Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2012/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 4 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ KINH DOANH DỊCH VỤ PHÁT SINH TỆ NẠN XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Trong những năm qua, cùng với quá trình đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế, thành phố luôn đặc biệt quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội, phát triển giáo dục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 35/2006/CT-UBND ngày 06 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân Thành phố về xây dựng quy hoạch các ngành nghề kinh doanh vũ trường, karaoke, quán bar, dịch vụ xoa bóp, cơ sở lưu trú du lịch; cổ động chính trị và quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006 - 2010, từng bước chấn chỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước các hoạt động dịch vụ văn hóa - xã hội, đẩy mạnh phòng chống tệ nạn xã hội, góp phần tích cực vào việc ngăn chặn, kéo giảm tệ nạn xã hội, đưa các hoạt động dịch vụ văn hóa đi dần vào nề nếp và tuân thủ đúng pháp luật.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa thật sự vững chắc; thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh biến tướng không đúng chức năng ngành nghề đã đăng ký, phát sinh các tệ nạn xã hội đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gây ra những bức xúc trong dư luận xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận doanh nghiệp vì lợi ích riêng đã cố tình vi phạm quy định pháp luật; cơ chế phân công và phối hợp quản lý giữa các ngành, các cấp, các đoàn kiểm tra liên ngành thiếu chặt chẽ, đồng bộ; vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhất là ở địa bàn quận - huyện, phường - xã chưa được phát huy đúng mức, trong công tác tuyên truyền, giáo dục, giám sát các hoạt động dịch vụ văn hóa dễ nảy sinh tệ nạn xã hội; các quy định pháp luật trong thanh tra, kiểm tra, xử lý còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa đủ sức răn đe. Trách nhiệm quản lý ngay tại địa bàn dân cư (phường, xã, thị trấn; khu phố, tổ dân phố, tổ nhân dân) còn nhiều yếu kém.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, tích cực đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội phát sinh trên địa bàn,

Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện:

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công tổ chức kiểm điểm nghiêm túc việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ phát sinh tệ nạn xã hội nhất là tình trạng một số cơ sở kinh doanh dịch vụ có các hoạt động biến tướng trên địa bàn; phân tích kỹ nguyên nhân, đồng thời xây dựng kế hoạch, biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, kiên quyết xử lý các sai phạm kể cả truy tố theo quy định pháp luật.

b) Chủ động phối hợp tổ chức tổng kiểm tra lập lại trật tự trên lĩnh vực kinh doanh văn hóa và phòng chống tệ nạn xã hội; Kiểm tra chức năng ngành nghề, điều kiện kinh doanh, yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, lưu trú du lịch đã được xếp hạng sao được kinh doanh các ngành nghề hạn chế

kinh doanh, kinh doanh có điều kiện theo quy định; kiên quyết đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ các hoạt động chưa đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.

c) Rà soát việc cấp phép đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở có dấu hiệu hoặc đang kinh doanh dịch vụ phát sinh tệ nạn xã hội, các cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhưng chưa đảm bảo các điều kiện kinh doanh theo quy định; xác định cụ thể đối tượng, hành vi vi phạm và đề xuất biện pháp xử lý theo quy định hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhằm xử lý kiên quyết các ngành nghề dịch vụ văn hóa dễ phát sinh tệ nạn xã hội.

d) Căn cứ nhu cầu, tình hình quản lý thực tế tại địa phương, xây dựng quy hoạch các ngành nghề kinh doanh karaoke, vũ trường, dịch vụ xoa bóp trên địa bàn giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2025, báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

2. Thủ trưởng các sở - ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội,… có trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa; phòng, chống tệ nạn xã hội; y tế; cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để xác định, tổng hợp các nội dung quy định có sự mâu thuẫn, chồng chéo, hoặc chưa sát hợp với thực tế; đề xuất, kiến nghị các nội dung cần điều chỉnh, hoặc bổ sung, sửa đổi các quy định quản lý nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước; bổ sung, điều chỉnh Quy chế phối hợp kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn xã hội.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các sở - ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện:

a) Rà soát, lập danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, lưu trú du lịch đã được xếp hạng sao được kinh doanh các ngành nghề hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện theo quy định theo địa bàn quận - huyện, phường - xã, thị trấn, trong đó nêu rõ các trường hợp cấp phép mới, cấp phép do chuyển đổi địa điểm kinh doanh; định kỳ hàng tháng báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố tình hình quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ này, phương án, tiến độ xử lý các trường hợp vi phạm và các biện pháp khắc phục, kiên quyết lập lại an ninh, trật tự trên địa bàn.

b) Thường xuyên kiện toàn nhân sự các Đoàn Kiểm tra liên ngành văn hóa – xã hội thành phố và quận - huyện; bổ sung lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố vào Ban Chỉ đạo liên ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Đề xuất thành lập thêm các Đoàn Kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội thành phố và một số quận - huyện trọng điểm; trang bị đủ điều kiện phương tiện cho công tác thanh kiểm tra. Tăng cường phối hợp kiểm tra thường xuyên, liên tục đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm. Xây dựng phương án phối hợp Công an Thành phố giải quyết tình trạng các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm sử dụng lực lượng đeo bám, nhắn tin đe dọa, có các hành vi gây khó khăn, cản trở các thành viên Đoàn Kiểm tra thi hành nhiệm vụ.

c) Xây dựng quy hoạch ngành nghề karaoke, vũ trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, kiên quyết không cấp phép đối với hoạt động kinh doanh ngoài quy hoạch được phê duyệt.

4. Giám đốc Sở Y tế tăng cường kiểm tra, rà soát các điểm hoạt động bấm huyệt, xoa bóp (massage), xông hơi, y học cổ truyền biến tướng, kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở biến tướng, trá hình; tiến hành khảo sát và kiến nghị thống nhất quản lý các cơ sở hoạt động “spa”; xác định tiêu chuẩn được phép hoạt động ngành y học cổ truyền. Định kỳ hàng tháng báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố tình hình cấp phép và hoạt động của các cơ sở y học cổ truyền, day ấn huyệt, xông hơi thuốc, xoa bóp. Phối hợp Sở Công Thương làm rõ nguồn gốc, tác hại của thuốc Shisa và đề xuất xử lý theo quy định pháp luật. Chủ trì phối hợp các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận - huyện rà soát, đề xuất quy hoạch ngành nghề dịch vụ xoa bóp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

5. Giám đốc Sở Công Thương phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ các mã ngành theo Quyết định số 337/QĐ-BKH ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về ban hành Quy định nội dung hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, xây dựng hướng dẫn các quy chuẩn và hoạt động quán bar, vũ trường trên địa bàn thành phố.

6. Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy chỉ đạo kiểm tra, thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh, các địa điểm hoạt động biến tướng quán bar, vũ trường… có nguy cơ cháy nổ cao; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở chưa đảm bảo đủ các thủ tục theo quy định và các cơ sở kinh doanh khi chưa được thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy.

7. Giám đốc Công an Thành phố chịu trách nhiệm truy quét, xử lý các băng nhóm xã hội đen, bảo kê, đeo bám hoạt động của các đội kiểm tra liên ngành thành phố, quận - huyện; chỉ đạo, giao trách nhiệm cho Trưởng Công an quận - huyện, phường - xã, thị trấn quản lý chặt chẽ địa bàn, không để các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trái phép, biến tướng, dễ phát sinh tệ nạn xã hội xảy ra trên địa bàn quản lý; kịp thời xử lý chấn chỉnh các hành vi vi phạm, tiềm ẩn tệ nạn xã hội, tạo môi trường văn hóa lành mạnh.

8. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên chỉ đạo các cơ quan báo, đài thành phố tổ chức thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Báo, Đài của Trung ương trên địa bàn góp phần đấu tranh chống các tệ nạn xã hội.

9. Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố biện pháp kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường - xã, thị trấn để phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nhà nước có mặt bằng cho thuê để kinh doanh dịch vụ nhạy cảm vi phạm nhiều lần, trình Ủy ban nhân dân Thành phố trong tháng 5 năm 2012.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Thành Đoàn, Liên hiệp Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và các đoàn thể chính trị, xã hội thành phố tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng và chống tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, lồng ghép nội dung vận động đoàn viên, hội viên ở cơ sở đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” kết hợp với phong trào “Xây dựng phường lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm”.

12. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp các vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị này, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố giải quyết nhanh chóng, kịp thời những khó khăn, vướng mắc; kịp thời báo cáo, kiến nghị đề xuất các Bộ - ngành liên quan giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố, phối hợp Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) theo dõi tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị này tại các quận - huyện, phường - xã, thị trấn, đề xuất khen thưởng định kỳ, đột xuất đối với những đơn vị, địa phương thực hiện tốt; hoặc hạ bậc thi đua, tước danh hiệu thi đua đối với địa phương và người đứng đầu địa phương để xảy ra tệ nạn xã hội trên địa bàn quản lý được phân công.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Hoàng Quân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 13/2012/CT-UBND về tăng cường quản lý nhà nước đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 13/2012/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 25/04/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Hoàng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản