra viên:

a) Ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác khi Điều tra viên tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự;

b) Giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

c) Giúp Điều tra viên trong việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, hồ sơ vụ án và thực hiện hoạt động tố tụng khác.

2. Cán bộ điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên về hành vi của mình.

Điều 39. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

1. Cấp trưởng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 35 của Bộ luật này có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Trực tiếp chỉ đạo hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự theo thẩm quyền;

b) Quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó, cán bộ điều tra trong việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự;

c) Kiểm tra hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của cấp phó và cán bộ điều tra;

d) Quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, cán bộ điều tra;

đ) Quyết định giao người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi cho người đại diện của họ giám sát.

Khi vắng mặt, cấp trưởng ủy quyền cho một cấp phó được thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng. Cấp phó chịu trách nhiệm trước cấp trưởng về nhiệm vụ được ủy quyền. Cấp trưởng, cấp phó không được ủy quyền cho cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

2. Khi tiến hành tố tụng hình sự đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng, những người quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 35 của Bộ luật này có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật từ những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm;

b) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định khởi tố, không khởi tố, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án; quyết định khởi tố, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can;

c) Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc khám nghiệm hiện trường;

d) Quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản; quyết định khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án;

đ) Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai bị hại, đương sự; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố; triệu tập và lấy lời khai người làm chứng; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;

e) Quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này;

g) Kết luận điều tra, đề nghị truy tố hoặc kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra; quyết định tạm đình chỉ điều tra; quyết định phục hồi điều tra.

3. Khi tiến hành tố tụng hình sự đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp, những người được quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 35 của Bộ luật này có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật từ những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm;

b) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định khởi tố, không khởi tố, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án;

c) Quyết định khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án;

d) Triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đương sự.

4. Cán bộ điều tra có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm; lấy lời khai của những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm;

b) Lập hồ sơ vụ án hình sự;

c) Hỏi cung bị can; lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người làm chứng, bị hại, đương sự;

d) Tiến hành khám nghiệm hiện trường; thi hành lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án.

5. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Cấp trưởng, cấp phó không được ủy quyền cho cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Điều 40. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

1. Cấp trưởng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại điểm e và điểm g khoản 2 Điều 35 của Bộ luật này có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Trực tiếp chỉ đạo hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự theo thẩm quyền;

b) Quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó, cán bộ điều tra trong việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự;

c) Kiểm tra hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của cấp phó và cán bộ điều tra;

d) Quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, cán bộ điều tra.

Khi cấp trưởng vắng mặt, một cấp phó được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng và chịu trách nhiệm trước cấp trưởng về nhiệm vụ được ủy quyền.

2. Khi tiến hành tố tụng hình sự, những người được quy định tại điểm e và điểm g khoản 2 Điều 35 của Bộ luật này có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật từ những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm;

b) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; quyết định khởi tố, không khởi tố, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án;

c) Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc khám nghiệm hiện trường;

d) Quyết định khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án;

đ) Triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người làm chứng, bị hại, đương sự.

3. Cán bộ điều tra có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm; lấy lời khai của những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm;

b) Lập hồ sơ vụ án hình sự;

c) Lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người làm chứng, bị hại, đương sự;

d) Tiến hành khám nghiệm hiện trường; thi hành lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án;

đ) Giao, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.

4. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Cấp trưởng, cấp phó không được ủy quyền cho cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Điều 41. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát

1. Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự;

b) Quyết định phân công hoặc thay đổi Phó Viện trưởng Viện kiểm sát; kiểm tra hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát;

c) Quyết định phân công hoặc thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; kiểm tra hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Kiểm sát viên;

d) Quyết định rút, đình chỉ hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Viện kiểm sát cấp dưới;

đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.

Khi vắng mặt, Viện trưởng Viện kiểm sát ủy quyền cho một Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát về nhiệm vụ được ủy quyền.

2. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự, Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; quyết định khởi tố, không khởi tố, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật này;

b) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; quyết định khởi tố, không khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can; quyết định nhập, tách vụ án;

c) Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; quyết định việc gia hạn kiểm tra và xác minh nguồn tin về tội phạm, gia hạn tạm giữ, gia hạn điều tra, gia hạn tạm giam, gia hạn truy tố;

d) Quyết định khám xét, thu giữ, tạm giữ, xử lý vật chứng;

đ) Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định. Yêu cầu định giá, định giá lại tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản;

e) Yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra, cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra;

g) Phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định, lệnh của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

h) Quyết định hủy bỏ các quyết định, lệnh không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

i) Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra; quyết định chuyển vụ án;

k) Quyết định áp dụng, đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh;

l) Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn hoặc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn;

m) Quyết định truy tố bị can, trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc điều tra lại;

n) Yêu cầu phục hồi điều tra; quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; quyết định phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra đối với bị can, phục hồi vụ án, phục hồi vụ án đối với bị can;

o) Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật này;

p) Thực hiện quyền kiến nghị theo quy định của pháp luật;

q) Ban hành quyết định, lệnh và tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.

3. Khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của mình.

4. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát không được ủy quyền cho Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Điều 42. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên

1. Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm của cơ quan, người có thẩm quyền;

b) Trực tiếp giải quyết và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm;

c) Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; kiểm sát việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc lập hồ sơ vụ án của cơ quan, người có thẩm quyền điều tra; kiểm sát hoạt động khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

d) Trực tiếp kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, khám xét;

đ) Kiểm sát việc tạm đình chỉ, phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; việc tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra, phục hồi điều tra, kết thúc điều tra;

e) Đề ra yêu cầu điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã, đình nã bị can;

g) Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, người làm chứng, bị hại, đương sự; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;

h) Quyết định áp giải người bị bắt, bị can; quyết định dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại; quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát; quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội;

i) Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật này;

k) Yêu cầu thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, đề nghị thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật;

l) Tiến hành tố tụng tại phiên tòa; công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn, các quyết định khác của Viện kiểm sát về việc buộc tội đối với bị cáo; xét hỏi, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, luận tội, tranh luận, phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa, phiên họp;

m) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử của Tòa án và những người tham gia tố tụng; kiểm sát bản án, quyết định và các văn bản tố tụng khác của Tòa án;

n) Kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án;

o) Thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị theo quy định của pháp luật;

p) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật này.

2. Kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng Viện kiểm sát, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát về hành vi, quyết định của mình.

Điều 43. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm tra viên

1. Kiểm tra viên thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây theo sự phân công của Kiểm sát viên:

a) Ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác trong tố tụng hình sự;

b) Giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

c) Giúp Kiểm sát viên trong việc lập hồ sơ kiểm sát, hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm và tiến hành hoạt động tố tụng khác.

2. Kiểm tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên về hành vi của mình.

Điều 44. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án

1. Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Trực tiếp tổ chức việc xét xử vụ án hình sự; quyết định giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử;

b) Quyết định phân công Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết, xét xử vụ án hình sự; quyết định phân công Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự; quyết định phân công Thẩm tra viên thẩm tra hồ sơ vụ án hình sự;

c) Quyết định thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa;

d) Ra quyết định thi hành án hình sự;

đ) Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù;

e) Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù;

g) Quyết định xoá án tích;

h) Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Khi vắng mặt, Chánh án Tòa án ủy quyền cho một Phó Chánh án Tòa án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án. Phó Chánh án Tòa án phải chịu trách nhiệm trước Chánh án Tòa án về nhiệm vụ được ủy quyền.

2. Khi tiến hành việc giải quyết vụ án hình sự, Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam, xử lý vật chứng;

b) Quyết định áp dụng, đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh;

c) Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn hoặc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn;

d) Kiến nghị, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;

đ) Quyết định và tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án;

e) Tiến hành hoạt động tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.

3. Khi được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự, Phó Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. Phó Chánh án Tòa án không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của mình.

4. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án không được ủy quyền cho Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Điều 45. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm phán

1. Thẩm phán được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa;

b) Tiến hành xét xử vụ án;

c) Tiến hành hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử;

d) Tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.

2. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này và những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ biện pháp tạm giam;

b) Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c) Quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án;

d) Điều hành việc xét xử vụ án, tranh tụng tại phiên tòa;

đ) Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản;

e) Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật;

g) Quyết định triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa;

h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án theo quy định của Bộ luật này.

3. Thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

Điều 46. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Hội thẩm

1. Hội thẩm được phân công xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa;

b) Tiến hành xét xử vụ án;

c) Tiến hành hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử.

2. Hội thẩm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

Điều 47. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thư ký Tòa án

1. Thư ký Tòa án được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án triệu tập; nếu có người vắng mặt thì phải nêu lý do;

b) Phổ biến nội quy phiên tòa;

c) Báo cáo Hội đồng xét xử danh sách những người được triệu tập đến phiên tòa và những người vắng mặt;

d) Ghi biên bản phiên tòa;

đ) Tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.

2. Thư ký Tòa án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chánh án Tòa án về hành vi của mình.

Điều 48. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm tra viên

1. Thẩm tra viên được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Thẩm tra hồ sơ vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo sự phân công của Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án;

b) Kết luận việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra với Chánh án Tòa án hoặc Phó Chánh án Tòa án;

c) Thẩm tra viên giúp Chánh án Tòa án thực hiện nhiệm vụ về công tác thi hành án thuộc thẩm quyền của Tòa án và nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án hoặc Phó Chánh án Tòa án.

2. Thẩm tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chánh án, Phó Chánh án Tòa án về hành vi của mình.

Điều 49. Các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

1. Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

2. Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;

3. Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Điều 50. Người có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

1. Kiểm sát viên.

2. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện của họ.

3. Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự.

Điều 51. Thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra

1. Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này;

b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên hoặc Thư ký Tòa án.

2. Việc thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra do Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định.

Điều tra viên bị thay đổi là Thủ trưởng Cơ quan điều tra thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì việc điều tra vụ án do Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp tiến hành.

Điều 52. Thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên

1. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này;

b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên hoặc Thư ký Tòa án.

2. Việc thay đổi Kiểm sát viên trước khi mở phiên tòa do Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp được phân công giải quyết vụ án quyết định.

Kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm sát thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định.

Trường hợp phải thay đổi Kiểm sát viên tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa.

Điều 53. Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm

1. Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này;

b) Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau;

c) Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.

2. Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm trước khi mở phiên tòa do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án được phân công giải quyết vụ án quyết định.

Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì do Chánh án Tòa án trên một cấp quyết định.

Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định trước khi bắt đầu xét hỏi bằng cách biểu quyết tại phòng nghị án. Khi xem xét thay đổi thành viên nào thì thành viên đó được trình bày ý kiến của mình, Hội đồng quyết định theo đa số.

Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa.

Điều 54. Thay đổi Thư ký Tòa án

1. Thư ký Tòa án phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này;

b) Đã tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.

2. Việc thay đổi Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án được phân công giải quyết vụ án quyết định.

Việc thay đổi Thư ký Tòa án tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định.

Trường hợp phải thay đổi Thư ký Tòa án tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm ngừng phiên tòa.

Bộ luật tố tụng hình sự 2015

  • Số hiệu: 101/2015/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 27/11/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1271 đến số 1272
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH