Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 151/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 10 năm 2019

 

BÁO CÁO

SƠ KẾT 05 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 35-CT/TW NGÀY 26 THÁNG 5 NĂM 2014 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thực hiện Kế hoạch số 298-KH/TU ngày 09 tháng 8 năm 2019 của Thành ủy về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo như sau:

I. Khái quát đặc điểm, tình hình

Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước, là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư với quy mô lớn về phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, chỉnh trang đô thị... làm phát sinh nhiều hộ dân, tổ chức bị thu hồi nhà, đất. Bên cạnh đó, với dân số đông, quá trình phát triển của thành phố luôn gắn liền với nhiều thách thức về tệ nạn xã hội, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và những bất cập từ công tác quản lý; đông thời là địa bàn tập trung nhiều cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện, Văn phòng của các cơ quan Trung ương nên thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa bàn phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo phức tạp so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Trước tình hình đó, để ngăn ngừa, hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố, việc tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ cần thiết góp phần giữ vừng ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của thành phố.

II. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng

1.1. Việc phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 35 và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 28 tháng 5 năm 2014 về tăng cường lãnh đạo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố. Đồng thời, ngày 01 tháng 8 năm 2014, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố có Quyết định số 3747/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 28 tháng 5 năm 2014 của Thành ủy Thành phố về tăng cường lãnh đạo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các sở-ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận huyện cũng kịp thời triển khai, quán triệt việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo đến phòng, ban chuyên môn và đơn vị trực thuộc nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện các Chỉ thị nêu trên của Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố luôn kịp thời quán triệt, đôn đốc, nhắc nhở Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hành động thể hiện rõ nét của việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 21-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy thể hiện qua các mặt sau:

- Căn cứ “Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2015-2018”, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố phối hợp với các Sở - ngành, quận - huyện, xã - phường - thị trấn thuộc Thành phố tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo bằng nhiều hình thức đa dạng như tổ chức hội nghị, tập huấn, phát loa, in tờ rơi, băng rôn, tổ chức các hội thi... Từ năm 2014 đến năm 2018, toàn Thành phố đã tổ chức 2.058 lớp tập huấn cho hơn 207.935 lượt cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và nhân dân của các xã - phường - thị trấn; nội dung tập huấn, tuyên truyền tập trung vào quy trình, thủ tục tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và quy định pháp luật về Ban Thanh tra nhân dân.

- Ban Tiếp công dân Thành phố làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành, quận - huyện có liên quan và Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Kế hoạch và tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong tiếp công dân và nâng cao kiến thức pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tiếp công dân thuộc Thành phố. Từ năm 2014 đến nay đã tổ chức được 70 lớp tập huấn với với tổng số 3.885 học viên tham dự.

- Bên cạnh đó, để chấn chỉnh hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo: Văn bản số 3709/UBND-TCD ngày 20 tháng 8 năm 2018 về chấn chỉnh công tác tiếp công dân; số 5594/UBND-NCPC ngày 12 tháng 12 năm 2018 về thí điểm hoạt động của Trung tâm hòa giải đối thoại tại Tòa án nhân dân; số 14387/VP-NCPC ngày 28 tháng 12 năm 2018 về kết quả thực hiện Kế hoạch số 4783/KH-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phối hợp tổ chức tiếp công dân phục vụ kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XIV; số 196/UBND- NCPC ngày 11 tháng 3 năm 2019 chỉ đạo, giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (văn bản số 809/UBND-NCPC ngày 12 tháng 3 năm 2019); chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc tăng cường công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố (văn bản số 3456/VP-TCD ngày 23 tháng 4 năm 2019); xây dựng kế hoạch Phối hợp tổ chức tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo Kế hoạch số 1681/KH-TDTW ngày 30 tháng 7 năm 2019 của Ban Tiếp công dân Trung ương... Các chỉ đạo nêu trên của Ủy ban nhân dân thành phố đã được thủ trưởng các sở-ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 24 quận-huyện tổ chức quán triệt đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý hoặc ban hành văn bản chỉ đạo triển khai, thực hiện.

1.2. Trong công tác phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Triển khai thi hành Luật Tiếp công dân năm 2013, Văn phòng Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thành phố (nay là Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố) và Văn phòng Tiếp công dân thành phố (nay là Ban Tiếp công dân thành phố) đã ban hanh Quy chế số 97/QC-VPTU-UBKT.TU-BNCTU- VPĐĐBQH-HĐND-TCD ngày 11 tháng 6 năm 2015 về công tác phối hợp tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân thành phố. Đen ngày 16 tháng 01 năm 2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 262/QĐ-UBND về ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân thành phố.

- Nhận thức tầm quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đặc biệt là trong công tác phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành các Quyết định liên quan đến việc phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo như Quyết định số 28/2015/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành quy trình phối hợp xử lý và giải quyết việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Quyết định số 5309/QĐ-UBND ngày 10 tháng 10 năm 2016, Quyết định số 3350/QĐ-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố việc kiện toàn Tổ công tác phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

1.3. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo, quán triệt đến Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Từ năm 2014 đến năm 2018, toàn thành phố đã triển khai 295 cuộc/744 đơn vị. Qua thanh tra đã giúp cho lãnh đạo các sở ngành, quận huyện kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, đặc biệt là đề cao vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành và thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Đối với công tác giám sát việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội thành phố (và các cấp): Ủy ban nhân dân thành phố đã kịp thời báo cáo, phục vụ hiệu quả cho công tác giám sát việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng nhân dân thành phố nhất là một số vụ việc khiếu nại kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết.

1.4. Kết quả kiện toàn tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo; bố trí địa điểm, cơ sở vật chất phục vụ công tác tiếp công dân.

- Tổ chức bộ máy tiếp công dân tiếp tục được duy trì với mô hình như sau:

Ban Tiếp công dân thành phố.

Tổ Tiếp công dân trực thuộc Văn phòng hoặc cơ quan Thanh tra tại các Sở - ngành.

Ban Tiếp công dân các quận-huyện.

Cán bộ phụ trách hộ tịch - tư pháp thực hiện công tác tiếp công dân thường xuyên tại cấp xã.

- Nơi tiếp công dân được bố trí thuận tiện, khang trang; niêm yết đầy đủ các quy định pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, lịch tiếp dân định kỳ của lãnh đạo.

- Đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng được chú trọng cả về số lượng và chất lượng, được bồi dưỡng trình độ chính trị, nâng cao ý thức trách nhiệm; được đào tạo, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng hiệu quả của công việc.

1.5. Trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng trong cung cấp thông tin

Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc cung cấp thông tin liên quan hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức định kỳ thông cáo báo chí và thực hiện quy chế phát ngôn theo đúng quy định; góp phần định hướng thông tin dư luận xã hội và hỗ trợ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp chính quyền, củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

2. Kết quả thực hiện:

2.1. Kết quả hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của người dân

Kịp thời ban hành các Văn bản quán triệt, triển khai thực hiện quy định pháp luật, các Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ; trong đó luôn chú trọng nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm người đứng đầu, nhất là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong chỉ đạo, điều hành và trực tiếp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền (Chỉ thị số 22/2014/CT-UBND ngày 03 tháng 9 năm 2014 về triển khai thi hành Luật Tiếp công dân trên địa bàn thành phố, ...).

2.2. Kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 đến ngày 31 tháng 12 năm 2018).

2.2.1. Trong công tác tiếp công dân

Toàn thành phố đã tổ chức tiếp 264.972 lượt công dân (gồm tiếp thường xuyên 216.011 lượt, lãnh đạo tiếp 48.961 lượt) đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, gồm:

- Cấp thành phố tiếp công dân: Ban Tiếp công dân thành phố tiếp công dân thường xuyên 12.246 lượt, Lãnh đạo thành phố tiếp công dân 90 buổi/87 vụ việc.

- Các sở - ban - ngành thành phố tiếp công dân: 28.298 lượt (tiếp thường xuyên: 26.468 lượt, lãnh đạo tiếp: 1.830 lượt).

- Cấp quận-huyện tiếp công dân: 124.776 lượt (tiếp thường xuyên: 108.665 lượt, lãnh đạo tiếp: 16.111 lượt)7

- Cấp xã - phường - thị trấn: 99.562 lượt (tiếp thường xuyên: 68.632 lượt, lãnh đạo tiếp: 30.930 lượt).

Tiếp công dân đoàn đông người: trên địa bàn Thành phố tiếp 1.100 đoàn (gồm tiếp thường xuyên: 946 đoàn, lãnh đạo tiếp: 154 đoàn; trong đó, cấp Thành phố tiếp: 684 đoàn, cấp sở - ngành tiếp: 127 đoàn, cấp quận - huyện tiếp: 222 đoàn, cấp xã - phường - thị trấn tiếp: 67 đoàn).

Bên cạnh đó, các cơ quan tham gia phối hợp tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân thành phố đã tiếp 820 buổi, cụ thể như sau:

- Văn phòng Thành ủy:

192 buổi;

 

- Ủy ban Kiểm tra Thành ủy:

200 buổi;

 

- Ban Nội chính Thành ủy:

204 buổi;

 

- Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố:

 224 buổi.

 

Nội dung tiếp công dân chủ yếu tập trung vào việc phản ánh, kiến nghị những sai phạm, vi phạm trong lĩnh vực quản lý hành chính về đất đai, môi trường, xây dựng; đồng thời khiếu nại, tố cáo trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tố cáo đội ngũ cán bộ, công chức chưa thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn bao che cho hành vi vi phạm pháp luật chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.

Cùng với sự hoàn thiện về cơ cấu, tổ chức, nhân sự, công tác tiếp công dân trên địa bàn thành phố tiếp tục được duy trì và thực hiện công khai, dân chủ, đúng pháp luật. Chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ và thực hiện quy định Luật Tiếp công dân, các sở-ngành, Ủy ban nhân dân các cấp đều định kỳ xây dựng lịch Tiếp công dân hàng tháng hoặc hàng quý, niêm yết tại nơi tiếp công dân, đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử và gửi đến các cơ quan chính quyền thành phố, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động tiếp công dân trên toàn địa bàn thành phố. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, lãnh đạo sở-ngành, quận-huyện tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, bố trí số lượng cán bộ tiếp công dân, đảm bảo hiệu quả hoạt động tiếp công dân thường xuyên và xử lý đơn theo quy định của pháp luật.

2.2.2. Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

a) Kết quả giải quyết khiếu nại

Tổng số đơn khiếu nại đã giải quyết trên tổng số đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền: 8.982/9.354 đơn, đạt tỷ lệ 96,02%, trong đó:

Cấp thành phố: đã giải quyết 2.244/2.363 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 94,96%.

Cấp sở, ngành: đã giải quyết 807/817 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 98,77%.

Cấp quận, huyện: đã giải quyết 5.434/5.676 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 95,73%.

Cấp xã, phường, thị trấn: đã giải quyết 497/498 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 99,79%.

Phân tích tính chất khiếu nại đúng, sai cho thấy: vụ việc khiếu nại đúng 7,79% (700/8.982 vụ việc), khiếu nại sai là 75,16% (6.751/8.982 vụ việc), khiếu nại có đúng có sai là 17,05% (1.531/8.982 vụ việc).

b) Kết quả giải quyết tố cáo

Tổng số đơn tố cáo đã giải quyết trên tổng số đơn tố cáo thuộc thẩm quyền: 1.161/1.194 đơn, đạt tỷ lệ 97,23%, trong đó:

Cấp thành phố: đã giải quyết 302/310 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 97,41%.

Cấp sở, ngành: đã giải quyết 176/181 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 97,23%.

Cấp quận, huyện: đã giải quyết 606/625 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 96,96%.

Cấp xã, phường, thị trấn: đã giải quyết 77/78 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 98,71%.

Phân tích tính chất tố cáo đúng, sai cho thấy: vụ việc tố cáo đúng là 5,09% (59/1.161 vụ việc), tố cáo sai là 68,73% (798/1.161 vụ việc), tố cáo có đúng có sai là 26,18% (304/1.161 vụ việc).

2.2.3. Về các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, phức tạp.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh còn 08/12 vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, phức tạp với tiến độ xem xét, giải quyết cụ thể như sau:

- Khu Đô thị mới Thủ thiêm, Quận 2:

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tại Quyết định số 752/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2019 về thành lập Tổ công tác chỉ đạo thực hiện Kết luận thanh tra số 1037/KL-TTCP ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Thanh tra chính phủ về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý, xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ thiêm, Thanh tra Thành phố đã có Văn bản số 1591/TTTP-P8 ngày 19 tháng 8 năm 2019 báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, ban hành Quyết định thành lập Tổ giúp việc cho Tổ công tác nêu trên.

Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố đã chủ trì tổ chức tiếp 28 công dân liên quan Khu Đô thị mới Thủ thiêm, Quận 2. Tuy nhiên, buổi tiếp dân không thể thực hiện được do hành vi quá khích của người dân.

- Khu Công nghệ cao, Quận 9:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã chủ trì cùng Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương và các bộ ngành Trung ương tiếp 03 nhóm công dân (buổi chiều ngày 30 tháng 7 năm 2019 tiếp 11 người thuộc nhóm của ông Phạm Tiến Duy, buổi chiều ngày 01 tháng 8 năm 2019 tiếp 19 người thuộc nhóm của ông Trần Lực, buổi chiều ngày 02 tháng 8 năm 2019 tiếp 18 người thuộc nhóm của ông Lương Văn Sinh và Phạm Mạnh Hùng) để thông tin tiến độ kết quả thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, ý kiến kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và công khai chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được Hội đồng nhân dân thành phổ thông qua.

- Dự án Khu nhà ở Cán bộ, công nhân viên Phường Bình An, Quận 2:

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Văn bản số 4338/UBND-NCPC ngày 12 tháng 7 năm 2017, Chánh Thanh tra thành phố có Quyết định số 212/QĐ-TTTP-P4 ngày 07 tháng 8 năm 2017 thành lập Đoàn thanh tra liên ngành về thanh tra toàn diện dự án xây dựng hạ tầng khu nhà ở tại Phường Bình An. Ngày 24 tháng 11 năm 2017, Thanh tra thành phố đã có Kết luận thanh tra số 42/KL-TTTP-P4. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Văn bản số 2644/VP-NCPC ngày 30 tháng 3 năm 2019 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, ngày 17 tháng 4 năm 2019, Thanh tra thành phố đã công khai nội dung liên quan đến khiếu nại của bà Yến và các hộ dân theo hình thức “Thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan Thanh tra Thành phố” (Giấy báo tin số 366/GBT-TTTP-P4 ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Thanh tra Thành phố). Đồng thời, Thanh tra thành phố đã chủ động, làm việc với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và đã thu thập được Văn bản 775/TTCP-CIII ngày 23/5/2018 của Thanh tra Chính phủ, Văn bản số 3352/BTNMT-TTr ngày 26/6/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng thời cũng đã làm việc với chủ đầu tư và Ủy ban nhân dân Quận 2. Ngày 01 tháng 8 năm 2019, Thanh tra Thành phố đã có Báo cáo số 495/BC-TTTP-P4 tổng hợp, trình dự thảo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố về toàn bộ kết quả thực hiện cho Thủ tướng Chính phủ.

- Dự án xây dựng Khu nhà ở và Văn phòng làm việc tại 1Bis-1Kép Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, Quận 1:

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Võ Văn Hoan đã tiếp 05 hộ dân, đại diện cho 87 hộ dân khiếu nại, tố cáo tại Dự án vào chiều thứ Hai, ngày 19 tháng 8 năm 2019.

- Dự án chỉnh trang đô thị tại phường Long Bình, Quận 9:

Ủy ban nhân dân quận 9 và Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng nội dung Văn bản phúc đáp Văn bản số 937/UBND-NCPC-M ngày 20 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

- Dự án Thảo cầm viên mới, huyện Củ Chi:

Ngày 08 tháng 8 năm 2019, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 3349/QĐ-UBND về thành lập Tổ công tác liên ngành để kiểm tra, rà soát và đề xuất cụ thể các nội dung liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện Dự án Thảo cầm viên mới, huyện Củ Chi (do ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi làm Tổ trưởng). Tổ công tác sẽ triển khai thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo tiến độ kế hoạch số 587/KH-UBND về triển khai, thực hiện Kết luận thanh tra số 2112/KL-TTCP ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Thanh tra Chính phủ.

Đồng thời, vào ngày 21 tháng 8 năm 2019, Thanh tra Thành phố đã có Văn bản số 1618/TTTP-P8 trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo đối với dự thảo báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kết luận thanh tra số 2112/KL-TTCP nêu trên đến Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.

- Dự án Khu đô thị Sing - Việt, huyện Bình Chánh:

Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh đang tiếp tục phối hợp với các sở- ngành có liên quan để hỗ trợ Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Khu tái định cư Sing Việt để bàn giao nền đất cho người dân bị ảnh hưởng tại 02 dự án.

Trong ngày 16 tháng 8 năm 2019 và ngày 20 tháng 8 năm 2019, Thanh tra Thành phố đã tiếp nhận đơn qua bưu điện và tiếp trực tiếp 07 hộ dân tại Dự án Khu đô thị Sing - Việt, huyện Bình Chánh với nội dung đề nghị được lãnh đạo Thanh tra Thành phố tiếp và ghi nhận những nội dung phản ánh về các sai phạm trong quá trình thực hiện Dự án Khu đô thị Sing - Việt, huyện Bình Chánh. Theo lịch tiếp công dân định kỳ, đồng chí Trần Đình Trữ - Phó Chánh Thanh tra sẽ tiếp các hộ dân nêu trên trong sáng thứ Năm, ngày 22 tháng 8 năm 2019.

- Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia, quận Thủ Đức:

Ngày 17 tháng 6 năm 2019, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố thông báo số 342/TB-VP truyền đạt kết luận nội dung chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Theo đó, trách nhiệm chính trong triển khai, thực hiện Dự án này hiện nay thuộc về lãnh đạo Đại học Quốc gia (trao đổi với Bộ, ngành liên quan và xin ý kiến của Chính phủ về quy mô dự án; báo cáo, xin ý kiến của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan về sử dụng nguồn vốn bán đấu giá tài sản của đơn vị để có kinh phí thực hiện Dự án); Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở xây dựng, Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức và các đơn vị có liên quan hỗ trợ Đại học Quốc gia theo quy định.

Ngày 25 tháng 6 năm 2019, Ủy ban nhân dân thành phố có Văn bản số 5512/VP-TH giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức triển khai thực hiện kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại Văn bản số 5035/VPCP-CN ngày 10 tháng 6 năm 2019.

Tiếp tục phối hợp với bộ ngành Trung ương và chỉ đạo xem xét, giải quyết 14 vụ việc, gồm:

07 vụ việc đã được kiểm tra, giải quyết theo trình tự các bước của các Kế hoạch, đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành thông chấm dứt thụ lý, giải quyết, trong đó có 03 vụ việc thuộc thẩm quyền của Bộ ngành Trung ương (Dương Công Bửu, Dương Thị Anh và Cao Thị Thịnh) và 04 vụ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố (Phù Khí Hùng, Nguyễn Phước Vân, Tu viện dòng thánh Phaolo, Đặng Thị Thu Thủy).

02 vụ việc đang do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện kiểm tra: Mai Thị Hoàng, quận Bình Tân và Nguyễn Thị Mơ, quận Thủ Đức

02 vụ việc đang chờ ý kiến hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương (Võ Văn Hội, Quận 2 và Trần Thị Ngọc Huệ, Quận 6)

03 vụ việc đang được thành phố triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (Hoàng Đôn Thận - Hồ Mỹ Lệ, Quận 9, Châu Văn Nguyên, Quận 2 và Vũ Huy Hoàng, Quận 2).

III. Đánh giá chung:

1. Về tình hình.

Trong 5 năm qua (từ năm 2014 đến năm 2018), tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, với tính chất mức độ ngày càng gay gắt; các đoàn đông người vẫn thường xuyên tụ tập tại thành phố Hà Nội (các đoàn đông người tại các dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, Khu Công nghệ cao Quận 9...). Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất và tái định cư tại các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn thành phố.

2. Ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân:

2.1. Ưu điểm.

Ủy ban nhân dân thành phố đã bám sát sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tiếp tục tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố. Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã có sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường cải cách hành chính, xây dựng cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; xây dựng “Chính quyền điện tử” hướng đến mục tiêu “Đô thị thông minh” của thành phố, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, thể hiện ở những mặt sau:

- Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của Người đứng đầu. Qua tiếp xúc, đã kịp thời chỉ đạo xử lý vụ việc, giải tỏa những bức xúc, đồng thời, lắng nghe góp ý, phản ánh của người dân về thái độ, về hành vi ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức để chấn chỉnh những thiếu sót.

- Công tác xử lý đơn đảm bảo đúng trình tự, đề xuất hướng giải quyết họp tình, hợp lý; trong đó chú trọng việc tiếp xúc, hướng dẫn, giải thích trực tiếp để người dân thông hiểu và thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị đúng quy định pháp luật.

- Quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của các ngành, các cấp được đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, nỗ lực hạn chế thấp nhất tỷ lệ giải quyết hồ sơ khiếu nại, tố cáo quá hạn luật định.

- Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố trong việc thi hành Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo được quan tâm, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước.

2.2. Hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân:

2.2.1. Hạn chế, khuyết điểm.

- Việc tham mưu giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của một số sở-ngành, quận-huyện thành phố chưa kịp thời và tuy đã nỗ lực nhưng việc vi phạm về thời hạn xử lý đơn (nhất là đơn tố cáo) và thời hạn giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo chưa được khắc phục triệt để.

- Vẫn còn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm; một số cơ quan chưa có sự thông tin, phối hợp kịp thời và chặt chẽ trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, gây tâm lý bức xúc cho người khiếu nại, tố cáo, tạo áp lực đối với công tác tiếp công dân.

2.2.2. Nguyên nhân:

- Sự bất cập trong việc áp dụng thực hiện một số chính sách, pháp luật liên quan công tác quy hoạch, sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

- Hồ sơ quá hạn luật định phần lớn thuộc địa bàn phát sinh lượng đơn nhiều, thời gian chờ xác minh lâu do tính chất vụ việc mang tính phức tạp nhất là các vụ việc có liên quan đến việc thực hiện chính sách cải tạo nhà đất trước đây. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc cung cấp hồ sơ, báo cáo giải trình, xác minh đôi lúc còn chậm, thiếu kịp thời và chưa đầy đủ dẫn đến việc giải quyết vụ việc còn kéo dài.

- Cùng với sự phát triển về kinh tế-xã hội của thành phố, việc nhận thức và tiếp cận pháp luật của người dân ngày càng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức đúng mức về quyền khiếu nại, tố cáo hoặc cố tình lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối an ninh trật tự, xúc phạm, lăng mạ cán bộ tiếp công dân nhằm gây giảm lòng tin của nhân dân vào chính quyền.

- Với áp lực phát sinh công việc đột xuất ngày càng nhiều nên đội ngũ cán bộ, công chức chưa đầu tư đúng mức trong việc nghiên cứu, tìm hiểu quy định pháp luật liên quan lĩnh vực có khiếu nại, tố cáo nên kết quả xử lý, đề xuất còn hạn chế, chưa kịp thời, một số vụ việc chưa giải quyết dứt điểm.

3. Kinh nghiệm rút ra qua triển khai thực hiện Chỉ thị 35:

- Cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục công dân chấp hành quyết định giải quyết đối với những vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất tình hình công dân khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.

- Kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung nhũng quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là khi Luật Tố cáo năm 2018 đã có hiệu lực thi hành.

- Cần phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo. Củng cố, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các ban tiếp công dân, tổ hòa giải cơ sở và ban thanh tra nhân dân. Phát hiện và giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân để hạn chế khiếu nại, tố cáo vượt cấp, không để xảy ra điểm nóng.

IV. Phương hướng, giải pháp:

1. Dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo trong những năm tới:

Trong thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố trên địa bàn thành phố có khả năng diễn ra gay gắt, phức tạp nhất khiếu nại, tố cáo tập trung vào các dự án như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, Khu công nghệ cao, Dự án Chỉnh trang phát triển đô thị Quận 9, Thảo Cầm viên mới, huyện Củ Chi...

2. Phương hướng, giải pháp:

- Tiếp tục phát huy, tập trung thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo thành phố, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; chú trọng việc phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương có liên quan, đẩy nhanh tiến độ, kiên trì, quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Thành ủy liên quan 12 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Thanh tra Chính phủ và Kế hoạch số 862/KH-UBND ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài.

- Nỗ lực khắc phục khó khăn, phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành Trung ương, kiên trì, quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Thành ủy, đảm bảo tiến độ và hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ đề ra trong giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; trước hết chú trọng vào Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2; Khu Công nghệ cao, Quận 9 và dự án Thảo Cầm viên mới, huyện Củ Chi.

- Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, nhất là Luật Tố cáo năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019) và Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tố cáo (có hiệu lực thi hành từ ngày 28 tháng 5 năm 2019); chú trọng lồng ghép với quy định về trách nhiệm giải trình, về tiếp cận thông tin để người dân hiểu, nắm chắc và thực hiện các quyền dân chủ của mình đúng trình tự, thủ tục, quy định và góp phần nâng cao hiệu quả giám sát trong quá trình thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

- Nâng cao chất lượng công tác thanh tra trách nhiệm Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, qua đó kịp thời chấn chỉnh, tăng cường hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng công tác dân vận chính quyền, công tác hòa giải ở cơ sở để góp phần tạo sự đồng thuận của người dân trong chấp hành, thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, góp phần hạn chế tối đa phát sinh các vụ việc khiếu nại, tố cáo ở cơ sở.

V. Đề xuất, kiến nghị:

- Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đôn đốc theo Quyết định số 1374-QĐ/TU ngày 01 tháng 12 năm 2017 của Thành ủy về Quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Tăng cường công tác giám sát của cơ quan dân cử, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa trách nhiệm của các đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là tăng cường hơn nữa việc tổ chức đối thoại, công tác hòa giải cơ sở.

- Xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cấp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, giữa cơ quan đóng vai trò tham mưu và các cơ quan có liên quan trong giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp thời nắm bắt và cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thấu tình, đạt lý.

- Hoàn thiện đồng bộ hệ thống quy định pháp luật (Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại cần sớm được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi khi Luật Tố cáo năm 2018 đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019), đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong thực tiễn./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- TTUB: CT; Các PCT;
- Các Sở - ngành Thành phố;
- Ủy ban nhân dân quận, huyện;
- VPUB: CVP, PVP/PC;
- Ban Tiếp công dân thành phố;
- Phòng NCPC;
- Lưu: VT, QV.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Minh Châu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 151/BC-UBND năm 2019 về sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 151/BC-UBND
  • Loại văn bản: Báo cáo
  • Ngày ban hành: 01/10/2019
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Ngô Minh Châu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/10/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản