Hệ thống pháp luật

Thử việc đối với người lao động nước ngoài

Ngày đăng: 14/09/2021 lúc 09:14:36

Hiện nay, kinh tế Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Trong xu thế đó, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được tiếp cận với nhiều thị trường đa dạng, nhiều lĩnh vực kinh doanh mới mẻ, để đáp ứng nhu cầu công việc, đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ sử dụng lao động trong nước mà còn phải tuyển dụng cả lao động nước ngoài. Nhà nước ta đã ban hành các văn bản pháp luật nhằm quản lý và sử dụng nguồn nhân lực này. Trong đó quy định về thử việc là một vấn đề mà người lao động nước ngoài cũng như người sử dụng lao động đặc biệt quan tâm.

Thử việc đối với người lao động nước ngoài

Căn cứ Điều 2 Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ:

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động, người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có quan hệ lao động.

2. Người sử dụng lao động.

3. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Do đó, người lao động nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của Bộ luật lao động năm 2019. Vì vậy, khi thử việc người lao động nước ngoài cũng sẽ được áp dụng quy định về thử việc tại Bộ luật này.

Bên cạnh đó, theo quy định nêu tại khoản 1, Điều 24 Bộ luật Lao động 2019:

“1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.”

Như vậy, thử việc là thỏa thuận không bắt buộc phải có khi người lao động làm việc cho người sử dụng lao động. Nhưng nếu có nhu cầu về việc làm thử, các bên hoàn toàn có thể ký hợp đồng thử việc hoặc thỏa thuận thử việc trong nội dung hợp đồng lao động. Vì vậy, doanh nghiệp không nhất thiết phải ký hợp đồng thử việc đối với người lao động nước ngoài, các bên có thể ký luôn hợp đồng lao động và có ghi nhận nội dung thử việc trong đó.

Về tiền lương thử việc: Điều 26, Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương thử việc: “Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.” Do đó, trong thời gian thử việc thì mức lương tối thiểu người lao động nước ngoài được nhận là 85% lương, nếu giữa người lao động và công ty có thỏa thuận về mức lương thử việc cao hơn thì sẽ áp dụng theo mức lương thử việc đã thỏa thuận.

Về thời gian thử việc: Thời gian thử việc sẽ do hai bên thỏa thuận và người sử dụng lao động chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện được quy định tại Điều 25 Bộ luật lao động 2019 như sau:

- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Trên đây là bài viết của Ban biên tập Hệ thống pháp luật Việt Nam về các quy định liên quan đến vấn đề thử việc của người lao động nước ngoài.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam