Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 29-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 1962

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH VỀ VIỆC TẶNG THƯỞNG HUÂN CHƯƠNG VÀ HUY CHƯƠNG CHIẾN SĨ VẺ VANG

Ngày 12 tháng 9 năm 1961, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ra pháp lệnh đặt huân chương và huy chương Chiến sĩ vẻ vang để tặng thưởng cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang. Pháp lệnh này đã được công bố do lệnh của Chủ tịch nước Việt-nam dân chủ cộng hòa số 52-LCT ngày 16 tháng 9 năm 1961. Thông tư này quy định các chi tiết và thể thức thi hành pháp lệnh ấy:

I. Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH VIỆC KHEN THƯỞNG

Từ ngày hòa bình lập lại, cuộc cách mạng của nhân dân ta ở miền Bắc đã chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Việc xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang cũng chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang tiến dần lên chính quy và hiện đại để bảo vệ lãnh thổ của nước Việt-nam dân chủ công hòa, bảo vệ côngcuộc lao động hòa bình của nhân dân miền Bắc, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ và được sự giúp đỡ của nhân dân, Quân đội và Công an nhân dân vũ trang đã lập được nhiều thành tích to lớn.

Để biểu dương những thành tích ấy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đặt ra huân chương và huy chương Chiến sĩ vẻ vang để khen thưởng những cán bộ và chiến sĩ đã phục vụ tại ngũ lâu năm, góp phần vào việc xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang. Việc khen thưởng này cũng nhằm đề cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân, phát huy truyền thống tốt đẹp của các lực lượng vũ trang cách mạng, góp phần tích cực của mình hơn nữa vào việc xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc lên chính quy hiện đại, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành tốt mọi công tác của Quân đội và Công an nhân dân vũ trang.

II. ĐỐI TƯỢNG KHEN THƯỞNG

Đối tượng được thưởng huân chương và huy chương Chiến sĩ vẻ vang, theo quy định của pháp lệnh, là cán bộ và chiến sĩ của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang, bao gồm những quân nhân tình nguyện, quân nhân làm nghĩa vụ quân sự, quân nhân đăng lại và quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ tại ngũ, quân nhân đã được phục viên hay chuyển ngành sau thời gian tại ngũ, quân nhân đã chết (quân nhân từ trần và liệt sĩ).

III. ĐIỀU KIỆN KHEN THƯỞNG

Theo pháp lệnh, huân chương và huy chương Chiến sĩ vẻ vang tặng thưởng cho những cán bộ và chiến sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang có đủ những điều kiện như sau:

- Sau ngày 20 tháng 7 năm 1954 đã phục vụ tại ngũ liên tục trong một thời gian nhất định.

- Đã tích cực công tác và học tập, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tại ngũ.

- Trung thành với cách mạng và không phạm sai lầm lớn trong thời gian tại ngũ cũng như sau khi đã xuất ngũ.

A. Về thời gian phục vụ

Huân chương và huy chương Chiến sĩ vẻ vang tặng thưởng cho những cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ trong từng thời gian nhất định.

1. Đối với những cán bộ và chiến sĩ nhập ngũ trong thời kỳ kháng chiến thì tính thời gian phục vụ để khen thưởng kể từ ngày 21 tháng 7 năm 1954. Đối với những người nhập ngũ sau ngày hòa bình được lập lại thì tính thời gian ấy kể từ ngày nhập ngũ trở đi. Sau mỗi thời hạn 5 năm tại ngũ thì xét khen thưởng một lần.

2. Đối với quân nhân phục vụ theo luật nghĩa vụ quân sự thì căn cứ vào thời gian hoàn thành nghĩa vụ tại ngũ là 2,3 hoặc 4 năm để xét khen thưởng. Việc xét khen thưởng này tiến hành vào lúc sắp xuất ngũ (chuyển sang phục vụ theo chế độ công nhân viên Quốc phòng, đi nhận công tác khác ở các ngành dân chính hoặc về nhà làm ăn).

3. Đối với những quân nhân làm nghĩa vụ quân sự đã hết hạn tại ngũ mà đăng lại thì việc xét khen thưởng lùi lại để làm vào khi nào sắp xuất ngũ. Thời gian phục vụ của các quân nhân này sẽ tính từ ngày nhập ngũ làm nghĩa vụ đến hết thời gian đăng lại.

Đối với những quân nhân làm nghĩa vụ quân sự đã hết hạn tại ngũ mà chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp thì thời gian phục vụ kể từ ngày nhập ngũ làm nghĩa vụ cộng với thời gian chuyển sang làm quân nhân chuyên nghiệp; cứu sau mỗi thời hạn 5 năm thì được xét khen thưởng huân chương một lần.

Đối với những quân nhân nói ở 2 trường hợp trong điểm 3 trên dây mà trong thời gian phục vụ tại ngũ từ 3 đến 4 năm được xếp vào loại giỏi về mọi mặt thì được hưởng huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 3 ngay lúc hết hạn làm nghĩa vụ quân sự; đến khi đủ thời hạn 5 năm, việc xét thưởng huân chương hạng ba không đặt ra nữa, và đến khi đủ thời hạn 10 năm thì được xét khen thưởng huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhì.

4. Những quân nhân đã phục viên, chuyển ngành có ít nhất là 3 năm công tác trong Quân đội hay trong Công an nhân dân vũ trang, hoặc trong cả hai lược lượng ấy kể từ sau ngày hòa bình lập lại, hoặc có 2 năm và liên tục được bầu là chiến sĩ thu đua của Trung đoàn thì được xét thưởng huy chương Chiến sĩ vẻ vang. Những người có 5 năm công tác trở lên thì được xét khen thưởng huân chương hạng 3; trường hợp chưa đủ 5 năm nhưng có các điều kiện sau đây thì cũng được xét khen thưởng huân chương hạng 3:

- Đã công tác tại ngũ 3 năm và liên tục được bầu là chiến sĩ thi đua của trung đoàn trở lên trong thời gian ấy.

- Đã công tác tại ngũ 3 năm và mỗi năm đều được cấp chỉ huy từ trung đoàn trở lên công nhận là chiến sĩ giỏi.

5. Những cán bộ chiến sĩ tình nguyện, nhân dân chuyên nghiệp; vì nhu cầu công tác đã chuyển ngành, phục vụ viên mà chưa đủ điều kiện thời gian phục vụ để được xét khen thưởng huy chương hoặc huân chương hạng 3, hạng nhì, hạng nhất, nếu về sau được gọi trở lại Quân độ nhân dân và Công an nhân dân vũ trang thì thời gian phục vụ tại ngũ lần trước (tính kể từ ngày 21 tháng 7 năm 1954 nếu đã nhập ngũ từ trong thời kỳ kháng chiến, hoặc kể từ ngày nhập ngũnếu nhập ngũ sau ngày hòa bình lập lại) được cộng vào thời gian phục vụ tại ngũ lần sau để khi tính khen thưởng.

6. Khi vận dụng tiêu chuẩn về thời gian, nếu thiếu không quá một tháng, thì tùy trường hợp có thể châm chước.

7. Đối với những liệt sĩ đã hy sinh trong chiến đấu hoặc trong công tác, thì vận dụng têu chuẩn về thời gian phục vụ trong việc xét truy tặng huân chương và huy chương như sau:

- Nếu thời gian phục vụ tại ngũ được 2 năm liên tục hoặc chưa được 2 năm nhưng được xếp vào loại giỏi về mọi mặt trong thời gian phục vụ, thì truy tặng huy chương.

- Nếu thời gian phục vụ tại ngũ được 3 năm liên tục, thì truy tặng huân chương hạng 3.

- Nếu thời gian phục vụ tại ngũ được 5 năm liên tục, thì truy tặng huân hương hạng nhì.

- Nếu thời gian phục vụ tại ngũ được 10 năm liên tục, thì truy tặng huân hương hạng nhất.

B. Về điều kiện liên tục công tác:

Liên tục công tác là đã thường xuyên giữ những chức vụ nhất định, không có thời gian bị gián đoạn.

Đối với những người nghỉ lâu ngày Bộ Quốc phòng, và Bộ Công an sẽ tùy trường hợp cụ thể mà xét va đề nghị khen thưởng.

C. Về điều kiện tích cực công tác và học tập, hoàn thành tốt nhiệm vụ:

Điều kiện này có nghĩa là trong thời gian phục vụ Quân đội nhândân hay Công an nhân dân, vũ trang, đã luôn luôn cố gắng làm tròn nhiệm vụ: nỗ lực học tập để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, quân sự, kỹ thuật, nghiệp vụ và văn hóa; thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ, điều lệnh, điều lệ.

D. Về điều kiện không sai lầm lớn:

Những người được thưởng là người không phạm sai lầm lớn trong thời gian tại ngũ cũng như sau khi đã xuất ngũ. Điều này quy định cụ thể như sau:

a) Những người bị Tòa án tước quân tịch hoặc bị Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân vũ trang thi hành kỷ luật loại ngũ, không được khen thưởng.

b) Những quân nhân đã bị Tòa xử án phạt tù không được khen thưởng. Đối với những quân nhân bị phạt tù ở mà sau khi mãn hạn tù được Quân đội và Công an nhân dân vũ trang cho tiếp tục công tác tại ngũ, thì thời gian phục vụ để xét việc khen thưởng tính từ ngày trở lại công tác cho đến khi đủ thời hạn để được xét thưởng (thời gian phục vụ trước khi bị xử phạt tù không được tính). Đối với những quân nhân bị phạt tù án treo nhưng được tiếp tục công tác tại ngũ nếu trong thời gian treo án không phạm sai lầm, thì thời gian phục vụ để xét việc khen thưởng tính kể từ ngày bị xử phạt trở về sau cho đến khi đủ thời hạn xét khen thưởng (thời gian phục vụ trước khi bị xử phạt tù không được tính).

c) Đối với những quân nhân phạm sai lầm mà bị thi hành kỷ luật giáng chức hoặc giáng cấp, thì thời gian phục vụ để xét khen thưởng phải kéo dài thêm; nếu sau khi bị thi hành kỷ luật, người phạm lỗi có sửa chữa và tiến bộ, thì mới được xét khen thưởng. Việc kéo dài thời gian phục vụ này quy định như sau:

- Nếu về cấp quân hàm hoặc chức vụ bị giáng một bậc, thì thời gian phục vụ để xét khen thưởng phải kéo dài thêm hai năm.

- Nếu về cả cấp quân hàm và chức vụ đều bị giáng một bậc, thì thời gian phục vụ để xét khen thưởng phải kéo dài thêm ba năm.

d) Những người phạm sai lầm bị khiển trách hoặc cảnh cáo, mà sau đó đã tiến bộ, tích cực công tác, thì được xét khen thưởng đúng mức như pháp lệnh quy định. Nếu trong một thời hạn xét khen thưởng mà có hai lần bị cảnh cáo, thời gian phục vụ để xét khen thưởng phải kéo dài thêm một năm và chỉ được xét khen thưởng khi đã có tiến bộ.

e) Khi xét khen thưởng về thời hạn phục vụ nào, thì chỉ tính đến những vụ bị thi hành kỷ luật trong thời hạn ấy.

g) Những cán bộ và chiến sĩ sau khi ra ngoài Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang mà phạm sai lầm và bị xử phạt theo các hình thức sau đây thì không được khen thưởng.

- Bị tước quyền bầu cử và ứng cử.

- Bị tòa án phạt tù (tù ở cũng như tù án treo)

- Bị tước danh hiệu sĩ quan dự bị, hạ sị quan dự bị hay là binh sĩ dự bị.

- Bị thải hồi hoặc bị bắt buộc phải thôi việc (đối với cán bộ, công nhân, nhân viên làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước, ở các đoàn thể nhân dân).

Đối với trường hợp bị giáng chức, thì khen thưởng thấp một cấp bậc.

E. Điều kiện được xếp vào “loại giỏi về mọi mặt”

Điều kiện này chỉ áp dụng với quân nhân làm nghĩa vụ quân sự đang tại ngũ. Được xếp vào loại giỏi về mọi mặt nghĩa là: trong thời gian phục vụ đã luôn luôn tích cực công tác và học tập, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ, điều lệnh, điều lệ và không bị một hình thức kỷ luật nào. Về kỹ thuật, nghiệp vụ thì được xếp vào loại giỏi theo tiêu chuẩn do có các cơ quan có thẩm quyền quy định và được cấp chỉ huy trung đoàn hoặc một cấp tương đương với cấp ấy xác nhận.

IV. THỦ TỤC KHEN THƯỞNG

Theo quy định của Pháp lệnh, việc khen thưởng huân chương Chiến sĩ vẻ vang các hạng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và việc tặng thưởng huy chương Chiến sĩ vẻ vang do Hội đồng Chính phủ quyết định.

Nay quy định thủ tục xét và đề nghị khen thưởng như sau:

1. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tổ chức việc xét và đề nghị khen thưởng những cán bộ và chiến sĩ tại ngũ.

2. Đối với những cán bộ và chiến sĩ Quân đội nhân dân đã chuyển ngành hiện đang công tác ở cơ quan nào thì thủ trưởng cơ quan ấy xét và đề nghị khen thưởng. Đề nghị này phải gửi đến tỉnh đội hoặc thành đội địa phương để cơ quan này tập trung và đề nghị lên cấp trên theo hệ thống tổ chức của Quân đội. Đối với những cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân đã phục viên và về các địa phương, thì Ủy ban hành chính xã hoặc khu phố xét và đề nghị lên Ủy ban hành chính huyện hoặc quận, Ủy ban hành chính tỉnh hoặc thành phố. Khi Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố duyệt xong, thì các đề nghị phải được chuyển sang tỉnh đội hoặc thành đội để tập trung và báo cáo lên cấp trên theo hê5 thống tổ chức của Quân đội. Các cơ quan xã đội, huyện đội và tỉnh đội có nhiệm vụ giúp Ủy ban hành chính cùng cấp trong việc xét khen thưởng.

Đối với những cán bộ và chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đã chuyển ngành, phục viên, thì việc xét khen thưởng cũng tiến hành như trên; cơ quan Công an các cấp có nhiệm vụ giúp Ủy ban hành chính cùng cấp trong công tác xét khen thưởng này. Khi Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố duyệt xong, thì các đề nghị phải được chuyển cho Ty hoặc Sở Công an để tập trung và báo cáo lên Bộ Công an.

3. Những đề nghị khen thưởng huân chương và huy chương Chiến sĩ vẻ vang cho cán bộ và chiến sĩ Quân đội nhân dân hiện tại ngũ hoặc đã xuất ngũ do Bộ Quốc phòng thẩm duyệt và báo cáo lên Hội đồng Chính phủ.

Những đề nghị khen thưởng cho cán bộ và chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang hiện tại ngũ hoặc đã xuất ngũ do Bộ Công an thẩm quyền và báo cáo lên Hội đồng Chính phủ

4. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chịu trách nhiệm làm kế hoạch cụ thể thi hành thông tư này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư số 29-TTg năm 1962 thi hành Pháp lệnh về tặng thưởng Huân chương và Huy chương Chiến sĩ vẻ vang do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 29-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 05/03/1962
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản