Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 201/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 11 năm 2013

 

BÁO CÁO

SƠ KẾT 3 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ 48-CT/TW NGÀY 22 THÁNG 10 NĂM 2010 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ “TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TRONG TÌNH HÌNH MỚI” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Thực hiện Kế hoạch số 213/KH-BCĐ ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Ban Chỉ đạo 138/CP về tổ chức sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới”; qua 03 năm triển khai, Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo kết quả thực hiện như sau:

I. TÌNH HÌNH TỘI PHẠM:

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức hút lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Với vị trí và vai trò của mình, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ các dòng dịch chuyển dân cư vào đô thị, dân số tăng nhanh cả về thường trú và tạm trú, các loại đối tượng cùng tập trung về ẩn náu, hoạt động; số đối tượng có quyết định truy nã ngoài xã hội còn nhiều, số đối tượng ở các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, tù tha về, đối tượng sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng nhưng chưa có công ăn việc làm ổn định... làm cho tình hình tội phạm luôn tiềm ẩn phức tạp. Quan hệ xã hội và địa bàn hoạt động của từng cá nhân ngày càng được mở rộng làm cho thành phố trở thành địa bàn hoạt động trọng điểm của các loại tội phạm mang tính nội địa lẫn quốc tế. Trong 3 năm qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 16.412 vụ phạm pháp hình sự, tuy tình hình tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp nhưng do dự báo đúng, triển khai nhiều giải pháp, biện pháp phù hợp nên số vụ phạm pháp hình sự được kiềm chế, kéo giảm 17,09% so với thời gian cùng kỳ, kịp thời ngăn chặn và triệt phá nhiều băng, nhóm tội phạm nguy hiểm và sử dụng vũ khí nóng.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm trên địa bàn thành phố vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các loại tội phạm nguy hiểm và gây án nghiêm trọng vẫn còn chiếm 19,55% số vụ phạm pháp hình sự, trong đó án giết người, cố ý gây thương tích xảy ra 1.577 vụ (chiếm 9,6%), chủ yếu do mâu thuẫn xung đột tức thời, mang tính chất bộc phát hoặc do mâu thuẫn trong đời sống, ghen tuông, ăn nhậu, số vụ tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng để giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt, ăn nhậu, cờ bạc... đang có dấu hiệu phức tạp. Tội phạm cướp tài sản tuy giảm (xảy ra 1.121 vụ, giảm 31 vụ = 2,69%) nhưng còn xảy ra nhiều tại các quận, huyện ven thành phố (quận Bình Tân, quận Tân Bình, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn...) với phương thức, thủ đoạn sử dụng xe gắn máy đeo bám nạn nhân đến nơi tối vắng trên các tuyến giao thông dùng roi điện, công cụ hỗ trợ, dao, mã tấu, gậy… bất ngờ tấn công nạn nhân hoặc dàn cảnh gây va chạm giao thông để cướp; kêu xe ôm chở về gần cơ quan nhà nước để nạn nhân tin tưởng, mất cảnh giác rồi tấn công, cướp tài sản. Tội phạm cướp giật tài sản xảy ra 3.319 vụ (giảm 1.173 vụ = 26,11%), trong đó phần lớn là cướp giật có phương tiện (2.920 vụ, chiếm 87,97%), đối tượng dùng các loại xe gắn máy nhỏ gọn có tốc độ cao kè theo nạn nhân, lợi dụng sơ hở, thiếu cảnh giác trong quản lý tài sản của người đi đường để thực hiện hành vi. Tội phạm trộm cắp tài sản chủ yếu phát sinh tại các khu dân cư và vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu phạm pháp hình sự (8.644 vụ = 52,66%), trị giá tài sản chiếm đoạt lớn (nhiều vụ trộm hàng chục xe gắn máy, đột nhập tiệm vàng phá két sắt...) với tính chất hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi, đường dây khép kín từ gây án đến tiêu thụ tài sản.

Tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, “bảo kê” được hình thành, phát triển và hoạt động theo một ước lệ chặt chẽ, có sự phân công vai trò cụ thể cho từng đối tượng trong băng nhóm và đang có khuynh hướng tự trang bị các loại vũ khí quân dụng, vũ khí tự tạo (súng hoa cải) để thực hiện hành vi phạm tội. Nổi lên trong thời gian qua là sự phát triển của các băng nhóm tội phạm các tỉnh, thành phố phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An) vào Thành phố Hồ Chí Minh ẩn nấp và hoạt động. Thủ đoạn của các nhóm đối tượng là tìm hiểu, gặp gỡ những doanh nghiệp kinh doanh tại thành phố để dụ dỗ, lôi kéo họ tham gia đánh bạc, sau đó khống chế ép buộc nạn nhân viết giấy nợ hoặc tiếp xúc các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh để đặt vấn đề thuê mướn các đối tượng thực hiện hành vi giết người, đâm thuê, chém mướn để giải quyết mâu thuẫn, trấn áp đối phương hoặc bịt đầu mối, bắt cóc nhằm mục đích đòi nợ thuê, tống tiền...

Tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ đan xen và gắn liền nhiều hơn với các đối tượng hình sự (cờ bạc, giả mạo giấy tờ, đòi nợ thuê, vận chuyển hàng lậu bằng xe gắn máy bị chiếm đoạt...), xảy ra trên mọi ngành, mọi lĩnh vực, được thực hiện có tổ chức và phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng buôn lậu hoạt động mạnh qua các tuyến biên giới, cảng hàng không, cảng biển quốc tế... với các mặt hàng chủ yếu là hàng tiêu dùng như: ô tô, xe máy, động cơ nổ, phụ tùng đã qua sử dụng, hàng hóa kim khí điện máy và thuốc lá điếu ngoại... phần lớn hướng vào Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ nhất là xe ô tô nhập lậu lưu hành bằng giấy tờ giả và chuyển nhượng, mua bán qua nhiều người, ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Đáng lưu ý là trong thời gian gần đây, Cục Hải quan thành phố đã phát hiện nhiều vụ vi phạm gian lận thương mại, vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy qua đường chuyển phát nhanh và cửa khẩu cảng hàng không, số vụ tham nhũng có mức độ và hậu quả thiệt hại ngày càng nghiêm trọng hơn, tập trung trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý sử dụng nhà đất, tài chính ngân hàng, quản lý tài sản.

Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, tội phạm tham ô và lừa đảo bằng chứng từ giả có dấu hiệu được hỗ trợ cấu kết nhiều hơn của cán bộ ngân hàng tha hóa. Vi phạm về sản xuất, kinh doanh 01 hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm nhãn hiệu hàng hóa và gian lận còn phổ biến ở nhiều mặt hàng; thường tổ chức sản xuất hoặc cấu kết đặt hàng từ nước ngoài đưa vào Việt Nam tiêu thụ với số lượng ngày càng nhiều, tập trung vào các loại hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như: tân dược, phân bón, hàng tiêu dùng cao cấp... Các đối tượng hoạt động mua bán hóa đơn thuế Giá trị gia tăng có phương thức thủ đoạn phạm tội đối phó các quy định mới nhưng vẫn còn nhiều sơ hở. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng thực hiện hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức để sử dụng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hợp thức hóa, tiêu thụ hàng hóa nhập lậu và thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác.

Tội phạm về ma túy có sự liên kết chặt chẽ với các đối tượng hình sự để hình thành các băng nhóm, đường dây, tổ chức mạng lưới nhiều nhánh, chặt chẽ, thường trang bị vũ khí nóng để đối phó với lực lượng đấu tranh chuyên trách và cả đồng bọn, cùng lúc buôn bán nhiều loại ma túy. Phương thức, thủ đoạn hoạt động, đối phó với lực lượng chức năng ngày càng tinh vi, đa dạng, chuyên nghiệp như: phân khúc đường dây thành nhiều công đoạn, dùng người thân trong gia đình cùng tham gia đường dây để khi bị bắt nhận tội một mình mà không khai đồng bọn; thường xuyên thay đổi chỗ ở, nơi cất giấu ma túy, không giao nhận tiền hàng cùng một lúc và thanh toán tiền mua bán ma túy với nhiều nội dung ngụy trang khác nhau thông qua tài khoản ATM ở ngân hàng; ngụy trang cất dấu ma túy trong các bao bì hàng hóa (quần, áo, trà, mì gói...), trong ruột các khúc gỗ vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam hoặc sử dụng dịch vụ bưu phẩm, xe chất lượng cao đường dài, đường sắt, đường hàng không để vận chuyển ma túy từ các nơi vào thành phố tiêu thụ.

Nguồn ma túy vào Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu qua cửa khẩu các tuyến phía Bắc, tuyến biên giới Tây Nam và từ Lào. Đáng chú ý là tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài với đối tượng cầm đầu là Việt kiều, người gốc châu Phi sử dụng phương thức móc nối tuyển dụng, sử dụng phụ nữ các nước châu Á (trong đó có phụ nữ Việt Nam) đưa sang Campuchia và Thái Lan, thông qua đường hàng không để vận chuyển ma túy từ các nước châu Phi và Trung Đông vào Việt Nam và từ Việt Nam đi nước ngoài tiêu thụ. Trong nội địa, tình hình hoạt động tội phạm ma túy trong lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm như quán bar, vũ trường, karaoke... cũng rất phức tạp. Thách thức lớn nhất hiện nay của thành phố là xu hướng tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng do dễ cất giấu, dễ vận chuyển, thuận tiện trong giao dịch và thu lợi nhuận rất cao. Bên cạnh đó, do nhu cầu mua, bán ma túy tổng hợp gia tăng nên đã xuất hiện hoạt động tìm mua, chiết xuất tiền chất từ các loại tân dược, sử dụng công nghệ đơn giản theo các công thức hóa học trên mạng Internet để làm ra ma túy tổng hợp hoặc mua bột ma túy về trộn lẫn với các chất khác, ép lại thành viên ma túy tổng hợp để bán.

Tình hình vi phạm pháp luật về môi trường vẫn xảy ra nhiều ở các doanh nghiệp và có xu hướng tăng về quy mô, tính chất vi phạm với thủ đoạn hoạt động và các hành vi vi phạm phổ biến như: không xây dựng hoặc không vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải, sử dụng hệ thống ngầm để lén lút xả thải ra môi trường, không tuân thủ quy định về quản lý chất thải nguy hại... Trong lĩnh vực bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tiếp tục phát hiện một số đường dây, tổ chức mua bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã và mua bán sản phẩm của chúng; tình trạng khai thác cát trái phép dưới lòng sông vẫn tiếp tục xảy ra. Nguyên nhân chính vẫn do ý thức về bảo vệ môi trường chưa chuyển biến tích cực; công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn nhiều sơ hở, yếu kém; việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe do quy định pháp luật còn nhiều bất cập; công tác phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, thiếu kiên quyết... dẫn đến tình trạng vi phạm vẫn xảy ra nhiều, thậm chí nhiều tổ chức, cá nhân sau khi bị xử lý vẫn tiếp tục tái phạm.

Hoạt động mại dâm vẫn còn diễn biến khá phức tạp, biểu hiện dưới nhiều hình thức kinh doanh trá hình mà phổ biến là núp bóng tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: quán cà phê, tiệm hớt tóc gội đầu, cơ sở xông hơi, xoa bóp... Đáng chú ý thời gian gần đây lại tiếp tục xuất hiện một số đường dây mại dâm do diễn viên, người mẫu tham gia bán dâm. Hiện tượng bán dâm, môi giới mại dâm trên mạng Internet, qua điện thoại di động diễn ra ngày càng nhiều, gây khó khăn trong đấu tranh phòng ngừa. Bên cạnh đó hoạt động mại dâm nam, mại dâm trong nhóm người đồng tính nam, mại dâm có yếu tố người nước ngoài và xuất cảnh ra nước ngoài bán dâm không có dấu hiệu suy giảm; mại dâm tại nơi công cộng, hoạt động lưu động bằng xe máy trên đường phố đang tác động xấu đến môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội và gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Tệ nạn cờ bạc, nhất là việc mua bán số đề và cá độ bóng đá còn xảy ra nhiều, dễ dàng thực hiện thanh toán qua mạng và ngân hàng gây khó khăn cho lực lượng chức năng; tình hình con bạc sang Campuchia đánh bạc còn nhiều và kéo theo nhiều hệ lụy về an ninh trật tự.

II. CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO, QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 48-CT/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ:

Nhằm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 31 tháng 12 năm 2010 và tổ chức Hội nghị cán bộ thành phố quán triệt, triển khai các văn bản trên đến các Sở - ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở và đảng ủy cơ sở trực thuộc, tập trung nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm; tập trung chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn thành phố trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn đã xây dựng chương trình hành động hoặc kế hoạch triển khai thực hiện một cách nghiêm túc nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; đặt nhiệm vụ phòng, chống tội phạm là một trong những chương trình lớn xuyên suốt cả nhiệm kỳ gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương.

Qua sơ kết định kỳ hàng năm về thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 282/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Ban Thường vụ Thành ủy và qua tự kiểm điểm theo Nghị quyết số 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã tiến hành đánh giá những việc làm được, những yếu kém, nguyên nhân tồn tại, đề ra những giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác phòng, chống tội phạm, kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm; thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, đề cao trách nhiệm tham mưu của lực lượng công an và các ngành chức năng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm. Tiếp tục lồng ghép, kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng, chống tội phạm với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, kết hợp thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, Kế hoạch thực hiện Chiến lược phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố, Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người với Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, thực hiện chính sách an sinh xã hội...

Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các Sở - ngành chức năng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các quận, huyện huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tập trung tấn công liên tục vào các loại tội phạm, đấu tranh chuyển hóa địa bàn, tụ điểm phức tạp về ma túy và xử lý kiên quyết các loại tệ nạn xã hội; tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng ngừa các loại tội phạm sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đến từng hộ gia đình, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên và các đối tượng dễ bị lây nhiễm, tập trung tại địa bàn dân cư, trường học... gắn kết với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tiếp tục lồng ghép, kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng, chống tội phạm với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng môi trường sống lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là số tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện, số đối tượng tù tha, đặc xá... để góp phần xóa bỏ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, nâng cao hiệu quả phòng ngừa xã hội; kiềm chế sự gia tăng phạm pháp hình sự và kéo giảm tỷ lệ phạm pháp hình sự trên dân số thường trú và tạm trú tại từng địa bàn. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã triển khai Chỉ thị số 13/2012/CT-UBND ngày 25 tháng 4 năm 2012 về tăng cường quản lý nhà nước đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố, trong đó chỉ đạo các Sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, tích cực đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội phát sinh; xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tệ nạn xã hội kéo dài tại địa bàn do mình phụ trách.

Trước tình hình phạm pháp hình sự gia tăng và diễn biến phức tạp vào thời điểm cuối năm 2012, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 09 tháng 01 năm 2013 về tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự, tấn công trấn áp tội phạm, kéo giảm tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố, chủ động triển khai các chủ trương, giải pháp, kết hợp tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền để ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch và bọn phản động; các yếu tố “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; bảo vệ bí mật Nhà nước; không để xảy ra bất ngờ, bị động trong phòng ngừa và xử lý tình huống khủng bố, phá hoại, biểu tình, bạo loạn, gây rối an ninh trật tự. Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch số 1326/KH-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2013 tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội.

III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN:

1. Công tác phát động phong trào, huy động các cấp, các ngành và toàn xã hội tham gia phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống và pháp luật phòng, chống tội phạm:

Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01 tháng 12 năm 2011 của Ban Bí thư, Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch số 3852/KH-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 26-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể triển khai, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhân dân với nội dung, hình thức, phương pháp được đổi mới nhằm phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự ở cộng đồng dân cư, trong đó trọng tâm là: tuyên truyền pháp luật, chủ trương về phòng, chống tội phạm và phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của một số loại tội phạm; vận động nhân dân giao nộp vũ khí, hung khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phát hiện, truy bắt và vận động đối tượng truy nã ra đầu thú...

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, vai trò tham mưu tích cực của lực lượng Công an, cùng với sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động nên đã tạo được sự ủng hộ, tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh trật tự địa bàn. Nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an 120.904 nguồn tin liên quan đến an ninh trật tự, trong đó có 8.480 tin có giá trị, giúp lực lượng công an xác minh làm rõ 15.880 vụ việc, bắt và xử lý 25.206 đối tượng, thu hồi tài sản gần 57 tỷ đồng; giao nộp 155 súng các loại, 5.046 viên đạn, 1.324 dao lê mã tấu, 2.050 loại hung khí tự tạo khác; vận động 263 đối tượng có quyết định truy nã ra đầu thú, cung cấp thông tin cho công an bắt giữ 895 đối tượng có quyết định truy nã; trực tiếp bắt 3.786 vụ, 5.113 đối tượng phạm pháp quả tang; đã xuất hiện nhiều gương quần chúng mưu trí dũng cảm tham gia truy bắt bọn tội phạm góp phần vào việc đảm bảo an ninh trật tự ở thành phố (có 1.335 tập thể và 7.219 cá nhân được khen thưởng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc).

Công an thành phố đã phối hợp với các Sở - ngành, Đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình liên tịch đã ký kết và tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết, giao ban chuyên đề, như: sơ kết 03 năm thực hiện mô hình “Quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”; sơ kết 05 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Công an thành phố và Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố về đảm bảo an ninh trật tự và tổng kết 01 năm công tác phong trào; phối hợp với Thành Đoàn tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch về “Phối hợp phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010 - 2012”; phối hợp với Hội Cựu Chiến binh thành phố khảo sát hoạt động mô hình “Tổ cán sự xã hội tình nguyện trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người hồi gia tái hòa nhập cộng đồng tại 12 phường, xã, thị trấn giai đoạn 2010 - 2013”. Triển khai kế hoạch chuyên sâu về phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phòng, chống tội phạm trên địa bàn phường, xã, thị trấn; quản lý giáo dục đối tượng; thường xuyên củng cố lực lượng an ninh cơ sở, thành lập lực lượng dân phòng chuyên trách, bán chuyên trách, lực lượng bảo vệ dân phố tham gia hoạt động tuần tra bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn khu phố; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân) tham gia quản lý, giáo dục đối tượng.

Nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, trên cơ sở 35 mô hình tự quản trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ đạo 138/TP đã chỉ đạo phổ biến, nhân rộng một số mô hình có hiệu quả trong đảm bảo an ninh trật tự, gồm: mô hình “5+1”, “Nghiệp đoàn bốc xếp tự quản”, “Dân phòng tự quản”, “Nhà trọ sinh viên tự quản về an ninh trật tự”, “Nhà trọ không tội phạm ẩn náu, hoạt động”, “Dòng họ tự quản - họ Đỗ”... để các đơn vị nghiên cứu, vận dụng. Các mô hình nói trên được các địa phương thường xuyên quan tâm, củng cố, xây dựng nên đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương; cụ thể như: mô hình “5 + 1” (05 ban ngành, đoàn thể tham gia giáo dục, giúp đỡ các đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng dân cư) hiện quản lý giáo dục 19.003 đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, đã giáo dục giúp đỡ 13.766 người tiến bộ; mô hình “nhà trọ tự quản” hiện có 12.537 nhà trọ tự quản, đã cung cấp cho cơ quan Công an 1.796 tin về an ninh trật tự, giúp cơ quan Công an bắt 175 vụ (305 đối tượng)... Nhìn chung, các mô hình tự quản về an ninh trật tự được xây dựng, củng cố và phát triển phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nên đã được triển khai đồng bộ, tạo được phong trào rộng khắp trong nhân dân, xây dựng được sự đoàn kết giữa các thành viên trong nhóm hộ tự quản và tổ dân phố tham gia phòng, chống trộm cắp, cướp giật có hiệu quả. Qua đó, tinh thần tự quản của người dân trên nhiều địa bàn cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng bảo vệ dân phố tiếp tục được quan tâm, cải thiện về vật chất, công cụ phương tiện hoạt động như: máy bộ đàm, dùi cui, roi điện... nhằm phát huy hiệu quả hoạt động, hiện có 7.267 thành viên, tham gia tuần tra canh gác 1.373.103 lượt, cung cấp 73.419 tin về an ninh trật tự, trong đó có 10.153 tin có giá trị, giúp công an bắt 1.271 vụ với 1.686 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá hơn 1,3 tỷ đồng.

Sở Y tế và Ủy ban phòng, chống AIDS thành phố đã mở 6 cơ sở thí điểm điều trị nghiện ma túy bằng Methadone (tại quận 4, quận 6, quận 8, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức và quận Gò Vấp); tính đến tháng 7 năm 2013, đã có 2.859 bệnh nhân đăng ký tham gia chương trình, trong đó có 1.390 bệnh nhân đang điều trị (chiếm 48,61%). Việc triển khai điều trị nghiện thay thế bằng thuốc Methadone đã có những kết quả nhất định, cải thiện hành vi xã hội của bệnh nhân, cải thiện rõ rệt về sức khỏe, tâm lý, điều kiện sống...; tỷ lệ heroin trong nước tiểu của các bệnh nhân ở giai đoạn duy trì giảm cho thấy điều trị Methadone có hiệu quả trong việc phòng, chống tái sử dụng heroin và các chất dạng thuốc phiện, chương trình đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận rất của các cấp chính quyền và nhân dân thành phố.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở - ngành liên quan và các đoàn thể tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Tổ cán sự xã hội tình nguyện và triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 24/2012/TTLT- BLĐTBXH-BNV-BTC của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính quy định việc thành lập, giải thể, tổ chức hoạt động và chế độ, chính sách đối với Đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn; tổ chức cuộc thi sáng tác về pano, áp phích, tiểu phẩm, tranh biếm họa về phòng, chống mại dâm; phát hành tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống ma túy với nội dung chủ yếu là cai nghiện ma túy tại cộng đồng, tác hại của ma túy tổng hợp; triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Dạy nghề - giải quyết việc làm cho người đang cai nghiện và sau cai nghiện ma túy đến năm 2015”, Đề án “Công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 -2015”... Phối hợp với Công an thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá kết quả chuyển hóa địa bàn, xây dựng phường, xã, thị trấn lành mạnh không có ma túy, mại dâm tại 28 phường, xã, thị trấn theo Nghị quyết liên tịch số 01 và chọn các phường, xã, thị trấn trọng điểm để chuyển hóa địa bàn trong năm 2013; xây dựng phim tài liệu về những khó khăn và thách thức trong công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn thành phố.

Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các cơ quan báo, đài căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của loại hình hoạt động để xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên đề, các tin bài, phim phóng sự, phim tài liệu... tuyên truyền triển khai việc thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị, Chương trình Hành động số 04-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tội phạm, tạo sự chuyển biến tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và huy động sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân đối với công tác này. Với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, báo đài thành phố đã mở các chuyên mục, các chương trình trên truyền hình, đài phát thanh,... trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền để nhân dân nắm rõ và cảnh giác với phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, hậu quả do tội phạm gây ra nhằm phục vụ có hiệu quả công tác phòng ngừa các loại tội phạm.

Sở Tư pháp phối hợp với các Sở - ngành, đơn vị có liên quan tổ chức trên 4.000 cuộc tuyên truyền pháp luật cho quần chúng nhân dân với nhiều nội dung khác nhau, trong đó có nhiều cuộc tuyên truyền về nội dung phòng, chống tội phạm; in ấn, phát hành trên 1.000.000 tờ gấp tuyên truyền pháp luật các loại. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ làm công tác phòng, chống tội phạm ở các Sở - ngành, đoàn thể và cấp cơ sở để có đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay như: tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho 322 đại biểu là Công an, Điều tra viên, quản giáo các trại tạm giam; 96 đại biểu là Thẩm phán, Kiểm sát viên các cấp, 200 cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của trẻ em, người chưa thành niên được quy định cụ thể trong một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như: Luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự, Luật Dân sự... Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức 16 buổi tuyên truyền Luật phòng, chống ma túy, Luật phòng, chống mua bán người với gần 2.000 người tham dự.

Công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật còn được kết hợp thực hiện qua các hình thức tuyên truyền miệng, qua giao lưu người thật việc thật, người tốt việc tốt... nhằm làm cho nhân dân hiểu về thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; trong đó lấy hộ gia đình, các trường học, các cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp, nhóm hộ, tổ dân phố, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh... làm cơ sở để tổ chức tuyên truyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố hướng dẫn hệ thống Mặt trận Tổ quốc quận, huyện tổ chức phát động “Phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”. Phối hợp với các Sở - ngành, Đoàn thể tổ chức 23.871 cuộc tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, đoàn viên, học sinh, sinh viên, hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về các chủ trương của nhà nước liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội kết hợp tổ chức vận động tham gia tố giác, cung cấp thông tin về các loại tội phạm; vận động các đối tượng truy nã ra đầu thú chính quyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, hung khí, vật liệu nổ và tham gia giữ gìn an ninh trật tự của cộng đồng dân cư... với 1.355.730 lượt người tham dự. Tổ chức 1.779 cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề thông tin về tình hình tội phạm, cách nhận biết các thủ đoạn hoạt động của tội phạm. Phát hành 375.837 tờ bướm, tài liệu, lắp đặt 3.315 pano, khẩu hiệu các loại liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm ở cộng đồng dân cư. Phối hợp Công an thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ các hoạt động làm điểm về thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội” tại một số địa phương như: Phường 15 - Quận 5, Phường Tân Chánh Hiệp - Quận 12, Phường Hiệp Bình Chánh - Quận Thủ Đức...

2. Củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan phòng, chống tội phạm:

Để tăng cường hiệu quả chỉ đạo, tập trung vai trò chỉ đạo thống nhất các biện pháp, giải pháp phòng, chống tội phạm, Ủy ban nhân dân thành phố đã quyết định sáp nhập “Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội thành phố” và “Ban Chỉ đạo Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thành phố” thành “Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội thành phố”; đồng thời thường xuyên quan tâm chỉ đạo củng cố, kiện toàn, phát triển lực lượng nòng cốt trong phòng, chống tội phạm ở địa bàn cơ sở. Nhìn chung, vai trò hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội các cấp đã bước đầu phát huy hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi lên về trật tự xã hội; các lực lượng nòng cốt luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm củng cố, xây dựng về biên chế, đào tạo nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, trang bị công cụ, phương tiện hoạt động, thực hiện các chế độ chính sách theo quy định.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chỉ huy các đơn vị thường xuyên quan tâm, chú trọng giáo dục, đôn đốc cán bộ chiến sỹ trong việc rèn luyện, chấn chỉnh những tồn tại về đạo đức, lối sống và nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc. Qua tự kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, ngành Công an đã đánh giá rõ những việc làm được, những yếu kém, nguyên nhân và đề ra kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế sau kiểm điểm, trong đó tập trung tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2015 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, kết hợp chặt chẽ nội dung thực hiện cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, phong trào học tập thực hiện 06 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân gắn với việc thực hiện “Kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”; phát động các đợt thi đua đặc biệt và tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, ngày truyền thống các lực lượng Công an nhân dân... Công tác tuyên truyền, giáo dục luôn theo đúng trọng tâm, đúng định hướng của Đảng, Nhà nước và của ngành nên đa số cán bộ, chiến sỹ đều ý thức tự rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy trong công việc, chấp hành tốt kỷ cương, kỷ luật, nêu cao tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, tích cực công tác, chiến đấu nhằm giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Trong những năm qua, biên chế của lực lượng Công an thành phố luôn bị thiếu hụt so với ấn định của Bộ Công an, tuy nhiên nhìn chung, số lượng cán bộ hiện có đảm bảo trình độ, năng lực, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Để nâng cao chất lượng công tác, Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an thành phố tiếp tục triển khai thực hiện cơ cấu biên chế bố trí theo từng cấp, từng lực lượng được sắp xếp, điều chỉnh theo định hướng chung của Bộ Công an, ưu tiên cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, đơn vị cơ sở. Tính đến nay, quân số Công an thành phố hiện có 22.119 đồng chí, trong đó, đang công tác là 18.946 đồng chí, nghỉ chờ hưu là 679 đồng chí, chiến sĩ phục vụ có thời hạn là 2.250 đồng chí, hợp đồng là 244 đồng chí. Đội ngũ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm không ngừng được củng cố nên kết quả điều tra khám phá tăng 10,31% so với 3 năm liền kề và do chủ động dự báo đúng tình hình, diễn biến và tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời nắm bắt phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm nên đã kịp thời ngăn chặn và triệt phá nhiều băng, nhóm phạm tội nguy hiểm và sử dụng vũ khí nóng, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Cục Hải quan thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố và lãnh đạo các ngành chức năng tiếp tục tăng cường xây dựng và củng cố lực lượng chức năng trong sạch, vững về chính trị, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có tâm huyết, đạo đức, hết lòng vì dân, yêu ngành và thật sự có trách nhiệm trên mọi lĩnh vực công tác; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đeo bám, sáng tạo và táo bạo trong tổ chức thực hiện, không chùn bước trước những khó khăn, thách thức, thật sự là lực lượng nòng cốt để tạo thành một mặt trận rộng lớn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nhận thức công tác cán bộ có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ, nhất là trong điều kiện cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế đòi hỏi trình độ, năng lực, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ Kiểm sát viên, Thẩm phán phải được nâng cao, do vậy công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thành phố quan tâm đầu tư đúng mức. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp cho cán bộ, công chức được thực hiện thường xuyên, liên tục, gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI. Cùng với việc đào tạo trong trường lớp, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thành phố còn chú trọng bồi dưỡng kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp cho cán bộ thông qua công việc thực tiễn. Quá trình quản lý, đào tạo đã đề ra những biện pháp, giải pháp cụ thể, linh hoạt, tổ chức động viên cán bộ, công chức phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu công việc, có lộ trình, đảm bảo thời gian, tiến độ hoàn thành nhiệm vụ được giao kết hợp các biện pháp kiểm tra, đôn đốc thực hiện.

3. Kết quả đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm; kết quả cải cách tư pháp, thi hành án hình sự:

a) Kết quả đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm:

- Từ ngày 01 tháng 10 năm 2010 đến ngày 30 tháng 9 năm 2013, phạm pháp hình sự trên địa bàn thành phố xảy ra 16.412 vụ (giảm 3.383 vụ = 17,09% so với cùng kỳ), làm chết 433 người, bị thương 1.870 người và thiệt hại tài sản trên 167 tỷ đồng. Các loại án giảm so với cùng kỳ là: án trộm cắp giảm 2.434 vụ (21,97%), án cướp giật tài sản giảm 1.173 vụ (26,11%), án cướp tài sản giảm 31 vụ (2,69%), án giết người giảm 29 vụ (6,79%)...; các loại án tăng gồm: án bắt giữ người trái pháp luật tăng 13 vụ (46,42%), án hiếp dâm tăng 69 vụ (43,1%), án chống người thi hành công vụ tăng 69 vụ (53,48%)... Công an thành phố đã điều tra khám phá 10.848 vụ, bắt 13.526 đối tượng (tỷ lệ khám phá đạt 66,09%, tăng 10,31% so với 3 năm trước), trong đó các loại án đạt tỷ lệ khám phá cao là: án chống người thi hành công vụ (đạt 97,97%), án hiếp dâm (đạt 96,47%), án bắt giữ người trái pháp luật (đạt 92,68%), án cưỡng đoạt tài sản (đạt 90,32%), án cướp giật tài sản (đạt 84,69%), án cố ý gây thương tích (đạt 81,76%). Qua đấu tranh chuyên án, tuần tra mật phục, điều tra truy xét... đã triệt phá 2.011 băng nhóm, bắt 4.857 tên tội phạm các loại; bắt 1.087 tên có quyết định truy nã, gọi hỏi răn đe giáo dục 28.216 đối tượng, kiểm điểm trước dân 829 đối tượng; triệt phá 162 ổ mại dâm lợi dụng nhà trọ, khách sạn hoạt động, lập hồ sơ xử lý 951 đối tượng; phát hiện xử lý 2.970 vụ cờ bạc, bắt 14.115 đối tượng, thu giữ trên 12,6 tỷ đồng, 2.333 điện thoại di động, 1.459 xe gắn máy, 4.650 phơi đề, 3.264 bộ bài và một số công cụ, phương tiện phạm tội khác...

- Trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng và chức vụ đã xác lập mới 56 chuyên án kinh tế, kết thúc đấu tranh 61 chuyên án (trong đó: chuyển điều tra tố tụng 42 vụ, xử phạt hành chính 07 vụ, chuyển đơn vị khác 06 vụ, xử lý khác 06 vụ) và đang xác minh 03 chuyên án. Tổng số vụ điều tra trinh sát là 3.519 vụ, 3.289 đối tượng vi phạm về kinh tế, tổng giá giá trị tài sản thiệt hại gần 4.083,501 tỷ đồng, doanh số trốn thuế khoảng 6.805,0718 tỷ đồng, giá trị tài sản thu hồi 600,5 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tang vật khoảng 241,12 tỷ đồng, xử phạt hành chính nộp ngân sách Nhà nước trên 61,235 tỷ đồng. Đã kết thúc điều tra trinh sát 3.371 vụ (trong đó: chuyển điều tra tố tụng 317 vụ, xử phạt hành chính 2.420 vụ, 82 vụ, chuyển đơn vị khác thụ lý theo thẩm quyền 213 vụ, xử lý khác 396 vụ, không xử lý 25 vụ), đang tiếp tục xác minh 241 vụ, 256 đối tượng. Đã khởi tố, điều tra 754 vụ, 1.167 bị can (tội phạm tham nhũng và chức vụ: 70 vụ - 277 bị can; tội phạm xâm phạm sở hữu: 84 vụ - 220 bị can; tội phạm về trật tự QLKT: 503 vụ - 585 bị can; nhóm khác: 97 vụ - 85 bị can).

- Đã điều tra khám phá 4.961 vụ, 9.669 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy (trong đó khởi tố: 3.369 vụ, 4.502 tên; xử lý hành chính 1.592 vụ, 5.167 tên); thu giữ 39.409,2572g hêrôin; 11.313,7063g cần sa; 52.139,6442g và 34.336 viên ma túy tổng hợp; 12 khẩu súng; 156 cân điện tiểu ly; 2.936 xe gắn máy; 4.539 điện thoại di động và trên 14,3 tỷ đồng, cùng nhiều công cụ, phương tiện phạm tội khác.

- Kiểm tra phát hiện, xử lý 2.472 cơ sở, doanh nghiệp vi phạm về vận chuyển, thu gom, xử lý và xả chất thải gây ô nhiễm môi trường. Đã kết thúc xác minh và đề xuất xử lý 2.538 vụ (trong đó: khởi tố 08 vụ, xử phạt hành chính 2.223 vụ, đang điều tra 122 vụ, xử lý khác 185 vụ); nộp ngân sách Nhà nước trên 53,6 tỷ đồng.

b) Kết quả công tác cải cách tư pháp và thi hành án hình sự:

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; tập trung rà soát nguồn cán bộ để bổ nhiệm điều tra viên, cán bộ kỹ thuật hình sự, từng bước ổn định về nhân sự, cơ cấu tổ chức để đáp ứng việc tăng thẩm quyền thụ lý án theo Bộ luật Tố tụng hình sự và nâng cao hiệu quả điều tra khám phá án. Công tác bắt giữ, điều tra xử lý tội phạm đảm bảo không oan sai, hạn chế tỷ lệ điều tra bổ sung do lỗi của cơ quan cảnh sát điều tra.

- Công tác thực hành quyền công tố xét xử tại phiên tòa được Viện kiểm sát nhân dân đặc biệt chú trọng theo tinh thần cải cách tư pháp, đảm bảo 3 yêu cầu: vừa chủ động tích cực tham gia tranh tụng, vừa đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình tranh tụng và có tính giáo dục, thuyết phục cao nên hầu hết các đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa đều được Hội đồng xét xử chấp nhận, chất lượng thực hành quyền công tố, xét xử tại Tòa ngày càng được nâng lên. Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đã tổ chức các hội nghị chuyên đề như: “Phối hợp với Tòa án nhân dân tổ chức các phiên tòa xét xử theo yêu cầu cải cách tư pháp”, “Nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết, kiểm sát tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố” để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chức năng kiểm sát; phối hợp với Cơ quan điều tra và Tòa án nhân dân chọn 1.258 vụ án điểm là những vụ án có phương thức thủ đoạn phạm tội mới, được dư luận xã hội quan tâm để tập trung điều tra, truy tố, xét xử phục vụ tốt yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và yêu cầu chính trị tại địa phương.

Qua đó đã làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật, nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, tích cực tố giác tội phạm cho cơ quan Công an.

- Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” xác định Tòa án nhân dân là khâu trung tâm của cải cách tư pháp, hoạt động xét xử là khâu trọng tâm để xây dựng nền tư pháp vững mạnh. Tòa án nhân dân các cấp đã triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của họ. Với việc áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, công tác kiểm tra của Tòa án nhân dân cấp trên đối với Tòa án nhân dân cấp dưới đã có nhiều chuyển biến tích cực: việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội, nhiều vụ án bức xúc, kéo dài đã được tập trung xem xét, giải quyết dứt điểm. Tòa án nhân dân thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới các thủ tục hành chính tại Tòa, đảm bảo cho việc thụ lý, giải quyết các loại vụ án và tiến hành các thủ tục hành chính tư pháp được thực hiện một cách nhanh chóng, thuận lợi cho đương sự. Thực tế những năm qua, chất lượng xét xử của Tòa án nhân dân thành phố và quận, huyện được nâng lên, việc tranh tụng tại Tòa được Hội đồng xét xử quan tâm nhiều hơn nhằm tuyên những bản án thuyết phục, công minh, hạn chế tình trạng oan sai.

- Các trại tạm giam, nhà tạm giữ của Công an thành phố chấp hành đúng các quy định về giam giữ theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 1998 ban hành quy chế về tạm giữ, tạm giam và Nghị định số 98/2002/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP của Chính phủ. Không để xảy ra tình trạng đầu gấu ở trại tạm giam, nhà tạm giữ và hạn chế tình trạng phạm nhân trốn trại, tăng cường kiểm tra thực hiện đúng quy chế giam giữ, thi hành án, đảm bảo các chế độ theo quy định của Pháp lệnh thi hành án phạt tù và Nghị định của Chính phủ.

- Kết quả, đã truy tố 17.600 vụ, 26.490 bị can trên tổng số 18.050 vụ, 27.979 bị can thụ lý giải quyết (đạt 97,5%); đã kiểm sát xét xử 17.387 vụ 26.629 bị cáo. Hạn chế thấp nhất đình chỉ điều tra vì lý do không đủ chứng cứ buộc tội; không có trường hợp nào Tòa án nhân dân tuyên không phạm tội hoặc không phạm một tội (đối với bị cáo bị truy tố 2 tội); tình trạng quá hạn điều tra, truy tố, tạm giữ, tạm giam thuộc trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân đã được khắc phục. Tỷ lệ án trả điều tra bổ sung đã được kéo giảm, Viện Kiểm sát nhân dân trả hồ sơ Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung 485 vụ (giảm 423 vụ = 46,59%); Tòa án nhân dân trả hồ sơ Viện Kiểm sát nhân dân để điều tra bổ sung 712 vụ (giảm 142 vụ = 16,63%). Nhân dịp các dịp Lễ, Tết, Hội đồng xét đề nghị đặc xá các Trại tạm giam Chí Hòa, Bố Lá đã đề nghị giảm án cho 1.322 lượt phạm nhân (trong đó đề nghị giảm hết thời hạn chấp hành hình phạt tù cho 393 phạm nhân), xét đề nghị đặc xá cho 573 phạm nhân; kết quả có 1.317 phạm nhân được giảm án và 514 phạm nhân được đặc xá.

- Kết quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự phục vụ phòng, chống tội phạm: đã tiến hành kiểm tra hộ khẩu 187.078 cơ sở, hộ gia đình, nhà ngăn phòng cho thuê, khách sạn; lập biên bản xử lý 266.423 trường hợp vi phạm; xử lý 3.301 người nước ngoài vi phạm không có giấy tờ tùy thân, quá hạn tạm trú, trộm cắp, gây mất trật tự công cộng. Tăng cường kiểm tra xử lý các vi phạm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, trong đó, kiểm tra lập 14.435 biên bản đối với các cơ sở dịch vụ giải trí vi phạm quy định. Kiểm tra việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tại 307 lượt đơn vị cơ quan, xí nghiệp, phát hiện 214 trường hợp vi phạm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 415.000.000 đồng. Thông qua công tác kiểm tra, gia hạn các loại giấy phép, đã vận động tổ chức, cá nhân giao nộp 72 vũ khí quân dụng (01 súng Rulo, 01 súng K54, 01 súng K59, 02 súng Colt45, 37 súng trường K63, 29 súng CKC, 01 quả lựu đạn), 11 súng săn, súng hơi, 1.354 viên đạn, 656 công cụ hỗ trợ (199 súng hơi cay, 03 bình xịt hơi cay, 233 roi điện, 220 gậy sắt, gậy cao su, 01 còng số 8) và 96 vũ khí thô sơ các loại.

4. Kết quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự:

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Công an về “xác định địa bàn trọng điểm phức tạp để tập trung giải quyết dứt điểm, chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự trở thành địa bàn không có tội phạm hoặc giảm đến mức thấp nhất để rút kinh nghiệm, nhân rộng”, Ban Chỉ đạo 138/TP đã chọn 05 phường, xã trọng điểm gồm: Phường 2, Quận Tân Bình; Phường 25, Quận Bình Thạnh; Phường Bình Hưng Hòa A, Quận Bình Tân; Phường Linh Trung, Quận Thủ Đức và Xã Vĩnh Lộc A, Huyện Bình Chánh để thí điểm tập trung đấu tranh chuyển hóa, làm trong sạch địa bàn. Qua 01 năm triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo công tác đấu tranh chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự tại 05 phường, xã được chọn thí điểm đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các mặt công tác, luôn nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được phân công; đồng thời huy động lực lượng và triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp, biện pháp trong đấu tranh, trấn áp tội phạm tại các khu vực, tuyến, tụ điểm đã xác định; ý thức quần chúng nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh trật tự có chuyển biến, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị cho lực lượng công an và đặc biệt là tự giác tham gia tổ phòng, chống tội phạm; lực lượng an ninh cơ sở từng bước được củng cố, công tác kiểm tra hành chính, tuần tra, mật phục được tăng cường, trong đó trọng tâm là phối hợp tuần tra kiểm soát, chốt chặn, mật phục, kiểm tra hành chính tại các khu nhà trọ, cơ sở lưu trú, dịch vụ cầm đồ,..tham gia các đợt cao điểm tấn công tội phạm hình sự, ma túy và truy quét tệ nạn xã hội. Các biện pháp, giải pháp trên đã phát huy hiệu quả tích cực, số vụ phạm pháp hình sự tại các phường, xã trọng điểm đều được kéo giảm so với thời gian cùng kỳ; tỷ lệ điều tra khám phá đạt từ 75% đến 81%, nhiều tụ điểm, khu vực phức tạp về tệ nạn ma túy, cờ bạc, mại dâm đã được giải quyết về cơ bản... Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức sơ kết 01 năm thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự tại 05 phường, xã trọng điểm và chỉ đạo Công an thành phố hướng dẫn các địa phương tiếp tục triển khai nhân rộng công tác đấu tranh chuyển hóa các địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Công an thành phố (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội thành phố) đã ban hành văn bản hướng dẫn Ban Chỉ đạo 138 các quận, huyện chấm chọn địa bàn phường, xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự và địa bàn có đủ điều kiện phấn đấu xây dựng thành địa bàn không có tội phạm để tập trung đấu tranh chuyển hóa.

Tại các địa bàn đã được xác định, tiến hành thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và đấu tranh chuyển hóa do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Công an phường, xã, thị trấn làm Phó ban và đại diện các ban, ngành, đoàn thể là thành viên (trên cơ sở kiện toàn, thay thế Ban Chỉ đạo 138 của phường, xã, thị trấn), nhằm huy động các lực lượng và nguồn lực phục vụ hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại cơ sở. Việc triển khai thực hiện công tác đấu tranh chuyển hóa địa bàn cần xác định khu vực, tuyến địa bàn trọng điểm cụ thể để đánh giá đầy đủ tính chất phức tạp của địa bàn, từ đó đề ra các biện pháp đấu tranh đối với từng loại đối tượng; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với các địa bàn phường, xã, thị trấn giáp ranh và sự hỗ trợ của các Đội nghiệp vụ - Công an quận, huyện trong đấu tranh đối với hoạt động lưu động của các đối tượng trên địa bàn; tăng cường công tác vận động thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp với tình hình thực tế, từng đối tượng, từng địa bàn nhằm tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư...

5. Công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ, tạo việc làm cho những người phạm tội được tha tù trở về địa phương:

Công tác cảm hóa giáo dục, cải tạo người phạm tội được tha tù, đặc xá trở về gia đình, địa phương hòa nhập cộng đồng dân cư được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong việc góp phần ngăn ngừa tội phạm, hạn chế tái phạm nên luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm quản lý và các ban ngành, đoàn thể, quần chúng nhân dân tham gia phối hợp giáo dục, giúp đỡ, qua đó phát huy được sức mạnh của phong trào quần chúng trong cộng đồng dân cư, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, hoàn lương trở thành những công dân có ích cho xã hội. Đồng thời tăng cường công tác giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý khi người chấp hành xong án phạt tù về địa phương có hành vi vi phạm pháp luật, thông qua việc phối hợp, trao đổi thông tin, tình hình hoạt động của những đối tượng có biểu hiện nghi vấn vi phạm pháp luật... để có biện pháp giám sát, quản lý giáo dục không để họ tái phạm, vi phạm pháp luật.

Kết quả, trong 36.181 đối tượng chấp hành xong án phạt tù đang tái hòa nhập cộng đồng, có 28.993 người tiến bộ (chiếm 80,13%), 4.964 chưa thật sự tiến bộ, 2.224 người còn điều kiện khả năng phạm tội; đã có 25.011 người có việc làm ổn định (chiếm 69,12%); có 259 người tiến bộ tham gia công tác phong trào tại địa phương gồm: 50 người tham gia Ban bảo vệ dân phố, 43 người tham gia Ban điều hành khu phố, tổ dân phố và 154 người tham gia các hoạt động phong trào khác; có 12 người đã lập thành tích xuất sắc trong giữ gìn an ninh trật tự được biểu dương, khen thưởng.

6. Công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm:

Trên cơ sở tham mưu của các Sở - ngành, quận - huyện, Ủy ban nhân dân thành phố đã xây dựng báo cáo tổng kết 11 năm thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 trên địa bàn thành phố (trong đó có kiến nghị sửa đổi một số điều của Bộ luật Hình sự); báo cáo rà soát, đánh giá, kiến nghị để xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp; góp ý dự thảo Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012-2016”; ban hành các văn bản để quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về công tác phòng, chống tội phạm cho cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân như: các Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm trên địa bàn thành phố; Kế hoạch triển khai thực hiện “Ngày Pháp luật”; Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng...

Ban hành các văn bản có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn thành phố như: tăng cường công tác phòng, chống tụ tập, đua xe trái phép hoặc chạy xe gây rối trật tự công cộng, Quy chế tổ chức và hoạt động của lực lượng kiểm tra liên ngành hoạt động văn hóa - xã hội và phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố, Chỉ thị về tăng cường quản lý, chống trộm dây cáp điện thuộc hệ thống chiếu sáng công cộng... qua đó góp phần hoàn hiện pháp luật về công tác phòng, chống tội phạm góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Biên soạn nhiều tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền với nội dung phong phú như: sổ tay hướng dẫn, đề cương tuyên truyền, tài liệu hỏi đáp về pháp luật, tờ gấp “Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội”.

7. Quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm:

Công an thành phố tổ chức quán triệt Chỉ thị số 26/CT-TW ngày 10 tháng 9 năm 2008 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, Quyết định số 3110/QĐ-BCA ngày 03 tháng 8 năm 2011 của Bộ Công an về việc ban hành Quy chế thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế trong lực lượng Công an nhân dân; đồng thời tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các hiệp định hợp tác của Bộ Công an đã ký kết với Bộ Công an các nước về chống tội phạm qua biên giới, các ký kết hợp tác về hỗ trợ tư pháp, trao đổi kinh nghiệm đào tạo với các nước.

Trong thời gian qua, thành phố đã tiếp đón 39 đoàn khách quốc tế, gồm: Bộ Công an Lào, Trung Quốc, Công an Campuchia và Tổng lãnh sự, các nhân viên an ninh, đại diện Văn phòng Cảnh sát của các nước (Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore...) đến thăm và làm việc, trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tội phạm có tổ chức, tội phạm lợi dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo... qua đó phối hợp, chia sẻ thông tin, học tập kinh nghiệm và tìm hiểu các phương tiện khoa học kỹ thuật phục vụ cho hoạt động phòng, chống tội phạm, góp phần củng cố đoàn kết giữa các nước, thắt chặt mối quan hệ giữa lực lượng công an, cảnh sát các nước với Thành phố Hồ Chí Minh.

8. Đầu tư nguồn lực kinh phí phòng, chống tội phạm:

Tổng kinh phí trong giai đoạn 2011 - 2013 được ngân sách Trung ương cấp cho việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm của thành phố là: 10,33 tỉ đồng (năm 2011 là 3,82 tỷ đồng; năm 2012 là 4 tỷ đồng và cấp bổ sung 1 tỷ đồng từ nguồn kinh phí phòng, chống tội phạm của Bộ Công an cấp cho công tác đấu tranh chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự; năm 2013 là 2,51 tỉ); đồng thời Ủy ban nhân dân thành phố đã cấp bổ sung 4,8 tỷ đồng để hỗ trợ kinh phí cho công tác đấu tranh chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự tại 48 phường, xã, thị trấn từ nguồn ngân sách địa phương. Hiện nay, Quỹ phòng, chống tội phạm của địa phương có 3.974.415.066 đồng từ Quỹ phòng, chống ma túy chuyển qua, trong đó, Công an thành phố đang quản lý 1.608.042.405 đồng và Sở Tài chính quản lý 2.366.372.661 đồng).

Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Công an thành phố là đầu mối đề xuất phân bổ kinh phí cho các Sở - ngành và đoàn thể liên quan trong việc triển khai thực theo các đề án của chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm. Trên cơ sở đó, hàng năm Công an thành phố tiến hành kiểm tra, thẩm định tình hình sử dụng kinh phí và quyết toán theo quy định. Việc quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo tiết kiệm, đúng mục đích, nguyên tắc và đúng chế độ, phục vụ có hiệu quả cho các hoạt động phòng, chống tội phạm của thành phố; đồng thời khen thưởng kịp thời cho các cá nhân, đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

IV. VAI TRÒ THAM MƯU CỦA CÁC SỞ NGÀNH, ĐOÀN THỂ, NHẤT LÀ LỰC LƯỢNG CÔNG AN TRONG VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 48-CT/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ; VAI TRÒ CỦA TỪNG CHI BỘ, CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TRONG NHẬN THỨC VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Ban Thường vụ Thành ủy, chính quyền thành phố đã chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm; đặc biệt là các cấp ủy Đảng, chính quyền ở cấp cơ sở đã thể hiện vai trò hạt nhân lãnh đạo, hướng dẫn và trực tiếp tổ chức thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, vai trò nòng cốt của các lực lượng chức năng và huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân tại các đơn vị, khu dân cư cùng tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, từ đó tạo được thế chủ động trong phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các nhân tố, điều kiện phát sinh tội phạm tại địa bàn cơ sở.

Quán triệt nghiêm túc tư tưởng chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, các Sở - ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thành phố, cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở, nhất là tại phường, xã, thị trấn luôn chú trọng yêu cầu nâng cao nhận thức phải đi đôi, gắn liền với việc xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện chương trình hành động thiết thực đến từng chi bộ cơ sở và đến tận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, qua đó, giúp cho từng cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng cốt cán trong nhân dân nắm và nhất trí cao với những quan điểm, phương châm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cơ bản về công tác phòng, chống tội phạm của Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 04-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và chương trình, kế hoạch thực hiện của địa phương, đơn vị. Vai trò, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đã có chuyển biến tích cực về nhận thức cũng như trong hành động, từ đó thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách nghiêm túc, quyết liệt, trách nhiệm người đứng đầu được đề cao, hầu hết cán bộ, đảng viên tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm theo phạm vi, chức năng nhiệm vụ được giao.

Với vai trò chủ công, nòng cốt, Công an thành phố đã triển khai nghiêm túc các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự nhân dịp Lễ, Tết và các sự kiện chính trị quan trọng; xây dựng và triển khai các kế hoạch chuyên đề đấu tranh với từng loại tội phạm như: tội phạm có tổ chức, cướp có vũ khí, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, phòng chống trộm xe gắn máy...; kế hoạch về thực hiện nhiệm vụ phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án; kế hoạch về tăng cường phòng, chống tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản trên đường phố và nơi công cộng; thông báo về tăng cường lực lượng Cảnh sát cơ động phối hợp tuần tra kiểm soát, tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Với vai trò nòng cốt tại địa bàn cơ sở, Công an các quận, huyện, phường, xã, thị trấn đã làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội... phối hợp chặt chẽ, kịp thời với lực lượng Công an trong công tác phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở. Củng cố nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản, tiến hành các đợt kiểm tra hành chính đồng loạt các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, lưu trú, các dịch vụ cầm đồ, các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự tại các khu vực giáp ranh nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật, phòng ngừa các đối tượng lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để hoạt động phạm tội và truy bắt các đối tượng trốn truy nã, truy tìm; tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng thuộc diện quản lý theo quy định pháp luật và theo nghiệp vụ đối với diện đối tượng có nguy cơ cao vi phạm pháp luật.

Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an thành phố đã tham mưu cho Thường trực Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 31 tháng 12 năm 2010 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 09 tháng 01 năm 2013 về tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự, tấn công trấn áp tội phạm, kéo giảm tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 1326/KH-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2013 về thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thành ủy.

Để tăng cường công tác phối hợp trong cao điểm tấn công tội phạm, Công an thành phố đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức Hội nghị về công tác phối hợp giữa các tỉnh giáp ranh khu vực phía Nam và các tỉnh, thành phố trọng điểm phía Bắc trong cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013, trong đó tập trung công tác phối hợp, trao đổi thông tin đối tượng, cập nhật và cung cấp kịp thời tình hình hoạt động, di biến động của các đối tượng; phối hợp kiểm tra hành chính đồng loạt các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà trọ, các dịch vụ cầm đồ, các khu vực phức tạp về cư trú tại các địa bàn giáp ranh. Tăng cường phối hợp với các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố đã ký kết kế hoạch phối hợp trong công tác trao đổi thông tin tội phạm, hỗ trợ đấu tranh, truy bắt đối tượng, triệt phá băng nhóm hoạt động phạm tội có tổ chức, liên tỉnh...

Thực hiện Nghị định số 77/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc Phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Công an thành phố đã phối hợp với Bộ Tư lệnh thành phố xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch số 01/KH-CA-QS ngày 04 tháng 01 năm 2013 về đảm bảo an ninh trật tự giữa Công an thành phố và Bộ Tư lệnh thành phố, trong đó, tăng cường phối hợp tại cấp cơ sở trong công tác tuyên truyền cho nhân dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn của các loại tội phạm, nắm tình hình, tuần tra, phòng chống tội phạm, chặn đứng và từng bước đẩy lùi các hoạt động tệ nạn xã hội; thành lập các Tổ tuần tra chung giữa 02 lực lượng nhằm nâng cao sức mạnh, hiệu quả trong phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của tội phạm tại các phường, xã, thị trấn. Ngoài ra, Công an thành phố đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố có văn bản đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 4 chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đứng chân trên địa bàn thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng của thành phố trong công tác đảm bảo an ninh trật tự; tập trung phối hợp với các lực lượng trực thuộc Bộ Công an, các trường Công an nhân dân trú đóng thành phố cùng tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tại khu vực đơn vị đứng chân.

V. NHẬN XÉT ĐÁNH GIÁ:

1. Ưu điểm:

Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, các cấp ủy Đảng, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, đề ra những giải pháp có hiệu quả, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên trong công tác phòng, chống tội phạm; huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm; các cơ quan chức năng phòng, chống tội phạm thường xuyên được củng cố, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động nên tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố tiếp tục được giữ vững, ổn định. Do chủ động tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời nắm bắt phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm nên đã kiềm chế được đà gia tăng của tội phạm, kết quả trong 03 năm qua đã kéo giảm 17,09% số vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra khám phá đạt 66,09% (tăng 10,31% so với 3 năm liền kề); các loại án đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và nghiêm trọng đều được kéo giảm, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động sử dụng vũ khí nóng gây án; nhiều mô hình tự quản đã phát huy hiệu quả tốt trong công tác phòng, chống tội phạm ở cộng đồng dân cư. Nổi bật là tập trung đánh trúng, triệt phá nhanh nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động phạm tội nguy hiểm; đồng thời qua điều tra mở rộng đã làm rõ nhiều vụ gây án trước đó, kịp thời thu giữ nhiều vũ khí, hung khí, công cụ, phương tiện gây án... Những kết quả đạt được như trên là do:

- Sự quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham mưu nòng cốt của lực lượng công an, sự tham gia tích cực của các ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và sự đồng thuận cao của quần chúng nhân dân đã tạo nên thế trận vững chắc và hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và đấu tranh chuyển hóa địa bàn.

- Hiệu quả của các mô hình tự quản, tự phòng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và đấu tranh chuyển hóa địa bàn đã cho thấy chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng được nâng lên, tạo nên sự phối kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng an ninh cơ sở và lực lượng nghiệp vụ.

- Việc chọn địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự để tập trung biện pháp, tăng cường lực lượng chuyển hóa trở thành địa bàn không có tội phạm hoặc giảm đến mức thấp nhất là yêu cầu phù hợp với thực tiễn, đã phát huy được vai trò của cấp ủy cơ sở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động lực lượng của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm, nhất là ý thức tự giác tham gia tổ phòng, chống tội phạm của quần chúng nhân dân.

- Việc tăng cường lực lượng công an các cấp tham gia phối hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ được tiến hành trong từng giai đoạn, từng thời điểm cụ thể là hết sức cần thiết, tạo thế trận liên hoàn trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, việc thành lập các Tổ tuần tra phối hợp giữa lực lượng Công an - Quân sự đã huy động thêm nguồn nhân lực tại địa bàn cơ sở, nâng cao sức mạnh, hiệu quả trong phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của tội phạm tại các phường, xã, thị trấn.

- Công tác phối hợp giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh giáp ranh khu vực phía Nam và các tỉnh, thành phố trọng điểm phía Bắc trong trao đổi thông tin đối tượng, cập nhật và cung cấp kịp thời tình hình hoạt động, di biến động của đối tượng; phối hợp kiểm tra hành chính đồng loạt các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà trọ, các dịch vụ cầm đồ, các khu vực phức tạp về cư trú tại các địa bàn giáp ranh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đấu tranh triệt phá các băng, ổ, nhóm hoạt động lưu động, không để đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh ẩn náu và gây án.

- Kịp thời tập trung huy động lực lượng, phương tiện nhằm phát hiện, xử lý nhanh các vụ án gây bức xúc dư luận, nhất là các vụ án cướp, cướp giật tài sản đã tạo niềm tin và tiếp thêm sức mạnh cho quần chúng nhân dân tham gia tích cực phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.

2. Những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc:

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, tình hình trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm hoạt động bảo kê, tranh giành lãnh địa, đòi nợ thuê và tội phạm có tổ chức; xu hướng tội phạm đang trẻ hóa, đa địa phương, đa thành phần, tập trung vào số thanh niên nhập cư thất nghiệp, đối tượng phạm tội mới tha hóa đa phần là thanh thiếu niên, hình thành băng nhóm nhanh và hoạt động manh động, trong khi đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc như sau:

- Tại các khu vực giáp ranh giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các Tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An... số dân nhập cư đến cư trú, làm ăn sinh sống hàng năm đều tăng, trong đó có không ít đối tượng là tội phạm hình sự, người nghiện ma túy, đối tượng tệ nạn xã hội từ địa phương khác đến trà trộn, ẩn náu, hoạt động phạm tội. Trong khi một số quy định trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với các địa bàn này còn chồng chéo, chưa đồng bộ, còn bộc lộ nhiều sơ hở, bất cập để tội phạm và các đối tượng tệ nạn xã hội lợi dụng hoạt động. Việc huy động các lực lượng khác phối hợp với lực lượng Công an thực hiện biện pháp tuần tra, kiểm soát địa bàn, phòng chống tội phạm tuy đã được triển khai thực hiện nhưng chưa thường xuyên, hiệu quả chưa đạt yêu cầu.

- Công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm tại một số địa bàn còn chưa đồng bộ, chưa phối hợp chặt chẽ với các địa phương giáp ranh, nhất là trong công tác tuần tra; sự hỗ trợ của các đơn vị nghiệp vụ trong đấu tranh đối với hoạt động lưu động của các đối tượng trên địa bàn vẫn còn hạn chế. Công tác rà soát, đánh giá phân tích, nắm tình hình hoạt động của các băng nhóm tội phạm của một số đơn vị còn lúng túng, chưa sâu, dẫn đến thụ động trong việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ; công tác đấu tranh với các băng, nhóm trộm đột nhập chuyên nghiệp, các đường dây tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có của các đơn vị nghiệp vụ hiệu quả chưa cao.

- Tình hình tội phạm trộm cắp tài sản (nhất là trộm đột nhập, trộm xe máy) vẫn còn xảy ra nhiều tại các khu vực giáp ranh, các khu dân cư, khu nhà trọ, tuy nhiên tỷ lệ điều tra khám phá thấp, chưa có biện pháp hiệu quả trong công tác phòng ngừa. Hoạt động phòng, chống mại dâm còn lúng túng và có dấu hiệu chựng lại. Công tác kiểm tra hành chính, nhất là của lực lượng công an cơ sở vẫn còn đơn thuần, số lượt tiến hành tuy nhiều nhưng chưa kết hợp chặt chẽ với các biện pháp nghiệp vụ khác để kiểm tra có trọng tâm trọng điểm.

- Công tác tuần tra mật phục, tuần tra kiểm soát chưa đạt hiệu quả như mong muốn do lực lượng chức năng mỏng, phải chịu áp lực căng kéo vừa tập trung giải quyết tình hình tội phạm xâm phạm tài sản người nước ngoài ở trung tâm thành phố, vừa phải dàn trải lực lượng tuần tra phòng, chống tội phạm trên các tuyến vùng ven rộng lớn; công tác quản lý hành chính ở cơ sở có lúc có nơi vẫn còn sơ hở, nhất là công tác quản lý hộ khẩu, các cơ sở lưu trú, nhà ngăn phòng cho thuê và quản lý đối với các cơ sở kinh doanh ngành nghề “nhạy cảm”, các đối tượng dễ lợi dụng kẽ hở của quy định pháp luật để đối phó như thay tên, đổi chủ, nên gặp khó khăn trong việc xử lý, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở vi phạm.

- Số đối tượng có quyết định truy nã ngoài xã hội còn nhiều; số đối tượng ở cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, tù tha về và số người nghiện tái hòa nhập cộng đồng chưa có công ăn việc làm ổn định. Công tác cai nghiện tại cộng đồng đối với người nghiện ma túy chưa được người dân, gia đình thực sự hưởng ứng và tin tưởng, trong khi đó điều kiện về nhân lực, vật lực ở địa phương chưa đảm bảo nên thực tế hiện nay, việc thực hiện cai nghiện tại cộng đồng hầu như chưa thực hiện được.

VI. ĐỀ XUẤT - KIẾN NGHỊ:

1. Theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 29 Nghị định số 25/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Chính phủ có giao trách nhiệm cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Chủ trì phối hợp với Bộ Công an quy định cụ thể việc trang bị, quản lý, sử dụng các loại vũ khí trong huấn luyện, thi đấu thể thao; vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ làm đạo cụ hoặc để trưng bày, triển lãm trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật". Tuy nhiên đến nay địa phương chưa nhận được văn bản hướng dẫn thực hiện. Do đó đề nghị các cơ quan Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn nội dung quy định nêu trên, để các địa phương có cơ sở, căn cứ thực hiện.

2. Việc phối hợp ngăn chặn, triệt phá các ổ, nhóm, đường dây buôn lậu, buôn bán hàng cấm, nhất là buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu từ biên giới với Campuchia qua các tỉnh về thành phố Hồ Chí Minh mặc dù được triển khai trong cao điểm nhưng kết quả đạt được còn hạn chế do công tác phối hợp giữa các tỉnh, thành phố chưa chặt chẽ, còn rời rạc. Do đó đề nghị Bộ Công an chủ trì xây dựng Kế hoạch phối hợp các tỉnh, thành phố liên quan trong công tác đấu tranh, phòng chống hàng lậu, hàng cấm.

3. Hiện nay, trong quá trình phát triển, một số huyện ngoại thành thuộc Thành phố Hồ Chí Minh với địa bàn rộng, tốc độ đô thị hóa cao, dân số đông do dân nhập cư tập trung đến sinh sống và tìm kiếm việc làm, đã làm phát sinh nhiều địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, trong khi đó tổ chức bộ máy của Công an xã hiện nay tại các địa bàn này không thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ quản lý. Do đó, đề nghị Bộ Công an chấp thuận cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm chuyển đổi tổ chức bộ máy, quy chế hoạt động của Công an xã tại các địa bàn đô thị hóa trên thành mô hình tổ chức bộ máy, quy chế hoạt động của Công an phường để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý cư trú nói riêng và công tác đảm bảo an ninh trật tự nói chung.

4. Đề nghị Bộ Công an, Bộ Tài chính sớm ban hành quy định hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm để các địa phương triển khai thực hiện, trong đó đề nghị xác định cụ thể địa chỉ và điều kiện tiếp nhận; định mức thủ tục, thẩm quyền chi thưởng, nhất là việc ủy quyền chi thưởng và phạm vi chi thưởng.

5. Trong thời gian tới khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, công tác quản lý, xử lý đối tượng nghiện ma túy theo các Nghị định sẽ gặp nhiều khó khăn hơn; do đó đề nghị các Bộ - ngành sớm ban hành các văn bản hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn, giúp tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại cơ sở và các thách thức từ tác hại của ma túy tổng hợp đang ngày càng tăng. Cần có hướng dẫn và quy định cụ thể trong việc quản lý cũng như điều kiện về nhân lực, vật lực ở địa phương khi thực hiện cai nghiện ma túy tại cộng đồng, đảm bảo khả thi, hiệu quả.

6. Kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia còn rất hạn chế, trong khi khoản kinh phí được trích lại từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn còn tồn và ít được sử dụng do vướng mắc trong quy định danh mục các khoản chi của Bộ Tài chính. Do đó, Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công an có ý kiến về chủ trương sử dụng khoản kinh phí trên để phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội theo hướng cho phép Công an các địa phương nộp các khoản trích lại nêu trên vào nguồn ngân sách địa phương để sử dụng trang bị lại cho các lực lượng tham gia nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

VII. PHƯƠNG HƯỚNG THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI:

1. Tiếp tục chỉ đạo lồng ghép việc thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị và Quyết định số 282/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ với Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm, Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch số 1326/KH-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố, Kế hoạch thực hiện Chiến lược phòng chống, kiểm soát ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố, Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán người và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố, các chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá.. để đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, phát triển, ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

2. Tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tình hình trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những sơ hở thiếu sót trong cơ chế chính sách, quản lý kinh tế - xã hội, không để tội phạm lợi dụng hoạt động, đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, tiêu cực. Chủ động nắm tình hình, triển khai các giải pháp phòng ngừa xã hội; giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, mới phát sinh trong nội bộ nhân dân như khiếu kiện đình công, tranh chấp đất đai không để xảy ra phức tạp về an ninh trật tự.

3. Kết hợp chặt chẽ công tác phòng, chống tội phạm với yêu cầu thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là số đối tượng tái hoà nhập cộng đồng sau cai nghiện, số đối tượng tù tha, đặc xá... để góp phần xóa bỏ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, nâng cao hiệu quả phòng ngừa xã hội; kiềm chế sự gia tăng phạm pháp hình sự và kéo giảm tỷ lệ phạm pháp hình sự trên dân số thường trú và tạm trú tại từng địa bàn; nâng tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự trong năm 2014 và tạo đà những năm tiếp theo.

4. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là cơ sở phường, xã, thị trấn để phòng ngừa, tấn công tội phạm, chú trọng tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng, chống tội phạm trong các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp và trong các tầng lớp nhân dân để mọi người nhận thức hậu quả tác hại của tội phạm đối với gia đình và xã hội quyền và trách nhiệm tham gia phòng chống tội phạm, từ đó tự giác tích cực tham gia. Các cơ quan báo, đài tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm. Nghiên cứu, biên tập, phát hành tài liệu tuyên truyền chuyên sâu về công tác phòng, chống tội phạm phù hợp từng ngành, từng khu vực. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản, tự phòng. Thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết liên tịch giữa các ngành, các Đoàn thể và nhân rộng hình thức ký cam kết giữa các đơn vị tổ chức trong phòng, chống tội phạm. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm.

5. Nâng cao tính chủ động, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm; chú trọng các giải pháp phòng ngừa xã hội để hạn chế nguyên nhân, điều kiện làm gia tăng tội phạm hình sự; tiếp tục phối hợp với các Sở - ngành liên quan để giải quyết cơ bản tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc và tệ nạn xã hội khác. Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, bảo vệ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và thành phố, qua đó tập trung đấu tranh trấn áp mạnh các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm lưu động, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm về ma túy, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em, tội phạm môi trường, truy bắt đối tượng truy nã. Đánh giá phân loại chính xác và đẩy mạnh công tác đấu tranh chuyển hóa tuyến, địa bàn phức tạp về hình sự. Đẩy mạnh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đảm bảo đúng pháp luật, đặc biệt là các vụ án lớn, gây bức xúc trong dư luận.

6. Tiến hành rà soát các quy định pháp luật liên quan đến xử lý tội phạm hình sự còn có kẻ hở, chưa chặt chẽ, không khả thi, thiếu sức răn đe hoặc các hành vi vi phạm nhưng chưa có quy định xử lý để tổng hợp báo cáo, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương xem xét bổ sung, điều chỉnh.

7. Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết các mô hình phối hợp tuần tra giữa các lực lượng để rút ra mô hình phù hợp với đặc điểm tình hình và các lực lượng chức năng thành phố, trong đó có tăng cường phối hợp giữa lực lượng tuần tra công khai và lực lượng trinh sát để nâng cao hiệu quả.

8. Rà soát, phân loại các đối tượng băng nhóm xã hội đen, bảo kê, tội phạm có tổ chức để phân công cụ thể lực lượng chịu trách nhiệm theo dõi, giải quyết. Chấn chỉnh công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý tin báo tội phạm do nhân dân cung cấp từ cấp phường, xã, thị trấn.

9. Đảm bảo giữ vững ổn định an ninh chính trị trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề bức xúc, nhất là các vụ việc phức tạp nảy sinh có liên quan đến an ninh chính trị trên địa bàn; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất và chăm lo đời sống cho đội ngũ cán bộ chiến sĩ của ngành công an và các cơ quan tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong thực hiện cải cách tư pháp, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi các tệ nạn, tiêu cực xã hội, tai nạn giao thông...

 

 

Nơi nhận:
- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc;
- Bộ Công an;
- Văn phòng Chính phủ;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQVN và các Đoàn thể TP;
- Văn phòng Thành ủy;
- Các Sở - ngành thành phố;
- Thành viên BCĐ 138/TP;
- UBND các quận, huyện;
- VPUB: CPVP; Phòng VX, PCNC;
- Lưu: VT, (VX-TC) 90

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 201/BC-UBND năm 2013 sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 201/BC-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 15/11/2013
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Hứa Ngọc Thuận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/11/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản