Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ CÔNG AN-UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/1998/TTLT-TDTT-CA | Hà Nội , ngày 26 tháng 12 năm 1998 |
Thi hành Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ Uỷ ban Thể dục Thể thao, Bộ Công An thống nhất hướng dẫn việc quản lý, trang bị, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, sửa chữa, thanh lý, tiêu huỷ và mang vào, mang ra khỏi nước Việt Nam các loại vũ khí thể thao như sau:
1- Các loại vũ khí thể thao (VKTT) quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 của Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ban hành theo Nghị định 47/CP bao gồm:
a) Các loại súng trường thể thao, súng ngắn thể thao, súng hơi, súng bắn mục tiêu di động, bắn đĩa bay dùng cho mục đích tập luyện, thi đấu thể thao và các loại đạn dùng cho các loại súng kể trên.
VKTT chỉ trang bị cho các đối tượng theo quy định tại điểm 1 Mục A Phần II dưới đây để tập luyện, thi đấu thể thao. Cơ quan, tổ chức được trang bị súng, đạn thể thao phải làm thủ tục đăng ký, khi sử dụng phải có giấy phép của cơ quan Công an có thẩm quyền.
b) Các loại vũ khí thô sơ dùng để tập luyện, thi đấu thể thao gồm các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, đại đao, mã tấu, cung, nỏ, côn, thương,....
Đối với các loại vũ khí thô sơ dùng cho việc tập luyện, thi đấu thể thao phải có quyết định trang bị của Uỷ ban Thể dục Thể thao hoặc Sở Thể dục Thể thao, Sở Văn hoá Thông tin và Thể thao cấp tỉnh (dưới đây gọi chung là Sở Thể dục Thể thao). Cơ quan, tổ chức được trang bị vũ khí thô sơ phải ghi vào sổ sách theo dõi, quản lý đúng chế độ; khi mang đi tập luyện, thi đấu ngoài phạm vị tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở phải có xác nhận của thủ trưởng cơ quan, tổ chức về loại vũ khí đó trong giấy công tác.
2- VKTT không trang bị cho cá nhân, tổ chức, cá nhân không được trang bị mà có VKTT bất kể do nguồn gốc nào đếu phải kê khai và nộp tại cơ quan Công an.
3- Các cơ quan, tổ chức được trang bị, sử dụng các loại vũ khí thể thao phải chịu sự quản lý của cơ quan Công an và cơ quan Thể dục Thể thao theo quy định của Nghị định 47/CP và hướng dẫn tại Thông tư này.
4- Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao giữ, sử dụng VKTT phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật và chịu trách nhiệm về vũ khí được giao.
5- Không sử dụng VKTT vào mục đích khác.
II- TRANG BỊ, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VŨ KHÍ THỂ THAO
A- ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TRANG BỊ, SỬ DỤNG VKTT
1- Đối tượng được trang bị, sử dụng VKTT quy định tại khoản 2 Điều 8 và điểm h khoản 1 Điều 38 của Quy chế ban hành theo Nghị định số 47/CP bao gồm:
a) Các Câu lạc bộ, Trung tâm, Trường huấn luyện, Trường năng khiếu Thể dục Thể Thao, trường Đại học, trường Cao Đẳng, trường Trung cấp Thể dục Thể thao được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
b) Các cơ quan, tổ chức khác của nhà nước có yêu cầu trang bị VKTT để tập luyện thi đấu phải được sự đồng ý bằng văn bản của Uỷ ban Thể dục Thể thao.
2- Các cơ quan, tổ chức trên chỉ được trang bị VKTT khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các Điều 13, 14, 15 của Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 47/CP.
3- Thủ tục đề nghị trang bị VKTT:
a) Quyết định thành lập Trung tâm, Câu lạc bộ, Trường huấn luyện.... của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm 1 trên đây.
b) Công văn đề nghị trang bị VKTT của cơ quan trực tiếp quản lý Trung tâm, Câu lạc bộ, Trường huấn luyện,... công văn cần nói rõ số lượng, chúng loại VKTT đã được trang bị, cần trang bị thêm.
c) Đối với các cơ quan, tổ chức khác của nhà nước có nhu cầu trang bị VKTT phải có công văn nói rõ nhu cầu, mục đích, số lượng cần trang bị và phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan chủ quản cấp trên.
Các cơ quan, tổ chức ở địa phương nộp thủ tục nói trên tại Sở Thể Dục Thể thao; Sở Thể dục Thể thao xem xét đề nghị Uỷ ban Thể dục Thể thao quyết định.
Các cơ quan, tổ chức trực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ thủ tục nộp tại Uỷ ban Thể dục Thể thao để xem xét quyết định.
Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Uỷ ban Thể dục Thể Thao phải xem xét trả lời kết quả bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức đề nghị trang bị VKTT.
4- Sử dụng VKTT
a) VKTT chỉ được dùng để tập luyện và thi đấu thể thao. Trước và sau khi tập luyện, thi đấu phải kiểm tra an toàn VKTT theo quy định.
b) Việc bắn đạn thật trong tập luyện hoặc thi đấu phải tổ chức tại trường bắn. Trường hợp không có trường bắn theo quy định, phải chọn nơi có đủ điều kiện an toàn và phải được cơ quan Công an cấp huyện sở tại cho phép trước khi tổ chức bắn. Khi bắn đạn thật phải tổ chức cảnh giới và có biện pháp bảo vệ tuyệt đối an toàn. Súng và đạn đưa vào sử dụng trong tập luyện, thi đấu phải đảm bảo an toàn đúng theo quy định.
c) Trường hợp xảy ra tai nạn trong tập luyện, thi đấu, vận chuyển, bảo quản, sửa chữa,... phải tổ chức cấp cứu, khắc phục hậu quả kịp thời. Người gây ra tai nạn và người chỉ huy phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra.
B- CẤP GIẤY PHÉP SỬ DỤNG VŨ KHÍ THỂ THAO
1- Giấy phép sử dụng VKTT do cơ quan Công an cấp tỉnh cấp và có giá trị sử dụng 3 năm kể từ ngày cấp giấy phép.
2- Thủ tục đề nghị cấp giấy phép sử dụng VKTT
a) Đối với VKTT mới được trang bị
- Quyết định bằng văn bản của Uỷ ban Thể dục Thể thao cho phép trang bị VKTT ghi rõ số lượng, chủng loại, ký hiệu, cỡ nòng, số hiệu của từng loại VKTT.
- Công văn đề nghị cấp giấy phép sử dụng VKTT của cơ quan, tổ chức được trang bị.
b) Cấp lại giấy phép sử dụng VKTT đã hết giá trị sử dụng: cơ quan, tổ chức được trang bị vũ khí phải nộp lại giấy phép sử dụng đã hết giá trị và có công văn đề nghị cấp đổi lại giấy phép sử dụng kèm theo bản kê khai từng loại vũ khí.
Nếu giấy phép sử dụng VKTT bị mất hoặc bị hư hỏng thì cơ quan, tổ chức có vũ khí phải có công văn trình bày lý do bị mất, bị hư hỏng và đề nghị cấp lại hoặc đổi giấy phép mới.
c) Đối với cơ quan, tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện đã được trang bị VKTT nhưng chưa làm thủ tục cấp giấy phép nay cần cấp giấy phép sử dụng phải có văn bản xác nhận nguồn gốc vũ khí của Uỷ ban Thể dục Thể thao hoặc Sở Thể dục Thể thao.
d) Cán bộ được cơ quan, tổ chức cử đến cơ quan Công an làm thủ tục cấp giấy phép sử dụng VKTT phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức đó và phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân.
e) Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an phải cấp giấy phép sử dụng.
C- BẢO QUẢN, VẬN CHYỂN, SỬA CHỮA VŨ KHÍ THỂ THAO
1- Bảo quản:
a) Đối với các kho VKTT phải
- Thiết kế, xây dựng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn về phòng cháy, nổ được Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an cấp tỉnh phê duyệt và nghiệm thu.
- Có nội quy và phương án bảo vệ, phương án phòng cháy, chữa cháy và phương tiện đảm bảo an toàn, được Sở Thể dục thể thao và Công an cấp tỉnh phê duyệt.
- Chấp hành nghiêm chỉnh chế độ kiểm tra, bảo quản, xuất hoặc nhập kho, có sổ sách theo dõi, ghi chép và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
- Phân công người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điều 13, 14 của Quy chế ban hành theo Nghị định số 47/CP để bảo quản, coi giữ và quản lý thường xuyên.
b) Các cơ quan , tổ chức được trang bị VKTT
- Phải có kho hoặc nơi cất giữ đảm bảo tuyệt đối an toàn, có người quản lý, có sổ sách theo dõi và lau chùi sạch sẽ.
- Chỉ giao VKTT cho những người trực tiếp tập luyện, thi đấu. Những người này phải có đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 13 của quy chế ban hành theo Nghị định 47/CP.
- Thường xuyên kiểm tra về số lượng, chất lượng, theo dõi việc xuất hoặc nhập kho, đối chiếu số sách với vũ khí hiện có.
- Thủ trưởng phụ trách cơ quan, tổ chức được trang bị VKTT khi cần thiết có thể kiểm tra đột xuất về việc bảo quản, an toàn kho tàng và sử dụng VKTT.
- Vào tháng 10 hàng năm các cơ quan, tổ chức được trang bị VKTT phải phối hợp cùng cơ quan Công an đăng ký, cấp giấy phép tổ chức kiểm tra định kỳ việc quản lý, sử dụng VKTT.
Việc kiểm tra phải cụ thể, tỷ mỉ, đối chiếu từng VKTT với sổ sách theo dõi và giấy phép sử dụng. Sau kiểm tra phải lập biên bản nói rõ nội dung, kết quả kiểm tra và có chữ ký của các thành viên kiểm tra.
c) Người được giao VKTT để tập luyện, thi đấu
- Chỉ được sử dụng VKTT vào mục đích tập luyện và thi đấu thể thao; chấp hành đầy đủ chế độ sử dụng, bảo quản và giữ gìn tuyệt đối an toàn.
- Chịu trách nhiệm trực tiếp đối với VKTT được giao.
- Khi mang vũ khí đi tập luyện, thi đấu phải mang theo giấy phép sử dụng.
- Không được tự ý cho mượn hoặc trao đổi VKTT được giao.
- Trường hợp do yêu cầu cần thiết đề tập luyện, thi đấu, vận động viên có thể được giao giữ VKTT thường xuyên theo quyết định của Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao hoặc Giám đốc Sở Thể Dục Thể Thao.
2- Vận chuyển VKTT
a) Khi vận chuyển VKTT chưa đăng ký, chưa có giấy phép sử dụng hoặc đã có giấy phép sử dụng nhưng số lượng lớn (từ 20 khẩu trở lên) phải có giấy phép của cơ quan Công an cấp tỉnh cấp.
- Việc vận chuyển VKTT phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, bí mật, có người bảo vệ và đi đúng tuyến đường ghi trong giấy phép.
- Trường hợp đang vận chuyển VKTT có sự cố hoặc cần nghỉ lại qua đêm trên đường, phải báo cáo với Công an sở tại biết để phối hợp bảo vệ. Không được dừng, đỗ xe ở nơi đông người, nơi có công trình quan trọng.
- Trường hợp vận chuyển VKTT để phục vụ cho việc tập luyện, thi đấu trong phạm vi tỉnh, thành phố thì không phải xin giấy phép vận chuyển của cơ quan Công an nhưng phải có quyết định của cơ quan, tổ chức có vũ khí cần vận chuyển.
b) Thủ tục đề nghị cấp giấy phép vận chuyển VKTT bao gồm:
- Công văn đề nghị ghi rõ số lượng, chủng loại, ký hiệu của vũ khí cần vận chuyển, nơi đi, nơi đến, thời gian và tuyến đường vận chuyển.
- Quyết định vận chuyển VKTT của Uỷ ban Thể dục Thể thao hoặc Giám đốc Sở Thể dục Thể thao.
- Giấy giới thiệu và chứng minh nhân dân của người đến liên hệ làm thủ tục.
Hồ sơ xin phép vận chuyển VKTT nộp tại cơ quan Công an cấp tính (kể cả cơ quan, tổ chức của Trung ương đóng tại địa phương). Chậm nhất 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an phải trả lời kết quả cấp hay không cấp giấy phép vận chuyển; nếu không cấp giấy phép phải nói rõ lý do.
3- Sửa chữa VKTT
a) Việc sửa chữa VKTT phải được phép của cơ quan Công an cấp tỉnh và phải sửa chữa tại các cơ sở của Quân đội hoặc Công an. Trường họp VKTT hư hỏng nhỏ hoặc chỉ thay thế phụ tùng mà cơ quan, tổ chức được trang bị VKTT có thể tự làm được, thì không phải xin phép cơ quan Công an.
b) Thủ tục đề nghị cấp giấy phép sửa chữa VKTT
- Công văn đề nghị sửa chữa VKTT cần nói rõ số lượng, chủng loại, ký hiệu, số hiệu, nội dung sửa chữa của từng loại VKTT và cơ sở sửa chữa.
- Giấy giới thiệu và chứng minh nhân dân của người liên hệ làm thủ tục.
Hồ sơ nói trên nộp tại Công an cấp tỉnh. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan Công an phải trả lời kết quả cấp hay không cấp giấy phép; nếu không cấp giấy phép phải nói rõ lý do.
- Chỉ được sửa chữa tại các cơ sở ghi trong giấy phép.
4- Nếu VKTT bị mất phải báo ngay cho cấp trên trực tiếp và các cơ quan chức năng biết để giải quyết, xử lý.
D- MANG VKTT VÀO, RA KHỎI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
1- Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài mang VKTT từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc mang VKTT từ Việt Nam ra nước ngoài để tập luyện, thi đấu phải được phép của Bộ Công an và có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 47/CP, hướng dẫn tại thông tư này, phải quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số vũ khí mang vào, mang ra.
2- Thủ tục xin phép mang VKTT vào, ra khỏi nước CHXHCN Việt Nam để tập luyện, thi đấu gồm:
- Công văn đề nghị cấp giấy phép có xác nhận của Uỷ ban Thể dục Thể thao ghi rõ: mục đích, số lượng, chủng loại, ký hiệu, thời gian, địa điểm, cửa khẩu, phương tiện mang vào, mang ra.
- Giấy giới thiệu và giấy chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu) của người làm thủ tục.
Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, xem xét, cấp giấy phép trong thời hạn 15 ngày.
3- Khi mang VKTT vào hoặc mang ra khỏi Việt Nam để phục vụ cho việc tập luyện, thi đấu phải xuất trình hộ chiếu, tờ khai và giấy phép của Bộ Công an với Công an, Hải quan cửa khẩu. Hoàn thành việc mang VKTT vào hoặc mang ra khỏi Việt Nam phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép để kiểm tra, theo dõi.
4- Hàng năm, Uỷ ban Thể dục Thể Thao thống nhất với Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc mang VKTT từ nước ngoài vào Việt Nam để trang bị cho các cơ quan, tổ chức được phép trang bị.
Thủ tục mang vào theo quy định tại điểm 2 nói trên.
1- Hàng năm các cơ quan, tổ chức được trang bị VKTT phải phân loại chất lượng của từng loại vũ khí. Những VKTT đã bị hư hỏng không còn khả năng sửa chữa khôi phục để sử dụng thì phải đề nghị Uỷ ban Thể dục Thể Thao cho tiêu huỷ theo quy định tại điểm 2 dưới đây.
2- Bộ truởng Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao ra quyết định thành lập hội đồng thanh lý, tiêu huỷ VKTT ở trung ương và cấp tỉnh. Hội đồng thanh lý, tiêu huỷ VKTT do đại diện cơ quan thể dục thể thao làm chủ tịch, các thành viên tham gia bao gồm:
- Đại diện cơ quan Công an cùng cấp.
- Đại diện cơ quan, tổ chức có VKTT cần tiêu huỷ.
3- Việc tiêu huỷ VKTT phải làm biến dạng hoàn toàn, không còn khả năng khôi phục. Đảm bảo an toàn, không làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Khi tiêu huỷ phải lập biên bản có chữ ký của các thành viên hội đồng.
III- KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
1- Thẩm quyền kiểm tra
Ngoài những người có thẩm quyền được kiểm tra theo quy định tại điểm a, d, đ, e Điều 6 của quy chế ban hành theo Nghị định số 47/CP về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cán bộ thuộc ngành Thể dục Thể thao sau đây được kiểm tra việc quản lý, sử dụng VKTT đối với các cơ quan, tổ chức được trang bị VKTT trong phạm vi địa bàn phụ trách:
- Cán bộ theo dõi, quản lý VKTT của cơ quan Thể thao từ cấp tỉnh trở lên.
- Giám đốc Sở Thể dục Thể thao cấp tỉnh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I thuộc Uỷ ban Thể dục Thể thao.
2- Xử lý vi phạm:
- Cơ quan, tổ chức vi phạm chế độ quản lý VKTT tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 49/CP ngày 15/8/1996 của Chính phủ.
- Trong quá trình quản lý, người có trách nhiệm và người được giao VKTT hoặc cán bộ, nhân viên vi phạm chế độ quản lý VKTT, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 11 Nghị định số 49/CP ngày 15/8/1996 của Chính phủ hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu làm mất, hư hỏng phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
1- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo thực hiện Thông tư này.
2- Vụ Thể thao thành tích cao I, Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm giúp Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao và Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo, tổ chức việc thực hiện Thông tư này.
3- Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký; thay thế Thông tư số 01/TT ngày 19/3/1966 của liên bộ Công an - Thể thao, các văn bản trước đây của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Tổng cục Thể dục Thể thao (nay là Uỷ ban Thể dục Thể thao) trái với Thông tư này.
Hà Quang Dự (Đã ký) | Lê Minh Hương (Đã ký) |
- 1Thông tư liên bộ 01-LB năm 1966 quy định các chế độ sử dụng, bảo quản, vận chuyển, sản xuất, sửa chữa các loại súng đạn thể thao quốc phòng do Bộ Công An - Uỷ Ban Thể Dục Thể Thao ban hành
- 2Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BVHTTDL-BCA quy định trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí thể thao trong tập luyện và thi đấu thể thao do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Công an ban hành
- 3Quyết định 01/QĐ-BVHTTDL năm 2014 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch hết hiệu lực thi hành tính đến ngày 31/12/2013 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 4Quyết định 4582/QĐ-BCA năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công an trong kỳ hệ thống hóa đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2013
- 5Quyết định 485/QĐ-BVHTTDL năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong kỳ hệ thống hóa 2014-2018
- 1Thông tư liên bộ 01-LB năm 1966 quy định các chế độ sử dụng, bảo quản, vận chuyển, sản xuất, sửa chữa các loại súng đạn thể thao quốc phòng do Bộ Công An - Uỷ Ban Thể Dục Thể Thao ban hành
- 2Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BVHTTDL-BCA quy định trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí thể thao trong tập luyện và thi đấu thể thao do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Công an ban hành
- 3Quyết định 01/QĐ-BVHTTDL năm 2014 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch hết hiệu lực thi hành tính đến ngày 31/12/2013 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 4Quyết định 4582/QĐ-BCA năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công an trong kỳ hệ thống hóa đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2013
- 5Quyết định 485/QĐ-BVHTTDL năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong kỳ hệ thống hóa 2014-2018
Thông tư liên tịch 09/1998/TTLT-TDTT-CA quản lý, trang bị, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, sửa chữa, mang vào, mang ra khỏi Việt Nam và thanh lý, tiêu huỷ các loại vũ khí thể thao do Uỷ ban thể dục thể thao - Bộ Công an ban hành
- Số hiệu: 09/1998/TTLT-TDTT-CA
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 26/12/1998
- Nơi ban hành: Bộ Công An, Uỷ ban Thể dục Thể thao
- Người ký: Hà Quang Dự, Lê Minh Hương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 9
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra