Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2168/VBHN-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 24 tháng 5 năm 2024

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỂ DỤC, THỂ THAO

Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 6 năm 2019, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2024.

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao ngày 14 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư số 67/2014/QH13;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.[1]

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao về:

1. Các chế độ, chính sách để thực hiện quyền của vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao.

2. Điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp.

3. Điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thể dục, thể thao trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao, tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến thể dục, thể thao.

Chương II

CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VẬN ĐỘNG VIÊN, HUẤN LUYỆN VIÊN THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO

Điều 3. Chăm sóc sức khỏe và chữa trị chấn thương

1. Đơn vị sử dụng vận động viên thể thao thành tích cao có trách nhiệm:

a) Kiểm tra sức khỏe ban đầu cho vận động viên ngay khi được tuyển chọn vào các cơ sở đào tạo và các đội tuyển thể thao;

b) Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho vận động viên ít nhất 2 lần/năm;

c) Kiểm tra sức khỏe cho vận động viên trước khi tham gia thi đấu các giải thể thao thành tích cao.

2. Nội dung kiểm tra sức khỏe của vận động viên quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Kiểm tra, đánh giá về trình độ thể lực;

b) Kiểm tra, đánh giá về hình thái;

c) Kiểm tra, đánh giá về tâm lý;

d) Kiểm tra, đánh giá về y sinh học.

3. Nội dung kiểm tra sức khỏe cho vận động viên quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Vận động viên thể thao thành tích cao được chăm sóc sức khỏe, hồi phục chức năng và chữa trị chấn thương tại các cơ sở y tế trong nước.

Trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định cho vận động viên thể thao thành tích cao được triệu tập tập huấn tại các đội tuyển thể thao quốc gia chuẩn bị tham dự và có khả năng giành huy chương tại Đại hội thể thao châu Á (sau đây gọi là ASIAD), tham dự Đại hội thể thao Olympic (sau đây gọi là Olympic Games) và vận động viên tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật thế giới (sau đây gọi là Paralympic Games) được chữa trị chấn thương ở nước ngoài.

Điều 4. Chế độ dinh dưỡng đặc thù

1. Vận động viên thể thao thành tích cao được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù nhằm đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho khả năng hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao, gồm:

a) Bữa ăn hàng ngày;

b) Thực phẩm chức năng.

2. Huấn luyện viên thể thao thành tích cao được hưởng chế độ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

3. Thời gian hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù được tính trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu của huấn luyện viên, vận động viên.

4. Huấn luyện viên và vận động viên thể thao thành tích cao được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia để chuẩn bị tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á (sau đây gọi là SEA Games), ASIAD và Olympic Games được hưởng chế độ dinh dưỡng cao hơn tối đa không quá 50% mức quy định tại khoản 1 Điều này trong thời gian không quá 90 ngày.

5. Huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia và có khả năng giành huy chương vàng tại ASIAD, giành huy chương vàng tại Đại hội thể thao Olympic trẻ (sau đây gọi là Youth Olympic Games), có khả năng đạt chuẩn tham dự Olympic Games và huấn luyện viên, vận động viên tham dự Paralympic Games được hưởng chế độ dinh dưỡng cao hơn không quá 100% mức quy định tại khoản 1 Điều này.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định danh sách huấn luyện viên, vận động viên được hưởng chế độ quy định tại khoản này.

6. Vận động viên thể thao thành tích cao được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia và có khả năng giành huy chương tại ASIAD, tham dự vòng loại và tham dự Olympic Games và vận động viên tham dự Paralympic Games được hưởng chế độ thực phẩm chức năng theo tính chất đặc thù của từng môn thể thao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

7. Huấn luyện viên, vận động viên khi tập huấn ở nước ngoài được hưởng chế độ bữa ăn hàng ngày theo thư mời hoặc hợp đồng ký kết giữa cơ quan quản lý vận động viên ở trong nước với cơ sở đào tạo ở nước ngoài.

8. Khi giá cả thị trường biến động bằng (=) hoặc lớn hơn (>) 10% theo công bố của Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất điều chỉnh mức chi để thực hiện chế độ dinh dưỡng cho phù hợp.

9. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên quy định tại Điều này.

Điều 5. Bảo đảm học tập văn hóa, chính trị

1. Vận động viên đang học tập tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được triệu tập vào đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các ngành để tập huấn và thi đấu thì được cơ quan sử dụng vận động viên chi trả học phí theo quy định của pháp luật.

2. Vận động viên đạt thành tích xuất sắc trong các giải thi đấu thể thao quốc gia hoặc quốc tế được xét đặc cách tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông nếu thời gian thi trùng với thời gian vận động viên tập huấn ở nước ngoài hoặc tham dự thi đấu tại các giải thể thao quốc tế.

3. Cơ quan sử dụng vận động viên có trách nhiệm như sau:

a) Tổ chức học bổ sung kiến thức văn hóa cho vận động viên thể thao thành tích cao sau khi vận động viên tham dự tập huấn, thi đấu tại các giải thể thao trong nước và quốc tế; chi trả các khoản chi phí liên quan đến việc tổ chức học bổ sung kiến thức văn hóa cho vận động viên;

b) Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; thông tin, tuyên truyền về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước, thế giới và tình hình hoạt động của ngành cho huấn luyện viên, vận động viên;

c) Khuyến khích, tạo điều kiện cho huấn luyện viên, vận động viên học ngoại ngữ, tin học, tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và các hoạt động xã hội.

Điều 6. Ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ

Vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển thể thao quốc gia đã tốt nghiệp trung học phổ thông, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu Olympic Games, Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, ASIAD, Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, SEA Games, Giải vô địch Đông Nam Á, Cúp Đông Nam Á được ưu tiên:

1. Tuyển thẳng trong tuyển sinh vào các ngành thể dục thể thao hoặc các chuyên ngành giáo dục thể chất của các trường đại học, cao đẳng.

2. Cử tham gia các khóa đào tạo huấn luyện viên, tham gia tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong nước và nước ngoài.

3. Xem xét miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Ưu đãi về học nghề và giải quyết việc làm

1. Vận động viên đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi thôi làm vận động viên nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

2. Vận động viên đạt huy chương tại Olympic Games, ASIAD, SEA Games được ưu tiên:

a) Xét tuyển đặc cách vào làm việc tại các cơ sở thể thao công lập phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng;

b) Được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng lao động tại các cơ sở thể thao khi có đủ trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng;

c) Trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm.

Điều 8. Các chế độ khác

Các chế độ về tiền lương; tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo hiểm khi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài và tiền thưởng theo thành tích thi đấu đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu.

Chương III

ĐIỀU KIỆN KINH DOANH HOẠT ĐỘNG THỂ THAO CỦA CÂU LẠC BỘ THỂ THAO CHUYÊN NGHIỆP, DOANH NGHIỆP

Mục 1. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH HOẠT ĐỘNG THỂ THAO CỦA CÂU LẠC BỘ THỂ THAO CHUYÊN NGHIỆP

Điều 9. Huấn luyện viên chuyên nghiệp

Huấn luyện viên chuyên nghiệp phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

1. Có bằng tốt nghiệp đại học thể dục thể thao chuyên ngành phù hợp với hoạt động của môn thể thao chuyên nghiệp và hoàn thành chương trình đào tạo huấn luyện viên chuyên nghiệp của liên đoàn thể thao quốc gia.

2. Có bằng huấn luyện viên chuyên nghiệp do liên đoàn thể thao châu lục hoặc thế giới của môn thể thao chuyên nghiệp cấp.

3. Có bằng huấn luyện viên chuyên nghiệp của nước ngoài được liên đoàn thể thao châu lục hoặc thế giới của môn thể thao chuyên nghiệp công nhận.

Điều 10. Vận động viên chuyên nghiệp

Vận động viên chuyên nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Có hợp đồng lao động với câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp.

2. Được liên đoàn thể thao quốc gia công nhận là vận động viên chuyên nghiệp. Trường hợp vận động viên là người nước ngoài tham gia thi đấu thể thao chuyên nghiệp tại Việt Nam phải có chứng nhận chuyển nhượng quốc tế và Giấy phép lao động theo quy định pháp luật về lao động.

Điều 11. Nhân viên y tế

Nhân viên y tế thường trực trong các buổi tập luyện và thi đấu thể thao chuyên nghiệp hoặc nhân viên y tế của cơ sở y tế mà câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp ký hợp đồng để sơ cứu, cấp cứu người tham gia hoạt động thể thao chuyên nghiệp trong trường hợp cần thiết phải có trình độ chuyên môn từ cao đẳng y tế trở lên.

Điều 12. Cơ sở vật chất, trang thiết bị

Cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao chuyên nghiệp phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với quy định của các tổ chức thể thao chuyên nghiệp quốc tế.

Mục 2. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH HOẠT ĐỘNG THỂ THAO CỦA DOANH NGHIỆP

Điều 13. Nhân viên chuyên môn

Nhân viên chuyên môn của doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao bao gồm:

1. Người hướng dẫn tập luyện thể thao phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Là huấn luyện viên hoặc vận động viên có đẳng cấp từ cấp 2 trở lên hoặc tương đương phù hợp với hoạt động thể thao đăng ký kinh doanh;

b) Có bằng cấp về chuyên ngành thể dục thể thao từ bậc trung cấp trở lên phù hợp với hoạt động thể thao đăng ký kinh doanh;

c) Được tập huấn chuyên môn thể thao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Nhân viên cứu hộ.

3. Nhân viên y tế.

Điều 14. Cơ sở vật chất, trang thiết bị

Doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.

Điều 15. Điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện

Doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao nếu có cung cấp dịch vụ hướng dẫn tập luyện thể thao hoặc kinh doanh hoạt động thể thao thuộc Danh mục hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Có người hướng dẫn tập luyện thể thao theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này.

2. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.

Điều 16. Điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm

Doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao thuộc Danh mục hoạt động thể thao mạo hiểm do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Có đủ nhân viên chuyên môn theo quy định tại Điều 13 Nghị định này, bao gồm:

a) Người hướng dẫn tập luyện thể thao;

b) Nhân viên cứu hộ;

c) Nhân viên y tế thường trực hoặc văn bản thỏa thuận với cơ sở y tế gần nhất về nhân viên y tế để sơ cứu, cấp cứu người tham gia hoạt động thể thao mạo hiểm trong trường hợp cần thiết.

2. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.

Điều 17. Điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước

1. Có nhân viên cứu hộ.

2. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.

3. Đối với hoạt động thể thao trên sông, trên biển, trên hồ hoặc suối lớn phải có xuồng máy cứu sinh.

Chương IV

CẤP, CẤP LẠI, THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH HOẠT ĐỘNG THỂ THAO CỦA DOANH NGHIỆP

Điều 18. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp

1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp (sau đây gọi là Giấy chứng nhận đủ điều kiện) thực hiện theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, bao gồm nội dung sau đây:

a) Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;

b) Họ tên người đại diện theo pháp luật;

c) Địa điểm kinh doanh hoạt động thể thao;

d) Danh mục hoạt động thể thao kinh doanh;

đ) Số, ngày, tháng, năm cấp; cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện.

2. Doanh nghiệp chỉ được tiến hành kinh doanh hoạt động thể thao sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao.

Điều 19. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Bản tóm tắt tình hình chuẩn bị các điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này (có kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; bản sao văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận của nhân viên chuyên môn nếu thuộc trường hợp quy định tại các điều 15, 16 và 17 của Nghị định này).

Điều 20. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện

1. Doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị qua bưu chính hoặc trên môi trường điện tử hoặc nộp trực tiếp[2] đến cơ quan chuyên môn về thể dục, thể thao thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đăng ký địa điểm kinh doanh hoạt động thể thao hoặc nơi doanh nghiệp có trụ sở chính trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều địa điểm kinh doanh hoạt động thể thao.

Cơ quan chuyên môn về thể dục, thể thao thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi là cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện) cấp cho doanh nghiệp giấy tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản những nội dung cần sửa đổi, bổ sung đến doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.

2. Việc kiểm tra các điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 55 Luật Thể dục, thể thao được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

3.[3] Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện trực tiếp hoặc qua bưu chính hoặc trên môi trường điện tử.

Điều 21. Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện

1. Doanh nghiệp được cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Thay đổi một trong các nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện theo quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 18 của Nghị định này;

b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện bị mất hoặc hư hỏng.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện đã được cấp;

c) Tài liệu chứng minh sự thay đổi nội dung của Giấy chứng nhận đủ điều kiện.

3. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện bị hư hỏng trong trường hợp bị hư hỏng.

Điều 22. Thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện

1. Doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị qua bưu chính hoặc trên môi trường điện tử hoặc nộp trực tiếp[4] đến cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nơi đăng ký địa điểm kinh doanh hoạt động thể thao hoặc nơi doanh nghiệp có trụ sở chính trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều địa điểm kinh doanh hoạt động thể thao.

Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp cho doanh nghiệp giấy tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản những nội dung cần sửa đổi, bổ sung đến doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thẩm định hồ sơ, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện. Trường hợp không cấp lại, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3.[5] Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện trực tiếp hoặc qua bưu chính hoặc trên môi trường điện tử.

Điều 23. Thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện

1. Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Cung cấp thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện;

b) Chấm dứt kinh doanh hoạt động thể thao.

2. Trình tự thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện

a) Trình tự thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:

Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện; thông báo Quyết định thu hồi đến các cơ quan có liên quan để phối hợp thực hiện.

Doanh nghiệp phải nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện đã được cấp, đồng thời dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh thể thao ngay sau khi Quyết định thu hồi có hiệu lực.

b) Trình tự thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ thời điểm chấm dứt kinh doanh hoạt động thể thao, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ thời điểm nhận được Giấy chứng nhận đủ điều kiện do doanh nghiệp nộp lại, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ban hành Quyết định thu hồi; thông báo Quyết định thu hồi đến các cơ quan có liên quan để phối hợp thực hiện.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[6]

Điều 24. Quy định chuyển tiếp

1. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, hộ kinh doanh, các tổ chức khác kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm, hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện phải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định tại khoản 25 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao và quy định tại Nghị định này.

2. Trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này.

Các quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với từng môn thể thao đang thực hiện trước khi Nghị định này có hiệu lực sẽ tiếp tục thực hiện cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với từng môn thể thao áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao được ban hành.

Điều 25. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 6 năm 2019.

2. Các văn bản quy phạm pháp luật sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực:

a) Điều 11 của Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, thể thao;

b) Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao;

c) Điều 4 của Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

d) Quyết định số 67/2008/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao;

đ) Quyết định số 82/2013/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao xuất sắc.

Điều 26. Tổ chức thực hiện và hướng dẫn thi hành

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Bộ Tư pháp;
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng;
- Cổng TTĐT của Bộ (để đăng tải);
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Sở VHTT, Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Lưu: VT, PC, NVH (10).

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Hoàng Đạo Cương

 

Phụ lục

(Kèm theo Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ)

Mẫu số 01

Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao

Mẫu số 02

Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao

Mẫu số 03

Bản tóm tắt tình hình chuẩn bị các điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao

Mẫu số 04

Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao

 

Mẫu số 01[7]

Mặt trước:

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH,THÀNH PHỐ .......
TÊN CƠ QUAN CẤP GCN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH HOẠT ĐỘNG THỂ THAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:    /GCN…..

……., ngày …. tháng …. năm …..

 

GIẤY CHỨNG NHẬN

Đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao

1. Tên doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện (viết bằng chữ in hoa): ……………………………………………………………………

2. Địa chỉ trụ sở chính: ……………………………………………………

Điện thoại: …………………………….. ......................................................

3. Họ tên người đại diện theo pháp luật: …………….…...........................

- Số định danh cá nhân/Chứng minh nhân dân (nếu là công dân dân Việt Nam):................

- Ngày tháng năm sinh:..................................................................................

- Giới tính (nếu là người nước ngoài): ……………………………..........

- Chức danh (nếu là người nước ngoài): ....................................................

- Quốc tịch (nếu là người nước ngoài): ……………..................................

- Số hộ chiếu (nếu là người nước ngoài): ……Ngày cấp:…..... Nơi cấp:….

- Địa chỉ (nếu là người nước ngoài):...........................................................

4. Địa điểm kinh doanh: …………………………..……………………

5. Danh mục hoạt động thể thao kinh doanh (ghi cụ thể hoạt động thể thao kinh doanh) …………………….…………………………………………

 

 

CƠ QUAN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên, chức vụ)

 

Mặt sau:

NHỮNG ĐIỀU QUY ĐỊNH

Trong quá trình kinh doanh hoạt động thể thao, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định sau đây:

1. Không được bán, cho thuê, cho mượn, cầm cố Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoặc sửa chữa, tẩy xóa các nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện này. Nếu mất Giấy chứng nhận đủ điều kiện, phải thông báo ngay cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện biết.

2. Giấy chứng nhận đủ điều kiện này phải để tại địa điểm kinh doanh hoặc địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều địa điểm kinh doanh hoạt động thể thao nêu trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện; phải xuất trình khi cơ quan chức năng có yêu cầu.

3. Thường xuyên bảo đảm các điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao theo quy định của pháp luật về thể dục, thể thao.

4. Khi chấm dứt kinh doanh hoạt động thể thao, phải thông báo và nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện.

 

Mẫu số 02[8]

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao

Kính gửi: .......................................

(Tên cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao)

1. Tên doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện (viết bằng chữ in hoa): …………………………….........................................................

2. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: ...... do: …. cấp ngày.....tháng.....năm...., đăng ký thay đổi lần thứ .... ngày .... tháng.... năm ……

3. Địa chỉ trụ sở chính: ………………………………….…………………

Điện thoại: …………………………………….………………………….

4. Họ tên người đại diện theo pháp luật: …………………………………

- Số định danh cá nhân/Chứng minh nhân dân (nếu là công dân Việt Nam):....

- Ngày tháng năm sinh:................................................................................

- Giới tính (nếu là người nước ngoài): ………………..…………………..

- Chức danh (nếu là người nước ngoài): …………………………………

- Quốc tịch (nếu là người nước ngoài): ……………..……………………

- Số hộ chiếu (nếu là người nước ngoài): ……Ngày cấp:…...Nơi cấp:…....

- Địa chỉ (nếu là người nước ngoài):...........................................................

5. Địa điểm kinh doanh hoạt động thể thao: ......….......................................

6. Căn cứ vào các quy định hiện hành, đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao cho doanh nghiệp ……..................….. để kinh doanh hoạt động thể thao …………..……. (ghi cụ thể hoạt động thể thao kinh doanh) theo quy định tại Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

7. Cam kết:

- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về kinh doanh hoạt động thể thao.

- Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao.

 

 

………., ngày …… tháng …… năm …..
ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA DOANH NGHIỆP ĐỀ NGHỊ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên, chức vụ)

 

Mẫu số 03

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BẢN TÓM TẮT

Tình hình chuẩn bị các điều kiện kinh doanh …………………
(ghi cụ thể hoạt động thể thao kinh doanh)

Kính gửi: Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao.

- Tên doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện (viết bằng chữ in hoa): ……………………………………………………………………

- Địa chỉ trụ sở chính: ………………………………………………………

Điện thoại: …………………………….Fax: ……………………………… Website:…………………………………………………………………

Email: ………………………………………………………………………

Sau đây là tóm tắt tình hình chuẩn bị các điều kiện kinh doanh ...(ghi cụ thể hoạt động thể thao kinh doanh) của …………………………(tên doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện) như sau:

1. Nhân viên chuyên môn (trong trường hợp phải có nhân viên chuyên môn theo quy định tại Nghị định số …………./2019/NĐ-CP ngày....tháng.... năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao):

- Số lượng: ………………………………………………………………

- Trình độ chuyên môn của từng nhân viên (đáp ứng quy định tại Nghị định số ………../2019/NĐ-CP ngày.... tháng ….. năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao).

2. Cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao, khu vực kinh doanh:

Mô tả về cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao, khu vực kinh doanh (đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị định số ……………/2019/NĐ-CP ngày.... tháng .... năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.): ……………..

3. Tự xác định nguồn tài chính bảo đảm hoạt động kinh doanh: ………

Chúng tôi cam kết:

- Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung kê khai;

- Duy trì việc đáp ứng các điều kiện nêu trên trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về các điều kiện đã trình bày./.

 

 

DOANH NGHIỆP ĐỀ NGHỊ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên, chức vụ)

 

Mẫu số 04[9]

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao

Kính gửi: ........................................

(Tên cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao)

1. Tên doanh nghiệp đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện (viết bằng chữ in hoa): ………………………………………………………………

2. Địa chỉ trụ sở chính: ……………………………………………………

Điện thoại: ……………………………………….……………………….

3. Họ tên người đại diện theo pháp luật: …………………………………

- Số định danh cá nhân/Chứng minh nhân dân (nếu là công dân Việt Nam):....

- Ngày tháng năm sinh:................................................................................

- Giới tính (nếu là người nước ngoài): ……………..……………………..

- Chức danh (nếu là người nước ngoài):.....................................................

- Quốc tịch (nếu là người nước ngoài): ……….………………………….

- Số hộ chiếu (nếu là người nước ngoài):…....Ngày cấp:…......Nơi cấp:......

- Địa chỉ (nếu là người nước ngoài):............................................................

4. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: ………..do: ………….cấp ngày.... tháng .....năm ...., đăng ký thay đổi lần thứ …..ngày …..tháng.... năm....

5. Lý do đề nghị cấp lại: …………………………………………………

6. Căn cứ vào các quy định hiện hành, đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao cho doanh nghiệp …....................... để kinh doanh hoạt động thể thao ……............................. (ghi cụ thể hoạt động thể thao kinh doanh) theo quy định tại Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

7. Cam kết:

- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về kinh doanh hoạt động thể thao.

- Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ kiện kinh doanh hoạt động thể thao.

 

 

........, ngày ….. tháng ….. năm ……
ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA DOANH NGHIỆP ĐỀ NGHỊ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên, chức vụ)

 



[1] Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.”

[2] Cụm từ “qua bưu chính hoặc trên môi trường điện tử hoặc nộp trực tiếp” được bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2024.

[3] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ- CP, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2024.

[4] Cụm từ “qua bưu chính hoặc trên môi trường điện tử hoặc nộp trực tiếp” được bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2024.

[5] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ- CP, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2024.

[6] Điều 4 Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2024 quy định như sau:

“Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.”

[7] Mẫu này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2024.

[8] Mẫu này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ- CP, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2024.

[9] Mẫu này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 3 Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ- CP, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2024.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Văn bản hợp nhất 2168/VBHN-BVHTTDL năm 2024 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật Thể dục, thể thao sửa đổi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

  • Số hiệu: 2168/VBHN-BVHTTDL
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 24/05/2024
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
  • Người ký: Hoàng Đạo Cương
  • Ngày công báo: 17/07/2024
  • Số công báo: Từ số 801 đến số 802
  • Ngày hiệu lực: 24/05/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản