Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH HÒA BÌNH
SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 322BC/SKHĐT

Hòa Bình, ngày 25 tháng 05 năm 2016

 

BÁO CÁO

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH (PCI) TỈNH HÒA BÌNH NĂM 2015

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam đã tổ chức công bố Chỉ số năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2015. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo đánh giá về Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình (PCI) năm 2015 cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Trong năm qua, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư vào tỉnh góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PC, cụ thể như: Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 19/5/2014 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 920/QĐ-UBND ngày 01/6/2015 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015-2016; Thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại, tiếp xúc với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã kiên quyết chỉ đạo triển khai các giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, kinh doanh, chỉ đạo các cấp, các ngành cùng vào cuộc chung tay cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Qua đó, sự cảm nhận của doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực thông qua kết quả vị trí xếp hạng của chỉ số PCI năm 2014 và 2015.

II. TỔNG HỢP KẾT QUẢ XẾP HẠNG CHỈ SỐ PCI NĂM 2015

1. Kết quả và thứ hạng của các chỉ số thành phần

Stt

Chỉ số

Điểm

Thứ bậc

Phân loại

1

Chi phí gia nhập thị trường

8,55

26

Khá

2

Tiếp cận đất đai

5,27

51

Trung bình

3

Tính minh bạch

6,32

23

Khá

4

Chi phí về thời gian

5,13

62

Thấp

5

Chi phí không chính thức

4,66

43

Khá

6

Cạnh tranh bình đẳng

4,38

48

Trung bình

7

Tính năng động

4,32

42

Khá

8

Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

6,24

6

Tốt

9

Đào tạo lao động

5,47

44

Khá

10

Thiết chế pháp lý

5,18

48

Trung bình

 

Kết quả năm 2015

57,13

46

Khá

2. So sánh sự biến động của chỉ số so với năm 2014

a) Về điểm số

Stt

Chỉ số

Điểm 2014

Điểm 2015

Tăng(+), giảm(-)

1

Chi phí gia nhập thị trường

7,17

8,55

+1,38

2

Tiếp cận đất đai

5,22

5,27

+0,05

3

Tính minh bạch

6,27

6,32

+0,05

4

Chi phí về thời gian

5,33

5,13

-0,2

5

Chi phí không chính thức

4,10

4,66

+0,56

6

Cạnh tranh bình đẳng

5,78

4,38

-1,4

7

Tính năng động

4,66

4,32

-0,34

8

Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

5,29

6,24

+0,95

9

Đào tạo lao động

6,27

5,47

-0,8

10

Thiết chế pháp lý

5,46

5,18

-0,28

 

Điểm tổng hợp PCI

56,57

57,13

+0,56

b) Về thứ bậc

Stt

Chỉ số

Thứ bậc 2014

Thứ bậc 2015

Số bậc tăng(+), giảm(-)

1

Chi phí gia nhập thị trường

57

26

+31

2

Tiếp cận đất đai

30

51

-21

3

Tính minh bạch

26

23

+03

4

Chi phí về thời gian

49

62

-13

5

Chi phí không chính thức

57

43

+14

6

Cạnh tranh bình đẳng

51

48

+03

7

Tính năng động

58

42

+16

8

Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

55

6

+49

9

Đào tạo lao động

50

44

+06

10

Thiết chế pháp lý

3

48

-45

 

Thứ bậc PCI

44

46

-02

III. PHÂN TÍCH CÁC CHỈ SỐ THÀNH PHẦN PCI

Năm 2015 tỉnh Hòa Bình được 57,13 điểm, xếp thứ 46 trên 63 tỉnh, thành cả nước; so với năm 2014 tăng 0,56 điểm, tuy nhiên về thứ bậc lại giảm 02 bậc; xếp thứ 6 (năm 2014 xếp thứ 5) trong khu vực 14 tỉnh miền núi phía bắc, xếp sau các tỉnh: Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, nhóm xếp hạng ở nhóm khá; với các chỉ số thành phần cụ thể như sau:

1. Chi phí gia nhập thị trường: Được 8,55 điểm, xếp thứ 26; so với năm 2014 tăng 1,38 điểm và tăng được 31 bậc trên bảng xếp hạng. (Tỉnh trung vị là 8,47 điểm, tỉnh kém nhất 7,56 điểm, tỉnh tốt nhất 9,23 điểm).

- Thời gian cấp bổ sung giấy chứng nhận đăng ký DN bình quân là 06 ngày, đã giảm 01 ngày so với năm 2014, thuộc nhóm tốt, xếp trên trung vị (tỉnh cấp lâu nhất là 12 ngày, tỉnh cấp nhanh nhất là 5 ngày); thời gian đăng ký thay đổi doanh nghiệp bình quân là 04 ngày, thuộc nhóm khá (tỉnh cấp lâu nhất là 07 ngày, tỉnh cấp nhanh nhất là 02 ngày). Số doanh nghiệp đăng ký và thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thông qua bộ phận một cửa lên tới gần 90% (số doanh nghiệp được khảo sát không đăng ký qua bộ phận một cửa, lý do doanh nghiệp bổ sung, thay đổi đăng ký doanh nghiệp trước thời điểm cơ quan Đăng ký kinh doanh thực hiện giải quyết thủ tục theo cơ chế một cửa liên thông, và từ đó đến nay không thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp).

- Thời gian chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bình quân là 60 ngày đứng thứ 61 (tỉnh trung vị là 30 ngày, tỉnh cấp nhanh nhất 10 ngày, tỉnh cấp lâu nhất 95 ngày), gần cuối bảng xếp hạng.

- Để bắt đầu hoạt động sau khi đăng ký doanh nghiệp, còn khá nhiều DN (10,5%) phải hoàn tất một số thủ tục (giấy phép, điều kiện kinh doanh) mất hơn một tháng mới có thể bắt đầu hoạt động, cá biệt có một số doanh nghiệp (2,63%) phải mất hơn 3 tháng mới có thể hoàn tất các thủ tục để đi vào hoạt động. Như vậy, sự tồn tại của các điều kiện kinh doanh, giấy phép con còn gây khó khăn, cản trở tới thời gian khởi sự của doanh nghiệp.

- Hiệu quả hoạt động của Bộ phận một cửa: Đa số doanh nghiệp hài lòng và đánh giá, tại bộ phận một cửa đã công khai các thủ tục hành chính, phí và lệ phí đã được niên yết công khai, tuy nhiên cán bộ có trình độ chuyên môn còn hạn chế, đặc biệt là còn nhiều nơi cán bộ kém thân thiện và thiếu nhiệt tình; hướng dẫn không được rõ ràng và đầy đủ; trang bị và ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa còn hạn chế, còn một số ít cơ quan, đơn vị bộ phận một cửa không đáp ứng được yêu cầu phục vụ tổ chức, công dân.

2. Tiếp cận đất đai: Được 5,27 điểm, xếp thứ 51; so với năm 2014 giảm 0,05 điểm, giảm 21 bậc. (Tỉnh trung vị 5,9 điểm, tỉnh cao nhất 7,82 điểm, tỉnh thấp nhất 4,12 điểm).

- Doanh nghiệp đánh giá: Việc tiếp cận với đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tương đối khó khăn và thuộc nhóm những tỉnh có thủ tục đất đai khó khăn nhất cả nước.

- Diện tích đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của doanh nghiệp trong tỉnh cả tỉnh khá cao (94%).

- Việc thay đổi khung giá đất tương đối phù hợp với giá trị trường, tuy nhiên so với các DN nhà nước và DN nước ngoài, DN dân doanh gặp khá nhiều cản trở trong việc tiếp cận đất đai và mở rộng mặt bằng sản xuất.

- Khi bị thu hồi đất, DN không phải chịu nhiều rủi ro và công tác bồi thường khi giải phóng mặt bằng, tuy nhiên việc bồi thường, đền bù khi giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng.

- Còn nhiều DN bị gây khó khăn khi làm thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất, vẫn còn gần 38% DN (năm 2014 là 44%) được hỏi cho rằng có nhu cầu thuê đất nhưng ngại vì thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà và cán bộ nhà nước gây khó khăn.

3. Tính minh bạch: Được 6,32 điểm, xếp thứ 23; so với năm 2014 tăng 0,05 điểm, tăng 03 bậc. (Tỉnh trung vị 6,14 điểm, tính minh bạch nhất 7,33 điểm, tỉnh kém minh bạch nhất 4,88 điểm).

- Việc tiếp cận các tài liệu về quy hoạch và tài liệu về pháp lý của tỉnh đã cải thiện hơn so với năm 2014. Tuy nhiên để tiếp cận được chủ yếu thông qua “mối quan hệ” và doanh nghiệp nào không có mối quan hệ tức là khó tiếp cận.

- Doanh nghiệp phản ánh hiện tượng thương lượng với cán bộ thuế trong hoạt động kinh doanh là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh (trên 80% số doanh nghiệp).

- Chỉ có một bộ phận nhỏ doanh nghiệp (6%) có khả năng dự đoán được tình hình tỉnh thực thi các văn bản quy định của Trung ương trong điều hành kinh tế, còn lại đa số là không nắm được hoặc biết mà không dự đoán được.

- Doanh nghiệp đánh giá vai trò của các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp là khá quan trọng trong việc xây dựng và phản biện chính sách và các quy định của pháp luật tại địa phương (42,72%).

- Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ban, ngành độ mở và chất lượng hoạt động chưa cao , tuy nhiên, tỷ lệ DN truy cập để tìm kiếm, khai thác thông tin là khá lớn (trên 80%); các tài liệu ngân sách được công bố kịp thời, công khai và khá chi tiết đáp ứng được nhu cầu khai thác và sử dụng vào hoạt động kinh doanh của DN.

4. Chi phí thời gian: Được 5,13 điểm, xếp thứ 62; so với năm 2014 giam 0,2 điểm và giảm 13 bậc. (Tỉnh trung vị 6,59 điểm, tỉnh thấp nhất 5,06 điểm, tỉnh cao nhất 8,54 điểm).

- Có khoảng 1/3 số DN phải mất khá nhiều thời gian (hơn 10% quỹ thời gian) để tìm hiểu các quy định của nhà nước và thực hiện các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

- Doanh nghiệp còn bị thanh, kiểm tra khá nhiều, bình quân có 02 cuộc thanh tra, kiểm tra của tất cả các cơ quan trong 1 năm (tỉnh nhiều nhất 03 cuộc, tỉnh ít nhất 01 cuộc), trong đó số giờ trung vị làm việc với cơ quan thuế là 32 giờ, cao nhất cả nước (tỉnh trung vị là 4,5 giờ).

- Có 51% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng cán bộ nhà nước giải quyết công việc có hiệu quả và thân thiện, còn lại vẫn chưa hài lòng; về thủ tục giấy tờ chưa được cải thiện nhiều, DN còn phải đi lại nhiều lần để hoàn thiện thủ tục hành chính; các khoản phí và lệ phí chưa hoàn toàn được công khai minh bạch.

5. Chi phí không chính thức: Được 4,66 điểm, xếp thứ 43; so với năm 2014 tăng 0,56 điểm và tăng 14 bậc. (Tỉnh trung vị 4,97 điểm, tỉnh cao nhất 7,12 điểm, tỉnh thấp nhất 3,53 điểm).

- DN của tỉnh (khoảng 72%) phải trả thêm nhiều khoản chi phí không chính thức, khá nhiều doanh nghiệp (khoảng 20%) phải chi phí mất hơn 10% doanh thu để chi trả cho các khoản chi phí không chính thức. Qua đó cho thấy việc các doanh nghiệp chi phí cho các mối quan hệ, các chi phí ngoài quy định của nhà nước là khá lớn, về tình hình có cải thiện so với năm 2014 tuy nhiên vẫn khá phổ biến.

- Còn nhiều doanh nghiệp (gần 60%) phản ánh bị nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục hành chính của nhà nước, chủ yếu trong lĩnh vực thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu, thẩm định dự án vv... và việc gây khó khăn, nhũng nhiễu là khá phổ biến và thường xuyên, liên tục.

- Để đạt được công việc thì các doanh nghiệp trong tỉnh đa số là chấp nhận các khoản chi phí không chính thức để mong muốn có việc làm và công việc được hiệu quả.

6. Cạnh tranh bình đẳng: Được 4,38 điểm, xếp thứ 48, so với năm 2014 giảm 1,4 điểm nhưng tăng 3 bậc. (Tỉnh trung vị 4,92 điểm, tỉnh thấp nhất 3,35 điểm, tỉnh cao nhất 7,29 điểm).

- Còn nhiều doanh nghiệp (gần 44%) quan ngại về việc tỉnh giành nhiều ưu ái cho các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, tập đoàn kinh tế lớn làm ảnh hưởng, khó khăn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh, lòng tin vào sự đối sử công bằng, minh bạch của chính quyền tỉnh đối với các doanh nghiệp chưa cao (bình quân có dưới 30% doanh nghiệp được khảo sát).

- Các lĩnh vực cụ thể như: việc tiếp cận đất đai, vay vốn tín dụng, giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, miễn giảm thuế và tiếp cận các hợp đồng xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, mua sắm công. Hiện tượng tiêu cực, quan hệ không minh bạch giữa cơ quan chính quyền và một số DN có mối quan hệ vẫn còn phổ biến, tỉnh chưa quan tâm nhiều đến các DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

7. Tính năng động của lãnh đạo cấp tỉnh: Được 4,32 điểm xếp thứ 42; so với năm 2014 giảm 0,34 điểm nhưng tăng lên 16 bậc. (Tỉnh trung vị 4,58 điểm, tỉnh thấp nhất 3,32 điểm, tỉnh cao nhất 7,04 điểm).

- Đa số doanh nghiệp ( 65%) đánh giá UBND tỉnh rất linh hoạt trong việc triển khai các quy định của pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, các vấn đề mới phát sinh hoặc vướng mắc trong các quy định của nhà nước đều được UBND tỉnh chỉ đạo để triển khai thực hiện trong đó có sự sáng tạo và năng động. Tuy nhiên cảm nhận của doanh nghiệp về thái độ của tỉnh với khu vực tư nhân chưa rõ rệt, chỉ mang tính cảm tính, mặc dù đánh giá hoạt động của UBND tỉnh tích cực nhưng khi khảo sát sự cảm nhận thì chỉ có 35% doanh nghiệp hài lòng vì sự tích cực đó.

- Đa số doanh nghiệp (trên 70%) đánh giá vẫn còn tồn tại việc chấp hành các chủ trương, chính sách và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh tại các Sở, ban, ngành và UBND các huyện còn hạn chế (trên bảo dưới không nghe) hoặc chính sách thì tốt nhưng khi triển khai đến các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện thì không hiệu quả.

8. Dịch vụ hỗ trợ DN: Được 6,24 điểm xếp thứ 6; so với năm 2014 tăng 0, 95 điểm, tăng 49 bậc. (Tỉnh trung vị 5,65 điểm, tỉnh cao nhất 7,14 điểm, tỉnh thấp nhất 3,9 điểm), đây là chỉ số tăng mạnh nhất về thứ hạng trong năm 2014.

- Tỉnh đã quan tâm hơn đến công tác tổ chức hội chợ thương mại, số hội chợ thương mại do tỉnh đã tổ chức năm 2015 và đăng ký năm 2016 là 08 hội chợ (tỉnh nhiều nhất là 20, tỉnh ít nhất là 4), hoạt động hội chợ được doanh nghiệp đánh giá là cơ hội lớn để doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối các quan hệ kinh doanh, đưa sản phẩm ra thị trường.

- Doanh nghiệp đánh giá khá tích cực về các hoạt động cung cấp dịch vụ cho DN chủ yếu dịch vụ của tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể như: tìm kiếm thông tin về thị trường, tư vấn pháp luật, đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại, công nghệ, dịch vụ đào tạo kế toán, tài chính, quản trị DN; doanh nghiệp khẳng định sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ trên và rất mong muốn tỉnh tạo điều kiện, phát triển các dịch vụ một cách chuyên nghiệp cả về số lượng, chất lượng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (Tỷ lệ đơn vị cung cấp dịch vụ trên tổng số doanh nghiệp là quá thấp, chưa đến 1%).

9. Đào tạo lao động: Được 6,27 điểm, xếp thứ 17; so với năm 2013 tăng 1,31 điểm nhưng tăng 6 bậc. (Tỉnh trung vị 5,76 điểm, tỉnh cao nhất 7,62 điểm, tỉnh thấp nhất 4,14 điểm).

- Dịch vụ do cơ quan nhà nước cung cấp điển hình là chất lượng giáo dục phổ thông chưa cao đặc biệt là dịch vụ dạy nghề thuộc khu vực nhà nước, doanh nghiệp thường phải đào tạo lại lao động đã qua học nghề từ nhà nước.

- Chưa nhiều doanh nghiệp sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm trong tỉnh (chỉ 40%), doanh nghiệp chủ yếu tự tìm kiếm lao động thông qua các kênh thông tin, các mối quan hệ, doanh nghiệp mong muốn các dịch vụ giới thiệu việc làm tốt, dễ tiếp cận để thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng nhân sự và lao động của đơn vị mình, dịch vụ tư nhân về giới thiệu việc làm chưa phát triển.

- Doanh nghiệp chưa giành nhiều chi phí cho việc tuyển dụng và đào tạo lao động (mới chỉ 4 đến 5% tổng chi phí kinh doanh).

- Trình độ người lao động nghề được đào tạo thuộc nhóm khá tốt, cụ thể: tổng số lao động qua đào tạo là 4,37%; tỷ lệ lao động tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đào tạo nghề ngắn và dài hạn đạt 46,7%, đại đa số doanh nghiệp (trên 84%) hài lòng với chất lượng đội ngũ lao động trong tỉnh.

10. Thiết chế pháp lý: Được 5,18 điểm xếp thứ 48; so với năm 2014 giảm 0, 28 điểm và giảm 45 bậc. (Tỉnh trung vị 5,38 điểm, tỉnh thấp nhất 4,48 điểm, tỉnh cao nhất 7,62 điểm).

- Hệ thống cơ quan pháp luật, đặc biệt là tòa án kinh tế cấp tỉnh và các cơ quan hỗ trợ pháp lý hoạt động khá tích cực tuy nhiên chưa giúp được các DN tố cáo hành vi tham nhũng (chỉ có 35% số doanh nghiệp tin tưởng);

- Doanh nghiệp rất tin tưởng và khả năng bảo vệ của pháp luật về vấn đề bản quyền hoặc thực thi hợp đồng;

- Tòa án các cấp xét xử các vụ kiện kinh tế đúng pháp luật, nhanh chóng và công tác thi hành án tương đối thuận lợi, doanh nghiệp vẫn phải chi các khoản chi phí không chính thức nhưng ở mức hợp lý, chấp nhận được. Tuy nhiên doanh nghiệp không sẵn sàng sử dụng Tòa án để giải quyết tranh chấp mà đa số muốn qua thương lượng và giải quyết nội bộ.

IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Thuận lợi

Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng sự quyết tâm của Ban chỉ đạo PCI của tỉnh, việc nhận thức được tầm quan trọng ý nghĩa của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và cải thiện thứ bậc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được các Sở, Ban, Ngành, chính quyền địa phương cùng các cơ quan thông tin đại chúng, người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ.

Về mặt thứ bậc chỉ số PCI năm 2015, tỉnh xếp thứ 46 chưa phải là một thứ hạng cao nhưng nằm trong khu vực các tỉnh có chất lượng điều hành khá, theo VCCI tỉnh Hòa Bình được đánh giá là tỉnh có nhiều sự cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh trong những năm gần đây.

2. Khó khăn, tồn tại, hạn chế

Việc cải thiện về mặt chỉ số chỉ mang tính cấp thiết, thực chất thì môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa thực sự hấp dẫn, thông thoáng trong con mắt nhà đầu tư, doanh nghiệp. Kết quả thể hiện trong năm 2015 số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhưng số dự án thu hút đầu tư chưa cao. Yêu cầu đặt ra là một mặt cải thiện về chỉ số trên bảng xếp hạng tuy nhiên phải gắn với việc thực thi của các ngành, các cấp thì mới hi vọng có những kết quả bền vững, lâu dài.

Mặc dù tỉnh đã nỗ lực công tác chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cả về thực tiễn và công tác thông tin, tuyên truyền, vẫn còn có cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp, doanh nghiệp chưa hiểu, chưa quan tâm nghiên cứu chỉ số PCI, chưa thực sự vào cuộc cải cách, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chỉ số PCI và môi trường đầu tư kinh doanh.

Việc cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan quản lý nhà nước còn chậm, năng lực của cán bộ trong các cơ quan quản lý nhà nước, chất lượng công vụ, công tác phối hợp giữa các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính còn hạn chế, vẫn còn nhiều cơ quan bị doanh nghiệp người dân phản ánh gây khó khăn, nhũng nhiễu, cản trở hoạt động của doanh nghiệp mà chưa có bất cứ một trường hợp nào bị xử lý.

Sự vào cuộc của các doanh nghiệp đồng hành cùng chung tay cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là chưa cao, doanh nghiệp trong tỉnh đa số là các doanh nghiệp xây lắp, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn ngân sách nhà nước, khi đánh giá PCI rất lo lắng sợ mất các mối quan hệ với chính quyền nên không thẳng thắn, không khách quan và nghiêm túc khi được tham gia đánh giá chỉ số PCI của tỉnh.

V. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

- Năm 2016 và những năm tiếp theo, quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh.

- Trên cơ sở cải thiện chỉ số PCI cùng với cải cách thủ tục hành chính, tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Phấn đấu cải thiện điểm các chỉ số thành phần, đạt mức xếp vào nhóm khá so với cả nước, thông qua chỉ số PCI làm cơ sở để thu hút các nhà đầu tư về đầu tư tại tỉnh, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

2. Các giải pháp

- Tiếp tục quán triệt Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh giai đoạn 2015-2020; các chương trình, đề án của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 09/5/2016 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016-2017 và định hướng đến năm 2020.

- Phát huy và duy trì điểm số của các chỉ số đã đạt thứ hạng cao, tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém thông qua kết quả PCI 2015 cụ thể như các chỉ số đạt từ mức trung bình đến mức kém như: Tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý, trong đó chỉ số Tiếp cận đất đai phải được quan tâm chỉ đạo và cải thiện hàng đầu.

- Chuyển nhận thức và hành động hàng ngày từ “quản lý doanh nghiệp” sang “đồng hành cùng doanh nghiệp” và phương châm “thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”. Xây dựng phong cách phục vụ của bộ máy chính quyền các cấp đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp và công dân theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp và tạo thuận lợi tối đa và chuyển dần sang cơ chế ưu tiên phục vụ doanh nghiệp.

- Duy trì công tác kiểm soát thủ tục hành chính và cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại tất cả các Sở, ban, ngành và UBND các cấp. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định để người dân, doanh nghiệp bức xúc, công khai hòm thư góp ý và đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân, doanh nghiệp một cách thường xuyên.

- Công khai minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Đơn vị nào không công khai các thủ tục hoặc công khai không đảm bảo quy định phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

- Tích cực tháo gỡ các trở ngại đối với các doanh nghiệp theo hướng tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng các hình thức khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, gắn với công tác bổ nhiệm, luân chuyển, chuyển đổi vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị.

- Tăng cường tổ chức tuyên truyền, đối thoại, duy trì tổ chức họp báo định kỳ để các cơ quan truyền thông, báo chí có cơ hội tiếp cận đăng tải lên phương tiện thông tin đại chúng tập trung vào các lĩnh vực như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, các chính sách, pháp luật của Nhà nước mới ban hành; các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

- Đề nghị Các Hiệp hội, Hội Doanh nghiệp tỉnh: Phối hợp với các cơ quan nhà nước, tích cực kiến nghị, phản ánh những cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân gây khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính, làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời luôn nâng cao trách nhiệm trong việc triển khai và tuyên truyền, hướng dẫn cho hội viên khi tham gia đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phải nắm rõ nội dung, phân công người có trách nhiệm, hiểu biết để trả lời đầy đủ, chính xác, kịp thời và khách quan, trung thực.

Sở Kế hoạch và Đầu tư trân trọng báo cáo./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- CT, Các PCT UBND tỉnh;
- Các Ban Đảng thuộc TU;
- Các Sở, ban ngành;
- Huyện ủy, UBND các huyện, TP;
- Các Hội doanh nghiệp
- Báo HB, Đài PTTH tỉnh, TTX VN tại HB;
- Các Phòng, ban thuộc Sở;
- GĐ, các PGĐ Sở;
- Lưu: VT, ĐK.KD (D_70).

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Nguyễn Ngọc Điệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 322BC/SKHĐT năm 2016 về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hòa Bình năm 2015

  • Số hiệu: 322BC/SKHĐT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 25/05/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Điệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/05/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản