Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 350-TTg | Hà Nội, ngày 09 tháng 7 năm 1958 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Kính gửi: Uỷ ban hành chính các khu, thành phố và tỉnh,
Từ ngày hoà bình lập lại đến nay, dân quân đã cùng với các lực lượng bộ đội, công an và các ngành có liên quan, như Thuế quan, Hải quan, Lâm nghiệp, v.v... được sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân, làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự an ninh, bảo vệ công cuộc kiến thiết, bảo vệ kinh tế và tài sản công cộng của Nhà nước, và đã thu được những thành tích lớn. Song, hiện nay cũng còn một số thiếu sót cần được sửa chữa:
1. Uỷ ban hành chính các cấp còn coi nhẹ việc giáo dục, phát động nhân dân tham gia công tác bảo vệ, mà nặng về việc sử dụng dân quân thoát ly sản xuất để canh gác tuần phòng.
2. Phạm vi trách nhiệm giữa các lực lượng vũ trang như dân quân, công an, bộ đội bảo vệ và các ngành có liên quan chưa được quy định rõ ràng, nên trong công tác thường có hiện tượng va chạm, dẫm chân lên nhau, hoặc trái lại có những việc không có lực lượng nào chịu trách nhiệm. Uỷ ban hành chính các cấp chưa chú trọng đúng mức việc lãnh đạo các lực lượng vũ trang và các ngành có liên quan thống nhất hoạt động.
3. Nhiều cơ quan vì chưa nhận thức đầy đủ đặc điểm của dân quân là một tổ chức quần chúng vừa tham gia sản xuất vừa làm nhiệm vụ của mình, không ăn lương của Chính phủ, nên trong việc sử dụng dân quân có khi làm lãng phí nhân lực, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của dân quân. Ngược lại, có nơi, cơ quan dân quân vin vào lý do không thoát ly sản xuất để không chấp hành lệnh của Uỷ ban hành chính trong trường hợp cần thiết phải sử dụng dân quân.
Để giải quyết tình trạng trên nhằm đảm bảo tốt công tác giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ công cuộc hoà bình kiến thiết, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của nhân dân ở nông thôn, Thủ tướng phủ quy định nhiệm vụ của dân quân như sau:
Dân quân là một tổ chức vũ trang ở nông thôn do Đảng và Chính phủ tổ chức và lãnh đạo. Dân quân có ba nhiệm vụ:
1. Tích cực thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, củng cố quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
2. Cùng với bộ đội, công an, tiêu diệt thổ phỉ, biệt kích, trấn áp bọn phá hoại hiện hành, bảo vệ trật tự, trị an ở địa phương, bảo vệ Đảng và Chính quyền dân chủ nhân dân.
3. Bảo vệ sản xuất, tích cực tham gia các tổ chức sản xuất tập thể.
Sau đây là nhiệm vụ cụ thể của dân quân trong công tác trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ trật tự an ninh, bảo vệ sản xuất.
I- TRONG VIỆC TRẤN ÁP PHẢN CÁCH MẠNG, GIỮ GÌN TRẬT TỰ AN NINH CHUNG
a) Đối với biệt kích, đặc vụ, thổ phỉ và bọn phản cách mạng có vũ trang, hoạt động chống lại Đảng, chống lại chính quyền dân chủ nhân dân, thì các lực lượng vũ trang: bộ đội, công an, dân quân, phải phối hợp với nhau để vây bắt, để trấn áp. Trường hợp phối hợp hoạt động, thì dân quân chịu sự chỉ huy của bộ đội hoặc công an biên phòng. Trường hợp không có bộ đội hoặc công an biên phòng, thì Uỷ ban hành chính địa phương lãnh đạo dân quân làm nhiệm vụ bảo vệ địa phương và tiêu diệt địch.
b) Đối với việc ngăn ngừa trộm cướp, dân quân có nhiệm vụ, căn cứ vào tình hình ở xã, ở xóm mình hoặc theo yêu cầu của Uỷ ban hành chính hoặc công an, tổ chức tuần phòng, ngăn ngừa và đón bắt những kẻ phạm pháp. Việc đi sâu điều tra các vụ trộm cướp, vụ phá hoại đã xảy ra là nhiệm vụ của công an và Uỷ ban hành chính xã; trong những trường hợp cần thiết, dân quân cần hợp lực.
c) Đối với công tác phòng gian, bảo mật, dân quân cần có ý thức theo dõi, thấy hiện tượng khả nghi thì phản ảnh cho công an biết. Việc đi sâu điều tra phát hiện các tổ chức gián điệp, đảng phái phản động cũng như việc kiểm soát giấy tờ, quản lý người qua lại, cư trú là nhiệm vụ của công an. Trường hợp dân quân đang canh gác hoặc đang đi tuần phòng, thấy người lạ có hiện tượng khả nghi, thì có thể hỏi giấy tờ và nếu cần, thì có thể mời họ đến công an hoặc Uỷ ban hành chính xét.
d) Đối với những người vượt biên giới và giới tuyến trái phép, dân quân có nhiệm vụ phối hợp với công an, bộ đội giữ lại và dẫn đến công an hoặc Uỷ ban hành chính để xét.
a) Đối với những tài sản của Nhà nước như các công trường, kho tàng, cầu cống, đê điều, các công trình thuỷ lợi, các đường giao thông vận tải, các đường dây điện tín, điện thoại v.v..., dân quân có nhiệm vụ phối hợp với công an và các ngành, các cơ quan có liên quan để đề phòng, ngăn ngừa trộm cướp, phá hoại. Trong lúc làm ăn, sản xuất trong thôn xóm, dân quân có nhiệm vụ xem xét những hiện tượng khả nghi, ban đêm trong lúc đi tuần phòng, cần chú ý những nơi đó, khi xét cần phải tạm thời canh gác những mục tiêu nào, thì Uỷ ban hành chính huyện hoặc huyện đội quyết định và giao cho dân quân phụ tách. Trường hợp khẩn cấp, Uỷ ban hành chính huyện hoặc huyện đội quyết định và giao cho dân quân phụ trách. Trường hợp khẩn cấp, Uỷ ban hành chính xã hoặc xã đội dân quân có thể điều động dân quân đến canh gác.
Đối với những mục tiêu phải canh gác thường xuyên vì tính chất đặc biệt quan trọng về quốc phòng, về kinh tế, như phi trường, kho bạc, v.v... thì bộ độ bảo vệ phụ trách, trường hợp thiếu bộ đội bảo vệ, thì có thể giao cho dân quân phụ trách, và phải có tỉnh đội quyết định.
b) Việc bảo vệ các cơ quan chính, đảng, dân các cơ quan kinh tế, văn hoá và xã hội thì do các Ban bảo vệ cơ quan là chính, dân quân có nhiệm vụ phối hợp bằng cách cung cấp tình hình cần thiết cho việc bảo vệ và ban đêm trong lúc tuần phòng cần chú ý những cơ quan đó. Trường hợp có biến động thì dân quân phải chủ động hoặc theo lệnh của Uỷ ban hành chính đến bảo vệ các cơ quan đó và ngăn chặn, vây bắt bọn phá hoại.
III- TRONG VIỆC BẢO VỆ SẢN XUẤT VÀ CHỐNG ĐẦU CƠ, BUÔN LẬU
a) Đối với việc bảo vệ lúa và hoa mầu của nhân dân, bảo vệ rừng rú, dân quân có nhiệm vụ phối hợp với công an và cơ quan lâm nghiệp để ngăn ngừa trộm cắp, phá hoại.
b) Đối với những người buôn bán vượt biên giới trái phép và những người mang hàng hoá trái phép, dân quân có nhiệm vụ giữ lại và dẫn đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết như là Hải quan, Thuế vụ, Công an, Lâm nghiệp. Nếu chỉ thấy hiện tượng khả nghi, thì báo ngay cho các cơ quan đó biết và nếu các cơ quan đó yêu cầu, thì dân quân có nhiệm vụ hợp lực để ngăn chặn, vây bắt.
IV- TRONG VIỆC THI HÀNH PHÁP LUẬT CỦA NHÀ NƯỚC
Đối với những người phạm pháp quả tang, dân quân có nhiệm vụ bắt và dẫn giải đến công an xã, Uỷ ban hành chính xã hoặc đến công an huyện, toà án huyện.
Việc thi hành lệnh của toà án và công an huyện, tỉnh về bắt người và khám xét nhà do Uỷ ban hành chính và công an xã phụ trách. Trường hợp cần thiết Uỷ ban hành chính xã có thể ra lệnh cho dân quân hợp lực với cơ quan phụ trách để thi hành lệnh bắt người hoặc khám nhà của cấp trên.
Việc canh giữ phạm nhân ở xã (trong hạn 24 giờ đồng hồ) và dẫn giải phạm nhân từ xã lên huyện do dân quân phụ trách. Việc canh giữ phạm nhân ở huyện và giải phạm nhân từ huyện lên tỉnh tạm thời cũng do dân quân phụ trách.
V- NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG DÂN QUÂN
a) Dân quân là một tổ chức quần chúng, vừa sản xuất, vừa làm nhiệm vụ dân quân, không ăn lương của Chính phủ, vì vậy phải hết sức tôn trọng thời giờ sản xuất của dân quân, tránh ảnh hưởng không tốt đến đời sống, sản xuất và tinh thần của dân quân.
Việc canh gác, tuần phòng phải tuỳ nơi, tuỳ lúc, mà tổ chức cho thích hợp với yêu cầu bảo vệ.
b) Trường hợp cần điều động dân quân làm nhiệm vụ cần thiết thì Uỷ ban hành chính bàn bạc với cơ quan phụ trách dân quân, rồi Uỷ ban hành chính quyết định và ra lệnh cho cơ quan phụ trách dân quân thi hành.
Các cấp chỉ huy bộ đội biên phòng và các đồn trưởng đồn công an biên phòng sẽ phối hợp với Uỷ ban hành chính và xã hội dân quân để điều động dân quân làm nhiệm vụ tác chiến hoặc đuổi, vây bắt thổ phỉ, biệt kích.
Các cơ quan Nhà nước, các xí nghiệp quốc doanh nếu cần sử dụng dân quân làm nhiệm vụ canh gác, áp tải, phải được tỉnh đội hoặc huyện đội dân quân đồng ý, trường hợp khẩn cấp thì Uỷ ban hành chính xã quyết định xã đội điều động dân quân thi hành, và sau đó xã đội phải báo cáo huyện đội biết.
c) Dân quân có nghĩa vụ đi dân công như mọi người công dân khác, nhưng trong lúc huy động dân quân đi dân công, Uỷ ban hành chính xã cần bàn bạc với xã đội để đảm bảo cho số anh em ở lại nhà đủ sức đảm đương công tác trị an ở địa phương.
VI- PHỤ CẤP THÙ LAO CHO DÂN QUÂN
Dân quân trong lúc làm nhiệm vụ thường xuyên trong xã như tuần phòng, canh gác đê điều, đi hội nghị, v.v.. thì theo chế độ thù lao chung cho cán bộ xã đối với từng công tác.
Trường hợp dân quân phải thoát ly sản xuất từ một buổi trở lên để làm những công việc ngoài những nhiệm vụ thường xuyên nói trên của dân quân trong xã, thì chia làm hai loại như sau:
a) Canh gác cơ quan, kho tàng, cầu cống, canh giữ phạm nhân, v.v... mỗi ngày 600đ, nếu làm cả đêm thì được 900đ.
b) Dẫn giải phạm nhân, áp tải vật tư của Nhà nước, tiểu phỉ, vây bắt đặc vụ, biệt kích, thì mỗi ngày được 800đ và nếu làm cả đêm thì được 1.200đ.
Trường hợp dân quân làm nhiệm vụ phục vụ các cơ quan Nhà nước, xí nghiệp quốc doanh (như canh gác kho tàng, áp tải hàng hoá, v.v...) thì do ngân sách cơ quan, xí nghiệp ấy đài thọ.
Trường hợp canh giữ và dẫn giải phạm nhân, tiểu phỉ, v.v... thì do ngân sách địa phương đài thọ.
Để bồi thường giáo dục và động viên dân quân làm tròn nhiệm vụ, bảo vệ trật tự trị an cho nhân dân, bảo vệ công cuộc xây dựng đất nước, Uỷ ban hành chính các cấp cần chú ý tuyên dương, khen thưởng kịp thời những người có thành tích cũng như kịp thời phê bình cảnh cáo hoặc thi hành kỷ luật đối với những người thiếu tinh thần trách nhiệm, lơ là với công tác để xảy ra những sự thiệt hại đến quyền lợi của Nhà nước và của nhân dân.
Công tác giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ kinh tế và tài sản của Nhà nước và của nhân dân là một công tác rất rộng lớn và rất phức tạp. Để đảm bảo tốt công tác này cần chú ý mấy điểm sau đây:
1. Việc canh gác tuần phòng của dân quân là cần thiết, nhưng trong công tác này ta cần phải dựa vào lực lượng của quần chúng nhân dân, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ và nhân dân tinh thần cảnh giác và ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với công tác này, làm cho đông đảo nhân dân tự giác tích cực và thường xuyên tham gia công tác bảo vệ, thì mới bảo đảm làm tốt công tác bảo vệ.
Trong việc tổ chức canh gác, tuần phòng, phải tuỳ yêu cầu thiết thực, tuỳ nơi, tuỳ lúc mà tổ chức cho thích hợp, hết sức tránh lãng phí sức lực và thì giờ của dân quân, làm ảnh hưởng không tốt đến việc sản xuất của dân quân.
2. Công tác bảo vệ ở một địa phương bao gồm nhiều mục tiêu khác nhau và do những lực lượng vũ trang thuộc những hệ thống tổ chức khác nhau phụ trách, cho nên cần có kế hoạch chung và phải có sự lãnh đạo thống nhất của cấp uỷ Đảng và Uỷ ban hành chính địa phương.
3. Hoạt động của dân quân có quan hệ mật thiết đến việc chấp hành chính sách và luật pháp của Nhà nước, vì vậy, các cơ quan có trách nhiệm như Tư pháp, Công an, Lâm nghiệp, Thương nghiệp, Giao thông, v.v... cần liên hệ chặt chẽ với các cơ quan tỉnh đội, huyện đội và thông qua các cơ quan đó để phổ biến cho dân quân nắm được chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhằm đảm bảo tốt việc thực hiện chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Tiếp được Thông tư này, Uỷ ban hành chính các cấp phối hợp cùng cơ quan phụ trách dân quân để đặt kế hoạch phổ biến rộng rãi cho nhân dân, và trước hết là cho dân quân để thi hành cho tốt quy định trên đây.
Phạm Văn Đồng (Đã ký) |
- 1Thông tư liên tịch 187/2014/TTLT-BTC-BCA hướng dẫn phối hợp thực hiện công tác bảo đảm an ninh và an toàn tiền, tài sản trong hệ thống Kho bạc Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ Công an ban hành
- 2Thông tư liên bộ 14/TTLB năm 1992 về công tác bảo vệ an ninh tài sản nhà nước có ngành ngân hàng quản lý và bảo quản của Ngân hàng Nhà nước - Nội vụ
- 1Thông tư liên tịch 187/2014/TTLT-BTC-BCA hướng dẫn phối hợp thực hiện công tác bảo đảm an ninh và an toàn tiền, tài sản trong hệ thống Kho bạc Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ Công an ban hành
- 2Thông tư liên bộ 14/TTLB năm 1992 về công tác bảo vệ an ninh tài sản nhà nước có ngành ngân hàng quản lý và bảo quản của Ngân hàng Nhà nước - Nội vụ
Thông tư số 350-TTg năm 1958 Quy định nhiệm vụ của dân quân trong công tác giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ kinh tế và tài sản công cộng của Nhà nước ở nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 350-TTg
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 09/07/1958
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phạm Văn Đồng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 28
- Ngày hiệu lực: 24/07/1958
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra