Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3559/TTr-BNN-TCLN

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2012

 

TỜ TRÌNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHỦ TRƯƠNG PHIÊN ĐÀM PHÁN LẦN THỨ 3 HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TỰ NGUYỆN GIỮA VIỆT NAM VÀ LIÊN MINH CHÂU ÂU VỀ THỰC THI LÂM LUẬT, QUẢN TRỊ RỪNG VÀ THƯƠNG MẠI LÂM SẢN

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại văn bản 8152/VPCP-QHQT ngày 10/11/2012 về chủ trương đàm phán với Liên minh Châu Âu (EU) Hiệp định Đối tác Tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (tên tiếng Anh là Voluntary Partnership Agreement on Forest Law Enforcement, Govenance and Trade, viết tắt là VPA/FLEGT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì phối hợp với các Bộ ngành liên quan và Hiệp hội gỗ lâm sản Việt Nam tiến hành các phiên đàm phán với EU về nội dung Hiệp định VPA/FLEGT.

Hiệp định VPA/FLEGT là hiệp định thương mại giữa EU và chính phủ của các quốc gia đối tác xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào EU nhằm tăng cường thực thi luật pháp để kiểm soát nguồn gốc gỗ. Hiện nay có 6 quốc gia đã kết thúc đàm phán VPA/FLEGT với EU.

Từ tháng 11/2010 đến nay việt Nam đã tiến hành 2 phiên đàm phán cấp cao, 6 cuộc họp cấp chuyên viên và 12 cuộc họp trực tuyến với EU. Phiên đàm phán lần thứ 3 dự kiến tổ chức tại Brussels, Bỉ trong 5 ngày từ 12 - 16/11/2012. Đây là phiên đàm phán quan trọng vì hai bên sẽ thống nhất nội dung về định nghĩa gỗ hợp pháp của Việt Nam, cơ chế xác minh và cấp phép FLEGT cho các lô hàng đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chuẩn bị phiên đàm phán lần thứ 3 về Hiệp định VPA/FLEGT với EU như sau:

1. Nội dung hiệp định

Hiệp định VPA/FLEGT bao gồm: phần Hiệp định và 9 phụ lục kỹ thuật. Hai bên đã nhất trí đàm phán các phụ lục kỹ thuật trước, dự thảo Hiệp định sẽ tiếp tục hoàn thiện cùng với kết quả đàm phán thống nhất các phụ lục kỹ thuật.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi dự thảo Hiệp định (tiếng Anh và tiếng Việt) tới Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hiệp hội gỗ lâm sản Việt Nam để lấy ý kiến về 3 vấn đề chủ yếu:

- Về căn cứ pháp lý chung: Các Bộ đều nhất trí là hai bên nên sử dụng Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ký 27/6/2012 làm căn cứ pháp lý chung.

- Về thời hạn hiệp định: Phía EU đề xuất là 10 năm sau đó điều chỉnh kéo dài, phía Bộ Công thương có ý kiến là nên 5 năm vì Việt Nam chưa lường hết các khó khăn khi thực hiện hiệp định VPA/FLEGT.

- Về Điều khoản bổ sung, sửa đổi: Các Bộ đề nghị nên đưa thêm phần giải thích từ ngữ vào phần lời văn của hiệp định, bổ sung thêm ngôn ngữ tiếng Việt bên cạnh tiếng Anh và ngôn ngữ của các nước thành viên EU; thay đổi một số nội dung về điều khoản đền bù, giải quyết tranh chấp, trọng tài, cơ quan giám sát độc lập cho phù hợp với điều kiện của ta.

2. Một số vấn đề xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Phiên đàm phán thứ 3 hai bên sẽ tập trung vào một số nội dung còn chưa thống nhất từ phụ lục 1 đến phụ lục 5 và thảo luận về dự thảo Hiệp định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung hiện nay còn chưa thống nhất giữa EU và ta như sau:

a) Về danh mục các sản phẩm thuộc cơ chế cấp phép FLEGT của Việt Nam: Danh mục hàng hóa đưa vào Hiệp định VPA để Việt Nam cấp phép FLEGT và được hưởng quy chế miễn trừ trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp gồm các mặt hàng gỗ, đồ gỗ mà Việt Nam đã, đang và có tiềm năng xuất khẩu vào EU được mô tả theo ‘Hệ thống hài hòa mô tả và mã số hàng hóa’ của Tổ chức Hải quan thế giới (gọi tắt là Danh mục HS) với 6 chữ số. Việt Nam đề nghị đưa vào danh mục tất cả các mặt hàng liên quan đến gỗ thuộc chương 44 ngoại trừ gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên và đồ gỗ thuộc chương 94 của Danh mục HS. Riêng giấy các loại, bột giấy (thuộc chương 47 của Danh mục HS), Tổng công ty giấy đề nghị ta chưa đưa vào danh mục do hiện nay và 5 năm sau Việt Nam chưa có khả năng xuất khẩu bột giấy và giấy các loại vào thị trường EU. Với quan điểm trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị vẫn giữ giấy, bột giấy trong danh mục hàng hóa VPA.

b) Về định nghĩa gỗ hợp pháp của Việt Nam: hai bên đồng ý về 7 nguyên tắc và 58 tiêu chí quy định về gỗ, sản phẩm gỗ hợp pháp của Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam. Phía EU đề nghị ta bổ sung định nghĩa gỗ hợp pháp một số quy định sau:

- Về kiểm soát gỗ nhập khẩu: phía EU đề nghị Việt Nam phải có biện pháp giảm thiểu rủi ro tránh việc nhập khẩu gỗ (gỗ lậu) không có nguồn gốc hợp pháp đặc biệt là từ Lào. Quan điểm của ta là: Việt Nam hiện nay đang nhập khẩu gỗ từ nhiều nước trên thế giới phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu, một số tổ chức phi chính phủ quốc tế thường xuyên đưa ra cáo buộc một số công ty của ta buôn lậu gỗ từ Lào và Cămpuchia. Trong quá trình đàm phán ta luôn khẳng định chúng ta đang thiếu nguyên liệu gỗ vẫn cần nhập khẩu gỗ. Việt Nam đảm bảo nhập khẩu gỗ có đủ hồ sơ hợp pháp theo quy định của nước xuất khẩu gỗ và không can thiệp vào nội bộ của nước xuất khẩu trong việc truy suất nguồn gốc gỗ.

- Đảm bảo quyền sử dụng đất hợp pháp: Phía EU đề nghị quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của các chủ rừng là một tiêu chí bắt buộc trong định nghĩa gỗ hợp pháp của Việt Nam. Quan điểm của ta là: hiện nay ở Việt Nam không phải chủ rừng nào cũng có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà họ có thể có các loại giấy tờ giao đất khác nhau như quyết định giao đất của UBND các cấp, thậm chí nhiều hộ, cộng đồng đang trồng rừng, quản lý rừng theo truyền thống. Nếu ta chấp nhận điều kiện này thì gỗ của các chủ rừng không có sổ đỏ sẽ trở thành bất hợp pháp. Do vậy, trong quá trình đàm phán ta kiên quyết không đưa vào định nghĩa gỗ hợp pháp.

- Về đánh giá tác động môi trường cho hoạt động khai thác rừng: Phía EU đề nghị mọi hoạt động liên quan đến khai thác rừng phải có đánh giá tác động môi trường. Vấn đề này ta đề nghị tuân thủ Nghị định 29/2011/NĐ-CP về đánh giá tác động môi trường và các văn bản điều chỉnh, bổ sung thay thế Nghị định này.

- Về gỗ tịch thu sau xử lý vi phạm: Phía EU bày tỏ quan ngại trước quy định của Việt Nam về việc bán đấu giá gỗ tịch thu sau xử lý vi phạm. EU đề nghị số gỗ tịch thu này nên dùng cho mục đích công ích của Việt Nam, không nên bán đấu giá vì lo ngại khả năng gỗ này sẽ được các doanh nghiệp mua lại, sau đó chế biến và xuất khẩu vào EU. Vấn đề này, trong quá trình đàm phán ta vẫn giữ quan điểm sau khi gỗ phạm pháp tịch thu là tài sản của nhà nước, khi bán, tiêu thụ phải coi là gỗ đã hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

c) Về vấn đề cấp phép FLEGT: sau khi hiệp định được ký kết thì tất cả các lô hàng đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào EU phải được một cơ quan có thẩm quyền của ta cấp phép FLEGT. Trong quá trình đàm phán ta đã nhiều lần đề nghị cấp phép FLEGT cho doanh nghiệp xuất khẩu để tránh quá tải cho cơ quan cấp phép, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, phía EU đã không đồng ý và đề nghị cấp giấy phép cho từng lô hàng.

Để hài hòa giữa 2 bên, đề nghị cho phép đàm phán theo hướng áp dụng cả phương thức cấp phép FLEGT cho lô hàng, đồng thời phân loại doanh nghiệp (nếu doanh nghiệp nào luôn tuân thủ pháp luật sẽ được cấp nhanh tương tự như ngành hải quan đang áp dụng).

4. Kiến nghị

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo một số nội dung sau:

- Giao Bộ Ngoại giao làm thủ tục trình Chính phủ cấp giấy ủy quyền cho ông Võ Đại Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp làm trưởng đoàn đàm phán Việt Nam;

- Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định thành lập đoàn đàm phán lần thứ 3 tại Bruxel, Bỉ vào tháng 11/2012 với các thành viên từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính. Kinh phí cho đoàn đàm phán lấy từ nguồn kinh phí của Bộ Nông nghiệp và PTNT;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho ý kiến chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c);
- Các bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Công thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường;
- Tổng cục Hải quan;
- Tổng cục Lâm nghiệp;
- Hiệp hội gỗ lâm sản Việt Nam;
- Lưu: VT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn