Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH-UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33/TC-UBKHKTNN

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 1975

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ CỦA BỘ TÀI CHÍNH - UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬTNHÀ NƯỚC SỐ 33-TC/UBKHKTNN NGÀY 21 THÁNG 10 NĂM 1975 HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ CHI TIÊU VỀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC KỸ THUẬT

Trong thời gian qua, công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật đã có những bước tiến mới; số đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật phát triển, kinh phí đầu tư vào sự nghiệp khoa học kỹ thuật ngày càng tăng, việc quản lý chi về việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật đã bước đầu đi vào nền nếp.

Để góp phần cải tiến một bước việc quản lý kế hoạch nghiên cứu khoa học kỹ thuật nhằm khuyến khích đẩy mạnh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đảm bảo cho công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả cao, hoàn thành đúng kế hoạch, phục vụ thiết thực nhu cầu ngày càng phát triển của Nhà nước, Bộ Tài chính và Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ra Thông tư này hướng dẫn việc quản lý chi tiêu về nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Phần 1:

NGUỒN VỐN VÀ KINH PHÍ CẤP CHO VIỆC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC KỸ THUẬT

1. Đối với các cơ quan và các đơn vị cơ sở mà nội dung hoạt động chủ yếu là nghiên cứu khoa học kỹ thuật ngân sách Nhà nước cấp kinh phí chi mọi mặt hoạt động của các đơn vị đó. Các đơn vị nói trên sử dụng số kinh phí sự nghiệp được cấp để bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch quy định, các đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật, không kể các đề tài đó thuộc loại do cấp nào duyệt. Các khoản chi cấp cho các đơn vị này được hạch toán loại 2 khoản 37, theo mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành.

2. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước có làm công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật, kinh phí cho việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật do ngân sách Nhà nước cấp dưới hai hình thức:

- Cấp chung trong kinh phí sự nghiệp của đơn vị, nếu là chi cho các đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật thuộc quyền quản lý của cấp cơ sở; các khoản chi về các đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật này được hạch toán vào một tiết trong mục 14 (theo mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành) của dự toán kinh phí sự nghiệp.

- Kinh phí dành cho các đề tài nghiên cứu thuộc loại do cấp Nhà nước và do cấp Bộ quản lý thì do ngân sách Nhà nước cấp riêng theo thể thức quy định tại phần II của Thông tư này.

3. Đối với các xí nghiệp, nguồn vốn dành cho công tác nghiên cứu các đề tài khoa học và kỹ thuật thuộc quyền quản lý của cấp cơ sở, được trích từ quỹ khuyến khích phát triển sản xuất theo quy định tại Nghị định số 236-CP ngày 10-12-1970, Thông tư hướng dẫn số 88-CP ngày 2-3-1972 của Hội đồng Chính phủ và Thông tư số 14-TC/CNXD ngày 1-8-1974 của Bộ Tài chính.

Đối với các xí nghiệp chưa thi hành chế độ 3 quỹ thì nguồn vốn cho công tác nghiên cứu các đề tài khoa học và kỹ thuật thuộc cấp cơ sở được dự trù theo các quy định áp dụng đối với kinh phí chuyên dùng. Nếu là các đề tài thuộc loại do cấp bộ và cấp Nhà nước quản lý thì do ngân sách Nhà nước cấp riêng theo thể thức quy định tại phần II của Thông tư này.

Phần 2:

CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ VỐN VÀ KINH PHÍNGHIÊN CỨU KHOA HỌC KỸ THUẬT

I. NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ

1. Kinh phí ngân sách Nhà nước - cũng như vốn trích quỹ khuyến khích phát triển sản xuất - dành cho việc nghiên cứu khoa học và kỹ thuật chỉ được cấp và sử dụng cho những đề tài được ghi vào kế hoạch công tác của đơn vị sau khi được cơ quan có thẩm quyền duyệt theo quy định dưới đây:

a. Mỗi đề tài phải có một đề cương nghiên cứu riêng. Đề cương phải ghi rõ nội dung nghiên cứu, thời hạn hoàn thành và dự trù chi tiêu cho việc nghiên cứu.

Các đề tài do cấp Nhà nước quản lý phải được Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước duyệt đề cương nghiên cứu (nội dung, thời hạn, dự trù chi tiêu) và trình Hội đồng Chính phủ phê chuẩn.

Các đề tài do cấp Bộ quản lý phải được bộ chủ quản duyệt (nội dung, thời hạn và dự trù chi tiêu) có sự tham gia ý kiến của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.

Các đề tài do cấp cơ sở quản lý phải được bộ chủ quản duyệt đề cương nghiên cứu (nội dung, thời hạn và dự trù chi tiêu); danh mục và dự toán tổng hợp chi tiêu về các đề cương này, sau khi được bộ chủ quản duyệt, phải đăng ký với Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật.

2. Kinh phí hoặc vốn cấp cho việc nghiên cứu khoa học và kỹ thuật phải được sử dụng đúng mục đích; không được dùng vào bất cứ việc gì khác.

Kinh phí và vốn được cấp chỉ được dùng vào những đề tài đã được cấp có thẩm quyền duyệt theo đúng chế độ quy định và ghi vào kế hoạch công tác của đơn vị, không được dùng vào việc nghiên cứu những đề tài ngoài kế hoạch đã được duyệt.

Kinh phí cấp cho đề tài thuộc loại do cấp nào quản lý chỉ được dùng cho đề tài loại đó; không được lấy kinh phí cấp cho đề tài do cấp Nhà nước quản lý dùng vào các đề tài do cấp bộ và cấp cơ sở quản lý và cũng không được làm ngược lại.

Đơn vị sử dụng kinh phí được quyền điều hoà việc sử dụng kinh phí được cấp trong phạm vi các đề tài thuộc cùng một cấp quản lý và trong phạm vi số kinh phí được cấp, sau khi đã được cơ quan quản lý cấp trên đồng ý.

Việc quản lý các khoản chi về nghiên cứu khoa học và kỹ thuật phải bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ tiêu chuẩn chi tiêu của Nhà nước, tiết kiệm vật tư, lao động, tiền vốn, hoàn thành công tác nghiên cứu theo kế hoạch đã được duyệt với hiệu quả cao nhất, chấp hành đúng chế độ dự toán, quyết toán, báo cáo kế toán theo quy định của Nhà nước.

II. CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ CHI TIÊU VỀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT

A. Đối với các đơn vị chuyên trách nghiên cứu khoa học và kỹ thuật được cấp kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học theo loại 2 - khoản 37 của mục lục ngân sách.

1. Lập dự toán chi cả năm

a. Dự toán chi cả năm của các đơn vị nghiên cứu khoa học kỹ thuật phải:

- Phản ánh đầy đủ và chính xác các khoản chi tiêu cho hoạt động của đơn vị về mọi mặt, đặc biệt là các khoản chi trực tiếp về nghiên cứu khoa học kỹ thuật (loại 2 - khoản 37 - mục 14);

- Bảo đảm chấp hành đầy đủ các chế độ tiêu chuẩn chi tiêu của Nhà nước theo chế độ quy định.

b. Về nội dung dự toán, cần chú ý hai khoản chi dưới đây:

Chi tiêu về lương bổng và phụ cấp (mục I và mục II): nếu là đơn vị mà chỉ tiêu biên chế được duyệt hàng năm, thì tiền lương tính theo số lao động có mặt cuối năm trước và không được vượt quá chỉ tiêu được duyệt cho năm kế hoạch.

Khoản chi trực tiếp cho việc nghiên cứu khoa học và kỹ thuật (mục 14) chỉ được hạch toán các khoản chi sau đây:

- Chi về trả lương cho lực lượng lao động phải thuê mướn bên ngoài tham gia vào công việc nghiên cứu các đề tài trong kế hoạch;

- Chi về nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hoá chất, giống cây trồng, giống gia súc, súc vật thí nghiệm, v.v. trực tiếp phục vụ cho việc nghiên cứu các đề tài theo kế hoạch;

- Chi về mua sắm một số ít máy móc, thiết bị trực tiếp phục vụ cho các đề tài nghiên cứu theo kế hoạch; cấm không được sử dụng kinh phí này để bổ sung vốn xây dựng cơ bản trang bị cho đơn vị ngoài kế hoạch. Cơ quan duyệt thiết bị đề tài và dự toán cần xem xét kỹ trường hợp yêu cầu mua sắm nhiều máy móc thiết bị; nói chung, đối với đơn vị không sẵn có cơ sở vật chất kỹ thuật thích hợp thì không nên giao nghiên cứu những đề tài nghiên cứu cần dùng nhiều thiết bị, trừ trường hợp đặc biệt.

c. Khoản chi trực tiếp cho việc nghiên cứu khoa học và kỹ thuật (mục 14) phải thuyết minh rõ từng khoản chi cho từng đề tài và phân biệt theo cấp quản lý đề tài.

d. Dự toán chi cả năm phải chia ra từng quý tuỳ theo tiến độ kế hoạch của công tác nghiên cứu; kèm theo dự toán tổng hợp này phải có các bản đề cương nghiên cứu cho từng đề tài; mỗi đề tài có một bản đề cương thuyết minh rõ nội dung nghiên cứu, thời hạn và từng khoản chi tiêu trực tiếp cho đề tài đó.

Dự toán lập theo mẫu biểu do Bộ Tài chính quy định và theo thời hạn lập dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm theo chế độ quy định. Nếu là những đề tài mà yêu cầu nghiên cứu phải kéo dài nhiều năm thì phải nêu rõ: tổng số kinh phí cần thiết, số kinh phí cần cho năm kế hoạch. Nếu là những đề tài đang nghiên cứu dở dang thì phải nêu rõ: tổng số kinh phí được duyệt, số kinh phí đã quyết toán các năm trước, số kinh phí cần cho năm kế hoạch.

e. Khi đưa ra Hội đồng khoa học kỹ thuật của cơ quan thông qua nội dung các đề tài nghiên cứu, thủ trưởng đơn vị dự toán yêu cầu Hội đồng thông qua các khoản chi trực tiếp cho từng đề tài.

g. Dự toán chi cả năm của đơn vị cấp II phải gửi đến đơn vị cấp dự toán cấp I kèm theo các bản đề cương của từng đề tài.

Đơn vị dự toán cấp I phải:

- Xét duyệt các đề tài thuộc loại do cấp bộ và cấp cơ sở quản lý, cả về mặt nội dung lẫn dự toán theo từng đề tài, rồi tổng hợp lại thành hai danh mục: một danh mục tổng hợp các đề tài do cấp cơ sở quản lý gửi đến Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước để đăng ký, một danh mục tổng hợp kèm theo các đề cương về đề tài do cấp bộ quản lý gửi đến Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước để tham gia ý kiến. Những tài liệu trên đây cùng gửi đến Bộ Tài chính, mỗi loại một bản.

- Xem xét các đề tài thuộc loại do cấp Nhà nước quản lý, cho ý kiến về từng đề tài, cả về mặt nội dung lẫn từng khoản chi trong dự toán, và gửi danh mục tổng hợp kèm theo các đề tài và các đề cương nghiên cứu đến Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và Bộ Tài chính, mỗi nơi một bản.

2. Xét duyệt dự toán chi cả năm

Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước:

- Xem xét danh mục tổng hợp các đề tài do các cơ sở quản lý và từng đề tài do cấp bộ quản lý cả về mặt nội dung đề tài, cả về mặt dự toán, và góp ý kiến với cơ quan chủ quản và thông báo kết quả cho cơ quan tài chính biết;

- Phối hợp với Bộ Tài chính, xem xét từng đề tài thuộc loại cấp Nhà nước quản lý về mặt nội dung cần tiến hành trong năm kế hoạch cũng như về mặt dự toán, xem xét nội dung từng khoản chi tiêu xem có phù hợp với yêu cầu hay không, sau đó tổng hợp thành bản danh mục trình Hội đồng Chính phủ xét duyệt.

Trên cơ sở các ý kiến tham gia của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Bộ Tài chính xem xét dự toán tổng hợp chi loại 2 khoản 37 của cơ quan chủ quản, tổng hợp vào dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm trình Hội đồng Chính phủ phê chuẩn theo chế độ quy định.

3. Thông báo mức kinh phí dự toán

Sau khi danh mục các đề tài do cấp Nhà nước quản lý được Hội đồng Chính phủ xét duyệt, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước lập bảng thông báo cho từng cơ quan chủ quản. Các đề tài thuộc cấp Nhà nước quản lý đã được Hội đồng Chính phủ duyệt, đồng gửi cho cơ quan tài chính cùng với danh mục các đề tài do cấp Bộ và cấp cơ sở quản lý đã được thông qua. Bản thông báo này, ngoài nội dung đề tài được thông qua, còn phải ghi rõ dự toán chi đã được duyệt cho từng đề tài.

Bộ Tài chính căn cứ vào dự toán ngân sách Nhà nước được phê chuẩn và thông báo của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước về kết quả xét duyệt từng đề tài, lập bảng thông báo mức dự toán kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học kỹ thuật (loại 2 - khoản 37) cho từng cơ quan chủ quản.

Cơ quan chủ quản thông báo mức kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học và kỹ thuật (loại 2 - khoản 37) được duyệt cho từng đơn vị trực thuộc.

4. Việc cấp phát kinh phí áp dụng theo chế độ cấp phát hạn mức hiện hành

Hàng quý, cơ quan tài chính tổ chức cấp phát kinh phí căn cứ vào kế hoạch chi phí tổng hợp của cơ quan chủ quản để cơ quan này phân phối cho các đơn vị trực thuộc, trong phạm vi tổng số kinh phí được duyệt cả năm.

Cơ quan tài chính chỉ cấp phát kinh phí cho quý sau, sau khi đã nhận được báo cáo tình hình ước thực hiện kế hoạch chi trong quý trước (có thuyết minh cụ thể) và báo cáo quyết toán chi của quý trước nữa theo đúng chế độ quy định.

5. Việc quản lý chi tiêu về nghiên cứu khoa học ở đơn vị cơ sở

Việc quản lý chi tiêu phải chặt chẽ, tôn trọng các chế độ tiêu chuẩn đã quy định, thúc đẩy tiết kiệm vật tư, lao động, tiền vốn, thực hiện đúng tiến độ của kế hoạch nghiên cứu cho từng đề tài đã được duyệt.

Nếu cần xin thêm kinh phí, xin điều chỉnh việc sử dụng kinh phí: lấy kinh phí cấp cho một đề tài dùng cho một đề tài khác cùng do một cấp quản lý (Nhà nước, bộ hoặc cơ sở), đơn vị chủ quản phải báo cáo lên cấp trên kèm theo thuyết minh cụ thể về lý do xin điều chỉnh để cấp trên quyết định.

Trong trường hợp có đề tài nghiên cứu tiến hành không thuận lợi, không có triển vọng đem lại kết quả, thì đơn vị chủ quản cần kịp thời lấy ý kiến của Hội đồng khoa học; đình chỉ việc nghiên cứu, nắm lại tình hình công việc nghiên cứu đã làm, số kinh phí đã sử dụng (chủ yếu là chi của mục 14) và báo cáo lên đơn vị quản lý cấp trên để báo cáo với cơ quan tài chính đình chỉ cấp phát kinh phí và Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước biết để theo dõi.

6. Báo cáo quyết toán

1. Phải lập quyết toán chi tiêu hàng quý và hàng năm theo đúng chế độ. Báo cáo quyết toán cần kèm theo một bản thuyết minh nêu rõ:

- Kết quả đã đạt được về nghiên cứu đề tài (trích ý kiến của Hội đồng khoa học đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài);

- Hiệu quả của việc nghiên cứu;

- Chi phí cho đề tài nghiên cứu.

Báo cáo quyết toán phải lập theo đúng biểu mẫu, đúng thời hạn quy định trong chế độ kế toán đơn vị dự toán: Thông tư số 3-TC/TDT ngày 30-3-1972, mẫu số 9-BC (báo cáo quyết toán quý) và mẫu số 32-BC (báo cáo quyết toán năm).

2. Báo cáo quyết toán của đơn vị cơ sở phải gửi lên cơ quan chủ quản cấp trên. Cơ quan quản lý cấp trên (đơn vị dự toán cấp I) phải báo cáo quyết toán tổng hợp với cơ quan tài chính cùng cấp (đồng thời gửi 1 bản sao cho Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước để biết).

7. Kiểm kê tài sản và thanh toán cuối năm

Cuối năm, đơn vị cơ sở phải tổ chức kiểm kê tài sản theo chế độ quy định.

Tài sản cố định, máy móc, thiết bị mua sắm trong năm kế hoạch bằng kinh phí nghiên cứu khoa học (mục 14) phải kiểm kê, xác định hiện trạng, giá trị còn lại và chuyển thành tài sản cố định của đơn vị và quản lý theo chế độ. Loại tài sản không cần dùng đến nữa thì lập báo cáo gửi cơ quan tài chính, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước để điều chỉnh cho đơn vị khác.

Nguyên vật liệu tồn kho cuối năm, nếu là loại cần tiếp tục được sử dụng cho năm sau thì chuyển sang năm sau; loại không cần đến nữa thì báo cho cơ quan tài chính để điều chỉnh cho đơn vị khác theo chế độ.

Cuối năm, chi không hết số kinh phí đã được cấp trong năm kế hoạch thì phải nộp lại số còn thừa cho ngân sách; nếu là tiền mặt còn thừa không dùng đến thì ghi nộp khôi phục hạn mức để giảm cấp phát. Nếu là tiền tạm ứng thuộc kinh phí của đề tài đang nghiên cứu dở dang, năm sau cần tiếp tục sử dụng để hoàn thành đề tài thì làm thủ tục chuyển sang năm sau sử dụng. Các khoản tạm ứng cho các đề tài đã hoàn thành phải thanh toán kịp thời, nếu còn thừa tiền, phải nộp lại ngân sách (nộp khôi phục hạn mức).

8. Thu về bán sản phẩm nghiên cứu, chế thử hoặc súc vật thí nghiệm

Dự toán đầu năm phải dự kiến số thu về bán sản phẩm nghiên cứu, sản phẩm chế thử, súc vật thí nghiệm cho từng đề tài.

Trong quá trình công tác, thu được đến đâu nộp ngay vào ngân sách đến đó (thu giảm chi); đơn vị không được giữ lại để chi tiêu.

B. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước có làm công tác nghiên cứu khoa học

1. Các đơn vị cơ sở thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước có làm công tác nghiên cứu khoa học được sử dụng 2 nguồn vốn để làm công tác này:

- Trích kinh phí sự nghiệp (mục 14) theo dự toán được duyệt để giải đáp các nhu cầu chi về những đề tài do cấp cơ sở quản lý; kinh phí về nghiên cứu khoa học này được quyết toán chung với kinh phí sự nghiệp cấp cho đơn vị.

- Kinh phí cấp riêng cho các đề tài thuộc loại do Nhà nước và do cấp bộ quản lý: kinh phí này do cơ quan chủ quản (đơn vị quản lý cấp trên) phân phối theo kế hoạch của cơ quan tài chính căn cứ vào đề nghị của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước. Kinh phí này nằm ngoài kinh phí sự nghiệp của đơn vị dự toán cơ sở; đơn vị cơ sở phải quyết toán riêng về số kinh phí này với đơn vị quản lý cấp trên để đơn vị này quyết toán tổng hợp với cơ quan tài chính.

2. Các cơ quan quản lý Nhà nước lập dự toán kinh phí sự nghiệp, phải dự trù kinh phí về nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho các đề tài thuộc cấp cơ sở quản lý. Dự toán kinh phí này phải kèm theo bản thuyết minh về từng đề tài (về nội dung và dự trù chi tiêu) theo đúng quy định ở phần II, điểm 2 tại Thông tư này.

Đối với các đề tài thuộc cấp Bộ và cấp Nhà nước quản lý, đơn vị phải lập bản thuyết minh riêng cho từng đề tài; trong bản thuyết minh phải ghi rõ nội dung đề tài nghiên cứu, tổ chức thực hiện và dự trù chi tiêu theo quy định tại phần II, điểm 2 Thông tư này.

Dự toán kinh phí sự nghiệp và bản danh mục đề tài nghiên cứu cấp bộ và cấp Nhà nước quản lý kèm theo các bản thuyết minh phải gửi đến đơn vị chủ quản cấp trên theo thời hạn quy định.

3. Về quản lý sử dụng kinh phí, cơ quan quản lý Nhà nước phải triệt để tôn trọng các nguyên tắc không được lấy kinh phí cấp cho các đề tài nghiên cứu thuộc cấp bộ và cấp Nhà nước quản lý sử dụng cho các đề tài thuộc cấp cơ sở quản lý; kinh phí cấp cho nghiên cứu khoa học phải sử dụng đúng mục đích, không được dùng vào việc khác như đã quy định tại điểm 3, mục I, phần II Thông tư này.

C. Đối với các xí nghiệp sử dụng kinh phí trích quỹ khuyến khích phát triển sản xuất để nghiên cứu khoa học

Các xí nghiệp phải tuân theo các quy định trong Thông tư này trong việc quản lý kinh phí nghiên cứu khoa học:

- Phải lập kế hoạch nghiên cứu khoa học của đơn vị, ghi rõ từng đề tài, có bản thuyết minh cho từng đề tài, được cơ quan có thẩm quyền duyệt như đã quy định tại phần II Thông tư này (các đề tài cấp Nhà nước quản lý phải được Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước duyệt);

- Kinh phí trích quỹ phát triển sản xuất được dùng vào việc nghiên cứu các đề tài do cấp cơ sở quản lý;

- Đối với các đề tài do cấp Nhà nước và cấp bộ quản lý, phải lập dự trù riêng kèm theo thuyết minh, báo cáo với cơ quan quản lý chủ quản xét cấp kinh phí riêng và quyết toán riêng theo chế độ như đã quy định tại phần II Thông tư này.

Nếu có nhu cầu về bán sản phẩm chế thử thì tiền thu được sẽ nhập vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của xí nghiệp.

D. Trường hợp ký hợp đồng nghiên cứu khoa học kỹ thuật với đơn vị bên ngoài

Không được dùng vốn do ngân sách Nhà nước cấp hoặc trích quỹ khuyến khích phát triển sản xuất (tiền, vật tư, nguyên vật liệu) để chi về công tác nghiên cứu các đề tài theo hợp đồng ký kết với bên ngoài.

Cần mở sổ sách theo dõi riêng, ghi rành mạch từng khoản thu chi.

Sau khi hoàn thành việc nghiên cứu, nếu có số thu được do chênh lệch giữa thu và chi thì xử lý theo quy định tại Thông tư số 1-TT/LB ngày 2-4-1975 hướng dẫn việc quản lý tài chính đối với lao động sản xuất trong các trường đại học và trung học chuyên nghiệp.

Thông tư này thi hành kể từ ngày 1 tháng 10 năm 1975 cho tất cả các đơn vị có làm công tác nghiên cứu khoa học thuộc quyền quản lý của các ngành ở Trung ương cũng như ở địa phương.

Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Lê Khắc

(Đã ký)

Trịnh Văn Bính

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 33/TC-UBKHKTNN năm 1975 hướng dẫn quản lý chi tiêu về nghiên cứu khoa học kỹ thuật do Bộ Tài chính- Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 33/TC-UBKHKTNN
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 21/10/1975
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước
  • Người ký: Lê Khắc, Trịnh Văn Bính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/10/1975
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản