Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/VBHN-BCT

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

CƠ CHẾ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CÁC DỰ ÁN ĐIỆN GIÓ TẠI VIỆT NAM

Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 06 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện gió tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 8 năm 2011, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 06 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện gió tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2018.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, [1]

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

2. Đối tượng điều chỉnh của Quyết định này gồm các tổ chức tham gia các hoạt động điện lực có liên quan đến phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quyết định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị trực thuộc được ủy quyền.

2. Bên bán điện là doanh nghiệp sản xuất, vận hành kinh doanh bán điện từ các dự án điện gió.

3. Công trình điện gió là tổ hợp đồng bộ của các tua bin gió, máy phát điện, các thiết bị đồng bộ và kết cấu xây dựng khác sử dụng năng lượng gió để phát điện.

4. Dự án điện gió bao gồm một hoặc nhiều công trình điện gió.

5. Dự án điện gió nối lưới là dự án điện gió được xây dựng đấu nối vào lưới điện quốc gia để cung cấp một phần hoặc toàn bộ điện năng sản xuất.

6. Điểm đấu nối là vị trí mà đường dây của Bên bán điện đấu nối vào hệ thống điện của Bên mua điện.

7. Điểm giao nhận điện là điểm đo đếm sản lượng điện bán ra của Bên bán điện.

8. Dự án điện gió không nối lưới là dự án điện gió xây dựng để cung cấp toàn bộ điện năng cho các hộ sử dụng trong khu vực, không đấu nối với lưới điện quốc gia.

9. Chủ đầu tư dự án điện gió là tổ chức thực hiện hoạt động đầu tư các dự án điện gió theo quy định của pháp luật Việt Nam.

10. Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió là hợp đồng mua bán điện do Bộ Công Thương ban hành để áp dụng trong giao dịch mua bán điện được sản xuất từ dự án điện gió nối lưới giữa Bên bán điện và Bên mua điện.

11. Hạng mục chính của công trình điện gió bao gồm trụ gió, tua bin, máy phát điện và trạm biến áp.

12. [2] Dự án điện gió trong đất liền là các dự án điện gió nối lưới có tuabin điện gió được xây dựng và vận hành trên đất liền và vùng đất ven biển có ranh giới ngoài là đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm (18,6 năm).

13. [3] Dự án điện gió trên biển là các dự án điện gió nối lưới có tuabin điện gió được xây dựng và vận hành nằm ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm (18,6 năm) ra ngoài khơi.

14. [4] Ngày vận hành thương mại là ngày một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới sẵn sàng bán điện cho Bên mua điện và thỏa mãn các điều kiện sau:

a) Nhà máy điện hoàn thành các thử nghiệm ban đầu đối với một phần hoặc toàn bộ của nhà máy điện gió nối lưới và các trang thiết bị đấu nối;

b) Nhà máy điện đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện;

c) Bên bán điện và Bên mua điện chốt chỉ số công tơ để bắt đầu thanh toán.

Chương II

QUY HOẠCH VÀ PHÁT TRIỂN ĐIỆN GIÓ

Điều 3.[5] (được bãi bỏ)

Điều 4. [6] (được bãi bỏ)

Điều 5. [7] (được bãi bỏ)

Điều 6. [8] Đầu tư xây dựng các dự án điện gió

1. Việc đầu tư xây dựng dự án điện gió phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Việc đầu tư xây dựng các dự án điện gió được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình..

Điều 7. Đấu nối dự án điện gió vào hệ thống điện, điều độ vận hành nhà máy điện gió

1. Đấu nối dự án điện gió vào lưới điện quốc gia phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực phê duyệt. Điểm đấu nối do Bên bán điện và Bên mua điện thỏa thuận trên nguyên tắc Bên bán điện chịu trách nhiệm đầu tư đường dây tải điện tới điểm đấu nối vào lưới điện quốc gia hiện có gần nhất trong quy hoạch phát triển điện lực tỉnh. Trường hợp điểm đấu nối vào lưới điện quốc gia là thuộc dự án đầu tư lưới điện mới chưa thực hiện, Bên bán điện phải thỏa thuận với Bên mua điện để đồng bộ tiến độ đầu tư dự án điện gió và dự án đầu tư phát triển lưới điện. Trường hợp không thỏa thuận được điểm đấu nối, Bên bán điện có trách nhiệm trình Bộ Công Thương xem xét, quyết định.

2. Chủ đầu tư dự án điện gió chịu trách nhiệm đầu tư, vận hành, bảo dưỡng đường dây và trạm biến áp tăng áp (nếu có) từ nhà máy điện của bên bán đến điểm đấu nối theo thỏa thuận đấu nối với Bên mua điện.

3. Tùy theo cấp điện áp đấu nối, Đơn vị phân phối điện hoặc Đơn vị truyền tải điện có trách nhiệm đầu tư đường dây tải điện từ điểm đấu nối vào lưới điện quốc gia theo quy hoạch phát triển điện lực được duyệt và ký thỏa thuận đấu nối với chủ đầu tư các dự án điện gió.

4. Sau khi hoàn thành đầu tư và nghiệm thu đưa vào vận hành thương mại, đơn vị điều độ hệ thống điện và vận hành thị trường điện chịu trách nhiệm huy động nhà máy điện gió theo chế độ ưu tiên khai thác toàn bộ công suất và điện năng phát phù hợp với chế độ gió của khu vực nhà máy.

Điều 8. [9] Khởi công xây dựng công trình điện gió

Chủ đầu tư chỉ được phép khởi công xây dựng công trình điện gió khi đáp ứng các điều kiện khởi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng, có hợp đồng mua bán điện đã ký với Bên mua điện, có Thỏa thuận đấu nối với Đơn vị phân phối hoặc Đơn vị truyền tải điện và có báo cáo số liệu đo gió trong khoảng thời gian liên tục ít nhất là 12 tháng.

Điều 9. [10] (được bãi bỏ)

Điều 10. [11] Chế độ báo cáo

1. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi bản sao Quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được chứng thực về Bộ Công Thương để theo dõi quản lý.

2. Hằng năm, trước ngày 15 tháng 01 và ngày 15 tháng 7, Ủy ban nhân dân các tỉnh có các dự án điện gió phải có báo cáo định kỳ 6 tháng liền trước về hoạt động đăng ký đầu tư và tình hình triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh gửi Bộ Công Thương để quản lý, theo dõi thực hiện.

Chương III

CƠ CHẾ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DỰ ÁN ĐIỆN GIÓ

Điều 11. Trách nhiệm mua điện từ các dự án điện gió

1. Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nhà máy điện gió nối lưới thuộc địa bàn do mình quản lý.

2. Việc mua bán điện được thực hiện thông qua hợp đồng mua bán điện được lập theo Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện gió nối lưới do Bộ Công Thương ban hành. Hợp đồng mua bán điện mẫu có các nội dung chính sau:

a) Thời gian hợp đồng là hai mươi (20) năm kể từ ngày vận hành thương mại. Bên bán điện có thể kéo dài thời gian hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới với Bên mua điện theo quy định hiện hành.

b) Giá mua điện cơ sở và nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện trong thời gian hợp đồng.

c) Thỏa thuận về đấu nối, đo đếm và vận hành nhà máy điện gió.

d) Thỏa thuận về lập hóa đơn và thanh toán.

Điều 12. Ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí

1. Huy động vốn đầu tư:

a) Nhà đầu tư được huy động vốn dưới các hình thức pháp luật cho phép từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện các dự án điện gió.

b) Các dự án điện gió được hưởng các ưu đãi theo quy định hiện hành về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

2. Thuế nhập khẩu: dự án điện gió được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án, hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu và các quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

3. Thuế thu nhập doanh nghiệp: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện gió được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều 13. Ưu đãi về hạ tầng đất đai

1. Các dự án điện gió và công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện quốc gia được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.

2. Căn cứ vào quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giao đất để chủ đầu tư thực hiện các dự án điện gió. Việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đất đai.

Điều 14. [12] Giá điện đối với dự án điện gió nối lưới

1. Bên mua có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với giá mua điện tại điểm giao nhận điện như sau:

a) Đối với các dự án điện gió trong đất liền: Giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 8,5 Uscents/kWh, tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam và đồng Đô la Mỹ được tính theo tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 30 tháng 8 năm 2018 là 22.683 đồng/USD). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD;

b) Đối với các dự án điện gió trên biển: Giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,8 UScent/kWh, tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam và đồng Đô la Mỹ được tính theo tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 30 tháng 8 năm 2018 là 22.683 đồng/USD). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

2. Chi phí mua điện từ các dự án điện gió được tính toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào của phương án giá bán điện hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

3. Giá mua điện tại khoản 1 Điều này được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 01 tháng 11 năm 2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

4. Các dự án điện gió đã vận hành phát điện trước thời điểm ban hành Quyết định này được áp dụng mức giá mua điện tại khoản 1 Điều này kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực cho thời gian còn lại của Hợp đồng mua bán điện đã ký.

5. Các dự án điện gió áp dụng giá mua điện theo quy định này sẽ không được áp dụng cơ chế giá cho sản lượng điện của dự án theo các quy định hiện hành khác.

6. Bộ Công Thương có trách nhiệm đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về cơ chế đấu giá phát triển điện gió, giá mua điện gió áp dụng từ ngày 01 tháng 11 năm 2021.

Điều 15. Ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án điện gió không nối lưới

1. Dự án điện gió không nối lưới được hưởng ưu đãi, hỗ trợ quy định tại Điều 12, Điều 13 Quyết định này.

2. Chủ đầu tư xây dựng đề án giá điện và xác định tổng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trình Bộ Công Thương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Trách nhiệm của các Bộ, địa phương đối với dự án điện gió

1. Bộ Công Thương

a) Có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn và phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này.

b) Ban hành Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió.

c) Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật về công nghệ điện gió.

d) Rà soát, quy định về quản lý quá trình đầu tư xây dựng các dự án điện gió; [13]

đ) Nghiên cứu và đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất thiết bị điện gió trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong dự án điện gió. [14]

2. [15] (được bãi bỏ)

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nhà đầu tư về giải phóng mặt bằng, hạ tầng, nguồn nhân lực để đầu tư, thực hiện các dự án điện gió.

b) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương đối với các dự án điện gió.

c) Theo dõi, giám sát, kiểm tra thực hiện các dự án điện gió tại địa phương theo thẩm quyền.

Điều 17. [16] Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 8 năm 2011.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức liên quan đến hoạt động phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Bộ Tư pháp (để theo dõi);
- Website Bộ Công Thương;
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật;
- Lưu: VT, ĐL, PC.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

BỘ TRƯỞNG




Trần Tuấn Anh

 



[1] Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 06 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện gió tại Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2018, có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện gió tại Việt Nam.”

[2] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 06 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện gió tại Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2018

[3] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2018

[4] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2018

[5] Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2018

[6] Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2018

[7] Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2018

[8] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2018

[9] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2018

[10] Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2018

[11] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2018

[12] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2018

[13] Điểm này được bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2018

[14] Điểm này được bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2018

[15] Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2018

[16] Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 06 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện gió tại Việt Nam quy định Hiệu lực thi hành như sau:

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2018.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức liên quan đến hoạt động phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Văn bản hợp nhất 05/VBHN-BCT năm 2019 hợp nhất Quyết định cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện gió tại Việt Nam do Bộ Công Thương ban hành

  • Số hiệu: 05/VBHN-BCT
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 01/08/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Trần Tuấn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 619 đến số 620
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản