Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 62/1998/TTLT-BTC-BCN

Hà Nội , ngày 13 tháng 5 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 62/1998/TTLT-BTC-BCN NGÀY 13 THÁNG 5 NĂM 1998 VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN BÁN HỒ SƠ MỜI THẦU CÁC DỰ ÁN BOT NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 23/11/1993 của Chính phủ ban hành Quy chế đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao.
Căn cứ Nghị định số 43/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu và Thông tư liên Bộ số 02/TTLB ngày 25/2/1997 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Xây dựng - Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện Quy chế đấu thầu.
Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Công nghiệp là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện triển khai các dự án BOT ngành điện.
Để tạo điều kiện cho việc thực hiện và triển khai có hiệu quả các dự án BOT ngành điện, Bộ Tài chính và Bộ Công nghiệp thống nhất quy định các nội dung chủ yếu trong việc quản lý và sử dụng tiền bán hồ sơ mời thầu các dự án BOT ngành điện như sau:

I. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Các hoạt động phục vụ cho công tác mời thầu, xét thầu các dự án BOT của nước ngoài do Bộ Công nghiệp quản lý được thực hiện theo nguyên tắc tự cân đối chi phí. Bộ Tài chính không cấp phát từ ngân sách để phục vụ cho nhu cầu chi của các hoạt động này.

2. Tuỳ theo tính chất, quy mô của từng gói thầu, bên mời thầu (Bộ Công nghiệp) được định ra mức thu của từng Hồ sơ mời thầu. Mức giá này được xây dựng trên các khoản chi hợp lý được quy định tại điểm 2, mục II của Thông tư này.

Tiền thu được do bán hồ sơ, Bộ Công nghiệp được giữ lại để trang trải cho các hoạt động liên quan đến công tác mời thầu và xét thầu.

3. Các hoạt động liên quan đến công tác mời thầu, xét thầu phải thực hiện theo các quy định hiện hành.

II. CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1. Khoản thu từ tiền bán hồ sơ mời thầu:

Bộ Công nghiệp phải gửi vào tài khoản của Bộ mở tại Kho bạc Nhà nước.

2. Các khoản chi được quy định như sau:

- Chi phí cho công tác kiểm tra, thẩm định dự án bao gồm cả tiền ăn, ở, đi lại;

- Chi phí phục vụ cho công tác triển khai dự án: thuê, mua các phương tiện làm việc, trang thiết bị văn phòng, mua tài liệu. Tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, in ấn, dịch thuật tài liệu, văn phòng phẩm...

- Thuê tư vấn tham gia nghiên cứu đánh giá dự án.

- Thuê luật sư tư vấn về các vấn đề pháp lý.

- Bồi dưỡng cho các thành viên Hội đồng xét thầu.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Căn cứ vào từng giai đoạn cụ thể, khối lượng công việc và tuỳ theo tiến độ thực hiện hợp đồng BOT đã được ký kết, mỗi quý Bộ Công nghiệp lập nhu cầu chi tiêu gửi Kho bạc Nhà nước cấp phát theo tiến độ dự án.

2. Hàng năm Bộ Công nghiệp phải quyết toán các khoản thu chi tài chính liên quan đến hoạt động mời thầu, xét thầu và có báo cáo gửi Bộ Tài chính.

Khi kết thúc dự án, số tiền thu được do bán tài liệu mời thầu nếu lớn hơn chi phí đã được quy định tại điểm II phần 2, Bộ Công nghiệp có trách nhiệm nộp hết vào ngân sách nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1998. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc hai Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi.

Lê Huy Côn

(Đã ký)

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 62/1998/TTLT-BTC-BCN quản lý và sử dụng tiền bán hồ sơ mời thầu các dự án BOT nước ngoài do Bộ Tài chính và Bộ Công nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 62/1998/TTLT-BTC-BCN
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 13/05/1998
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính
  • Người ký: Lê Huy Côn, Phạm Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản