Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
TỔ CÔNG TÁC CỦA TTgCP

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 841/BC-TCTTTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2017

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ DO CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ GIAO 9 THÁNG NĂM 2017 VÀ KẾT QUẢ KIỂM TRA THÁNG 9 NĂM 2017

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ DO CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ GIAO 9 THÁNG 2017

Từ ngày 01/01/2017 đến 30/9/2017, có tổng số 15.360 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 8.670 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn: 7.474, quá hạn: 1.196); 6.690 nhiệm vụ chưa hoàn thành (trong hạn: 6.455, quá hạn: 235 - chiếm 3,2%, tăng 0,4% so với tháng trước) (có phụ lục kèm theo).

II. KẾT QUẢ KIỂM TRA CỦA TỔ CÔNG TÁC THÁNG 9 NĂM 2017

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy năm 2017 là năm cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Trong tháng 8 năm 2017, Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra 11 bộ quản lý chuyên ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ giao liên quan đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Trên cơ sở kết quả kiểm tra tháng 8 của Tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ triển khai thực hiện 8 nội dung để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành (Thông báo số 685/TB-TCTTTg ngày 31 tháng 8 năm 2017).

Để giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn tại, bất cập trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN), kiên quyết cắt giảm thủ tục, giấy phép, thời gian, chi phí, gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 9, Tổ công tác tiếp tục tiến hành 04 cuộc kiểm tra chuyên đề đối với các Bộ, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ giao liên quan đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Trước khi kiểm tra thực tế tại Hải Phòng và kiểm tra tại các Bộ, Tổ công tác đã có buổi làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp để nắm bắt đầy đủ thông thông tin một cách khách quan, toàn diện về những bật cập, hạn chế liên quan đến công tác KTCN hiện nay.

Tổ công tác xin báo cáo Chính phủ về kết quả kiểm tra như sau:

1. Kết quả kiểm tra thực tế về việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành

Tổ công tác đã kiểm tra thực tế tại điểm KTCN của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Hải quan Hải Phòng, Cơ quan Thú y vùng 2 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Công ty CP đầu tư phát triển cảng Đinh Vũ. Qua kiểm tra thực tế cho thấy:

- Trong 8 tháng đầu năm 2017, tại Chi cục Hải quan khu vực 3 - Cục Hải quan TP Hải Phòng có tổng số 77.984 tờ khai xuất nhập khẩu, trong đó có 23.508 tờ khai KTCN, chiếm tỉ lệ 36,4% trong tổng số tờ khai xuất nhập khẩu. Thời gian thực hiện thông quan hàng hóa, phần thủ tục hải quan chiếm 28% thời gian, còn 72% là thời gian liên quan đến quản lý, KTCN. Cụ thể: Thời gian làm thủ tục thông quan từ khi tiếp nhận tờ khai đến khi kết thúc kiểm tra chi tiết hồ sơ trung bình khoảng 46 phút đối với tờ khai luồng vàng và 1 tiếng 10 phút đối với tờ khai luồng đỏ. Nhưng đối với tờ khai mang hàng bảo quản để chờ kết quả KTCN thì thời gian từ khi mang bảo quản đến khi thông quan trung bình khoảng 304 tiếng (12,6 ngày);

- Một số quy định còn chồng chéo, xung đột, bất cập giữa các văn bản quy phạm pháp luật và cả văn bản hành chính do các Bộ ban hành, tạo ra những rào cản, giấy phép con mang tính co kéo lợi ích ngành, lợi ích cục bộ, dẫn đến một mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản; phải thực hiện nhiều thủ tục, KTCN của nhiều Bộ (tỷ lệ mặt hàng phải thực hiện 2 hoặc 3 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chiếm khoảng 58%), thậm chí của nhiều đơn vị thuộc cùng một Bộ;

- Việc thống nhất ban hành danh mục hàng hóa phải KTCN và gắn mã HS còn chậm; danh mục hàng hóa thuộc đối tượng KTCN còn nhiều, phạm vi rộng (khoảng 100.000 nghìn mặt hàng); nhiều mặt hàng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn đầy đủ; chưa đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, quản lý trên cơ sở đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, chưa chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm;

- Không thực hiện phân cấp cho các cơ quan chuyên môn ở địa phương trong tiếp nhận hồ sơ đăng ký và cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm xuất nhập khẩu dẫn đến hồ sơ “ùn tắc”, kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, gây phiền hà, tốn kém chi phí và giảm cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp;

- KTCN còn mang tính thủ tục, hồ sơ nhiêu khê, đòi hỏi phải xuất trình cả những giấy tờ không liên quan đến chất lượng hàng hóa (như: B/L, hóa đơn, packing list...); không kiểm tra mẫu, chỉ nộp hồ sơ, lấy kết quả hoặc kiểm tra bằng cảm quan, cảm tính, phụ thuộc nhiều vào chủ quan do chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn;

- Cách thức, phương pháp lấy mẫu kiểm tra, kiểm nghiệm chưa khoa học, còn mang tính hình thức, thủ tục; có trường hợp khi mở container để lấy mẫu kiểm tra, kiểm nghiệm không có sự giám sát, chứng kiến của cơ quan hải quan theo quy định; hầu hết mẫu kiểm tra, kiểm nghiệm do doanh nghiệp tự mang đến (mẫu xách tay), do đó mẫu kiểm tra, kiểm nghiệm không mang tính đại diện cho lô hàng xuất nhập khẩu, không bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước;

- Thực hiện việc KTCN đối với 100% lô hàng trong quá trình thông quan không phân biệt thời điểm nhập khẩu, chủ thể nhập khẩu, model hàng hóa đã từng kiểm tra hay chưa và không có loại trừ, kể cả hàng hóa điện tử, hàng tiêu dùng, thực phẩm từ Châu Âu, Mỹ, Nhật nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm rất thấp, dưới 0,1 %, các vi phạm chủ yếu về thủ tục hành chính (KTCN về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế: kiểm tra 407 lô hàng nhưng phát hiện có 2 lô; kiểm tra động vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: kiểm tra 43.000 lô hàng, phát hiện có 20 lô);

- Tại điểm KTCN tập trung, các Bộ chưa đầu tư trang bị máy móc, thiết bị để phân tích, thử nghiệm, chỉ là nơi đăng ký kiểm tra, lấy mẫu và trả kết quả kiểm tra. Việc kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm nghiệm vẫn phải về phòng thí nghiệm nội địa để kiểm tra. Điểm KTCN tập trung này chưa phát huy hiệu quả;

- Việc kết nối thông tin một cửa quốc gia giữa Hải quan và các Bộ quản lý chuyên ngành còn bất cập; hệ thống công nghệ thông tin chưa bảo đảm yêu cầu kết nối thông suốt, tự động, nhiều bộ chưa tham gia vào hệ thống; cơ quan hải quan còn bị động trong việc tra cứu kết quả kiểm tra chuyên ngành trên hệ thống một cửa quốc gia do hệ thống tự động không tự động thông báo thời gian cấp kết quả KTCN (cán bộ hải quan phải tự rà soát hoặc chờ doanh nghiệp cung cấp thông tin về kết quả KTCN).

Theo tính toán của Viện Quản lý kinh tế Trung ương: Hiện nay, doanh nghiệp đang phải gánh một khoản chi phí và thời gian rất lớn: gần 30 triệu ngày công và 14,3 nghìn tỷ đồng, cụ thể:

- Kiểm dịch thực vật: 26.608 tờ khai (lô)/năm; thời gian (trung bình) 7 ngày/lô; chi phí (trung bình) 0,67 triệu/lô. Trung bình 1 năm: 53,22 nghìn ngày công và 17,74 tỷ đồng.

- Kiểm dịch động vật/thú y: 191.092 tờ khai (lô)/năm; thời gian (trung bình) 7 ngày/lô; chi phí (trung bình) 10,67 triệu/lô. Trung bình 1 năm: 1.337,64 nghìn ngày công và 2.038,31 tỷ đồng.

- Kiểm tra chất lượng, Kiểm tra hiệu suất năng lượng: 250.518 tờ khai (lô)/năm; thời gian (trung bình) 11 ngày/lô; chi phí (trung bình) 15,63 triệu/lô. Trung bình 1 năm: 3.055,45 nghìn ngày công và 3.602,84 tỷ đồng.

- Kiểm tra an toàn thực phẩm (kiểm tra nhà nước): 277.768 tờ khai (lô)/năm; thời gian (trung bình) 9 ngày/lô; chi phí (trung bình) 9,81 triệu/lô. Trung bình 1 năm: 2.777,68 nghìn ngày công và 2.725,60 tỷ đồng.

- Giấy phép nhập khẩu và các yêu cầu tương đương: 840.014 tờ khai (lô)/năm; thời gian (trung bình) 27,3 ngày/lô; chi phí (trung bình) 7 triệu/lô. Trung bình 1 năm: 22.960,4 nghìn ngày công và 5.880,1 tỷ đồng.

2. Kết quả kiểm tra tại Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Theo kết quả rà soát, thống kê: Từ ngày 01/01/2017 đến 10/9/2017, Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng được giao 245 nhiệm vụ. Trong đó, đã hoàn thành 193 nhiệm vụ (đúng hạn); chưa hoàn thành 52 nhiệm vụ (trong hạn).

Thành phố Hải Phòng là một trung tâm kinh tế, có vị trí địa kinh tế quan trọng, là cảng biển lớn nhất miền Bắc, có lượng hàng hóa lưu thông qua cảng đạt hơn 58 triệu tấn trong 8 tháng đầu năm 2017, chiếm khoảng 30% lượng hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu trong cả nước. Những năm qua, thành phố Hải Phòng có bước phát triển toàn diện, đóng góp quan trọng vào phát triển chung của đất nước; đổi mới mạnh mẽ về tư duy, cách làm; có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh; năm 2016 là năm thứ 4 liên tục thành phố xếp thứ 2 cả nước về chỉ số CCHC và là một trong 10 địa phương hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Việt Nam. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục có những đột phá; các chỉ tiêu kinh tế 8 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng cao so với cùng kỳ: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 20,61% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tăng 22,33% so với cùng kỳ; sản lượng hàng hóa qua cảng 8 tháng ước đạt 58 triệu tấn tăng 14,15% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 46.334,2 tỷ đồng tăng 19,23% so với cùng kỳ.

Bên cạnh kết quả đạt được, thành phố Hải Phòng còn một số bất cập, như: Vấn đề quy hoạch chung của thành phố, quỹ đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ còn cao; tình hình tai nạn giao thông, vấn đề ô nhiễm môi trường còn phức tạp; việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng chưa tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng doanh nghiệp...

3. Kết quả kiểm tra tại Bộ Y tế

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế (đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định, ban hành 70 Thông tư theo thẩm quyền); tích cực trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính và cải cách dịch vụ công để tăng sự hài lòng của người dân, và doanh nghiệp, đã thực hiện 33 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và 6 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 100% các thủ tục hành chính công đã được cung cấp ở mức độ 2. Việc thực hiện nhiệm vụ giao liên quan đến quản lý, KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được Bộ triển khai thực hiện tích cực, đã hoàn thành 7 nhiệm vụ trong tổng số 9 nhiệm giao tại Quyết định 2026/QĐ-TTg ; một số bất cập, tồn tại trong công tác kiểm tra chuyên ngành được khắc phục, như việc ban hành danh mục hàng hóa gắn mã số HS, một số mặt hàng đã áp dụng quản lý rủi ro (dược phẩm); chỉ định bổ sung đơn vị kiểm tra chuyên ngành (15 cơ quan)…

Tuy nhiên, công tác KTCN còn nhiều bất cập, gây khó khăn, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp, như: việc yêu cầu phải công bố sự phù hợp; kiểm tra còn chồng chéo; danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn nhiều, trong khi chưa ban hành đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, chủ yếu kiểm tra bằng cảm quan và trên hồ sơ nên tỷ lệ phát hiện lô hàng vi phạm chỉ 0,03%; chưa đẩy mạnh việc công nhận lẫn nhau; việc triển khai các thủ tục trên cơ chế một cửa quốc gia còn chậm (mới thực hiện 05 thủ tục trong 27 thủ tục đã đăng ký); chưa đẩy mạnh thực hiện phân cấp cho các cơ quan chuyên môn tại địa phương trong tiếp nhận hồ sơ đăng ký và cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, dược mỹ phẩm và thiết bị y tế... Tại buổi kiểm tra, Bộ Y tế chưa đưa ra được con số cụ thể danh mục hàng hóa phải KTCN sẽ cắt giảm, bao nhiêu mặt hàng sẽ thực hiện kiểm tra giảm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 685/TB-TCTTTg ngày 31 tháng 8 năm 2017.

4. Kết quả kiểm tra tại Bộ Công Thương

Bộ Công Thương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, đã sửa đổi, bổ sung 9 văn bản quy phạm pháp luật trong tổng số 10 văn bản được giao phải sửa đổi, bổ sung.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ, sự nỗ lực, đồng thuận của các đơn vị trực thuộc, Bộ Công Thương đã khắc phục được những bất cập, tồn tại trong thực tiễn công tác KTCN thuộc phạm vi quản lý của Bộ, như việc bãi bỏ kiểm tra formaldehyte đối với sản phẩm dệt may, thủ tục dán nhãn năng lượng; áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro để giảm tần suất kiểm tra; xóa bỏ 420 mã hàng (giảm 58,3%) trong số 720 mã hàng phải kiểm tra trước thông quan, ban hành phương án cắt giảm, đơn giản 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (là Bộ dẫn đầu trong việc rà soát, bãi bỏ danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, xây dựng phương án cắt giảm thủ tục đầu tư kinh doanh); kịp thời công bố danh mục sản phẩm hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra việc bảo đảm chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật và an toàn thực phẩm trước khi thông quan; chỉ định thêm nhiều đơn vị đủ điều kiện thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhằm xóa bỏ độc quyền trong kiểm tra, kiểm nghiệm ... Tuy nhiên, do quy định của các Luật khác nhau, dẫn đến tình trạng chồng chéo danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành giữa Bộ Công Thương và các Bộ khác; chưa ký được nhiều hiệp định về công nhận lẫn nhau với nước ngoài; còn một số loại hàng hóa chưa ban hành được quy chuẩn; thủ tục/chứng từ liên quan đến kiểm tra chuyên ngành cần cắt giảm hơn nữa...

III. KIẾN NGHỊ CỦA TỔ CÔNG TÁC

Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại các Bộ, cơ quan, Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan được kiểm tra trong tháng 9 và các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai một số nhiệm vụ sau:

1. Đối với các Bộ, cơ quan, địa phương:

Kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương chấn chỉnh việc ban hành các văn bản (văn bản hành chính, văn bản quy phạm pháp luật ban hành theo thẩm quyền) chồng chéo, tạo ra thủ tục hành chính nhiêu khê, phức tạp (như một dạng giấy phép con), mang tính co kéo lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích ngành, gây khó khăn, tác động tiêu cực đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

2. Đối với các Bộ quản lý chuyên ngành

- Nghiêm túc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 685/TB-TCTTTg ngày 31 tháng 8 năm 2017.

- Khẩn trương rà soát, công bố danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện phải KTCN kèm theo mã số HS thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của Bộ mình, cắt giảm, thu hẹp tối đa số lượng hàng hóa phải KTCN (có số liệu cắt giảm cụ thể). Việc cắt giảm, thu hẹp danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành bảo đảm thực chất, kiên quyết cắt giảm, thu hẹp những danh mục hàng hóa phải KTCN còn gây khó khăn, tốn kém chi phí;

- Khẩn trương rà soát danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo giữa Bộ mình với các Bộ khác, bị KTCN bởi nhiều cơ quan khác nhau và bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật, phải thực hiện nhiều thủ tục KTCN (từ 2 thủ tục trở lên), cấp nhiều chứng từ kiểm tra chuyên ngành đề xuất giải pháp khắc phục và báo cáo Tổ công tác trước 15 tháng 10 năm 2017 (đồng thời gửi báo cáo cho Bộ Tài Chính).

- Tiếp tục rà soát, chuẩn hóa và công bố công khai các thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ mình, bảo đảm minh bạch, rõ ràng, thuận tiện cho việc tiếp cận, tìm hiểu thông tin.

- Minh bạch hóa quản lý, KTCN: Tối thiểu hóa danh mục hàng hóa phải kiểm tra tại thời điểm thông quan; rà soát để thống nhất mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam 2017 theo Thông tư 65/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

- Đẩy mạnh áp dụng thông lệ quốc tế, công nhận lẫn nhau và chủ động công nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...); đẩy mạnh quản lý rủi ro, chuyển mạnh sang hậu kiểm, giảm danh mục hàng hóa phải KTCN tại khâu thông quan để bảo đảm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN tại giai đoạn thông quan từ 35% hiện nay xuống 15% đúng theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19/NQ-CP .

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để lập hồ sơ thông tin doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến KTCN để phân tích, đánh giá mức độ rủi ro, qua đó xác định hình thức, phương pháp KTCN phù hợp.

- Hiện đại hóa thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành: Điện tử hóa thủ tục; đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

3. Đối với Văn phòng Chính phủ

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong KTCN theo hướng giao một Bộ quản lý chuyên ngành làm đầu mối, chủ trì thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng đang bị kiểm tra chuyên ngành bởi nhiều cơ quan khác nhau, với nhiều hình thức khác nhau, bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản, phải thực hiện nhiều thủ tục (từ hai thủ tục trở lên).

4. Đối với các Bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra

a) Đối với Bộ Y tế

- Khẩn trương rà soát và quyết liệt cắt giảm danh mục hàng hóa phải KTCN; giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương: (1) tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giảm 90% lô hàng thực phẩm nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành so với hiện nay; (2) rà soát, sửa đổi các quy định về KTCN đối với thực phẩm nhập khẩu theo hướng áp dụng kiểm tra giảm (chỉ kiểm tra hồ sơ) đối với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm cùng loại sản phẩm, xuất xứ mà có thông báo đạt yêu cầu nhập khẩu 3 lần liên tiếp. Chuyển sang hậu kiểm đối với thực phẩm thông thường, chỉ tiến hành KTCN tại khâu thông quan đối với một số thực phẩm có nguy cơ mất an toàn cao để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

- Khẩn trương xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật đáp ứng công tác KTCN; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương chuyển các quy định về ATTP theo tiêu chuẩn Codex (hiện đang được các văn bản trong nước quy định về các mức giới hạn ATTP) thành các quy chuẩn kỹ thuật.

- Áp dụng quản lý rủi ro, chuyển sang hậu kiểm đối với toàn bộ danh mục hàng hóa về thiết bị y tế, dược và mỹ phẩm như đã cam kết với Tổ công tác.

- Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tiếp thu các ý kiến góp ý của doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan vào Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, như bãi bỏ quy định liên quan tại Thông tư 19/2012/TT-BYT về công bố hợp quy đối với sản phẩm thực phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra ATTP; bổ sung thêm đối tượng được miễn kiểm tra ATTP như: hàng tạm nhập tái xuất, hàng nhập khẩu kinh doanh cửa hàng miễn thuế, hàng quà biếu tặng nhập khẩu trong định mức miễn thuế, hàng nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu...

- Về việc kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng muối i ốt. Dù trên thực tế chưa có doanh nghiệp nào bị kiểm tra nhưng đề nghị Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn chỉ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất muối I ốt, không kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng muối I ốt theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để không gây bức xúc cho doanh nghiệp và các Hiệp hội chế biến thực phẩm.

b) Đối với Bộ Công Thương

- Tập trung chỉ đạo quyết liệt cho vấn đề thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, bảo đảm thu hồi tối đa giá trị do nhà nước đầu tư; đẩy nhanh tiến độ xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém thuộc ngành Công Thương, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát tài sản của nhà nước theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Khẩn trương rà soát chuẩn hóa lại mã số HS của các hàng hóa trong Danh mục hàng hóa nhóm 2 ban hành kèm theo Thông tư số 29/2016/TT-BCT theo phiên bản 2017 tại Thông tư số 65/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính; khẩn trương ban hành Danh mục hàng hóa có mã số HS thuộc diện phải kiểm tra hiệu suất năng lượng, hàng hóa không được nhập khẩu, sản xuất và lưu thông theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 09/03/2017 của Thủ tướng Chính phủ để tạo sự thống nhất giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp.

- Khẩn trương ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy chuẩn Việt Nam đáp ứng yêu cầu công tác kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng thuộc phạm vi quản lý của Bộ chưa có quy chuẩn hoặc quy chuẩn không phù hợp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành khẩn trương rà soát, thống nhất một số loại chứng từ quản lý/kiểm tra chuyên ngành có tên gọi khác nhau nhưng về bản chất nội dung kiểm tra tương tự nhau.

Cụ thể: Trong nhóm giấy phép, ngoài giấy phép nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu tự động, giấy phép hạn ngạch thì còn các loại khác như: xác nhận khai báo hóa chất, phê duyệt kinh doanh,...; Các loại chứng từ khác như: Công bố tiêu chuẩn; Chứng từ xác nhận tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật đầu tư (giấy phép kinh doanh, phê duyệt hợp đồng xuất khẩu, xác nhận cơ sở chế biến,...); Chứng từ xác nhận hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu (hiệu suất năng lượng, khai báo hóa chất,...),...

- Tiếp tục chủ trì và đôn đốc các Bộ liên quan ban hành đầy đủ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan kèm mã số HS theo quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP để hạn chế vướng mắc; đồng thời khẩn trương tham mưu trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý ngoại thương.

c. Đối với Bộ Tài chính

- Chỉ đạo cơ quan hải quan nói chung và Cục Hải quan Hải Phòng nói riêng tiếp tục cải cách toàn diện, mạnh mẽ trong việc thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến ngành hải quan; áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin kịp thời, thường xuyên giữa cơ quan hải quan với các Bộ quản lý chuyên ngành nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

- Tiếp tục có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng, đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ của công chức, cán bộ ngành hải quan; khắc phục triệt để hiện tượng tiêu cực, “phí bôi trơn” còn xảy ra trong ngành hải quan như báo chí đã nêu và có biện pháp xử lý nghiêm khắc những cán bộ có hành vi tiêu cực, sách nhiễu doanh nghiệp, bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như con người để nâng cao hiệu quả hoạt động của các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung để thực hiện hiện việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra, kiểm nghiệm mẫu và trả kết quả ngay tại các địa điểm này, góp phần giảm thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp; thúc đẩy việc trao đổi thông tin, phối hợp công tác giữa các đơn vị liên quan tại cửa khẩu.

- Tiếp tục đôn đốc các Bộ, cơ quan liên quan rà soát các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu hiện đang phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, cấp nhiều chứng từ kiểm tra chuyên ngành để thống nhất đề xuất phương án đổi mới kiểm tra chuyên ngành phù hợp theo hướng giảm các loại giấy tờ, chứng nhận kiểm tra chuyên ngành nhưng vẫn bảo đảm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ các chỉ tiêu, yêu cầu cần thiết về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, môi trường.

d. Đối với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

- Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế phải song hành với các giải pháp hiệu quả bảo vệ môi trường, nhất là trong bối cảnh thành phố có nhiều dự án đầu tư, nhiều nhà máy; tập trung, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra và có biện pháp quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không tuân thủ nghiêm túc quy định về bảo vệ môi trường theo đúng chỉ đạo của TTg Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016.

- Thành phố Hải Phòng cần quan tâm tới công tác quy hoạch; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa mang tính bền vững, kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm; có giải pháp trong việc cân đối quỹ đất hợp lý với tốc độ phát triển của đô thị loại I, với định hướng dành 70% quỹ đất cho đô thị; đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, gắn với thị trường; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông đô thị và có giải pháp quyết liệt giảm tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố, nhất là tại các điểm giao cắt trên các quốc lộ 10, quốc lộ 5, tuyến đường 353... thường có mật độ phương tiện qua lại dày đặc, lưu lượng xe đầu kéo ngày càng tăng nhanh trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu.

- Tiếp tục rà soát, đánh giá, xem xét, điều chỉnh lại mức phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, đảm bảo hợp lý, giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo nguồn thu để đầu tư, duy tu, bảo dưỡng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối giữa cảng biển với hệ thống đường quốc lộ và các chi phí dịch vụ công ích, báo cáo, trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét quyết định tại cuộc họp gần nhất./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các thành viên Tổ công tác;
- Tổng cục Hải quan;
- VPCP; Các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ, đơn vị: KGVX, CN, KTTH, NN, PL, QHQT ĐMDN, V.I, NC, KSTTHC, Cổng thông tin điện tử CP;
- Lưu: VT, TCTTTg (3b).L

TỔ TRƯỞNG




BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VPCP

Mai Tiến Dũng

 

KẾT QUẢ

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ DO CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ GIAO CÁC BỘ, CƠ QUAN, ĐỊA PHƯƠNG
(Từ 01/01/2017 - 30/09/2017)

STT

Cơ quan được giao

Tổng số văn bản giao nhiệm vụ

Tổng số nhiệm vụ giao

Đã hoàn thành

Chưa hoàn thành

Đúng hạn

Quá hạn

Trong hạn

Quá hạn

1

Bộ Công an

118

205

59

21

122

3

2

Bộ Quốc phòng

91

155

60

29

65

1

3

Văn phòng Chính phủ

32

40

34

0

6

0

4

Bộ Ngoại giao

61

107

24

0

82

1

5

Bộ Nội vụ

146

226

95

20

109

2

6

Bộ Tư pháp

84

143

102

5

36

0

7

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

380

670

111

193

348

18

8

Bộ Tài chính

482

678

369

145

161

2

9

Bộ Công Thương

291

500

268

29

204

0

10

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

258

404

309

38

57

0

11

Bộ Giao thông vận tải

314

501

312

46

142

1

12

Bộ Xây dựng

188

278

212

19

47

0

13

Bộ Tài nguyên và Môi trường

269

394

254

31

104

5

14

Bộ Thông tin và Truyền thông

103

189

103

9

77

0

15

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

131

217

112

6

99

0

16

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

101

180

153

8

18

1

17

Bộ Khoa học và Công nghệ

106

194

92

12

90

0

18

Bộ Giáo dục và Đào tạo

127

201

61

17

123

0

19

Bộ Y tế

107

223

28

21

164

10

20

Ủy ban Dân tộc

58

96

19

6

71

0

21

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

133

531

409

46

76

0

22

Thanh tra Chính phủ

106

157

51

36

65

5

23

Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

1

1

0

0

1

0

24

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

6

14

1

0

13

0

25

Đài Tiếng nói Việt Nam

8

8

0

0

6

2

26

Đài Truyền hình Việt Nam

7

7

0

0

5

2

27

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

2

11

0

0

11

0

28

Thông tấn xã Việt Nam

3

3

0

0

3

0

29

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

3

3

0

0

2

1

30

UBND Thành phố Hà Nội

139

215

12

31

165

7

31

UBND Thành phố Hồ Chí Minh

142

213

137

37

22

17

32

UBND Thành phố Hải Phòng

73

139

80

0

59

0

33

UBND Thành phố Đà Nẵng

81

147

38

4

92

13

34

UBND Thành phố Cần Thơ

71

136

108

5

23

0

35

UBND Cao Bằng

66

130

69

2

56

3

36

UBND Lạng Sơn

66

130

93

16

20

1

37

UBND Lai Châu

66

129

15

4

110

0

38

UBND Điện Biên

63

127

30

7

88

2

39

UBND Hà Giang

68

131

63

7

61

0

40

UBND Sơn La

67

131

77

9

42

3

41

UBND Tuyên Quang

67

132

89

9

32

2

42

UBND Yên Bái

65

128

83

9

34

2

43

UBND Lào Cai

72

137

9

9

115

4

44

UBND Bắc Kạn

67

131

29

5

85

12

45

UBND Thái Nguyên

74

139

79

1

59

0

46

UBND Phú Thọ

66

130

74

4

51

1

47

UBND Vĩnh Phúc

79

143

41

9

88

5

48

UBND Bắc Giang

69

132

77

1

53

1

49

UBND Bắc Ninh

72

146

29

3

114

0

50

UBND Hòa Bình

66

130

88

2

40

0

51

UBND Quảng Ninh

72

137

118

10

8

1

52

UBND Hải Dương

71

135

6

5

115

9

53

UBND Hưng Yên

67

131

83

3

45

0

54

UBND Thái Bình

73

138

133

0

5

0

55

UBND Hà Nam

70

132

36

3

91

2

56

UBND Nam Định

74

138

41

0

97

0

57

UBND Ninh Bình

68

144

11

9

123

1

58

UBND Thanh Hóa

67

116

57

0

59

0

59

UBND Nghệ An

75

140

3

12

122

3

60

UBND Hà Tĩnh

78

147

80

11

54

2

61

UBND Quảng Bình

78

149

131

0

18

0

62

UBND Quảng Trị

76

144

28

11

100

5

63

UBND Thừa Thiên Huế

72

141

108

5

28

0

64

UBND Quảng Nam

80

146

125

3

18

0

65

UBND Quảng Ngãi

71

138

100

6

32

0

66

UBND Bình Định

72

137

132

1

4

0

67

UBND Phú Yên

72

136

106

5

24

1

68

UBND Khánh Hòa

76

147

7

12

128

0

69

UBND Ninh Thuận

68

132

84

6

41

1

70

UBND Bình Thuận

75

144

88

2

54

0

71

UBND Gia Lai

80

149

112

3

34

0

72

UBND Kon Tum

71

134

77

6

51

0

73

UBND Đắk Lắk

78

142

72

16

53

1

74

UBND Đắk Nông

75

139

42

12

85

0

75

UBND Lâm Đồng

76

140

38

11

90

1

76

UBND Đồng Nai

81

147

11

12

123

1

77

UBND Bà Rịa - Vũng Tàu

73

137

82

12

39

4

78

UBND Long An

78

143

23

4

105

11

79

UBND Tây Ninh

67

131

58

13

59

1

80

UBND Bình Dương

72

140

123

2

15

0

81

UBND Bình Phước

70

139

9

5

115

10

82

UBND Tiền Giang

72

136

73

13

48

2

83

UBND Bến Tre

70

136

116

5

15

0

84

UBND Hậu Giang

66

131

45

12

74

0

85

UBND Sóc Trăng

69

135

55

4

71

5

86

UBND Đồng Tháp

69

133

53

1

79

0

87

UBND Vĩnh Long

58

121

100

8

13

0

88

UBND Trà Vinh

65

129

80

8

40

1

89

UBND An Giang

74

139

43

2

94

0

90

UBND Kiên Giang

73

139

78

15

44

2

91

UBND Bạc Liêu

69

134

30

6

89

9

92

UBND Cà Mau

72

137

62

11

64

0

93

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ

2

2

0

0

0

2

94

Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam

5

6

0

0

6

0

95

Tập đoàn Viễn thông Quân đội

2

3

1

0

2

0

96

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

2

3

0

0

3

0

97

Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam

1

2

0

0

2

0

98

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

8

19

0

0

18

1

99

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

20

25

0

0

23

2

100

Tập đoàn Dệt - May Việt Nam

6

11

0

0

11

0

101

Tập đoàn Điện lực Việt Nam

21

32

0

0

31

1

102

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

4

5

0

0

5

0

103

Tổng công ty Cà Phê Việt Nam

2

3

0

0

3

0

104

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước

2

2

0

0

2

0

105

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

56

57

56

0

0

1

106

Tổng công ty Giấy Việt Nam

1

2

0

0

2

0

107

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam

1

2

0

0

2

0

108

Tổng công ty Hàng không Việt Nam

3

6

0

0

6

0

109

Tổng công ty Lương thực miền Bắc

2

3

0

0

3

0

110

Tổng công ty Lương thực miền Nam

3

4

0

0

3

1

111

Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam

1

2

0

0

2

0

112

Tổng công ty Xi măng Việt Nam

1

2

0

0

2

0

113

Tổng công ty Thép Việt Nam

2

3

0

0

3

0

114

Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam

1

2

0

0

2

0

115

Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam

1

2

0

0

2

0

116

Ngân hàng Phát triển Việt Nam

2

2

0

0

2

0

117

Ngân hàng Chính sách xã hội

6

6

0

0

5

1

118

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

4

6

0

0

4

2

119

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1

1

0

0

1

0

120

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

3

3

0

0

3

0

121

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

1

1

0

0

0

1

122

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

1

1

0

0

0

1

123

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

2

2

0

0

1

1

124

Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam

1

1

0

0

0

1

125

Tòa án nhân dân tối cao

1

1

0

0

1

0

126

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

2

2

0

0

1

1

127

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

8

13

0

0

11

2

128

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

1

4

0

0

4

0

129

Hội Khuyến học Việt Nam

1

2

0

0

2

0

130

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

2

2

0

0

1

1

131

Đại học Quốc gia Hà Nội

1

1

0

0

0

1

132

Kiểm toán Nhà nước

4

4

0

0

3

1

133

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt nam

1

1

0

0

0

1

134

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương

2

2

0

0

2

0

135

Ban Chỉ đạo Đổi mới và PTDN

3

3

0

0

0

3

136

Tổng hội Y học Việt Nam

1

1

0

0

1

0

137

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN

3

3

0

0

0

3

138

Ủy ban Biên giới Quốc gia

1

1

0

0

0

1

139

Liên Hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

1

3

0

0

3

0

140

BCĐ Phòng Chống lụt bão Trung ương

1

1

0

0

1

0

 

Tổng số

 

15360

7474

1196

6455

235

Thời điểm xuất báo cáo 30/09/2017 13:55:22

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 841/BC-TCTTTg về kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 9 tháng năm 2017 và kết quả kiểm tra tháng 9 năm 2017 do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 841/BC-TCTTTg
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 03/10/2017
  • Nơi ban hành: Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Mai Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản