Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25/LB-TT

Hà Nội , ngày 24 tháng 10 năm 1994

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - QUỐC PHÒNG - TÀI CHÍNH SỐ 25/LB-TT NGÀY 24 THÁNG 10 NĂM 1994 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 626/TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC MỘ VÀ NGHĨA TRANG LIỆT SỸ

Chấp hành Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 05/5/1993 của Ban bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 626/TTg ngày 30/12/1993 của Thủ tướng Chính phủ về công tác mộ và nghĩa trang liệt sỹ; sau khi thống nhất với các Bộ liên quan, liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Quốc phòng - Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I- VIỆC KHẢO SÁT TÌM KIẾM, CẤT BỐC, QUY TẬP MỘ LIỆT SĨ:

1. Khảo sát tìm kiếm mộ liệt sỹ:

1.1- Để hoàn thành cơ bản công tác mộ và nghĩa trang liệt sỹ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cấp, các ngành, tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân phong trào tìm kiếm, phát hiện những phần mộ liệt sỹ còn lại trên địa bàn quản lý để cất bốc quy tập vào nghĩa trang liệt sỹ và kết luận những khu vực đã tìm kiếm khảo sát.

1.2- Theo sự phân công quy định tại Thông tư Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Quốc phòng số 16/TT-LB ngày 09/10/1989 (phần II về mộ và nghĩa trang liệt sỹ) và căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan quân sự địa phương có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân lập kế hoạch và phân công cụ thể từng khu vực đảm nhiệm. Trong quá trình tìm kiếm, cần có sự phối hợp chặt chẽ, không để bỏ sót những vùng, những khu vực giáp ranh.

Khảo sát và tìm kiếm đến đâu, thì lập sơ đồ kết luận đến đó, nếu có mộ thì tổ chức cất bốc theo kế hoạch; trường hợp không thấy mộ lập biên bản ghi rõ "Đã khảo sát, tìm kiếm nhưng chưa thấy mộ" để có hướng giải quyết tiếp sau này.

1.3- Đối với các đơn vị chủ lực đã tham gia chiến đấu trên các địa bàn trước đây nay theo kế hoạch khảo sát mộ liệt sỹ của Bộ Quốc phòng tiến hành soát xét lại danh sách, tổng hợp theo từng địa bàn và bàn giao lại cho cơ quan quân sự địa phương hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh để làm nhiệm vụ khảo sát quy tập theo chức năng của mình và báo cáo lại kết quả sau khi khảo sát với Bộ Quốc phòng.

Những khu vực không còn danh sách thì các đơn vị phối hợp với cơ quan quân sự địa phương, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và chính quyền cơ sở tổ chức việc khảo sát, tìm kiếm mộ liệt sỹ. Nếu đơn vị đã giải thể thì cơ quan quân sự địa phương, phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội vận động nhân dân phát hiện để cất bốc, quy tập.

1.4- Các ngành, cơ quan có phần mộ liệt sỹ nhưng chưa cất bốc thì kiểm tra lại và bàn giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội biết để khảo sát, cất bốc.

2- Cất bốc, quy tập mộ liệt sỹ:

2.1- Đối với mộ liệt sỹ ở trong nước:

Tiếp tục thực hiện theo sự phân công đã được quy định trong Thông tư số 16/TT-LB ngày 09/10/1989 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Quốc phòng.

Từ nay trở đi việc cất bốc quy tập thực hiện như sau:

2.1.1- Những phần mộ liệt sỹ sau khi cất bốc đều phải lập thành biên bản.

2.1.2- Những hài cốt liệt sỹ có ghi tên, quê quán và các yếu tố khác phải đánh số, ghi rõ tên, ký hiệu và đăng ký quản lý chặt chẽ tránh để nhầm lẫn. Nếu hài cốt liệt sỹ là người của địa phương, thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận, chỉ đạo, hướng dẫn, đưa vào mai táng tại các nghĩa trang liệt sỹ gần nơi gia đình cư trú; nếu hài cốt liệt sỹ là người của địa phương khác thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận, lập danh sách theo từng tỉnh, thành phố báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quê quán của liệt sỹ và tổ chức đưa về bàn giao cho địa phương đó.

Việc tiễn đưa và tiếp nhận hài cốt liệt sỹ phải thực hiện chu đáo, trọng thể.

2.1.3- Những hài cốt liệt sỹ không xác định được đầy đủ tên, quê quán thì đưa vào nghĩa trang liệt sỹ, xây cất từng phần mộ theo quy định của từng tỉnh, thành phố có phần mộ liệt sỹ đó.

2.1.4- Đối với những phần mộ liệt sỹ do thân nhân liệt sỹ đang quản lý, nếu gia đình có nguyện vọng giữ lại để trông nom thì chính quyền cơ sở đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét và lập danh sách báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; gia đình được hỗ trợ tiền để xây vỏ mộ theo mức quy định của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính.

2.1.5- Số liệt sỹ có danh sách nhưng không xác định cụ thể tên của từng bộ hài cốt thì dựng bia chung, ghi tên và các yếu tố (ngày, tháng, năm hy sinh, nơi hy sinh, quê quán) của các liệt sỹ tại nơi chôn cất liệt sỹ hoặc khu mộ đã quy tập trong nghĩa trang liệt sỹ.

2.1.6- Đối với khu vực mộ (hoặc mộ lẻ) do nhân dân phát hiện nhưng chưa rõ nguồn gốc có phải là liệt sỹ hay không, thì cơ quan quân sự địa phương có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, đối chiến với lịch sử các trận chiến đấu, các chiến dịch diễn ra ở địa phương trong các thời kỳ chiến tranh, nếu đúng là mộ liệt sỹ thì kết luận và phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội để xử lý theo quy định trên đây.

2.2- Đối với phần mộ liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất Lào:

2.2.1- Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm chủ trì bàn bạc với các cơ quan hữu trách của Lào, chỉ đạo các đơn vị quân đội tổ chức thực hiện việc tìm kiếm, cất bốc, chuyển hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam còn lại trên đất Lào về nước theo biên bản của Uỷ ban Liên Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 07/4/1994 và biên bản thoả thuận giữa Ban công tác đặc biệt Việt Nam và Uỷ ban công tác của Lào.

Quý I/1995, hoàn thành cất bốc, di chuyển hết số hài cốt hiện có trong 3 nghĩa trang (Mường Sài, Cánh đồng Chum, Atôpư) về nước. Đồng thời, bàn với Ban kế hoạch tiếp tục khảo sát, tìm kiếm, phát hiện để đến quý II/1997 cơ bản hoàn thành việc cất bốc đưa về nước số mộ còn lại ngoài nghĩa trang trên đất Lào (Bộ Quốc phòng sẽ có chỉ thị và văn bản hướng dẫn riêng).

2.2.2- Số mộ liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam trên đất Lào được cất bốc chuyển về nước theo quy định như sau:

- Số hài cốt có tên, quê quán phải đánh số, đăng ký quản lý chặt chẽ không để nhầm lẫn. Sau từng đợt (3 tháng, 6 tháng) lập thành danh sách theo quê quán (kèm biên bản) để vận chuyển và bàn giao cho các cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội quê quán của liệt sỹ.

- Số có ký hiệu đơn vị hoặc có tên không có quê; có quê không có tên phải lập danh sách riêng, vẽ lại sơ đồ nơi chôn cất để tra cứu sau này và cùng với hài cốt liệt sỹ không xác định được các yếu tố để chuyển về nguyên quán thì thông báo cho các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có đường biên giới chung với nước bạn Lào để hướng dẫn đưa vào các nghĩa trang liệt sỹ hiện có của địa phương.

Trong quá trình cất bốc, quy tập và bàn giao mộ liệt sỹ giữa quân đội và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, yêu cầu phải đăng ký và lập biên bản cụ thể. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện đầy đủ quy trình về công tác mộ liệt sỹ theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

II- NGHĨA TRANG, ĐÀI TƯỞNG NIỆM, BIA GHI TÊN CÁC LIỆT SỸ:

1- Nghĩa trang liệt sỹ:

1.1- Các địa phương cần có kế hoạch tu sửa, nâng cấp, hoàn chỉnh các nghĩa trang liệt sỹ. Những nghĩa trang đã xây dựng với quy mô lớn nhưng có ít mộ liệt sỹ thì quy hoạch lại cho phù hợp.

1.2- Những phần mộ có tên, quê quán đang ổn định trong các nghĩa trang liệt sỹ, tạm thời chưa tổ chức di chuyển về nguyên quán. Uỷ ban nhân dân các cấp phải thường xuyên chỉ đạo việc quản lý, chăm sóc, giữ gìn, tu sửa những phần mộ đã hư hỏng, xây cất những phần mộ trong nghĩa trang chưa được xây vỏ mộ, ghi tên, gắn bia, vẽ sơ đồ mộ chí, lập danh sách theo quê quán của liệt sỹ gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xử lý trước khi thông báo đến gia đình liệt sỹ và hướng dẫn việc thăm viếng.

Những phần mộ đã quy tập vào nghĩa trang nhưng nay không còn hài cốt (do gia đình di chuyển) đều phải tu sửa, đăng ký ghi chép lại.

1.3- Từ nay trở đi không xây dựng mới nghĩa trang liệt sỹ do cấp xã, phường quản lý, nơi nào đã có thì giữ nguyên để tu bổ lại hoặc quy hoạch thành nghĩa trang liên xã.

1.4- Nghĩa trang liệt sỹ giao cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội giúp chính quyền địa phương quản lý, mỗi nghĩa trang phải có người trông nom để giữ gìn tài liệu, sổ sách, chăm sóc bảo quản nghĩa trang và hướng dẫn người tới thăm viếng.

2- Đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sỹ:

2.1- Đài tưởng niệm liệt sỹ:

Xây dựng ở những nơi xảy ra trận chiến đấu tiêu biểu, sự kiện chính trị đặc biệt và trung tâm văn hóa chính trị xã hội của tỉnh, huyện (nếu không xây dựng nghĩa trang liệt sỹ). Đài tưởng niệm liệt sỹ được quản lý như đối với các di tích lịch sử, văn hoá theo quy định của Bộ Văn hoá - Thông tin.

2.2- Nhà bia ghi tên liệt sỹ ở xã, phường:

Nhà bia ghi tên liệt sỹ ở xã, phường nguyên quán của liệt sỹ đặt trong nghĩa trang liệt sỹ hoặc ở những nơi trang trọng, thuận tiện cho việc thăm viếng thường xuyên của nhân dân và gia đình liệt sỹ. Nhà bia ghi tên liệt sỹ phải được xây dựng bền, đẹp, phù hợp với hoàn cảnh, phong tục tập quán và khả năng của từng địa phương, thể hiện tinh thần trọng thị với các liệt sỹ.

3- Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội có kế hoạch hướng dẫn chỉ đạo cụ thể việc tu bổ, xây dựng nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ, bia ghi tên liệt sỹ.

Những nghĩa trang liệt sỹ, bia, đài liệt sỹ là những công trình văn hóa, lịch sử, nghệ thuật nên cần có sự tham gia và thoả thuận của cơ quan Văn hoá - Thông tin trước khi tiến hành làm.

III- VIỆC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VỀ CÔNG TÁC MỘ LIỆT SỸ, NGHĨA TRANG LIỆT SỸ:

1. Nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác mộ và nghĩa trang liệt sỹ.

1.1- Ngân sách Trung ương bảo đảm chi cho các yêu cầu:

1.1.1- Khảo sát, tìm kiếm, thu thập xử lý thông tin tài liệu có liên quan tới việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ.

1.1.2- Quy tập, di chuyển gồm: Chi phí đi đường, công đào bới, dụng cụ trang bị cần thiết cho việc quy tập mộ, thu thập hài cốt liệt sỹ, kinh phí sửa chữa phương tiện, xăng dầu hoặc chi phí tàu xe phục vụ cho vận chuyển người đi làm và chở hài cốt liệt sỹ. Lập danh sách và thông báo phần mộ liệt sỹ đến địa phương và gia đình liệt sỹ.

1.1.3- Nâng cấp, tu bổ nghĩa trang, xây dựng đài, bia tưởng niệm gắn liền với các chiến tích, lịch sử tiêu biểu (trận đánh lớn, căn cứ cách mạng, địa phương anh hùng, vùng tôn giáo tập trung), nghĩa trang quân tình nguyện và xây dựng, nâng cấp, tu sửa các phần mộ liệt sỹ.

1.1.4- Hỗ trợ những địa phương quá khó khăn không có khả năng kinh phí để hoàn thành khối lượng công việc được phân công dưới đây.

Mức chi cụ thể cho các công việc trên, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.

1.2- Ngân sách địa phương bảo đảm:

Chi cho các yêu cầu xây dựng, nâng cấp, tu bổ, giữ gìn các nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm liệt sỹ được phân công ngoài quy định tại điểm 1.1.3 phần III trên đây.

1.3- Chính quyền xã, phường phối hợp với các đoàn thể quần chúng và huy động sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân bảo đảm việc xây dựng nhà bia ghi tên liệt sỹ của xã, phường.

Những xã, phường có nhiều liệt sỹ hoặc kinh tế quá khó khăn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét hỗ trợ về kinh phí.

1.4. Việc thân nhân liệt sỹ đi viếng mộ:

Những thân nhân chủ yếu của liệt sỹ (vợ hoặc chồng, con, cha mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sỹ) có yêu cầu đi viếng mộ liệt sỹ theo danh sách thông báo của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phải chi phí tốn kém mà hoàn cảnh quá khó khăn thì địa phương nơi thân nhân liệt sỹ cư trú hỗ trợ một phần kinh phí.

Ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần kinh phí cho các địa phương có nhu cầu lớn về đón tiếp thân nhân liệt sỹ đến viếng mộ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính quy định mức hỗ trợ đối với từng tỉnh, thành phố theo kế hoạch hàng năm.

Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với cơ quan quân sự địa phương giúp Uỷ ban nhân dân lập kế hoạch, hướng dẫn về thủ tục đi viếng mộ của thân nhân liệt sỹ, hỗ trợ kinh phí (nếu có) và đón tiếp thân nhân liệt sỹ từ địa phương khác đến.

2- Công tác lập kế hoạch, cấp phát, quyết toán:

2.1- Lập kế hoạch:

Căn cứ vào kế hoạch của các địa phương và của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xây dựng chương trình 1995- 1997 và kế hoạch thực hiện hàng năm về công tác mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ đi thăm, viếng phần mộ liệt sỹ... trong cả nước, tổng hợp vào Ngân sách Nhà nước trình Chính phủ.

2.2- Cấp phát:

Trên cơ sở kế hoạch ngân sách hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính cấp phát cho các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố theo kế hoạch của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bằng kinh phí uỷ quyền qua Sở Tài chính - Vật giá. Các Bộ, ngành Trung ương (Quốc phòng, Nội vụ) do Bộ Tài chính cấp phát trực tiếp.

2.3- Quyết toán:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp quản lý, thực hiện và quyết toán phần kinh phí của Bộ đảm nhiệm, theo dõi, kiểm tra các địa phương thực hiện đúng mục tiêu, kế hoạch và xét duyệt quyết toán của các địa phương, tổng hợp quyết toán với Bộ Tài chính (theo Thông tư 80/TC-NSNN của Bộ Tài chính).

Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý thực hiện và quyết toán với Bộ Tài chính về kinh phí do Bộ quốc phòng đảm nhiệm, đồng thời thông báo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi chung (theo Công văn số 999/TCHC ngày 08/6/1992).

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để chấp hành nghiêm túc chỉ thị của Ban Bí thư và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Liên Bộ đề nghị các ngành, các địa phương, theo phạm vi chức năng của mình, cần tuyên truyền phổ biến, quán triệt đến từng cơ sở, trong toàn dân về ý nghĩa chính trị, truyền thống, đạo lý đối với người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc, vì nhân dân. Trên cơ sở phát huy mọi khả năng trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành cơ bản việc tìm kiếm, cất bốc quy tập và xây dựng nghĩa trang liệt sỹ vào năm 1997.

Theo quyết định của Chính phủ, thành lập Ban chỉ đạo ở Trung ương để giúp Chính phủ theo dõi chỉ đạo và thống nhất hướng dẫn việc triển khai thực hiện. Thành phần Ban chỉ đạo gồm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực.

Ở các tỉnh, thành phố có yêu cầu lớn về công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ, cần thành lập hoặc kiện toàn Ban công tác Liên ngành (ban chỉ đạo giải quyết tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh) gồm các cơ quan có liên quan để giúp chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo kiểm tra, giám sát và thực hiện đầy đủ, kịp thời các công việc theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Từng thời gian tiến hành sơ kết, biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ. Chủ động phòng ngừa và xử lý kịp thời những vi phạm sai sót trong thực hiện.

Liên Bộ yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm ở địa phương từ nay đến 1997, thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày thương binh - liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/1997), góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội ở địa phương.

Quá trình thực hiện, các địa phương, các ngành báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo và Liên Bộ để theo dõi và hướng dẫn giải quyết kịp thời những vướng mắc.

Nguyễn Trọng Xuyên

(Đã ký)

Trịnh Tố Tâm

(Đã ký)

Tào Hữu Phùng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 25/LB-TT năm 1994 hướng dẫn thực hiện Quyết định 626/TTg về công tác mộ và nghĩa trang liệt sỹ do Bộ Lao động thương binh và xã hội - Quốc phòng - Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 25/LB-TT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 24/10/1994
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Trọng Xuyên, Tào Hữu Phùng, Trịnh Tố Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản