Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH-UỶ BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 63/TC/KHKT

Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 1990

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - UỶ BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC SỐ 63/TCKHKT NGÀY 11 THÁNG 12 NĂM 1990 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ Ở CÁC TỈNH, THÀNH VÀ ĐẶC KHU TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Để tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư cho các hoạt động khoa học và công nghệ (viết tắt là KH - CN); liên bộ Tài chính - Uỷ ban Khoa học Nhà nước hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các hoạt động ở các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương (viết tắt là địa phương) như sau:

I. NỘI DUNG CÁC LOẠI VỐN ĐẦU TƯ CHO HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ Ở CÁC ĐỊA PHƯƠNG

1. Vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho các hoạt động khoa học và công nghệ do địa phương quản lý được cân đối trong ngân sách địa phương.

2. Vốn ký kết hợp đồng nghiên cứu triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Bộ Tài chính và Uỷ ban Khoa học Nhà nước.

3. Các nguồn vốn khác: Vốn sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh tế, vốn viện trợ của các tổ chức quốc tế, vốn tín dụng.

II. NỘI DUNG CÁC HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐƯỢC CẤP KINH PHÍ TỪ NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

1. Hỗ trợ việc áp dụng lần đầu các kỹ thuật tiến bộ (viết tắt là KTTB) vào sản xuất và đời sống.

2. Chi cho việc nghiên cứu thích ứng hoặc phối hợp nghiên cứu (khẳng định khả năng áp dụng) các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong và ngoài nước vào điều kiện cụ thể của từng địa phương.

3. Chi cho công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng sản phẩm hàng hoá.

4. Chi cho công tác thông tin khoa học và công nghệ, sáng kiến, sáng chế và sở hữu công nghiệp (bao gồm cả tập huấn nghiệp vụ khoa học - kỹ thuật).

5. Chi cho các nhiệm vụ: xây dựng dự báo chiến lược khoa học công nghệ và kinh tế - xã hội. Đánh giá trình độ công nghệ của sản xuất và sản phẩm. Tổ chức các hội đồng khoa học thẩm định công nghệ đối với các dự án, dự kiến đầu tư vào địa phương. Lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho các KTTB dự kiến đưa vào sản xuất trong năm kế hoạch.

6. Chi cho công tác hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ.

7. Chi cho việc trang bị các phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ.

Riêng khoản chi cho hoạt động của Uỷ ban KHKT các địa phương do kinh phí hành chính đài thọ.

III. CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ KINH PHÍ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ Ở ĐỊA PHƯƠNG

1. Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch thu chi về khoa học công nghệ do các địa phương đề nghị và tổng mức ngân sách Nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ được Quốc hội phê chuẩn, Uỷ ban Khoa học Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính phân bổ kế hoạch chi ngân sách cho các hoạt động khoa học công nghệ địa phương.

Căn cứ vào kế hoạch đã được thống nhất trên, Bộ Tài chính tổng hợp vào kế hoạch chi ngân sách địa phương trình Hội đồng Bộ trưởng giao cho các địa phương thực hiện.

2. Uỷ ban khoa học kỹ thuật các địa phương có trách nhiệm:

a) Tổng hợp và cân đối các dự án kế hoạch khoa học công nghệ của các ngành, các cấp và các cơ sở, để phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng thành kế hoạch khoa học công nghệ của địa phương.

b) Phối hợp với Sở Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch trong việc lập kế hoạch chi tiêu, cấp phát, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch khoa học công nghệ và chi tiêu tài chính đối với các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

3. Sở Tài chính có trách nhiệm:

a) Tổng hợp và cân đối nhu cầu tài chính đảm bảo thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ hàng năm để Uỷ ban nhân dân tỉnh trình hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt cùng với việc xét duyệt và thông qua dự án thu, chi ngân sách địa phương hàng năm.

b) Căn cứ vào kế hoạch thu, chi ngân sách địa phương được Hội đồng Bộ trưởng giao hàng năm, Sở Tài chính phối hợp với Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh phân bổ kế hoạch chi cho từng nhiệm vụ khoa học công nghệ nêu tại mục I của thông tư này, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho đơn vị thực hiện.

c) Tổ chức việc cấp phát hạn mức kinh phí cho các đơn vị thực hiện theo kế hoạch và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Sở Tài chính có thể cấp phát trực tiếp hoặc cấp phát cho Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật để ký hợp đồng với các đơn vị thực hiện.

Việc lựa chọn hình thức cấp phát tuỳ thuộc vào điều kiện của từng tỉnh, liên sở bàn bạc, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

d) Kiểm tra việc thu, chi tài chính và duyệt quyết toán của các đơn vị được giao kinh phí khoa học công nghệ.

đ) Hướng dẫn công tác tài chính và quyết toán cho các đơn vị được nhận kinh phí khoa học công nghệ.

4. Các ngành, các cấp và các cơ sở được nhận kinh phí Nhà nước đầu tư cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ (bao gồm các nguồn vốn) có trách nhiệm:

a) Sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ của cơ sở.

b) Chấp hành đầy đủ các quy định hiện hành về xây dựng, xét duyệt, kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

c) Thực hiện báo cáo quyết toán hàng quí, năm theo các quy định hiện hành về tài chính và thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị phản ánh cho liên bộ để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

Lê Quý An

(Đã ký)

 

Lý Tài Luận

(Đã ký)

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 63/TC/KHKT năm 1990 hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các hoạt động khoa học và công nghệ ở các tỉnh, thành và đặc khu trực thuộc Trung ương do Bộ Tài chính-Uỷ ban Khoa học Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 63/TC/KHKT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 11/12/1990
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Ủy ban Khoa học Nhà nước
  • Người ký: Lê Quý An, Lý Tài Luận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản