Hệ thống pháp luật

Điều 132 Văn bản hợp nhất 20/VBHN-VPQH năm 2022 hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính do Văn phòng Quốc hội ban hành

Điều 132. Truy tìm đối tượng đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp bỏ trốn

1. Trong trường hợp người đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn trước khi được đưa vào trường hoặc cơ sở, thì cơ quan Công an cấp huyện nơi lập hồ sơ ra quyết định truy tìm đối tượng.

2. Trong trường hợp người đang chấp hành tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc và Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc ra quyết định truy tìm đối tượng. Cơ quan Công an có trách nhiệm phối hợp với trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc trong việc truy tìm đối tượng để đưa người đó trở lại trường hoặc cơ sở.

3.[187] Trường hợp người đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng quy định tại khoản 1 Điều này đủ 18 tuổi tại thời điểm truy tìm được, Công an cấp huyện nơi lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc nếu có đủ điều kiện thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

Trường hợp người đang chấp hành tại trường giáo dưỡng quy định tại khoản 2 Điều này đủ 18 tuổi tại thời điểm truy tìm được, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trường giáo dưỡng xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc nếu có đủ điều kiện thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

4. Thời gian bỏ trốn không được tính vào thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Phần thứ năm

NHỮNG QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

Điều 133. Phạm vi áp dụng

Việc xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Phần thứ năm và các quy định khác có liên quan của Luật này.

Điều 134. Nguyên tắc xử lý

Ngoài những nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 3 của Luật này, việc xử lý đối với người chưa thành niên còn được áp dụng các nguyên tắc sau đây:

1. Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trong quá trình xem xét xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn;

2. Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính còn căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm để quyết định việc xử phạt hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính phù hợp;

3.[188] Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính.

Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền.

Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; bị buộc phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật này thì số tiền nộp vào ngân sách nhà nước bằng 1/2 trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay;

4. Trong quá trình xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, bí mật riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng và bảo vệ;

5. Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính phải được xem xét áp dụng khi có đủ các điều kiện quy định tại Chương II của Phần này. Việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.

Điều 135. Áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Các hình thức xử phạt áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

2. Các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

c) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

d) Buộc nộp lại khoản thu bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái với quy định của pháp luật.

Điều 136. Áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

1. Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật theo quy định tại Chương I Phần thứ ba của Luật này. Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải được cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý, trường hợp không có nơi cư trú ổn định thì phải ở tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em; được đi học hoặc tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề khác; tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng.

2. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng được áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật theo quy định tại Chương II Phần thứ ba của Luật này.

Điều 137. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên

1. Người chưa thành niên được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm.

2. Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử lý mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Văn bản hợp nhất 20/VBHN-VPQH năm 2022 hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính do Văn phòng Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 20/VBHN-VPQH
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 29/12/2022
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bùi Văn Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH