Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 448-LB/TT

Hà Nội , ngày 28 tháng 3 năm 1994

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘQUỐC PHÒNG - LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI -TÀI CHÍNH SỐ 448-LB/TT NGÀY 28 THÁNG 3 NĂM 1994 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN XUẤT NGŨ

Thi hành Quyết định số 595/TTg ngày 15-2-1993 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với quân nhân, công an nhân dân khi xuất ngũ, Liên Bộ Quốc phòng - Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ đối với quân nhân xuất ngũ như sau:

I. QUÂN NHÂN XUẤT NGŨ VỀ ĐỊA PHƯƠNG HOẶC ĐI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI, HOẶC ĐI HỌC TẬP TẠI CÁC TRƯỜNG

Quân nhân chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 66/CP ngày 30-9-1993 của Chính phủ, khi xuất ngũ về địa phương hoặc đi lao động ở nước ngoài, hoặc đi học tại các trường (trường công lập, bán công, dân lập) trong hoặc ngoài nước được hưởng các chế độ sau:

1. Trợ cấp xuất ngũ:

a. Đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp

Trợ cấp xuất ngũ = Số năm công tác tính tuổi quân x 1,5 tháng tiền lương

Nếu có tháng lẻ (cộng cả thời gian công tác được tính tuổi quân và không được tính tuổi quân), thì:

- Dưới 1 tháng không được hưởng trợ cấp.

- Từ 1 tháng đến dưới 6 tháng được hưởng trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương.

- Từ 6 tháng trở lên được trợ cấp bằng 1,5 tháng tiền lương.

+ Trường hợp đã có thời gian công tác liên tục là công nhân, viên chức Nhà nước hoặc công nhân, viên chức quốc phòng, thì khi xuất ngũ thời gian đó được tính hưởng trợ cấp như công nhân viên chức Nhà nước thôi việc. Cứ mỗi năm công tác được hưởng một tháng tiền lương.

+ Tiền lương để tính trợ cấp xuất ngũ nói trên gồm: Lương cấp hàm hoặc bậc lương chuyên nghiệp, phụ cấp chức vụ (nếu có) và phụ cấp thâm niên (nếu có) đang hưởng trước khi xuất ngũ.

Ví dụ 1: Đồng chí A, từ 1-3-1977 đến 20-5-1981 là viên chức Nhà nước, ngày 21-5-1981 nhập ngũ, ngày 25-6-1994 xuất ngũ về địa phương với quân hàm thượng uý, trợ lý. Trợ cấp xuất ngũ được tính như sau:

- Tiền lương tháng 6-94 của đ/c A:

Lương cấp hàm thượng uý: 120.000đ x 3,8 = 456.000đ

Phụ cấp thâm niên 13%: 456.000đ x 13% = 59.280đ

Cộng = 515.280đ

- Từ 1-3-1977 đến 20-5-1981 = 4 năm 2 tháng là viên chức, được trợ cấp bằng 4 tháng tiền lương:

515.280 đ x 4 tháng = 2.061.120đ

- Từ 21-5-1981 đến 25-6-1994 = 13 năm 1 tháng là quân nhân, được trợ cấp bằng:

13 năm x 1,5 tháng = 19,5 tháng tiền lương:

515.280đ x 19,5 tháng = 10.047.960đ

- Tháng lẻ của 2 giai đoạn công tác trên: 2 + 1 = 3 tháng, được trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương = 515.280đ.

- Tổng số tiền trợ cấp xuất ngũ đồng chí A được lĩnh bằng:

2.061.120đ + 10.047.960đ + 515.280đ = 12.624.360 đồng.

b. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ:

Trợ cấp xuất ngũ = Số năm phục vụ tại ngũ x 2 tháng tiền lương tối thiểu của công chức, viên chức Nhà nước

Nếu có tháng lẻ, thì:

- Dưới 1 tháng không được hưởng trợ cấp.

- Từ 1 tháng đến dưới 6 tháng dược trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương tối thiểu.

- Từ 6 tháng trở lên được trợ cấp bằng 2 tháng tiền lương tối thiểu.

Trường hợp có thời gian công tác liên tục là công nhân, viên chức Nhà nước trước khi nhập ngũ thì thời gian đó được hưởng trợ cấp như CNVC Nhà nước thôi việc: Cứ mỗi năm công tác được hưởng 1 tháng tiền lương trước khi nhập ngũ. Tháng tiền lương này được chuyển đổi tương ứng theo thang lương, bảng lương hiện hành.

Ví dụ: Đồng chí B, từ 5-8-1987 vào làm công nhân sản xuất vỏ bao xi măng, là công nhân bậc 3 với mức lương 30.477đ (theo Quyết định số 203/HĐBT), ngày 8-2-1992 nhập ngũ vào quân đội, ngày 8-2-1994 là hạ sĩ quan, chiến sĩ, xuất ngũ về địa phương (không trở lại nhà máy cũ). Trợ cấp xuất ngũ được tính như sau:

- Từ 5-8-1987 đến 7-2-1992 = 4 năm 6 tháng là công nhân Nhà nước, có mức lương trước khi nhập ngũ theo Quyết định 203/HĐBT ngày 28-12-1988 là 30.477 đồng, chuyển đổi tương ứng theo Nghị định số 26/CP ngày 23-5-1993 (bảng lương A7 - Nhóm I - bậc 3) và Nghị định số 05/CP ngày 26-1-1994 là 194.400 đồng. Trợ cấp xuất ngũ ứng với thời gian này bằng:

194.400 đ x 4 tháng = 777.600 đồng.

- Từ 8-2-1992 đến 8-2-1994 = 2 năm phục vụ tại ngũ. Trợ cấp xuất ngũ tương ứng với thời gian này bằng:

2 tháng x 120.000đ x 2 năm = 480.000 đồng.

- Tháng lẻ của cả 2 giai đoạn công tác trên bằng 6 tháng, được trợ cấp bằng:

120.000đ x 2 tháng = 240.000 đồng.

Tổng số tiền trợ cấp xuất ngũ của đồng chí B được lĩnh bằng:

776.600đ + 480.000đ + 240.000đ = 1.497.600 đồng.

2. Trợ cấp học nghề:

Quân nhân khi xuất ngũ được trợ cấp học nghề (hoặc đào tạo lại nghề, hoặc hỗ trợ việc làm). Mức trợ cấp bằng 3 tháng tiền lương tối thiểu.

3. Quân nhân khi xuất ngũ được trợ cấp tiền tàu xe (loại thông thường) từ đơn vị về nơi cư trú. Riêng hạ sĩ quan, binh sĩ còn được cấp tiền ăn đi đường.

4. Học nghề, giới thiệu việc làm:

a. Quân nhân khi xuất ngũ có nguyện vọng học nghề hoặc được giới thiệu việc làm thì đơn vị quản lý hoặc cơ quan quân sự quận, huyện (nơi anh em về cư trú) có trách nhiệm giới thiệu quân nhân đến các trung tâm xúc tiến việc làm của quân đội hoặc của các ngành, đoàn thể, địa phương để được học nghề hoặc giới thiệu việc làm.

b. Các trung tâm xúc tiến việc làm của Nhà nước có trách nhiệm ưu tiên tiếp nhận quân nhân xuất ngũ vào học nghề hoặc giới thiệu việc làm.

II. QUÂN NHÂN XUẤT NGŨ CHUYỂN SANG LÀM VIỆC TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP, DOANH NGHIỆP

1. Quân nhân chuyển sang làm việc tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các doanh nghiệp hoặc liên doanh của Nhà nước, Đảng, Đoàn thể:

a. Hưởng lương theo công việc mới đảm nhiệm và không hưởng các khoản trợ cấp xuất ngũ, trợ cấp học nghề quy định trên đây. Được cấp tiền tàu xe (loại thông thường) từ đơn vị về nơi cư trú.

b. Thời gian công tác liên tục trước ngày ban hành Nghị định 34/CP ngày 22-6-1993, Nghị định số 66/CP ngày 30-9-1993 của Chính phủ và thời gian phục vụ tại ngũ được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

c. Nếu sau khi chuyển ngành và nghỉ thôi việc hoặc nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí một lần, thì thời gian được tính tuổi quân khi phục vụ tại ngũ được hưởng trợ cấp tính như trợ cấp xuất ngũ: cứ mỗi năm tuổi quân được hưởng 1,5 tháng tiền lương đóng BHXH trước khi nghỉ việc. Trường hợp nếu mức lương trước khi xuất ngũ cao hơn mức lương trước khi nghỉ việc thì được lấy mức lương trước khi xuất ngũ để tính trợ cấp.

2. Quân nhân xuất ngũ chuyển sang các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân, mà các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân đó có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cả 5 chế độ và bản thân quân nhân khi xuất ngũ tự nguyện không hưởng trợ cấp xuất ngũ, trợ cấp học nghề thì được hưởng chế độ như quân nhân chuyển sang các cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước quy định trên đây.

III. KHOẢN THI HÀNH

1. Nguồn chi trả:

a. Trợ cấp xuất ngũ đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp do nguồn bảo hiểm xã hội chi trả.

b. Trợ cấp học nghề, tiền tàu xe của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và trợ cấp xuất ngũ, tiền ăn đi đường của hạ sĩ quan, binh sĩ do ngân sách Nhà nước cấp hàng năm vào ngân sách quốc phòng.

Các khoản này do đơn vị quản lý cấp gọn một lần cho quân nhân trước khi xuất ngũ.

2. Đối với những trường hợp trong quá trình công tác có nhiều giai đoạn (phục vụ tại ngũ, công tác trong cơ quan, xí nghiệp Nhà nước...) mà các giai đoạn trước đây chưa hưởng trợ cấp phục viên, xuất ngũ hoặc trợ cấp thôi việc, thì nay được cộng các giai đoạn để tính hưởng trợ cấp xuất ngũ theo quy định tại điểm 1 - Mục I trên đây.

3. Những trường hợp được phép tuyển lao động còn nhỏ tuổi thì thời gian công tác được tính từ ngày có quyết định tuyển dụng; nếu được phân công công tác trong kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam thì thời gian hoạt động đó được tính là thời gian công tác; nhưng đối với cả hai trường hợp này nếu là quân nhân thì tuổi quân chỉ được tính từ khi đủ 16 tuổi.

4. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-12-1993. Những quy định trước đây về chế độ phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

5. Những quân nhân xuất ngũ từ 15-12-1993 về sau mà chưa được thực hiện các chế độ quy định tại Thông tư này, thì cơ quan quân sự quận, huyện nơi cư trú căn cứ vào quyết định phục viên, xuất ngũ để thanh toán phần chênh lệch cho đủ theo quy định tại Thông tư này.

6. Thủ trưởng các cơ quan, các ngành, các địa phương, các đơn vị quân đội có trách nhiệm thi hành Thông tư hướng dẫn này.

Trong khi thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ảnh kịp thời về Liên Bộ để nghiên cứu giải quyết.

Lê Duy Đồng

(Đã ký)

Nguyễn Trọng Xuyên

(Đã ký)

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 448-LB/TT năm 1994 hướng dẫn chế độ đối với quân nhân xuất ngũ do Bộ Quốc phòng-Bộ Lao động thương binh và xã hội-Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 448-LB/TT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 28/03/1994
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính
  • Người ký: Lê Duy Đồng, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Trọng Xuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/12/1993
  • Ngày hết hiệu lực: 01/06/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản