Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 3 Văn bản hợp nhất 57/VBHN-BGTVT năm 2023 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Mục 2. THÔNG BÁO HÀNG HẢI

Điều 43. Quy định chung về công bố thông báo hàng hải

1. Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc quản lý nhà nước về thông báo hàng hải theo quy định.

2. Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm quy định cụ thể việc lập và công bố các thông báo, thông tin về an ninh, điều kiện khí tượng, thủy văn, động đất, sóng thần, y tế, dịch bệnh và các thông tin chuyên ngành khác có liên quan đến hoạt động của người và tàu thuyền trong vùng nước cảng biển và trên các vùng biển Việt Nam.

3. Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam thực hiện việc truyền phát các bản tin thông báo, thông tin hàng hải theo quy định tại Điều 59 Nghị định này.

4. Thông báo hàng hải phải được tổ chức có thẩm quyền công bố kịp thời tới các cơ quan, tổ chức liên quan.

5. Thông báo hàng hải đồng thời được truyền phát trên hệ thống đài thông tin duyên hải và trên phương tiện thông tin phù hợp khác.

6. Việc công bố thông báo hàng hải được cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định có liên quan của pháp luật.

Điều 44. Phân loại thông báo hàng hải

Căn cứ vào mục đích sử dụng, thông báo hàng hải được phân loại như sau:

1. Thông báo hàng hải về hoạt động của báo hiệu hàng hải:

a) Thông báo hàng hải về thiết lập mới báo hiệu hàng hải: Các báo hiệu hàng hải thị giác, vô tuyến điện, âm thanh sau khi được thiết lập phải được công bố thông báo hàng hải về vị trí, tác dụng, đặc tính hoạt động của báo hiệu đó theo Mẫu số 18 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Thông báo hàng hải về thay đổi đặc tính hoạt động của báo hiệu hàng hải: Khi báo hiệu hàng hải được thay đổi đặc tính hoạt động so với đặc tính đã được thông báo thì phải công bố thông báo hàng hải về các thay đổi đó theo Mẫu số 19 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Thông báo hàng hải về tạm ngừng hoạt động của báo hiệu hàng hải: Khi báo hiệu hàng hải không còn khả năng hoạt động theo đúng đặc tính đã được thông báo thì phải công bố thông báo hàng hải về việc tạm ngừng hoạt động của báo hiệu hàng hải đó theo Mẫu số 20 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

d) Thông báo hàng hải về phục hồi hoạt động của báo hiệu hàng hải: Sau khi đã sửa chữa xong sự cố của báo hiệu hàng hải thì phải công bố thông báo hàng hải về việc phục hồi hoạt động của báo hiệu hàng hải đó theo Mẫu số 21 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

đ) Thông báo hàng hải về chấm dứt hoạt động của báo hiệu hàng hải: Sau khi báo hiệu hàng hải không còn tác dụng, được thu hồi thì phải công bố thông báo hàng hải về việc chấm dứt hoạt động của báo hiệu hàng hải đó theo Mẫu số 22 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Thông báo hàng hải về các thông số kỹ thuật của luồng hàng hải, vùng nước trước cầu cảng và các khu nước, vùng nước:

a) Luồng hàng hải, vùng nước trước cầu cảng và các khu nước, vùng nước khác sau khi xây dựng, nạo vét duy tu, cải tạo, nâng cấp phải được khảo sát độ sâu để công bố thông báo hàng hải và được định kỳ khảo sát, công bố thông báo hàng hải;

b) Doanh nghiệp bảo đảm an toàn hàng hải có trách nhiệm khảo sát độ sâu luồng hàng hải công cộng, khu nước, vùng nước (trừ khu chuyển tải chuyên dùng) để công bố thông báo hàng hải;

c) Việc khảo sát độ sâu và rà quét chướng ngại vật của luồng hàng hải chuyên dùng, vùng nước trước cầu cảng và khu chuyển tải chuyên dùng do tổ chức có chức năng đo đạc, khảo sát thực hiện. Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác luồng hàng hải chuyên dùng, vùng nước trước cầu cảng và khu chuyên tải chuyên dùng chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu đo đạc, khảo sát đã cung cấp để công bố thông báo hàng hải và phải chịu toàn bộ trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra liên quan đến tính chính xác của số liệu đo đạc, khảo sát đó;

d) Việc khảo sát độ sâu và rà quét chướng ngại vật quy định tại điểm b và điểm c khoản này phải thực hiện theo đúng phương pháp, quy trình kỹ thuật do Bộ Giao thông vận tải quy định;

đ) Các thông báo hàng hải quy định tại khoản này theo Mẫu số 23 và Mẫu số 24 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Thông báo hàng hải về chướng ngại vật nguy hiểm mới phát hiện: Khi có tai nạn, sự cố hàng hải gây chìm đắm tàu hoặc khi phát hiện có chướng ngại vật gây mất an toàn hàng hải thì phải công bố thông báo hàng hải về các chướng ngại vật đó theo Mẫu số 25 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Thông báo hàng hải về khu vực thi công công trình trên biển hoặc trên luồng hàng hải: Khu vực thi công công trình, trên biển hoặc luồng hàng hải gây ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải, phải công bố thông báo hàng hải về công trình đó theo Mẫu số 26 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

5. Thông báo hàng hải về công trình ngầm, công trình vượt qua luồng hàng hải:

a) Các công trình ngầm đi qua luồng hàng hải phải được công bố thông báo hàng hải về vị trí, độ sâu công trình và các điều kiện an toàn khác;

b) Các công trình vượt qua luồng hàng hải phải được công bố thông báo hàng hải về khoang thông thuyền, tĩnh không khoang thông thuyền và các điều kiện an toàn khác.

Thông báo hàng hải quy định tại khoản này theo Mẫu số 27 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

6. Thông báo hàng hải về phân luồng giao thông hàng hải hoặc hạn chế lưu thông, tạm ngừng hoạt động của luồng hàng hải: Trong trường hợp đặc biệt cần yêu cầu tàu thuyền, phương tiện chuyển hướng khỏi tuyến hành trình, hạn chế lưu thông hoặc tạm ngừng hoạt động của luồng hàng hải phải công bố thông báo hàng hải về phân luồng giao thông hàng hải, hạn chế lưu thông hoặc tạm ngừng hoạt động của tuyến luồng hàng hải theo Mẫu số 28 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

7. Thông báo hàng hải về khu vực biển hạn chế hoặc cấm hoạt động hàng hải: Trong trường hợp một khu vực biển được sử dụng cho hoạt động diễn tập quân sự, khu vực đổ chất thải, khu vực cấm neo đậu, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, khu vực xảy ra sự cố tràn dầu hoặc chất độc hại, khu vực đổ đất, nghiên cứu khoa học, đánh bắt, nuôi trồng hải sản, giải trí, du lịch, thể thao, vùng đặt hệ thống thu thập dữ liệu hải dương hay các hoạt động dân sự khác, do tính chất công việc có thể gây nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại trong khu vực biển đó phải công bố thông báo hàng hải về khu vực nêu trên theo Mẫu số 29 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

8. Thông báo hàng hải về các thông tin truyền phát lại, thông tin chỉ dẫn hàng hải liên quan đến hoạt động hàng hải: Các thông tin về an ninh, điều kiện khí tượng, thủy văn, động đất, sóng thần, y tế, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn và các thông tin chuyên ngành khác có liên quan đến hoạt động của người và tàu thuyền trong vùng nước cảng biển và trên vùng biển Việt Nam phải được công bố thông báo hàng hải.

9. Thông báo hàng hải về công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam: Khi thực hiện công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam phải công bố thông báo hàng hải theo Mẫu số 30 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 45. Thẩm quyền công bố thông báo hàng hải

1. Doanh nghiệp bảo đảm an toàn hàng hải thực hiện công bố các thông báo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 44 Nghị định này.

2. Cảng vụ hàng hải thực hiện công bố thông báo hàng hải quy định tại các khoản 6, 7 và 8 Điều 44 Nghị định này.

3. Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện công bố thông báo hàng hải quy định tại khoản 9 Điều 44 Nghị định này.

Điều 46. Nội dung và yêu cầu của thông báo hàng hải

1. Nội dung của thông báo hàng hải phải rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu và phản ánh một cách đầy đủ, chính xác các thông tin cần cung cấp.

2. Yêu cầu của thông báo hàng hải:

a) Vị trí trong thông báo hàng hải được xác định theo hệ tọa độ VN-2000 và hệ tọa độ WGS-84, độ chính xác đến 1/10 giây;

b) Độ sâu trong thông báo hàng hải là độ sâu của điểm cạn nhất trong khu vực cần được thông báo, tính bằng mét đến mực nước “số 0 hải đồ”, độ chính xác đến 1/10 mét;

c) Địa danh trong thông báo hàng hải được xác định theo địa danh đã được ghi trên hải đồ hoặc trong các tài liệu hàng hải khác đã xuất bản. Trường hợp địa danh chưa được ghi trong các tài liệu nói trên thì sử dụng tên thường dùng của địa phương;

d) Ngôn ngữ sử dụng trong thông báo hàng hải là tiếng Việt, khi cần thiết có thể được dịch sang tiếng Anh;

đ) Thời điểm có hiệu lực và hết hiệu lực của thông báo hàng hải (nếu có).

Điều 47. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc công bố thông báo hàng hải

1. Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức kiểm tra, giám sát việc công bố thông báo hàng hải.

2. Trách nhiệm của tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải:

a) Công bố đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin cần cung cấp;

b) Kịp thời hiệu chỉnh và công bố lại thông báo hàng hải khi phát hiện có sai sót hoặc thay đổi về nội dung trong thông báo hàng hải.

3. Tổ chức cung cấp số liệu, thông tin phục vụ việc công bố thông báo hàng hải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác của số liệu, thông tin do mình cung cấp.

Điều 48. Thủ tục công bố thông báo hàng hải về thiết lập mới báo hiệu hàng hải

1. Chủ đầu tư hoặc người khai thác gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị công bố thông báo hàng hải trực tiếp hoặc gửi bằng hình thức phù hợp khác đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải theo quy định tại Điều 45 Nghị định này. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị của chủ đầu tư hoặc người khai thác theo Mẫu số 31 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền về việc thiết lập báo hiệu hàng hải;

c) Bản sao thiết kế kỹ thuật;

d) Biên bản nghiệm thu bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

2. Trình tự tiếp nhận và xử lý hồ sơ như sau:

a) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì thời gian 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này;

b) Nếu hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, công bố thông báo hàng hải; trường hợp không công bố phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 49. Thủ tục công bố thông báo hàng hải về việc thay đổi đặc tính, tạm ngừng, phục hồi, chấm dứt hoạt động của báo hiệu hàng hải

1. Đơn vị quản lý vận hành báo hiệu hàng hải gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị công bố thông báo hàng hải trực tiếp hoặc gửi bằng hình thức phù hợp khác đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải theo quy định. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị công bố thông báo hàng hải về hoạt động của báo hiệu hàng hải theo Mẫu số 31 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Biên bản xác định tình trạng của báo hiệu hàng hải.

2. Chậm nhất 24 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ theo quy định cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, công bố thông báo hàng hải; trường hợp không công bố phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 50. Thủ tục công bố thông báo hàng hải định kỳ về các thông số kỹ thuật của luồng hàng hải, vùng nước trước cầu cảng và các khu nước, vùng nước

1. Đối với luồng hàng hải chuyên dùng, vùng nước trước cầu cảng và khu chuyển tải chuyên dùng được công bố định kỳ: Chủ đầu tư hoặc người khai thác gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị công bố thông báo hàng hải trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải theo quy định. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị của chủ đầu tư hoặc người khai thác theo Mẫu số 31 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Biên bản nghiệm thu kết quả khảo sát;

c) Bình đồ khảo sát độ sâu được thực hiện trong thời hạn tối đa 15 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ, báo cáo khảo sát và các tài liệu liên quan thu thập tại hiện trường.

2. Trình tự tiếp nhận và xử lý hồ sơ như sau:

a) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, công bố thông báo hàng hải; trường hợp không công bố, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Đối với thông báo hàng hải về thông số kỹ thuật của luồng hàng hải công cộng, khu nước, vùng nước (trừ khu chuyển tải chuyên dùng) được công bố định kỳ do tổ chức có thẩm quyền thông báo hàng hải thực hiện công bố thông báo hàng hải sau khi có biên bản nghiệm thu kết quả khảo sát, bình đồ khảo sát độ sâu, báo cáo khảo sát và các tài liệu liên quan thu thập tại hiện trường.

Điều 51. Thủ tục công bố thông báo hàng hải lần đầu về các thông số kỹ thuật của luồng hàng hải, vùng nước trước cầu cảng và các khu nước, vùng nước sau khi xây dựng, nạo vét duy tu, cải tạo, nâng cấp

1. Chủ đầu tư hoặc người khai thác gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị công bố thông báo hàng hải trực tiếp hoặc gửi bằng hình thức phù hợp khác đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải theo quy định. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị của chủ đầu tư hoặc người khai thác theo Mẫu số 31 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao văn bản trả lời của cấp có thẩm quyền về sự phù hợp với quy hoạch cảng biển;

c) Bản sao thiết kế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Bản sao bản vẽ hoàn công;

đ) Biên bản nghiệm thu bàn giao công trình đưa vào sử dụng;

e) Biên bản nghiệm thu kết quả khảo sát và rà quét chướng ngại vật;

g) Bình đồ khảo sát độ sâu được thực hiện trong thời hạn tối đa 15 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ, báo cáo khảo sát và các tài liệu liên quan thu thập tại hiện trường;

h) Bình đồ tuyến rà quét chướng ngại vật.

2. Trình tự tiếp nhận và xử lý hồ sơ như sau:

a) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này;

b) Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, công bố thông báo hàng hải; trường hợp không công bố, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 52. Thủ tục công bố thông báo hàng hải về khu vực thi công công trình trên biển hoặc trên luồng hàng hải

1. Chủ đầu tư hoặc người khai thác gửi trực tiếp 01 bộ hồ sơ hoặc gửi bằng hình thức phù hợp khác đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải theo quy định. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị của chủ đầu tư hoặc người khai thác theo Mẫu số 31 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao thiết kế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Bản sao văn bản chấp thuận cho phép hoạt động thi công của cấp có thẩm quyền;

d) Bản sao sơ đồ hoặc bản vẽ mặt bằng thi công;

đ) Bản sao phương án bảo đảm an toàn giao thông được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

e) Các thông số kỹ thuật chủ yếu của các phương tiện thi công.

2. Trình tự tiếp nhận và xử lý hồ sơ như sau:

a) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này;

b) Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, công bố thông báo hàng hải; trường hợp không công bố, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 53. Thủ tục công bố thông báo hàng hải về công trình ngầm, công trình vượt qua luồng hàng hải

1. Chủ đầu tư hoặc người khai thác gửi trực tiếp 01 bộ hồ sơ hoặc gửi bằng hình thức phù hợp khác đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải theo quy định đề nghị công bố thông báo hàng hải. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị của chủ đầu tư hoặc người khai thác theo Mẫu số 31 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao thiết kế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Bản sao bản vẽ hoàn công;

d) Biên bản nghiệm thu bàn giao công trình đưa vào sử dụng;

đ) Biên bản nghiệm thu kết quả rà quét chướng ngại vật;

e) Các thông số kỹ thuật chủ yếu của công trình.

2. Trình tự tiếp nhận và xử lý hồ sơ như sau:

a) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này;

b) Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, công bố thông báo hàng hải; trường hợp không công bố, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 54. Thủ tục công bố thông báo hàng hải về khu vực biển hạn chế hoặc cấm hoạt động hàng hải

1. Chủ đầu tư hoặc người khai thác gửi trực tiếp 01 bộ hồ sơ hoặc gửi bằng hình thức phù hợp khác đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải theo quy định đề nghị công bố thông báo hàng hải. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị của chủ đầu tư hoặc người khai thác theo Mẫu số 31 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bình đồ hoặc hải đồ thể hiện khu vực biển hạn chế hoặc cấm hoạt động hàng hải;

c) Bản sao văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (nếu có);

d) Các tài liệu, thông tin cần thiết liên quan đến khu vực biển hạn chế hoặc cấm hoạt động hàng hải (nếu có).

2. Trình tự tiếp nhận và xử lý hồ sơ như sau:

a) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này;

b) Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, công bố thông báo hàng hải; trường hợp không công bố, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 55. Công bố thông báo hàng hải về chướng ngại vật nguy hiểm mới phát hiện

Ngay sau khi nhận được thông tin có tai nạn, sự cố hàng hải gây chìm đắm tàu thuyền hoặc khi phát hiện có chướng ngại vật gây mất an toàn hàng hải, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải có trách nhiệm kiểm tra, khảo sát và công bố thông báo hàng hải về chướng ngại vật nguy hiểm mới phát hiện.

Điều 56. Công bố thông báo hàng hải về phân luồng giao thông hàng hải hoặc hạn chế lưu thông, tạm ngừng hoạt động của luồng hàng hải

Ngay sau khi nhận được Quyết định phân luồng giao thông hàng hải hoặc hạn chế lưu thông, tạm ngừng hoạt động của luồng hàng hải tại khu vực, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải có trách nhiệm công bố thông báo hàng hải.

Điều 57. Công bố thông báo hàng hải về các thông tin truyền phát lại, thông tin chỉ dẫn hàng hải liên quan đến hoạt động hàng hải

Ngay sau khi nhận được các thông tin về an ninh, điều kiện khí tượng, thủy văn, động đất, sóng thần, y tế, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn và các thông tin chuyên ngành khác có liên quan đến hoạt động của người và tàu thuyền trong vùng nước cảng biển và trên vùng biển Việt Nam, các Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm công bố thông báo hàng hải về các thông tin nói trên.

Điều 58. Công bố thông báo hàng hải về công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam

Ngay khi quyết định hoặc nhận được Quyết định về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải có trách nhiệm công bố thông báo hàng hải.

Điều 59. Truyền phát thông báo hàng hải

1. Thông báo hàng hải sau khi được công bố phải gửi ngay đến Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ hàng hải có liên quan, tổ chức hoa tiêu hàng hải có liên quan, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam và các tổ chức, cá nhân liên quan bằng văn bản hoặc bằng phương thức điện tử phù hợp.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam có trách nhiệm truyền phát trên hệ thống các đài Thông tin duyên hải Việt Nam các thông báo hàng hải bằng tiếng Việt và tiếng Anh theo các phương thức thông tin phù hợp. Việc truyền phát thông báo hàng hải theo Mẫu số 32 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Việc truyền phát thông báo hàng hải được thực hiện như sau:

a) Thông báo hàng hải quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5 và 9 Điều 44 Nghị định này được phát tối thiểu 02 lần trong một ngày và phát trong 03 ngày liên tục;

b) Thông báo hàng hải quy định tại các khoản 3, 6, 7 và 8 Điều 44 Nghị định này được phát liên tục 04 lần trong một ngày cho đến khi có thông báo hàng hải mới thay thế thông báo hàng hải đó;

c) Căn cứ tình hình thực tế, Cục Hàng hải Việt Nam xem xét tăng, giảm tần suất hoặc ngừng truyền phát thông báo hàng hải quy định tại điểm b khoản này theo đề nghị của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam.

4. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam có trách nhiệm đưa nguyên văn nội dung thông báo hàng hải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình.

5. Kinh phí thực hiện công bố thông báo hàng hải và truyền phát thông báo hàng hải được sử dụng từ kinh phí hoạt động hàng năm của cơ quan, đơn vị.

Điều 60. Cung cấp thông tin thông báo hàng hải

1. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cung cấp thông báo hàng hải.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng nước cảng biển, luồng hàng hải và vùng biển của Việt Nam có nghĩa vụ cung cấp kịp thời, chính xác cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải các thông tin sau đây, nếu phát hiện được:

a) Sai lệch về vị trí hoặc đặc tính hoạt động của báo hiệu hàng hải so với nội dung của thông báo hàng hải đã công bố;

b) Các chướng ngại vật mới phát hiện chưa được công bố thông báo hàng hải hoặc chưa được đánh dấu trên hải đồ;

c) Các thông tin khác có liên quan đến an toàn hàng hải.

3. Các tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra các số liệu, thông tin quy định tại khoản 2 Điều này để công bố thông báo hàng hải theo quy định.

Văn bản hợp nhất 57/VBHN-BGTVT năm 2023 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 57/VBHN-BGTVT
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 09/11/2023
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Sang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1203 đến số 1204
  • Ngày hiệu lực: 09/11/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH