Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/VBHN-BCT

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2019

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

Nghị định số 148/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 78/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 148/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2019.

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 30 tháng 6 năm 2011;

Căn cứ Pháp lệnh Quản lý thị trường ngày 08 tháng 3 năm 2016;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương[1],

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về ngạch công chức Quản lý thị trường; phương tiện làm việc, trang phục của lực lượng Quản lý thị trường; thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, công chức Quản lý thị trường.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường.

Chương II

NGẠCH CÔNG CHỨC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG, THẨM QUYỀN BAN HÀNH QUYẾT ĐỊNH KIỂM TRA

Điều 3. Ngạch công chức Quản lý thị trường

1. Công chức Quản lý thị trường là người được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bổ nhiệm vào các ngạch công chức Quản lý thị trường.

2. Công chức Quản lý thị trường phải đảm bảo các tiêu chuẩn của công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể theo ngạch công chức Quản lý thị trường.

3. Các ngạch công chức Quản lý thị trường:

a) Kiểm soát viên cao cấp thị trường;

b) Kiểm soát viên chính thị trường;

c) Kiểm soát viên thị trường;

d) Kiểm soát viên trung cấp thị trường.

4. Bộ Nội vụ quy định mã ngạch công chức Quản lý thị trường.

5. Bộ Công Thương quy định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ các ngạch công chức Quản lý thị trường sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ.

Điều 4. Thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra

1.[2] Người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra gồm:

a) Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường;

b) Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường;

c) Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường gồm: Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

d) Đội trưởng Đội Quản lý thị trường cấp huyện trực thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh gồm: Đội trưởng Đội Quản lý thị trường huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường chuyên ngành; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường cơ động 2. Người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều này được giao quyền cho cấp phó ban hành quyết định kiểm tra; việc giao quyền ban hành quyết định kiểm tra và việc ban hành quyết định kiểm tra thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 21 của Pháp lệnh Quản lý thị trường.

3. Người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra và cấp phó được giao quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thực hiện thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra trong phạm vi kiểm tra quy định tại Điều 17 Pháp lệnh Quản lý thị trường.

Chương III

PHƯƠNG TIỆN LÀM VIỆC VÀ TRANG PHỤC CỦA LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

Điều 5. Phương tiện làm việc của lực lượng Quản lý thị trường

1. Phương tiện làm việc phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường gồm: Xe ô tô chở người, xe ô tô tải, xe ô tô bán tải, xe ô tô chuyên dùng, xe mô tô, xuồng cao tốc, máy bộ đàm, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị đo, kiểm tra nhanh, thiết bị chuyên dùng, thiết bị công nghệ thông tin, điện tử, máy móc, thiết bị văn phòng, các phương tiện, thiết bị theo yêu cầu công tác và theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan Quản lý thị trường các cấp có trách nhiệm phối hợp trong việc sử dụng phương tiện làm việc để phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường.

3.[3] Phương tiện làm việc của lực lượng Quản lý thị trường được quản lý, sử dụng phù hợp với yêu cầu công tác, tiêu chuẩn, định mức và phân cấp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Điều 6. Công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng Quản lý thị trường

1. Lực lượng Quản lý thị trường được trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính.

2. Việc quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng Quản lý thị trường thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Điều 7. Phù hiệu Quản lý thị trường

Phù hiệu Quản lý thị trường có mặt phía ngoài nền màu xanh, giữa có ngôi sao vàng 5 cánh nổi trên nền đỏ hình tròn, sát mép phù hiệu có đường viền bằng 2 bông lúa màu vàng, cuống 2 bông lúa gắn với "bánh xe lịch sử" màu vàng, trên mặt bánh xe có hàng chữ quản lý thị trường viết tắt là "QLTT" màu đỏ, xếp cong theo chiều cong của vành bánh xe lịch sử.

Điều 8. Cờ hiệu Quản lý thị trường

Cờ hiệu Quản lý thị trường được làm bằng vải màu xanh thẫm, hình tam giác cân theo tỷ lệ cạnh bên so với cạnh đáy là 5/3; hai cạnh bên có đường viền gắn các sợi tua màu vàng và ở trung tâm có phù hiệu Quản lý thị trường.

Điều 9. Cấp hiệu Quản lý thị trường gắn trên ve áo

1. Cấp hiệu gắn trên ve áo hình bình hành, nền màu xanh đen, bề mặt vải có các gân nổi, xung quanh có đường viền nhỏ màu vàng, trên nền có gắn phù hiệu Quản lý thị trường bằng kim loại.

2. Cấp hiệu gắn trên ve áo được cấp cho công chức làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường các cấp.

Điều 10. Cấp hiệu Quản lý thị trường gắn trên vai áo

1. Cấp hiệu gắn trên vai nền màu xanh đen, bề mặt vải có các gân nổi, xung quanh có đường viền nhỏ màu vàng. Đầu nhỏ cấp hiệu đính khuy bằng kim loại có ngôi sao năm cánh nổi, mép khuy viền bông lúa xung quanh.

2. Cấp hiệu gắn trên vai của công chức giữ chức vụ lãnh đạo trong cơ quan Quản lý thị trường ở trung ương, cơ quan Quản lý thị trường cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc của cơ quan này gắn sao kim loại màu vàng, vạch kim loại màu vàng và khuy bằng kim loại màu vàng.

3. Cấp hiệu gắn trên vai của công chức không giữ các chức vụ lãnh đạo gắn sao kim loại màu trắng và khuy bằng kim loại màu trắng.

4. Số sao trên cấp hiệu gắn trên vai của các ngạch công chức Quản lý thị trường được quy định như sau:

a) Kiểm soát viên cao cấp thị trường và tương đương gắn bốn sao;

b) Kiểm soát viên chính thị trường và tương đương gắn ba sao;

c) Kiểm soát viên thị trường và tương đương gắn hai sao;

d) Kiểm soát viên trung cấp thị trường và tương đương gắn một sao.

5. Số vạch trên cấp hiệu gắn trên vai của công chức giữ các chức vụ lãnh đạo trong cơ quan Quản lý thị trường ở trung ương, cơ quan Quản lý thị trường cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc quy định như sau:

a) Lãnh đạo cơ quan Quản lý thị trường ở trung ương gắn ba vạch;

b) Lãnh đạo đơn vị thuộc cơ quan Quản lý thị trường ở trung ương gắn hai vạch;

c) Lãnh đạo cơ quan Quản lý thị trường cấp tỉnh gắn hai vạch;

d) Lãnh đạo đơn vị trực thuộc cơ quan Quản lý thị trường cấp tỉnh gắn một vạch.

Điều 11. Biển hiệu Quản lý thị trường

1. Biển hiệu Quản lý thị trường có đường viền nhỏ xung quanh màu vàng, nền màu xanh đen, phía trái có hình phù hiệu Quản lý thị trường; phía trên bên phải ghi họ tên công chức và số hiệu công chức.

2. Biển hiệu Quản lý thị trường được cấp cho công chức làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường các cấp.

3. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định số hiệu công chức làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường các cấp.

Điều 12. Trang phục Quản lý thị trường

1. Trang phục Quản lý thị trường cấp cho công chức làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường các cấp, bao gồm:

a) Áo xuân hè và thu đông cho nam;

b) Áo xuân hè và thu đông cho nữ;

c) Áo khoác cho nam;

d) Áo khoác cho nữ;

đ) Áo măng tô san, áo bông;

e) Quần âu cho nam;

g) Quần âu, váy cho nữ;

h) Mũ kê pi, mũ mềm, mũ bông;

i) Bộ trang phục đại lễ gồm: Áo thu đông, áo khoác, cravat, mũ kê pi, quần âu, váy nữ, giầy da;

k) Trang phục khác gồm: Mũ bảo hiểm dùng đi xe máy; thắt lưng; giầy da; dép quai hậu; tất; áo mưa; cặp tài liệu; ủng; găng tay; quần áo bảo hộ lao động; găng tay bảo hộ lao động; mũ bảo hộ lao động.

2. Trang phục Quản lý thị trường cấp cho công chức làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường phù hợp với đối tượng, yêu cầu công việc và đặc thù địa lý.

Điều 13. Quản lý, sử dụng phù hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, trang phục của lực lượng Quản lý thị trường

Bộ Công Thương quy định mẫu, quy cách, chế độ cấp phát, quản lý, sử dụng phù hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, trang phục của lực lượng Quản lý thị trường.

Điều 14. Kinh phí mua sắm, sửa chữa phương tiện làm việc, phù hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, trang phục của lực lượng Quản lý thị trường

Kinh phí mua sắm, sửa chữa phương tiện làm việc, phù hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, trang phục của lực lượng Quản lý thị trường được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao hàng năm hoặc theo đề án, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành[4]

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2016.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành[5]

1. Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

BỘ TRƯỞNG





Trần Tuấn Anh

 



[1] Nghị định số 78/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 148/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Pháp lệnh Quản lý thị trường ngày 08 tháng 3 năm 2016;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,”

[2] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 78/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 148/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2019.

[3] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 78/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 148/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2019.

[4] Điều 2 Nghị định số 78/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 148/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2019 quy định như sau:

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 12 năm 2019.

2. Bãi bỏ Nghị định số 10/CP ngày 23 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Quản lý thị trường và Nghị định số 27/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/CP ngày 23 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Quản lý thị trường.”

[5] Điều 2 Nghị định số 78/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 148/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2019 quy định như sau:

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.”

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Văn bản hợp nhất 16/VBHN-BCT năm 2019 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh Quản lý thị trường do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 16/VBHN-BCT
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 20/11/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Trần Tuấn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 931 đến số 932
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản