Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15/2002/TTLT-BTC-BTP

Hà Nội , ngày 08 tháng 2 năm 2002

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - BỘ TƯ PHÁP SỐ 15/2002/TTLT-BTC-BTP NGÀY 8 THÁNG 2 NĂM 2002 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VỀ KINH PHÍ TỔ CHỨC CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ, KINH PHÍ ĐỂ LẠI CHO UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG THAM GIA THỰC HIỆN CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN ĐÃ THU ĐƯỢC NỘP VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Căn cứ Điều 10 Nghị định số 69-CP ngày18/10/1993 của Chính phủ quy định thủ tục thi hành án dân sự;
Thực hiện điểm 8 Chỉ Thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự; Liên Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án, kinh phí để lại cho Uỷ ban nhân dân xã, phường tham gia thực hiện công tác thi hành án đã thu được nộp vào ngân sách Nhà nước như sau:

I. VỀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH KINH PHÍ TỔ CHỨC CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN:

1/ Nguồn kinh phí bảo đảm cho chi phí cưỡng chế thi hành án:

1.1- Chi phí cho việc cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án chịu. Người phải thi hành án phải nộp chi phí cưỡng chế thi hành án cho cơ quan thi hành án theo nội dung chi, mức chi quy định tại điểm 2, điểm 3 dưới đây, do chấp hành viên tính toán, được thủ trưởng cơ quan thi hành án duyệt và thông báo cho người phải thi hành án biết hoặc được khấu trừ vào tiền bán đấu giá tài sản đã bị kê biên hoặc khấu trừ vào tài sản của người phải thi hành án đang do người khác giữ, thuê, vay, mượn, sửa chữa.

Trường hợp chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án phải chịu nhưng cơ quan thi hành án chưa thu được, cơ quan thi hành án được phép tạm ứng kinh phí từ nguồn thu hoạt động thi hành án phải nộp Ngân sách nhưng chưa nộp, mức tạm ứng không quá 30 triệu đồng đối với Phòng Thi hành án, tạm ứng không quá 10 triệu đồng đối với Đội thi hành án. Đối với những vụ án có mức chi phí cưỡng chế lớn, số tiền được phép tạm ứng sử dụng không đủ thì cơ quan Thi hành án báo cáo Bộ Tư pháp tổng hợp gửi Bộ Tài chính để xem xét giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể.

Cơ quan thi hành án có trách nhiệm đôn đốc thu hồi để hoàn tạm ứng. Cuối quý, cuối năm báo cáo quyết toán kinh phí tạm ứng với cơ quan tài chính cùng cấp. Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm theo dõi quản lý việc tạm ứng kinh phí và hoàn trả kinh phí tạm ứng.

1.2- Trường hợp người phải thi hành án thực sự có khó khăn về kinh tế có xác nhận của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú, hoặc Thủ trưởng cơ quan đơn vị người phải thi hành án công tác xác nhận, được Thủ trưởng cơ quan thi hành án xét giảm một phần hay miễn toàn bộ chi phí cưỡng chế thi hành án, thì chi phí cưỡng chế thi hành án được miễn, giảm do ngân sách Nhà nước bảo đảm và được bố trí vào dự toán chi hàng năm của cơ quan thi hành án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hàng năm, trên cơ sở dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, khối lượng các vụ án sẽ phải thực hiện cưỡng chế mà người phải thi hành án thực sự có khó khăn về kinh tế, cơ quan thi hành án các cấp phân bổ kinh phí được giao để thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế thi hành án cho phù hợp.

2/ Nội dung chi cưỡng chế thi hành án:

a. Chi phí kê biên tài sản: Tiền thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên, tiền giám định tài sản đã kê biên;

b. Chi phí định giá tài sản: tiền thù lao cho các thành viên của hội đồng định giá, tiền thuê địa điểm, phương tiện để tổ chức bán đấu giá, chi phí tổ chức định giá lại tài sản; chi đăng tin thông báo bán đấu giá trên các phương tiện thông tin đại chúng.

c. Tiền thuê chuyên chở đồ vật, tài sản cưỡng chế thi hành án, chi phí thù lao cho những người tham gia cưỡng chế trong thời gian tổ chức cưỡng chế thi hành án.

3/ Mức chi cưỡng chế thi hành án:

- Các chi phí: Thuê giữ hoặc bảo quản tài sản; giám định tài sản đã kê biên; tiền thuê địa điểm, phương tiện để tổ chức bán đấu giá; chi đăng tin thông báo bán đấu giá trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiền thuê chuyên chở đồ vật, tài sản cưỡng chế thi hành án...được thực hiện căn cứ theo hợp đồng, hoá đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ theo quy định.

- Chi phí bồi dưỡng cho các thành viên của Hội đồng định giá tài sản, mức chi 20.000 đồng/người/ngày.

- Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế thi hành án, mức chi 20.000 đồng/người/ngày theo hướng dẫn tại Thông tư Liên tịch số 433/TT-LT ngày 25/9/1997 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp.

II. CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC VỤ THI HÀNH ÁN DO UBND XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRỰC TIẾP ĐÔN ĐỐC THI HÀNH:

1/ Đối với các vụ phải thi hành án có số thu có giá trị không quá 500.000 đồng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành và uỷ nhiệm cho UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp đôn đốc thi hành án; Số tiền UBND xã đã thu được xử lý như sau:

a/ Đối với các vụ thi hành án mà số tiền, tài sản thu được phải trả cho người được thi hành án thì sau khi thu được UBND xã, phường nộp 100% số tiền đã thu được của vụ án đó cho cơ quan thi hành án để thực hiện chi trả cho người được thi hành án.

b/ Đối với các vụ thi hành án có số thu phải nộp ngân sách Nhà nước, sau khi đối chiếu và có xác nhận của cơ quan thi hành án, UBND xã, phường được để lại 100% số thu đó để thực hiện chi hỗ trợ công tác thi hành án ở cơ sở dưới sự giám sát của cơ quan thi hành án gồm các nội dung chi sau:

- Chi trả thù lao cho những đối tượng tham gia vào việc đôn đốc thu về thi hành án dân sự như: chi cho công tác xác minh về tài sản thi hành án, chi thực hiện việc tống đạt các quyết định, thông báo về thi hành án hoặc tham gia vào việc xác minh điều kiện thi hành án của công tác thi hành án dân sự trên địa bàn. Mức chi trả thù lao cụ thể do UBND xã, phường quyết định nhưng không quá 50.000 đồng/vụ.

- Chi tổ chức họp sơ kết, tổng kết về công tác thi hành án ở cơ sở.

- Chi mua văn phòng phẩm phục vụ công tác thi hành án.

- Chi khác ( nếu có).

c/ Đối với các vụ thi hành án có số thu bằng hiện vật có giá trị không quá 500.000 đồng, cơ quan thi hành án phối hợp với UBND xã tổ chức việc bán đấu giá tài sản theo đúng quy định hiện hành. Tiền thu bán đấu giá tài sản được xử lý như điểm a, điểm b nêu trên.

2/ Việc thu, chi tiền và xuất nhập tài sản thi hành án, UBND xã, phường phải lập chứng từ và mở sổ sách theo dõi, quản lý đúng chế độ quy định theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Cuối tháng UBND xã, phường phải lập báo cáo kết quả thực hiện công tác thi hành án tại cơ sở chi tiết theo từng vụ án; Cuối quý, cuối năm lập báo cáo quyết toán số tiền đã thu, số tiền được để lại chi, số tiền đã chi, số tiền đã giao cho cơ quan thi hành án gửi Đội thi hành án cấp quận, huyện để tổng hợp báo cáo, đồng thời gửi báo cáo quý, năm cho cơ quan tài chính cấp trên để theo dõi quản lý.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp để xem xét hướng dẫn kịp thời./.

Lê Thị Thu Ba

(Đã ký)

Nguyễn Thị Kim Ngân

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 15/2002/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự, kinh phí để lại cho Uỷ ban nhân dân xã, phường tham gia thực hiện công tác thi hành án đã thu nộp vào ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 15/2002/TTLT-BTC-BTP
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 08/02/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp
  • Người ký: Lê Thị Thu Ba, Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/02/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản