Hệ thống pháp luật

Điều 75 Văn bản hợp nhất 23/VBHN-VPQH năm 2020 hợp nhất Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Văn phòng Quốc hội ban hành

Điều 75. Trình tự xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết tại hai kỳ họp Quốc hội [35]

Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết tại hai kỳ họp theo trình tự sau đây:

1. Tại kỳ họp thứ nhất, trình tự xem xét, thảo luận dự án, dự thảo được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 74 của Luật này;

2. Trong thời gian giữa hai kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo trình tự sau đây:

a) Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo, Thường trực Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Đối với những chính sách mới được đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự thảo thì trong trường hợp cần thiết, theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo tổ chức đánh giá tác động của chính sách để báo cáo Quốc hội;

b) Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo có ý kiến bằng văn bản về những nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, trong đó nêu rõ những vấn đề có ý kiến khác với dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và đề xuất phương án để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội;

c) Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo văn bản đã được chỉnh lý;

d) Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến đối với những vấn đề quan trọng, vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án, dự thảo; gửi dự thảo văn bản đã được chỉnh lý và dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đến Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chậm nhất là 45 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.

Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tổ chức thảo luận, góp ý kiến và gửi báo cáo tổng hợp ý kiến đến cơ quan chủ trì thẩm tra chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp;

đ) Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo, Thường trực Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và hoàn thiện dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trình Ủy ban thường vụ Quốc hội;

3. Tại kỳ họp thứ hai:

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo ý kiến của đại biểu Quốc hội từ kỳ họp trước.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo có ý kiến khác hoặc Chính phủ có ý kiến khác đối với dự án, dự thảo không do Chính phủ trình thì báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định;

b) Quốc hội thảo luận về những nội dung còn có ý kiến khác nhau;

c) Tổng thư ký Quốc hội tổ chức tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội và gửi cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo;

d) Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo;

đ) Chậm nhất là 07 ngày trước ngày Quốc hội biểu quyết thông qua, dự thảo được gửi đến Thường trực Ủy ban pháp luật để rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản.

Thường trực Ủy ban pháp luật chủ trì, phối hợp với Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra, đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức việc rà soát để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật;

e) Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo;

g) Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo. Trong trường hợp dự thảo còn vấn đề có ý kiến khác nhau thì Quốc hội biểu quyết về vấn đề đó theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua dự thảo;

h) Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực luật, nghị quyết của Quốc hội;

4. Trong trường hợp dự thảo chưa được thông qua hoặc mới được thông qua một phần thì Quốc hội xem xét, quyết định việc trình lại hoặc xem xét, thông qua tại kỳ họp tiếp theo theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Văn bản hợp nhất 23/VBHN-VPQH năm 2020 hợp nhất Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Văn phòng Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 23/VBHN-VPQH
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 15/07/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Hạnh Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1093 đến số 1094
  • Ngày hiệu lực: 15/07/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH