Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15/2007/TTLT-BTC-BNN

Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2007 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHI CHO CHƯƠNG TRÌNH GIỐNG CÂY TRỒNG, GIỐNG VẬT NUÔI VÀ GIỐNG CÂY LÂM NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 17/2006/QĐ-TTg ngày 20/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 225/1999/QĐ-TTg ngày 10/12/1999 về Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp đến năm 2010;
Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2010, như sau:

I- QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước chi cho Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 theo nội dung quy định tại Quyết định số 17/2006/QĐ-TTg ngày 20/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 225/1999/QĐ-TTg ngày 10/12/1999 về Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp đến năm 2010.

2. Kinh phí thực hiện Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan Trung ương trực tiếp thực hiện do ngân sách trung ương bảo đảm; để đầu tư, nghiên cứu, sản xuất các giống cây nông nghiệp, giống cây lâm nghiệp chính, giống vật nuôi chủ yếu trong phạm vi cả nước hoặc vùng.

Kinh phí thực hiện Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp do các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp thực hiện do ngân sách địa phương bảo đảm; để đầu tư, nghiên cứu, sản xuất các giống cây nông nghiệp, giống cây lâm nghiệp, giống vật nuôi có lợi thế so sánh của địa phương.

3. Các tổ chức, cá nhân phải sử dụng kinh phí Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp đúng mục đích, đúng chế độ, chịu sự kiểm tra kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; cuối năm hoặc kết thúc dự án phải thực hiện quyết toán kinh phí đã sử dụng theo quy định hiện hành.

II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nội dung chi của Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp, gồm:

1.1. Nội dung chi Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện:

a) Ngân sách trung ương đầu tư cho các cơ quan, đơn vị sự nghiệp trực thuộc:

- Chi từ nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học:

+ Nghiên cứu lai tạo; chọn lọc; sản xuất thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm nghiệm và khu vực hóa các giống mới; công nhận giống mới; điều tra xác định giống, phục tráng lại những giống có đặc tính tốt; nghiên cứu quy trình quản lý chất lượng giống, chế biến giống;

+ Nhập nội nguồn gen; thu nhập, lưu giữ các nguồn gen động vật, thực vật; bảo tồn cây đầu dòng, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống;

- Chi từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản: Chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:

+ Xây dựng quy hoạch, đầu tư cơ sở vật chất để lưu giữ bảo tồn nguồn gen động thực vật, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống;

+ Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất giống mới.

- Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế:

+ Nhập nội giống mới có năng suất, chất lượng cao trong nước chưa có hoặc còn thiếu; nhập công nghệ mới, tiên tiến về sản xuất giống; mua bản quyền tác giả đối với những giống mới trong nước chưa có; thuê chuyên gia nước ngoài trong trường hợp công nghệ phức tạp đòi hỏi trình độ cao mà các chuyên gia trong nước chưa thể đảm nhận được gắn với các dự án cụ thể; xây dựng một số mô hình trình diễn về công nghệ sản xuất giống mới đã được cấp có thẩm quyền công nhận; nhân giống gốc;

+ Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống;

+ Đào tạo, tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất giống mới trong và ngoài nước cho cán bộ, người sản xuất giống gắn với từng dự án;

+ Tăng cường quản lý chất lượng về giống: Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý về giống; Chi hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình; đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý giống cho cán bộ cấp Bộ, cấp tỉnh, cán bộ Trung tâm giống thuộc Bộ quản lý; xuất bản các ấn phẩm phục quản lý nhà nước về giống.

b) Ngân sách trung ương hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân:

- Chi đầu tư xây dựng cơ bản: Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi nội vùng) cho một số vùng sản xuất giống tập trung áp dụng công nghệ cao phát triển giống theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mức hỗ trợ tối đa không quá 50% mức vốn đầu tư cho dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi nội vùng).

- Chi sự nghiệp kinh tế:

+ Hỗ trợ sản xuất giống gốc (cây trồng: giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, cây đầu dòng và giống bố mẹ đối với giống lai; chăn nuôi: giống cụ kỵ, giống ông bà) trong trường hợp cần thiết đối với những giống có chất lượng mới chọn tạo hoặc nhập nội; những giống có nhu cầu lớn trong sản xuất nhưng chưa đáp ứng đủ.

Mức hỗ trợ tối đa không quá 30% tổng mức chi phí sản xuất giống theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (không tính trang thiết bị, nhà xưởng có trong tổng mức chi phí). Riêng dự án sản xuất giống gốc là trâu, bò thịt, bò sữa, dê hỗ trợ 100% chi phí tinh, ni tơ; các chi phí khác hỗ trợ tối đa không quá 30%.

Việc lựa chọn giống để sản xuất và mức hỗ trợ cụ thể đối với từng dự án do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.

+ Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn ngân hàng cho đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hoá và công nghiệp hoá sản xuất, chế biến giống áp dụng công nghệ cao trong nước chưa sản xuất được phải nhập của nước ngoài. Hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn ngân hàng cho đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hoá và công nghiệp hoá sản xuất, chế biến giống áp dụng công nghệ cao do trong nước sản xuất. Thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 12 tháng.

1.2. Nội dung chi Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp do các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện:

a) Ngân sách địa phương đầu tư cho các cơ quan, đơn vị sự nghiệp trực thuộc:

- Chi từ nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học:

+ Nghiên cứu lai tạo; chọn lọc; sản xuất thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm nghiệm và khu vực hóa các giống mới; công nhận giống mới; điều tra xác định giống, phục tráng lại những giống có đặc tính tốt; nghiên cứu quy trình quản lý chất lượng giống, chế biến giống;

+ Nhập nội nguồn gen; thu nhập, lưu giữ các nguồn gen động vật, thực vật; bảo tồn cây đầu dòng, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống;

- Chi từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản: Chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:

+ Xây dựng quy hoạch, đầu tư cơ sở vật chất để lưu giữ bảo tồn nguồn gen động thực vật, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống;

+ Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất giống mới.

- Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế:

+ Nhập nội giống mới có năng suất, chất lượng cao trong nước chưa có hoặc còn thiếu; nhập công nghệ mới, tiên tiến về sản xuất giống; mua bản quyền tác giả đối với những giống mới trong nước chưa có; thuê chuyên gia nước ngoài trong trường hợp công nghệ phức tạp đòi hỏi trình độ cao mà các chuyên gia trong nước chưa thể đảm nhận được gắn với các dự án cụ thể; xây dựng một số mô hình trình diễn về công nghệ sản xuất giống mới đã được cấp có thẩm quyền công nhận; nhân giống gốc;

+ Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống;

+ Đào tạo, tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất giống mới trong và ngoài nước cho cán bộ, người sản xuất giống gắn với từng dự án;

+ Tăng cường quản lý chất lượng về giống: Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý về giống; Chi hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình; đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý giống cho cán bộ làm giống của địa phương; xuất bản các ấn phẩm phục quản lý nhà nước về giống.

b) Ngân sách địa phương hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân:

- Chi đầu tư xây dựng cơ bản: Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi nội vùng) cho một số vùng sản xuất giống tập trung áp dụng công nghệ cao phát triển giống theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mức hỗ trợ tối đa không quá 50% mức vốn đầu tư cho dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi nội vùng).

- Chi sự nghiệp kinh tế:

+ Hỗ trợ sản xuất giống gốc (cây trồng: giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, cây đầu dòng và giống bố mẹ đối với giống lai; chăn nuôi: giống cụ kỵ, giống ông bà) trong trường hợp cần thiết đối với những giống có chất lượng mới chọn tạo hoặc nhập nội; những giống có nhu cầu lớn trong sản xuất nhưng chưa đáp ứng đủ.

Mức hỗ trợ tối đa không quá 30% tổng mức chi phí sản xuất giống theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (không tính trang thiết bị, nhà xưởng có trong tổng mức chi phí). Riêng dự án sản xuất giống gốc là trâu, bò thịt, bò sữa, dê hỗ trợ 100% chi phí tinh, ni tơ; các chi phí khác hỗ trợ tối đa không quá 30%.

Việc lựa chọn giống để sản xuất và mức hỗ trợ cụ thể đối với từng dự án do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

+ Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn ngân hàng cho đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hoá và công nghiệp hoá sản xuất, chế biến giống áp dụng công nghệ cao trong nước chưa sản xuất được phải nhập của nước ngoài. Hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn ngân hàng cho đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hoá và công nghiệp hoá sản xuất, chế biến giống áp dụng công nghệ cao do trong nước sản xuất. Thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 12 tháng.

2. Điều kiện được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí từ Chương trình giống:

a) Điều kiện được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng:

- Đơn vị sản xuất giống hoạt động tại vùng sản xuất giống tập trung áp dụng công nghệ cao (tiêu chuẩn vùng công nghệ cao do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định);

- Dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cam kết của đơn vị sẽ đầu tư vốn theo dự án được duyệt (ngoài phần hỗ trợ của NSNN);

- Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ theo tiến độ thực hiện của dự án và tương ứng với tỷ lệ đầu tư vốn thực tế của đơn vị trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền duyệt.

- Dự án chưa được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của Nhà nước.

b) Điều kiện được hỗ trợ sản xuất giống gốc trong trường hợp cần thiết:

- Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt về sản xuất giống (tên giống, số lượng cần sản xuất...);

- Dự án có địa điểm triển khai sản xuất giống (địa điểm do chủ đầu tư được giao quản lý hoặc cam kết của cơ quan, đơn vị được giao quản lý đất đồng ý triển khai dự án trên địa điểm đó).

- Tổ chức, cá nhân đã đầu tư vốn hoặc cam kết sẽ đầu tư vốn để sản xuất giống theo dự án được duyệt (ngoài phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước);

- Chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của Nhà nước.

c) Điều kiện được hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hoá và công nghiệp hoá sản xuất, chế biến giống:

- Dự án sản xuất giống được cấp có thẩm quyền phê duyệt; khế ước vay ngân hàng (trong đó phân định vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến giống); tỷ lệ hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, thời gian hoàn trả vốn và lãi vay.

- Chứng từ thanh toán vay ngân hàng phần mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến giống.

- Quyết định hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền;

- Dự án chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của Nhà nước.

3. Lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước:

a) Việc lập dự toán, thanh toán và quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế, kinh phí nghiên cứu khoa học cấp cho Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp thực hiện theo quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 26/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước và quy định tại Thông tư này.

Đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản đầu tư cho Chương trình giống cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp:

- Lập dự toán thực hiện theo quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 26/6/2003 của Bộ Tài chính;

- Việc cấp phát thanh toán thực hiện theo quy định tại Thông tư số 44/2003/TT-BTC ngày 15/5/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.

- Về báo cáo quyết toán năm: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 53/2005/TT-BTC ngày 23/6/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, thẩm định báo cáo quyết toán vốn đầu tư XDCB thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm.

- Về quyết toán vốn đầu tư của dự án hoàn thành theo quy định tại Thông tư số 45/2003/TT-BTC ngày 15/05/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư.

b) Đối với kinh phí bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương cho các địa phương thực hiện Chương trình giống, như sau:

Căn cứ chương trình giống của địa phương giai đoạn 2006-2010 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, căn cứ vào khả năng ngân sách của địa phương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập dự toán phần kinh phí đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện các dự án giống, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự toán kinh phí thực hiện chương trình giống (bao gồm kinh phí chương trình giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp thực hiện và kinh phí hỗ trợ các dự án giống của địa phương) cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm gửi Bộ Tài chính.

Căn cứ vào khả năng ngân sách của trung ương, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét dự toán kinh phí thực hiện chương trình giống, trong đó có mức bổ sung hỗ trợ có mục tiêu ngân sách địa phương thực hiện các dự án giống của địa phương; tổng hợp và lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

4. Về thu hồi sản phẩm:

a) Đối với các đề tài, dự án thực hiện từ nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học và công nghệ, có sản phẩm thu hồi thực hiện theo quy định hiện hành đối với đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

b) Các dự án giống do ngân sách nhà nước đầu tư bằng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, cơ quan trung ương và các đơn vị sự nghiệp của địa phương, toàn bộ giống sản xuất ra cung cấp cho các địa phương; tổ chức, cá nhân phải thu hồi giá trị giống bán ra theo giá thị trường, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với dự án giống thuộc trung ương), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với dự án giống thuộc địa phương). Trường hợp những giống chưa có trên thị trường, giá bán do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định (đối với dự án giống thuộc Trung ương), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định (đối với dự án giống thuộc địa phương). Số tiền thu được các đơn vị nộp ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành.

Trường hợp sản phẩm giống của đơn vị được giữ làm giống cho giai đoạn sau thì không tính kinh phí mua giống cho giai đoạn sau.

c) Đối với dự án được ngân sách nhà nước hỗ trợ bằng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế để sản xuất giống gốc trong trường hợp cần thiết: mức thu hồi 60% số kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ. Thời gian thu hồi kinh phí của từng dự án do cơ quan phê duyệt dự án xem xét quyết định nhưng không quá 24 tháng sau khi dự án kết thúc.

Trường hợp dự án phải ngừng triển khai do nguyên nhân khách quan gây thiệt hại cho dự án, như bão, lụt, hoả hoạn, thì được xem xét miễn giảm kinh phí thu hồi. Khi gặp các trường hợp nêu trên, các đơn vị chủ trì dự án có báo cáo cụ thể bằng văn bản cho cơ quan quản lý cấp trên để kiểm tra, xác nhận về quá trình triển khai thực hiện và lý do phải ngừng triển khai dự án; khả năng hoàn trả kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ, cụ thể:

- Đối với các dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện: sau khi kiểm tra xác nhận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, cơ quan trung ương quyết định mức miễn, giảm kinh phí thu hồi trên cơ sở thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính.

- Đối với các dự án do các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra, xác nhận và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức miễn giảm kinh phí thu hồi.

d) Đối với dự án được ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ lãi suất tiền vay. Không thu hồi phần ngân sách nhà nước đã đầu tư, hỗ trợ.

đ) Đối với rừng giống, vườn giống cây lâm nghiệp do ngân sách trung ương đầu tư được triển khai trên địa điểm đầu tư thuộc đất của địa phương quản lý, khi dự án kết thúc thì rừng giống, vườn giống được bàn giao cho địa phương quản lý để tiếp tục đầu tư, chăm sóc, bảo vệ, duy trì khai thác giống lâu dài.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức bàn giao tài sản cho địa phương theo quy định hiện hành.

e) Các chủ đề tài, dự án có trách nhiệm nộp kinh phí phải thu hồi theo quy định vào ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan trung ương (đối với các đề tài, dự án của trung ương), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với các đề tài, dự án của địa phương) có trách nhiệm theo dõi và đôn đốc việc thu hồi sản phẩm, hàng năm tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính đồng cấp cùng thời gian báo cáo quyết toán kinh phí chương trình giống.

5. Công tác báo cáo, thanh tra và kiểm tra:

- Định kỳ quý, năm các chủ dự án giống có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, cơ quan trung ương trực tiếp quản lý dự án giống (đối với dự án của trung ương), báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với dự án của địa phương). Cuối năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổng hợp tình hình thực hiện các dự án giống thuộc Chương trình giống của địa phương báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình giống của trung ương và địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với cơ quan Tài chính đồng cấp tổ chức kiểm tra định kỳ, hoặc đột xuất về tình hình thực hiện và sử dụng kinh phí Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích và có hiệu quả.

- Định kỳ cuối năm và khi kết thúc dự án, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức nghiệm thu theo giai đoạn và kết thúc dự án làm cơ sở thanh toán, quyết toán kinh phí của dự án.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chỉ đạo Chương trình giống giai đoạn 2006-2010 trong phạm vi cả nước; phê duyệt các dự án giống, các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ về giống thuộc phạm vi của Bộ hoặc các đơn vị thuộc Bộ, ngành có liên quan (theo cơ chế đấu thầu, đặt hàng); thẩm định định hướng chương trình giống của địa phương giai đoạn 2006-2010; quy hoạch các vùng nhân giống trọng điểm.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo chương trình giống trên phạm vi địa phương; phê duyệt các dự án giống của địa phương trên cơ sở chương trình giống giai đoạn 2006-2010 của địa phương đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư liên tịch số 101/2001/TTLT-BTC-BNN&PTNT ngày 20/12/2001 hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư cho Chương trình giống cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để sửa đổi cho phù hợp./.

KT.BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG




Bùi Bá Bổng

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các Đoàn thể, hội quần chúng ở TW;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Tài chính, KBNN, Cục Thuế các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư Pháp;
- Công báo;
- Website Chính phủ; Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT.
 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 15/2007/TTLT-BTC-BNN hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp do Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 15/2007/TTLT-BTC-BNN
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 08/03/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính
  • Người ký: Bùi Bá Bổng, Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 268 đến số 269
  • Ngày hiệu lực: 29/04/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 15/04/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản