Hệ thống pháp luật

TUYÊN BỐ

 APEC, SEOUL

Các vị đại diện cấp Bộ trưởng của Austrialia, Brunei Darusalam, Canada, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hồng Công, Inđônêxia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaisia, New Diland, Philippin, Singapo, Đài Loan, Thái Lan và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ họp tai Seoul từ 12 đến 14/11/1991

Thừa nhận sự tăng trưởng năng động của các nền kinh tế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã dẫn đến sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng tăng về kinh tế và những lợi ích chung mạnh mẽ trong việc duy trì sự năng động kinh tế của khu vực;

Nhận thức được lợi ích sống còn của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trong việc mở rộng đầu tư và thương mại tự do, ở cả phạm vi khu vực và trên toàn thế giới, và các nguy cơ gắn với chủ nghĩa bảo hộ;

Thừa nhận rằng sự phát triển cân bằng và lành mạnh của sự tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế trong khu vực châu á - Thái Bình Dương dựa trên sự cởi mở và tinh thần hợp tác là hết sức cần thiết cho sự thịnh vượng, ổn định và tiến bộ của toàn bộ khu vực;

Tin tưởng rằng sự hợp tác chặt chẽ hơn là cần thiết để sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên và nhân lực ở khu vực châu á - Thái Bình Dương nhằm đạt được sự tăng trưởng bền vững trong khi giảm bớt được sự khác biệt giữa các nền kinh tế và cải thiện phúc lợi kinh tế và xã hội cho nhân dân trong khu vực;

Nhắc lại các kết quả tích cực của hai Hội nghị trước tổ chức tại Canbera từ ngày 5 đến 7/11/1989 và ở Xingapo từ ngày 29 đến 31/7/1990, các nguyên tắc cơ bản về Hợp tác kinh tế châu á - Thái Bình Dương được xác lập từ các Hội nghị trên, và quá trình hiệp thương và hợp tác giữa các nền kinh tế châu á - Thái Bình Dương.

Ghi nhận sự đóng góp quan trọng của ASEAN và vai trò tiên phong của PECC trong việc tăng cường đối thoại và các mối liên kết chặt chẽ hơn trong khu vực;

Thừa nhận vai trò quan trọng của GATT trong việc tăng cường hệ thống thương mại đa phương rộng mở và lành mạnh, trong việc giảm bớt các hàng rào cản trở thương mại và loại bỏ sự phân biệt đối xử trong thương mại quốc tế;

Tin tưởng rằng Hợp tác Kinh tế châu á - Thái Bình Dương sẽ là một hình mẫu cho sự hợp tác khu vực rộng mở;

DƯỚI ĐÂY TUYÊN BỐ NHƯ SAU:

Mục tiêu

1. Mục tiêu của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu á - Thái Bình Dương (dưới đây được gọi là APEC) sẽ là:

a. Duy trì sự tăng trưởng và phát triển của khu vực vì lợi ích chung của nhân dân trong khu vực, và qua đó đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế thế giới;

b. Củng cố các thành quả tích cực đã đạt được đối với khu vực và nền kinh tế thế giới xuất phát từ sự tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng, bao gồm việc khuyến khích các luồng hàng hóa, dịch vụ, vốn và công nghệ;

c. Phát triển và tăng cường hệ thống thương mại đa phương mở vì lợi ích của châu á - Thái Bình Dương và các nền kinh tế khác;

d. Giảm bớt các hàng rào cản thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các thành viên phù hợp với các nguyên tắc của GATT, ở nhữg lĩnh vực thích hợp và không làm tổn hại đến các nền kinh tế khác.

Phạm vi hoạt động

2. APEC sẽ chú trọng vào các lĩnh vực kinh tế để tăng cường các mối quan tâm và lợi ích chung, bao gồm:

a. Trao đổi thông tin và tư vấn về chính sách và những sự phát triển phù hợp với các nỗ lực chung của các nền kinh tế APEC nhằm duy trì sự tăng trưởng, xúc tiến việc điều chỉnh và giảm bớt sự chênh lệch về kinh tế;

b. Hoạch định các chiến lược nhằm giảm bớt các trở ngại đối với các luồng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trên phạm vi toàn thế giới và trong khu vực;

c. Thúc đẩy các luồng thương mại, đầu tư, tài chính, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, hợp tác công nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực;

d. Hợp tác trong một số lĩnh vực cụ thể như năng lượng, môi trường, đánh cá, du lịch, giao thông vận tải và bưu chính viễn thông.

3. Trong mỗi lĩnh vực trên, APEC sẽ tìm cách:

a. Tăng cường tìm kiếm và xác định các lợi ích chung của khu vực và, nếu phù hợp, đưa các lợi ích này ra các diễn đàn đa phương như GATT;

b. Tăng cường sự hiểu biết về các chính sách, lợi ích và kinh nghiệm của các đối tác kinh tế, đặc biệt là ý nghĩa quốc tế của chúng, và thúc đẩy tính nhất quán trong hoạch định chính sách ở các lĩnh vực phù hợp;

c. Triển khai các chương trình hợp tác kinh tế thực tế để đóng góp vào sự năng động kinh tế và cải thiện mức sống trong toàn bộ khu vực;

d. Củng cố và đẩy mạnh vai trò của khu vực tư nhân và việc áp dụng các nguyên tắc thị trường tự do để phát huy tối đa lợi ích của hợp tác khu vực.

Phương thức hoạt động

4. Hợp tác sẽ dựa trên cơ sở:

a. Nguyên tắc cùng có lợi, có tính đến sự khác biệt trong các giai đoạn phát triển kinh tế và trong các hệ thống chính trị - xã hội, và chú ý đầy đủ đến các nhu cầu của nền kinh tế đang phát triển; và

b. Cam kết đối thoại cởi mở và xây dựng sự nhất trí, tôn trọng những quan điểm của tất cả các thành viên một cách bình đẳng.

5. APEC sẽ hoạt động thông qua một quá trình tư vấn và trao đổi quan điểm giữa các đại diện cấp cao của các thành viên APEC, dựa trên các nghiên cứu, phân tích và các ý tưởng về chính sách do các thành viên và các tổ chức liên quan bao gồm các Ban Thư ký của ASEAN và Diễn đàn Nam Thái Bình Dương (SPF) và PECC đề xuất.

6. Thừa nhận sự đóng góp quan trọng của khu vực tư nhân đối với sự năng động của các thành viên APEC, APEC hoan nghênh và khuyến khích sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân vào các hoạt động phù hợp với APEC.

Tham gia

7. Về nguyên tắc, sự tham gia vào APEC sẽ được rộng mở cho các nền kinh tế trong khu vực châu á - Thái Bình Dương:

a. có các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ trong khu vực; và

b. chấp nhận các mục tiêu và nguyên tắc của APEC như đã nêu trong Tuyên bố này.

8. Các quyết định về việc kết nạp thành viên APEC trong tương lai sẽ được tiến hành trên cơ sở nhất trí của toàn bộ các thành viên hiện có.

9. Các nền kinh tế không phải là thành viên hoặc các tổ chức có thể được mời dự các cuộc họp của APEC theo các điều kiện mà các thành viên APEC đặt ra.

Tổ chức

10. Một Hội nghị cấp Bộ trưởng của tất cả các thành viên APEC sẽ được tổ chức hàng năm để xác định phương hướng và nội dung hoạt động của APEC trong khuôn khổ của Tuyên bố này và quyết định các biện pháp thực hiện. Các thành viên mong muốn được đăng cai tổ chức các Hội nghị cấp Bộ trưởng sẽ có cơ hội để thực hiện, và nước đăng cai sẽ là chủ tịch Hội nghị .

11. Hội nghị cấp Bộ trưởng có thể được triệu tập thêm khi cần thiết để giải quyết các vấn đề cụ thể mà các thành viên cùng quan tâm.

12. Hội nghị các quan chức cấp cao đại diện của mỗi nước thành viên có trách nhiệm thúc đẩy tiến trình phát triển của APEC phù hợp với các quyết định của các Hội nghị cấp Bộ trưởng và chương trình làm việc đã được vạch ra tại các Hội nghị này. Hội nghị quan chức cấp cao sẽ được chủ trì bởi đại diện của thành viên sẽ đăng cai kỳ họp cấp Bộ trưởng tới, và sẽ thực hiện những chuẩn bị cần thiết cho Hội nghị đó.

13. Mỗi dự án về chương trình làm việc sẽ được tiến hành bởi một Nhóm công tác bao gồm các đại diện từ các nước thành viên, do một hoặc một số thành viên điều phối. Các Nhóm công tác sẽ xác định các lĩnh vực hợp tác cụ thể và các lựa chọn chính sách liên quan đến mỗi dự án.

Tương lai của APEC

14. Thừa nhận tính chất năng động và liên tục của tiến trình APEC, APEC sẽ duy trì sự linh hoạt để tiến triển phù hợp với những thay đổi trong tình hình kinh tế khu vực và môi trường kinh tế toàn cầu và để đối phó với các thách thức về chính sách kinh tế đang đặt ra đối với khu vực châu á - Thái Bình Dương.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Tuyên bố về APEC, SEOUL do Chính phủ các nước ban hành

  • Số hiệu: khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 14/11/1991
  • Nơi ban hành: Chính phủ các nước
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/11/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản