Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/VBHN-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2020

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ THÀNH LẬP VÀ QUẢN LÝ QUỸ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai, có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 12 năm 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020;

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.[1]

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về việc thành lập; đối tượng và mức đóng góp; quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai (sau đây gọi tắt là Quỹ).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đang sinh sống, hoạt động hoặc tham gia phòng, chống thiên tai tại Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ

1. Việc quản lý và sử dụng Quỹ phải đảm bảo đúng mục đích, kịp thời, công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả.

2. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

Điều 4. Thành lập Quỹ

1.[2] Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý. Tồn Quỹ cuối năm được chuyển sang năm sau.

2.[3] Cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai là cơ quan quản lý Quỹ; sử dụng bộ máy của mình để thực hiện nhiệm vụ quản lý Quỹ theo quy định của pháp luật, có con dấu và được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước, tổ chức hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm quản lý Quỹ. Giám đốc Quỹ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Quỹ; ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trực thuộc tổ chức công tác thu Quỹ.

Chương II

ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC ĐÓNG GÓP QUỸ

Điều 5. Đối tượng và mức đóng góp

1. Các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn[4]:

Mức đóng góp bắt buộc một năm là hai phần vạn trên tổng giá trị tài sản hiện có tại Việt Nam theo báo cáo tài chính hàng năm nhưng tối thiểu 500 nghìn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.

2. Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp như sau:

a) Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp;

b) Người lao động trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng;

c) Người lao động khác, trừ các đối tượng đã được quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, đóng 15.000 đồng/người/năm.

3. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện cho Quỹ.

Điều 6. Đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp

1. Đối tượng được miễn đóng góp:

a) Thương binh, bệnh binh và những người được hưởng chính sách như thương binh;

b) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sỹ;

c) Quân nhân làm nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân đang hưởng phụ cấp sinh hoạt phí;

d) Sinh viên, học sinh đang theo học tập trung, dài hạn tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học, Dạy nghề;

đ) Người khuyết tật hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; người mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên;

e) Người đang trong giai đoạn thất nghiệp hoặc không có việc làm từ 6 tháng trong 1 năm trở lên;

g)[5] Thành viên hộ gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo; thành viên thuộc hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, tai nạn; thành viên thuộc hộ gia đình ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung của các văn bản nêu trên (nếu có);

h) Hợp tác xã không có nguồn thu;

i) Tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn4 trong năm bị thiệt hại do thiên tai gây ra về tài sản, nhà xưởng, thiết bị, phải tu sửa, mua sắm với giá trị lớn hơn hai phần vạn tổng giá trị tài sản của tổ chức hoặc phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 5 ngày trở lên.

2. Đối tượng được giảm, tạm hoãn đóng góp:

Tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn4 được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì được xem xét giảm, tạm hoãn đóng góp Quỹ.

Điều 7. Thẩm quyền quyết định miễn, giảm, tạm hoãn và thời hạn được miễn, giảm, tạm hoãn

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định miễn, giảm, tạm hoãn đối với các đối tượng được quy định tại Điều 6 Nghị định này.

2. Việc xét miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp Quỹ của địa phương được tiến hành mỗi năm một lần vào thời điểm giao chỉ tiêu kế hoạch thu Quỹ. Trường hợp miễn, giảm, tạm hoãn do thiệt hại thiên tai, tổ chức, cá nhân phải báo cáo thiệt hại và đề xuất chính quyền địa phương để tổng hợp gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn, giảm, tạm hoãn. Trường hợp đối tượng đã đóng góp tiền nộp vào Quỹ, nếu được xét miễn, giảm, tạm hoãn thì số tiền đã nộp được trừ vào số tiền đóng góp của năm sau.

Chương III

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ

Điều 8. Quản lý thu, kế hoạch thu nộp Quỹ

1. Thủ trưởng tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn4 có trách nhiệm nộp Quỹ theo định mức được quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này chuyển vào tài khoản của cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh hoặc tài khoản cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền.

2. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, nhân viên trong lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý và chuyển vào tài khoản của cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh hoặc vào tài khoản cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thu của các đối tượng lao động khác trên địa bàn (trừ các đối tượng đã thu tại Khoản 2 Điều này) và nộp vào tài khoản cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền. Việc thu bằng tiền mặt phải có chứng từ theo mẫu của Bộ Tài chính.

4. Thời hạn nộp Quỹ: Đối với cá nhân nộp một lần trước 30 tháng 5 hàng năm; đối với tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn4 nộp tối thiểu 50% số phải nộp trước 30 tháng 5, số còn lại nộp trước 30 tháng 10 hàng năm.

5. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ đối tượng, mức đóng góp thuộc phạm vi quản lý, các đối tượng miễn, giảm, tạm hoãn để xây dựng kế hoạch thu của cơ quan, đơn vị và địa phương.

6.[6] Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn việc lập, phê duyệt, thông báo kế hoạch thu Quỹ đối với từng cơ quan, đơn vị có liên quan; Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp trong việc hỗ trợ thu quỹ, lập kế hoạch thu Quỹ và cung cấp thông tin tổng giá trị tài sản hiện có tại Việt Nam theo báo cáo tài chính hàng năm đối với các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn cho cơ quan quản lý Quỹ.

Điều 9. Nội dung chi của Quỹ

1.[7] Chi hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai và ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động quy định tại điểm a, b, c khoản 3 Điều 10 Luật Phòng, chống thiên tai và các hoạt động sau đây:

a) Cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học, xử lý môi trường vùng thiên tai, tu sửa nhà sơ tán phòng tránh thiên tai; tháo bỏ hạng mục, vật cản gây nguy cơ rủi ro thiên tai; tu sửa, xử lý khẩn cấp đê, kè, cống và công trình phòng chống thiên tai được hỗ trợ kinh phí tối đa không quá 3 tỷ đồng/1 công trình.

b) Hỗ trợ các hoạt động ứng phó thiên tai: Sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm; chăm sóc y tế; thực phẩm, nước uống cho người dân nơi sơ tán đến; hỗ trợ quan trắc, thông tin, thông báo, cảnh báo thiên tai tại cộng đồng; tuần tra, kiểm tra phát hiện khu vực nguy cơ xảy ra rủi ro thiên tai, sự cố công trình phòng chống thiên tai.

c) Hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa: Xây dựng và phổ biến tuyên truyền kiến thức pháp luật; lập, rà soát kế hoạch phòng, chống thiên tai; tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức cho các lực lượng tham gia công tác phòng chống thiên tai các cấp ở địa phương và cộng đồng; diễn tập phòng, chống thiên tai ở các cấp; tập huấn và duy trì hoạt động cho các đối tượng tham gia hộ đê, lực lượng quản lý đê nhân dân, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

2.[8] Hỗ trợ chi thù lao cho lực lượng trực tiếp thu và các chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu Quỹ nhưng không vượt quá 3% tổng số thu.

3. Được điều chuyển để hỗ trợ các địa phương khác bị thiệt hại do thiên tai vượt quá khả năng khắc phục của địa phương.

Điều 9a. Phân bổ Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh[9]

1. Căn cứ nội dung chi của Quỹ tại khoản 1 Điều 9 của Nghị định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp và giao Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã sử dụng nguồn thu từ Quỹ phòng, chống thiên tai nhưng tối đa không quá 20% số thu trên địa bàn cấp huyện, xã để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai ở cấp của mình.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế hoạt động, hướng dẫn nội dung chi, mức chi và việc quản lý, sử dụng Quỹ, bao gồm cả phần kinh phí giao Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Điều 10. Thẩm quyền chi Quỹ

1.[10] Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã quyết định mức chi và nội dung chi cho các đối tượng theo đề nghị của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cùng cấp.

2. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ của Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, tổ chức liên quan, đề xuất trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Căn cứ vào số thu Quỹ thực tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc xuất Quỹ hỗ trợ cho các địa phương khác.

4. Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển Quỹ của địa phương này để hỗ trợ địa phương khác được quy định như sau:

a) Trường hợp điều chuyển cấp bách để hỗ trợ địa phương chịu ảnh hưởng thiên tai nghiêm trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai thống nhất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định;

b) Căn cứ báo cáo kết quả thu, chi Quỹ hàng năm của địa phương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính xây dựng phương án xử lý số tồn dư Quỹ của địa phương, đảm bảo duy trì số tồn dư của Quỹ tại địa phương và điều chuyển hỗ trợ địa phương khác gặp khó khăn do thiên tai nghiêm trọng; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 11. Báo cáo, phê duyệt quyết toán

1. Cơ quan quản lý Quỹ có trách nhiệm báo cáo quyết toán thu, chi Quỹ năm trước với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vào Quỹ I năm sau. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan liên quan tổ chức thẩm tra, phê duyệt quyết toán Quỹ theo quy định hiện hành.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo kết quả thu, chi Quỹ với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính.

3.[11] Quỹ thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán hiện hành và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 12. Thanh tra, kiểm toán, giám sát hoạt động Quỹ

1. Quỹ phòng, chống thiên tai chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước theo quy định.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ. Có biện pháp đôn đốc các cơ quan, tổ chức, các nhân thực hiện nghiêm túc trách nhiệm, nghĩa vụ nộp Quỹ theo quy định của pháp luật.

3. Mặt trận tổ quốc cấp tỉnh, các tổ chức Hội có liên quan đến Quỹ được quyền yêu cầu cung cấp thông tin về Quỹ và thực hiện quyền giám sát thông qua các ý kiến, đề xuất, phản biện.

Điều 13. Công khai nguồn thu, chi Quỹ

1. Cơ quan, đơn vị, tổ chức phải công khai danh sách thu, nộp Quỹ của cá nhân cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Hình thức công khai: Thông báo bằng văn bản, niêm yết tại đơn vị; công bố tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị. Thời điểm công khai chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày hoàn thành công việc thu nộp.

2. Cấp xã phải công khai kết quả thu nộp, danh sách người lao động đã đóng Quỹ trên địa bàn xã; tổng kinh phí được cấp cho công tác phòng, chống thiên tai và nội dung chi. Hình thức công khai: Báo cáo giải trình công khai tại cuộc họp tổng kết hàng năm; niêm yết tại trụ sở Ủy ban, Trung tâm văn hóa các thôn và thông báo trên phương tiện truyền thanh xã.

3. Cơ quan quản lý Quỹ công khai kết quả thu, danh sách và mức thu đối với từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và từng huyện; báo cáo quyết toán thu chi; nội dung chi theo địa bàn cấp huyện. Hình thức công khai: Niêm yết tại trụ sở Quỹ; thông báo bằng văn bản tới cơ quan, tổ chức đóng góp Quỹ; công khai trên website của cơ quan Quỹ.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM VÀ NGHĨA VỤ CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN

Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ liên quan

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc thu, chi Quỹ; chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động Quỹ; chỉ đạo việc công khai Quỹ theo quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật liên quan.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức thu, nộp Quỹ theo quy định tại Điều 8 Chương III Nghị định này.

3. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ liên quan có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này; hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện Quỹ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 15. Nghĩa vụ của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn4 và cá nhân có nghĩa vụ đóng góp Quỹ

Tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn4 và cá nhân quy định tại Điều 5 Chương II Nghị định này có nghĩa vụ đóng góp cho Quỹ theo quy định.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[12]

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 12 năm 2014.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 50/CP ngày 10 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ ban hành quy chế thành lập và hoạt động của Quỹ phòng, chống lụt, bão của địa phương.

3. Đối với các tổ chức, cá nhân đã đóng góp Quỹ phòng, chống lụt, bão năm 2014 theo mức đóng góp quy định tại Nghị định số 50/CP ngày 10 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ trước khi Nghị định này có hiệu lực thì được miễn đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai năm 2014; số dư Quỹ phòng, chống lụt bão được bàn giao cho cơ quan quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai để quản lý, sử dụng theo quy định của Nghị định này.

Điều 17. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Hiệp

 



[1] Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai (sau đây viết tắt là Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019), có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

“Căn cứ Luật phòng chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

“Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

“Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.”

[2] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

[3] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

[4] Cụm từ “tổ chức kinh tế hạch toán độc lập” được thay thế bởi cụm từ “tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn” theo quy định tại Điều 2 của Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

[5] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

[6] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

[7] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

[8] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

[9] Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

[10] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

[11] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 7 Điều 1 của Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

[12] Điều 3, 4 của Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 quy định như sau:

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

Điều 4. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.”

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Văn bản hợp nhất 04/VBHN-BNNPTNT năm 2020 hợp nhất Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 04/VBHN-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 01/07/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Hoàng Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 721 đến số 722
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản