Hệ thống pháp luật

Trường hợp khuyết tật nào được hưởng trợ cấp?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL32720

Câu hỏi:

Tôi bị tai nạn cụt bàn chân phải từ năm 2003, vậy tôi có phải là đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP hay các nghị định khác có liên quan không? Nếu có thì thủ tục cần làm là những gì? Rất mong được sự trợ giúp của các anh/chị.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Hiện nay Nghị định 67/2007/NĐ-CP đã hết hiệu lực áp dụng, các văn bản áp dụng thay thế: Luật người khuyết tật 2010, Nghị định 28/2012/NĐ-CP, Nghị định 136/2013/NĐ-CP,…

Khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật 2010 quy định: "Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn."

Điều 3 Luật Người khuyết tật 2010 quy định về dạng tật và mức độ khuyết tật cụ thể:

"1. Dạng tật bao gồm:

a) Khuyết tật vận động;

b) Khuyết tật nghe, nói;

c) Khuyết tật nhìn;

d) Khuyết tật thần kinh, tâm thần;

đ) Khuyết tật trí tuệ;

e) Khuyết tật khác.

2. Người khuyết tật được chia theo mức độ khuyết tật sau đây:

a) Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;

b) Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;

c) Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này."

Trường hợp của bạn sau tai nạn đã bị cụt bàn chân phải được coi là người khuyết tật vận động. Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển được quy định tại Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP.

Điều 44 Luật người khuyết tật 2010 quy định trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng như sau:

– Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:

Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật người khuyết tật 2010;

Người khuyết tật nặng.

– Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm:

Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;

Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng;

Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật người khuyết tật 2010 đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

– Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật người khuyết tật 2010 là trẻ em, người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp cao hơn đối tượng khác cùng mức độ khuyết tật.

– Mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với từng loại đối tượng theo quy định tại Điều này do Chính phủ quy định.

Như vậy để xác định xem bạn có thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hay không bạn cần tiến hành thủ tục xác định mức độ khuyết tật.

Thủ tục xác định mức độ khuyết tật thực hiện theo quy định tại Điều 18 Luật người khuyết tật 2010 như sau:

– Khi có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật, người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người khuyết tật cư trú.

– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm triệu tập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, gửi thông báo về thời gian xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

– Hội đồng xác định mức độ khuyết tật tổ chức việc xác định mức độ khuyết tật, lập hồ sơ xác định mức độ khuyết tật và ra kết luận.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết và thông báo công khai kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật.

Sau khi xác định mực độ khuyết tật và có giấy xác nhận khuyết tật, nếu thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội bạn lập hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội gửi tới Ủy ban nhân dân cấp xã.

Hồ sơ theo quy định tại Điều 20 Nghị định 28/2012/NĐ-CP gồm:

– Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

– Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;

– Bản sao Sổ hộ khẩu;

– Bản sao Giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân;

– Bản sao Quyết định của cơ sở chăm sóc người khuyết tật về việc chuyển người khuyết tật về gia đình đối với trường hợp đang sống trong cơ sở bảo trợ xã hội;

– Giấy xác nhận đang mang thai của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế, bản sao Giấy khai sinh của con đang nuôi dưới 36 tháng tuổi đối với trường hợp đang mang thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM