Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

 

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
******

Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 1960

 

TUYÊN BỐ CHUNG

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA PHẠM VĂN ĐỒNG VÀ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA CHU ÂN LAI

Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa CHU ÂN LAI nhận lời mời của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đã sang thăm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, từ ngày 09 đến 14 tháng 5 năm 1960. Cùng đi với Thủ tướng có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao TRẦN NGHỊ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao CHƯƠNG HÁN PHU.

Trong thời gian ở thăm Việt Nam, Chủ tịch HỒ CHÍ MINH, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tiếp kiến Thủ tướng CHU ÂN LAI và các vị cùng đi. Trong thời gian ở thăm, Thủ tướng CHU ÂN LAI đã có dịp gặp gỡ thân mật các vị lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đồng thời cũng đã tiếp xúc rộng rãi với các từng lớp nhân dân Việt Nam. Thủ tướng CHU ÂN LAI và các vị đi cùng đã đi thăm Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hải Phòng, Hồng quảng và một số xí nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở văn hóa. Đâu đâu nhân dân Việt Nam cũng tỏ mối cảm tình hết sức sâu sắc và nồng nhiệt đối với những vị đại biểu của nhân dân Trung Quốc anh em.

Thủ tướng CHU ÂN LAI đã cùng Thủ tướng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa PHẠM VĂN ĐỒNG hội đàm thân mật về những vấn đề quốc tế mà hai nước đều quan tâm đến những vấn đề nhằm củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, hai bên hoàn toàn nhất trí về những vấn đề đã thảo luận.

Tham gia hội nghị về phía nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gồm có:

- Phó Thủ tướng PHAN KẾ TOẠI

- Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước NGUYỄN DUY TRINH

- Bộ trưởng Bộ Công nghiệp LÊ THÀNH NGHỊ

- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước NGUYỄN VĂN TRÂN

- Bộ trưởng Bộ Ngoại thương PHAN ANH

- Bộ trưởng Bộ Văn hóa HOÀNG MINH GIÁM

- Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học Nhà nước NGUYỄN XIỂN

- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp NGHIÊM XUÂN YÊM

- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao UNG VĂN KHIÊM

- Đại sức Đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Trung Quốc TRẦN TỬ BÌNH

Tham gia hội đàm về phía nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa gồm có:

- Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao TRẦN NGHỊ

- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao CHƯƠNG HÁN PHU

- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam HÀ VỸ

- Đại biểu Ban đại diện kinh tế mước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam PHƯƠNG NGHỊ

- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước VƯƠNG QUANG VỸ

- Phó Chủ nhiệm văn phòng Ngoại vụ Quốc vụ viện TRƯƠNG NGẠN

- Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao KIỀU QUÁN HOA

- Phó Chủ nhiệm văn phòng Thủ tướng Chính phủ LA THANH TRƯỜNG

- Vụ trưởng Vụ châu Á 2 Bộ Ngoại giao TRẦN THÚC LƯỢNG

Hai vị Thủ tướng hài lòng nhận thấy tình hình quốc tế gần đây đã dịu bớt một mực nhất định và đang phát triển theo chiều hướng có lợi cho hòa bình và chủ nghĩa xã hội. Đó là kết quả của cuộc đấu tranh liên tục giữa lực lượng xã hội chủ nghĩa do Liên Xô vĩ đại đứng đầu, lực lượng phong trào độc lập dân tộc và lực lượng hòa bình dân chủ với thế lực gây chiến của chủ nghĩa đế quốc.

Hai vị Thủ tướng nhiệt liệt hoan nghênh những cố gắng không mệt mỏi của Liên Xô nhằm làm dịu tình hình quốc tế căng thẳng. Cuộc đi thăm nước Mỹ và các nước khác của chủ tịch N. Khơ-rút-sốp là một sự đóng góp tích cực vào sự nghiệp gìn giữ và củng cố hòa bình thế giới.

Hai vị Thủ tướng nhất trí cho rằng hội nghị những người đứng đầu chính phủ các nước lớn Đông, Tây sắp họp ở Pa-ri là một sự kiện to lớn trong sinh hoạt quốc tế, và hai bên tỏ ý mong muốn hội nghị đó đạt được kết quả có lợi cho hòa bình thế giới. Trong thời đại hiện nay, vấn đề tài giảm binh bị đã được nâng lên địa vị quan trọng, những đề nghị của Chính phủ Liên Xô về vấn đề này phù hợp với lợi ích thiết thân của đông đảo nhân dân thế giới. Hai vị Thủ tướng một lần nữa tuyên bố rằng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hoàn toàn ủng hộ những đề nghị của Chính phủ Liên Xô về giải trừ quân bị toàn diện và cấm chỉ vũ khí hạt nhân. Hai vị Thủ tướng cho rằng vấn đề Đức cần được giải quyết gấp và tuyên bố ủng hộ lập trường của Chính phủ Liên Xô và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ Đức về vấn đề ký hòa ước với hai nước Đức và làm cho Tây Bá-linh trở thành một thành phố tự do.

Hai vị Thủ tướng vạch rõ rằng, bọn đế quốc, trước hết là phái đang cầm quyền ở Mỹ, mặc dầu do tình thế buộc phải tỏ ra hòa hoãn đôi chút , nhưng vẫn cố bám lấy chính sách “thế mạnh” theo đuổi chính sách xâm lược, ra sức chạy đua vũ trang, phát triển căn cứ tên lửa, gấp rút xây dựng và củng cố các tập đoàn quân sự xâm lược, ra sức làm sống lại chủ nghĩa quân phiệt Tây Đức và Nhật Bản, một lần nữa tạo ra lò lửa gây chiến ở châu Âu và châu Á, luôn luôn ngăn cản việc giải quyết các vấn đề quốc tế trọng đại, đồng thời tiếp tục can thiệt và đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân các nước. Gần đây, đế quốc Mỹ lại trắng trợn gây ra tình hình căng thẳng, hành động ngang ngược, hòng phá hoại hội nghị cấp cao nhất sắp họp. Đế quốc Mỹ cho máy bay do thám quân sự vượt qua biên giới Liên Xô và thâm nhập vào nội địa Liên Xô, đó không những là một hành vi xâm lược đối với Liên Xô, mà cũng là một sự khiêu khích đối với cả phe xã hội chủ nghĩa. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc kiên quyết ủng hộ thái độ cương quyết của Liên Xô đối với hành động xâm lược đó. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới cần phải nâng cao cảnh giác, đấu tranh không mệt mỏi để tăng cường việc chống tất cả những âm mưu của bọn đế quốc hiếu chiến Mỹ.

Hai vị Thủ tướng vui mừng chú ý đến việc phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô vĩ đại đứng đầu lớn mạnh và đoàn kết nhất trí hơn bao giờ hết. Những thành tích to lớn về các mặt công nghiệp, nông nghiệp, khoa học, kỹ thuật cũng như chính sách ngoại giao chống chiến tranh xâm lược và kiên trì hòa bình của các nước xã hội chủ nghĩa ngày càng có uy tín to lớn và có ảnh hưởng mạnh mẹ trên trường quốc tế, đó là những nhân tố chủ yếu trong việc làm dịu tình hình quốc tế căng thẳng. Âm mưu chia rẽ phe xã hội chủ nghĩa của bọn đế quốc, bọn xét lại hiện đại và bọn phản động các nước đã bị thất bại thảm hại.

Hai vị Thủ tướng nhấn mạnh rằng khối đoàn kết nhất trí giữa các nước xã hội chủ nghĩa trung thành với chủ nghĩa quốc tế vô sản và nguyên tắc chủ nghĩa Mác-Lênin là một bảo đảm chắc chắn cho nền hòa bình thế giới và thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Hai vị thủ tướng nhất trí nêu rõ ý chí kiên quyết của hai nước sẽ tiếp tục ra sức phấn đấu nhằm tăng cường lực lượng phe xã hội chủ nghĩa và củng cố khối đoàn kết nhất trí không có gì lay chuyển nổi dựa trên cơ sở bản tuyên ngôn của hội nghị các Đảng Cộng sản và Đảng công nhân các nước xã hội chủ nghĩa họp tại Mát-scơ-va vào năm 1957.

Hai vị Thủ tướng vui mừng nhận thấy, trong những năm gần đây, phong trào chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, giành và giữ gìn độc lập dân tộc, tự do dân chủ ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh đã phát triển mạnh mẽ chưa từng có. Hai vị Thủ tướng nhiệt liệt chào mừng những nước châu Phi vừa giành được độc lập và tuyên bố kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân các nước Phi châu còn đang bị ách thực dân đô hộ. Hai vị Thủ tướng cực lực phản đối thực dân Pháp vẫn ngoan cố tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược ở An-giê-ri và cực lực lên án những hành vi phân biệt chủng tộc, khủng bố tàn sát dã man nhân dân Nam Phi của nhà đương cục Liên bang Nam Phi. Thời đại ngày nay là thời đại tan rã của chủ nghĩa thực dân, cả lục địa châu Phi đang vùng dậy, nhân dân châu Phi nhất định sẽ quét sạch bọn thực dân và đánh bại những âm mưu của đế quốc Mỹ hòng thay thế cho đế quốc khác ở châu Phi. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Cu-ba chống lại sự can thiệp của đế quỗc Mỹ nhằm củng cố nền độc lập dân tộc và tự do dân chủ. Nhân dân nhiều nước khác ở châu Mỹ La tinh đang bùng lên phong trào dân tộc và dân chủ rộng lớn chống đế quốc Mỹ và bọn độc tài tay sai của chúng.

Gần đây, nhân dân Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, đã tiến hành cuộc đấu tranh anh dũng bất chấp sự trấn áp điên cuồng tập đoàn thống trị phản động để giành lại độc lập dân tộc và tự do dân chủ. Hiệp ước liên minh quân sự Nhật Mỹ không chỉ nguy hại tới lợi ích dân tộc của Nhật mà còn uy hiếp tới nền hòa bình và an ninh của Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á. Cùng trong cảnh vẫn bị đế quốc xâm lược và can thiệp, nhân dân hai nước Trung - Việt thông cảm sâu sắc với cảnh nước sôi lửa bỏng của nhân dân Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ. Hai vị Thủ tướng tỏ lòng hết sức ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa yêu nước của nhân dân Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, hoàn toàn ủng hộ các đề nghị của nước Cộng hòa nhân dân Triều Tiên đề ra với nhân dân Nam Triều Tiên. Một lần nữa, hai vị Thủ tướng vạch rõ rằng nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc trước đây đã từng bị chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc xâm lược và thống trị, hiện nay đã giành được độc lập và chủ quyền sẽ mãi mãi là người bạn chiến đấu thân thiết nhất của nhân dân châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa kiến quyết ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và tự do dân chủ những khu vực ấy.

Hai vị Thủ tướng cho rằng trong 5 năm vừa qua tinh thần Băng đung và năm nguyên tắc chung sống hòa bình đã có một sức sống mạnh mẽ. Nhân dân châu Á, châu Phi đã ngày càng nhận rõ bộ mặt giả dối, âm mưu phá hoại tinh thần Băng đung và gây chia rẽ của đế quốc Mỹ. Hai vị nhiệt liệt hoan nghênh những kết quả tốt đẹp của hội nghị đoàn kết nhân dân Á Phi họp tại Cô-na-cơ-ri tháng 4 năm 1960. Việc ký kết hiệp ước  hữu hảo và không xâm phạm lẫn nhau và hiệp định về biên giới giữa Trung Quốc và Miến Điện cũng như việc ký kết hiệp ước hòa bình hữu hảo và hiệp định về biên giới giữa Trung Quốc và Nê-pan là một thắng lợi to lớn của năm nguyên tắc chung sống hòa bình. Cuộc đi thăm các nước Miến Điện, Ấn Độ, Nê-pan, Căm-pu-chia gần đây của Thủ tướng Chu Ân Lai đã chứng tỏ thiện chí hòa bình và hữu nghị của Trung Quốc đối với các nước Châu Á, góp phần to lớn vào việc củng cố và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị của Trung Quốc đối với các nước chây Á. Hai vị tin chắc rằng trong khi giải quyết những vấn đề tranh chấp giữ một số nước châu Á, nếu những bên hữu quan đều có thiện chí cùng nhau bàn bạc theo tinh thần hữu nghị và năm nguyên tắc chung sống hòa bình, thì dù những vấn đề từ trước để lại phức tạp đến đâu cũng vẫn có thể tìm được biện pháp giải quyết thích đáng. Hai vị tỏ ý tin rằng việc tiếp tục phát huy năm nguyên tắc chung sống hòa bình và tinh thần Băng-đung có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp đoàn kết Á Phi, gìn giữ hòa bình ở châu Á và toàn thế giới.

Đề nghị của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc ký kết một công ước hòa bình và không xâm phạm giữa các nước trong khu vực Á châu và Thái Bình Dương, nhằm làm cho khu vực này trở thành một khu vực không có vũ khí hạt nhân là một sáng kiến hòa bình quan trọng, hoàn toàn có lợi cho hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á và thế giới. Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa hoàn toàn ủng hộ sáng kiến trên của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Khi thảo luận về tình hình Đông dương, hai vị Thủ tướng tỏ ý lo ngại về tình hình Lào hiện nay. Hiệp định Giơ-ne-vơ về Lào và hiệp nghị Viên-chăn vẫn tiếp tục bị phá hoại nghiêm trọng, đế quốc Mỹ tiếp tục can thiệp thô bạo vào nội trị của Lào. Hiện nay, nhân dân yêu nước ở Lào vẫn bị đàn áp và khủng bố. Hoàng thân Souphanouvong và các nhà lãnh đạo khác của Đảng Neo Lào Haksat vẫn bị giam giữ trái phép. Việc hoạt động trở lại của Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát ở Lào bị trở ngại. Hai vị Thủ tướng nhấn mạnh rằng tình hình Lào hiện nay nếu cứ tiếp tục mãi thì nguy hiểm. Một lần nữa, hai vị tuyên bố rằng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trước sau vẫn mong muốn duy trì quan hệ láng giềng tốt với Vương quốc Lào theo nguyên tắc chung sống hòa bình, và cho rằng tình hình Lào có thể trở lại bình thường nếu các bên hữu quan mong muốn giải quyết các vấn đề tồn tại bằng phương pháp thương lượng hòa bình. Hai vị Thủ tướng cho rằng các lãnh đạo của Đảng Neo Lào Haksat do Hoàng thân Souphanouvong đứng đầu cần phải được trả lại tự do, Ủy ban quốc tế cần phải hoạt động trở lại nội chiến ở Lào cần phải chấm dứt, hiệp nghị Giơ-ne-vơ cần phải được tôn trọng thực sự và chấp hành nghiêm chỉnh.

Hai vị Thủ tướng tỏ ra hài lòng trước tình hình thi hành hiệp nghị Giơ-ne-vơ về Căm-pu-chia. Hai vị Thủ tướng thấy rằng mặc dù bọn đế quốc và tay sai của chúng ra sức gây áp lực và tiến hành khiêu khích, Hoàng thân N.Sihanouk và Chính phủ Vương quốc Căm-pu-chia vẫn tích cực cố gắng bảo vệ độc lập và chủ quyền, kiên quyết đi theo con đường hòa bình trung lập, sự cố gắng đó là một cống hiến to lớn cho sự nghiệp bảo vệ hòa bình ở Đông dương và Đông Nam Á.

Hiện nay việc thi hành hiệp nghị Giơ-ne-vơ ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do đế quốc Mỹ ngày càng có nhiều hành động phá hoại nhằm ngăn cản thống nhất Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa của Mỹ. Gần 6 năm rồi từ khi ký kết hiệu nghị Giơ-ne-vơ, đất nước Việt Nam vẫn cò bị chia cắt, nhà cầm quyền miền Nam Việt Nam, được sự giúp đỡ của Mỹ, chẳng những đã cự tuyệt những đề nghị hợp tình hình hợp lý của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mà còn đang ráo riết tăng cường quân bị và chuẩn bị chiến tranh, tăng cường đàn áp hết sức dã man nhân dân miền Nam Việt Nam. Gần đây nhà cầm quyền miền Nam lại đặt ra luật phát xít 10/59, đồng thời thỏa thuận với Mỹ tăng thêm nhân viên quân sự Mỹ cho tổ chức quân sự MAAG của Mỹ ở miền Nam Việt Nam một cách trái phép. Hai vị Thủ tướng nhất trí nhận định rằng hai vị Chủ tịch hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông dương năm 1954 và các nước có chân trong Ủy ban quốc tế cần thi hành nhiệm vụ của mình, và có biện pháp cương quyết và có hiệu lực để ngăn chặn những hành động vi phạm hiệp nghị Giơ-ne-vơ của Mỹ, đảm bảo cho hiệp nghị Giơ-ne-vơ về Việt Nam được tôn trọng và thi hành đầy đủ, góp phần gìn giữ hòa bình và an ninh ở Đông dương và Đông Nam Á.

Trong cuộc hội đàm, hai vị Thủ tướng đã trao đổi ý kiến về việc xây dựng chủ nghĩa xã hội của hai nước. Thủ tướng Chu Ân Lai tỏ lòng chân thành khâm phục nhân dân Việt Nam anh em dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đang tiến hành thắng lợi cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và thu được những thành tích lớn lao trên mặt xây dựng chủ nghĩa xã hội về các mặt công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục v .v… Thủ tướng Phạm Văn Đồng tỏ ý hết sức vui mừng về những thành tích lớn lao mà nhân dân Trung Quốc anh em đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung quốc, đứng đầu là Mao Chủ tịch. Đường lối chung xây dựng chủ nghĩa xã hội của Trung quốc, nhảy vọt lớn trong sản xuất công, nông nghiệp của Trung quốc, việc phát triển công xã nhân dân là những sáng tạo lớn lao và kinh nghiệm quý báu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nhân dân Trung Quốc. Hai vị Thủ tướng tỏ ra hết sức tin tưởng về tiền đồ sán lạn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của hai nước.

Hai vị Thủ tướng rất lấy làm hài lòng về sự phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Kể từ cuộc đi thăm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa lần trước của Thủ tướng Chu Ân Lai tháng 11 năm 1956 cho đến nay, mối quan hệ đó đã được củng cố và phát triển thêm một bước về mọi mặt, hoàn tòan phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước anh em và có một tác dụng quan trọng trong việc giữ gìn hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở hai nước, hai bên đã không ngừng tăng cường sự hợp tác rộng rãi về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Đó là biểu hiện của mối quan hệ hữu nghị tương trợ không gì lay chuyển nổi giữa các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ đó xây dựng trên cơ sở nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin về bình đẳng giữa các dân tộc và tinh thần vô quốc tế vô sản. Thủ tướng Phạm Văn Đồng tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa về sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với Việt Nam, sự giúp đỡ của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đối với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa về tài chính, vật tư, thiết bị, về kinh nghiệm và chuyên gia, đã có một tác dụng to lớn đối với sự nghiệp xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, nâng cao mức sống của nhân dân Việt Nam, và là một sự ủng hộ mạnh mẽ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước. Hai vị nhất trí cho rằng mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin là bảo đảm vững chắc cho nền độc lập và sự phồn vinh của hai nước. Hai vị Thủ tướng quyết định từ nay về sau hai nước sẽ đem hết mọi cố gắng để củng cố và phát triển hơn nữa mối tình hữu nghị vĩ đại đời đời bền vững đó.

Hai vị Thủ tướng tin chắc rằng cuộc đi thăm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa lần này của Thủ tướng Chu Ân Lai và cuộc hội đàm thân mật giữa hai vị không những sẽ thắt chặt hơn nữa tình hình hữu nghị thắm thiết giữa hai nước anh em, mà còn góp phần vào việc tăng cường tình đoàn kết nhất trí trong phe xã hội chủ nghĩa và có lợi cho sự củng cố nền hòa bình lâu dài ở châu Á và thế giới.