Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BAN CHỈ ĐẠO 127/TW | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/BC-BCĐ | Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2013 |
BÁO CÁO
KẾT QUẢ GIAO BAN TRỰC TUYẾN TRIỂN KHAI CÔNG TÁC CHỐNG BUÔN LẬU, HÀNG GIẢ VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI NĂM 2013 CỦA BAN CHỈ ĐẠO 127/TW
Được sự đồng ý của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, ngày 30 tháng 3 năm 2013, Ban Chỉ đạo 127/TW tổ chức Giao ban trực tuyến triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2013 tại 3 đầu cầu Hà Nội - Đà Nẵng - Tp. Hồ Chí Minh do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng - Trưởng ban Chỉ đạo 127/TW chủ trì và chỉ đạo Giao ban. Tham dự Giao ban có các đồng chí Ủy viên Ban Chỉ đạo 127/TW; lãnh đạo Ban chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thành viên Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127/TW và Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố trong cả nước; đại diện một số Bộ, ngành Trung ương; một số Vụ, Cục của Bộ Công Thương và một số cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương.
Tại Giao ban, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trưởng ban Ban Chỉ đạo 127/TW khai mạc và nêu những nội dung cần tập trung làm rõ, nhất là các giải pháp và đề xuất kiến nghị. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú - Phó trưởng ban thường trực trình bày dự thảo Báo cáo công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại năm 2012 phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2013 của Ban Chỉ đạo 127/TW. đại diện các cơ quan đã phát biểu ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo và những vấn đề Bộ trưởng - Trưởng ban Ban Chỉ đạo 127/TW phát biểu chỉ đạo Giao ban.
Dưới đây là kết quả Giao ban:
1. Về kết quả đạt được
Thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 127/TW đa khẩn trương, kịp thời và chủ động, chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, trong hoàn cảnh khó khăn về phương tiện, trang thiết bị, biên chế về cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, các lực lượng chức năng đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ bước đầu đã thu được nhiều kết quả/trong năm đã kiểm tra, xử lý 272.158 vụ vi phạm, tăng 68.566 vụ; xử phạt và tịch thu hàng hóa trị giá 8.310,5 tỷ đồng, tăng 2.896,7 tỷ đồng, tăng 53,5% so với năm trước. Một số mặt hàng bị thu giữ có số lượng lớn như: xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, bia các loại, gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm...
Kết quả cụ thể về kiểm tra, xử lý của một số lực lượng như sau:
- Lực lượng Công an: xử lý 12.873 vụ, tổng số thu 734 tỷ đồng;
- Lực lượng Hải quan: xử lý 24.242 vụ, tổng số thu 517 tỷ đồng;
- Lực lượng Biên phòng: xử lý 1.860 vụ, tổng số thu gần 150 tỷ đồng:
- Lực lượng Quản lý thị trường: xử lý 91.519 vụ; tổng số thu 398,9 tỷ đồng;
- Lực lượng Cảnh sát biển: xử lý 41 vụ, tổng số thu trên 40 tỷ đồng;
- Lực lượng Thuế: xử phạt, truy thu thuế 47.151 vụ, tổng số thu trên 8.570 tỷ đồng;
- Lực lượng Kiểm lâm: xử lý 23.993 vụ, tổng số thu trên 287 tỷ đồng;
- Lực lượng thanh tra chuyên ngành: xử lý 4.470 vụ, tổng số thu trên 29,5 tỷ đồng;
Các tỉnh, thành phố có số vụ kiểm tra, xử lý và số thu lớn như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Gia Lai, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, An Giang...
Kết quả đạt được đã góp phần giảm nhập siêu, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định thị trường, đặc biệt là những công việc đột xuất, nổi cộm như giá, chất lượng xăng dầu, phân bón, mũ bảo hiểm được giải quyết kịp thời, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
2. Một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc đồng thòi là nguyên nhân cần khắc phục
- Khung pháp lý trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại còn thiếu, một số văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành đã lạc hậu hoặc thậm chí tạo ra kẽ hở để cho đối tượng vi phạm lợi dụng, một số quy định sắp hết hiệu lực, mặc dù những quy định đó đang phát huy tác dụng;
- Phương thức thủ đoạn hoạt động của đối tượng làm ăn phi pháp ngày càng tinh vi; mặc dù Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách, nhiều biện pháp hạn chế buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại nhưng nhiều đối tượng vẫn không từ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả chống đối quyết liệt khi bị bắt giữ hàng hóa. Tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên các tuyến, địa bàn trọng điểm vẫn còn diễn biến phức tạp; nhiều phương thức, thủ đoạn buôn lậu đã tồn tại nhiều năm, nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn đấu tranh, xử lý hiệu quả (như gian lận qua khâu hải quan, lợi dụng chính sách cư dân biên giới, quản lý hóa đơn, chứng từ...);
- Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam tuy đa dạng, phong phú nhưng nhiều chủng loại, phân khúc hàng hóa chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Trong khi đó, hàng hóa của nước ngoài với mẫu mã đẹp, giá rẻ, cùng với tâm lý mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt là địa bàn nông thôn quan tâm chủ yếu đến yếu tố giá và mẫu mã, tạo cơ hội cho tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại tồn tại;
- Việc cấp phép khai thác mỏ, chế biến và xuất khẩu quặng các loại (nhất là quặng titan, quặng sắt và một số quặng quý hiếm) có lúc, có nơi còn buông lỏng quản lý; còn thiếu chế tài kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp chấp hành các quy định về khai thác, chế biến, xuất khẩu quặng;
- Công tác dự báo thị trường và nắm tình hình thị trường cung cầu hàng hóa, giá cả hàng hóa, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên từng địa bàn có lúc, có nơi còn thiếu chủ động, nhạy bén, chưa phát hiện, đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời đối với những vấn đề nổi cộm như việc gia tăng buôn bán, vận chuyển hàng thực phẩm vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.. Công tác dự báo chưa có tầm nhìn mang tính dài hạn;
- Năng lực và trình độ chuyên môn của công chức ở một số đơn vị chưa đồng đều không ít công chức chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu; không ít lực lượng kiểm tra kiểm soát còn thiếu biên chế, kinh phí hạn hẹp, phương tiện đã thiếu lại lạc hậu;
- Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác trao đổi cung cấp thông tin chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ (ví dụ như sự phối hợp trong ngăn chặn gia cầm nhập lậu còn manh mún, cục bộ địa phương; chưa có sự phối hợp tổng thể để triệt phá các đối tượng đầu nậu, các điểm tập kết, thu gom);
- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tuy đã được quan tâm nhưng chưa được tiến hành bài bản, thường xuyên và sâu rộng trong nhân dân, nhất là đối với nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng:
- Công tác kiểm tra, xử lý về hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng chưa nhận được sự phối hợp, cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả của các nhà sản xuất, chủ sở hữu quyền; chi phí giám định cao, thời gian giám định dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác.
3. Nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai năm 2013
Năm 2013, dự báo kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, công tác chống buôn lậu; hàng giả, gian lận thương mại sẽ vẫn diễn biến phức tạp và đối mặt nhiều thách thức. Để góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, Ban Chỉ đạo 127/TW và Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Công tác tổ chức chỉ đạo
- Tập trung thực hiện các Nghị quyết: số 01/NQ-CP; số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng, chỉ đạo kiểm tra, ngăn chặn các hành vi lợi dụng chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam’' của Bộ Chính trị để trà trộn hàng lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ, nhất là tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường, kiểm soát giá, bảo đảm việc bình ổn giá cả thị trường trong thời điểm hiện nay;
- Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện: số 1126/CĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2012 về việc tăng cường công tác chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng; số 1878/CĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2012 về việc tăng cường thực hiện Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ;
- Tiếp tục triển khai các biện pháp thực hiện quyết liệt Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm nhập khẩu trái phép.
- Tăng cường các biện pháp thực hiện Chỉ thị số 28/2008/CT-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu và khí hóa lỏng;
- Đẩy mạnh công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, hàng hóa - giá cả, nhất là các hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân để sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra;
- Tổ chức giao ban theo chuyên đề giữa các tuyến, địa bàn trọng điểm để trao đổi, nắm bắt các thông tin về phương thức, thủ đoạn, đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm để có phương án đấu tranh kịp thời, hiệu quả.
b) Tập trung kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm
Các mặt hàng, tuyến, địa bàn cần tập trung kiểm tra, kiểm soát:
- Tuyến biên giới phía Việt - Trung, chú trọng các địa bàn Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, mặt hàng lậu cần tập trung kiểm tra pháo, gia cầm, hàng tiêu dùng,... Mặt hàng xuất lậu cần chú trọng kiểm tra, xử lý là than, quặng, động vật hoang dã quý hiếm, lâm sản quý hiếm và các mặt hàng cấm kinh doanh theo các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết như ắc qui chì, vi mạch điện tử đã qua sử dụng, nhựa phế thải. Tập trung ngăn chặn các thủ đoạn khai báo không đúng số lượng, chủng loại, giá cả hàng hóa để trốn thuế nhập khẩu, vận chuyển hàng nhập lậu đưa vào tiêu thụ nội địa;
- Tuyến biên giới Việt - Lào, các địa bàn cần chú trọng là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, ngoài những mặt hàng vi phạm bị các lực lượng chức năng xử lý thường xuyên như gỗ, bia, rượu ngoại, động vật hoang dã, hàng tiêu dùng,... thời gian tới cần chú trọng kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng cấm như ma túy, pháo, ngăn chặn việc khai thác kim loại vàng trái phép;
- Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, các địa bàn cần chú trọng là An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Phước, tập trung kiểm tra, kiểm soát thuốc lá điếu, mỹ phẩm, rượu ngoại, đường cát Thái Lan nhập lậu, mặt hàng xuất lậu là xăng dầu, ngoại tệ;
- Tuyến biên giới biển: tập trung kiểm soát các mặt hàng than, khoáng sản, xăng dầu thực phẩm đông lạnh, động vật hoang dã, trên các vùng biển Đông Bắc: Bắc miền Trung và Tây Nam;
- Các tuyến, địa bàn trọng điểm khác: Tại các thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, bên cạnh các hành vi gian lận, buôn lậu tinh vi như giấu hàng lậu trong các lô hàng phế liệu; lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục hải quan, qua hình thức giao nhận ngoại thương để buôn lậu tại các cảng sông, cảng biển bằng container; vận chuyển hàng cấm bằng đường hàng không qua loại hình quà biếu, quà tặng.... cần chú trọng kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm minh tình trạng vận chuyển hàng lậu qua tuyến đường sắt Bắc Nam;
Những tháng cuối năm 2013, nhất là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, do nhu cầu tiêu dùng của nhân dân tăng cao, các loại hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng gia tăng, cần tập trung kiểm tra: rượu, bia, nước giải khát; bánh, mứt, kẹo; sản phẩm; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; các loại hàng tiêu dùng khác tập trung vào giả nhãn mác các thương hiệu lớn. Đặc biệt chú ý vấn đề an toàn thực phẩm, tập trung kiểm tra, kiểm soát các loại thực phẩm truyền thống như giò, chả, bún, phở...
c) Bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách
- Về chính sách phát triển sản xuất
+ Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để phát triển sản xuất trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa trong nước; nâng cao vai trò của các doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng để gắn kết, điều phối thành viên trong hệ thống phân phối, nâng cao khả năng tự bảo vệ và phát triển thương hiệu của mình;
+ Cần có các chủ trương, chính sách đặc thù đối với khu vực biên giới để người dân có việc làm, nâng cao được đời sống của nhân dân khu vực biên giới, thu hẹp khoảng cách về đời sống vật chất cũng như tinh thần giữa các vùng, miền để người dân không tham gia, tiếp tay cho buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu.
- Về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại
+ Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách không để các đối tượng làm ăn phi pháp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại. Đồng thời, tránh hiện tượng ban hành văn bản có nội dung hạn chế quyền năng của các lực lượng kiểm tra, kiểm soát như quy định tại các Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; Nghị định số 95/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 202/2004/NĐ-CP, Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; các Nghị định này quy định lực lượng Quản lý thị trường chỉ được kiểm tra, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải lập biên bản, phải chuyển giao hồ sơ, tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính cho cơ quan Ngân hàng, kiểm lâm. Tại Nghị định 97/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, cơ quan Quản lý thị trường không có thẩm quyền xử lý đối với vi phạm trong sản xuất, vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;
+ Trong điều kiện có nhiều lực lượng kiểm tra dẫn đến chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp hoặc bỏ trống không kiểm tra, không ai chịu trách nhiệm, cần tiếp tục xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường theo hướng giao một Bộ chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, giám sát về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đăng ký kinh doanh... bảo đảm quản lý nhà nước tập trung, hiệu quả và hiệu lực, phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng như đã quy định tại điểm b khoản 2, mục IV Điều 1 Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định Phê duyệt Đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
- Tiếp tục rà soát, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới để hoàn thiện cơ chế chính sách, đảm bảo cho công tác này đạt hiệu quả cao hơn, nhất là các quy định về quản lý trong hải quan, xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, các chế tài đối với hàng giả, hàng kém chất lượng cần phải rà soát lại, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh theo hướng xử phạt thật nghiêm khắc nhằm triển khai tốt Luật xử lý vi phạm hành chính sắp có hiệu lực thi hành;
- Tổ chức rà soát, sơ kết Quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng, giữa Ban chỉ đạo 127 với các cơ quan hữu quan; Đề xuất cơ chế xã hội hóa trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng Gas, Rượu - Bia - Nước giải khát.
d) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân;
đ) Phối hợp lực lượng
Thường xuyên sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, trao đổi thông tin tội phạm giữa các cơ quan, các lực lượng, trên cơ sở đó tổ chức và hoàn thiện hơn cơ chế phối hợp, đảm bảo huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả.
e) Công tác xây dựng lực lượng
- Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhằm xây dựng lực lượng kiểm tra, kiểm soát vững vàng bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy định pháp luật;
- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức, chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại cán bộ, công chức và củng cố bộ máy cơ sở, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương. Các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra nội bộ, chống hiện tượng tiêu cực, bảo kê cho buôn lậu, hàng giả, tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại.
g) Công tác hợp tác quốc tế
- Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong chia sẻ, cung cấp thông tin để đấu tranh chống các hành vi vi phạm giữa các nước có chung, biên giới và vi phạm xuyên quốc gia;
- Tăng cường hợp tác với các lực lượng chức năng các nước láng giềng trong quản lý, giám sát, đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm ở khu vực biên giới.
4. Đề xuất, kiến nghị
a) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ
- Chỉ đạo các Bộ, ngành hoàn thành việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đúng thời hạn để thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ 01 tháng 7 năm 2013; trong đó đặc biệt chú ý đến việc hạn chế quyền năng, giảm hiệu quả kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng như đã quy định tại các Nghị định số 95/2011/NĐ-CP, Nghị định số 202/2004/NĐ-CP, Nghị định số 99/2009/NĐ-CP, Nghị định 97/2010/NĐ-CP;
- Chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu, xác định thế mạnh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, định hướng và có chính sách để các doanh nghiệp Việt Nam tập trung phát triển sản xuất hàng hóa trên các lĩnh vực phù hợp, có khả năng cạnh tranh cao;
- Sớm phê duyệt “Chương trình quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại'';
- Sớm cho lực lượng Quản lý thị trường được hưởng phụ cấp thâm niên như các lực lượng chức năng khác: Hải quan, Tòa án, Kiểm sát, Kiểm toán, Thanh tra. Thi hành án dân sự, Kiểm lâm được quy định tai Nghị định 76/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ; công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (Bộ Công thương đã có Tờ trình số 11901/TTr-BCT ngày 23 tháng 12 năm 2011 gửi Thủ tướng Chính phủ).
b) Kiến nghị Bộ Tài chính
- Trình Chính phủ cho phép tiếp tục cho áp dụng cơ chế trích lại tiền hỗ trợ cho các lực lượng chức năng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính như quy định tại Thông tư 59/2008/TT-BTC, ngày 04 tháng 7 năm 2008 và Thông tư số 51/2010/TT-BTC, ngày 14 tháng 4 năm của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 59/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Công an sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA ngày 12 tháng 05 năm 2011 hướng dẫn chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường để khắc phục tình trạng hợp thức hóa hàng nhập lậu;
- Tiếp tục phối hợp với Ban Chỉ đạo 127/TW để có hướng dẫn kịp thời về những vướng mắc, phát sinh trong việc mua sắm phương tiện, thiết bị chuyên dùng cho lực lượng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại;
- Phối hợp với Ban Chỉ đạo 127/TW xây dựng cơ chế khuyến khích xã hội hóa các nguồn lực hỗ trợ công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại;
- Phối hợp các Bộ, ngành xây dựng cơ chế cấp kinh phí mua mẫu, kinh phí giám định chất lượng hàng hóa, kinh phí tiêu hủy tang vật bằng các phương pháp thân thiện với môi trường; có chế độ khen thưởng đặc biệt cho các lực lượng chức năng tham gia bắt giữ, tiêu hủy gia súc, gia cầm do bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
c) Kiến nghị Bộ Công an
- Tăng cường phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, pháp luật, đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung, không để tội phạm kinh tế lợi dụng cho hoạt động buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại...;
- Chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác trinh sát, phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, tài chính, ngân hàng, các đường dây, ổ nhóm lớn trong buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại để xác lập chuyên án điều tra, xử lý vi phạm.
d) Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp với các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón;
- Phối hợp với các Bộ, ngành ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn việc xử lý tang vật là hàng hóa vi phạm hành chính bị tịch thu tiêu hủy như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thuốc thú y;
- Phối hợp với Bộ Y tế để thống nhất cơ chế quản lý các chất kích thích tăng trưởng sử dụng trong chăn nuôi.
đ) Kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ
- Sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 54/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2009 theo hướng tịch thu, tiêu hủy hàng hóa đối với hành vi bán sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc không đạt mức chất lượng như đã công bố. Cụ thể:
+ Tại Điều 8 và Điều 17: kiến nghị bổ sung hình thức xử phạt bổ sung “tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ có thời hạn đến không thời hạn trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm đối với những ngành nghề hoạt động phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh;
+ Báo cáo Chính phủ bổ sung hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu, tiêu hủy đối với mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; mũ cách điệu có hình dáng giống mũ bảo hiểm và bổ sung quy định về tịch thu, tiêu hủy đối với hành vi buôn bán mũ bảo hiểm có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
+ Báo cáo Chính phủ bổ sung quy định về biện pháp xử lý đối với hành vi buôn bán sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục phải dán tem hợp quy mà không dán tem (bao gồm cả trường hợp tem hợp quy giả mạo hoặc không đúng quy cách theo quy định);
- Hướng dẫn việc ghi nhãn hàng hóa đối với các mặt hàng nhập lậu bị tịch thu, phát mại, hàng hóa lưu thông trên nội địa, ngăn chặn việc hợp thức hóa hàng lậu bằng hóa đơn chứng từ và ghi nhãn hàng hóa.
e) Kiến nghị Bộ Công Thương
- Rà soát, sửa đổi chính sách biên mậu được quy định tại Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới và Quyết định số 139/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2009 sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg;
- Chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên, môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình cấp phép, khai thác mỏ, rà soát các quy định, chế tài kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về khai thác, chế biến và xuất khẩu quặng (nhất là quặng titan, quặng sắt và một số quặng quý hiếm) nhằm ngăn chặn tình trạng xuất lậu khoáng sản ra nước ngoài;
- Sửa đổi, bổ sung điểm 2 điều 5 của Thông tư 41/2012/TT-BCT quy định về xuất khẩu khoáng sản thay thế Thông tư số 08/TT-BCT ngày 18 tháng 6 năm 2008 nhằm tránh bị lợi dụng để xuất khẩu khoáng sản thô, khoáng sản không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, gây thất thoát tài nguyên và thuế của đất nước.
g) Kiến nghị Ban chỉ đạo 127/ĐP
Đề nghị Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng. Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội ngoài việc thường xuyên tổ chức, chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại cần tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tiếp tục thực hiện quyết liệt Quyết định 2088/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.
Trên đây là báo cáo kết quả giao ban trực tuyến triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2013, Ban Chỉ đạo 127/TW kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận: | KT. TRƯỞNG BAN |
- 1Quyết định 254/2006/QĐ-TTg về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 27/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 113/2003/NĐ-CP về việc quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón
- 4Nghị định 202/2004/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng
- 5Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang
- 6Thông tư 08/2008/TT- BCT hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản do Bộ Công thương ban hành
- 7Thông tư 59/2008/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả do Bộ Tài chính ban hành
- 8Chỉ thị 28/2008/CT-TTg về biện pháp cấp bách chống hàng giả, hàng kém chất lượng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Nghị định 36/2009/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo
- 10Nghị định 54/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa
- 11Nghị định 76/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang
- 12Nghị định 99/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản
- 13Quyết định 139/2009/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 254/2006/QĐ-TTg về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14Thông tư 51/2010/TT-BTC sửa đổi Thông tư 59/2008/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả do Bộ Tài chính ban hành
- 15Nghị định 97/2010/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp
- 16Thông tư liên tịch 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA Hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường do Bộ Tài chính - Bộ Công Thương - Bộ Công an ban hành
- 17Nghị định 95/2011/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 202/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng
- 18Chỉ thị 04/CT-TTg năm 2012 về tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 19Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
- 20Công điện 1126/CĐ-TTg tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Thủ tướng Chính phủ điện
- 21Công điện 1878/CĐ-TTg tăng cường thực hiện Nghị định 36/2009/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo do Thủ tướng Chính phủ điện
- 22Thông tư 41/2012/TT-BCT quy định về xuất khẩu khoáng sản do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- 23Quyết định 2088/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 24Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2013 về giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 do Chính phủ ban hành
- 25Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2013 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu do Chính phủ ban hành
- 26Kế hoạch 55/KH-BCĐ năm 2013 kiểm tra công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 do Ban Chỉ đạo 127 TW ban hành
- 27Công văn 59/BCĐ-QLTT năm 2013 tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại do Ban Chỉ đạo 127/TW ban hành
Báo cáo 19/BC-BCĐ kết quả giao ban trực tuyến triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2013 của Ban Chỉ đạo 127/TW
- Số hiệu: 19/BC-BCĐ
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 16/04/2013
- Nơi ban hành: Ban Chỉ đạo 127-TW
- Người ký: Nguyễn Cẩm Tú
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra