Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/VBHN-BGTVT | Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2014 |
Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2013, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 23/2014/TT-BGTVT ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2014.
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
Căn cứ Nghị định số 93/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Vận tải,1
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
1. Thông tư này quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
2. Quy định về trạm dừng nghỉ đường bộ thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý; tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc có liên quan đến kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hành trình chạy xe được xác định bởi bến xe đi, bến xe đến, các tuyến đường bộ, các điểm đón, trả khách, trạm dừng nghỉ (nếu có) mà phương tiện đi qua.
2. Thời gian biểu chạy xe là tổng hợp các thời điểm tương ứng với từng vị trí của xe trên hành trình chạy xe.
3. Biểu đồ chạy xe là tổng hợp hành trình và thời gian biểu chạy xe của các chuyến xe trong một chu kỳ thời gian nhất định.
4. Lịch xe xuất bến là trình tự thời điểm xuất bến của các chuyến xe trong một chu kỳ thời gian tại một bến xe.
5. Điểm đón, trả khách là công trình đường bộ trên hành trình chạy xe dành cho xe ô tô vận chuyển hành khách theo tuyến cố định dừng để hành khách lên, xuống xe theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
6. Điểm dừng xe buýt là công trình đường bộ được thiết kế và công bố cho xe buýt dừng để đón, trả hành khách theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
7. Bến xe khách là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện chức năng phục vụ xe ô tô đón, trả hành khách và các dịch vụ hỗ trợ vận tải hành khách công cộng.
8. Bến xe ô tô hàng (bến xe hàng) là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện chức năng phục vụ xe ô tô vận tải hàng hóa nhận, trả hàng và các dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng hóa.
9. Bãi đỗ xe là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để đỗ các phương tiện giao thông đường bộ.
10. Dịch vụ trông, giữ xe là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ trông giữ xe và được trả phí.
11. Đại lý vận tải hàng hóa là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó tổ chức, cá nhân được người kinh doanh vận tải hoặc chủ hàng ủy quyền thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình vận tải.
12. Đại lý bán vé là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó tổ chức, cá nhân được đơn vị kinh doanh vận tải ủy quyền bán vé cho hành khách.
13. Dịch vụ thu gom hàng là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thực hiện việc thu gom hàng hóa đến một địa điểm nhất định theo yêu cầu của người kinh doanh vận tải hoặc chủ hàng.
14. Dịch vụ chuyển tải là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để vận chuyển người hoặc hàng hóa trên một chặng của hành trình nhất định.
15. Dịch vụ kho hàng là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó tổ chức, cá nhân thực hiện việc cho đơn vị kinh doanh vận tải hoặc người có hàng thuê kho thuộc quyền sử dụng của mình để chứa hàng hóa.
16. Dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ cứu hộ phương tiện khi phương tiện giao thông đường bộ bị tai nạn hoặc gặp sự cố kỹ thuật trên đường.
17. Đơn vị kinh doanh vận tải là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE Ô TÔ
Điều 4. Quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải
1. Có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với những loại hình kinh doanh yêu cầu phải có giấy phép. Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này, Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này.
2. Có và thực hiện đúng phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư này.
3. Bảo đảm có số ngày xe tốt tối thiểu bằng 110% số ngày xe vận doanh theo phương án kinh doanh (chỉ áp dụng với vận tải hành khách tuyến cố định và vận tải hành khách bằng xe buýt).
4.2 Không sử dụng lái xe mà trong cơ thể có chất ma túy. Phải tổ chức khám sức khỏe cho lái xe và sử dụng lái xe đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06 tháng 5 năm 2013 về hướng dẫn khám sức khỏe và Quyết định số 4132/2001/QĐ-BYT ngày 04 tháng 10 năm 2001 về việc ban hành bản “Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới.
Điều 5. Bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông
Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô vận chuyển công-ten-nơ phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông để thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Lập và thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải của đơn vị theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư này; thống kê, phân tích tai nạn giao thông, tổ chức rút kinh nghiệm trong đội ngũ lái xe và cán bộ quản lý của đơn vị.
2. Kiểm tra đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi xe tham gia hoạt động; đôn đốc, theo dõi, giám sát việc thực hiện chế độ kiểm định kỹ thuật và bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ phương tiện.
3. Quản lý, sử dụng thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phục vụ cho hoạt động của đơn vị và cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo yêu cầu những thông tin bắt buộc theo từng xe ô tô.
4. Chủ trì hoặc phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.
Điều 6. Lắp đặt, quản lý, khai thác thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe
1. Đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm:
a) Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện của đơn vị theo quy định;
b) Duy trì tình trạng kỹ thuật tốt, đảm bảo truyền dẫn đầy đủ, liên tục các thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình về đơn vị trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh vận tải của phương tiện thuộc đơn vị quản lý và cung cấp theo đúng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
c) Phải cung cấp tên đăng nhập và mật khẩu truy cập vào phần mềm quản lý, theo dõi những thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của phương tiện thuộc diện phải gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
d) Cập nhật, lưu trữ có hệ thống các thông tin bắt buộc tối thiểu 01 (một) năm;
đ) Trong trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải không trực tiếp thực hiện các quy định tại điểm b và điểm d khoản này thì được ký hợp đồng ủy thác cho một đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý thông tin của thiết bị giám sát hành trình thực hiện. Bản sao chứng thực của hợp đồng ủy thác phải được gửi đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải. Đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý thông tin phải thực hiện đúng các quy định tại điểm b, điểm d khoản này và không được cung cấp thông tin từ thiết bị giám sát hành trình cho bất kỳ bên thứ ba nào ngoài cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
2. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm bảo mật những thông tin từ thiết bị giám sát hành trình do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp.
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi phải đăng ký chất lượng về dịch vụ vận tải. Giấy đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 của Thông tư này.
2. Nội dung đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải gồm:
a) Đối với phương tiện vận tải gồm: nhãn hiệu xe; sức chứa (số ghế hoặc số giường nằm; số chỗ đứng trên xe buýt); tiêu chuẩn khí thải; giới hạn tuổi xe; trang thiết bị phục vụ hành khách trên xe; chế độ bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ; chế độ kiểm tra điều kiện kỹ thuật, an toàn và vệ sinh phương tiện trước khi đưa xe ra hoạt động;
b) Đối với lái xe và nhân viên phục vụ: thái độ phục vụ, hạng giấy phép lái xe, tuổi, thâm niên lái xe theo hạng, chế độ đào tạo, tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải hành khách;
c) Quyền lợi của hành khách: có ghế ngồi riêng, có chỗ đứng (đối với xe buýt), số lượng hành lý miễn cước (không áp dụng đối với xe taxi), chế độ bảo hiểm, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải;
d) Dịch vụ cung cấp cho hành khách;
đ) Quy trình tiếp nhận và xử lý, giải quyết các thông tin phản ánh, kiến nghị của hành khách và cơ quan thông tin đại chúng.
3. Giấy đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải được gửi đến Sở Giao thông vận tải cùng với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc niêm yết và thực hiện các nội dung chất lượng dịch vụ vận tải mà đơn vị đã đăng ký.
4. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định khi đăng ký mở tuyến mới hoặc đăng ký tham gia khai thác tuyến phải đăng ký bổ sung chất lượng dịch vụ trên tuyến theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 của Thông tư này.
Mục 2. KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE Ô TÔ THEO TUYẾN CỐ ĐỊNH
Điều 8. Tiêu chí thiết lập tuyến
1. Có hệ thống đường bộ được công bố khai thác trên toàn bộ hành trình.
2. Có bến xe nơi đi, bến xe nơi đến đã được các cơ quan có thẩm quyền công bố đưa vào khai thác và đủ điều kiện tiếp nhận.
3. Có doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia khai thác vận tải hành khách bằng xe ô tô trên tuyến.
1. Các tiêu chí của điểm đón, trả khách:
a) Điểm đón, trả khách chỉ được bố trí tại các vị trí đảm bảo an toàn giao thông, thuận tiện cho hành khách lên, xuống xe và tiếp cận đến điểm đón, trả khách;
b) Có đủ diện tích để xe dừng đón, trả khách bảo đảm không ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường;
c) Điểm đón, trả khách phải được báo hiệu bằng Biển báo 434a theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41: 2012/BGTVT) và có biển phụ như sau: “ĐIỂM ĐÓN, TRẢ KHÁCH TUYẾN CỐ ĐỊNH”;
d) Khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đón, trả khách liền kề hoặc giữa điểm dừng đón, trả khách với trạm dừng nghỉ hoặc bến xe hai đầu tuyến là 05 (năm) ki - lô - mét.
2. Tổ chức giao thông tại điểm đón, trả khách:
a) Điểm đón, trả khách tuyến cố định chỉ phục vụ các xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định đón, trả khách, nghiêm cấm sử dụng cho hoạt động khác;
b) Tại điểm đón, trả khách chỉ cho phép mỗi xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định được dừng tối đa không quá 03 (ba) phút.
3. Xác định, phê duyệt, đầu tư, quản lý, khai thác và bảo trì điểm dừng đón trả khách:
a) Sở Giao thông vận tải địa phương (đối với trường hợp đường quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải quản lý phải thống nhất với cơ quan quản lý đường bộ) xác định vị trí điểm đón, trả khách tuyến cố định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường tại khu vực điểm đón, trả khách;
c) Điểm đón, trả khách được đầu tư, xây dựng theo nguyên tắc sau:
Đối với các tuyến đường bộ mới hoặc nâng cấp, mở rộng: chủ đầu tư có trách nhiệm đưa vào thành một hạng mục trong dự án đầu tư xây dựng;
Đối với các tuyến đường bộ hiện đang khai thác: cơ quan quản lý đường bộ đầu tư xây dựng theo vị trí đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
d) Sở Giao thông vận tải ra văn bản thông báo về việc đưa vào khai thác hoặc ngừng khai thác điểm đón, trả khách trên tuyến cố định;
đ) Cơ quan quản lý đường bộ chịu trách nhiệm duy tu, bảo trì các điểm đón, trả khách trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý.
1. Niêm yết trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải: danh sách tuyến theo quy hoạch (sau khi đã công bố quy hoạch); danh sách tuyến đang khai thác; tổng số chuyến xe chạy trên từng tuyến; danh sách xe đăng ký kinh doanh trên từng tuyến; giá vé trên tuyến; số điện thoại đường dây nóng của Sở Giao thông vận tải.
2. Niêm yết tại bến xe: lịch xe xuất bến của tất cả các chuyến xe, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải.
3. Niêm yết tại quầy bán vé: lịch xe xuất bến của từng chuyến xe trên tuyến với các thông tin sau: tên đơn vị kinh doanh vận tải, giá vé, hành trình chạy xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, hành lý miễn cước, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải.
4. Niêm yết trên xe:
a) Niêm yết ở phía trên kính trước: mã số tuyến, điểm đầu, điểm cuối của tuyến;
b) Niêm yết ở mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe: tên và số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã;
c) Niêm yết ở trong xe: giá vé, hành trình chạy xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, hành lý miễn cước, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải.
5. Trách nhiệm niêm yết: Sở Giao thông vận tải thực hiện niêm yết theo quy định tại khoản 1 Điều này; Bến xe thực hiện niêm yết tại bến xe và niêm yết tại quầy bán vé của tuyến do bến xe nhận ủy thác bán vé; Đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện niêm yết trên xe và niêm yết tại quầy bán vé do đơn vị tự bán vé.
Điều 11. Quy định đối với xe vận tải hành khách theo tuyến cố định
1. Niêm yết theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư này.
2. Ghế ngồi, giường nằm trong xe phải được đánh số thứ tự.
3. Trên xe phải trang bị bình chữa cháy, dụng cụ thoát hiểm.
4. Có phù hiệu “XE CHẠY TUYẾN CỐ ĐỊNH” theo mẫu tại Phụ lục 8 của Thông tư này.
5. Trong cùng một thời điểm mỗi xe chỉ được đăng ký và khai thác tối đa 02 (hai) tuyến vận tải hành khách cố định.
Điều 12. Quy hoạch mạng lưới tuyến
1. Trước ngày 31 tháng 12 năm 2014, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và công bố quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và công bố quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh.
2. Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm quản lý, theo dõi, kiểm tra và phối hợp với các Sở Giao thông vận tải thực hiện quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh; Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý, theo dõi, kiểm tra và thực hiện quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh.
3. Căn cứ tình hình phát triển kinh tế, xã hội và các yếu tố tác động đến hoạt động vận tải trên các tuyến vận tải hành khách cố định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải kiến nghị Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh quy hoạch theo thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này.
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được đăng ký mở tuyến mới.
2. Tuyến mới là tuyến đáp ứng ít nhất một trong ba tiêu chí, cụ thể: bến xe nơi đi, bến xe nơi đến hoặc các tuyến đường bộ trên hành trình không trùng với các tuyến vận tải hành khách cố định đã công bố.
3. Sở Giao thông vận tải chấp thuận mở tuyến mới đối với tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, liên tỉnh.
4. Hồ sơ đăng ký mở tuyến mới bao gồm:
a) Giấy đăng ký mở tuyến mới theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 của Thông tư này;
b) Phương án khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 của Thông tư này;
c) Giấy đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải trên tuyến cố định theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 của Thông tư này.
5. Quy định về xử lý hồ sơ:
a) Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp 01 (một) bộ hồ sơ cho Sở Giao thông vận tải địa phương nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh;
b) Trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng đầy đủ theo quy định tại khoản 4 Điều này, Sở Giao thông vận tải thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản những nội dung cần sửa đổi, bổ sung đến doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời gian tối đa không quá 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ;
c) Đối với các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh:
Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải đầu tuyến phía bên kia để lấy ý kiến trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã;
Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, Sở Giao thông vận tải được xin ý kiến phải có văn bản trả lời; hết thời hạn trên coi như đã đồng ý với việc mở tuyến mới;
Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ có văn bản chấp thuận mở tuyến gửi doanh nghiệp, hợp tác xã theo mẫu quy định tại Phụ lục 11 của Thông tư này. Trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
d) Đối với các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh:
Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ ra văn bản chấp thuận mở tuyến gửi doanh nghiệp, hợp tác xã theo mẫu quy định tại Phụ lục 11 của Thông tư này. Trường hợp không chấp thuận, Sở giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
đ) Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện tại trụ sở cơ quan hoặc qua đường bưu điện;
e) Văn bản chấp thuận mở tuyến cố định liên tỉnh được gửi đến doanh nghiệp, hợp tác xã, bến xe hai đầu tuyến để thực hiện và đồng thời gửi đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải đầu tuyến phía bên kia để phối hợp quản lý.
6. Khai thác thử:
a) Sau thời hạn 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày có văn bản chấp thuận mở tuyến nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện khai thác thử thì văn bản chấp thuận mở tuyến sẽ hết hiệu lực;
b) Thời gian khai thác thử trên tuyến mới tối đa là 06 (sáu) tháng, kể từ ngày có văn bản chấp thuận. Sau thời gian khai thác thử tối thiểu 03 (ba) tháng liên tục, doanh nghiệp, hợp tác xã được làm thủ tục đề nghị công bố tuyến đưa vào khai thác.
7. Sau khi Quy hoạch mạng lưới tuyến được công bố theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Thông tư này, doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được đăng ký khai thác tuyến theo quy định tại Điều 15 của Thông tư này trên cơ sở quy hoạch đã được công bố và không áp dụng quy định mở tuyến mới tại Điều này.
Điều 14. Công bố tuyến đưa vào khai thác
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã được chấp thuận khai thác trên tuyến có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền công bố tuyến đưa vào khai thác. Tuyến vận tải hành khách cố định được công bố đưa vào khai thác phải đáp ứng yêu cầu sau:
a) Phù hợp với quy hoạch mạng lưới tuyến (áp dụng sau khi Quy hoạch mạng lưới tuyến được công bố theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Thông tư này);
b) Bảo đảm tiêu chí thiết lập tuyến theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này và không trùng với các tuyến đã công bố.
2. Thẩm quyền công bố tuyến đưa vào khai thác:
a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh;
b) Sở Giao thông vận tải công bố tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh.
3. Hồ sơ đề nghị công bố tuyến đưa vào khai thác:
a) Giấy đề nghị công bố đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách cố định theo mẫu quy định tại Phụ lục 12 của Thông tư này;
b) Báo cáo kết quả khai thác thử tuyến vận tải hành khách cố định theo mẫu quy định tại Phụ lục 13 của Thông tư này (chỉ áp dụng đối với các tuyến được công bố trước khi có quy hoạch mạng lưới tuyến).
4. Quy định về xử lý hồ sơ:
a) Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp 01 (một) bộ hồ sơ cho Sở Giao thông vận tải nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh;
b) Trong trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, Sở Giao thông vận tải thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản những nội dung cần sửa đổi, bổ sung đến doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời gian tối đa không quá 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều này;
c) Đối với các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh:
Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ có văn bản đề nghị kèm hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam để công bố tuyến. Trường hợp từ chối đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố tuyến đưa vào khai thác, Sở Giao thông vận tải phải trả lời doanh nghiệp, hợp tác xã bằng văn bản và nêu rõ lý do;
Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận văn bản đề nghị của Sở Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam ra văn bản công bố tuyến theo mẫu quy định tại Phụ lục 14 của Thông tư này. Trường hợp từ chối công bố tuyến đưa vào khai thác, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
d) Đối với các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh: Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận văn bản đề nghị, Sở Giao thông vận tải ra văn bản công bố tuyến đưa vào khai thác theo mẫu quy định tại Phụ lục 14 của Thông tư này. Trường hợp từ chối công bố tuyến đưa vào khai thác, Sở Giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
đ) Văn bản công bố đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh được đồng thời gửi đến Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến để phối hợp quản lý và doanh nghiệp, hợp tác xã, bến xe hai đầu tuyến để thực hiện. Văn bản công bố đưa vào khai thác của tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh được đồng thời gửi đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam để phối hợp quản lý;
e) Văn bản công bố đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách cố định phải đăng tải công khai trên Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản.
5. Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền hoặc qua đường bưu điện.
6. Chỉ những doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia khai thác thử liên tục từ 03 (ba) tháng trở lên được tiếp tục khai thác tuyến trong 12 (mười hai) tháng tiếp theo.
7. Tổng cục Đường bộ Việt Nam quy định về mã số tuyến.
Điều 15. Đăng ký khai thác và điều chỉnh phương án khai thác đang thực hiện trên tuyến
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được đăng ký khai thác tuyến hoặc điều chỉnh phương án khai thác đang thực hiện trên tuyến (bao gồm cả tăng tần suất chạy xe) theo nguyên tắc giờ xe đăng ký xuất bến tại hai đầu bến không trùng giờ và đảm bảo thời gian giãn cách theo quy định với các chuyến xe của doanh nghiệp, hợp tác xã khác đang hoạt động hoặc đã đăng ký trước trong các trường hợp sau:
a) Khi cơ quan có thẩm quyền công bố quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch hoặc quyết định tăng tần suất chạy xe theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Khi hệ số có khách bình quân toàn tuyến đạt trên 50%. Hệ số có khách bình quân toàn tuyến được xác định bằng tổng lượng hành khách xuất phát ở hai đầu bến của các chuyến xe trên tuyến trong 06 (sáu) tháng liên tục cho đến thời điểm có doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký chia cho tổng số ghế xe của các chuyến xe tương ứng;
c) Khi hệ số có khách bình quân trên tuyến của đơn vị đạt trên 50%. Hệ số có khách bình quân trên tuyến của đơn vị được xác định bằng tổng lượng hành khách xuất phát ở hai đầu bến của các chuyến xe thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã trong 06 (sáu) tháng liên tục tính đến thời điểm có doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tăng tần suất chạy xe chia cho tổng số ghế xe của các chuyến xe tương ứng;
d) Sau khi quy hoạch mạng lưới tuyến được công bố theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Thông tư này, doanh nghiệp, hợp tác xã đang khai thác trên tuyến không nằm trong quy hoạch có quyền tiếp tục khai thác theo phương án đã đăng ký trong thời gian không quá 24 (hai mươi bốn) tháng, kể từ ngày công bố quy hoạch. Hết thời hạn trên, cơ quan cấp chấp thuận khai thác tuyến ra văn bản ngừng khai thác tuyến gửi doanh nghiệp, hợp tác xã, bến xe hai đầu tuyến, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia và công bố trên Trang thông tin điện tử của cơ quan mình.
2. Cơ quan quản lý tuyến:
a) Định kỳ vào 31 tháng 3 hàng năm, Sở Giao thông vận tải công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở tổng số chuyến xe tối đa được khai thác trên tuyến trong 12 (mười hai) tháng tiếp theo, giãn cách chạy xe tối thiểu giữa các chuyến xe và biểu đồ chạy xe đang khai thác của từng tuyến do Sở Giao thông vận tải quản lý, phù hợp với các quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định được cấp thẩm quyền phê duyệt;
b) Sở Giao thông vận tải quản lý tuyến nội tỉnh và phối hợp với Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia quản lý tuyến vận tải hành khách liên tỉnh theo nguyên tắc:
Sở Giao thông vận tải chủ động thực hiện các nội dung quản lý tuyến trên địa bàn địa phương; Sở Giao thông vận tải nơi phát sinh các vấn đề về quản lý vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải địa phương đầu tuyến bên kia để xử lý, giải quyết.
3. Hồ sơ đăng ký:
a) Giấy đăng ký khai thác tuyến theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 của Thông tư này;
b) Phương án khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 của Thông tư này;
c) Giấy đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải trên tuyến cố định theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 của Thông tư này.
4. Quy định về xử lý hồ sơ:
a) Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp 01 (một) bộ hồ sơ cho Sở Giao thông vận tải đầu tuyến, nơi đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh của đơn vị;
b) Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, Sở Giao thông vận tải thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản những nội dung cần sửa đổi, bổ sung đến doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời gian tối đa không quá 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ;
c) Đối với tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh:
Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải đầu tuyến phía bên kia để lấy ý kiến trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã;
Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, Sở Giao thông vận tải được xin ý kiến phải có văn bản trả lời. Hết thời hạn trên coi như Sở Giao thông vận tải này đã đồng ý với nội dung đăng ký khai thác tuyến của doanh nghiệp, hợp tác xã;
Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ có văn bản chấp thuận khai thác tuyến gửi doanh nghiệp, hợp tác xã, bến xe hai đầu tuyến theo mẫu quy định tại Phụ lục 11 của Thông tư này. Trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Văn bản chấp thuận được đồng thời gửi đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia để phối hợp quản lý;
d) Đối với các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh: Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ ra văn bản chấp thuận khai thác tuyến gửi doanh nghiệp, hợp tác xã theo mẫu quy định tại Phụ lục 11 của Thông tư này. Trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
đ) Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện tại trụ sở cơ quan quản lý tuyến hoặc qua đường bưu điện.
5. Văn bản chấp thuận khai thác tuyến có giá trị kể từ ngày ký và có hiệu lực theo hiệu lực của Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã cấp cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Sau 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày ban hành văn bản chấp thuận, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện đưa xe vào khai thác thì văn bản chấp thuận không còn hiệu lực.
6. Không áp dụng các quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5 của Điều này trong trường hợp Sở Giao thông vận tải quyết định bổ sung phương tiện, tăng tần suất chạy xe để phục vụ vận chuyển khách trong các dịp: Tết Nguyên đán (không quá 30 (ba mươi) ngày); các dịp Lễ, Tết và các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (không quá 10 (mười) ngày).
Điều 16. Bổ sung, thay thế xe khai thác trên tuyến
Doanh nghiệp, hợp tác xã được thay thế xe đang khai thác trên tuyến hoặc bổ sung xe nếu việc bổ sung không làm tăng tần suất chạy xe. Phương tiện thay thế, bổ sung phải có cùng sức chứa với phương tiện đang hoạt động trên tuyến. Trước khi bổ sung, thay thế xe, doanh nghiệp, hợp tác xã phải thông báo theo mẫu quy định tại Phụ lục 15 của Thông tư này gửi Sở Giao thông vận tải và gửi bến xe hai đầu tuyến để phối hợp thực hiện.
Điều 17. Ngừng hoạt động, giảm tần suất chạy xe trên tuyến
1. Trước khi thực hiện giảm tần suất chạy xe hoặc ngừng khai thác trên tuyến ít nhất 20 (hai mươi) ngày, doanh nghiệp, hợp tác xã phải thông báo bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục 15 của Thông tư này cho Sở Giao thông vận tải và bến xe hai đầu tuyến.
2. Trước khi tuyến ngừng hoạt động hoặc giảm tần suất chạy xe ít nhất 07 (bảy) ngày, bến xe hai đầu tuyến có trách nhiệm thông báo công khai tại bến xe.
3. Sau thời điểm ngừng khai thác 05 (năm) ngày làm việc, doanh nghiệp, hợp tác xã phải nộp lại phù hiệu của xe ngừng khai thác trên tuyến cho Sở Giao thông vận tải nơi cấp.
1. Lệnh vận chuyển cấp cho từng chuyến xe và do doanh nghiệp, hợp tác xã tự in theo mẫu quy định tại Phụ lục 16 của Thông tư này. Ngoài những nội dung bắt buộc quy định tại khoản 2 Điều này, doanh nghiệp, hợp tác xã được bổ sung những nội dung khác để phục vụ công tác quản lý của doanh nghiệp.
2. Nội dung và trách nhiệm ghi các thông tin trong Lệnh vận chuyển:
a) Doanh nghiệp, hợp tác xã ghi: tên, địa chỉ, số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã; tên các lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, biển số đăng ký xe ô tô; số ghế cho hành khách; tuyến vận chuyển; mã số tuyến; cự ly tuyến; bến đi, bến đến;
b) Đơn vị Bến xe ghi: số khách đi xe tại bến; xác nhận xe, lái xe đủ điều kiện xuất bến; giờ xuất bến thực tế; giờ đến bến thực tế; ký xác nhận và đóng dấu;
c) Doanh nghiệp, hợp tác xã có trách nhiệm quản lý, cấp và kiểm tra việc sử dụng Lệnh vận chuyển của lái xe; lưu trữ Lệnh vận chuyển đã thực hiện trong thời gian 01 (một) năm để phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Điều 19. Đình chỉ khai thác và thu hồi chấp thuận khai thác tuyến
1. Sở Giao thông vận tải ra văn bản chấp thuận có trách nhiệm ra văn bản đình chỉ khai thác trên tuyến có thời hạn theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 của Thông tư này khi doanh nghiệp, hợp tác xã vi phạm các hành vi được quy định tại khoản 2 Điều này. Văn bản đình chỉ khai thác trên tuyến được gửi bến xe hai đầu tuyến và Sở Giao thông vận tải đầu tuyến phía bên kia để phối hợp quản lý.
2. Doanh nghiệp, hợp tác xã bị đình chỉ khai thác trên tuyến có thời hạn từ 01 (một) tháng đến 03 (ba) tháng để khắc phục vi phạm và đồng thời bị thu hồi văn bản chấp thuận khai thác tuyến trong thời hạn đó khi vi phạm một trong các trường hợp sau:
a) Thực hiện dưới 70% số chuyến xe theo biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt trong 01 (một) tháng;
b) Cung cấp sai lệch các thông tin bắt buộc theo quy định từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô của phương tiện hoạt động trên tuyến;
c) Trong 12 (mười hai) tháng khai thác tuyến liên tục số lượng xe trên tuyến bị thu hồi phù hiệu có thời hạn 01 (một) tháng từ 30% trở lên; hoặc số lượng xe trên tuyến bị thu hồi phù hiệu có thời hạn 06 (sáu) tháng từ 15% trở lên;
d) Khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của toàn bộ các xe thực hiện khai thác trên tuyến trong 03 (ba) tháng liên tục cho thấy có: 5% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm hành trình; hoặc có 20% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm quy định về tốc độ hoặc vi phạm đón, trả khách không đúng nơi quy định; hoặc có 10% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm quy định về thời gian điều khiển phương tiện.
Điều 20. Trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải
1. Áp dụng các biện pháp để tổ chức, thực hiện đúng phương án khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô đã được chấp thuận.
2. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ vận tải, an toàn giao thông và đạo đức nghề nghiệp cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe theo chương trình khung do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành.
3. Lập sổ để theo dõi, quản lý việc sử dụng phù hiệu, lệnh vận chuyển của đơn vị; ghi thông tin trên lệnh vận chuyển và cấp cho lái xe theo quy định; lưu trữ Lệnh vận chuyển đã thực hiện theo quy định tại khoản c Điều 18 của Thông tư này.
4. Lập kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động vận tải của đơn vị, thực hiện việc kiểm tra, giám sát, thống kê, phân tích và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch.
5. Phải thanh toán lại tối thiểu 90% tiền vé cho hành khách đã mua vé nhưng từ chối chuyến đi trước khi xe khởi hành ít nhất 02 (hai) giờ; thanh toán lại tối thiểu 70% tiền vé cho hành khách đã mua vé nhưng từ chối chuyến đi trước khi xe khởi hành ít nhất 30 (ba mươi) phút.
6. Chịu trách nhiệm khi phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe của đơn vị vi phạm chở quá trọng tải hoặc quá số người theo quy định; vi phạm các quy định khác trong hoạt động vận tải.
7. Trang bị đồng phục và thẻ tên cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; thẻ tên phải được dán ảnh có đóng dấu giáp lai của đơn vị, ghi rõ họ tên, đơn vị quản lý.
8. Trách nhiệm khác thực hiện theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Điều 21. Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh bến xe khách
1. Báo cáo Sở Giao thông vận tải địa phương các quy định của đơn vị về quyền hạn, trách nhiệm, danh sách, chức vụ và chữ ký của những người được giao nhiệm vụ kiểm tra, xác nhận vào Lệnh vận chuyển.
2. Không cho xe xuất bến nếu biển kiểm soát xe và lái xe không đúng với nội dung trong Lệnh vận chuyển; báo cáo Sở Giao thông vận tải để xử lý theo quy định.
3. Các quy định khác về bến xe khách thực hiện theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách do Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Điều 22. Quyền hạn và trách nhiệm của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe
1. Đeo thẻ tên, mặc đồng phục theo đúng mẫu doanh nghiệp, hợp tác xã đã trang bị; mang theo Lệnh vận chuyển đối với chuyến xe đang khai thác.
2. Thực hiện đúng Lệnh vận chuyển do doanh nghiệp, hợp tác xã cấp; đảm bảo an ninh, trật tự trên xe; đón, trả khách tại bến xe nơi đi, bến xe nơi đến và các điểm dừng đón, trả khách theo quy định.
3. Không được chở quá số người được phép chở; xuất vé đúng loại, đầy đủ cho mọi hành khách đi xe; hướng dẫn hành khách ngồi đúng chỗ theo số vé, phổ biến các quy định khi đi xe, giúp đỡ hành khách (đặc biệt là người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai và có con nhỏ).
4. Trước khi xe xuất bến phải yêu cầu bến xe khách xác nhận thông tin quy định trong Lệnh vận chuyển.
5. Chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
6. Có quyền từ chối vận chuyển đối với hành khách có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây cản trở công việc của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tài sản của người khác, gian lận vé hoặc hành khách đang bị dịch bệnh nguy hiểm.
7. Quyền và trách nhiệm khác thực hiện theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Điều 23. Quyền hạn và trách nhiệm của hành khách đi xe
1. Được yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ đã đăng ký và niêm yết.
2. Được yêu cầu nhân viên phục vụ trên xe xuất vé đúng loại sau khi trả tiền; giữ vé suốt hành trình và xuất trình vé khi người có thẩm quyền kiểm tra.
3. Được nhận lại số tiền vé theo quy định tại khoản 5 Điều 20 của Thông tư này.
4. Được khiếu nại, kiến nghị, phản ánh những hành vi vi phạm quy định về quản lý vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).
5. Chấp hành các quy định khi đi xe để đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trên xe; lên, xuống xe tại bến xe hoặc các điểm dừng đón, trả khách theo quy định.
6. Quyền và nghĩa vụ khác thực hiện theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Mục 3. KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE BUÝT
Điều 24. Quy định đối với xe buýt
1. Trên xe có trang bị bình chữa cháy, dụng cụ thoát hiểm.
2. Niêm yết:
a) Niêm yết bên ngoài xe:
Phía trên kính trước và sau xe: số hiệu tuyến, điểm đầu, điểm cuối của tuyến;
Bên phải thành xe: số hiệu tuyến; giá vé và số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã.
b) Niêm yết bên trong xe: số hiệu tuyến; sơ đồ vị trí điểm đầu, điểm cuối và các điểm dừng dọc tuyến; giá vé; số điện thoại đường dây nóng; trách nhiệm của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách.
Điều 25. Đăng ký mầu sơn đặc trưng
1. Trước khi đưa xe vào khai thác, doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện đăng ký mầu sơn đặc trưng. Giấy Đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 18 của Thông tư này.
2. Giấy Đăng ký gửi đến Sở Giao thông vận tải có tuyến xe buýt nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh. Sở Giao thông vận tải xác nhận và thông báo công khai màu sơn đặc trưng của đơn vị đã đăng ký trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải.
3. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy định màu sơn riêng cho xe buýt thì đơn vị vận tải phải thực hiện màu sơn theo quy định của tỉnh, thành phố.
Điều 26. Điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng và nhà chờ xe buýt
1. Điểm đầu, điểm cuối của tuyến xe buýt:
a) Có đủ diện tích cho xe buýt quay trở đầu xe, đỗ xe chờ đảm bảo an toàn giao thông;
b) Có bảng thông tin các nội dung: tên tuyến; số hiệu tuyến; hành trình; tần suất chạy xe; thời gian hoạt động trong ngày của tuyến; số điện thoại của cơ quan quản lý tuyến và doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia khai thác tuyến;
c) Có nhà chờ cho hành khách.
2. Điểm dừng xe buýt:
a) Khu vực xe buýt dừng đón, trả khách được báo hiệu bằng biển báo và vạch sơn kẻ đường theo quy định; trên biển báo hiệu phải ghi số hiệu tuyến, tên tuyến (điểm đầu - điểm cuối), hành trình của các tuyến xe buýt dừng tại vị trí đó;
b) Tại các điểm dừng xe buýt trong đô thị nếu có bề rộng hè đường từ 05 (năm) mét trở lên và ngoài đô thị nếu có bề rộng lề đường từ 2,5 (hai phẩy năm) mét trở lên phải xây dựng nhà chờ xe buýt.
3. Nhà chờ xe buýt:
a) Sở Giao thông vận tải quy định mẫu nhà chờ xe buýt trong phạm vi địa phương mình;
b) Tại nhà chờ xe buýt phải niêm yết các thông tin: số hiệu tuyến, tên tuyến, hành trình, tần suất chạy xe, thời gian hoạt động trong ngày của tuyến, số điện thoại cơ quan quản lý tuyến, bản đồ hoặc sơ đồ mạng lưới tuyến.
4. Điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng và nhà chờ xe buýt phải được xây dựng đảm bảo thuận tiện cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng.
Điều 27. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách bằng xe buýt
1. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách bằng xe buýt gồm: đường dành riêng cho xe buýt, điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng, biển báo, nhà chờ, điểm trung chuyển, bãi đỗ xe.
2. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách bằng xe buýt được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc xã hội hóa.
3. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách bằng xe buýt tại địa phương.
Điều 28. Công bố mở tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt
1. Sở Giao thông vận tải công bố mở tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt tại địa phương theo quy hoạch mạng lưới tuyến được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Đối với các tuyến xe buýt đi qua địa bàn của hai hoặc ba tỉnh, thành phố, việc công bố mở tuyến do Sở Giao thông vận tải có tuyến xe buýt, nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh thực hiện, sau khi có văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (hoặc cơ quan được ủy quyền) có liên quan.
2. Nội dung công bố mở tuyến xe buýt:
a) Doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác tuyến;
b) Số hiệu tuyến; cự ly; hành trình (điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng);
c) Biểu đồ chạy xe, thời gian hoạt động của tuyến (không dưới 12 giờ trong một ngày);
d) Nhãn hiệu, sức chứa của xe hoạt động trên tuyến;
đ) Giá vé.
3. Sở Giao thông vận tải phải công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này chậm nhất 10 (mười) ngày làm việc trước khi thực hiện hoạt động vận chuyển hành khách trên tuyến bằng xe buýt.
Điều 29. Quản lý vận tải hành khách bằng xe buýt
1. Sở Giao thông vận tải tổ chức thực hiện việc đấu thầu hoặc chỉ định thầu hoặc đặt hàng khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt theo quy định của pháp luật.
2. Doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô loại hình vận tải bằng xe buýt được đăng ký tham gia đấu thầu hoặc được chỉ định thầu hoặc được đặt hàng khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt.
3. Sở Giao thông vận tải địa phương và doanh nghiệp, hợp tác xã trúng thầu hoặc được đặt hàng ký hợp đồng khai thác tuyến. Trong hợp đồng phải thể hiện rõ phương án khai thác tuyến trúng thầu, bao gồm: tên tuyến, số hiệu tuyến, nhãn hiệu xe, sức chứa của xe, giá vé, biểu đồ chạy xe trên tuyến, thời hạn hợp đồng.
4. Sở Giao thông vận tải quyết định điều chỉnh một phần hoặc toàn bộ biểu đồ chạy xe trên tuyến xe buýt nội tỉnh; doanh nghiệp hợp tác xã điều chỉnh phương án khai thác tuyến tương ứng với biểu đồ mới điều chỉnh; Sở Giao thông vận tải và doanh nghiệp, hợp tác xã ký, đóng dấu xác nhận phương án khai thác mới là một phần của hợp đồng khai thác tuyến.
5. Đối với các tuyến xe buýt đi qua địa bàn của hai hoặc ba tỉnh, thành phố, việc điều chỉnh biểu đồ chạy xe trên tuyến do Sở Giao thông vận tải có tuyến xe buýt nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh thực hiện sau khi có văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (hoặc cơ quan được ủy quyền) có liên quan.
6. Quyết định điều chỉnh biểu đồ chạy xe được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất 10 (mười) ngày trước khi thực hiện.
Điều 30. Ngừng khai thác trên tuyến và đóng tuyến
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã có văn bản đề nghị ngừng khai thác trên tuyến gửi Sở Giao thông vận tải và chỉ được ngừng khi có sự chấp thuận của Sở Giao thông vận tải bằng văn bản. Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc, kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã, Sở Giao thông vận tải ra văn bản chấp thuận, nêu rõ thời điểm doanh nghiệp, hợp tác xã được ngừng khai thác tuyến. Trường hợp không chấp thuận, Sở Giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Sau thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, nếu Sở Giao thông vận tải không có ý kiến thì được coi như đã chấp thuận việc ngừng khai thác tuyến của doanh nghiệp, hợp tác xã.
2. Doanh nghiệp, hợp tác xã tự ý ngừng khai thác tuyến trước khi Sở Giao thông vận tải chấp thuận thì bị coi như đơn phương hủy hợp đồng khai thác tuyến và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã ngừng khai thác tuyến dẫn đến phải thay đổi tần suất chạy xe trên tuyến hoặc phải đóng tuyến thì Sở Giao thông vận tải công bố tần suất chạy xe mới hoặc công bố đóng tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất 10 (mười) ngày làm việc trước thời điểm chấp thuận để doanh nghiệp, hợp tác xã ngừng khai thác tuyến.
Điều 31. Bổ sung xe, thay thế xe
1. Đối với tuyến xe buýt nội tỉnh, Sở Giao thông vận tải quyết định việc bổ sung, thay thế xe khai thác vận tải hành khách bằng xe buýt trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã.
2. Đối với tuyến xe buýt đi qua địa bàn của hai hoặc ba tỉnh, thành phố, trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, Sở Giao thông vận tải đầu tuyến, nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh thống nhất với các Sở Giao thông vận tải địa phương trên hành trình tuyến trước khi chấp thuận bổ sung, thay thế xe khai thác trên tuyến theo đề nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Điều 32. Trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải
1. Áp dụng các biện pháp để tổ chức, thực hiện đúng biểu đồ chạy xe theo phương án khai thác đã ký kết trong hợp đồng.
2. Lập kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động vận tải của đơn vị, thực hiện việc kiểm tra, giám sát, thống kê, phân tích và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch.
3. Đăng ký mẫu thẻ tên và đồng phục của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe với Sở Giao thông vận tải có tuyến xe buýt nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh. Cấp đồng phục và thẻ tên cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; thẻ tên phải được dán ảnh, ghi rõ họ tên, đơn vị quản lý.
4. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ vận tải hành khách, an toàn giao thông và đạo đức nghề nghiệp cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe theo chương trình khung do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành.
5. Chịu trách nhiệm nếu phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe của đơn vị vi phạm các quy định về hoạt động vận tải.
Điều 33. Quyền hạn, trách nhiệm của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt
1. Đeo thẻ tên, mặc đồng phục theo đúng mẫu doanh nghiệp, hợp tác xã đã đăng ký với Sở Giao thông vận tải.
2. Thực hiện đúng biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt.
3. Cung cấp thông tin về hành trình tuyến, các điểm dừng trên tuyến khi hành khách yêu cầu; hướng dẫn và giúp đỡ hành khách (đặc biệt là người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai hoặc có con nhỏ) khi lên, xuống xe.
4. Có quyền từ chối vận chuyển đối với hành khách không tự kiểm soát được hành vi, gây mất an ninh, trật tự, an toàn trên xe; có quyền từ chối vận chuyển hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, hàng có mùi hôi tanh hoặc động vật sống.
Điều 34. Quyền hạn, trách nhiệm của hành khách đi xe buýt
1. Được mang theo hành lý xách tay nặng không quá 10 (mười) ki - lô - gam và kích thước không quá 30 x 40 x 60 cen - ti - mét;
2. Chấp hành các quy định khi đi xe và sự hướng dẫn của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.
3. Yêu cầu nhân viên phục vụ trên xe xuất vé đúng loại sau khi trả tiền; giữ vé suốt hành trình và xuất trình vé khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra.
4. Được khiếu nại, kiến nghị, phản ánh những hành vi vi phạm quy định về quản lý vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).
5. Quyền và nghĩa vụ khác thực hiện theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Mục 4. KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE TAXI
Điều 35. Quy định đối với xe taxi
1. Niêm yết:
a) Hai bên thành xe: tên và số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã;
b) Trong xe: bảng giá cước tính tiền theo ki - lô - mét, giá cước tính tiền cho thời gian chờ đợi và các chi phí khác (nếu có) mà hành khách phải trả.
2.3 Phù hiệu và hộp đèn của xe taxi:
a) Xe phải có phù hiệu “Xe TAXI” theo mẫu quy định tại Phụ lục 17 của Thông tư này; riêng xe taxi của các đơn vị có Giấy phép kinh doanh vận tải do Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội cấp phải có phù hiệu “TAXI HÀ NỘI” theo mẫu quy định tại Phụ lục 17a của Thông tư này. Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội có trách nhiệm đổi phù hiệu đã cấp cho xe taxi của các đơn vị kinh doanh vận tải trước ngày 30 tháng 10 năm 2014.
b) Có hộp đèn với chữ “TAXI” gắn trên nóc xe; hộp đèn phải được bật sáng khi xe không có khách và tắt khi xe có khách.
3. Hai bên cánh cửa xe có sơn biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã.
4. Có đồng hồ tính cước đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm định và kẹp chì.
Điều 36. Đăng ký biểu trưng (logo)
1. Trước khi đưa xe vào khai thác, doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện việc đăng ký biểu trưng (logo) và số điện thoại giao dịch trên phương tiện của doanh nghiệp, hợp tác xã. Giấy Đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 18 của Thông tư này.
2. Hồ sơ đăng ký gửi đến Sở Giao thông vận tải nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh. Sở Giao thông vận tải xác nhận biểu trưng (logo) của đơn vị nếu không trùng với biểu trưng (logo) đã đăng ký của doanh nghiệp, hợp tác xã khác và có trách nhiệm thông báo công khai biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải.
Điều 37. Hồ sơ lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc
1. Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực Giấy phép sử dụng tần số liên lạc của cơ quan có thẩm quyền.
2. Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực Biên bản nghiệm thu lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc.
1. Điểm đỗ xe taxi gồm 2 loại:
a) Điểm đỗ xe taxi do doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức và quản lý;
b) Điểm đỗ xe taxi công cộng do cơ quan quản lý nhà nước của địa phương tổ chức và quản lý.
2. Yêu cầu đối với điểm đỗ xe taxi: đảm bảo trật tự, an toàn và không gây ùn tắc giao thông; đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và công bố quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi, điều tiết số lượng xe taxi và tổ chức, quản lý điểm đỗ xe taxi công cộng phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải và đặc thù của địa phương.
Điều 39. Trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã
1. Đăng ký mẫu thẻ tên và đồng phục của lái xe với Sở Giao thông vận tải nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh. Cấp đồng phục và thẻ tên cho lái xe; thẻ tên phải được dán ảnh, ghi rõ họ tên, đơn vị quản lý.
2. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ vận tải hành khách, an toàn giao thông và đạo đức nghề nghiệp cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe theo chương trình khung do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành.
3. Lập kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động vận tải của đơn vị, thực hiện việc kiểm tra, giám sát, thống kê, phân tích và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch.
4. Chịu trách nhiệm khi phương tiện, lái xe của đơn vị vi phạm các quy định về hoạt động vận tải.
Điều 40. Quyền hạn, trách nhiệm của lái xe
1. Đeo thẻ tên, mặc đồng phục theo đúng mẫu doanh nghiệp, hợp tác xã đã đăng ký với Sở Giao thông vận tải.
2. Đi theo hành trình có lợi nhất cho hành khách; thu tiền cước theo đồng hồ tính tiền; ghi số thẻ lái xe, ghi rõ họ, tên, ký xác nhận vào hóa đơn và trả hóa đơn cho hành khách khi được yêu cầu.
3. Cung cấp thông tin về tuyến đường khi hành khách yêu cầu; hướng dẫn và giúp đỡ hành khách (đặc biệt là người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai hoặc có con nhỏ) khi lên, xuống xe.
4. Có quyền từ chối vận chuyển đối với hành khách có hành vi gây mất an ninh, trật tự, an toàn trên xe hoặc đang bị dịch bệnh nguy hiểm; có quyền từ chối vận chuyển hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, hàng có mùi hôi tanh hoặc động vật sống.
Điều 41. Quyền hạn, trách nhiệm của hành khách đi xe taxi
1. Yêu cầu lái xe cung cấp thông tin về hành trình chạy xe.
2. Trả tiền cước theo đồng hồ tính tiền trên xe và yêu cầu lái xe xuất hóa đơn đúng số tiền khi thanh toán tiền xe.
3. Chấp hành các quy định khi đi xe và sự hướng dẫn của lái xe.
4. Được khiếu nại, kiến nghị, phản ánh những hành vi vi phạm quy định về quản lý vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).
Mục 5. KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH THEO HỢP ĐỒNG
Điều 42. Quy định đối với xe ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng
1. Ghi tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe.
2. Có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 của Thông tư này.
3. Trên xe có trang bị bình chữa cháy, dụng cụ thoát hiểm.
Điều 43. Tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng
1. Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức.
2. Văn bản hợp đồng vận chuyển hành khách phải có ít nhất các nội dung sau: thời gian thực hiện hợp đồng; địa chỉ nơi đi, nơi đến; hành trình chạy xe chiều đi và chiều về (trong đó ghi rõ các điểm đón, trả khách trên cả hai chiều); số lượng hành khách; giá trị hợp đồng; các quyền lợi của hành khách và các dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình. Hợp đồng vận chuyển học sinh đi học có thể lập theo tháng, học kỳ hoặc năm học và trong phần thời gian thực hiện hợp đồng cần ghi rõ những ngày trong tuần sẽ thực hiện hợp đồng.
3. Khi vận chuyển hành khách theo hợp đồng, lái xe phải mang theo hợp đồng vận chuyển. Trường hợp vận chuyển hành khách theo hợp đồng có cự ly từ 100 (một trăm) ki - lô - mét trở lên, lái xe còn phải mang theo danh sách hành khách theo mẫu quy định tại Phụ lục 20 của Thông tư này (không áp dụng nội dung quy định tại khoản này đối với xe đưa đám tang; xe đám cưới).
Mục 6. KINH DOANH VẬN CHUYỂN KHÁCH DU LỊCH BẰNG XE Ô TÔ
Điều 44. Quy định đối với xe ô tô vận chuyển khách du lịch
1. Ghi tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe.
2. Có biển hiệu “XE VẬN CHUYỂN KHÁCH DU LỊCH” theo quy định.
3. Trên xe có trang bị bình chữa cháy, dụng cụ thoát hiểm.
Điều 45. Tổ chức và quản lý hoạt động vận chuyển khách du lịch
1. Đơn vị kinh doanh vận chuyển khách du lịch và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức.
2. Văn bản hợp đồng vận chuyển khách du lịch hoặc hợp đồng lữ hành phải có ít nhất các nội dung sau: thời gian thực hiện hợp đồng; địa chỉ nơi đi, nơi đến; hành trình chạy xe (trong đó ghi rõ các điểm đón, trả khách); số lượng hành khách; giá trị hợp đồng; các quyền lợi của hành khách và các dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình.
3. Khi vận chuyển khách du lịch, lái xe phải mang theo hợp đồng vận chuyển khách du lịch hoặc hợp đồng lữ hành; chương trình du lịch; danh sách hành khách theo mẫu quy định tại Phụ lục 20 của Thông tư này.
Điều 46. Quy định chung về quản lý, sử dụng phù hiệu, biển hiệu
1. Phù hiệu và biển hiệu được gắn ở vị trí dễ quan sát trên kính chắn gió phía bên phải người lái xe. Không được tẩy xóa hoặc sửa chữa các thông tin trên phù hiệu và biển hiệu.
24. Thời hạn có giá trị của phù hiệu, biển hiệu theo thời hạn có hiệu lực của Giấy phép kinh doanh vận tải và không quá thời hạn sử dụng của phương tiện. Đối với các phương tiện được bổ sung để phục vụ vận chuyển khách trong các dịp Lễ, Tết và các kỳ thi tuyển sinh thì phù hiệu có giá trị như sau: Tết Nguyên đán không quá 30 (ba mươi) ngày; các dịp Lễ, Tết khác và các kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng không quá 10 (mười) ngày. Riêng phù hiệu “TAXI HÀ NỘI” có giá trị 24 (hai tư) tháng và không quá thời hạn sử dụng của phương tiện.
Điều 47. Quy định về cấp phù hiệu, biển hiệu
1. Đơn vị kinh doanh có Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và có văn bản chứng nhận đủ điều kiện vận chuyển khách du lịch của cơ quan thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Sở Giao thông vận tải cấp biển hiệu cho xe ô tô tham gia hoạt động vận chuyển khách du lịch.
2. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, theo hợp đồng, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu cho xe ô tô tham gia kinh doanh trong danh sách do đơn vị đề nghị theo quy định tại khoản 4 Điều này.
3. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định được Sở Giao thông vận tải cấp mới (cấp lại) phù hiệu cho xe ô tô tham gia khai thác trên tuyến khi có văn bản chấp thuận mở tuyến; công bố tuyến; chấp thuận khai thác tuyến; chấp thuận tăng tần suất chạy xe; thông báo thay xe, bổ sung xe nhưng không làm tăng tần suất chạy xe của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Đơn vị kinh doanh vận tải gửi 01(một) bộ hồ sơ đề nghị cấp mới (cấp lại) phù hiệu đến Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh. Hồ sơ gồm:
a) Giấy đề nghị cấp mới hoặc cấp lại phù hiệu theo mẫu quy định tại Phụ lục 21 của Thông tư này;
b) Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy đăng ký xe ô tô và hợp đồng thuê phương tiện với tổ chức, cá nhân cho thuê tài chính hoặc cho thuê tài sản, cam kết kinh tế giữa xã viên và hợp tác xã nếu xe không thuộc sở hữu của đơn vị kinh doanh (chỉ áp dụng đối với những xe đề nghị cấp mới phù hiệu). Đối với những phương tiện mang biển đăng ký không thuộc địa phương nơi giải quyết thủ tục hành chính thì đơn vị kinh doanh vận tải phải gửi kèm theo xác nhận về tình trạng của xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải của Sở Giao thông vận tải địa phương nơi phương tiện mang biển số đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 28 của Thông tư này;
c) Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực hợp đồng ủy thác cho đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý thông tin từ thiết bị giám sát hành trình (trong trường hợp thực hiện quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 6 của Thông tư này);
d) Phù hiệu, biển hiệu hư hỏng hoặc hết giá trị sử dụng hoặc Biên bản xử lý vi phạm thu hồi phù hiệu, biển hiệu theo quy định tại Điều 48 của Thông tư này (áp dụng trong trường hợp cấp lại phù hiệu).
5. Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đúng quy định, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm cấp phù hiệu cho đơn vị kinh doanh vận tải. Trường hợp từ chối không cấp, Sở Giao thông vận tải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Đối với các trường hợp xe taxi không có đồng hồ tính tiền hoặc không có hộp đèn trên nóc xe, xe ô tô vận chuyển hành khách trên tuyến cố định, theo hợp đồng, vận chuyển khách du lịch, vận chuyển hàng hóa bằng công - ten - nơ không thực hiện các quy định liên quan đến lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chỉ được cấp lại phù hiệu sau khi hết thời hạn thu hồi và đã khắc phục được vi phạm.
6. Đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm nộp lại cho Sở Giao thông vận tải phù hiệu phương tiện bổ sung để phục vụ vận chuyển khách trong các dịp Lễ, Tết và các kỳ thi tuyển sinh ngay sau khi phù hiệu hết hiệu lực.
7. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm:
a) Kiểm tra quá trình thực hiện các điều kiện kinh doanh, chế độ báo cáo của đơn vị kinh doanh vận tải để thực hiện thủ tục cấp lại phù hiệu, biển hiệu;
b) Hủy phù hiệu, biển hiệu bị buộc thu hồi, bị hỏng do đơn vị kinh doanh vận tải nộp lại.
8. Thủ tục xác nhận về tình trạng của xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải:
a) Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, bằng xe taxi, theo hợp đồng, vận chuyển khách du lịch, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ gửi giấy Đề nghị xác nhận về tình trạng của xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục 28 của Thông tư này đến Sở Giao thông vận tải địa phương nơi phương tiện mang biển số đăng ký;
b) Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ khi nhận được giấy Đề nghị xác nhận, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm xác nhận vào giấy Đề nghị và gửi lại đơn vị kinh doanh vận tải. Trường hợp không xác nhận, Sở Giao thông vận tải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
c) Việc tiếp nhận và trả kết quả xác nhận được thực hiện tại trụ sở cơ quan hoặc qua đường bưu điện.
Điều 48. Thu hồi phù hiệu, biển hiệu
1. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm thu hồi phù hiệu, biển hiệu do mình cấp khi đơn vị kinh doanh vi phạm các quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp thu hồi phù hiệu, biển hiệu có thời hạn thì Sở Giao thông vận tải phải lập và giao biên bản thu hồi cho đơn vị kinh doanh.
2. Thu hồi có thời hạn phù hiệu, biển hiệu của xe ô tô kinh doanh vận tải khi vi phạm một trong các trường hợp sau:
a) Thu hồi 06 (sáu) tháng đối với trường hợp sử dụng phù hiệu, biển hiệu không đúng quy định hoặc cố ý làm sai lệch các thông tin đã được ghi trên phù hiệu, biển hiệu đã cấp cho xe;
b) Thu hồi phù hiệu, biển hiệu 01 (một) tháng đối với trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch hoạt động không có hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng lữ hành, chương trình du lịch và danh sách hành khách theo quy định; bán vé cho hành khách đi xe hoặc đón thêm hành khách ngoài danh sách;
c) Thu hồi phù hiệu 01 (một) tháng đối với xe ô tô vận chuyển hành khách trên tuyến cố định không có lệnh vận chuyển; không ghi, hoặc ghi không chính xác các nội dung trong lệnh vận chuyển;
d) Thu hồi phù hiệu 01 (một) tháng đối với xe ô tô vận chuyển hành khách trên tuyến cố định, xe taxi, xe buýt không thực hiện từ 03 (ba) nội dung trở lên trong cam kết chất lượng dịch vụ hoặc không thực hiện niêm yết cam kết chất lượng dịch vụ trên xe;
đ) Thu hồi phù hiệu 01 (một) tháng đối với xe taxi không có đồng hồ tính tiền hoặc không có hộp đèn trên nóc xe theo quy định hoặc có gian lận trong việc tính tiền trên đồng hồ tính tiền;
e) Thu hồi phù hiệu, biển hiệu 01 (một) tháng đối với xe ô tô vận chuyển hành khách trên tuyến cố định, theo hợp đồng, vận chuyển khách du lịch, vận chuyển hàng hóa bằng công - ten - nơ không thực hiện các quy định liên quan đến lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không cung cấp hoặc cung cấp sai lệch thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình cho cơ quan có thẩm quyền;
g) Thu hồi phù hiệu, biển hiệu 01 (một) tháng đối với xe ô tô vận chuyển hành khách trên tuyến cố định, theo hợp đồng, vận chuyển khách du lịch khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trong 01 (một) tháng: có 5% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm hành trình; hoặc có 20% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm quy định về tốc độ hoặc vi phạm đón, trả khách không đúng nơi quy định; hoặc có 10% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm quy định về thời gian điều khiển phương tiện;
h) Thu hồi phù hiệu 01 (một) tháng đối với xe ô tô vận chuyển hàng hóa bằng công - ten - nơ khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trong 01 (một) tháng có 20% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm quy định về tốc độ hoặc có 10% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm quy định về thời gian điều khiển phương tiện.
KINH DOANH VẬN TẢI HÀNG HÓA BẰNG XE Ô TÔ
Điều 49. Quy định về xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa
1.5 Phải niêm yết thông tin theo quy định tại Phụ lục 29 của Thông tư này.
2. Xe vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ phải có phù hiệu “XE CÔNG - TEN - NƠ” theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 của Thông tư này.
Điều 50. Hợp đồng vận tải, giấy vận tải
1. Hợp đồng vận tải gồm các thông tin sau: tên đơn vị kinh doanh vận tải; tên đơn vị hoặc người thuê vận chuyển; loại và khối lượng hàng hóa; hành trình; địa chỉ và thời gian giao hàng, nhận hàng; giá cước vận tải; hình thức thanh toán; các điều khoản thỏa thuận khi giao hàng, bồi thường, giao nhận giấy tờ liên quan đến hàng hóa và các vấn đề khác có liên quan đến quá trình vận tải.
2. Giấy vận tải:
a)6 Giấy vận tải gồm các thông tin sau: tên đơn vị kinh doanh vận tải; tên đơn vị hoặc người thuê vận chuyển; hành trình; số hợp đồng (nếu có), ngày tháng ký; loại hàng và khối lượng hàng vận chuyển trên xe; thời gian nhận hàng, giao hàng và các nội dung khác có liên quan đến quá trình vận tải; Mẫu Giấy vận tải quy định tại Phụ lục 30 của Thông tư này.
b) Giấy vận tải do đơn vị kinh doanh vận tải đóng dấu và cấp cho lái xe; trường hợp là hộ kinh doanh thì chủ hộ phải ký, ghi rõ họ tên vào giấy vận tải;
c)7 Sau khi xếp hàng lên phương tiện và trước khi thực hiện vận chuyển, đại diện đơn vị thực hiện xếp hàng lên xe (nếu là tổ chức) hoặc người xếp hàng (nếu là cá nhân) phải ký xác nhận việc xếp hàng đúng quy định vào Giấy vận tải.
Điều 51. Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa
1. Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải thông báo bằng văn bản đến Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị có trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh để xác nhận và quản lý, theo dõi. Nội dung thông báo gồm:
a) Tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của đơn vị kinh doanh vận tải;
b) Số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hình thức kinh doanh vận tải hàng hóa;
c) Số lượng phương tiện, loại phương tiện, niên hạn sử dụng.
2.8 Đơn vị vận tải hàng hóa có trách nhiệm:
a) Phổ biến cho lái xe việc chấp hành quy định của pháp luật về tải trọng và khổ giới hạn cho phép của phương tiện khi tham gia giao thông;
b) Không được tổ chức bốc xếp và vận tải hàng hóa quá khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông;
c) Chịu trách nhiệm nếu xe thuộc quyền quản lý của đơn vị vận chuyển hàng hóa quá tải trọng, khổ giới hạn cho phép;
d) Cung cấp hợp đồng vận tải hoặc Giấy vận tải cho lái xe.
Điều 52. Quy định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ
1. Có và thực hiện đúng phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư này.
2. Có Giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ. Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này; mẫu Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này.
3. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông để thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Điều 5 của Thông tư này.
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ KINH DOANH DỊCH VỤ HỖ TRỢ VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ
Điều 53. Quy định về bãi đỗ xe
1. Yêu cầu đối với bãi đỗ xe:
a) Đảm bảo an ninh, trật tự; đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường;
b) Đường ra, vào bãi đỗ xe phải được bố trí đảm bảo an toàn và không gây ùn tắc giao thông.
2. Nội dung kinh doanh tại bãi đỗ xe:
a) Dịch vụ trông giữ phương tiện;
b) Tổ chức các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện;
c) Kinh doanh các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị quản lý, kinh doanh bãi đỗ xe:
a) Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy, nổ tại bãi đỗ xe;
b) Niêm yết công khai nội quy, giá các dịch vụ tại bãi đỗ xe, tên và số điện thoại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để chủ xe phản ánh, khiếu nại khi cần thiết;
c) Phải bồi thường thiệt hại cho người gửi xe nếu để xảy ra mất mát, hư hỏng phương tiện nhận gửi;
d) Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Kinh doanh các loại dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều này;
e) Thu tiền trông giữ xe, cung cấp dịch vụ cho khách hàng theo quy định;
g) Có quyền từ chối phục vụ đối với chủ phương tiện không chấp hành nội quy bãi đỗ xe.
4. Trách nhiệm, quyền hạn của chủ phương tiện hoặc lái xe tại bãi đỗ xe:
a) Chấp hành nội quy và sự hướng dẫn của nhân viên điều hành bãi đỗ xe;
b) Có quyền lựa chọn sử dụng các dịch vụ tại bãi đỗ xe;
c) Có quyền phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền về các hành vi vi phạm của bãi đỗ xe.
Điều 54. Quy định về bến xe hàng
1. Yêu cầu kỹ thuật bến xe hàng:
TT | Tiêu chí | Đơn vị tính | Yêu cầu |
1 | Tổng diện tích (tối thiểu) | m2 | 2.000 |
2 | Diện tích kho hàng kín tối thiểu | m2 | 500 |
3 | Trang thiết bị bốc, xếp bằng cơ giới |
| Có |
4 | Diện tích đỗ xe (tối thiểu) | m2 | 800 |
5 | Văn phòng làm việc và các công trình phụ trợ (tối thiểu) | - | 2 - 4 % Tổng diện tích bến |
6 | Đường xe ra, vào | - | Riêng biệt hoặc chung |
7 | Hệ thống thoát nước | - | Có hệ thống tiêu thoát nước bảo đảm không ứ đọng nước |
8 | Hệ thống cứu hỏa | - | Theo quy định của cơ quan phòng cháy, chữa cháy |
2. Nội dung kinh doanh bến xe hàng:
a) Dịch vụ xếp, dỡ, đóng gói và bảo quản hàng hóa;
b) Dịch vụ trông giữ xe;
c) Kinh doanh các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị quản lý, kinh doanh bến xe hàng:
a) Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy, nổ tại bến xe;
b) Niêm yết công khai nội quy, giá các dịch vụ tại bến xe, tên và số điện thoại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để chủ xe phản ánh, khiếu nại khi cần thiết;
c) Phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ nếu để xảy ra mất mát, hư hỏng tài sản, hàng hóa trong thời gian đơn vị cung ứng dịch vụ;
d) Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Kinh doanh các loại dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều này;
e) Thu tiền trông giữ xe, cung cấp dịch vụ cho khách hàng theo quy định;
g) Có quyền từ chối phục vụ đối với khách hàng không chấp hành nội quy bến xe.
4. Thẩm quyền công bố:
Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố đưa bến xe hàng vào khai thác.
Bến xe hàng chỉ được đưa vào khai thác sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền công bố.
5. Hồ sơ đề nghị công bố đưa bến xe hàng vào khai thác bao gồm:
a) Giấy đề nghị công bố đưa bến xe hàng vào khai thác theo mẫu quy định tại Phụ lục 23 của Thông tư này;
b) Sơ đồ mặt bằng tổng thể bến xe hàng;
c) Biên bản nghiệm thu các tiêu chí theo yêu cầu kỹ thuật bến xe hàng;
d) Văn bản chấp thuận đấu nối đường ra vào bến xe hàng của cơ quan có thẩm quyền.
6. Quy trình xử lý hồ sơ:
a) Đơn vị kinh doanh bến xe hàng nộp 01 (một) bộ Hồ sơ cho Sở Giao thông vận tải tại địa phương nơi có bến xe hàng được đề nghị công bố;
b) Trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng đầy đủ theo quy định tại khoản 5 Điều này, Sở Giao thông vận tải thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản những nội dung cần sửa đổi, bổ sung đến đơn vị kinh doanh bến xe hàng trong thời gian tối đa không quá 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ;
c) Chậm nhất trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị công bố đúng theo quy định, Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra, lập biên bản kiểm tra theo các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều này và ra quyết định công bố đưa bến xe hàng vào khai thác. Quyết định công bố theo mẫu quy định tại Phụ lục 24 của Thông tư này và được gửi đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam để phối hợp quản lý;
d) Trường hợp bến xe không đáp ứng đúng các tiêu chí yêu cầu kỹ thuật bến xe hàng thì cơ quan kiểm tra phải ghi rõ nội dung không đáp ứng và thông báo bằng văn bản với đơn vị khai thác bến xe hàng trong thời gian tối đa không quá 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra;
c) Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện trực tiếp tại Sở Giao thông vận tải hoặc qua đường bưu điện.
1. Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Hợp đồng đại lý bán vé với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định phải có quy định cụ thể về nghĩa vụ, quyền hạn của các bên, tiền công bán vé.
3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé thông báo bằng văn bản tới Sở Giao thông vận tải địa phương các nội dung: địa chỉ, số điện thoại liên hệ và bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; danh sách các đơn vị kinh doanh vận tải đã ký kết hợp đồng với đại lý bán vé.
4. Đơn vị kinh doanh vận tải và dịch vụ đại lý bán vé không được tổ chức đón, trả khách tại địa điểm nơi đặt đại lý bán vé, trừ trường hợp trùng với điểm cho phép xe dừng đón trả khách do Sở Giao thông vận tải địa phương quy định.
5. Tổ chức, cá nhân kinh doanh đại lý bán vé chịu sự quản lý chuyên ngành của Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 56. Đại lý vận tải hàng hóa
1. Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Được hưởng tiền công dịch vụ đại lý vận tải theo thỏa thuận với chủ hàng và được ghi trong hợp đồng.
3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa thông báo bằng văn bản tới Sở Giao thông vận tải địa phương các nội dung: địa chỉ, số điện thoại liên hệ và bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
4. Chịu sự quản lý chuyên ngành của Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 57. Dịch vụ thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho hàng
1. Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Bảo quản hàng hóa theo quy định của chủ hàng và phải có hợp đồng về việc gom hàng, chuyển tải hàng hoặc cho thuê kho hàng với chủ hàng.
3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho hàng thông báo bằng văn bản cho Sở Giao thông vận tải địa phương các nội dung: địa chỉ, số điện thoại liên hệ và bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
4. Chịu sự quản lý chuyên ngành của Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 58. Dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ
1. Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động trong quá trình thực hiện cứu hộ.
3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ thông báo bằng văn bản cho Sở Giao thông vận tải địa phương các nội dung: địa chỉ, số điện thoại liên hệ và bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
4. Chịu sự quản lý chuyên ngành của Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 59. Tổng cục Đường bộ Việt Nam
1. Quản lý theo thẩm quyền hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước.
2. Lập và trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh.
3. Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam biên soạn, phát hành chương trình khung tập huấn nghiệp vụ vận tải hành khách, an toàn giao thông, nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.
4. Thống nhất in, phát hành Giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu, biển hiệu.
5. Tiếp nhận, tổng hợp, phân tích và khai thác các thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của xe do đơn vị kinh doanh vận tải (hoặc tổ chức được ủy quyền) cung cấp, từ cơ sở dữ liệu của Sở Giao thông vận tải các địa phương để phục vụ công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
6. Xây dựng cơ sở dữ liệu, lập trang thông tin điện tử về quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô.
7. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, tổ chức triển khai áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Xây dựng lộ trình và tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
8. Thanh tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật
Điều 60. Sở Giao thông vận tải
1. Quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo thẩm quyền.
2. Báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam việc công bố tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh.
3. Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt:
a) Quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt, quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh; vị trí các điểm dừng, đón trả khách cho vận tải hành khách trên tuyến cố định trên mạng lưới đường bộ thuộc địa bàn địa phương; quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn địa phương;
b) Các chính sách ưu đãi đối với hành khách đi lại bằng xe buýt và đơn vị hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn;
c) Định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá cho hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt.
4. Quyết định mở, ngừng hoạt động, bổ sung, thay thế xe, điều chỉnh hành trình, tần suất chạy xe đối với các tuyến xe buýt, khi được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
5. Quyết định phê duyệt biểu đồ chạy xe buýt.
6. Quyết định công bố đưa bến xe hàng vào khai thác.
7. Trực tiếp quản lý các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh và các tuyến xe buýt.
8. Tiếp nhận, tổng hợp, phân tích và khai thác các thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của xe do đơn vị kinh doanh vận tải (hoặc tổ chức được ủy quyền) cung cấp, từ cơ sở dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để phục vụ công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
9. Xây dựng cơ sở dữ liệu, lập trang thông tin điện tử về quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô của địa phương. Tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính về hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
10. Cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ trên địa bàn.
11. Quản lý, cấp, đổi các loại phù hiệu, biển hiệu theo quy định.
12. Chỉ đạo, giám sát công tác tập huấn nghiệp vụ vận tải, an toàn giao thông cho lái xe taxi, lái xe buýt, nhân viên phục vụ trên xe và công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe do các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn địa phương tổ chức.
13. Công bố đưa vào khai thác điểm dừng đón, trả khách cho vận tải hành khách trên tuyến cố định trên địa bàn sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.
14. Thanh tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH9
1. Chậm nhất ngày 10 hàng tháng, đơn vị kinh doanh vận tải phải báo cáo tình hình hoạt động vận tải của tháng trước về Sở Giao thông vận tải. Mẫu báo cáo kết quả hoạt động vận tải hành khách theo quy định tại Phụ lục 25 của Thông tư này. Mẫu báo cáo kết quả hoạt động vận tải hàng hóa theo quy định tại Phụ lục 26 của Thông tư này.
2. Định kỳ vào tháng 01 hàng năm, Sở Giao thông vận tải báo cáo hoạt động vận tải của địa phương về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải vào tháng 02 hàng năm. Mẫu báo cáo tình hình hoạt động vận tải theo quy định tại Phụ lục 27 của Thông tư này.
Điều 62. Kiểm tra hoạt động vận tải bằng xe ô tô
Các cơ quan chức năng có thẩm quyền thuộc Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành và xử lý các hành vi vi phạm các quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2013.
2. Bãi bỏ các Thông tư: Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT ngày 24 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, Thông tư số 24/2010/TT-BGTVT ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
3. Sổ nhật trình được cấp theo quy định của Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT ngày 24 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô được sử dụng đến hết thời hạn được ghi nhưng không quá ngày 31 tháng 12 năm 2013.
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan trong ngành giao thông vận tải chỉ đạo, đôn đốc theo dõi thực hiện các quy định của Thông tư này.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
| XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT |
Tên đơn vị kinh doanh:.... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../........ | ........., ngày... tháng... năm.......... |
GIẤY ĐỀ NGHỊ CẤP
GIẤY PHÉP KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ
Kính gửi: Sở GTVT............................
1. Tên đơn vị vận tải:...............................................................................................
2. Tên giao dịch quốc tế (nếu có):...........................................................................
3. Địa chỉ trụ sở:......................................................................................................
4. Số điện thoại (Fax):.............................................................................................
5. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:......................................................................... do.................................... cấp ngày......... tháng......... năm..................
6. Họ và tên người đại diện hợp pháp:.....................................................................
7. Xin cấp phép kinh doanh các loại hình vận tải:
-.................................................................................................................................
-.................................................................................................................................
Đơn vị vận tải cam kết những nội dung đăng ký đúng với thực tế của đơn vị.
Nơi nhận: | Đại diện đơn vị kinh doanh |
MẪU GIẤY PHÉP KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ
1. Hình minh họa:
Cơ quan cấp phép (1) | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | |
GIẤY PHÉP Số:...................... Cấp lần thứ:............ (Cấp lần đầu: Số….. ngày...... tháng....... năm......... nơi cấp………...)
• Cấp cho đơn vị:.................................................................................................... • Địa chỉ:................................................................................................................. • Số điện thoại:........................................................................................................ • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số................. ngày….. tháng….. năm….. cơ quan cấp........................................................................................................... • Họ và tên người đại diện hợp pháp:..................................................................... • Được phép kinh doanh các loại hình vận tải bằng xe ô tô: -....................................................................................................................................... -....................................................................................................................................... -....................................................................................................................................... -...
Giấy phép có giá trị đến ngày........../............/............. | ||
| Cơ quan cấp phép | |
2. Kích thước, kiểu chữ, cỡ chữ và màu sắc:
- Giấy phép được in trên khổ giấy A4, nền màu hồng có vân hoa.
- Kiểu chữ, cỡ chữ và màu chữ:
+ Dòng "GIẤY PHÉP” và dòng “KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ” in phông chữ Times New Roman, chữ in hoa, cỡ chữ từ 14 - 18, màu đỏ đậm;
+ Các dòng chữ khác in phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 14 - 16, màu xanh đen.
Tên doanh nghiệp, HTX:... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../........ | ........., ngày... tháng... năm.......... |
PHƯƠNG ÁN
KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ
I. Tổ chức quản lý hoạt động vận tải của đơn vị vận tải:
- Cơ cấu tổ chức: mô hình, chức năng nhiệm vụ các phòng, ban.
- Người điều hành hoạt động vận tải: họ tên, trình độ, chuyên ngành.
- Phương án tổ chức bộ phận an toàn của đơn vị vận tải (chỉ áp dụng đối với đơn vị vận tải đăng ký kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, công-ten-nơ).
II. Phương án kinh doanh của đơn vị vận tải
1. Phương án kinh doanh vận tải hành khách.
a) Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt.
- Tuyến khai thác, số chuyến, hình thức triển khai bán vé.
- Phương tiện: Số lượng, chất lượng phương tiện, gắn thiết bị giám sát hành trình.
- Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe: Số lượng, hạng giấy phép lái xe, tập huấn nghiệp vụ.
- Nơi đỗ xe của đơn vị vận tải: địa điểm, diện tích.
- Chế độ bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện.
- Giá cước: thực hiện các quy định có liên quan.
b) Phương án kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng và xe du lịch.
- Phương tiện: số lượng, chất lượng, gắn thiết bị giám sát hành trình.
- Nơi đỗ xe của đơn vị vận tải: địa điểm, diện tích.
- Các dịch vụ phục vụ hành khách đi xe.
- Chế độ bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện.
- Giá cước: thực hiện các quy định có liên quan.
c) Phương án kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi:
- Màu sơn đăng ký.
- Vị trí gắn hộp đèn xe taxi, nội dung thông tin ghi phía ngoài xe: Số điện thoại, tên đơn vị vận tải.
- Hệ thống điều hành: Địa chỉ trung tâm điều hành, số lượng nhân viên điều hành, trang thiết bị liên lạc.
- Lái xe taxi: số lượng, hạng giấy phép lái xe, trình độ, đồng phục, chế độ tập huấn nghiệp vụ.
- Số lượng phương tiện, chế độ bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện.
- Giá cước: thực hiện các quy định có liên quan.
2. Phương án kinh doanh vận tải hàng hóa
- Đối với kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ thì nêu rõ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
- Lái xe: Số lượng, trình độ, hạng giấy phép lái xe, thâm niên công tác, chế độ tập huấn nghiệp vụ.
- Số lượng phương tiện, chế độ bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện.
| Đại diện doanh nghiệp, HTX |
Tên doanh nghiệp, HTX:... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../........ | ........., ngày... tháng... năm.......... |
KẾ HOẠCH BẢO ĐẢM AN TOÀN GIAO THÔNG
I. Tổ chức đảm bảo an toàn giao thông của đơn vị vận tải
1. Cơ cấu tổ chức: mô hình, chức năng nhiệm vụ các phòng, ban.
2. Người phụ trách bộ phận an toàn: họ tên, trình độ, chuyên ngành.
3. Tổ chức bộ phận theo dõi an toàn giao thông của đơn vị vận tải (chỉ áp dụng đối với đơn vị vận tải đăng ký kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, công-ten-nơ).
II. Kế hoạch tổ chức vận tải an toàn
1. Đối với hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt:
- Kế hoạch đảm bảo an toàn phương tiện: tổng số phương tiện, số xe vận doanh bình quân, kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, nội dung kiểm tra kỹ thuật an toàn phương tiện hàng ngày (bao gồm kiểm tra trạng thái hoạt động của thiết bị giám sát hành trình xe).
- Lịch trình vận tải cho các chuyến xe trong một chu kỳ vận tải (một vòng xe chạy, bao gồm thời gian dừng đón, trả khách và thời gian dừng nghỉ bắt buộc) trên các tuyến đảm bảo không chạy quá tốc độ.
- Kế hoạch tổ chức lao động cho lái xe và nhân viên phục vụ: tổng số lái xe có giấy phép đúng quy định, số lái xe bình quân đủ điều kiện làm việc, hệ số giờ lái xe làm việc/số giờ xe hoạt động trên tuyến và các hệ số tương tự đối với nhân viên phục vụ trên xe.
2. Đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ:
- Kế hoạch đảm bảo an toàn phương tiện: tổng số phương tiện, số xe vận doanh bình quân, kế hoạch bảo dưỡng định kỳ các phương tiện, nội dung kiểm tra kỹ thuật an toàn phương tiện trước khi rời điểm đỗ xe.
- Lịch trình vận tải cho từng hợp đồng (một vòng xe chạy điểm đầu - điểm cuối - điểm đầu bao gồm thời gian dừng nghỉ bắt buộc) trên các hành trình theo hợp đồng đảm bảo không chạy quá tốc độ.
- Kế hoạch tổ chức lao động cho lái xe và nhân viên phục vụ: tổng số lái xe có giấy phép đúng quy định, số lái xe bình quân đủ điều kiện làm việc, hệ số giờ lái xe làm việc/số giờ xe hoạt động trên tuyến và các hệ số tương tự đối với nhân viên phục vụ trên xe.
III. Tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông
Kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ (nếu có).
IV. Kiểm tra, giám sát về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
1. Theo dõi, giám sát việc thực hiện quy định về trật tự, an toàn giao thông của lái xe thông qua thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô:
- Xây dựng phương pháp và biểu mẫu thống kê số lần vi phạm theo các tiêu chí về hành trình, vận tốc, thời gian lái xe liên tục, dừng đỗ không đúng quy định;
- Thủ tục, phương tiện, cách thức cảnh báo cho lái xe trong khi đang điều khiển phương tiện;
- Biện pháp xử lý khi xảy ra tai nạn giao thông đối với phương tiện của đơn vị.
2. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông của lái xe và nhân viên phục vụ (nếu có) trên hành trình.
| Đại diện doanh nghiệp, HTX |
SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI ….. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:............. | ........., ngày... tháng... năm.......... |
ĐÌNH CHỈ KHAI THÁC
TRÊN TUYẾN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CỐ ĐỊNH BẰNG XE Ô TÔ
Kính gửi:.... (tên doanh nghiệp, HTX bị đình chỉ khai thác trên tuyến)
Căn cứ các quy định hiện hành về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định bằng xe ô tô:
Sở Giao thông vận tải yêu cầu.... (tên doanh nghiệp, HTX bị đình chỉ khai thác trên tuyến) ngừng khai thác trên tuyến:
Tên tuyến:.................................................................................................................
Mã số tuyến:.............................................................................................................
Bến đi: Bến xe......................... (thuộc tỉnh (TP)......................................................)
Bến đến: Bến xe............................... (thuộc tỉnh (TP).............................................)
Hành trình chạy xe:...................................................................................................
Từ ngày....... tháng..... năm.................
Lý do đình chỉ: vi phạm điểm..... khoản 2 Điều 19 Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Thời hạn đình chỉ để khắc phục vi phạm:....... ngày, kể từ ngày bị đình chỉ.
Yêu cầu.... (tên doanh nghiệp, HTX bị đình chỉ khai thác trên tuyến)… nộp lại Phù hiệu của các xe ô tô đăng ký khai thác trên tuyến trước ngày....... tháng..... năm.....
Nơi nhận: | GIÁM ĐỐC |
Tên đơn vị kinh doanh: .............. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../........ | ........., ngày... tháng... năm.......... |
GIẤY ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ VẬN TẢI
Kính gửi: Sở GTVT...............
1. Tên đơn vị vận tải:................................................................................................
2. Địa chỉ:..................................................................................................................
3. Số điện thoại (Fax):...............................................................................................
4. Nội dung đăng ký
a) Đối với phương tiện vận tải gồm:
- Nhãn hiệu xe: …………., sức chứa (số ghế hoặc số giường nằm; số chỗ đứng trên xe buýt)…….., trang thiết bị phục vụ hành khách trên xe:..............., giới hạn tuổi xe: từ năm......... đến năm......., tiêu chuẩn khí thải.........................................................................;
- Chế độ bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ:..................................................................
- Chế độ kiểm tra điều kiện kỹ thuật, an toàn và vệ sinh phương tiện trước khi đưa xe ra hoạt động:...........................................................................................
b) Đối với lái xe, nhân viên phục vụ:
- Hạng giấy phép lái xe…… tuổi:............ thâm niên lái xe theo hạng.......................
- Chế độ tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về vận tải hành khách và an toàn giao thông, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phục vụ hành khách:.... (Số lượng và tỷ lệ % lái xe, nhân viên phục vụ trên xe được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ).
c) Cam kết chấp hành phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
d) Quyền lợi của hành khách khi sử dụng dịch vụ vận tải của đơn vị: có ghế ngồi riêng, có chỗ đứng (đối với xe buýt), số lượng hành lý miễn cước (không áp dụng đối với xe taxi), chế độ bảo hiểm, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải.
đ) Dịch vụ cung cấp cho hành khách.
e) Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của hành khách và cơ quan thông tin đại chúng (trong đó nêu rõ bộ phận tiếp nhận và trả lời thông tin phản ánh).
Đơn vị kinh doanh cam kết thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký./.
Nơi nhận: | Đại diện đơn vị kinh doanh |
Tên doanh nghiệp, HTX: ............ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../........ | ........., ngày... tháng... năm.......... |
GIẤY ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ VẬN TẢI TRÊN TUYẾN CỐ ĐỊNH
Kính gửi: Sở GTVT...............
1. Tên đơn vị vận tải:.................................................................................................
2. Địa chỉ:...................................................................................................................
3. Số điện thoại (Fax):................................................................................................
4. Nội dung đăng ký chất lượng dịch vụ trên tuyến:
Tỉnh đi............ tỉnh đến.........; Bến đi........... Bến đến............. như sau:
a) Chất lượng phương tiện: Chất lượng phương tiện, năm sản xuất, số ghế, trang thiết bị phục vụ hành khách, tiêu chuẩn khí thải.
b) Việc chấp hành phương án khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô:
.................................................................................................................................
c) Các quyền lợi của hành khách bao gồm:...... (các dịch vụ phục vụ hành khách, chế độ bảo hiểm, số lượng hành lý mang theo được miễn cước).
d) Địa chỉ, số điện thoại nhận thông tin phản ánh của hành khách:................
Đơn vị kinh doanh cam kết thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký./.
Nơi nhận: | Đại diện doanh nghiệp, HTX |
-------------------
Ghi chú: Trường hợp trên tuyến có nhiều mức chất lượng dịch vụ khác nhau thì đơn vị vận tải đăng ký từng mức theo các nội dung tại mục 4.
PHÙ HIỆU
“XE CHẠY TUYẾN CỐ ĐỊNH”
1. Hình minh họa:
2. Kiểu (phông) chữ và cỡ chữ:
Nội dung | Kiểu chữ | Chiều cao chữ | Chiều rộng chữ |
"Số........../........." | Times New Roman | Cỡ chữ 16 - 18 | |
"XE CHẠY TUYẾN CỐ ĐỊNH" | Times New Roman | 20mm ± 3mm | 15mm ± 3mm |
"Cấp cho:" "Biển số xe:” "Phạm vi hoạt động" "Có giá trị đến" | Times New Roman | Cỡ chữ 16 - 18 |
3. Kích thước phù hiệu:
Chiều dài: Ddài = 200mm ± 20mm
Chiều cao: Ccao = 100mm ± 15mm
4. Mầu sắc của các loại phù hiệu:
a) Viền màu đỏ nhạt, chữ màu đỏ đậm, nền màu xanh nhạt có in chìm hình chiếc xe ô tô khách sử dụng cho xe khách tuyến cố định hoạt động ở cự ly lớn hơn 300km;
b) Viền màu xanh nhạt chữ màu xanh đậm nền mầu hồng nhạt có in chìm hình chiếc xe ô tô khách sử dụng cho xe khách tuyến cố định hoạt động ở cự ly từ 300km trở xuống.
Tên doanh nghiệp, HTX: ............ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../........ | ........., ngày... tháng... năm.......... |
GIẤY ĐĂNG KÝ......(1)..... TUYẾN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CỐ ĐỊNH
Kính gửi: Sở Giao thông vận tải............
1. Tên đơn vị vận tải:................................................................................................
2. Địa chỉ:..................................................................................................................
3. Số điện thoại (Fax):...............................................................................................
4. Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô số:.............. ngày........./...../........... do........... (tên cơ quan cấp)...... cấp.
5. Đăng ký..........................(1).................. tuyến: Mã số tuyến:.................................
Nơi đi:................................................................................ Nơi đến:.......................(2)
Bến đi:................................................................................ Bến đến:........................
Cự ly vận chuyển:.................km
Hành trình chạy xe:...............................................................................................................
6. Công văn chấp thuận khai thác số:............../......... do...... (ghi tên cơ quan cấp) ….. cấp ngày.../...../.....(3)
| Đại diện doanh nghiệp, HTX |
Hướng dẫn ghi:
(1) Ghi một trong các nội dung sau: Mở tuyến/đăng ký khai thác hoặc tăng tần suất chạy xe.
(2) Ghi tên tỉnh (nếu là tuyến liên tỉnh), ghi tên huyện, xã (nơi đặt bến xe, nếu là tuyến nội tỉnh) (3) Chỉ áp dụng với việc đăng ký tăng tần suất chạy xe.
Tên doanh nghiệp, HTX... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../........ | ........., ngày... tháng... năm.......... |
KHAI THÁC TUYẾN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE Ô TÔ
I. Đặc điểm tuyến:
Mã số tuyến:..............................................................................................................
Tên tuyến:............................. đi............................................................ và ngược lại.
Bến đi:........................................................................................................................
Bến đến:.....................................................................................................................
Cự ly vận chuyển:...............................................km.
Lộ trình:.......................................................................................................................
II. Biểu đồ chạy xe:
1. Số chuyến (nốt (tài))................ trong ngày, tuần, tháng.
2. Giờ xuất bến:
a) Chiều đi: xuất bến tại:..................
- Nốt (tài) 1 xuất bến lúc....................... giờ.... phút, vào các ngày..............................
- Nốt (tài) 2 xuất bến lúc....................... giờ..... phút, vào các ngày.............................
-..............
b) Chiều về: xuất bến tại:...................
- Nốt (tài) 1 xuất bến lúc........... giờ.... phút, vào các ngày..........................................
- Nốt (tài) 2 xuất bến lúc........... giờ..... phút, vào các ngày.........................................
-............
3. Thời gian thực hiện một hành trình chạy xe..... giờ... phút.
4. Tốc độ lữ hành:.............. km/h.
5. Lịch trình chạy xe:
a) Chiều đi: xuất bến tại:...................
+ Nốt (tài) 1: Giờ xuất bến:................
TT lần nghỉ | Tên điểm dừng nghỉ | Điện thoại | Địa chỉ | Thời gian đến | Thời gian dừng (phút) |
1. |
|
|
|
|
|
2. |
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
+ Nốt (tài) 2: Giờ xuất bến: ………
TT lần nghỉ | Tên điểm dừng nghỉ | Điện thoại | Địa chỉ | Thời gian đến | Thời gian dừng (phút) |
1. |
|
|
|
|
|
2. |
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
b) Chiều về: xuất bến tại: ……….
+ Nốt (tài) 1: Giờ xuất bến: ………
TT lần nghỉ | Tên điểm dừng nghỉ | Điện thoại | Địa chỉ | Thời gian đến | Thời gian dừng (phút) |
1. |
|
|
|
|
|
2. |
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
+ Nốt (tài) 2: Giờ xuất bến: ………
TT lần nghỉ | Tên điểm dừng nghỉ | Điện thoại | Địa chỉ | Thời gian đến | Thời gian dừng (phút) |
1. |
|
|
|
|
|
2. |
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
III. Đoàn phương tiện:
TT | Nhãn hiệu xe | Năm sản xuất | Sức chứa | Tiêu chuẩn khí thải | Số lượng (chiếc) |
1 |
|
|
|
|
|
2 | … | … | … | … | … |
| Tổng cộng |
|
|
|
|
IV. Phương án bố trí lái xe, nhân viên phục vụ trên xe:
TT | Nốt (tài) | Số lượng lái xe | Số lượng nhân viên phục vụ | Ghi chú |
1 | Nốt (tài) 1 |
|
|
|
2 | Nốt (tài) 2 |
|
|
|
| .... |
|
|
|
V. Giá vé và cước hành lý:
1. Giá vé:
a) Giá vé suốt tuyến:................... đồng/HK. b) Giá vé chặng (nếu có):
- Chặng 1 (từ..... đến.......):........................ đồng/HK.
- Chặng 2 (từ..... đến.......):......................... đồng/HK.
- Chặng................
2. Giá cước hành lý:
a) Hành lý được miễn cước:......................................... kg.
b) Hành lý vượt quá mức miễn cước:......................... đ/kg.
3. Hình thức bán vé
a) Bán vé tại quầy ở bến xe:.....................................................................................
b) Bán vé tại đại lý:......................... (ghi rõ tên đại lý, địa chỉ, điện thoại).................
c) Bán vé qua mạng:.............. (địa chỉ trang web).
| Đại diện doanh nghiệp, HTX |
SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI ….. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:.............. | ........., ngày... tháng... năm.......... |
CHẤP THUẬN
………(1)…. TUYẾN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CỐ ĐỊNH
BẰNG XE Ô TÔ
Kính gửi:......... (tên doanh nghiệp, HTX gửi hồ sơ đăng ký) ........
Căn cứ các quy định hiện hành về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định bằng ô tô:
Sở Giao thông vận tải….. chấp thuận cho……(1)… (2)...:
Tên tuyến:........... đi……...... và ngược lại (3).
Bến đi: Bến xe......................... (thuộc tỉnh (TP)....... (tỉnh đi) .......)
Bến đến: Bến xe............................... (thuộc tỉnh (TP)......(tỉnh đến)....)
Hành trình chạy xe:........................................................................................
Cự ly vận chuyển:........................ km
Mã số tuyến:............................................................ (4)
Số chuyến/ngày/tuần/tháng: …………
Giờ xuất bến:
- Tại bến đi: …….... giờ.... phút, vào các ngày................
- Tại bến đến: ……. giờ.... phút, vào các ngày................
Thời hạn khai thác thử của xe trên tuyến của............. (tên doanh nghiệp, HTX) .................. là............. 06 tháng, kể từ ngày ký văn bản này. (5)
Nơi nhận: | GIÁM ĐỐC |
Ghi chú: (1) Ghi tên doanh nghiệp, HTX gửi hồ sơ đăng ký.
(2) Ghi một trong các nội dung sau: mở tuyến/khai thác tuyến/tăng tần suất chạy xe.
(3) Ghi tên tỉnh (nếu là tuyến liên tỉnh), ghi tên huyện, xã (nơi đặt bến xe, nếu là tuyến nội tỉnh).
(4) Nội dung này không dùng cho trường hợp đăng ký mở tuyến mới trước khi Quy hoạch mạng lưới tuyến được công bố.
(5) Nội dung này chỉ dùng cho trường hợp đăng ký mở tuyến mới trước khi Quy hoạch mạng lưới tuyến được công bố.
Tên doanh nghiệp, HTX: ............ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../........ | ........., ngày... tháng... năm.......... |
GIẤY ĐỀ NGHỊ CÔNG BỐ ĐƯA VÀO KHAI THÁC
TUYẾN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CỐ ĐỊNH
Kính gửi: Sở Giao thông vận tải........
1. Tên đơn vị vận tải:................................................................................................
2. Địa chỉ:..................................................................................................................
3. Số điện thoại (Fax):...............................................................................................
4. Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô số................ ngày......./...../....... cơ quan cấp...........................................................................................................................
5. Văn bản chấp thuận mở tuyến số................/....... ngày....../......../.........
.... (Tên doanh nghiệp, hợp tác xã).... đề nghị Sở Giao thông vận tải (công bố đối với tuyến cố định nội tỉnh) hoặc (báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố đối với tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh) theo quy định.
6. Đề nghị công bố tuyến đưa vào khai thác, thông tin về tuyến:
Nơi đi:.................................. Nơi đến:................................(1)
Bến đi:.................................. Bến đến:...................................
Hành trình chạy xe:............................................................................
Cự ly vận chuyển:................. km
Mã số tuyến:................................
7. Danh sách xe:
TT | Biển kiểm soát | Số ghế | Tên đăng ký sở hữu xe | Nhãn hiệu xe | Nước sản xuất | Năm sản xuất | Tuyến đã được chấp thuận khai thác |
1 |
|
|
|
|
|
| Bến đi.... - Bến đến... |
2 |
|
|
|
|
|
| Bến đi.... - Bến đến... |
|
|
|
|
|
|
|
|
8. Thời điểm đề nghị công bố đưa tuyến vào khai thác: ngày… tháng… năm...
| Đại diện doanh nghiệp, HTX |
(1) Ghi tên tỉnh (nếu là tuyến liên tỉnh), ghi tên huyện, xã (nơi đặt bến xe, nếu là tuyến nội tỉnh).
Tên doanh nghiệp, HTX:...... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../........ | ........., ngày... tháng... năm.......... |
BÁO CÁO
KẾT QUẢ KHAI THÁC THỬ TUYẾN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CỐ ĐỊNH
Kính gửi: Sở Giao thông vận tải............
Thực hiện văn bản chấp thuận mở tuyến số.......... ngày..... tháng..... năm của Sở GTVT...,... (tên doanh nghiệp, hợp tác xã)…. báo cáo kết quả khai thác thử trên tuyến..... (tên tuyến)….. từ ngày…. tháng…. năm…. đến ngày….. tháng… năm… như sau:
I. Kết quả hoạt động vận chuyển hành khách:
1. Về thực hiện biểu đồ chạy xe
• Tổng số chuyến xe (theo văn bản chấp thuận):.....................................................
• Tổng số chuyến xe thực hiện:................................................................................
• Tổng số chuyến xe không thực hiện:....................... nguyên nhân:.......................
• Tỷ lệ chuyến xe thực hiện/Tổng số chuyến xe (theo văn bản chấp thuận):..........
2. Về sản lượng khách
• Tổng sản lượng khách vận chuyển:......................................................................
• Sản lượng khách bình quân/chuyến xe:................................................................
• Sản lượng khách bình quân khi xuất bến/chuyến xe:...........................................
• Hệ số sử dụng ghế xe bình quân:.........................................................................
II. Tình hình thực hiện chất lượng dịch vụ đã đăng ký (báo cáo theo từng nội dung cụ thể trong đăng ký chất lượng dịch vụ)
III. Tình hình vi phạm của phương tiện, lái xe thông qua thiết bị giám sát hành trình (báo cáo 5 thông tin bắt buộc)
IV. Đề xuất, kiến nghị và giải pháp khắc phục:.........................................................
| Đại diện doanh nghiệp/Hợp tác xã |
Cơ quan có thẩm quyền: ....... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../........ | ........., ngày... tháng... năm.......... |
CÔNG BỐ ĐƯA VÀO KHAI THÁC
TUYẾN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CỐ ĐỊNH BẰNG Ô TÔ
Kính gửi:.............................................................(1)
Căn cứ.......(2)............., văn bản đề nghị công bố tuyến của.......(3)........ và báo cáo kết quả khai thác thử của doanh nghiệp, hợp tác xã;.. (tên cơ quan công bố tuyến).... công bố tuyến.................. là tuyến chính thức trong danh mục tuyến vận tải khách cố định........ (liên tỉnh hoặc nội tỉnh) .... như sau:
Tên tuyến: Nơi đi:................................. Nơi đến:......................... và ngược lại (3)
Bến đi: Bến xe...................................... (thuộc.....................................................).
Bến đến: Bến xe.................................... (thuộc....................................................).
Hành trình chạy xe:................................................................................................
Cự ly vận chuyển:................. km
Mã số tuyến:................................
Nơi nhận: | Cơ quan công bố tuyến |
(1) - Đối với tuyến liên tỉnh: Sở GTVT liên quan và doanh nghiệp (HTX) đề nghị công bố tuyến.
- Đối với tuyến nội tỉnh: Tổng cục ĐBVN và DN, HTX đề nghị công bố tuyến.
(2) Quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải cố định của cơ quan có thẩm quyền (sau khi công bố).
(3) - Đối với tuyến liên tỉnh: Sở Giao thông vận tải;
- Đối với tuyến nội tỉnh: Doanh nghiệp (HTX).
(4) Ghi tên tỉnh (nếu là tuyến liên tỉnh), ghi tên huyện, xã (nơi đặt bến xe, nếu là tuyến nội tỉnh).
Tên doanh nghiệp, HTX: ........ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../........ | ........., ngày... tháng... năm.......... |
THÔNG BÁO
......(1)..... TUYẾN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CỐ ĐỊNH
Kính gửi:........ (Sở Giao thông vận tải, Bến xe nơi đi, Bến xe nơi đến) ..........
1. Tên đơn vị vận tải:....................................................................................................
2. Địa chỉ:......................................................................................................................
3. Số điện thoại (Fax):...................................................................................................
4. Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô số:................... ngày........./......../........... do.................... (tên cơ quan cấp)............ cấp.
5. Kể từ ngày......./........./........ Doanh nghiệp (HTX) sẽ..........(1)..... trên tuyến.............
6. Danh sách xe bổ sung hoặc thay thế:
TT | Biển kiểm soát | Số ghế | Tên đăng ký sở hữu xe | Nhãn hiệu xe | Nước sản xuất | Năm sản xuất | Tuyến đã được chấp thuận khai thác |
1 |
|
|
|
|
|
| Bến đi.... - Bến đến... |
2.. |
|
|
|
|
|
| Bến đi.... - Bến đến... |
7. Danh sách xe ngừng:
TT | Biển kiểm soát | Số ghế | Tên đăng ký sở hữu xe | Nhãn hiệu xe | Nước sản xuất | Năm sản xuất | Tuyến đã được chấp thuận khai thác |
1 |
|
|
|
|
|
| Bến đi.... - Bến đến... |
2. |
|
|
|
|
|
| Bến đi.... - Bến đến... |
8. Tần suất giảm.... chuyến, còn....chuyến trên tuyến.
Hướng dẫn ghi:
(1) Ghi một trong các nội dung sau: ngừng khai thác xe (chỉ với trường hợp giảm tần suất chạy xe); ngừng khai thác trên toàn tuyến hoặc bổ sung nhưng không làm tăng tần suất chạy xe, thay thế xe. Nếu là ngừng khai thác xe hoặc ngừng khai thác trên toàn tuyến thì không cần lập danh sách.
TÊN ĐƠN VỊ:........... Điện thoại:............ Mã số thuế:........... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../HHVT-TV | ........., ngày... tháng... năm.......... |
Số:....................................
Dùng cho xe ô tô vận chuyển hành khách tuyến cố định
Có giá trị từ ngày............................ đến ngày..................................
Cấp cho Lái xe 1:........................................... hạng GPLX:................. Lái xe 2:......................................................... hạng GPLX:................. Nhân viên phục vụ trên xe:.................................................................. Biển số đăng ký:................... số ghế:.............. Loại xe:....................... Tuyến:..................................................... Mã số tuyến:....................... Hành trình chạy xe:.............................................................................. | Thủ trưởng đơn vị | |||
Cán bộ kiểm tra kiểm tra xe | ||||
Lượt xe thực hiện | Bến xe đi, đến | Giờ xe chạy | Số khách | Bến xe |
Lượt đi | Bến xe đi:............ | xuất bến |
|
|
Bến xe nơi đến:...... | đến bến |
|
| |
Lượt về | Bến xe đi:............... | xuất bến |
|
|
Bến xe nơi đến:....... | đến bến |
|
| |
LÁI XE 1 | LÁI XE 2 | NHÂN VIÊN PHỤC VỤ TRÊN XE |
* Ghi chú:
- Bến xe ghi vào ô ngày giờ đi đến, đóng dấu.
- Ngoài các nội dung nêu trên, đơn vị kinh doanh vận tải bổ sung các nội dung khác để phục vụ công tác quản lý điều hành của đơn vị.
1. Hình minh họa:
2. Kiểu (phông) chữ và cỡ chữ:
Nội dung | Kiểu chữ | Chiều cao chữ | Chiều rộng chữ |
"Số........../........." | Times New Roman | Cỡ chữ 16 - 18 | |
"XE TAXI" | Times New Roman | 20mm ± 3mm | 15mm ± 3mm |
"Đơn vị: " "Biển đăng ký: “ "Có giá trị đến" | Times New Roman | Cỡ chữ 16 - 18 |
3. Kích thước phù hiệu:
Chiều dài: Ddài = 200mm ± 20mm
Chiều cao: Ccao = 100mm ± 15mm
4. Mầu sắc của phù hiệu:
Chữ bên trong màu xanh đậm, khung viền cùng màu chữ, nền hoa văn của biển hiệu màu hồng nhạt in chìm hình một chiếc xe ô tô 5 chỗ ở chính giữa phù hiệu.
MẪU PHÙ HIỆU TAXI HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
1. Hình minh họa:
2. Kiểu (phông) chữ và cỡ chữ:
Nội dung | Kiểu chữ | Chiều cao chữ | Chiều rộng chữ |
"Số........../........." | Times New Roman | Cỡ chữ 16 - 18 | |
"XE TAXI" | Times New Roman | 20mm ± 3mm | 15mm ± 3mm |
"Đơn vị: " "Biển đăng ký: “ "Có giá trị đến" | Times New Roman | Cỡ chữ 16 - 18 |
3. Kích thước phù hiệu:
Chiều dài: Ddài = 200mm ± 20mm
Chiều cao: Ccao = 100mm ± 15mm
4. Mầu sắc của phù hiệu:
Lô gô biểu tượng Khuê Văn Các màu trắng.
Chữ bên trong màu trắng, nền phù hiệu màu xanh đậm, khung viền cùng màu chữ, trên nền in chìm hình một chiếc xe ô tô 5 chỗ ở chính giữa phù hiệu.
Tên doanh nghiệp, HTX: ...... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../........ | ........., ngày... tháng... năm.......... |
ĐĂNG KÝ BIỂU TRƯNG (LOGO)
CỦA XE TAXI, MÀU SƠN CỦA XE BUÝT
Kính gửi: Sở GTVT.................................................
1. Tên doanh nghiệp/hợp tác xã................................................................................
2. Tên giao dịch quốc tế (nếu có):.............................................................................
3. Trụ sở:...................................................................................................................
4. Số điện thoại (Fax):...............................................................................................
5. Giấy phép kinh doanh vận tải số:........................ do...................................... cấp ngày......... tháng......... năm...................
...... (Tên doanh nghiệp/HTX) .... đăng ký màu sơn xe buýt thuộc đơn vị với đặc trưng như sau:..........................................
.......... (Tên doanh nghiệp/HTX) .... đăng ký biểu trưng (logo) của xe taxi như sau:.............
Xác nhận của Sở Giao thông vận tải | Đại diện doanh nghiệp, HTX |
1. Hình minh họa:
2. Kiểu (phông) chữ và cỡ chữ:
Nội dung | Kiểu chữ | Chiều cao chữ | Chiều rộng chữ |
"Số........../........." | Times New Roman | Cỡ chữ 16 - 18 | |
"XE HỢP ĐỒNG" | Times New Roman | 20mm ± 3mm | 15mm ± 3mm |
"Đơn vị: " "Biển đăng ký: "Có giá trị đến" | Times New Roman | Cỡ chữ 16 - 18 |
3. Kích thước phù hiệu:
Chiều dài: Ddài = 200mm ± 20mm
Chiều cao: Ccao = 100mm ± 15mm
4. Mầu sắc của phù hiệu:
Viền màu đỏ nhạt, nền màu xanh nhạt có in chìm hình một chiếc xe ô tô chở khách. Đối với phù hiệu cấp cho xe chạy trên 300km chữ màu đỏ đậm; cấp cho xe chạy từ 300km trở xuống chữ màu xanh đậm.
Đơn vị kinh doanh: ........... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../........ | ........., ngày... tháng... năm.......... |
DANH SÁCH HÀNH KHÁCH
(Kèm theo Hợp đồng kinh tế số......./.......... ngày...... tháng....... năm......)
STT | Họ tên hành khách | Năm sinh | Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
...... |
|
|
|
| Tổng số:............ người |
|
|
Đơn vị kinh doanh | Đại diện tổ chức, cá nhân bên thuê vận tải |
Ghi chú: Đơn vị kinh doanh đóng dấu treo vào tất cả các trang của danh sách.
Tên đơn vị vận tải: ............... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../........ | ........., ngày... tháng... năm.......... |
GIẤY ĐỀ NGHỊ CẤP (ĐỔI)
PHÙ HIỆU, BIỂN HIỆU
Kính gửi:.......... (Sở Giao thông vận tải)...............
1. Tên đơn vị vận tải:................................................................................................
2. Địa chỉ:..................................................................................................................
3. Số điện thoại (Fax):...............................................................................................
4. Số Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô............. ngày........ tháng........ năm........, nơi cấp.......................................................................................................
Số lượng phù hiệu, biển hiệu chạy xe nộp lại:................
Đề nghị được cấp (đổi): (1).............................. |
|
| Đại diện đơn vị vận tải |
Hướng dẫn cách ghi:
(1) Ghi số lượng phù hiệu, biển hiệu đơn vị xin cấp hoặc đổi theo từng loại.
1. Hình minh họa:
2. Kiểu (phông) chữ và cỡ chữ:
Nội dung | Kiểu chữ | Chiều cao chữ | Chiều rộng chữ |
"Số........../........." | Times New Roman | Cỡ chữ 16 - 18 | |
"XE CÔNG - TEN - NƠ" | Times New Roman | 20mm ± 3mm | 15mm ± 3mm |
"Đơn vị: " "Biển đăng ký: "Có giá trị đến" | Times New Roman | Cỡ chữ 16 - 18 |
3. Kích thước phù hiệu:
Chiều dài: Ddài = 200mm ± 20mm
Chiều cao: Ccao = 100mm ± 15mm
4. Mầu sắc của phù hiệu:
Chữ bên trong màu cam, khung viền cùng màu chữ, nền hoa văn của biển hiệu màu xanh nhạt in chìm hình một chiếc xe công-ten-nơ chỗ ở chính giữa phù hiệu.
TÊN ĐƠN VỊ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../........ | ........., ngày... tháng... năm.......... |
GIẤY ĐỀ NGHỊ CÔNG BỐ ĐƯA
........(tên bến xe hàng)........ VÀO KHAI THÁC
Kính gửi: Sở GTVT.........
1. Tên đơn vị:.............................................................................................................
2. Tên giao dịch quốc tế (nếu có):..............................................................................
3. Trụ sở:....................................................................................................................
4. Số điện thoại (Fax):................................................................................................
5. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số.................. do.................................... cấp ngày........ tháng........ năm.......
6. Sau khi xem xét và đối chiếu với các tiêu chí kỹ thuật bến xe hàng quy định tại Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, chúng tôi đề nghị Sở GTVT......... kiểm tra, xác nhận và công bố đưa........ (tên bến xe hàng)........ thuộc tỉnh:....................... vào khai thác. Cụ thể như sau:
- Tên bến xe:...............................................................................................................
- Địa chỉ: (1).................................................................................................................
- Tổng diện tích đất: (2)...............................................................................................
..... (tên đơn vị)..... cam kết những nội dung trên là đúng thực tế.
Nơi nhận: | Đại diện đơn vị |
Hướng dẫn ghi:
(1) Ghi địa danh, lý trình, địa chỉ của bến xe hàng.
(2) Ghi theo giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất.
UBND tỉnh, TP...... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:............/QĐ-...... | ........., ngày... tháng... năm.......... |
Về việc đưa..... (tên bến xe hàng)...... vào khai thác
GIÁM ĐỐC SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Quyết định số...... ngày....... tháng..... năm..... của Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố........ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giao thông vận tải.
Căn cứ Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Căn cứ văn bản kiểm tra của Sở Giao thông vận tải ngày...../......./.......
Xét đề nghị của.................
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Công bố đưa...... (tên bến xe hàng) ...... vào khai thác với các nội dung sau:
- Tên bến xe hàng:..........................................................................................................
- Tên đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác:.......................................................................
- Địa chỉ (1).....................................................................................................................
- Tổng diện tích đất:........................................................................................................
- Diện tích kho hàng kín:................................................................................................
- Diện tích đỗ xe:............................................................................................................
Điều 2. (bến xe hàng) .......... được kinh doanh, khai thác kể từ ngày ký Quyết định.
Điều 3. Các ông (bà).......,..... (cơ quan, tổ chức thực hiện) ..... và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | Sở Giao thông vận tải |
Hướng dẫn ghi:
(1) Ghi địa danh, lý trình, địa chỉ của Bến xe hàng.
Tên doanh nghiệp, HTX: ...... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../........ | ........., ngày... tháng... năm.......... |
BÁO CÁO
KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH
Kính gửi: Sở Giao thông vận tải............
Thực hiện chế độ báo cáo quy định tại Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ...... (tên đơn vị vận tải) ..... báo cáo kết quả hoạt động vận tải của đơn vị trong quý...... năm...... như sau:
1. Kết quả hoạt động vận chuyển hành khách theo tuyến cố định:
TT | Chỉ tiêu | Đơn vị | Ghi chú |
1 | Số tuyến tham gia khai thác | Tuyến |
|
| - Tuyến nội tỉnh | -nt- |
|
| - Tuyến liên tỉnh | -nt- |
|
2 | Số lượng phương tiện | xe |
|
| - Tuyến nội tỉnh | -nt- |
|
| - Tuyến liên tỉnh | -nt- |
|
3 | Tổng số chuyến xe thực hiện | Chuyến |
|
| - Tuyến nội tỉnh | Chuyến |
|
| Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch | % |
|
| - Tuyến liên tỉnh | Chuyến |
|
| Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch | % |
|
2. Kết quả hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe buýt:
TT | Chỉ tiêu | Đơn vị | Ghi chú |
1 | Số tuyến tham gia khai thác | Tuyến |
|
| - Số tuyến có trợ giá | -nt- |
|
2 | Số lượng phương tiện | xe |
|
3 | Tổng số chuyến xe thực hiện | Chuyến |
|
4 | Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch | % |
|
5 | Sản lượng khách vận chuyển | Lượt khách |
|
6 | Trợ giá (nếu có) | 1000đ |
|
3. Kết quả hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe taxi:
TT | Chỉ tiêu | Đơn vị | Ghi chú |
1 | Số lượng phương tiện | xe |
|
2 | Lượt xe thực hiện | Lượt |
|
3 | Sản lượng khách vận chuyển | Lượt khách |
|
4. Kết quả hoạt động vận chuyển hành khách theo hợp đồng:
TT | Chỉ tiêu | Đơn vị | Ghi chú |
1 | Số lượng phương tiện | xe |
|
| - Sức chứa dưới 25 chỗ | -nt- |
|
| - Sức chứa từ 25 - 38 chỗ | -nt- |
|
| - Sức chứa từ trên 38 chỗ | -nt- |
|
2 | Số chuyến xe thực hiện | Chuyến |
|
3 | Sản lượng khách vận chuyển | Lượt khách |
|
5. Kết quả hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe du lịch:
TT | Chỉ tiêu | Đơn vị | Ghi chú |
1 | Số lượng phương tiện | xe |
|
2 | Số chuyến xe thực hiện | Chuyến |
|
3 | Sản lượng khách vận chuyển | Lượt khách |
|
6. Kết quả thực hiện kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông (báo cáo theo các nội dung của Kế hoạch quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư này).
7. Thuận lợi, khó khăn:..............
8. Đề xuất, kiến nghị:.................
| Đại diện doanh nghiệp/Hợp tác xã |
Tên Đơn vị kinh doanh | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../........ | ........., ngày... tháng... năm.......... |
BÁO CÁO
KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA
Kính gửi: Sở Giao thông vận tải............
Thực hiện chế độ báo cáo quy định tại Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ...... (tên đơn vị vận tải) ..... báo cáo kết quả hoạt động vận tải của đơn vị trong quý...... năm...... như sau:
1. Kết quả hoạt động vận chuyển hàng hóa
TT | Chỉ tiêu | Đơn vị | Ghi chú |
1 | Số lượng phương tiện | xe |
|
| - Xe công ten nơ | -nt- |
|
| - Xe taxi tải | -nt- |
|
| - Xe tải khác | -nt- |
|
2 | Sản lượng hàng hóa vận chuyển | Tấn |
|
| - Xe Công ten nơ | -nt- |
|
| - Xe taxi tải | -nt- |
|
| - Xe tải khác | -nt- |
|
2. Kết quả thực hiện kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông (báo cáo theo các nội dung của Kế hoạch quy định tại Phụ lục 4 Thông tư này).
3. Thuận lợi, khó khăn:........
4. Đề xuất, kiến nghị:...........
| Đại diện đơn vị kinh doanh |
SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../........ | ........., ngày... tháng... năm.......... |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI NĂM........
Kính gửi: Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Thực hiện chế độ báo cáo quy định tại Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ...... (Sở GTVT làm báo cáo) ..... báo cáo kết quả hoạt động vận tải trên địa bàn địa phương trong năm...... như sau:
1. Kết quả hoạt động vận chuyển hành khách
a) Vận chuyển hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định
TT | Chỉ tiêu | Đơn vị | Ghi chú |
1 | Tổng số đơn vị vận tải trên địa bàn | Đơn vị |
|
| - Doanh nghiệp | -nt- |
|
| - Hợp tác xã | -nt- |
|
2 | Tổng số tuyến | Tuyến |
|
| - Tuyến nội tỉnh | -nt- |
|
| - Tuyến liên tỉnh | -nt- |
|
3 | Tổng số phương tiện | xe |
|
| - Tuyến nội tỉnh | -nt- |
|
| - Tuyến liên tỉnh | -nt- |
|
4 | Tổng chuyến xe thực hiện | Chuyến |
|
| - Tuyến nội tỉnh | -nt- |
|
| Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch | % |
|
| - Tuyến liên tỉnh | Chuyến |
|
| Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch | % |
|
* Ghi chú: Chỉ tổng hợp số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, HTX có trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh tại địa phương.
b) Vận chuyển hành khách theo hợp đồng
TT | Chỉ tiêu | Đơn vị | Ghi chú |
1 | Tổng số đơn vị tham gia | Đơn vị |
|
| - Doanh nghiệp | -nt- |
|
| - Hợp tác xã | -nt- |
|
| - Hộ kinh doanh | -nt- |
|
2 | Tổng số phương tiện | xe |
|
| - Sức chứa dưới 25 chỗ | -nt- |
|
| - Sức chứa từ 25 - 38 chỗ | -nt- |
|
| - Sức chứa từ trên 38 chỗ | -nt- |
|
3 | Số chuyến xe thực hiện | Chuyến |
|
4 | Sản lượng khách vận chuyển | Lượt khách |
|
c) Vận chuyển hành khách bằng xe du lịch
TT | Chỉ tiêu | Đơn vị | Ghi chú |
1 | Tổng số đơn vị tham gia | Đơn vị |
|
| - Doanh nghiệp | -nt- |
|
| - Hợp tác xã | -nt- |
|
| - Hộ kinh doanh | -nt- |
|
2 | Tổng số phương tiện | xe |
|
| - Sức chứa dưới 25 chỗ -nt- |
|
|
| - Sức chứa từ 25 - 38 chỗ | -nt- |
|
| - Sức chứa từ trên 38 chỗ | -nt- |
|
3 | Số chuyến xe thực hiện | Chuyến |
|
4 | Sản lượng khách vận chuyển | Lượt khách |
|
d) Vận chuyển hành khách bằng xe buýt
TT | Chỉ tiêu | Đơn vị | Ghi chú |
1 | Tổng số tuyến | Tuyến |
|
| - Số tuyến có trợ giá (nếu có) | -nt- |
|
2 | Tổng phương tiện | xe |
|
3 | Tổng số chuyến xe thực hiện | Chuyến |
|
4 | Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch | % |
|
5 | Tổng trợ giá (nếu có) | Tr.đ |
|
2. Kết quả hoạt động vận tải hàng hóa
TT | Chỉ tiêu | Đơn vị | Ghi chú |
1 | Tổng phương tiện | xe |
|
| - Xe Công ten nơ | -nt- |
|
| - Xe taxi tải | -nt- |
|
| - Xe tải khác | -nt- |
|
2 | Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển | Tấn |
|
| - Xe Công ten nơ | -nt- |
|
| - Xe taxi tải | -nt- |
|
| - Xe tải khác | -nt- |
|
3. Kết quả thực hiện kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông (báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện của các đơn vị trên địa bàn).
4. Thuận lợi, khó khăn:........
5. Đề xuất, kiến nghị:..........
Nơi nhận: | GIÁM ĐỐC |
Tên doanh nghiệp, HTX: ...... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:....../........ | ........., ngày... tháng... năm.......... |
ĐỀ NGHỊ XÁC NHẬN TÌNH TRẠNG CỦA XE Ô TÔ
THAM GIA KINH DOANH VẬN TẢI
Kính gửi: Sở GTVT...(1)...............................................
1. Tên doanh nghiệp/ hợp tác xã................................................................................
2. Trụ sở:....................................................................................................................
3. Số điện thoại (Fax):................................................................................................
4. Giấy phép kinh doanh vận tải số:....................... do................................................ cấp ngày......... tháng......... năm...................
Đề nghị Sở Giao thông vận tải....(1).... xác nhận xe ô tô mang biển số.... thuộc sở hữu (quyền sử dụng hợp pháp) của..... (tên doanh nghiệp/HTX) .... chưa được cấp Phù hiệu để hoạt động kinh doanh vận tải.............:
Trên địa bàn....(2)
Trên tuyến: tên tuyến:........ đi......... và ngược lại (2); Mã số tuyến:............. (mục này chỉ dành cho xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định).
Xác nhận của Sở Giao thông vận tải | Đại diện doanh nghiệp, HTX |
Hướng dẫn ghi:
(1) Ghi tên Sở Giao thông vận tải địa phương nơi phương tiện mang biển số đăng ký.
(2) Ghi tên tỉnh.
NIÊM YẾT THÔNG TIN TRÊN Ô TÔ TẢI, Ô TÔ ĐẦU KÉO, RƠ MOÓC, SƠ MI RƠ MOÓC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
I. Ô TÔ TẢI
a) Vị trí: Trên cánh cửa xe
b) Nội dung, hình thức
II. Ô TÔ ĐẦU KÉO
a) Vị trí: Trên cánh cửa xe
b) Nội dung, hình thức:
(1): Khối lượng toàn bộ của sơ mi rơ moóc phân bố lên cơ cấu kéo (mâm xoay)
III. RƠ MOÓC, SƠ MI RƠ MOÓC
a) Vị trí:
- Trường hợp rơ moóc và sơ mi rơ moóc có thành thùng chở hàng: Mặt ngoài hai bên thành thùng.
- Trường hợp rơ moóc và sơ mi rơ moóc không có thành thùng chở hàng: Niêm yết thông tin trên bảng bằng kim loại (kích thước Dài x Rộng: 300 đến 400mm x 200mm) được gắn với khung xe tại vị trí dễ quan sát bên cạnh hoặc phía sau. Khoảng cách từ cạnh thấp nhất của bảng tới mặt đường không được nhỏ hơn 500mm (nếu gắn ở bên cạnh) và 700 mm (nếu gắn ở phía sau).
b) Nội dung, hình thức:
MẪU GIẤY VẬN TẢI
(Ban hành kèm theo Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
GIẤY VẬN TẢI
Số:......... Có giá trị đến......
1. Thông tin về đơn vị vận tải | 2. Thông tin về người lái xe |
Tên đơn vị vận tải | Họ tên lái xe |
Địa chỉ | Giấy phép lái xe số: |
Số điện thoại liên hệ | Số điện thoại liên hệ |
3. Thông tin về người thuê vận chuyển | 4. Thông tin về hợp đồng vận tải |
Tên người thuê vận chuyển | Số hợp đồng |
Địa chỉ | Ngày tháng năm |
5. Thông tin về chuyến đi | 6. Thông tin về hàng hóa |
Tuyến vận chuyển | Tên hàng hóa |
Điểm xếp hàng | Khối lượng hàng hóa |
Điểm giao hàng | Thông tin khác |
Thời gian giao hàng |
|
Tổng số Km |
|
7. Thông tin về xe ô tô chở hàng | 8. Thông tin về rơ moóc, sơ mi rơ moóc |
Biển số xe Khối lượng hàng được phép chở Khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông Khối lượng thực tế hàng hóa chuyên chở trên xe | Biển số rơ moóc, sơ mi rơ moóc Khối lượng hàng được phép chở Khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông Khối lượng thực tế hàng hóa chuyên chở trên xe |
| ....., ngày… tháng… năm……. |
9. Thông tin về xếp, dỡ hàng lên xe Xếp, dỡ lần 1: Địa điểm xếp:.... Khối lượng hàng:.... Thời gian xếp hàng:.... Người xếp hàng (họ tên, ký):.... Địa điểm dỡ:...... Khối lượng hàng:.... Thời gian dỡ hàng:..... Người xếp hàng (họ tên, ký):.... Xếp, dỡ lần 2: Địa điểm xếp:.... Khối lượng hàng:..... Thời gian xếp hàng:... Người xếp hàng (họ tên, ký):.... Địa điểm dỡ:..... Khối lượng hàng:..... Thời gian dỡ hàng:..... Người xếp hàng (họ tên, ký):.... Xếp, dỡ lần 3: Địa điểm xếp:.... Khối lượng hàng:.... Thời gian xếp hàng:.... Người xếp hàng (họ tên, ký):.... Địa điểm dỡ:..... Khối lượng hàng:.... Thời gian dỡ hàng:...... Người xếp hàng (họ tên, ký):.... |
| ....., ngày… tháng… năm…… |
Ghi chú:
- Tùy theo yêu cầu quản lý, Người vận tải có thể bổ sung các thông tin khác ngoài các thông tin đã nêu trên.
- Người xếp hàng chịu trách nhiệm kê khai mục số 9, còn lại do đơn vị vận tải kê khai.
1 Thông tư số 23/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ có căn cứ ban hành như sau:
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Nghị định số 93/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định, trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
2 Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 23/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2014.
3 Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 23/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2014.
4 Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 23/2014/ TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2014.
5 Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 23/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2014.
6 Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 1 của Thông tư số 23/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2014.
7 Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 1 của Thông tư số 23/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2014.
8 Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Thông tư số 23/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2014.
9 Điều 3 của Thông tư số 23/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/ TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và Thông tư số 55/2013/ TT-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2014 quy định như sau:
“Điều 3. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2014.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng thuộc Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết./.”
10 Phụ lục này được bổ sung theo quy định tại khoản 7 Điều 1 và Phụ lục I của Thông tư số 23/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2014.
11 Phụ lục này được bổ sung theo quy định tại khoản 7 Điều 1 và Phụ lục II của Thông tư số 23/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2014.
12 Phụ lục này được bổ sung theo quy định tại khoản 7 Điều 1 và Phụ lục III của Thông tư số 23/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2014.
- 1Thông tư 18/2013/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Thông tư 23/2014/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 18/2013/TT-BGTVT về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và Thông tư 55/2013/TT-BGTVT về trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Văn bản hợp nhất 15/VBHN-BGTVT năm 2014 hợp nhất Thông tư quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 15/VBHN-BGTVT
- Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
- Ngày ban hành: 18/08/2014
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Đinh La Thăng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 795 đến số 796
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra