Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/VBHN-BGTVT | Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 2021 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM VÀ XỬ LÝ VI PHẠM ĐỐI VỚI TỔ CHỨC, CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Thông tư số 26/2013/TT-BGTVT ngày 10 tháng 09 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức ngành Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2013 được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 35/2020/TT-BGTVT ngày 23 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường thủy nội địa có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021.
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 26 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức;
Căn cứ Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức ngành Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa[1].
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức ngành Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, bao gồm: quản lý, bảo trì đường thủy nội địa; thanh tra chuyên ngành giao thông đường thủy nội địa; công bố, cấp giấy phép hoạt động cảng, bến thủy nội địa; cấp giấy phép hoạt động vận tải thủy nội địa và quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức ngành Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa (sau đây gọi tắt là cán bộ, công chức, viên chức).
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
Điều 3. Trách nhiệm của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.
2. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; kịp thời chấn chỉnh những sai sót, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
3. Trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức tuân thủ nội quy an toàn lao động trên phương tiện thủy nội địa.
4. Định kỳ tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức về bảo đảm an toàn giao thông, thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
Điều 4. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương.
2. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc phạm vi trách nhiệm; kịp thời chấn chỉnh những sai sót, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi thẩm quyền.
3. Trang bị đủ phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức tuân thủ nội quy an toàn lao động trên phương tiện thủy nội địa thuộc phạm vi trách nhiệm.
4. Định kỳ tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức về bảo đảm an toàn giao thông, thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
5.[2] Báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương, chi tiết báo cáo như sau:
a) Tên báo cáo: Báo cáo tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương;
b) Nội dung báo cáo: Các nội dung liên quan đến tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Phương thức gửi, nhận báo cáo: Báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử. Báo cáo được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau: gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, fax, qua hệ thống thư điện tử, hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật;
d) Tần suất báo cáo: Định kỳ hàng tháng;
đ) Thời hạn gửi báo cáo: Trước ngày 18 của tháng thuộc kỳ báo cáo;
e) Thời gian chốt số liệu báo cáo: Tính từ ngày 15 tháng trước đến ngày 14 của tháng thuộc kỳ báo cáo;
g) Mẫu đề báo cáo: Theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 5. Trách nhiệm của Cảng vụ Đường thủy nội địa
Cảng vụ Đường thủy nội địa có trách nhiệm thực hiện theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, Thông tư số 34/2010/TT-BGTVT ngày 08 tháng 11 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ Đường thủy nội địa và Thông tư số 25/2010/TT-BGTVT ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa, cụ thể như sau:
1. Thực hiện đúng quy trình kiểm tra việc chấp hành những quy định của pháp luật về giao thông vận tải và bảo vệ môi trường của phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện; phương tiện, thiết bị bốc xếp hàng hóa; công trình cảng, bến thủy, luồng, hệ thống báo hiệu trong khu vực vùng nước cảng, bến thủy nội địa.
2. Thông báo kịp thời, chính xác tình hình luồng cho phương tiện, tàu biển vào, rời cảng, bến thủy nội địa.
3. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân đúng quy định của pháp luật về phạm vi trách nhiệm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, hình thức và mức xử phạt; lưu trữ hồ sơ kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đúng quy định.
4. Thu các khoản phí, lệ phí đúng đối tượng, đúng mức thu; thực hiện nghiêm túc quy định chế độ thu, nộp tiền phí, lệ phí; sổ sách, biên lai phải ghi rõ ràng, cụ thể, không được tẩy xóa.
5. Khi thực thi công vụ, Cảng vụ viên phải mặc đúng trang phục, đeo cấp hiệu, biển hiệu; tư thế, tác phong nghiêm túc.
Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép
1. Tổ chức công khai các thủ tục hành chính liên quan đến việc giải quyết hồ sơ, cấp giấy phép theo phân cấp để tổ chức, cá nhân có liên quan biết.
2. Phân công, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng bộ phận, từng cán bộ, công chức trực tiếp tham gia quá trình giải quyết yêu cầu của các tổ chức, cá nhân liên quan; bố trí đủ người có trình độ, năng lực và kỹ năng xử lý hồ sơ; bảo đảm các điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác thụ lý hồ sơ và cấp giấy phép.
3. Kiểm tra quá trình xử lý thông tin của hồ sơ, cấp giấy phép đúng đối tượng, có ký nhận; thu lệ phí và thực hiện lưu trữ, bảo quản hồ sơ theo quy định.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan quản lý đường thủy nội địa
1. Lập hồ sơ quản lý hành lang an toàn đường thủy nội địa.
2. Tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ công trình đường thủy nội địa.
3. Theo dõi tình hình hư hại công trình đường thủy nội địa; tổ chức kiểm tra thường xuyên, phát hiện kịp thời những hư hỏng và các vi phạm về bảo vệ an toàn công trình đường thủy nội địa, tiến hành xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp xử lý theo quy định.
4. Định kỳ tháng, quý, năm kiểm tra tình trạng kỹ thuật; kiểm tra đột xuất sau mỗi đợt lũ, bão hoặc các tác động bất thường khác.
5. Thực hiện đếm và vẽ biểu đồ lưu lượng phương tiện vận tải; theo dõi và vẽ biểu đồ mực nước.
6. Lập biểu mẫu theo dõi số vụ tai nạn, thiệt hại do tai nạn, xác định nguyên nhân ban đầu của từng vụ tai nạn. Phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương để giải quyết tai nạn giao thông theo thẩm quyền.
7. Phân luồng, tổ chức giao thông, chống va trôi; lập hồ sơ các vị trí vật chướng ngại, theo dõi kết quả các vật chướng ngại đã được xử lý.
8. Trực đảm bảo giao thông; theo dõi tình hình thời tiết, thủy văn, bão lũ, các sự cố công trình, xử lý và báo cáo theo quy định.
9. Cập nhật các số liệu có liên quan về công trình đường thủy nội địa, hành lang an toàn đường thủy nội địa theo quy định.
Điều 8. Trách nhiệm của đơn vị bảo trì công trình đường thủy nội địa
Thực hiện theo các quy định tại Điều 9 Thông tư số 17/2013/TT-BGTVT ngày 05 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý và bảo trì công trình đường thủy nội địa.
Điều 9. Trách nhiệm chung đối với cán bộ, công chức, viên chức
1. Chịu trách nhiệm trước thủ trưởng trực tiếp và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.
2. Thực hiện đầy đủ công việc được giao, tuân thủ đúng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
3. Bảo đảm tính trung thực, khách quan, chính xác và kịp thời khi thực hiện nhiệm vụ.
4. Thực hiện đúng quy định về quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp khi tiếp xúc với đối tượng thanh tra, kiểm tra.
5. Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, làm trái với quy định.
Điều 10. Trách nhiệm của Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành
1. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khi thi hành công vụ phải tuyệt đối chấp hành những quy định của pháp luật về thanh tra và các quy định pháp luật có liên quan.
2. Việc kết luận tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải căn cứ quy định của pháp luật.
3. Xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm phải đúng quy định của pháp luật về phạm vi trách nhiệm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, hình thức và mức xử phạt; lưu trữ hồ sơ thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính đúng quy định; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo kết quả thanh tra.
4. Trong khi thực thi công vụ, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải mặc đúng trang phục, mang cấp hiệu, biển hiệu; tư thế, tác phong nghiêm túc, tôn trọng đối tượng thanh tra, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân được thanh tra.
5. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải từ chối và không được tham gia Đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra độc lập trong trường hợp bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của mình là đối tượng thanh tra hoặc giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra.
Chương III
HÌNH THỨC XỬ LÝ VI PHẠM ĐỐI VỚI TỔ CHỨC CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
Điều 11. Xử lý vi phạm cán bộ, công chức, viên chức
Cán bộ, công chức, viên chức, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được giao nhiệm vụ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa vi phạm một trong các quy định của Thông tư này, tùy theo vị trí công tác và mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, Nghị định số 41/CP ngày 06 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất và Nghị định số 33/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ bổ sung một số điều của Nghị định số 41/CP.
Điều 12. Xử lý vi phạm của lãnh đạo cấp trên do trách nhiệm liên đới
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp trên của cơ quan quản lý đường thủy nội địa, đơn vị bảo trì công trình đường thủy nội địa, Cảng vụ Đường thủy nội địa, Thanh tra giao thông, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tùy theo mức độ liên đới vi phạm bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP và Nghị định số 41/CP.
Điều 13. Thẩm quyền xử lý vi phạm
1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định xử lý vi phạm đối với Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các chức danh khác theo thẩm quyền.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định xử lý vi phạm đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải và các chức danh khác theo thẩm quyền.
3. Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam
a) Quyết định xử lý vi phạm của thủ trưởng cơ quan quản lý đường thủy nội địa, đơn vị bảo trì công trình đường thủy nội địa, Cảng vụ Đường thủy nội địa, Chi cục Đường thủy nội địa, cơ quan tham mưu nghiệp vụ và cán bộ thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc quyền quản lý của Cục;
b) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi thẻ thanh tra viên của Thanh tra viên, thẻ công chức thanh tra chuyên ngành của công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành có vi phạm.
4. Giám đốc Sở Giao thông vận tải
a) Quyết định xử lý vi phạm của thủ trưởng cơ quan quản lý đường thủy nội địa, đơn vị bảo trì công trình đường thủy nội địa, Cảng vụ Đường thủy nội địa, cơ quan tham mưu nghiệp vụ và cán bộ thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc quyền quản lý của Sở;
b) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi thẻ thanh tra viên của Thanh tra viên, thẻ kiểm tra giao thông vận tải của người thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành có vi phạm.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[3]
Điều 14. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2013.
Điều 15. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
| XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC 1[4]
(Kèm theo Thông tư số 35/2020/TT-BGTVT ngày 23 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) .
PHỤ LỤC
Mẫu đề cương báo cáo tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa
TÊN CQ, TC CHỦ QUẢN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /…..-…… | ……, ngày ……. tháng …… năm ….. |
BÁO CÁO
Tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa
1. Công tác chỉ đạo điều hành bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa tại địa phương
2. Công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa
3. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa
4. Tình hình tai nạn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn
5. Khó khăn, vướng mắc
6. Kiến nghị, đề xuất
| THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ |
1 Thông tư số 35/2020/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường thủy nội địa có căn cứ ban hành như sau:
"Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước;
Theo đề nghị của Chánh văn phòng Bộ và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường thủy nội địa.”
[2] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 35/2020/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường thủy nội địa, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021.
[3] Điều 11 và Điều 12 của Thông tư số 35/2020/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường thủy nội địa, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021 quy định như sau:
"Điều 11. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021.
Điều 12. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.”
[4] Phụ lục này được bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 35/2020/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường thủy nội địa, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021.
- 1Thông tư 26/2013/TT-BGTVT quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cán bộ, công, viên chức ngành Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Thông tư 35/2020/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Văn bản hợp nhất 13/VBHN-BGTVT năm 2021 hợp nhất Thông tư quy định về trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức ngành Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 13/VBHN-BGTVT
- Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
- Ngày ban hành: 22/06/2021
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Nguyễn Văn Thể
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra