Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ THƯƠNG MẠI-TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5-TTLT | Hà Nội , ngày 26 tháng 7 năm 1997 |
Để tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hoá trong nước qua đường Bưu điện thuận lợi, đúng pháp luật, đồng thời ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, Tổng cục Bưu điện, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại ra Thông tư hướng dẫn việc kiểm tra và xử lý đối với hàng hoá gửi qua đường Bưu điện trong nước như sau:
1. Hàng hoá để kinh doanh (sau đây gọi là hàng hoá) gửi qua đường Bưu điện trong nước dưới hình thức bưu phẩm, bưu kiện phải kèm theo chứng từ hợp pháp theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính để chứng minh nguồn gốc hàng hoá là hợp pháp.
Vật phẩm, hàng hoá là quà biếu, quà tặng gửi trong bưu phẩm, bưu kiện trong nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này. Tổ chức, cá nhận lợi dụng đường bưu điện để gửi hàng hoá cấm kinh doanh, trốn lậu thuế dưới danh nghĩa quà biếu, quà tặng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về hàng hoá của mình gửi trong bưu phẩm, bưu kiện và chứng từ kèm hàng hoá.
Nghiêm cấm gửi qua đường Bưu điện hàng hoá Nhà nước cấm kinh doanh, cấm nhập khẩu, trốn lậu thuế theo quy định hiện hành (sau đây gọi là hàng hoá vi phạm pháp luật).
3. Thẩm quyền và thủ tục xử lý đối với những vi phạm hành chính trong việc gửi hàng hoá qua đường Bưu điện trong nước dưới hình thức bưu phẩm, bưu kiện theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạn hành chính. Nếu qua kiểm tra, phát hiện có dấu hiện tội phạm thì phải chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Tố tụng hình sự.
4. Đối với bưu phẩm, bưu kiện có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi từ Việt Nam đi nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam được thực hiện theo Thông tư liên Tổng cục Hải quan và Tổng cục Bưu điện số 06/TTHQ-BĐ ngày 20/06/1995.
II. QUY ĐỊNH VỀ VIỆC GỬI, PHÁT BƯU PHẨM, BƯU KIỆN LÀ HÀNG HOÁ:
1. Tổ chức, cá nhân gửi hàng hoá qua đường bưu điện phải thực hiện các quy định sau:
- Ghi trên phiếu gửi và vỏ bọc bưu phẩm, bưu kiện chữ "Hàng hoá". - Kê khai hàng hoá trên phiếu gửi đúng, đủ với hàng hoá gửi trong bưu phẩm, bưu kiện.
- Có chứng từ hợp pháp gửi kèm theo.
- Phải chịu sự kiểm tra khi có yêu cầu của nhân viên bưu điện và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2. Bưu cục nhận gửi (bưu cục gốc) có trách nhiệm sau:
- Hướng dẫn người gửi thực hiện đúng pháp luật khi gửi hàng hoá dưới hình thức bưu phẩm hay bưu kiện và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền có liên quan đến kiểm tra.
- Không nhận gửi hàng hoá vi phạm pháp luật.
- Ghi chú vào chứng từ ngày gửi, ký tên và đóng dấu nhật ấn.
- Chứng từ được cho vào phong bì và gửi kèm theo bưu phẩm, bưu kiện. Ngoài phong bì ghi chú "Chứng từ hàng hoá".
- Trường hợp chứng từ dùng để gửi nhiều bưu phẩm, bưu kiện cần ghi chú trên phong bì "Chứng từ của bưu phẩm hay bưu kiện từ số.... đến số....." Ghi chữ "Hàng hoá" vào ấn phẩm, sổ sách liên quan.
3. Bưu cục phát trả chứng từ cho người nhận khi phát bưu phẩm, bưu kiện.
4. Nếu cơ sở Bưu điện phát hiện bưu phẩm, bưu kiện có hàng hoá vi phạm phát luât, phải giữ bưu phẩm, bưu kiện lại và báo cáo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền biết để xử lý.
III. KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM:
1. Thủ tục kiểm tra, xử lý bưu phẩm, bưu kiện có hàng hoá vi phạm pháp luật:
1.1. Tại bưu cục gốc:
Bưu cục gốc phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mời người gửi đến giải quyết.
1.2. Tại bưu cục phát:
- Bưu cục phát phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ấn định thời hạn mời người nhận đến để giải quyết.
Thời hạn tối đa là 7 ngày, kể từ ngày mời đầu tiên, nếu người nhận ở thành phố, thị xã, thị trấn và 15 ngày nếu người nhận ở nông thôn.
- Nếu người nhận không đến đúng thời hạn quy định trong giấy mời, bưu cục phát báo cho bưu cục gốc để thông báo người gửi đến giải quyết bưu phẩm, bưu kiện đó tại bưu cục phát.
1.3. Trên đường vận chuyển:
a. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ được tiến hành kiểm tra, xử lý hàng hoá để kinh doanh gửi qua đường bưu điện dưới hình thức bưu phẩm, bưu kiện vi phạm pháp luật tại bưu cục gốc hoặc bưu cục phát; trừ trường hợp khẩn cấp có liên quan đến an ninh quốc gia thì đưa về bưu cục gần nhất để giải quyết.
b. Trường hợp trên phương tiện vận chuyển vừa có túi, gói bưu phẩm, bưu kiện, vừa có hàng hoá vi phạm phát luật không phải là bưu phẩm, bưu kiện thì việc kiểm tra, xử lý tiến hành như sau:
- Đối với hàng hoá vi phạm pháp luật không phải là bưu phẩm, bưu kiện, cơ quan có thẩm quyền được kiểm tra, xử lý trên đường vận chuyển theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
- Túi gói bưu phẩm, bưu kiện không vi phạm pháp luật trên phương tiện vận chuyển đó được chuyển phát bình thường.
- Đối với bưu phẩm, bưu kiện chứa đựng hàng hoá vi phạm pháp luật thì xử lý như điểm (a) nói trên.
2. Thẩm quyền, thời hạn, thủ tục xử lý:
2.1. Thẩm quyền, thời hạn, thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hoá gửi qua đường bưu điện trong nước có vi phạm hành chính phải tuân theo các quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
2.2. Trường hợp tổ chức, cá nhân có hàng hoá gửi qua đường bưu điện không đến để giải quyết với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại điểm 1.2 phần III thì cơ quan có thẩm quyền báo lại cho họ lần thứ hai hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo lần thứ hai, nếu tổ chức, cá nhân gửi vẫn không đến giải quyết thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu giữ và giải quyết theo quy định của pháp luật.
2.3. Khi tiến hành kiểm tra, xử lý hành chính, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải lập biên bản theo quy định tại Điều 47 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
3. Thủ tục giao nhận bưu phẩm, bưu kiện bị thu giữ:
3.1. Khi có quyết định thu giữ để xử lý. Bưu điện bàn giao bưu phẩm, bưu kiện đó cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
3.2. Khi cơ sở bưu điện giao bưu phẩm, bưu kiện có quyết định thu giữ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cơ quan thu giữ lập biên bản kèm theo bản kê chi tiết từng bưu phẩm, bưu kiện (ghi đầy đủ số hiệu, khối lượng, số lượng, chủng loại hàng hoá, bưu cục gốc, bưu cục phát, họ tên, địa chỉ người gửi, người nhận của từng bưu phẩm, bưu kiện). Biên bản giao nhận và bản kê phải ghi rõ họ tên bên giao, bên nhận, khách hàng, người làm chứng (nếu có) và ký tên. Biên bản và bản kê được lập thành ít nhất ba bản để lưu tại bên giao, bên nhận, khách hàng (nếu có).
1. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính:
1.1. Chấp hành đúng pháp luật và quy định tại Thông tư này về kiểm tra và xử lý hàng hoá gửi qua đường bưu điện trong nước. Niêm yết tại nơi giao dịch Quy định về việc nhận gửi hàng hoá và Danh mục các loại vật phẩm, hàng hoá không nhận gửi.
1.2. Phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc phát hiện, kiểm tra xử lý những bưu phẩm, bưu kiện có hàng hoá vi phạm phát luật.
1.3. Tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực thi nhiệm vụ.
1.4. Cán bộ, nhân viên bưu điện có hành vi thông đồng với chủ hàng buôn bán vi phạm pháp luật qua việc gửi hàng hoá để kinh doanh dưới hình thức bưu phẩm, bưu kiện thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, xử lý hàng hoá vi phạm pháp luật gửi qua đường bưu điện trong nước dưới hình thức bưu phẩm, bưu kiện:
2.1. Thực hiện đúng pháp luật và hướng dẫn tại Thông tư này trong việc kiểm tra, xử lý bưu phẩm, bưu kiện có hàng hoá phạm pháp, phối hợp chặt chẽ với Bưu điện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.
2.2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Nếu gây thiệt hại hoặc làm hư hỏng mất mát thì phải bồi thường vật chất theo quy định của pháp luật.
3. Tổng cục Bưu điện, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trong ngành và địa phương thực hiện đúng phát luật và quy định của Thông tư này; thông báo và gửi cho các ngành hữu quan những văn bản pháp quy và những thông tin liên quan đến việc quản lý, lưu thông hàng hoá; phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý những hành vi vi phạm pháp luật đối với việc gửi hàng hoá qua đường Bưu điện trong nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, yêu cầu báo cáo kịp thời về cơ quan quản lý cấp trên để giải quyết.
Đỗ Như Đính (Đã ký) | Vũ Mộng Giao (Đã ký) |
Nguyễn Quế Hương (Đã ký) | Võ Thái Hoà (Đã ký) |
Thông tư liên tịch 5-TTLT 1997 về việc kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hàng hoá kinh doanh gửi qua đường Bưu điện trong cả nước do Tổng Cục Bưu Điện - Bộ Nội Vụ - Bộ Tài Chính - Bộ Thương Mại ban hành
- Số hiệu: 5-TTLT
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 26/07/1997
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Tổng cục Bưu điện
- Người ký: Đỗ Như Đính, Nguyễn Quế Hương, Võ Thái Hoà, Vũ Mộng Giao
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 18
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra