Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 60/2003/TTLT-BNV-BTC

Hà Nội , ngày 25 tháng 9 năm 2003

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ NỘI VỤ - BỘ TÀI CHÍNH SỐ 60/2003/TTLT-BNV-BTC NGÀY 25 THÁNG 9 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CHÍNH SÁCH, ĐỐI TƯỢNG TINH GIẢN BIÊN CHẾ

Căn cứ Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP ngày 28/7/2003 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000 của Chính phủ về tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày 15/01/2003 của Chính phủ về việc điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội và đổi mới một bước cơ chế quản lý tiền lương;
Để tiếp tục thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo hướng dẫn tại Thông tư số 73/2000/TTLT-BTCCBCP-BTC ngày 28/12/2000 của Ban tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và Bộ Tài chính; Liên tịch Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chính sách, đối tượng tinh giản biên chế như sau:

I. Tiếp tục thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP của Chính phủ và Thông tư số 73/2000/TTLT-BTCCBCP-BTC ngày 28/12/2000 của liên tịch Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đến hết năm 2005.

II. Bổ xung phạm vi đối tượng và áp dụng chính sách tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 28/10/2000 của Chính phủ như sau:

1. Cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước và nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật trực tiếp làm việc trong các tổ chức sự nghiệp công, thuộc các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa thông tin, thể dục, thể thao, nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ và sự nghiệp khác do các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương quản lý.

1.1. Đối tượng tinh giản biên chế bao gồm những người quy định tại điểm 2, phần II Thông tư liên tịch số 73/2000/TTLT-BTCCBCP-BTC ngày 28/12/2000 của liên tịch Ban tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

1.2. Trong năm 2003 thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với giáo viên các tỉnh miền núi và Tây nguyên thuộc diện tinh giản biên chế quy định tại điểm 1.1, mục 1, phần II Thông tư này bao gồm:

- 4 tỉnh Tây nguyên: Lâm Đồng, Đắc Lắc, Gia Lai, KonTum.

- Các tỉnh miền núi: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Giang.

- Huyện miền núi và xã miền núi đối với các tỉnh có miền núi.

1.3. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2004 áp dụng chính sách tinh giản biên chế đối với tất cả các đối tượng nêu tại mục 1, phần II Thông tư này.

2. Các chức danh là: thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, thành viên Ban Kiểm soát trong diện phải sắp xếp do tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước được áp dụng thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 16/2000/NĐ-CP của Chính phủ từ ngày Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP ngày 28/7/2003 có hiệu lực thi hành.

III. Sửa đổi, bổ sung chính sách tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP của Chính phủ

1. Kinh phí giải quyết chính sách tinh giản biên chế đối với các chức danh trong doanh nghiệp nhà nước nêu tại mục 2, phần II Thông tư này được bố trí từ nguồn quỹ hỗ trợ lao động dôi dư quy định tại Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ.

2. Việc áp dụng mức lương tối thiểu khi thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các chức danh thuộc doanh nhgiệp nhà nước quản lý được áp dụng thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP, ngày 18/10/2000 và Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP ngày 28/7/2003 của Chính phủ.

2.1. Mức lương tối thiểu để tính lương tháng trả trợ cấp thôi việc theo số năm có đóng bảo hiểm xã hội cho những người thôi việc do tinh giản biên chế quy định như sau:

2.1.1. Mức lương tối thiểu 210.000 đ/th để tính lương tháng trả trợ cấp thôi việc theo số năm có đóng bảo hiểm xã hội từ trước ngày 01/01/2003.

2.1.2. Mức lương tối thiểu 290.000 đ/th để tính lương tháng trả trợ cấp thôi việc theo số năm có đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2003.

2.2. Khoản trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp khi được cử sang làm việc ở các cơ sở bán công; trợ cấp tìm việc làm; trả lương trong thời gian đi học để tìm việc làm và trợ cấp 6 tháng đối với các trường hợp đi học để chuyển nghề trước khi thôi việc được áp dụng mức lương tối thiểu 290.000 đ/th.

2.3. Phương pháp tính toán mức tiền lương cấp bậc, phụ cấp theo lương (nếu có) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 73/2000/TTLT-BTC-BTCCBCP, ngày 28/12/2000 hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Ví dụ: Ông Trần Văn D, thuộc diện tinh giản biên chế có hệ số lương cơ bản là 2,5, hệ số phụ cấp khu vực 0,3 tính đến ngày thôi việc tháng 11/2003 ông có 10 năm 2 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Chế độ thôi việc của ông được tính như sau:

- Tiền lương tháng và phụ cấp của ông D hưởng trước ngày 01/01/2003 để tính trợ cấp thôi việc.

210.000đ x (2,5 + 0,3) = 588.000 đ/th

- Tiền lương tháng và phụ cấp của ông D hưởng từ ngày 01/01/2003 để tính trợ cấp thôi việc.

290.000đ x (2,5 + 0,3) = 812.000 đ/th

a. Số tiền trợ cấp theo Nghị định số 96/1998/NĐ-CP.

- Trợ cấp tìm việc làm

812.000đ x 3 tháng = 2.436.000đ

- Trợ cấp thôi việc

588.000 đ x 9 tháng + 812.000 đ x 1 tháng = 6.104.000 đ

b. Số tiền trợ cấp thôi việc theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP là

588.000 đ x 9 tháng + 812.000 đ x 1 tháng = 6.104.000 đ

Tổng số tiền ông D được nhận khi thôi việc là (a+b)

2.436.000đ + 6.104.000 đ + 6.104.000 đ = 14.644.000đ

2.4. Kinh phí tăng thêm do điều chỉnh lương tối thiểu để chi trả các khoản trợ cấp cho việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000 và Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP ngày 28/7/2003 của Chính phủ được cấp từ ngân sách Nhà nước.

3. Số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000 và Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP ngày 28/7/2003 của Chính phủ thì chỉ tiêu biên chế thực hiện như sau:

3.1. Những người dôi dư do sắp xếp cơ cấu lại bộ máy tổ chức; khắc phục chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị; bố trí lại cơ cấu tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thì chỉ tiêu biên chế của cơ quan, dơn vị giảm đi tương ứng; vì không còn vị trí công việc.

3.2. Những người tuy nằm trong cơ cấu, vị trí các công việc nhưng do yếu sức khoẻ, yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ v.v... không đủ khả năng đảm nhiệm được vị trí công việc nên được thực hiện chính sách tinh giản biên chế thì cơ quan, đơn vị được giữ lại chỉ tiêu biên chế tương ứng để tuyển dụng những người đủ tiêu chuẩn vào thay thế nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ kết quả thực hiện Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000 của Chính phủ trong 2 năm 2001 - 2002 (giai đoạn 1) các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện và báo cáo các số liệu theo biểu số 1 (đính kèm) gửi về Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ. Việc này cần làm vào nửa đầu tháng 10/2003 trước khi triển khai tiếp về tinh giản biên chế (giai đoạn 2).

2. Việc cấp kinh phí từ nguồn quỹ hỗ trợ lao động dôi dư để giải quyết chính sách tinh giản biên chế đối với các chức danh trong doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Khi lập các biểu số 2, 3, 4, 5 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 73/2000/TTLT-BTCCBCP-BTC các doanh nghiệp nhà nước (nếu có) được ghi bổ sung thành một mục riêng (theo mẫu đính kèm)

V. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành theo hiệu lực thi hành của Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP ngày 28/7/2003 của Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.

Đỗ Quang Trung

(Đã ký)

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)