Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/VBHN-BCA

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN CỤ THỂ VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP ĐƯA VÀO CƠ SỞ GIÁO DỤC

Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2003, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Nghị định số 125/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2008.

2. Nghị định số 118/2010/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về việc áp dụng
biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2011.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an[1],

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định cụ thể về đối tượng; trình tự, thủ tục đưa người vào cơ sở giáo dục; tổ chức cơ sở giáo dục; chế độ quản lý người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục và những quy định khác có liên quan đến việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.

Điều 2. Đưa vào cơ sở giáo dục

1. Đưa vào cơ sở giáo dục là biện pháp xử lý hành chính nhằm giúp đỡ, giáo dục người có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 3 Nghị định này có điều kiện học văn hoá, học nghề, lao động và sinh hoạt dưới sự quản lý của cơ sở giáo dục để sửa chữa lỗi lầm, sớm trở thành công dân lương thiện, có ích cho xã hội.

2. Việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục là từ sáu tháng đến hai năm.

Điều 3. Đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục[2]

1. Người có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây có tính chất thường xuyên (có từ hai lần vi phạm trở lên trong thời hạn 12 tháng), nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú nhất định:

a) Xâm phạm sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài;

b) Xâm phạm tài sản của tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài;

c) Đua xe trái phép; tàng trữ, sử dụng vũ khí thô sơ;

d) Gây rối trật tự công cộng; chống người thi hành công vụ;

đ) Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

e) Tổ chức cưỡng ép, lôi kéo, dụ dỗ người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép;

g) Đánh bạc;

h) Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc;

i) Tổ chức, môi giới mại dâm, chứa mại dâm;

k) Tổ chức thực hiện hoặc thực hiện các hành vi mê tín để trục lợi bất chính;

l) Các hành vi khác vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội.

2. Người nghiện ma túy thực hiện hành vi vi phạm pháp luật vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh mà thuộc loại côn đồ hung hãn nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Người đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh, trong giai đoạn cắt cơn, phục hồi hành vi nhân cách mà có hành vi vi phạm các quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 và khoản 2 Điều 25 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 từ hai lần trở lên trong 6 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 3b. Các trường hợp không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục[3]

1. Người nước ngoài.

2. Người chưa đủ 18 tuổi.

3. Người trên 55 tuổi đối với nữ, trên 60 tuổi đối với nam.

Thời điểm tính độ tuổi nêu tại khoản 2, khoản 3 Điều này là ngày ký quyết định đưa vào cơ sở giáo dục. Căn cứ pháp lý để xác định độ tuổi là Giấy khai sinh, nếu không có Giấy khai sinh thì phải căn cứ vào Giấy chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu. Trong trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì căn cứ vào lời khai và tài liệu có giá trị khác để xác định độ tuổi.

Trường hợp người đã bị lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục, nhưng đến ngày ký quyết định đưa vào cơ sở giáo dục thì họ đã trên 55 tuổi đối với nữ, trên 60 tuổi đối với nam hoặc người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục mà bỏ trốn, đến khi bị bắt lại, đã trên 55 tuổi đối với nữ, trên 60 tuổi đối với nam thì không ra quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, trường hợp đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi quyết định đó và chuyển hồ sơ để Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với họ theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục

Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục là một năm, kể từ khi đối tượng bị áp dụng biện pháp này thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định này.

Nếu trong thời hạn nêu trên, người có hành vi vi phạm cố tình trốn tránh thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu được tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Điều 5. Nguyên tắc xử lý

1. Mọi hành vi vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định này đều phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

2. Việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục phải bảo đảm đúng người, đúng hành vi vi phạm, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này.

Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.

3. Khi quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục phải căn cứ vào quy định của pháp luật; căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, nhân thân của người vi phạm và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hành chính để quyết định cho phù hợp.

4. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục phải học tập, lao động và sinh hoạt dưới sự quản lý của cơ sở giáo dục để trở thành công dân có ích cho xã hội.

5. Người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục được tạo điều kiện hoà nhập với cộng đồng để làm ăn, sinh sống lương thiện; khi có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính thì được coi như chưa bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.

Điều 6. Thành lập và quản lý cơ sở giáo dục[4]

1. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ sở giáo dục trong phạm vi cả nước.

Cơ sở giáo dục được thành lập theo từng khu vực. Trường hợp địa phương có nhiều đối tượng thuộc diện cần áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập phương án đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định thành lập cơ sở giáo dục tại địa phương mình.

2. Cơ sở giáo dục được quy hoạch, thiết kế, xây dựng theo quy định thống nhất của Bộ Công an, nhằm bảo đảm phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của công tác quản lý, giáo dục, cai nghiện, chữa bệnh, dạy nghề cho trại viên và bảo đảm các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường.

3. Bộ Công an thống nhất quản lý các cơ sở giáo dục trong phạm vi cả nước; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chương trình giáo dục cho trại viên; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc tổ chức dạy nghề và phối hợp với Bộ Y tế trong việc tổ chức cai nghiện ma túy, phòng bệnh, chữa bệnh cho trại viên cơ sở giáo dục.

Điều 7. Kinh phí bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục[5]

1. Kinh phí bảo đảm cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện và tổ chức hoạt động của cơ sở giáo dục; cho việc lập, xét duyệt hồ sơ; cho việc tổ chức đưa người vào cơ sở giáo dục, truy tìm đối tượng bỏ trốn; cho ăn, mặc, ở, học tập, phòng bệnh, chữa bệnh, cai nghiện ma túy cho trại viên do ngân sách nhà nước cân đối, bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công an.

2. Cơ sở giáo dục được tiếp nhận sự tài trợ, giúp đỡ về vật chất của các tổ chức, cá nhân; được tham gia hợp đồng, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh tế theo quy định của pháp luật để tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của cơ sở giáo dục.

Điều 8. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trại viên là người đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục tại cơ sở giáo dục.

2. Người đang ốm nặng là người đang ở trong tình trạng bị bệnh nặng đến mức không còn khả năng lao động và sinh hoạt bình thường hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và theo chỉ định của bác sĩ phải điều trị trong một thời gian nhất định mới có thể bình phục trở lại.

3. Người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế coi là bệnh hiểm nghèo.

4. Gia đình đang gặp khó khăn đặc biệt là các trường hợp người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục là người lao động duy nhất để đảm bảo cuộc sống gia đình; gia đình bị thiên tai, hoả hoạn lớn hoặc có thân nhân bị ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà ngoài người đó ra không còn ai khác để khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn hoặc chăm sóc người bệnh.

Chương II

THỦ TỤC ĐƯA NGƯỜI VÀO CƠ SỞ GIÁO DỤC

Điều 9. Lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục[6]

1. Công an các cấp có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở giáo dục.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục cư trú (đối với người có nơi cư trú nhất định) hoặc nơi người đó thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (đối với người không có nơi cư trú nhất định) xem xét, lập hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở giáo dục gửi Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Công an cấp huyện). Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan Công an cấp huyện có trách nhiệm xác minh, thẩm tra hồ sơ, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan công an cùng cấp chuyển đến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, gửi hồ sơ kèm theo văn bản trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định đưa người vào cơ sở giáo dục đến Thường trực Hội đồng Tư vấn (tại Công an cấp tỉnh) để thẩm định, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh). Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Thường trực Hội đồng Tư vấn phải gửi hồ sơ đến các thành viên Hội đồng Tư vấn.

Hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở giáo dục gồm có bản tóm tắt lý lịch, biên bản, tài liệu về các vi phạm pháp luật của người đó; văn bản về các biện pháp giáo dục đã được áp dụng (đối với người có nơi cư trú nhất định); nhận xét của cơ quan Công an, ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội cùng cấp liên quan.

3. Trường hợp đối tượng do cơ quan Công an cấp huyện, cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, thụ lý, điều tra trong các vụ vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định này thì cơ quan Công an đang thụ lý phải xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp để đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.

Hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở giáo dục trong trường hợp này gồm có bản tóm tắt lý lịch, tài liệu về các vi phạm pháp luật của người đó; bản trích lục án và các biện pháp giáo dục đã bị áp dụng (nếu có).

4. Trường hợp đối tượng do cơ quan Công an cấp huyện thụ lý, lập hồ sơ gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp theo quy định tại khoản 3 Điều này thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải gửi hồ sơ, kèm theo văn bản đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục đến Thường trực Hội đồng Tư vấn (tại Công an cấp tỉnh) để thẩm định, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

5. Trong trường hợp cơ quan Công an cấp tỉnh lập hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở giáo dục theo quy định tại khoản 3 Điều này thì Giám đốc Công an cấp tỉnh báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp và gửi hồ sơ đến các thành viên Hội đồng Tư vấn.

6. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Công an cùng cấp tổ chức quản lý chặt chẽ các đối tượng đang trong thời gian lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục; trường hợp đối tượng không có nơi cư trú nhất định, có biểu hiện lẩn trốn, gây khó khăn cho quá trình lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục thì Trưởng Công an cấp huyện làm văn bản báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh ra quyết định quản lý họ tại Công an cấp tỉnh trong thời hạn không quá 15 ngày theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định này để lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục.

Điều 10. Hội đồng tư vấn về việc đưa vào cơ sở giáo dục

1. Hội đồng tư vấn về việc đưa vào cơ sở giáo dục do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập gồm Giám đốc Công an, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, trong đó Giám đốc Công an là thường trực Hội đồng tư vấn. Thường trực Hội đồng tư vấn có trách nhiệm chuẩn bị tài liệu, tổ chức và chủ trì các cuộc họp của Hội đồng.

2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Hội đồng tư vấn có trách nhiệm xem xét hồ sơ và tổ chức cuộc họp để xét duyệt hồ sơ, làm báo cáo trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Hội đồng tư vấn làm việc theo chế độ tập thể, kết luận theo đa số. Trường hợp các ý kiến biểu quyết ngang nhau thì quyết định theo ý kiến có biểu quyết của thường trực Hội đồng tư vấn. Các ý kiến khác nhau phải được ghi vào biên bản cuộc họp gửi kèm theo báo cáo trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

3. Đại diện Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được mời tham dự phiên họp của Hội đồng tư vấn.

Điều 11. Chuyển hồ sơ của đối tượng có dấu hiệu phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự

Khi xem xét hồ sơ của đối tượng để đề xuất hoặc quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, nếu xét thấy các hành vi vi phạm của người đó có dấu hiệu của tội phạm thì người có thẩm quyền phải làm công văn và chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự.

Điều 12. Xử lý trường hợp một người vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh[7]

1. Trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh thì áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh. Cơ quan đã thụ lý hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ đó cho cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ, xét duyệt đưa vào cơ sở chữa bệnh để tiến hành các thủ tục đưa vào cơ sở chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

2. Trong trường hợp đối tượng nghiện ma túy thuộc loại côn đồ hung hãn thì áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục. Cơ quan đã thụ lý hồ sơ đưa vào cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ đó cho cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ, xét duyệt đưa vào cơ sở giáo dục để tiến hành các thủ tục đưa vào cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này thì Giám đốc cơ sở chữa bệnh lập hồ sơ gửi Thường trực Hội đồng Tư vấn (tại Công an cấp tỉnh) để thẩm định, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đối với người đó theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định này. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục trong trường hợp này không phải chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh.

Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục trong trường hợp này bao gồm:

a) Toàn bộ hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; biên bản, tài liệu về các vi phạm pháp luật của người đó trong thời gian chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh và các biện pháp giáo dục đã được áp dụng đối với họ;

b) Văn bản đề nghị của Giám đốc cơ sở chữa bệnh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Các tài liệu khác liên quan đến việc đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đối với người đó.

Điều 13. Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục[8]

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở giáo dục trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của Hội đồng Tư vấn.

2. Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và phải được gửi ngay cho Công an cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, cơ sở chữa bệnh đối với trường hợp đối tượng bị đưa vào cơ sở giáo dục là người đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh và giao cho người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục trước khi thi hành.

3. Nội dung quyết định đưa vào cơ sở giáo dục phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị đưa vào cơ sở giáo dục; hành vi vi phạm pháp luật của người đó; điều, khoản của văn bản được áp dụng; thời hạn phải chấp hành quyết định; nơi chấp hành quyết định theo hướng dẫn của Bộ Công an; quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định đưa vào cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Thi hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục[9]

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định, Công an cấp tỉnh hoặc cơ sở chữa bệnh đối với trường hợp người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này phải tổ chức đưa người đó vào cơ sở giáo dục.

Thời hạn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục được tính từ ngày người bị áp dụng biện pháp này được đưa đi cơ sở giáo dục.

2. Khi nhận được quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Công an cấp tỉnh trong việc đảm bảo thi hành quyết định đó.

3. Trong trường hợp cần phải có thời gian để tiến hành các thủ tục trước khi đưa người có quyết định vào cơ sở giáo dục thì Giám đốc Công an cấp tỉnh ra quyết định quản lý họ tại Công an cấp tỉnh trong thời hạn không quá 15 ngày để tiến hành các thủ tục cần thiết.

Thời gian bị quản lý tại Công an cấp tỉnh được tính vào thời hạn chấp hành quyết định tại cơ sở giáo dục.

Chế độ ăn, ở của người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục trong thời gian bị quản lý tại Công an cấp tỉnh được hưởng như chế độ ăn, ở của trại viên trong cơ sở giáo dục.

Công an cấp tỉnh phải bố trí nơi dành riêng cho việc quản lý người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục trong thời gian họ bị quản lý tại Công an tỉnh.

Bộ Công an hướng dẫn cụ thể việc quản lý đối tượng tại Công an cấp tỉnh đối với các trường hợp nêu trên và các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định này.

4. Khi đưa người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục phải có hồ sơ kèm theo; hồ sơ gồm có:

a) Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục; quyết định lưu giữ hành chính tại Công an cấp tỉnh (nếu có);

b) Bản tóm tắt lý lịch và hành vi vi phạm pháp luật của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

c) Danh bản của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

d) Những tài liệu cần thiết khác liên quan đến nhân thân của người phải chấp hành quyết định và để phục vụ cho việc quản lý, giáo dục người đó (nếu có).

5. Khi tiếp nhận người có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục phải đối chiếu, kiểm tra người được giao nhận với hồ sơ, chứng minh nhân dân và giấy tờ tùy thân khác của người đó và lập biên bản giao nhận, ghi rõ những tài liệu có trong hồ sơ, tình trạng sức khoẻ hiện tại của người được giao nhận; tư trang, đồ dùng cá nhân mang theo và những vấn đề khác liên quan đến việc giao nhận đối tượng.

Điều 15. Cưỡng chế thi hành quyết định

Người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, nếu không tự giác chấp hành hoặc có hành vi chống đối thì có thể bị khoá tay, áp giải hoặc bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết khác theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Công an để buộc người đó phải chấp hành quyết định. Trường hợp hành vi chống đối có dấu hiệu của tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

Điều 16. Thời hiệu thi hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục[10]

1. Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục hết thời hiệu thi hành sau 01 năm, kể từ ngày ra quyết định. Trường hợp người bị đưa vào cơ sở giáo dục cố tình trốn tránh việc thi hành thì thời hiệu nêu trên được tính lại kể từ thời điểm hành vi trốn tránh được chấm dứt.

2. Trường hợp người bị đưa vào cơ sở giáo dục thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian bỏ trốn và bị Toà án xử phạt tù giam thì sau khi chấp hành xong hình phạt tù giam, người đó phải tiếp tục chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục; trường hợp hình phạt do Tòa án tuyên không phải là hình phạt tù giam thì phải chấp hành ngay quyết định đưa vào cơ sở giáo dục theo quy định của Nghị định này.

Điều 17. Truy tìm và bắt giữ đối tượng đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bỏ trốn

1. Người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục mà bỏ trốn trước khi được đưa vào cơ sở thì Trưởng Công an cấp huyện nơi người đó cư trú hoặc nơi đã lập hồ sơ ra quyết định truy tìm.

2. Trường hợp trại viên cơ sở giáo dục bỏ trốn thì Giám đốc cơ sở giáo dục ra quyết định truy tìm. Thời gian trốn khỏi cơ sở giáo dục không được tính vào thời hạn chấp hành quyết định.

3. Cơ quan đã ra quyết định truy tìm có trách nhiệm tổ chức truy tìm, bắt giữ đối tượng bỏ trốn. Khi tiến hành bắt giữ, nếu đối tượng có hành vi chống đối thì được áp dụng những biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định tại Điều 15 Nghị định này để buộc người đó phải chấp hành.

Uỷ ban nhân dân và Công an các cấp có trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ các cơ quan nói trên trong việc truy tìm, bắt giữ đối tượng bỏ trốn.

Khi phát hiện đối tượng có quyết định truy tìm, mọi người đều có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan Công an, Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất hoặc bắt và dẫn giải ngay đối tượng đến các cơ quan nói trên.

4. Khi bắt được đối tượng bỏ trốn hoặc nhận bàn giao đối tượng, cơ quan Công an phải lập biên bản, lấy lời khai của người đó; đồng thời, thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy tìm biết để đến nhận đối tượng.

Khi nhận được thông báo, cơ quan đã ra quyết định truy tìm phải cử người đến ngay để nhận đối tượng và đưa họ về cơ sở giáo dục; việc giao nhận đối tượng phải được lập biên bản theo đúng quy định.

Trong thời gian chờ cơ quan đã ra quyết định truy tìm đến nhận đối tượng, nếu cần thiết thì người có thẩm quyền có thể ra quyết định tạm giữ hành chính theo quy định của pháp luật hoặc chuyển đối tượng lên Công an cấp tỉnh để quản lý họ theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này.

Nghiêm cấm việc tạm giữ đối tượng trong các phòng tạm giữ, tạm giam hình sự hoặc những nơi không bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người bị tạm giữ hành chính.

Điều 18. Hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục

1. Người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục nhưng chưa đến chấp hành quyết định tại cơ sở giáo dục, được hoãn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:

a) Đang ốm nặng có chứng nhận của Trung tâm y tế hoặc bệnh viện từ cấp huyện trở lên;

b) Đang mang thai có chứng nhận của Trung tâm y tế hoặc bệnh viện từ cấp huyện trở lên hoặc phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, có đơn đề nghị và được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận;

c) Gia đình đang gặp khó khăn đặc biệt, có đơn đề nghị và được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

Khi hết thời hạn được hoãn hoặc khi điều kiện hoãn không còn thì quyết định đưa vào cơ sở giáo dục được tiếp tục thi hành ngay.

2. Người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục nhưng chưa đến chấp hành quyết định tại cơ sở giáo dục, được miễn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:

a) Đang mắc bệnh hiểm nghèo, có chứng nhận của bệnh viện hoặc Trung tâm y tế từ cấp huyện trở lên và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội;

b) Có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công trong thời gian được hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định trên cơ sở đơn đề nghị của người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao cho Giám đốc Công an cùng cấp thẩm tra, xác minh các trường hợp cụ thể quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trước khi ra quyết định.

Chương III

TỔ CHỨC CƠ SỞ GIÁO DỤC VÀ QUẢN LÝ TRẠI VIÊN

Điều 19. Tổ chức cơ sở giáo dục[11]

1. Tổ chức bộ máy của cơ sở giáo dục gồm có Giám đốc, các Phó Giám đốc; Đội trưởng, Đội phó; Trưởng phân khu, Phó Trưởng phân khu; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ vũ trang bảo vệ và công nhân viên.

2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phân khu, Phó Trưởng phân khu, Đội trưởng, quyết định biên chế, tổ chức bộ máy của cơ sở giáo dục do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

3. Quy mô mỗi cơ sở giáo dục quản lý từ 500 đến 3.000 trại viên. Cơ sở giáo dục có trên 1.000 trại viên có thể thành lập các phân khu theo quy định của Bộ Công an. Trong cơ sở giáo dục phải bố trí khu vực, buồng riêng (mỗi buồng không quá 15 người) để quản lý đối tượng đang được cai nghiện ma túy, quản lý trại viên nhiều lần vi phạm Nội quy, thường xuyên chống đối làm ảnh hưởng tiêu cực đến trại viên khác.

Điều 20. Giám đốc, Phó giám đốc cơ sở giáo dục

1. Giám đốc cơ sở giáo dục là người đứng đầu cơ sở giáo dục và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ sở giáo dục.

2. Phó giám đốc là người giúp Giám đốc thực hiện những nhiệm vụ theo sự phân công của Giám đốc, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

Điều 21. Tiêu chuẩn của Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phân khu, Phó Trưởng phân khu, Đội trưởng, Đội phó, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên cơ sở giáo dục[12]

1. Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phân khu, Phó Trưởng phân khu, Đội trưởng, Đội phó, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên phải là người có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với chế độ, với Đảng, có ý thức tổ chức kỷ luật, nắm vững đường lối, chính sách, hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ, tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.

2. Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phân khu, Đội trưởng phải là người đã tốt nghiệp một trong các trường: Học viện Cảnh sát nhân dân; Học viện An ninh nhân dân; Đại học Cảnh sát nhân dân; Đại học An ninh nhân dân; Đại học Luật; Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; Đại học Sư phạm; Đại học Y khoa hoặc tương đương và có kinh nghiệm quản lý, giáo dục những người vi phạm pháp luật.

3. Phó Trưởng phân khu, Đội phó, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan vũ trang bảo vệ phải là người đã tốt nghiệp Trung học Cảnh sát nhân dân, Trung học An ninh nhân dân trở lên hoặc có trình độ tương đương.

4. Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật phải là người có trình độ trung học chuyên nghiệp trở lên về lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhận.

Hạ sĩ quan, chiến sĩ bảo vệ phải là người đã được đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ công tác bảo vệ.

Công nhân viên phải là người được đào tạo, nắm vững kiến thức về lĩnh vực công tác chuyên môn mà mình đảm nhận.

Điều 22. Điều chuyển trại viên[13]

Để phù hợp với quy mô quản lý trại viên của các cơ sở giáo dục hoặc do yêu cầu nghiệp vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp ra quyết định điều chuyển trại viên từ cơ sở giáo dục này sang cơ sở giáo dục khác theo quy định của Bộ Công an.

Điều 23. Trích xuất trại viên

1. Trích xuất trại viên là việc tạm thời đưa trại viên ra khỏi cơ sở giáo dục theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để họ tham gia tố tụng trong các vụ án có liên quan đến người đó. Thời hạn trích xuất trại viên được tính vào thời hạn chấp hành tại cơ sở giáo dục.

2. Khi có yêu cầu trích xuất, Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền phải có công văn gửi Giám đốc cơ sở giáo dục, trong đó phải ghi rõ họ, tên người cần trích xuất, lý do và thời hạn trích xuất. Căn cứ vào công văn yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, Giám đốc cơ sở giáo dục ra quyết định trích xuất trại viên. Quyết định trích xuất trại viên phải ghi rõ họ tên, tuổi, địa chỉ của người được trích xuất; cơ quan yêu cầu trích xuất, mục đích và thời hạn trích xuất, cấp bậc, chức vụ của người ký trích xuất.

3. Cơ quan có yêu cầu trích xuất chịu trách nhiệm đưa người có quyết định trích xuất đi và trả lại cho cơ sở giáo dục theo đúng thời hạn đã ghi trong quyết định trích xuất. Khi giao nhận người theo quyết định trích xuất phải lập biên bản theo đúng quy định.

Điều 24. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục

1. Trường hợp người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục mà sau đó phát hiện hành vi vi phạm đó có dấu hiệu tội phạm và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì giải quyết như sau:

a) Trường hợp chưa chấp hành quyết định thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hủy quyết định đưa vào cơ sở giáo dục và trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày hủy quyết định, phải chuyển hồ sơ của đối tượng cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

Nếu sau đó hành vi này của đối tượng có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc Tòa án tuyên không phạm tội thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chuyển lại hồ sơ của đối tượng cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để xem xét, ra quyết định đưa vào cơ sở giáo dục đối với người đó.

b) Trường hợp người đó đang chấp hành quyết định tại cơ sở giáo dục thì theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, Giám đốc cơ sở giáo dục ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành quyết định đối với người đó và chuyển hồ sơ của đối tượng cho cơ quan tiến hành tố tụng. Đồng thời, thông báo cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đã ra quyết định đưa họ vào cơ sở giáo dục để biết.

Nếu sau đó hành vi của đối tượng có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc Tòa án tuyên không phạm tội thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chuyển lại hồ sơ của đối tượng cho cơ sở giáo dục để họ tiếp tục chấp hành quyết định.

Trường hợp đối tượng bị áp dụng một trong các hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng đã nhận hồ sơ và đối tượng trước đó phải thông báo bằng văn bản cho cơ sở giáo dục biết cụ thể về loại hình phạt, thời hạn bị áp dụng, nơi chấp hành bản án và những nội dung khác có liên quan. Đồng thời, phải thông báo cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi trước đó đã ra quyết định đưa vào cơ sở giáo dục để hủy quyết định đưa vào cơ sở giáo dục đối với họ.

Trường hợp đối tượng bị áp dụng hình phạt tù thì thời gian đã chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục được tính vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. Hai ngày chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục được tính bằng một ngày chấp hành hình phạt tù.

2. Trường hợp phát hiện người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục đã thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định thì giải quyết như sau:

Trường hợp chưa chấp hành quyết định thì theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục đối với người đó và chuyển hồ sơ của đối tượng cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

Trường hợp người đó đang chấp hành quyết định tại cơ sở giáo dục thì theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, Giám đốc cơ sở giáo dục ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành quyết định đối với người đó và chuyển hồ sơ của đối tượng cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

Nếu sau đó, đối tượng bị áp dụng hình phạt tù thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; nếu hình phạt được áp dụng không phải là hình phạt tù hoặc là hình phạt tù có thời hạn, nhưng được hưởng án treo thì người đó vẫn có thể phải tiếp tục chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục.

Điều 25. Giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở giáo dục

1. Trại viên đã chấp hành được một nửa thời hạn nêu trong quyết định, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được xét giảm thời hạn chấp hành từ 01 tháng đến 06 tháng hoặc được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

Trong thời hạn chấp hành quyết định tại cơ sở giáo dục, mỗi người chỉ được giảm 1 lần; trường hợp trại viên đã được giảm thời hạn nhưng sau đó lại lập công thì có thể được xét giảm lần thứ 2.

2. Trong trường hợp trại viên bị ốm nặng, cần đưa về gia đình điều trị thì được tạm đình chỉ chấp hành quyết định; thời gian tạm đình chỉ được tính vào thời hạn chấp hành quyết định; nếu sau khi sức khoẻ được phục hồi mà thời hạn chấp hành còn lại từ 03 tháng trở lên thì người đó phải tiếp tục chấp hành tại cơ sở giáo dục.

Trại viên là phụ nữ có thai thì được tạm đình chỉ thi hành quyết định cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi, nếu trong thời gian tạm đình chỉ mà có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại. Trại viên bị mắc bệnh hiểm nghèo thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

3.[14] Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quyết định việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trên cơ sở đề nghị của Giám đốc cơ sở giáo dục. Quyết định này phải được gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đã ra quyết định đưa người đó vào cơ sở giáo dục và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú.

4. Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn chi tiết thi hành việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ và miễn chấp hành quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 26. Hết hạn chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục

1.[15] Khi người bị đưa vào cơ sở giáo dục đã chấp hành xong thời hạn đưa vào cơ sở giáo dục thì Giám đốc cơ sở giáo dục cấp Giấy chứng nhận cho người đó và gửi bản sao Giấy chứng nhận đến Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đã ra quyết định và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.

Trong trường hợp người đó đã chấp hành xong quyết định mà vẫn chưa thực sự tiến bộ thì Giám đốc cơ sở giáo dục phải có bản nhận xét riêng và kiến nghị các biện pháp quản lý, giáo dục tiếp theo gửi cơ quan Công an cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.

Trong thời hạn năm ngày, kể từ khi về địa phương, người đã chấp hành xong thời hạn đưa vào cơ sở giáo dục phải đến trình diện Công an xã, phường, thị trấn nơi họ về cư trú.

2. Người đã chấp hành xong thời hạn đưa vào cơ sở giáo dục được nhận lại tiền, vật gửi lưu ký tại cơ sở (nếu có); được cơ sở giáo dục cấp tiền tàu xe, tiền ăn đường và một bộ quần áo thường (nếu họ không có) để trở về nơi cư trú và phải trả lại những vật dụng, trang thiết bị dùng cho lao động, học tập, sinh hoạt đã được cơ sở giáo dục cho mượn, nếu làm mất hoặc hư hỏng thì phải bồi thường.

Chương IV

CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI TRẠI VIÊN

Điều 27. Chế độ quản lý trại viên

1. Trại viên phải lao động, học tập và sinh hoạt dưới sự quản lý, giám sát của cơ sở giáo dục.

Căn cứ vào số lượng trại viên, thời hạn giáo dục, đặc điểm nhân thân, tính chất, mức độ vi phạm, tình trạng sức khoẻ, giới tính, lứa tuổi của từng loại đối tượng, Giám đốc cơ sở giáo dục có biện pháp tổ chức quản lý, giáo dục đối với họ cho phù hợp, theo quy định của Bộ Công an.

2. Trại viên được bố trí ở buồng tập thể theo đội, tổ hoặc nhóm phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý, giáo dục từng loại đối tượng.

Trại viên được bố trí giường (hoặc sàn nằm), có chiếu, màn, tấm đắp; chỗ nằm của mỗi trại viên tối thiểu là 2,5 m2. Khu vực ở của nam, nữ tách riêng.

3. Trại viên được mang vào cơ sở giáo dục những đồ dùng cá nhân thiết yếu để sử dụng theo quy định của Bộ Công an.

Điều 28. Chế độ ăn mặc[16]

1. Mỗi năm, mỗi trại viên được cấp 02 bộ quần áo dài, 02 bộ quần áo lót, 02 khăn mặt, 01 đôi dép, 02 bàn chải đánh răng, 02 chiếc chiếu cá nhân, 01 áo mưa, 01 chiếc mũ che mưa, nắng; mỗi quý được cấp 01 hộp kem đánh răng 150 gam, 0,6 kg xà phòng; 02 năm được cấp 01 chăn sợi, 01 màn; đối với trại viên ở các cơ sở giáo dục từ Thừa Thiên Huế trở ra được cấp thêm 01 áo ấm và 01 chăn bông nhưng không quá 02 kg dùng trong 02 năm.

Trại viên là phụ nữ được cấp tiền vệ sinh cá nhân mỗi tháng tương đương với 02 kg gạo tẻ thường tính theo giá thị trường của từng địa phương.

2. Định mức ăn hàng tháng của trại viên được quy định như sau: gạo tẻ thường 17 kg, thịt hoặc cá 1,5 kg, đường loại bình thường 0,5 kg, muối 01 kg, bột ngọt 100 gam, nước mắm 01 lít, rau xanh 15 kg, chất đốt 15 kg củi hoặc tương đương. Ngày lễ, ngày Tết dương lịch được ăn thêm không quá 03 lần tiêu chuẩn ngày thường; các ngày Tết Nguyên đán được ăn thêm không quá 05 lần tiêu chuẩn ngày thường. Đối với những người lao động nặng hoặc trong môi trường độc hại có thể tăng thêm 15% so với tiêu chuẩn, định lượng trên. Các tiêu chuẩn ăn được tính theo giá thị trường của từng địa phương.

3. Chế độ ăn, nghỉ của trại viên bị bệnh do Giám đốc cơ sở giáo dục quyết định theo chỉ định của cơ sở y tế.

Điều 29. Chế độ sinh hoạt, học tập[17]

1. Trại viên được hoạt động thể dục thể thao, văn hoá, văn nghệ, vui chơi giải trí; được đọc sách, báo, nghe đài, nghe phổ biến thời sự, chính sách, được xem vô tuyến truyền hình theo quy định của Bộ Công an.

Mỗi cơ sở giáo dục được thành lập 01 thư viện, khu vui chơi, sân thể thao. Cứ 30 trại viên được phát 01 tờ báo Nhân dân và 01 tờ báo Pháp luật. Mỗi phân khu được trang bị hệ thống truyền thanh hoặc 01 hệ thống truyền hình cáp nội bộ, mỗi buồng ở tập thể được trang bị 01 vô tuyến truyền hình màu 21 inches trở lên.

2. Trại viên được học các chương trình giáo dục công dân mỗi tuần 01 buổi, mỗi buổi 04 giờ.

3. Trại viên mù chữ phải học văn hoá để xoá mù chữ mỗi tuần 02 buổi, mỗi buổi 4 giờ.

4. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của cơ sở giáo dục, Giám đốc cơ sở giáo dục có thể sắp xếp thời gian học văn hoá cho những đối tượng khác và bố trí cho trại viên lao động kết hợp với học những nghề phù hợp.

5. Kinh phí hàng tháng chi cho việc học văn hoá, học nghề, giáo dục công dân cho mỗi trại viên tương đương với 03 kg gạo tính theo giá thị trường của từng địa phương.

6. Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chương trình học tập và đào tạo, bố trí giáo viên dạy văn hoá, dạy nghề cho các cơ sở giáo dục.

Điều 30. Chế độ lao động

1. Trại viên lao động mỗi ngày 8 giờ, được nghỉ các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày Tết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp có công việc đột xuất, Giám đốc cơ sở có thể yêu cầu trại viên lao động thêm giờ nhưng cũng không quá 2 giờ trong một ngày và phải được nghỉ bù.

2. Trại viên phải hoàn thành định mức lao động được giao. Ngoài giờ lao động hàng ngày theo quy định, cơ sở giáo dục có thể cho phép trại viên lao động thêm để cải thiện đời sống theo nguyện vọng của họ nhưng phải theo đúng quy định của pháp luật.

3. Đối với những công việc mà pháp luật quy định phải có bảo hộ lao động thì cơ sở giáo dục có trách nhiệm trang bị quần áo, thiết bị bảo hộ lao động phù hợp với yêu cầu của công việc. Trường hợp làm ca đêm, làm việc ngoài giờ theo yêu cầu đột xuất, làm việc trong các điều kiện độc hại hoặc công việc nặng nhọc thì được bồi dưỡng theo quy định.

4. Trường hợp trại viên bị tai nạn lao động thì cơ sở giáo dục phải tổ chức cứu chữa kịp thời và làm các thủ tục cần thiết để giải quyết chế độ trợ cấp theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Quản lý, sử dụng kết quả lao động của cơ sở giáo dục

1. Cơ sở giáo dục quản lý thống nhất kết quả lao động của cơ sở mình để chi phí cho việc khám, chữa bệnh, bù đắp một phần cho chi phí ăn uống, sinh hoạt của trại viên, khen thưởng cho trại viên có thành tích trong lao động và học tập; để bổ sung cho quỹ phúc lợi của cơ sở; đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục; chi cho việc khen thưởng cán bộ, chiến sĩ của cơ sở giáo dục có thành tích trong tổ chức quản lý sản xuất.

Trại viên lao động vượt chỉ tiêu được giao, sẽ được sử dụng một phần kết quả vượt chỉ tiêu đó.

2. Bộ Công an quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng kết quả lao động của cơ sở giáo dục.

Điều 32. Chế độ khám, chữa bệnh và giải quyết trường hợp trại viên bị chết[18]

1. Giám đốc cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức cai nghiện cho các trại viên còn nghiện ma túy. Kinh phí tổ chức cai nghiện ma túy do ngân sách nhà nước cấp.

2.[19] Căn cứ vào điều kiện cụ thể của cơ sở giáo dục, Giám đốc cơ sở giáo dục tổ chức khám sức khỏe định kỳ và có biện pháp phòng bệnh cho trại viên. Tiền thuốc, khám, chữa bệnh thường xuyên hàng tháng cho mỗi trại viên được cấp tương đương với 02 kg gạo tẻ thường theo giá thị trường của từng địa phương.

Trường hợp trại viên bị bệnh, thì căn cứ vào chỉ định của cán bộ y tế, Giám đốc cơ sở giáo dục xét cho họ tạm nghỉ lao động, học tập hoặc giảm định mức, giảm giờ lao động trong thời gian bị bệnh; trường hợp cần thiết thì cho điều trị tại bệnh xá của cơ sở hoặc cho đi bệnh viện; trường hợp bệnh nặng, cần đưa về gia đình điều trị thì Giám đốc cơ sở giáo dục báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành quyết định theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.

Trường hợp trại viên bị thương tích do tai nạn lao động, thiên tai, hỏa hoạn thì Giám đốc cơ sở giáo dục phải làm các thủ tục để thực hiện chế độ trợ cấp cho trại viên theo quy định.

Trường hợp trại viên có biểu hiện mắc bệnh tâm thần thì Giám đốc cơ sở giáo dục có văn bản gửi Bệnh viện tâm thần Trung ương theo khu vực và cử cán bộ đưa trại viên đến để đề nghị giám định tâm thần. Các bệnh viện tâm thần Trung ương theo khu vực có trách nhiệm giám định tâm thần cho trại viên và có kết luận bằng văn bản gửi Giám đốc cơ sở giáo dục để giải quyết theo quy định của pháp luật.

3. Khi có trại viên bị chết thì Giám đốc cơ sở giáo dục phải báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân có thẩm quyền đến lập biên bản làm rõ nguyên nhân chết, có trại viên cùng cơ sở giáo dục làm chứng và làm thủ tục khai tử với chính quyền địa phương. Sau đó phải gửi giấy chứng tử cho gia đình người chết biết và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đã ra quyết định đưa người đó vào cơ sở giáo dục, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trước đây họ cư trú.

Trường hợp trại viên chết do bị HIV/AIDS có kết luận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên thì Giám đốc cơ sở giáo dục mời đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ sở y tế, đại diện hợp pháp của trại viên chết (nếu có) đến để lập biên bản theo quy định và không cần giám định pháp y.

Trường hợp trại viên chết khi đang điều trị tại các cơ sở y tế nhà nước từ cấp huyện trở lên thì cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo và gửi giấy chứng tử cho cơ sở giáo dục.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi làm xong các thủ tục nêu trên, Giám đốc cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức mai táng tử thi; kinh phí mai táng do ngân sách nhà nước cấp.

Nếu thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của trại viên chết có đơn đề nghị được nhận tử thi về để mai táng hoặc đề nghị được nhận hài cốt đã được địa táng đủ 03 năm trở lên thì Giám đốc cơ sở giáo dục xem xét, quyết định cho nhận thi thể, hài cốt. Đơn đề nghị phải có xác nhận Ủy ban nhân dân cấp xã và phải cam đoan thực hiện đúng các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.

Điều 33. Chế độ thăm gặp người thân; nhận, gửi thư; nhận tiền, quà[20]

1. Trại viên được gặp người thân mỗi tháng 02 lần, mỗi lần không quá 02 giờ tại nhà tiếp đón của cơ sở giáo dục và phải chấp hành đúng những quy định về thăm gặp. Trường hợp gặp lâu hơn thì phải được sự đồng ý của Giám đốc cơ sở giáo dục, nhưng cũng không quá 04 giờ.

Trại viên có nhiều cố gắng trong lao động, học tập, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và nội quy cơ sở giáo dục thì Giám đốc cơ sở giáo dục có thể cho gặp vợ hoặc chồng đến 48 giờ và được ở lại qua đêm tại nhà tiếp đón của cơ sở giáo dục.

2. Người đến thăm trại viên phải có Giấy chứng minh nhân dân, đơn xin thăm, nếu là vợ hoặc chồng đến thăm và được nghỉ qua đêm thì phải có thêm giấy đăng ký kết hôn.

3. Trại viên được nhận và gửi thư; được nhận quà, tiền (Việt Nam); được liên lạc với thân nhân trong nước bằng điện thoại mỗi tháng từ 01 đến 02 lần, mỗi lần không quá 05 phút. Các cuộc điện thoại, thư và quà đều phải qua kiểm tra của cơ sở giáo dục. Riêng tiền mặt, trại viên phải gửi vào bộ phận lưu ký của cơ sở giáo dục để sử dụng theo quy định của Bộ Công an.

Điều 34. Chế độ khen thưởng, kỷ luật

1. Trại viên có thành tích trong rèn luyện, học tập và chấp hành tốt quy định của pháp luật, nội quy cơ sở giáo dục thì được khen thưởng bằng các hình thức: biểu dương, khen, thưởng tiền mặt hoặc hiện vật, tăng số lần và thời gian gặp người thân, được xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

2. Trại viên vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy cơ sở giáo dục, chây lười lao động, học tập; không tự giác sửa chữa lỗi lầm, thường xuyên không hoàn thành định mức lao động được giao thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật bằng các hình thức: cảnh cáo, hạn chế số lần gặp người thân, hạn chế nhận quà, bị cách ly tại buồng kỷ luật từ 07 đến 10 ngày; nếu hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp vi phạm chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng đã được giáo dục và bị kỷ luật nhiều lần, đến khi hết thời hạn giáo dục tại cơ sở giáo dục mà vẫn không chịu sửa chữa, không tiến bộ thì Giám đốc cơ sở giáo dục lập hồ sơ báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở giáo dục đóng xem xét quyết định việc đưa người đó vào cơ sở giáo dục theo thủ tục chung quy định tại Điều 10 Nghị định này.

Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục trong trường hợp này phải được gửi cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trước đây đã ra quyết định đưa người đó vào cơ sở giáo dục để biết.

Bộ Công an hướng dẫn cụ thể việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục trong trường hợp này.

Điều 35. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành chính

1. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính về việc áp dụng biện pháp đó.

2. Mọi công dân đều có quyền tố cáo những hành vi trái pháp luật trong việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.

3. Thẩm quyền, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc thủ tục giải quyết khởi kiện hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo hoặc theo thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC QUẢN LÝ CƠ SỞ GIÁO DỤC

Điều 36. Trách nhiệm của Bộ Công an

Bộ Công an có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, đảm bảo cho các hoạt động đó theo đúng quy định của pháp luật; ban hành nội quy cơ sở giáo dục, các biểu mẫu để thực hiện thống nhất; phối hợp với các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.

Điều 37. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

Bộ Tài chính có trách nhiệm cấp kinh phí cho việc xây dựng, tổ chức hoạt động của cơ sở giáo dục và các hoạt động khác có liên quan đến việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục theo dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công an đã được duyệt.

Điều 38. Trách nhiệm của Bộ Y tế[21]

Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn việc cai nghiện ma túy; phòng bệnh, chữa bệnh cho người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.

Điều 39. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an trong việc xây dựng chương trình giáo dục, hướng dẫn dạy văn hoá, dạy nghề và thực hiện các chế độ bảo hiểm lao động cho trại viên theo quy định của pháp luật.

Điều 40. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định của Nghị định này; cấp đất cho việc xây dựng cơ sở giáo dục; phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở giáo dục đóng tại địa phương mình hoàn thành nhiệm vụ; chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các cấp có kế hoạch quản lý, giáo dục những người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục nhưng chưa thực sự tiến bộ quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định này; có chính sách giúp đỡ những người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục tìm việc làm, sớm ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[22]

Điều 41. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Nghị định này thay thế cho Nghị định số 32/CP ngày 14 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế về cơ sở giáo dục.

Điều 42. Hướng dẫn thi hành

Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định này.

Điều 43. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo và đăng tải trên Cổng TTĐT Chính phủ);
- Cổng TTĐT Bộ Công an;
- Lưu: VT, V19.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

BỘ TRƯỞNG




Đại tướng Trần Đại Quang

 

 


[1] Nghị định số 125/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục có căn cứ ban hành như sau:

"Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 02 tháng 7 năm 2002;

Căn cứ Pháp lệnh số 04/2008/PL-UBTVQH12 ngày 02 tháng 4 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,"

Nghị định số 118/2010/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng có căn cứ ban hành như sau:

"Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đã được sửa đổi, bổ sung theo Pháp lệnh số 04/2008/UBTVQH12 ngày 02 tháng 4 năm 2008;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,"

[2] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 125/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2008.

[3] Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 125/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2008.

[4] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 125/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2008.

[5] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 125/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2008.

[6] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của Nghị định số 125/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2008.

[7] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Nghị định số 125/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2008.

[8] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 7 Điều 1 của Nghị định số 125/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2008.

[9] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Nghị định số 125/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2008.

[10] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 9 Điều 1 của Nghị định số 125/2008/NĐ- định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy 12 năm 2008.

[11] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 1 của Nghị định số 125/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2008.

[12] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 11 Điều 1 của Nghị định số 125/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2008.

[13] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 118/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2011.

[14] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 118/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2011.

[15] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 118/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2011.

[16] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 118/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2011.

[17] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 125/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2008.

[18] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 14 Điều 1 của Nghị định số 125/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2008.

[19] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 118/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2011.

[20] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 15 Điều 1 của Nghị định số 125/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2008.

[21] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 16 Điều 1 của Nghị định số 125/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2008.

[22] Điều 2 của Nghị định số 125/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2008 quy định như sau:

"Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này."

 Điều 5 và Điều 6 của Nghị định số 118/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2011 quy định như sau:

"Điều 5. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2011.

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này."

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Văn bản hợp nhất 04/VBHN-BCA năm 2013 hợp nhất Nghị định quy định và hướng dẫn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục do Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 04/VBHN-BCA
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 29/10/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Trần Đại Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản