Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 0772TM/XNK

Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 2003

 

BÁO CÁO VỀ KẾT QUẢ HỌP GIAO BAN XUẤT KHẨU QUÝ I/2003

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức giao ban xuất khẩu tại văn bản số 3302/VPCP-KTTH ngày 14 tháng 06 năm 2002 của Văn phòng Chính phủ, ngày 27 tháng 03 năm 2003 Bộ Thương mại đã tổ chức Hội nghị giao ban xuất khẩu quý I/2003 tại Thành phố Hồ Chí Minh để đánh giá tình hình xuất khẩu I và việc triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu năm 2003. Tham dự Hội nghị có đại diện của các Bộ, ngành hữu quan, Sở Thương mại và các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các tỉnh phía Nam cùng một số Hiệp hội ngành hàng tiêu biểu. Hội nghị về cơ bản nhất trí với đánh giá và các kiến nghị nêu trong báo cáo của Bộ Thương mại. Bên cạnh đó, đại diện các Bộ, ngành, các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng đã nêu thêm một số ý kiến, chủ yếu để cụ thể hoá việc thực hiện các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng, và một số kiến nghị mới nhằm tháo gỡ một số vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu.

Trên cơ sở ý kiến Hội nghị, Bộ Thương mại xin tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

1. Về tình hình xuất khẩu quý I/2003:

Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đạt 3,044 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2002, trong đó nhiều mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao như cao su (+118%), cà phê (+40,7%), gạo (+322,5%), hạt điều (+67,5%), dầu thô (+73,5%), thủy sản (+33,2%), hàng dệt máy (+93,2%), giày dép (22,9%), hàng điện tử (21,6%). Ước kim ngạch xuất quý I đạt 4,66 tỷ USD, tăng 43% so với quý I năm 2002. Tình hình xuất khẩu quý I năm nay có một số điểm đáng lưu ý như sau:

- Tốc độ tăng trưởng trong những tháng đầu năm đạt mức cao là do xuất khẩu tiếp tục duy trì được đà của những tháng cuối năm 2002, trong khi cơ số so sánh là những tháng đầu năm có kim ngạch ở mức thấp của năm 2002. Tuy nhiên, do xuất khẩu năm 2002 bắt đầu hồi phục từ quý II và tình hình thị trường thế giới có những biến động theo chiếu hướng không thuận lợi, khó lường sau cuộc chiến Irắc nên dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luỹ kế trong những quý tiếp theo của năm nay sẽ có xu hướng giảm dần. Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành và sự cố gắng của doanh nghiệp, vẫn có khả năng sẽ đạt được mức phấn đấu 18,5 tỷ USD, tăng 11% so với kim ngạch xuất khẩu năm 2002.

- Xuất khẩu quý I có sự tăng trưởng khá đồng đều ở cả 3 khu vực: nhiên liệu khoáng sản (+58%), nông thuỷ sản (+32%), hàng công nghiệp chế biến (+50%) và giữa khối FDI (+52,4%) và khối trong nước (+34,4%). Về nông sản, ngoại trừ cà phê, hạt tiêu, rau quả, lạc nhân, các mặt hàng khác đều có lượng xuất khẩu tăng khá như cao su, gạo, hạt điều, chè. Riêng giá xuất khẩu bình quân của gạo giảm chủ yếu là do ta chuyển hướng xuất khẩu vào các thị trường khác ngoài Irắc nên giá bình quân đạt thấp hơn.

- Về thị trường xuất khẩu, nét nổi bật là kim ngạch vào tất cả các thị trường chủ lực đều có tăng trưởng, trong đó kim ngạch vào thị trường Hoa Kỳ sau 2 tháng đạt 590 triệu USD tăng 350% so với cùng kỳ năm 2002; xuất khẩu vào Châu Á tăng 35,6% (ASEAN + 78%, Nhật bản + 24%, Trung Quốc 11%), xuất khẩu vào các nước EU cũ tăng 30%, Australia +97%. Cơ cấu thị trường có sự chuyển dịch rất rõ theo hướng tỷ trọng của Hoa kỳ tiếp tục tăng nhanh (hiện đã chiếm tới 19,3% kim ngạch xuất khẩu) và trở thành thị trường lớn nhất của Việt Nam. Tỷ trọng của khu vực Châu Á có xu hướng giảm khá rõ, hiện chỉ chiếm khoảng 45% (tỷ trọng của Châu Á trong xuất khẩu năm 2001 là 56%, năm 2002 là 50%). Riêng xuất khẩu vào Irắc sau 2 tháng chỉ đạt 25,3 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2002.

Tại Hội nghị, Bộ Thương mại đã báo cáo tóm tắt về những tác động của cuộc chiến tại Irắc đối với hoạt động xuất khẩu của ta và lưu ý các doanh nghiệp đang xuất khẩu vào Irắc tiến hành các thủ tục cần thiết để thông báo tới Liên hợp quốc về tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu với Irắc; ngoài ra các doanh nghiệp cũng nên chủ động liên hệ với một số Đại sứ quán của các nước Pháp, Đức v.v... để tìm kiếm khả năng cung cấp hàng viện trợ cho Irắc. Bộ Thương mại sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình này.

Ngoài ra, Bộ Thương mại cũng đã phổ biến về các quy định mới của Cục Dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ liên quan đến xuất khẩu hàng thực phẩm vào Hoa Kỳ (như thủ tục đăng ký các cơ sở sản xuất, chế biến tham gia xuất khẩu vào Hoa Kỳ, thủ tục thông báo trước khi giao hàng) để các Sở Thương mại, các doanh nghiệp biết và thực hiện.

2. Về các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu năm 2003:

Để phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ xuất khẩu năm 2003, ngày từ đầu năm Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có sự chỉ đạo rất sâu sát và quyết liệt. Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Thương mại, ngày 20 tháng 01 năm 2003 Chính phủ đã ban hành văn bản số 78/CP-KTTH về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu năm 2003. Tại Hội nghị giao ban xuất khẩu, Bộ Thương mại đã báo cáo về tình hình triển khai các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép như công bố danh mục 18 mặt hàng được hưởng tín dụng hỗ trợ xuất khẩu năm 2003, đề xuất hướng xây dựng cơ chế thưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2003 và báo cáo về tình hình xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm. Hội nghị đã nêu các kiến nghị nhằm tháo gỡ những vướng mắc tồn đọng trong việc triển khai các giải pháp trên, trong đó một số kiến nghị đã được Bộ Thương mại và các Bộ, ngành hữu quan giải đáp ngay theo thẩm quyền. ngoài ra, có một số kiến nghị khác của Bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo, cụ thể như sau:

2.1. Về quy định đối với chi phí giao dịch, tiếp thị của các doanh nghiệp:

Đối với hoạt động giao dịch, tiếp thị của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính quy định mức chi phí tối đa đối với các hoạt động này không được vượt quá 7% tổng chi phí của doanh nghiệp. Theo ý kiến của Hội nghị, quy định nay là chưa hợp lý và hạn chế các hoạt động phát triển thị trường vì doanh nghiệp thuộc các ngành hàng, lĩnh vực khác nhau có nhu cầu đầu tư cho hoạt động xúc tiến thương mại không giống nhau, thậm chí ngay trong một doanh nghiệp thì chi phí cho hoạt động tiếp thị tại các thời điểm kinh doanh cũng khác nhau. Mặt khác, quy định này dẫn đến một nghịch lý là doanh nghiệp nào có tổng chi phí giảm thì chi phí giao dịch, tiếp thị cũng phải giảm theo.

Vì vậy, Bộ Thương mại kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu và điều chỉnh lại quy định trên theo hướng bãi bỏ mức quy định tối đa đối với các chi phí này hoặc nâng mức quy định tối đa và tính theo tỷ lệ doanh thu.

2.2. Về việc thanh toán qua ngân hàng trong hoạt động xuất khẩu:

Thời gian qua, các quy định về thuế GTGT đã được siết chặt hơn để hạn chế gian lận thương mại. Nghị định số 76/2002/NĐ-CP ngày 13 tháng 09 năm 2002 của Chính phủ quy định cơ sở kinh doanh xuất khẩu các hàng hoá, dịch vụ được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% phải thanh toán tiền bán hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản 1186/NHNN-QLNH ngày 1 tháng 11 năm 2002 hướng dẫn quyết định trên.

Tuy quy định này đã góp phần hạn chế tình trạng gian lận thương mại nhưng mặt khác cũng đã làm phát sinh một số vướng mắc trong xuất khẩu qua đường biên mâu, nhất là xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc. Thực tiễn hoạt động buôn bán với Trung Quốc thời gian qua cho thấy hình thức thanh toán qua ngân hàng mới chỉ chiếm khoảng 15-20% trong tổng kim ngạch giữa hai nước, còn lại đa phần là thanh toán theo các hình thức khác như hàng đổi hàng, thanh toán bằng tiền mặt, thanh toán theo hình thức tạm ứng v.v... Theo phản ảnh của khá nhiều doanh nghiệp thì việc thực hiện quy định về thanh toán qua ngân hàng có một số vướng mắc do phía đối tác Trung Quốc không muốn áp dụng hình thức này, chưa kể đến việc thanh toán qua ngân hàng sẽ làm phát sinh một số chi phí giao dịch (ước các khoản chi phí lên tới 0.3% kim ngạch xuất khẩu). Do có những vướng mắc này mà hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc cũng đã có dấu hiệu không nhộn nhịp như trước. (Theo số liệu hải quan, xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc sau 2 tháng đầu năm chỉ đạt 4 triệu USD, giảm 68%; kim ngạch thuỷ sản vào Trung Quốc sau 2 tháng đạt 14 triệu, giảm hơn 60% so với cùng kỳ).

Theo Bộ Thương mại, về lâu dài hoạt động thương mại nói chung, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu qua đường biên mậu, cần từng bước chuyên nghiệp hoá, trong đó có việc áp dụng phương  thức thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù trong hoạt động xuất nhập khẩu biên mậu hiệu nay, nhất là trong điều kiện việc hoàn khống thuế GTGT đã được bãi bỏ để hạn chế gian lận về thuế GTGT, Bộ Thương mại kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm thời có một cơ chế riêng đối với buôn bán qua đường biên mậu, cụ thể là xuất khẩu biên mậu được hưởng thuế suất thuế GTGT 0% đối với các hình thức thanh toán được quy định trong buôn bán biên giới với các nước láng giếng, không chỉ áp dụng đối với các trường hợp thanh toán qua ngân hàng.

2.3. Về phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp trên giá trị gia tăng:

Đề nghị Bộ Tài chính rà soát lại các quy định về việc áp dụng phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp trên giá trị gia tăng. Theo quy định của Bộ Tài chính, phương pháp thu này được áp dụng đối với một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện về kế toán, hoá đơn chứng từ để làm căn cứ tính thuế theo phương pháp khấu trừ. Do mức thuế phải nộp căn cứ vào mức doanh thu “khoán” nên phương thức này cũng dễ làm phát sinh một số kẽ hở khi doanh thu thực tế của đơn vị vượt quá mức “khoán” nhưng doanh nghiệp lại không báo cáo đầy đủ với cơ quan thuế. Do vậy, vô hình chung đã tạo ra sự không bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và các doanh nghiệp nộp thuế khoán trong cùng một ngành hàng kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến lưu thông hàng hoá trong nước và nhà nước cũng bị thất thu một lượng tiền thuế.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Thương mại kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát lại các quy định về việc áp dụng phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp trên giá trị gia tăng và việc tổ chức thực hiện thu thuế GTGT theo phương pháp này theo nguyên tắc bảo đảm thu đúng, thu đủ và công bằng đối với các doanh nghiệp được tính thuế GTGT theo phương pháp khác nhau.

2.4. Rà soát để giảm chi phí dịch vụ đầu vào đối với xuất khẩu:

Vấn đề chi phí dịch vụ đầu vào đối với hàng nhập khẩu đã được các Bộ, ngành và nhiều doanh nghiệp phản ảnh. Tại Nghị quyết số 05/2002/Nghị quyết-CP ngày 24 tháng 04 năm 2002 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với một số Bộ, ngành hữu quan tiến hành rà soát lại các chi phí này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện chủ trương trên của Chính phủ, từ 1 tháng 4 năm 2003, Bộ Bưu chính, Viễn thông sẽ áp dụng giảm giá cước đối với một loạt các dịch vụ viễn thông, trong dó có cước dịch vụ điện thoại quốc tế, cước truy cập Internet, cước hoà mạng và thông tin điện thoại di động. Đây là đợt giảm giá có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của ngành bưu chính viễn thông nhằm rút ngắn bộ trình đưa giá cước viễn thông của ta xuống mức bằng và thấp hơn so với một số nước trong khu vực.

Tuy nhiên, việc rà soát một số loại chi phí dịch vụ khác vẫn chưa hoàn thành và nhìn chung chi phí dịch vụ đầu vào ở mức cao tiếp tục là một vấn đề bức xúc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Tại Hội nghị, Công ty may Việt Tiến đã nêu 12 loại chi phí dịch vụ mà các doanh nghiệp đang phải chịu, trong đó có những chi phí ở mức rất cao (đối với vận tải đường biển và đường không) như sau:

 

STT

Loại chi phí

Mức phí

Cơ quan thu phí

1

Phí CFS (hàng lẻ), đối với cả hàng bằng xuất và nhập

10 USD/m3

Đại lý chủ tàu

2

Phí lưu kho bãi và phí lưu container:

- Loại 20 feet:

 

- Loại 40 feet:

 

- 5 USD/1x20”/7 ngày đầu và 10 USD/ngày kể từ ngày thứ 8.

- 10USD/1x40”/7 ngày đầu và 20 USD/ngày kể từ ngày thứ 8

Cơ quan cảng

3

Phí nâng hạ container:

- Loại 20”

- Loại 40”

 

- 300.000-360.000VND

- 500.000-650.000VND

Cơ quan cảng

4

Phí vệ sinh container:

- Loại 20”

- Loại 40”

 

- 20.000-30.000VND

- 30.000-60.000 VND

Đơn vị có vỏ container (đại lý tàu)

5

Phí đại lý

10-30USD cho 1 lô hàng

Đại lý chủ tàu

6

Phí chứng từ

20-35USD cho 1 lô hàng

Đại lý giao nhận

7

Phí THC (phí điều hành bến bãi)

- 30USD/l container 20”

- 50USD/l container 40”

Cảng, nhà kinh doanh bến bãi

8

Phụ phí xăng dầu (FAF)

- 30USD/l container 20”

- 60USD/l container 40”

- Hàng lẻ 2,5 USD/m3

Chủ tàu

9

Phí khai báo Manifest (áp dụng đối với hàng sang Hoa Kỳ)

30-40USD/1 lô hàng

Đại lý giao nhận

10

Phí lao vị, phí TCS ở sân bay

0,06USD/kg

Công ty TM-DV hàng hoá sân bay Tân Sơn Nhất (độc quyền)

11

Phí lưu kho sân bay

1.200VND/kg

Dịch vụ mặt đất hàng không

12

Phí soi hàng, phí an ninh

230VND/kg

An ninh hàng không

Theo phản ảnh của doanh nghiệp, các loại phí nêu trên thu ở nhiều mức khác nhau tuỳ thuộc vào từng đại lý, hãng tàu và không theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước.

Đối với vận tải đường bộ, một số doanh nghiệp phản ảnh mức thu phí theo quy định tại Thông tư số 109/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính về chế độ thu, quản lý, sử dụng phí giao thông đường bộ là chưa hợp lý. Chẳng hạn mức thu 80.000 đồng/lượt qua trạm thu phí đối với xe tải từ 18 tấn trở lên là quá cao (tăng thêm 20.000 đồng so với trước), mặt khác có những trạm thu phí trên cùng một tuyến đường cách nhau không đủ 70km như quy định tại Thông tư (như trên đường 5, trạm Quán Toan cách trạm Hải Dương chỉ có 30 km) làm cho doanh nghiệp bị đội chi phí vận tải.

Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những phản ảnh trên của doanh nghiệp về đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khân trương tổ chức rà soát các chi phí dịch vụ đầu vào đối với hàng xuất khẩu theo tnh thần Nghị quyết số 05/2002 của Chính phủ. Theo Bộ Thương mại, cần có đoàn kiểm tra thực tế, không nên dựa vào báo cáo của các cơ sở cung cấp dịch vụ. Kết quả kiểm tra cũng nên được công bố công khai trên báo chí cho các doanh nghiệp biết. Các loại phí cần được rà soát kỹ là phí ở cảng, phí ở các tỉnh biên giới và lệ phí cầu đường trên một số trục đường chính, hàng xuất khẩu thường đi qua. Thậm chí, sau khi tổ chức khảo sát có thể áp dụng các biện pháp “cứng” buộc doanh nghiệp đối với quản lý, thực hành tiết kiệm để giảm giá và phí dịch vụ.

2.5. Về cải cách thủ tục hải quan:

Về vấn đề tỷ giá tính thuế nhập khẩu, theo quy định hiện hành, tỷ giá giữa đồng Việt Nam với ngoại tệ của ngày đăng ký tờ khai sẽ là căn cứ để tính thuế nhập khẩu. Theo phản ảnh của doanh nghiệp, quy định này có thể gây trở ngại hoặc chậm trễ trong việc làm thủ tục hải quan để giải phóng hàng là nguyên phụ liệu sản xuất hàng xuất khẩu do doanh nghiệp phải chờ ngân hàng công bố tỷ giá mới đăng ký tờ khai được (việc kê khai phải thực hiện bằng máy tính, không được ghi tay). Để xử lý vướng mắc này, doanh nghiệp kiến nghị Tổng cục Hải quan xem xét việc lấy tỷ giá của ngày hôm trước ngày đăng ký tờ khai, hoặc cho phép ghi tay để tính thuế nhập khẩu đối với loại hình nhập nguyên phụ liệu để giải phóng hàng nhanh phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.

Về vấn đề cưỡng chế thuế nhập khẩu, doanh nghiệp phản ảnh có trường hợp đã nộp đủ thuế nhập khẩu tại kho bạc trước thời hạn rất lâu nhưng vẫn bị cưỡng chế trên mạng vi tính của Hải quan, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Để tiếp tục cải cách thủ tục hải quan theo hướng gọn nhẹ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bộ Thương mại kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Tổng cục hải quan nghiên cứu các ý kiến trên của doanh nghiệp để có hướng xử lý phù hợp, tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất hàng xuất khẩu.

2.6. Về việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ form A:

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ form A do Phòng Thương mại và Công nghiệp cấp cũng cần được cải tiến. Hiện nay, chỉ những bộ hồ sơ nào nộp trước 10h sáng mới được giải quyết và cấp giấy chứng nhận xuất xứ ngay trong ngày, các bộ hồ sơ nộp sau 10h đều phải chờ đến ngày hôm sau, gây chậm trễ cho doanh nghiệp trong việc hoàn thiện bộ chứng từ xuất khẩu phục vụ giao hàng và thanh toán. Ngoài ra, cán bộ giải quyết thủ tục cấp C/O đôi khi đưa ra những đòi hỏi không cần thiết (như yêu cầu doanh nghiệp xuất trình giấy phép đánh bắt cá) gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Vấn đề này, Bộ Thương mại sẽ làm việc cụ thể với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để kiểm tra lại tình hình cấp giấy chngs nhận xuất xứ form A nếu đúng như doanh nghiệp phản ảnh thì đề nghị bố trí thêm lực lượng hoặc cải tiến quy trình, rút ngắn hơn nữa thời gian cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho doanh nghiệp.

Trên đây là Báo cáo của Bộ Thương mại trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Hội nghị giao ban xuất khẩu quý I/2003 tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 27 tháng 03 năm 2003 vừa qua, Bộ Thương mại xin kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho ý kiến chỉ đạo.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI




Trương Đình Tuyển

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo số 0772TM/XNK ngày 2/04/2003 của Bộ Thương mại về việc báo cáo kết quả họp giao ban xuất khẩu quý 1/2003

  • Số hiệu: 0772TM/XNK
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 02/04/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại
  • Người ký: Trương Đình Tuyển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản