Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 174/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 10 năm 2013

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT KINH DOANH, HỖ TRỢ THỊ TRƯỜNG, GIẢI QUYẾT NỢ XẤU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2013

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo kết quả triển khai như sau:

A. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ:

Thành phố đã ban hành Quyết định 1553/QĐ-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2013 về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ, trong đó đã chỉ đạo các ngành, các cấp và các đơn vị trên toàn địa bàn tập trung thực hiện các chính sách miễn giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến đầu tư thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường.

Thành phố đã thành lập 5 Tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, tác động vào thị trường nhà ở, tạo việc làm, từng bước xử lý nợ xấu gắn với hỗ trợ phát triển thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố; triển khai các biện pháp tích cực kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh với các ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp quy định hiện hành.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có buổi làm việc với thành phố để nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, tình hình đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 đến nay, những khó khăn, kiến nghị đề xuất các cơ chế chính sách mới tạo đột phá cho thành phố trên các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, vốn, ngân sách, thuế, chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa,... Phó Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương và giao các bộ - ngành liên quan đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, việc phân kỳ nộp tiền sử dụng đất, tiền bán nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ - ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc miễn 100% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân cho đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện an sinh xã hội trong năm 2013; việc áp dụng một mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản là 2% trên giá chuyển nhượng; việc cho phép Ủy ban nhân dân thành phố quyết định việc bán chỉ định các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố quản lý nhưng đã cho thuê; sớm hoàn chỉnh Nghị định hướng dẫn thi hành Luật giá; việc tiếp tục bảo lưu nguồn vốn của Trung ương để thực hiện chương trình cho vay hộ nghèo tại thành phố và đề nghị cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí của thành phố được vay vốn tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội như hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí Quốc gia.

Thường xuyên tổ chức các buổi làm việc với các ngành, các cấp, địa phương để nắm tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế trên địa bàn, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc và có các giải pháp để tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần bình ổn thị trường và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu.

B. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC:

I. Tập trung giải quyết hàng tồn kho, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo đầu ra cho sản phẩm; tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp:

1. Công tác giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp:

Thành phố đã chỉ đạo các sở - ngành, quận - huyện thường xuyên tổ chức tiếp xúc để tháo gỡ khó khăn về vốn, cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các giải pháp được triển khai quyết liệt, đồng bộ đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi đà tăng trưởng, quy mô sản xuất tiếp tục được mở rộng. Từ tháng 01 đến tháng 8 năm 2013, diễn biến chỉ số hàng tồn kho tháng sau so tháng trước tăng và giảm có xu hướng theo chu kỳ (tháng trước tăng thì tháng sau giảm và ngược lại)[1] cho thấy trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, sức cầu thị trường tuy có tăng nhưng chậm nên doanh nghiệp đã bám sát nhu cầu thị trường, luôn thận trọng, chủ động không để tồn kho nhiều, sản xuất dựa trên hợp đồng thực tế phát sinh và nhờ đó sử dụng vốn đầu tư tiết kiệm, hiệu quả. Đến tháng 9 năm 2013, doanh nghiệp có kế hoạch tăng cường dự trữ sản phẩm, hàng hóa để đón đầu nhu cầu thị trường vào những tháng cuối năm nên chỉ số hàng tồn kho tháng 9 tiếp tục tăng 6,9% so tháng 8 năm 2013 (tháng 8 tăng 5,9% so tháng 7); một số sản phẩm có sản lượng tăng cao như sữa, thủy sản đông lạnh, đồ uống, hóa chất, điện tử.

2. Hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường:

Trong 9 tháng đầu năm 2013, công tác xúc tiến đầu tư trên địa bàn đạt nhiều kết quả. Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, công tác xúc tiến đầu tư mang lại hiệu quả tích cực bằng việc lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực tài chính, dự án triển khai phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Với việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội thảo quốc tế trong và ngoài nước, hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư đã phát huy hiệu quả, thu hút được nhiều nhà đầu tư, dự án mới trong và ngoài nước tìm đến. Tính đến nay, thành phố có 307 dự án trực tiếp của nước ngoài (FDI) được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 732,7 triệu USD, tăng 4,4% so cùng kỳ về số dự án và tăng 18,6% về vốn; có 96 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 609,6 triệu USD; góp phần nâng tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 1,34 tỷ USD, tăng 2,7% so cùng kỳ. Đồng thời, thành phố cũng đang quản lý 04 dự án viện trợ phát triển (ODA) đã hoàn thành đang theo dõi trả nợ và 24 dự án đang triển khai với tổng vốn đầu tư là 117.546,878 tỷ đồng, trong đó vốn ODA chiếm 83%. Tại các khu chế xuất và khu công nghiệp, thu hút đầu tư kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt 381,75 triệu USD, tăng 34,9% so cùng kỳ, đạt 76,35% kế hoạch; trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 75%, tăng 112,4% so cùng kỳ. Tổng diện tích đất cho thuê tại các khu chế xuất và công nghiệp đạt 73%. Hầu hết các dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đồng thời, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

3. Thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững:

Đã tổ chức thành công Hội chợ Du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (ITE-HCMC) với chủ đề “Năm quốc gia - Một điểm đến”, thu hút trên 300 đơn vị của hơn 50 điểm đến thuộc 17 quốc gia, vùng lãnh thổ và 21 tỉnh, thành trong cả nước tham gia. Ngoài ra, thành phố còn tích cực tham gia các sự kiện du lịch quốc tế như: Diễn đàn Du lịch ASEAN 2013 tại Lào; tham dự Hội chợ du lịch mùa thu tại Nga...

Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 4425/KH-UBND ngày 22 tháng 8 năm 2013 tổ chức Lễ hội “Thành phố Hồ Chí Minh - Ngôi nhà của chúng ta” dự kiến diễn ra từ ngày 10 tháng 9 đến ngày 12 tháng 9 năm 2013 với mục đích tạo điều kiện cho các nước giới thiệu và quảng bá những nét đặc trưng về văn hóa, bản sắc của nước mình cho nhân dân thành phố, tạo không khí lễ hội, tăng cường mối quan hệ hữu nghị đoàn kết giữa các nước; đồng thời thành phố cũng giới thiệu với cộng đồng quốc tế về những nét đặc trưng, đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của Thành phố Hồ Chí Minh, tạo thương hiệu và dần dần xây dựng hình ảnh một Thành phố Hồ Chí Minh - Cửa ngõ của nền văn hóa trong khu vực, góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Các hoạt động của Lễ hội bao gồm triển lãm hoạt động đối ngoại, trang phục, sản phẩm đặc trưng của thành phố và các nước, các hoạt động lễ hội, giao lưu, biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, trò chơi dân gian,...

Hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ; hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch được tăng cường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Chất lượng quản lý các doanh nghiệp du lịch ngày càng được nâng cao; sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch vào các hoạt động chung của ngành như các sự kiện quảng bá xúc tiến, phát triển sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác phát triển... ngày càng nhiều. Thành phố đã hỗ trợ và tích cực vận động các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn không tăng giá các sản phẩm văn hóa, dịch vụ và giữ bình ổn giá các mặt hàng phục vụ cho đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi giải trí của nhân dân trên địa bàn. Đầu tư hạ tầng du lịch đúng trọng tâm, trọng điểm đã đem lại kết quả tích cực cho ngành du lịch. Trong 9 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến thành phố ước đạt 2,8 triệu lượt khách, tăng 3% so cùng kỳ; tổng doanh thu toàn ngành ước đạt 62.396 tỷ đồng, tăng 17,6% so cùng kỳ. Sự phát triển của du lịch còn kéo theo nhiều ngành nghề, dịch vụ phát triển và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, góp phần khẳng định vị thế thành phố là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước.

4. Hỗ trợ về đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất - chất lượng:

Thành phố đã thành lập ban điều hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2013-2015. Tiếp tục tập trung công tác nghiên cứu gắn liền với ứng dụng thực tiễn, tăng cường cải tiến khoa học - kỹ thuật, phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Đã tổ chức xét duyệt, triển khai 175 đề tài, giám định 45 đề tài, nghiệm thu 184 đề tài, dự án khoa học công nghệ.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công cụ quản lý nhằm nâng cao năng suất - chất lượng đã tư vấn hỗ trợ tư vấn 11 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và các công cụ nâng cao năng suất (ISO 9001:2008, ISO 14001:2010, ISO 22000, ISO 17025, 5S, HACCP, chứng nhận hợp quy). Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế chế tạo và chuyển giao thiết bị mới đã hỗ trợ 16 đề tài nghiên cứu thiết kế cải tiến thiết bị, dây chuyền sản xuất trong các doanh nghiệp.

5. Hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính, cho vay vốn ưu đãi:

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp và Chính quyền thành phố. Hệ thống đã tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc khó khăn, phối hợp cùng các sở ngành hỗ trợ doanh nghiệp về các thủ tục hành chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến nay, Hệ thống đã trả lời 610 câu hỏi của doanh nghiệp gửi đến; đã tổ chức 7 buổi đối thoại trực tiếp cấp thành phố về thuế, bảo hiểm xã hội, lao động, hải quan và đăng ký đầu tư, kinh doanh, xây dựng và môi trường.

Tính đến tháng 9 năm 2013, Cổng thông tin điện tử Thương mại và Đầu tư (MIS) đã có 4.163 thành viên đăng ký sử dụng thường xuyên, đạt 1,8 triệu lượt truy cập từ 195 quốc gia và vùng lãnh thổ; cập nhật hơn 520 báo cáo về thị trường, ngành hàng, sản phẩm.

Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND về thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình kích cầu của thành phố Hồ Chí Minh; đến nay đã có 69 dự án được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư là 5.610,309 tỷ đồng, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ là 2.697,209 tỷ đồng.[2] Tính đến nay, vốn đầu tư bình quân của 1 dự án là 81,3 tỷ đồng/1 dự án. Lũy kế vốn hỗ trợ tính đến ngày 07 tháng 9 năm 2013 là 78,15 tỷ đồng.

Thành phố đã sơ kết tình hình thực hiện Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND và triển khai thực hiện Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 - 2015; 9 tháng đầu năm 2013 đã có 943 phương án với 2.171 hộ gia đình, doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt phương án hỗ trợ lãi vay với tổng vốn đầu tư 914,7 tỷ đồng, tổng vốn vay 539,5 tỷ đồng.

6. Công tác thông tin tuyên truyền:

Thành phố đã triển khai tích cực công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ. Đến nay, các cơ quan báo, đài, các cán bộ, phóng viên, biên tập viên ... trên địa bàn đã được triển khai, quán triệt việc thực hiện kế hoạch tuyên truyền; các đơn vị đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách, giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Ủy ban nhân dân thành phố bằng nhiều hình thức thích hợp, bảo đảm tính khách quan, trung thực, tạo sự đồng thuận xã hội. Tăng cường công khai, minh bạch và chủ động cung cấp thông tin về các vấn đề được xã hội quan tâm. Các nội dung thông tin trên báo phản ánh trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời về các chủ trương, chính sách; đặc biệt là về chủ trương hỗ trợ về thuế, chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá của các ngành chức năng. Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế thành phố tiếp cận được thông tin, nhận thức đúng ý nghĩa của Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ trong việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu trên địa bàn thành phố.

II. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn để đầu tư phát triển hạ tầng, đảm bảo việc sử dụng vốn ngân sách đúng mục đích:

1. Tập trung huy động các nguồn thu ngân sách thành phố để đáp ứng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển:

Thành phố thường xuyên theo dõi kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Kết quả tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 165.677,6 tỷ đồng, đạt 69,51% dự toán, tăng 7,0% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,19%). Trong đó thu nội địa chiếm 51,43%, đạt 63,56% dự toán, tăng 9,3%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 32,17%, đạt 66,58% dự toán, tăng 11,32%; thu từ dầu thô chiếm 13,98%, đạt 102,06% dự toán, giảm 6,1%. Thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh cơ cấu thu trong tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn theo hướng giảm chỉ tiêu thu nội địa và tăng chỉ tiêu thu từ dầu thô.

Tổng số địa chỉ nhà đất đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ khi thực hiện Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg (nay là Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg) đến nay là 1.831 địa chỉ. Kết quả thực hiện với số tiền là 18.106,264 tỷ đồng (trong đó, Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất của các quận - huyện đến nay là 1.227 địa chỉ nhà, đất và số địa chỉ đã bán được là 247 địa chỉ, thu được 1.408,818 tỷ đồng). Ngoài ra, đã thu hồi 201/226 địa chỉ nhà đất, trong đó thu hồi để bán đấu giá 21/25 địa chỉ, thu hồi để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng là 78/86 địa chỉ, thu hồi để chuyển giao cho đơn vị khác quản lý sử dụng có hiệu quả hơn là 91/105 địa chỉ. Qua đó, góp phần huy động nguồn lực từ nhà đất để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, cũng như tận dụng được nguồn vốn từ nhà đầu tư để thực hiện các dự án theo quy hoạch của thành phố, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chỉnh trang đô thị, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội tích cực. Ngoài ra, thành phố đã phát hành thành công 1.020 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương đợt 1 theo phương thức bảo lãnh phát hành, trong đó kỳ hạn 3 năm là 570 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm là 400 tỷ đồng và kỳ hạn 10 năm là 50 tỷ đồng. Việc phát hành trái phiếu bổ sung nguồn chi đầu tư phát triển cho các công trình, dự án cấp bách, trọng điểm.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2013, nhiều công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành vượt tiến độ đề ra, bước đầu tạo diện mạo mới cho giao thông đô thị thành phố và tăng thêm diện tích mặt đường đáng kể, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, nâng cao năng lực giao thông cho khu vực, góp phần cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố như đã khánh thành cầu vượt kết cấu thép tại các nút giao thông Hàng Xanh, Thủ Đức, vòng xoay Hoàng Văn Thụ - Trường Sơn - Cộng Hòa, cầu vượt nút giao Ba Tháng Hai/Nguyễn Tri Phương và cầu vượt nút giao Cộng Hòa/Hoàng Hoa Thám, cầu vượt nút giao Quốc lộ 1/Tỉnh lộ 10 và cầu vượt nút giao Quốc lộ 1/Tỉnh lộ 10B; đường Vành đai phía Đông (đoạn từ đường Đồng Văn Cống đến cầu Rạch Chiếc); đường Bến Vân Đồn; đường Nguyễn Thị Thập; cải tạo rạch Ba Bột; xây dựng hệ thống thoát nước đường Hoàng Minh Đạo, và một phần tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (đoạn từ Nguyễn Thái Sơn đến Quốc lộ 13). Thành phố đã tập trung khởi công và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình như công trình chống sạt lở, đảm bảo an toàn giao thông đoạn đường Bến Bình Đông, kè chống sạt lở bờ Rạch Tôm khu vực huyện Nhà Bè, chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.2 và đoạn 1.4, nạo vét Luồng Soài Rạp - giai đoạn 2. Các dự án đang triển khai tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công xây dựng công trình. Cuối năm 2013, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng toàn bộ các công trình: cầu Sài Gòn 2, cầu Kinh Lộ, cầu Đỏ, cầu Rạch Tra, cầu vượt bằng thép vòng xoay Cây Gõ, thông xe đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ vành đai 2 đến Quốc lộ 51). Trong lĩnh vực giáo dục, năm học mới 2013 - 2014, thành phố đã đưa vào sử dụng 1.332 phòng học mới[3]; ngoài ra, còn đưa vào sử dụng 263 phòng học mới ở các trường ngoài công lập.

Công tác thanh kiểm tra thuế tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Trong 8 tháng đầu năm đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 9.107 doanh nghiệp với số thuế truy thu và phạt là 2.379 tỷ đồng, đưa nộp vào ngân sách Nhà nước 1.118 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 204 tỷ đồng, giảm lỗ 2.850 tỷ đồng.

2. Quản lý ngân sách chặt chẽ, thực hiện tốt việc sử dụng vốn ngân sách đúng mục đích:

Việc phân bổ ngân sách được đảm bảo thực hiện theo định mức, tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên, tập trung phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, y tế, môi trường, đảm bảo nguồn chi cải cách tiền lương theo lộ trình của Chính phủ, chăm lo cho công tác an sinh xã hội; kịp thời bổ sung các chế độ, chính sách theo quy định; giải quyết kịp thời các nhu cầu chi đột xuất do dịch bệnh, phòng, chống ngập úng, triều cường, đảm bảo nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; đồng thời, dành vốn cân đối cho yêu cầu chi đầu tư phát triển, tỷ trọng chi đầu tư chiếm ngày càng cao trong tổng chi ngân sách địa phương, qua đó góp phần nuôi dưỡng nguồn thu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước đã tác động đến tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, việc thực hiện các giải pháp giãn, miễn giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ cũng ảnh hưởng giảm nguồn thu. Do đó, nguồn vốn ngân sách chi cho lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn ngày càng hạn hẹp trong khi tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ bản cả năm 2013 là hơn 28.000 tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố 9 tháng đầu năm ước thực hiện 123.738 tỷ đồng, tăng 3,3% (cùng kỳ tăng 8,9%). Thành phố đã giao kế hoạch vốn đợt 1 tại Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 02 tháng 02 năm 2013 với tổng số vốn giao là 16.863,315 tỷ đồng. Trong đó, vốn dành cho các dự án chuyển tiếp là 6.632,644 tỷ đồng (chiếm 39,3% kế hoạch), vốn ODA và vốn đối ứng là 4.569,304 tỷ đồng (chiếm 27,1% kế hoạch), vốn dành cho các dự án khởi công mới là 1.981,244 tỷ đồng (chiếm 11,7% kế hoạch), kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, Bến Thành - Suối Tiên và mở rộng xa lộ Hà Nội là 1.542,506 tỷ đồng (chiếm 9,1% kế hoạch). Tác động của đầu tư sử dụng vốn nhà nước cho phát triển các hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đã làm thay đổi cơ bản về năng lực của các hệ thống này, góp phần quan trọng tạo ra sự tăng trưởng kinh tế. Hiện thành phố đang rà soát các dự án chuẩn bị đầu tư để xem xét giao vốn trong kế hoạch đợt 2 năm 2013.

Tổng số vốn đã giải ngân từ đầu năm đến nay là 9.602,115 tỷ đồng (trong đó giải ngân vốn ODA là 1.408,126 tỷ đồng); như vậy, tỷ lệ giải ngân là 56,94%. Nếu không tính phần vốn ODA thì tỷ lệ giải ngân là 63,7%[4]. Đã thực hiện thẩm tra và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của 210 hồ sơ với giá trị quyết toán được duyệt là 3.209,544 tỷ đồng, tiết kiệm chi cho ngân sách 19,556 tỷ đồng. Tập trung kiểm tra, thu hồi tạm ứng ngân sách nhất là đối với các chủ đầu tư có dư nợ tạm ứng lớn, kéo dài nhiều năm; từ đầu năm đến nay đã xử lý giảm tạm ứng ngân sách 3.371,121 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 09/CT-TTG ngày 24 tháng 5 năm 2013 và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 6684/BTC-NSNN ngày 27 tháng 5 năm 2013, tiết kiệm thêm dự toán chi thường xuyên của 7 tháng cuối năm 2013 là 184.007 triệu đồng (trong đó, số tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên 7 tháng cuối năm 2013 là 183.216 triệu đồng, số tiết kiệm 30% chi thường xuyên của các chương trình mục tiêu quốc gia đối với kinh phí hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết, chi tham quan học tập, công tác trong và ngoài nước là 791 triệu đồng). Ước tính trong năm 2013, các sở - ngành, quận - huyện tiết kiệm được chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, mua sắm với số tiền 327,783 tỷ đồng.

III. Giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành tiêu thụ sản phẩm:

1. Các chính sách hỗ trợ về thuế:

Thành phố đã triển khai kế hoạch hỗ trợ người nộp thuế thuộc đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi, hướng dẫn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và tập huấn trong nội bộ ngành thuế về Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Thường xuyên hỗ trợ, giải đáp cho người nộp thuế về các vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ thông qua các hình thức: báo, đài, trực tiếp tại cơ quan thuế, qua điện thoại, trả lời bằng văn bản và qua mạng (Hệ thống đối thoại doanh nghiệp). Tổ chức đối thoại doanh nghiệp tại các Chi Cục thuế quận, huyện.

Thực hiện Thông tư số 16/2013/TT-BTC ngày 08/02/2013 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu Ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, tổng số thuế được gia hạn từ đầu năm đến nay là 1.403 tỷ đồng, trong đó: thuế giá trị gia tăng được gia hạn là 728 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 675 tỷ đồng. Việc miễn, giảm một số loại thuế là giải pháp có tác dụng động viên, khích lệ kịp thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và phát triển sản xuất.

2. Tình hình triển khai các Chương trình bình ổn thị trường:

Từ năm 2013, 4 Chương trình bình ổn thị trường được triển khai với quy mô lớn hơn các năm trước, đi vào chiều sâu, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Chương trình tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các Bộ, ngành trung ương, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tham gia của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hàng hóa tham gia Chương trình bình ổn thị trường với lượng cung ứng dồi dào, chất lượng đảm bảo và giá cả theo giá đã đăng ký; qua đó, tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt thị trường, góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Chương trình đã thu hút nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia, trong đó có các doanh nghiệp phân phối chuyên nghiệp có thương hiệu và hệ thống phân phối rộng khắp, góp phần phát triển nhanh mạng lưới bán hàng của Chương trình. Đến tháng 9 năm 2013, tổng số điểm bán của 4 Chương trình bình ổn thị trường triển khai trên địa bàn thành phố là 7.498 điểm (tăng 565 điểm so đầu chương trình tháng 4 năm 2013).

- Chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2013 và Tết Giáp Ngọ năm 2014 có 31 doanh nghiệp tham gia, tập trung bình ổn 9 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản). Đến tháng 9 năm 2013, Chương trình có 3.199 điểm bán (tăng 137 điểm bán so đầu chương trình tháng 4/2013). Chương trình còn có sự đồng hành của các cơ quan đoàn thể; đến tháng 9 năm 2013, các cơ sở của Thành đoàn tham gia 5 điểm bán và các cơ sở của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tham gia 63 điểm bán.

- Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2013 - 2014 trên địa bàn thành phố có 13 doanh nghiệp tham gia, tập trung bình ổn 3 nhóm mặt hàng: tập học sinh, đồng phục học sinh, cặp-ba lô-túi xách. Đến tháng 9 năm 2013, Chương trình có 769 điểm (tăng 41 điểm so đầu chương trình tháng 4 năm 2013).

- Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng sữa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2013 và Tết Giáp Ngọ năm 2014 có 2 doanh nghiệp tham gia, tập trung bình ổn 6 nhóm mặt hàng: sữa bột dành cho trẻ; sữa bột dành cho người cao tuổi, người bệnh; sữa bột dành cho bà mẹ mang thai; sữa bột dành cho gia đình; sữa bột chức năng; sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất. Đến tháng 9 năm 2013, Chương trình có 1.194 điểm (tăng 75 điểm so đầu chương trình tháng 4 năm 2013).

- Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2013 và Tết Giáp Ngọ năm 2014 có 13 doanh nghiệp tham gia, tập trung bình ổn 21 nhóm thuốc sản xuất trong nước với 80 hoạt chất, 400 mặt hàng. Đến tháng 9 năm 2013, Chương trình có 2.336 điểm (tăng 312 điểm so đầu chương trình tháng 4 năm 2013).

Thành phố đã rà soát, tổng hợp giới thiệu 61 mặt bằng nhà đất phù hợp để giới thiệu cho các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình bình ổn thị trường, Ủy ban nhân dân thành phố đã chấp thuận 25 địa chỉ nhà đất do Sở Tài chính trình chuyển giao cho doanh nghiệp để đầu tư xây dựng cửa hàng, siêu thị bán hàng bình ổn thị trường.

Nhìn chung, các chương trình bình ổn của thành phố đến nay đã góp phần duy trì lượng hàng hóa dồi dào, đảm bảo khả năng can thiệp để cân đối cung cầu, giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp hạn chế được hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến, không để xảy ra thiếu hàng cục bộ, góp phần ổn định thị trường. Do đó, chương trình bình ổn đã trở thành một trong những công cụ điều tiết giá một cách hữu hiệu.

Nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa, thành phố đã chỉ đạo tiếp tục triển khai Chương trình “Phiên chợ hàng Việt” trong năm 2013 tại các khu chế xuất - khu công nghiệp, các quận ven, huyện ngoại thành; đây cũng là một bộ phận của Chương trình hành động của thành phố về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố. Trong 9 tháng đầu năm 2013, “Phiên chợ hàng Việt” đã tổ chức tại quận 6, Bình Tân, huyện Hóc Môn, với quy mô bình quân khoảng 60 gian hàng/mỗi phiên chợ, bình quân khoảng 50 doanh nghiệp tham gia/mỗi phiên chợ, thu hút khoảng 73.000 lượt khách tham quan và mua sắm, đạt tổng doanh thu hơn 11,5 tỷ đồng. Trong tháng 9, thành phố triển khai Chương trình “Tháng khuyến mại” với nhiều sự kiện và phục vụ trong thời gian dài hơn so những năm trước; thu hút sự tham gia của trên 850 doanh nghiệp (tăng 9% về số lượng so năm 2012) với các hình thức khuyến mại hấp dẫn, đa dạng, phong phú tại hơn 2.900 điểm bán hàng trong các chợ, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố (tăng 200 điểm bán so năm 2012).

3. Công tác thanh kiểm tra, kiểm soát về giá cả:

Thành phố đã tập trung chỉ đạo công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra kiểm soát chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp sản xuất chân chính, hạn chế thiệt hại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, 9 tháng đầu năm 2013 đã kiểm tra 11.979 vụ, thu nộp ngân sách 52,953 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu còn tồn chờ bán là 51,96 tỷ đồng và chuyển cơ quan chức năng khởi tố điều tra là 02 vụ.

4. Hoạt động của Khu Chế xuất và Công nghiệp:

Công tác rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là tình hình hàng tồn kho, nhu cầu vay vốn; tình hình ngưng hoạt động, giải thể, thu hẹp sản xuất; tình hình lao động bị thất nghiệp tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất và công nghiệp tiếp tục được quan tâm, theo dõi. Chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, giải quyết hàng tồn kho; đánh giá việc thực hiện thí điểm mở rộng công năng tại Khu chế xuất Tân Thuận tiếp tục được triển khai thực hiện. Các buổi góp ý cho dự thảo sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp tiếp tục được tổ chức thực hiện. Chế độ cho người lao động tại doanh nghiệp vẫn được đảm bảo đầy đủ nhằm ổn định đời sống người lao động, góp phần trong công tác an sinh - xã hội. Công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động; tổ chức chương trình phục vụ đời sống tinh thần của người lao động được thực hiện đầy đủ, hợp lý.

Công tác xây dựng hạ tầng xã hội tại khu chế xuất và công nghiệp (nhà lưu trú, trường mầm non, trạm y tế, siêu thị, xưởng chế biến suất ăn công nghiệp) tiếp tục được tập trung triển khai. Tính đến nay, đã có 01 nhà trẻ tại Khu lưu trú công nhân Khu công nghiệp Hiệp Phước; 11 dự án nhà lưu trú công nhân ở 07 khu chế xuất - khu công nghiệp; 4 phòng khám đa khoa tại Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Tân Bình, Lê Minh Xuân, Tân Tạo và 1 trạm y tế tại Khu công nghiệp Hiệp Phước; 07 siêu thị tại Khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung 1 và 2, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Tân Bình, Vĩnh Lộc, Tân Thới Hiệp và 03 cửa hàng bình ổn giá tại Khu công nghiệp Bình Chiểu, Lê Minh Xuân và Tây Bắc Củ Chi hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Công tác kiểm tra việc tiết kiệm điện và tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tiếp tục được thực hiện tại các doanh nghiệp trọng điểm khu chế xuất - khu công nghiệp.

5. Kết quả thực hiện tiết kiệm điện:

Ước thực hiện tháng 9 năm 2013, sản lượng điện tiết kiệm đạt 42,3 triệu kWh. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2013 đạt 382,19 triệu kWh, chiếm 2,9% điện thương phẩm. So với kế hoạch năm 2013 vượt 5,29% và so với cùng kỳ 2012 tăng 6,71%. Chương trình “Cùng bạn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm”, Chương trình "Nguồn sáng an toàn, văn minh, tiết kiệm” gắn với chủ đề “Chung sức trẻ thực hiện An toàn, tiết kiệm vì an sinh xã hội”, Chương trình “Tuyến đường kiểu mẫu tiết kiệm điện” được triển khai tại các trường học, hộ gia đình và trên các tuyến đường kiểu mẫu tiết kiệm điện của thành phố. Các chương trình đã góp phần phát huy hiệu quả của công tác tiết kiệm điện trong thời gian qua.

IV. Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân:

Thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiều chương trình đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tâm lý người lao động, nâng cao năng suất, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong sản xuất kinh doanh như giải quyết việc làm, thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ thất nghiệp, chăm lo đời sống cho công nhân ở các doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp xảy ra nhằm xây dựng môi quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh tại doanh nghiệp và tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động. Trong tháng 9, đã thực hiện tư vấn hỗ trợ việc làm cho 6.775 người; hỗ trợ học nghề cho 349 người lao động; giải quyết việc làm cho 25.650 lao động, trong đó tạo mới 13.827 chỗ làm cho người lao động. Tính chung chín tháng đầu năm, số lao động được giải quyết việc làm là 216,2 ngàn người, đạt 81,57% kế hoạch đề ra; trong đó số chỗ việc làm mới tạo ra là 87,54 ngàn chỗ, đạt 72,95% kế hoạch đề ra.

Trong tháng 9, trên địa bàn thành phố đã có 21,6 ngàn người lao động đến Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố đăng ký thất nghiệp, đã có 6,48 ngàn người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trên địa bàn thành phố đã xảy ra 11 vụ tranh chấp lao động tập thể với 3.926 người tham gia, nâng tổng số vụ tranh chấp lao động trong 9 tháng đầu năm 2013 lên 83 vụ với 26.059 người tham gia. Trước tình hình đó, thành phố đã chỉ đạo quận - huyện nắm thông tin kịp thời, phát hiện giải quyết tranh chấp có thể xảy ra tại các doanh nghiệp, không để tình trạng lây lan ảnh hưởng môi trường đầu tư và an toàn trật tự xã hội.

Các ngành, các cấp, Mặt trận, đoàn thể thành phố cũng tích cực chăm lo cho các hộ nghèo, cận nghèo, các cụ già neo đơn, trẻ em mồ côi khuyết tật; đã tổ chức các hoạt động thiết thực, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có công. Đã hoàn thành chuẩn nghèo 12 triệu đồng/người/năm, đang nghiên cứu chuẩn nghèo mới 16 triệu đồng/người/năm và chuẩn cận nghèo mới từ 16 - 21 triệu đồng/người/năm.

V. Về vốn tín dụng và giải quyết nợ xấu

1. Về vốn tín dụng:

Vốn huy động ước đạt 1.066.000 tỷ đồng, tăng 7,34% so cuối năm 2012; trong đó, huy động vốn bằng ngoại tệ đạt 174.122 tỷ đồng, giảm 1,64% so cuối năm 2012; huy động vốn bằng VNĐ đạt 891.878 tỷ đồng, tăng 9,29% so cuối năm 2012. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 900.000 tỷ đồng, tăng 5,21% so cuối năm 2012; trong đó, dư nợ tín dụng bằng VNĐ đạt 746.502 tỷ đồng, tăng 11,97% so cuối năm 2012; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 153.498 tỷ đồng, giảm 18,68% so cuối năm 2012. So cuối năm 2012, dư nợ tín dụng trung dài hạn chiếm 44,72% tổng dư nợ, tăng 5,68% và dư nợ tín dụng ngắn hạn tăng 4,83%. Đến cuối tháng 8 năm 2013, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn thành phố là 5,99%, tăng 0,05 điểm phần trăm so cuối tháng 7 và tăng 0,49 điểm phần trăm so cuối năm 2012 (cuối năm 2012 là 5,5%). Nhìn chung, huy động vốn trên địa bàn thành phố 9 tháng đầu năm 2013 vẫn đạt tăng trưởng khá, tiền gửi tiết kiệm vẫn ở mức tăng cao, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nguồn vốn huy động (chiếm 54,55%); vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm tỷ trọng ngày càng nhỏ (chiếm 16% tổng vốn huy động), nhờ sự ổn định tỷ giá. Nguồn vốn tín dụng đã bắt đầu tăng trưởng và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dư nợ cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đến ngày 05 tháng 9 năm 2013 đạt 122.242 tỷ đồng, chiếm hơn 13,58% tổng dư nợ.

Tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại trong biên độ cho phép, xoay quanh mức 21.150 đồng/USD (giá bán) thấp hơn biên độ cho phép của ngân hàng nhà nước; tỷ giá trên thị trường tự do cao hơn khoảng 30 đồng/USD. Lượng kiều hối chuyển về thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức kinh tế trên địa bàn thành phố trong 9 tháng đầu năm 2013 ước dạt 2,596 tỷ USD, tăng 20% so cùng kỳ.

Thành phố tiếp tục triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các địa bàn quận - huyện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Đến nay, đã tổ chức tại 17 quận - huyện với số vốn cam kết hỗ trợ là 7.995 tỷ đồng. Các chương trình này đã được đánh giá hiệu quả và nhận được hưởng ứng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.

Tiếp tục triển khai chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15 tháng 5 năm 2013 của Ngân hàng nhà nước và Thông tư số 07/2013/TT-BXD ngày 15 tháng 5 năm 2013 của Bộ Xây dựng. Đến nay, đã có 101 khách hàng cá nhân được vay vốn mua nhà ở thương mại, trong đó có 31 khách hàng đã được giải ngân; tổng hạn mức đã ký kết là 58,3 tỷ đồng, đã giải ngân 9,37 tỷ đồng, dư nợ đến thời điểm hiện tại là 9,35 tỷ đồng.

2. Về giải quyết nợ xấu:

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố đã triển khai và theo dõi nắm bắt tình hình thực hiện các quy định của Ngân hàng trung ương về an toàn hoạt động ngân hàng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 12/2013/TT-NHNN và Thông tư 02/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Trung Nhà nước; báo cáo khó khăn vướng mắc về tình hình thực hiện thông tư này trên địa bàn; tiếp tục chủ động theo dõi nắm bắt diễn biến tình hình nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, đảm bảo thị trường tiền tệ trên địa bàn hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả; các tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước về tiền tệ, tín dụng, thu phí, lãi suất, tỷ giá, ngoại hối, vàng,... Xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục các giải pháp xử lý nợ xấu theo đề án đề ra, trong đó chủ yếu 03 giải pháp: sử dụng quỹ dự phòng rủi ro, thu nợ bằng tiền và xử lý tài sản đảm bảo. Tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn thành phố tính đến cuối tháng 8 là 5,99% tăng 0,05 điểm phần trăm so với cuối tháng 7 và tăng 0,49 điểm phần trăm so với cuối năm 2012 (cuối năm 2012 là 5,5%).

VI. Đánh giá chung:

Thành phố đã chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành các ngành, các cấp khẩn trương triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP song song với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; cùng với sự phối hợp và đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tinh thần trách nhiệm và sự gắn kết phối hợp chặt chẽ, chủ động của các ngành và địa phương, sự đóng góp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nỗ lực của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đạt mức tăng trưởng hợp lý, một số khó khăn trong nền kinh tế như nợ xấu và tồn kho sản phẩm đang từng bước được khắc phục; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội; phấn đấu đến cuối năm 2013 đạt được nền tảng vững chắc để tạo đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Các chủ trương, chính sách của Trung ương được thành phố thực hiện nghiêm túc, tập trung mọi nỗ lực để tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thường xuyên theo dõi, bám sát, đôn đốc, kiểm tra thực hiện để chỉ đạo kịp thời. Đến nay, mặc dù sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, song số lượng doanh nghiệp ngừng sản xuất hoặc giải thể đang có xu hướng giảm tốc độ tăng, một số doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất. Đã có 19.254 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 8% so cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký là 86.669,6 tỷ đồng; quy mô vốn bình quân của 01 doanh nghiệp ngành công nghiệp tăng 25,3% so cùng kỳ; đã có 4.704 doanh nghiệp tái hoạt động trở lại (chiếm 30% số ngưng nghỉ trong kỳ); số doanh nghiệp ngưng nghỉ giảm 4,5% so cùng kỳ. Trước tình hình thu chi ngân sách khó khăn và với mục tiêu duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thành phố đã cân đối các nguồn ngân sách để bố trí vốn cho các công trình, dự án có khối lượng giải ngân cao, có khả năng hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm, các dự án phục vụ cho giao thông, an sinh xã hội để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố. Tích cực thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, đồng thời tạo điều kiện phát triển mở rộng hệ thống kênh phân phối đưa hàng bình ổn về các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu lao động, tại các huyện, vùng ngoại thành.

Thành phố tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại theo hướng tích cực, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, mở ra nhiều tiền đề rất thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tại các thị trường tiềm năng. Phát triển hệ thống tiêu thụ hàng hóa, du lịch, dịch vụ đã được phê duyệt theo hướng chủ động, tích cực. Đẩy mạnh thực hiện chương trình tiếp xúc với các doanh nghiệp trên địa bàn, tăng cường đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp tại các quận - huyện nhằm đáp ứng nhu cầu đối thoại, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tâm lý nhân dân, thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ người nghèo, dành một phần đáng kể từ ngân sách thành phố và đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp tham gia giúp người nghèo, người có thu nhập thấp, vận động phong trào nhân dân tương trợ, chia sẻ lẫn nhau. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm, tổ chức thu thập thông tin về lao động góp phần định hướng thị trường; chú trọng đầu tư vào số lượng, chất lượng ở các cấp đào tạo nghề.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, thành phố vẫn phải tiếp tục đối mặt với các vấn đề do tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới và các khó khăn của kinh tế trong nước thời gian qua. Tăng trưởng kinh tế phục hồi nhưng với mức thấp; cầu tiêu dùng tuy có cải thiện nhưng còn thấp sẽ là cản trở đối với tăng trưởng kinh tế và cũng là nguyên nhân dẫn tới tồn kho sản phẩm sản xuất cao hơn mức thông thường, chi phí sản xuất lớn hơn và tác động đến tăng chỉ số giá tiêu dùng; nợ xấu còn cao, tồn kho bất động sản còn nhiều. Thu ngân sách gặp nhiều khó khăn do tăng trưởng kinh tế thấp và việc triển khai các giải pháp về hỗ trợ tài chính, miễn, giảm, kéo dài thời hạn nộp thuế cho doanh nghiệp. Trong khi đó, chi ngân sách dưới áp lực tăng cao để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cân đối ngân sách tiếp tục gặp khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng bố trí vốn đầu tư phát triển khi tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào vốn đầu tư.

IV. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI:

1. Tiếp tục triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường. Thực hiện tốt các chính sách về miễn, giảm, hoãn thuế; đồng thời kiểm soát việc thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn. Cải tiến hoạt động xúc tiến và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Phối hợp với các tổ chức xúc tiến trong và ngoài nước, thương vụ, tham tán thương mại, Lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam trong và ngoài nước để tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt tập trung các hoạt động xúc tiến để tăng hiệu quả của đầu tư nước ngoài và giúp phát triển các ngành theo đúng định hướng phát triển của thành phố.

2. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tốt Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ; Chỉ thị 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước; đẩy mạnh việc thực hiện Thông tư 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Theo dõi sát diễn biển tình hình nợ xấu phát sinh và công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý vàng, ngoại tệ trên địa bàn thành phố; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng theo kế hoạch. Tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng chương trình đối thoại, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Chỉ đạo các Ủy ban nhân dân quận, huyện (chưa thực hiện kết nối) phối hợp tổ chức với Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng thực hiện ký kết hợp đồng tín dụng cho vay vốn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn quận, huyện. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, triển khai hiệu quả gói hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là đơn giản hóa thủ tục về vay vốn tín dụng, thuế, hải quan, bất động sản...

3. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thực hiện hiệu quả 4 chương trình bình ổn giá cả thị trường năm 2013, chuẩn bị hàng hóa cuối năm, không để biến động cung cầu ảnh hưởng giá các mặt hàng thiết yếu. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch mở rộng mạng lưới phân phối, bố trí các điểm bán hàng bình ổn giá tại các chợ truyền thống, khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp và tại các vùng ngoại thành; hỗ trợ các doanh nghiệp giảm tỷ lệ hàng tồn kho. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành và phối hợp kiểm tra đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, hàng tiêu dùng thông dụng, các mặt hàng thuộc diện bình ổn của thành phố.

4. Các cơ quan thuế, hải quan, tài chính thường xuyên phối hợp theo dõi kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và dự kiến nhu cầu chi phát sinh; đánh giá khả năng cân đối thu - chi ngân sách, kịp thời báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố các giải pháp điều hành. Tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách và tài sản công, thực hành tiết kiệm chống lãng phí ở tất cả các ngành, các cấp. Tiếp tục tập trung xử lý các khoản nợ tạm ứng ngân sách, thanh quyết toán các công trình, dự án, thu hồi vốn để bổ sung nguồn chi đầu tư phát triển, thường xuyên báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố tình hình xử lý, thu hồi tạm ứng; thực hiện nghiêm các biện pháp chế tài đối với các chủ đầu tư không nộp hồ sơ quyết toán.

5. Điều hành kế hoạch đầu tư hiệu quả, trên cơ sở xem xét tính hiệu quả trong đầu tư và sắp xếp theo danh mục ưu tiên trong quy hoạch và trong kế hoạch thực hiện giai đoạn 2011 - 2015. Tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, tiếp tục triển khai bố trí vốn hiệu quả và tiết kiệm theo đúng quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 12/2012/CT-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố. Tập trung rà soát, đề xuất bổ sung điều chỉnh các cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là các cơ chế chính sách thông thoáng để khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông bằng các hình thức như: PPP, BOT, BTO, BT... Khuyến khích huy động đầu tư toàn xã hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển bằng các hình thức; tăng cường thu hút và giải ngân vốn FDI và ODA; chú trọng thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; thực hiện hiệu quả các phương án huy động vốn, giải ngân, giải phóng mặt bằng trong triển khai một số dự án giao thông trọng điểm.

6. Các sở - ngành, địa phương cần quyết liệt trong triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.

7. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và việc làm; triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tập trung thực hiện tốt công tác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện cập nhật biến động cung - cầu lao động; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật lao động về nội quy lao động, các chính sách lao động cho người lao động; triển khai Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về tranh chấp lao động; thực hiện đề án phát triển quan hệ lao động trên địa bàn thành phố, và chuẩn bị sơ kết 5 năm về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính; Bộ Công Thương;
- Ngân hàng Nhà nước;
- Văn phòng Chính phủ (HN và TP.HCM);
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố;
- Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố;
- Sở - ban - ngành thành phố;
- Ủy ban nhân dân các quận - huyện;
- VPUB: CPVP;
Các Phòng CV; THKH (2b);
- Lưu: VT, (THKH/K).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Hồng

 



[1] Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp tháng 1 là -5,96, tháng 2 là 3,8, tháng 3 là -1,8, tháng 4 là 7,3, tháng 5 là -0,26, tháng 6 là 15,8, tháng 7 là -3,5, tháng 8 là 5,9 và tháng 9 là 6,9

[2] Lĩnh vực Công nghiệp: 31 dự án với tổng vốn đầu tư 1.691,366 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 807,593 tỷ đồng; lĩnh vực Hạ tầng: 02 dự án với tổng vốn đầu tư 171,22 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 93,13 tỷ đồng; lĩnh vực Môi trường: 03 dự án với tổng vốn đầu tư 109,04 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 64,37 tỷ đồng; lĩnh vực Giáo dục và Dạy nghề: 21 dự án với tổng vốn đầu tư 2.520,762 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 1.137,231 tỷ đồng; lĩnh vực Y tế: 08 dự án với tổng vốn đầu tư 921,221 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 475,395 tỷ đồng; lĩnh vực Văn hóa: 04 dự án với tổng vốn đầu tư 196,7 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 119,49 tỷ đồng.

[3] Mầm non 292 phòng, tiểu học 524 phòng, trung học cơ sở 336 phòng, trung học phổ thông 180 phòng.

[4] Tính đến 31/08/2013.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 174/BC-UBND về tình hình thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh 9 tháng đầu năm 2013

  • Số hiệu: 174/BC-UBND
  • Loại văn bản: Báo cáo
  • Ngày ban hành: 08/10/2013
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thị Hồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản