Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 104/BC-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 6 năm 2013 |
BÁO CÁO
SƠ KẾT TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM; PHÒNG, CHỐNG MA TÚY; PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM MUA BÁN NGƯỜI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2013 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2013
Thực hiện Công văn số 1682/BCA-C41 ngày 07 tháng 5 năm 2013 của Bộ Công an về sơ kết công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống tội phạm mua bán người 6 tháng đầu năm 2013 và phương hướng công tác 6 tháng cuối năm 2013; Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo như sau:
I. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC LOẠI TỘI PHẠM
1. Tội phạm xâm phạm trật tự xã hội:
Trong 06 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn thành phố xảy ra 3.040 vụ phạm pháp hình sự (tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2012), làm chết 56 người, bị thương 418 người và thiệt hại tài sản trên 104 tỷ đồng. Một số loại án đặc biệt nghiêm trọng và nghiêm trọng đều được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2012 (giết người giảm 8,33%, cướp tài sản giảm 16,25%, giao cấu với trẻ em giảm 21,87%, cưỡng đoạt tài sản giảm 32%, chống người thi hành công vụ giảm 2,94%). Nhìn chung tình hình tội phạm hình sự vẫn còn diễn biến phức tạp, các loại tội phạm nguy hiểm và gây án nghiêm trọng vẫn còn chiếm 18,22% số vụ phạm pháp hình sự; tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm hoạt động bảo kê, đòi nợ thuê và tội phạm có tổ chức trong thanh niên nhập cư thất nghiệp… gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Nguyên nhân của án giết người, cố ý gây thương tích chủ yếu do mâu thuẫn xung đột tức thời, mang tính chất bộc phát hoặc do mâu thuẫn trong đời sống, ghen tuông, ăn nhậu. Phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng cướp tài sản là hoạt động theo băng nhóm, sử dụng xe gắn máy đeo bám nạn nhân đến nơi tối vắng trên các tuyến giao thông dùng roi điện, công cụ hỗ trợ, dao, mã tấu, gậy… bất ngờ tấn công nạn nhân hoặc dàn cảnh gây va chạm giao thông để cướp tài sản. Số vụ tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng để giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt, ăn nhậu, cờ bạc… đang có dấu hiệu phức tạp. Tội phạm trộm cắp tài sản vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu phạm pháp hình sự (1.623 vụ = 53,38%, trong đó trộm xe gắn máy chiếm 48,49% trong tổng số vụ trộm), chủ yếu phát sinh tại các khu dân cư, trị giá tài sản chiếm đoạt lớn (nhiều vụ trộm hàng chục xe gắn máy, đột nhập tiệm vàng phá két sắt…), tính chất hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi, đường dây hoạt động khép kín từ gây án đến tiêu thụ tài sản.
2. Tội phạm trên lĩnh vực kinh tế, môi trường:
Hoạt động của tội phạm trên lĩnh vực kinh tế có sự thay đổi về phương thức, thủ đoạn và có sự tổ chức, liên kết móc nối với nhau, lợi dụng sơ hở trong cơ chế quản lý, điều hành và kiểm soát của các cơ quan chức năng để hoạt động. Tình hình vi phạm pháp luật về môi trường vẫn còn diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng, số vụ phát hiện mới tăng 170 vụ = 82,12% so với cùng kỳ năm 2012. Tình trạng các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải vẫn còn tồn tại hoặc nếu có chỉ vận hành khi có sự kiểm tra của cơ quan chức năng; không tuân thủ các quy định về quản lý chất thải nguy hại trong các hoạt động sản xuất liên quan đến hóa chất, y tế và sản xuất công nghiệp, sử dụng hóa chất bị cấm trong chế biến thực phẩm; nhập khẩu phế liệu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường và tình trạng vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã vẫn còn diễn ra. Công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn hạn chế, công tác xử lý chất thải nguy hại vẫn còn bất cập, trong khi đó, việc xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm chưa nghiêm minh.
3. Tội phạm về ma túy:
Tội phạm ma túy tiếp tục tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, các băng nhóm, đường dây hình thành rất nhanh, thường xuyên thay đổi chỗ ở, nơi cất giấu ma túy, không giao tiền hàng cùng một lúc, có sự liên kết chặt chẽ nhưng phân khúc đứt đoạn để cắt đuôi nếu bị phát hiện. Thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy so với thời gian trước không có sự thay đổi nhiều, nổi lên gần đây là việc các đối tượng thay đổi lộ trình vận chuyển ma túy quá cảnh sân bay Singapore về Việt Nam do việc vận chuyển ma túy từ sân bay Doha về thành phố đã bị phát hiện nhiều. Xuất hiện đường dây vận chuyển mới ma túy tổng hợp từ Lào về Việt Nam qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tình trạng điều chế, gia công ma túy tổng hợp có dấu hiệu xuất hiện trở lại, việc tiêu thụ tiền chất và tân dược có chứa tiền chất ma túy với số lượng lớn không rõ đầu ra vẫn chưa được quản lý và làm rõ. Lần đầu tiên phát hiện mua bán lẻ cocain tại quận 1.
Việc mua bán, sử dụng ma túy nhỏ lẻ trong cộng đồng dân cư, tại các nơi công cộng, vũ trường, quán bar, nhà hàng vẫn còn diễn ra, ngoài ra các đối tượng thường sử dụng ma túy tổng hợp tại các khách sạn, nhà trọ hay nhà riêng gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý. Công tác chuyển hóa địa bàn, tụ điểm phức tạp về ma túy được đẩy mạnh thực hiện, huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia đã giải quyết dứt điểm nhiều tụ điểm tồn tại đã lâu hoặc mới phát sinh.
4. Tội phạm mua bán người:
So với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tuy không phải là một điểm nóng nhưng được xác định là địa bàn trung chuyển để tội phạm mua bán người ẩn náu, lợi dụng hoạt động. Tình trạng môi giới cho người nước ngoài kết hôn trái phép trên địa bàn thành phố đã được kéo giảm đáng kể so với những năm trước đây. Tuy nhiên, tình trạng lừa bán phụ nữ qua nước ngoài hoạt động mại dâm vẫn còn nhiều yếu tố tiềm ẩn phức tạp. Các đối tượng phạm tội hầu hết ở các tỉnh, không rõ lai lịch nhân thân, nạn nhân cũng đều là những người ở tỉnh khác đến sinh sống hoặc làm thuê tại thành phố, họ gặp nhau trao đổi, hứa hẹn, giao dịch để đưa người ra nước ngoài.
Hầu hết chị em phụ nữ do thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin nên bị các đối tượng lừa gạt, lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn về tương lai một cuộc sống tốt đẹp ở nước ngoài sau đó bị buộc làm gái mại dâm, khống chế làm nô lệ tình dục… Người thân của nạn nhân do nhận thức kém và mất cảnh giác nên khi xảy ra vụ việc, không có được những thông tin liên quan đến nhân thân của tội phạm, do đó công tác điều tra truy xét gặp rất nhiều khó khăn. Đáng chú ý trong thời gian qua là tiếp tục phát hiện 1 trường hợp mua bán phụ nữ đưa qua Malaysia để ép làm gái bán dâm và tin báo về tình trạng rao bán trẻ sơ sinh tại khu vực Bệnh viện phụ sản Hùng Vương.
II. CÔNG TÁC THAM MƯU, CHỈ ĐẠO VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
Tiếp tục thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy và phòng, chống tội phạm mua bán người, trong 6 tháng đầu năm 2013, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 09 tháng 01 năm 2013 về tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự, tấn công trấn áp tội phạm, kéo giảm tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hàng Kế hoạch số 1326/KH-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2013 thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thành ủy, qua đó đã thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý điều hành, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm, vai trò chủ động của thủ trưởng các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện và vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tổ chức các phong trào hành động của các giới, vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.
Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tiếp tục triển khai kết hợp chặt chẽ hoạt động phòng, chống các loại tội phạm, xây dựng phường, xã không có ma túy, mại dâm với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng ngừa các loại tội phạm tập trung tại địa bàn dân cư, khu vực trường học và triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đến từng hộ gia đình, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên và các đối tượng dễ bị lôi kéo, tác động, lồng ghép với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, các chương trình giảm nghèo, giảm quyết việc làm, các chính sách an sinh xã hội. Qua đó, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng có hiệu quả, số lượt nhân dân tham gia hỗ trợ, truy bắt các đối tượng phạm tội được khen thưởng đột xuất ngày càng nhiều.
Thực hiện Điện số 679/HT1 ngày 14 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Công an thành phố mở đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; củng cố, phát huy, nhân rộng các mô hình tự quản về an ninh trật tự; triển khai các kế hoạch chuyên đề đấu tranh với từng loại tội phạm có tổ chức, cướp có vũ khí, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội, phòng chống cướp, cướp giật tài sản, trộm cắp xe gắn máy, phòng chống tội phạm xâm phạm tài sản người nước ngoài tại khu vực trung tâm thành phố, nhất là tăng cường nắm tình hình, triệt phá phân khúc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có; bố trí lực lượng kiểm soát và tuần tra mật phục tại các khu vực, tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp, địa bàn giáp ranh và địa bàn cần chuyển hóa.
Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Công an thành phố phối hợp với Bộ Tư lệnh thành phố xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch số 01/KH-CA-QS ngày 04 tháng 01 năm 2013 về đảm bảo an ninh trật tự giữa Công an thành phố và Bộ Tư lệnh thành phố, trong đó tăng cường phối hợp tại cấp cơ sở trong công tác tuyên truyền cho nhân dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn của các loại tội phạm, nắm tình hình, tuần tra, phòng chống tội phạm, chặn đứng và từng bước đẩy lùi các hoạt động tệ nạn xã hội; thành lập các Tổ tuần tra chung giữa 02 lực lượng nhằm nâng cao sức mạnh, hiệu quả trong phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của tội phạm tại các phường, xã, thị trấn.
Ủy ban nhân dân thành phố đã có văn bản đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 4 chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đứng chân trên địa bàn thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng của thành phố trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Bên cạnh nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tư lệnh thành phố trong công tác đảm bảo an ninh trật tự theo Nghị định số 77/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng, Công an thành phố còn tập trung phối hợp với các lực lượng trực thuộc Bộ Công an, các trường Công an nhân dân đứng chân trên địa bàn thành phố cùng tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tại địa phương nơi đơn vị trú đóng.
Để tăng cường công tác phối hợp trong cao điểm tấn công tội phạm, Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức Hội nghị về công tác phối hợp giữa các tỉnh giáp ranh khu vực phía Nam và các tỉnh, thành phố trọng điểm phía Bắc trong cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013, trong đó tập trung triển khai công tác phối hợp, trao đổi thông tin đối tượng, cập nhật và cung cấp kịp thời tình hình hoạt động, di biến động của đối tượng; phối hợp kiểm tra hành chính đồng loạt các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà trọ, các dịch vụ cầm đồ, các khu vực phức tạp về cư trú tại các địa bàn giáp ranh…
Trên cơ sở đặc điểm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, đồng thời tiếp thu và phát huy mô hình phối hợp phòng chống tội phạm của Công an các tỉnh giáp ranh và các tỉnh, thành phố trọng điểm phía Bắc, Công an thành phố đã thành lập 34 Tổ Cảnh sát cơ động hoạt động tuần tra, chốt chặn tại các khu vực, địa bàn phức tạp và 14 tuyến trọng điểm thường xảy ra các vụ gây án nghiêm trọng; phối hợp với lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông và công an các quận, huyện tập trung kiểm tra, phát hiện, truy bắt, hỗ trợ truy bắt các đối tượng phạm tội hoặc nghi vấn phạm tội, các đối tượng tàng trữ vũ khí, hung khí, chuẩn bị gây án khi đang lưu thông trên đường và số đối tượng lưu manh, càn quấy vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, có biểu hiện coi thường pháp luật. Ngoài ra, Công an thành phố đã báo cáo đề nghị và được Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động - Bộ Công an hỗ trợ tăng
cường lực lượng phối hợp trong tuần tra kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến trọng điểm, tuyến giáp ranh thuộc các quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn.
Bên cạnh đó, nhằm tạo đột phá trong công tác đấu tranh trấn áp tội phạm, nhất là công tác nắm tình hình, triệt phá phân khúc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, Công an thành phố triển khai Kế hoạch số 218/KH-CATP ngày 23 tháng 11 năm 2012 về tăng cường phòng, chống tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản trên đường phố và nơi công cộng; giao chỉ tiêu cụ thể trong việc xây dựng cộng tác viên bí mật, xác lập hồ sơ để chủ động công tác nắm tình hình và đối sách, xử lý việc chứa chấp tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, phục vụ công tác đấu tranh chuyên án, truy xét.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố về việc “xác định địa bàn trọng điểm phức tạp để tập trung giải quyết dứt điểm, chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự trở thành địa bàn không có tội phạm hoặc giảm đến mức thấp nhất, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng”, Quận - Huyện ủy, Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội các quận Tân Bình, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh đã chỉ đạo các ngành chức năng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể của quận, huyện, Cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân các phường, xã được chọn chuyển hóa ban hành Nghị quyết chỉ đạo và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đấu tranh; tại các phường, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo đấu tranh chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự do Bí thư Đảng ủy là Trưởng ban, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Trưởng Công an là Phó ban và đại diện các ban, ngành, đoàn thể là thành viên nhằm huy động sức mạnh của hệ thống chính trị tại cơ sở và phát huy vai trò tích cực của quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh chuyển hóa địa bàn. Trên cơ sở đó, các phường, xã đã tổ chức Hội nghị để triển khai Nghị quyết, Kế hoạch đấu tranh chuyển hóa, tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các Chi bộ, các khu phố trong việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra trong kế hoạch.
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Kết quả đấu tranh trấn áp các loại tội phạm:
Trong 6 tháng đầu năm 2013, công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm đã được Công an thành phố quan tâm thực hiện, trong đó tập trung mở đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm đảm bảo an ninh trật tự Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013; tăng cường các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, đấu tranh trấn áp tội phạm có tổ chức, nắm chắc diễn biến tình hình, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng, giải quyết các vấn đề phức tạp nổi lên ngay từ cơ sở, nhất là hoạt động của các băng nhóm tội phạm liên quan đến bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê; tội phạm hình sự sử dụng vũ khí, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, chống người thi hành công vụ…; đẩy mạnh công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng; truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại đối tượng truy nã. Kết quả đã điều tra khám phá 1.952 vụ phạm pháp hình sự (đạt tỉ lệ 64,21%), bắt 2.543 tên; triệt phá 415 băng nhóm, bắt 1.046 tên; lập 1.668 biên bản đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí vi phạm; triệt phá 31 ổ mại dâm, lập hồ sơ xử lý 138 đối tượng; phát hiện xử lý 496 vụ cờ bạc, bắt 2.554 đối tượng. Bắt, vận động đầu thú 225 đối tượng truy nã.
Phát hiện và xử lý 776 vụ với 1.519 tên mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy (so với cùng kỳ giảm 56 vụ = 6,73%, giảm 127 tên); thu giữ 15,241 kg heroin; 12,745 kg ma túy tổng hợp; 770 gram cần sa; 8 khẩu súng quân dụng và 27 viên đạn; 01 súng bắn điện, 02 roi điện, 24 cân tiểu ly, 512 xe máy, 874 điện thoại di động, 2,6 tỷ đồng, 167.600 USD… ; tỉ lệ các vụ mua bán trái phép ma túy tổng hợp chiếm 33,84%, các vụ mua bán trái phép heroin chiếm 60,88% và các vụ mua bán trái phép cả heroin và ma túy tổng hợp chiếm 5,14%. Kết quả đã khởi tố 562 vụ, 805 bị can; xử lý hành chính 214 vụ 714 đối tượng, lập hồ sơ tập trung 1.375 đối tượng nghiện vào trung tâm cai nghiện, cơ sở chữa bệnh và giáo dục tại phường, xã, thị trấn. Hiện đang quản lý 4.858 người nghiện ma túy tại địa phương. Tiến hành rà soát, phân loại địa bàn phường, xã, thị trấn trọng điểm về ma túy theo Quyết định 3122/QĐ-BCA ngày 09 tháng 08 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công an, kết quả trọng điểm loại I là 05 địa bàn, trọng điểm loại II là 35 địa bàn, trọng điểm loại III là 164 địa bàn, có tệ nạn ma túy là 115 địa bàn và không tệ nạn ma túy là 03 địa bàn.
Phát hiện 962 vụ với 860 đối tượng vi phạm về lĩnh vực kinh tế, trị giá hàng hóa tang vật khoảng 63,5 tỷ đồng, xử phạt hành chính nộp ngân sách Nhà nước trên 14,5 tỷ đồng. Kết thúc điều tra trinh sát 721 vụ với 604 đối tượng (khởi tố 56 vụ, 48 đối tượng; xử phạt hành chính 569 vụ, 458 đối tượng; chuyển đơn vị khác thụ lý theo thẩm quyền 58 vụ, 69 đối tượng và xử lý khác 38 vụ, 43 đối tượng). Đã thụ lý điều tra 19 vụ với 60 bị can về tham nhũng và chức vụ; tội phạm xâm phạm sở hữu 49 vụ với 49 bị can; tội phạm về trật tự quản lý kinh tế 160 vụ với 161 bị can.
Phát hiện 541 vụ vi phạm về môi trường (xử lý hành chính 319 vụ, chuyển cơ quan chức năng xử lý 22 vụ và cảnh cáo 16 vụ; hiện đang xác minh 184 vụ), nộp ngân sách Nhà nước trên 6,8 tỷ đồng.
Công an thành phố đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an quận, huyện tiến hành điều tra trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động môi giới kết hôn trái phép trên địa bàn thành phố; nhất là địa bàn quận Bình Tân, khu vực Cầu số 2 - quận Tân Phú, xã Bình Hưng - huyện Bình Chánh, khu Phú Mỹ Hưng - quận 7, quận Phú Nhuận, quận 8 là các địa điểm thường tập trung các đối tượng môi giới hôn nhân trái phép; khu vực Bệnh viện Hùng Vương (là nơi nghi vấn xảy ra các vụ mua bán trẻ sơ sinh); khu phố Tây (là khu vực thường xảy ra tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em). Trong 06 tháng đầu năm 2013, đã phát hiện điều tra xử lý 1 vụ môi giới phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài (Trung Quốc) trái phép, xử lý 03 đối tượng người Việt Nam, 03 người Trung Quốc theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ, yêu cầu 02 phụ nữ Việt Nam trở về địa phương tiếp tục làm ăn sinh sống; khám phá 01 vụ mua bán trẻ em; 01 vụ, 01 đối tượng mua bán phụ nữ qua Malaysia hoạt động mại dâm. Hiện đang tiến hành điều tra truy xét 02 vụ mua bán trẻ em tại quận 9 và Bệnh viện Hùng Vương.
2. Công tác tuyên truyền, phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện và tố giác các loại tội phạm:
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 26-CTr/TU của Thành ủy về thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 14 tháng 5 năm 2003 của Thành ủy về lãnh đạo phát triển nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; triển khai thực hiện Đề án 1 “Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư” - Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; Công an thành phố đã phối hợp với các Sở - ngành, Đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình liên tịch đã ký kết và tổ chức Hội nghị sơ - tổng kết, giao ban chuyên đề như: Sơ kết 05 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Công an thành phố và Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố về đảm bảo an ninh trật tự và tổng kết 01 năm công tác phong trào; phối hợp với Thành Đoàn tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 03 về “Phối hợp phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên trên địa bàn thành phố” giai đoạn 2010 - 2012; phối hợp với Ban Tuyên giáo Hội Cựu Chiến binh thành phố khảo sát hoạt động mô hình “Tổ cán sự xã hội tình nguyện” trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người hồi gia tái hòa nhập cộng đồng tại 12 phường, xã, thị trấn giai đoạn 2010 - 2013. Triển khai kế hoạch chuyên sâu về phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phòng, chống tội phạm trên địa bàn phường, xã, thị trấn; quản lý giáo dục đối tượng; thường xuyên củng cố lực lượng an ninh cơ sở, thành lập lực lượng dân phòng chuyên trách, bán chuyên trách, lực lượng bảo vệ dân phố tham gia hoạt động tuần tra bảo đảm an ninh trật tự địa bàn, khu phố; huy động và phân công các Đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân thành phố) tham gia quản lý, giáo dục đối tượng.
Đã tổ chức 26.045 cuộc họp dân với 1.040.919 lượt người dự, đóng góp 27.702 ý kiến (trong đó có 24.552 ý kiến liên quan đến an ninh trật tự); phát hành 1.204.727 tài liệu (thông báo, bản tin, tờ bướm…) tuyên truyền về công tác giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm đến các hộ dân. Qua tuyên truyền vận động, quần chúng đã cung cấp cho cơ quan công an 17.335 nguồn tin liên quan đến an ninh trật tự, trong đó có 8.480 tin có giá trị, giúp cơ quan công an xác minh làm rõ 2.457 vụ việc, bắt giữ và xử lý 3.573 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá trên 10 tỷ đồng. Quần chúng đã vận động 33 đối tượng ra đầu thú, trực tiếp bắt 02 đối tượng, cung cấp thông tin bắt 89 đối tượng truy nã; trực tiếp bắt 755 vụ phạm pháp quả tang với 1.177 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá trên 14,2 tỉ đồng. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều gương quần chúng mưu trí dũng cảm tham gia truy bắt bọn tội phạm góp phần đảm bảo an ninh trật tự, có 285 tập thể và 1.774 cá nhân được khen thưởng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Nhằm phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong giữ gìn an ninh trật tự, nhất là phòng, chống tội phạm, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đã từng bước xây dựng và triển khai các mô hình tự quản về an ninh trật tự. Qua thời gian thực hiện, trong số 35 mô hình tự quản hiện có trên địa bàn thành phố, Ban Chỉ đạo 138 thành phố đã chỉ đạo phổ biến, nhân rộng 6 mô hình hiệu quả, gồm: “5+1”, “nghiệp đoàn bốc xếp tự quản”, “Nhà trọ sinh viên tự quản về an ninh trật tự”, “dân phòng tự quản”, “nhà trọ không tội phạm ẩn náu, hoạt động” và “Dòng họ tự quản - họ Đỗ” để các đơn vị nghiên cứu, vận dụng. Các mô hình tự quản về an ninh trật tự đã có tác dụng nhất định trong việc động viên quần chúng nhân dân tham gia hoạt động phong trào ở cơ sở, cụ thể như: mô hình “5 + 1” (05 ngành, đoàn thể tham gia giáo dục, giúp đỡ các đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng dân cư) đã giáo dục giúp đỡ 8.873 người tiến bộ; mô hình “nhà trọ tự quản” hiện có 11.532 nhà trọ tự quản, đã cung cấp cho cơ quan công an 496 tin về an ninh trật tự, giúp cơ quan công an bắt 41 vụ (70 đối tượng); mô hình tổ “xe ôm tự quản” hiện có 1.134 tổ (trong đó có 285 tổ hoạt động khá) với 12.650 thành viên tham gia, đã cung cấp cho cơ quan công an 1.165 tin về an ninh trật tự, giúp cơ quan công an giải quyết 800 vụ việc, 1.102 đối tượng, bắt 52 vụ, 98 đối tượng; hiện có 158 ban bảo vệ dân phố với 6.236 thành viên, tham gia tuần tra canh gác 316.872 lượt, cung cấp 33.723 tin về an ninh trật tự (trong đó có 1.845 tin có giá trị) giúp công an bắt 856 vụ với 1.432 đối tượng. Các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với Công an quản lý giáo dục 49.227 đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, trong đó có 4.152 đối tượng tiến bộ (có 28 đối tượng tham gia lực lượng an ninh cơ sở, 149 đối tượng được tạo việc làm, 29 đối tượng được giúp đỡ vốn với số tiền là 131 triệu đồng).
3. Công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự:
Ban Chỉ đạo đấu tranh chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự của 05 phường, xã được chọn thí điểm đã tổ chức rà soát và xác định 26 khu vực, tụ điểm, tuyến đường, khu phố có nhiều tính chất phức tạp về tội phạm hình sự, ma túy, tệ nạn mại dâm, cờ bạc. Trên cơ sở đó, các Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo lực lượng công an 05 phường, xã phối kết hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương và các đội nghiệp vụ công an quận, huyện tập trung chấn chỉnh, nâng chất lượng hiệu quả công tác nắm hộ, nắm người, duy trì kiểm tra hộ khẩu định kỳ, kết hợp mở các đợt truy quét, kiểm tra đột xuất các khu vực phức tạp về cư trú; đồng thời tăng cường tuần tra kiểm soát về đêm; kiểm tra, quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, hướng dẫn các hộ gia đình có ngăn phòng cho thuê, cho thuê nhà nguyên căn thực hiện cam kết về an ninh trật tự, các cơ sở kinh doanh thuộc diện phải có giấy phép an ninh trật tự thực hiện đúng quy định trước khi đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, các mô hình tự quản đã phát huy tác dụng trong việc quản lý, cảm hóa giáo dục, cải tạo người phạm tội, nghiện ma túy, thanh thiếu niên hư hỏng, sau cai nghiện… Các biện pháp, giải pháp trên đã phát huy hiệu quả tích cực khi qua 01 năm thực hiện, công tác đấu tranh chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự, số vụ phạm pháp hình sự tại các phường, xã trọng điểm đều được kéo giảm so với thời gian cùng kỳ; tỷ lệ điều tra khám phá đạt từ 73% đến 92%, nhiều tụ điểm, khu vực phức tạp đã được giải quyết về cơ bản.
Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện đấu tranh chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, qua đó, chỉ đạo Công an thành phố tiếp tục hướng dẫn Ban Chỉ đạo 138 các quận, huyện triển khai nhân rộng công tác đấu tranh chuyển hóa các địa bàn trên phạm vi toàn thành phố đối với tất cả các phường, xã, thị trấn trọng điểm về an ninh trật tự, trọng tâm là căn cứ vào tình hình thực tế tại cơ sở, chấm chọn một địa bàn phường, xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự hoặc địa bàn có tình hình an ninh trật tự ổn định, ít phức tạp để chỉ đạo Cấp ủy, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn ban hành Nghị quyết, xây dựng kế hoạch chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự trở thành địa bàn kéo giảm đến mức thấp nhất tội phạm hoặc tiếp tục giữ vững tình hình an ninh trật tự tại địa bàn. Việc triển khai cần học tập, phát huy những mô hình chuyển hóa đạt hiệu quả, sát hợp nhất tại 5 địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự được chọn thí điểm.
IV. NHẬN XÉT - ĐÁNH GIÁ
Trong 06 tháng đầu năm 2013, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh luôn được Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục và quyết liệt. Mặc dù tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp nhưng do chủ động tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời nắm bắt phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm nên đã kiềm chế được đà gia tăng của tội phạm; các loại án đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và nghiêm trọng đều được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2012; ngăn chặn được các hoạt động sử dụng vũ khí nóng gây án; nhiều mô hình tự quản phát huy hiệu quả tốt trong công tác phòng chống tội phạm ở cộng đồng dân cư. Nổi bật là tập trung đánh trúng, triệt phá nhanh nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động phạm tội nguy hiểm, đồng thời qua điều tra mở rộng đã làm rõ nhiều vụ gây án trước đó; kịp thời thu giữ nhiều vũ khí, hung khí, công cụ phương tiện gây án…; qua đó góp phần đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Những kết quả đạt được như trên là do:
- Sự quyết tâm, tập trung chỉ đạo của Cấp ủy Đảng, chính quyền với sự tham mưu nòng cốt của lực lượng công an, có sự tham gia tích cực của các ban ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn thể, các tổ chức xã hội và sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân đã tạo nên thế trận vững chắc, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và chuyển hóa địa bàn.
- Hiệu quả của các mô hình tự quản, tự phòng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và đấu tranh chuyển hóa địa bàn đã cho thấy chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng được nâng lên, tạo nên sự phối kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng an ninh cơ sở và lực lượng nghiệp vụ.
- Việc chọn địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự để tập trung lực lượng, biện pháp chuyển hóa trở thành địa bàn không có tội phạm hoặc giảm đến mức thấp nhất là yêu cầu phù hợp với thực tiễn, đã phát huy được vai trò của cấp ủy cơ sở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động lực lượng của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm, nhất là nâng cao ý thức tự giác tham gia tổ phòng, chống tội phạm của quần chúng nhân dân.
- Việc tăng cường lực lượng công an các cấp phối hợp, tham gia triển khai các biện pháp nghiệp vụ tiến hành trong từng giai đoạn, từng thời điểm cụ thể là hết sức cần thiết, tạo thế trận liên hoàn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, việc thành lập các Tổ tuần tra phối hợp thuộc lực lượng Bộ Tư lệnh thành phố và Công an thành phố đã huy động thêm nguồn nhân lực tại địa bàn cơ sở nâng cao sức mạnh, hiệu quả trong phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của tội phạm tại các phường, xã, thị trấn.
- Công tác phối hợp giữa các tỉnh giáp ranh khu vực phía Nam và các tỉnh, thành phố trọng điểm phía Bắc trong trao đổi thông tin đối tượng, cập nhật và cung cấp kịp thời tình hình hoạt động, di biến động của đối tượng; phối hợp kiểm tra hành chính đồng loạt các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà trọ, các dịch vụ cầm đồ, các khu vực phức tạp về cư trú tại các địa bàn giáp ranh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đấu tranh triệt phá các băng, ổ, nhóm hoạt động lưu động, không để đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh ẩn náu và gây án.
- Kịp thời tập trung huy động lực lượng, phương tiện nhằm phát hiện, xử lý nhanh các vụ án gây bức xúc dư luận, nhất là cướp, cướp giật tài sản đã tạo niềm tin và tiếp thêm sức mạnh cho quần chúng nhân dân tham gia tích cực phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn còn một số hạn chế như:
- Tỷ lệ điều tra khám phá chung (đạt 64,21%) chưa đạt so với chỉ tiêu đề ra, số vụ phạm pháp hình sự tăng 220 vụ (7,8%) so với cùng kỳ năm 2012. Tình hình tội phạm trộm cắp tài sản (nhất là trộm đột nhập, trộm xe máy) vẫn còn xảy ra nhiều tại các khu vực giáp ranh, các khu dân cư, khu nhà trọ nhưng tỷ lệ điều tra khám phá thấp, chưa có biện pháp hiệu quả trong công tác phòng ngừa. Hoạt động phòng, chống mại dâm còn lúng túng và có dấu hiệu chựng lại. Công tác kiểm tra hành chính, nhất là của lực lượng công an cơ sở vẫn còn yếu kém, số lượt tiến hành tuy nhiều nhưng chưa kết hợp chặt chẽ với các biện pháp nghiệp vụ khác để kiểm tra có trọng tâm,trọng điểm; công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn bộc lộ nhiều thiếu sót.
- Việc thực hiện Luật Cư trú có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực tại địa phương, nhưng một số nơi các ban, ngành cho rằng đây là công việc của riêng ngành công an, do đó thiếu sự hỗ trợ cần thiết, dẫn đến khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện công tác quản lý. Một bộ phận nhân dân, nhất là dân nhập cư do chưa tham dự đầy đủ các buổi họp, sinh hoạt tổ dân phố, tổ nhân dân, vì vậy chưa nắm hết các quy định để thực hiện đúng theo Luật Cư trú, ý thức chấp hành pháp luật về cư trú chưa thật sự nghiêm túc.
- Quản lý kinh doanh tiền chất các loại và hóa chất nguy hiểm còn hạn chế; công tác tổ chức kiểm tra và phối hợp kiểm tra theo chức năng quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn chưa đều, chưa đồng bộ. Nguyên nhân, do chưa có quy định, quy chế phối hợp rõ ràng, cụ thể giữa các ngành nên hiệu quả quản lý không cao, mặt khác việc kiểm tra chưa duy trì thường xuyên liên tục nên tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn. Mặc dù đã được tuyên truyền nhưng ý thức chấp hành quy định pháp luật trong nhân dân cũng chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ về tác hại, mức độ nguy hiểm của các loại vũ khí, vật liệu nổ hoặc do hám lợi mà một số người vẫn bất chấp pháp luật, xem nhẹ nguy hiểm tính mạng, tài sản của bản thân và những người xung quanh nên không lường trước được hậu quả xảy ra.
V. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2013
1. Tiếp tục chỉ đạo lồng ghép việc thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm với Chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới và Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em lồng ghép với các Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố, các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá… để ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an toàn, bình yên cho người dân thành phố.
2. Tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Cấp ủy Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tình hình trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những sơ hở thiếu sót trong cơ chế chính sách, quản lý kinh tế - xã hội, không để tội phạm lợi dụng hoạt động, đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, tiêu cực. Lực lượng Công an các cấp chủ động nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tiến hành triển khai các giải pháp phòng ngừa xã hội; giải quyết kịp thời những vấn đề nổi mới phát sinh trong nội bộ nhân dân, khiếu kiện đình công, tranh chấp đất đai không để xảy ra phức tạp về an ninh trật tự.
3. Kết hợp chặt chẽ công tác phòng, chống tội phạm với yêu cầu thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là số tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện, số đối tượng tù tha, đặc xá… để góp phần xóa bỏ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, nâng cao hiệu quả phòng ngừa xã hội; kiềm chế sự gia tăng phạm pháp hình sự và kéo giảm tỷ lệ phạm pháp hình sự trên dân số thường trú và tạm trú tại từng địa bàn; nâng tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự trong năm 2013 và tạo đà những năm tiếp theo.
4. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn phường, xã, thị trấn để phòng ngừa, tấn công tội phạm, nhất là tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng, chống tội phạm trong cơ quan, đơn vị doanh nghiệp và trong các tầng lớp nhân dân để mọi người nhận thức hậu quả, tác hại của tội phạm đối với gia đình và xã hội, quyền lợi và trách nhiệm tham gia phòng, chống tội phạm, từ đó tự giác tích cực tham gia.
Các cơ quan chức năng cần phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí (các báo, đài thành phố trên các lĩnh vực phóng sự, kịch, phim truyện…) tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm. Nghiên cứu, biên tập, phát hành tài liệu tuyên truyền chuyên sâu về công tác phòng, chống tội phạm phù hợp với từng ngành, từng khu vực. Thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết liên tịch giữa lực lượng Công an với các ngành, các Đoàn thể và nhân rộng mô hình thực hiện đúng cam kết giữa các đơn vị, tổ chức trong phòng, chống tội phạm. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản, tự phòng, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm.
5. Nâng cao tính chủ động, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an các cấp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm; chú trọng các giải pháp phòng ngừa xã hội để hạn chế nguyên nhân, điều kiện làm gia tăng tội phạm hình sự; tiếp tục phối hợp với các ban, ngành liên quan để giải quyết cơ bản tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc và tệ nạn xã hội khác. Mở đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm ở các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, bảo vệ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và thành phố; qua đó tập trung đấu tranh trấn áp mạnh các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm lưu động, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm về ma túy, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em, tội phạm môi trường, truy bắt đối tượng truy nã. Đánh giá phân loại chính xác và đẩy mạnh công tác đấu tranh chuyển hóa các tuyến, địa bàn phức tạp về hình sự. Đẩy mạnh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đảm bảo đúng pháp luật, đặc biệt là các vụ án lớn, gây bức xúc dư luận.
6. Đảm bảo giữ vững ổn định an ninh chính trị trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề bức xúc, nhất là các vụ việc phức tạp nảy sinh có liên quan đến an ninh chính trị trên địa bàn; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất và chăm lo đời sống cho đội ngũ cán bộ chiến sĩ của ngành công an và các cơ quan tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong thực hiện cải cách tư pháp, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi các tệ nạn, tiêu cực xã hội./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Kế hoạch 102/KH-UBND năm 2022 thực hiện Dự án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025”
- 2Kế hoạch 1295/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm trong ngành Giáo dục đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 do tỉnh Kon Tum ban hành
- 3Kế hoạch 246/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 1944/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 do tỉnh Nghệ An ban hành
- 4Báo cáo 34/BC-UBND về sơ kết công tác tháng 02 và Chương trình công tác tháng 03 năm 2014 do Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 5Báo cáo 89/BC-UBND về sơ kết công tác tháng 4 và Chương trình công tác tháng 5 năm 2014 do Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1Luật Cư trú 2006
- 2Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP về việc tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới do Chính Phủ ban hành
- 3Chỉ thị 21-CT/TW năm 2008 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới do Bộ Chính trị ban hành
- 4Nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội
- 5Quyết định 3122/2010/QĐ-BCA ban hành tiêu chí phân loại và mức hỗ trợ kinh phí cho xã, phường, thị trấn trọng điểm về tệ nạn ma túy trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
- 6Chỉ thị 48-CT/TW năm 2010 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 7Kế hoạch 1326/KH-UBND thực hiện Chỉ thị 09-CT/TU về tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự, tấn công trấn áp tội phạm, kéo giảm tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- 8Kế hoạch 102/KH-UBND năm 2022 thực hiện Dự án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025”
- 9Kế hoạch 1295/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm trong ngành Giáo dục đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 do tỉnh Kon Tum ban hành
- 10Kế hoạch 246/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 1944/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 do tỉnh Nghệ An ban hành
- 11Báo cáo 34/BC-UBND về sơ kết công tác tháng 02 và Chương trình công tác tháng 03 năm 2014 do Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 12Báo cáo 89/BC-UBND về sơ kết công tác tháng 4 và Chương trình công tác tháng 5 năm 2014 do Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Báo cáo 104/BC-UBND về sơ kết tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống tội phạm mua bán người 6 tháng đầu năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2013 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 104/BC-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 11/06/2013
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Hứa Ngọc Thuận
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra