Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH-TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 126/2003/TTLT-BTC-TLĐ

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2003 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

SỬA ĐỔI THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 76/1999/TTLT-BTC-TLĐ NGÀY 16/6/1999 HƯỚNG DẪN TRÍCH NỘP KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN

Để phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước, để đảm bảo kinh phí hoạt động của tổ chức công đoàn, liên tịch Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn phương thức thu, nộp kinh phí công đoàn đối với các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước như sau:

I. PHƯƠNG THỨC TRÍCH, NỘP KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN

Hàng năm, sau khi được cấp có thẩm quyền giao dự toán ngân sách, đơn vị dự toán cấp I thực hiện phân bổ dự toán chi tiết cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc. Riêng đối với kinh phí công đoàn (bằng 2% quỹ tiền lương) phải nộp trong năm (bao gồm cả cơ quan chủ quản và các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc), đơn vị dự toán cấp I phải phân bổ chi tiết theo loại, khoản, mục 106, tiểu mục 03 của Mục lục Ngân sách nhà nước và gửi cơ quan Tài chính đồng cấp trước ngày 31 tháng 12 để cơ quan Tài chính thực hiện cấp phát (Kho bạc Nhà nước không thực hiện thanh toán kinh phí công đoàn cho các đơn vị sử dụng ngân sách).

Sau khi nhận được văn bản phân bổ dự toán chi tiết của đơn vị dự toán cấp I, cơ quan Tài chính đồng cấp thẩm định phân bổ dự toán và thông báo cho đơn vị dự toán cấp I về kết quả thẩm định theo quy định hiện hành, trong đó, xác định rõ số kinh phí công đoàn phải nộp trong năm của đơn vị dự toán cấp I;

Hàng quý, căn cứ văn bản phân bổ chi tiết của đơn vị dự toán cấp I, cơ quan Tài chính sẽ cấp kinh phí công đoàn bằng hình thức lệnh chi tiền theo Mục lục Ngân sách nhà nước, đồng thời lập ủy nhiệm chi thay đơn vị sử dụng ngân sách nộp kinh phí công đoàn qua đơn vị dự toán cấp I. Đối với đơn vị hưởng kinh phí từ ngân sách Trung ương chuyển vào tài khoản của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đối với đơn vị hưởng kinh phí từ ngân sách địa phương chuyển vào tài khoản Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mở tại Kho bạc Nhà nước.

II. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, thay thế mục 1; tiết 1 mục 3 Phần II và mục 1 Phần III Thông tư liên tịch số 76/1999/TTLT-BTC-TLĐ ngày 16/06/1999 của liên Bộ Tài chính – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để hướng dẫn giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
           




Nguyễn Công Nghiệp

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Thắng

(Công báo số 228+229 ngày 28/12/2003)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 126/2003/TTLT-BTC-TLĐ sửa đổi Thông tư liên tịch 76/1999/TTLT-BTC-TLĐ hướng dẫn trích nộp kinh phí công đoàn do Bộ Tài chính-Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 126/2003/TTLT-BTC-TLĐ
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 19/12/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Công Nghiệp, Nguyễn Đình Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 228 đến số 229
  • Ngày hiệu lực: 12/01/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản