BỘ CÔNG AN-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2004/TTLT-BCA-VKSNDTC | Hà Nội , ngày 29 tháng 4 năm 2004 |
Để thực hiện thống nhất quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 98/2002/ NĐ-CP ngày 27/11/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 của Chính phủ, sau khi trao đổi với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định về tổ chức thi hành hình phạt tù đối với phạm nhân chấp hành hình phạt tù tại nhà tạm giữ, như sau:
1. Điều kiện phạm nhân chấp hành hình phạt tù tại nhà tạm giữ
Đối với nhà tạm giữ thuộc Công an cấp huyện thường xuyên có từ 30 người bị tạm giữ, tạm giam trở lên được bố trí phạm nhân phục vụ việc nấu ăn, đưa cơm, vận chuyển quà và đồ dùng sinh hoạt, làm vệ sinh, sửa chữa nhà tạm giữ, phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ giam giữ. Phạm nhân chấp hành hình phạt tù tại nhà tạm giữ phải giam giữ ở buồng giam riêng, có treo biển "Buồng quản lý phạm nhân".
Phạm nhân chấp hành hình phạt tù tại nhà tạm giữ được lấy từ số phạm nhân của phân trại quản lý phạm nhân trong trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, là người phạm tội lần đầu, bị xử phạt tù từ 36 tháng trở xuống; không phạm các tội: xâm phạm an ninh quốc gia; giết người; cướp tài sản; cưỡng đoạt tài sản; mua bán, tàng trữ vũ khí quân dụng; các tội phạm về ma túy. Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định đưa phạm nhân đến chấp hành hình phạt tù tại nhà tạm giữ thuộc Công an cấp huyện.
Bộ trưởng Bộ Công an quyết định số lượng phạm nhân chấp hành hình phạt tù tại nhà tạm giữ thuộc Công an cấp huyện.
2. Thủ tục đưa phạm nhân đến chấp hành hình phạt tù và trích xuất phạm nhân ra khỏi nhà tạm giữ.
Hồ sơ phạm nhân chấp hành hình phạt tù tại nhà tạm giữ bao gồm:
- Bản sao bản án;
- Quyết định thi hành án;
- Danh bản;
- Phiếu khám sức khỏe hoặc hồ sơ sức khỏe (nếu có);
- Bản sao quyết định đưa người bị kết án tù vào chấp hành hình phạt tù tại phân trại quản lý phạm nhân trong trại tạm giam của Cục trưởng Cục Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an;
- Quyết định của Giám đốc Công an cấp tỉnh về việc đưa phạm nhân đến chấp hành hình phạt tù tại nhà tạm giữ;
- Bản nhận xét đánh giá việc chấp hành nội quy giam giữ hoặc bản xếp loại thi đua chấp hành hình phạt tù của phạm nhân (đối với phạm nhân chuyển từ nơi khác đến);
- Những tài liệu khác có trong hồ sơ phạm nhân.
Trong thời hạn 7 ngày, kể từ khi tiếp nhận phạm nhân đến chấp hành hình phạt tù tại nhà tạm giữ, Trưởng Công an cấp huyện phải thông báo việc tiếp nhận phạm nhân cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án, cơ quan quản lý thi hành án và thân nhân người bị kết án phạt tù biết.
Việc trích xuất phạm nhân ra khỏi nhà tạm giữ đến nhà tạm giữ thuộc Công an cấp huyện khác hoặc trại tạm giam trong cùng phạm vi một tỉnh, thành phố để phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và các trường hợp đặc biệt khác, phải có lệnh trích xuất của Giám đốc Công an tỉnh. Trường hợp trích xuất phạm nhân ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc theo yêu cầu của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan khác có thẩm quyền thuộc Quân đội phải có lệnh trích xuất của Cục trưởng Cục Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an.
3. Thực hiện chế độ giam giữ, giáo dục
Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm quyết định việc khen thưởng, kỷ luật và chỉ đạo Trưởng nhà tạm giữ thực hiện đúng các quy định về giam giữ, canh gác, dẫn giải và các chế độ về ăn, mặc, ở, sinh hoạt, lao động, học tập, thăm gặp gia đình, nhận, gửi thư, quà... đối với phạm nhân chấp hành hình phạt tù tại nhà tạm giữ như đối với phạm nhân ở trại giam loại III theo quy định tại Pháp lệnh Thi hành án phạt tù, Quy chế trại giam và các văn bản hướng dẫn về thi hành án phạt tù hiện hành.
Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, hàng năm, Trưởng Công an cấp huyện phải chỉ đạo Trưởng nhà tạm giữ tiến hành nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành hình phạt tù cho phạm nhân theo quy định.
4. Giải quyết trường hợp phạm nhân đi chữa bệnh, phạm nhân chết hoặc trốn khỏi nhà tạm giữ.
4.1. Khi phạm nhân ốm, Trưởng nhà tạm giữ phải tổ chức khám và cấp thuốc điều trị; trường hợp vượt quá khả năng điều trị của nhà tạm giữ thì Trưởng nhà tạm giữ phải báo cáo Trưởng Công an cấp huyện làm thủ tục chuyển phạm nhân đến điều trị tại trung tâm y tế hoặc bệnh viện nhà nước và phải bố trí cán bộ dẫn giải, canh gác, bảo vệ an toàn.
4.2. Trường hợp phạm nhân chết, Trưởng nhà tạm giữ phải báo cáo Trưởng Công an cấp huyện để báo ngay cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và cơ quan y tế gần nhất đến lập biên bản xác định nguyên nhân chết, có sự chứng kiến của đại diện phạm nhân hoặc người bị giam giữ; đồng thời thông báo cho gia đình phạm nhân chết và Tòa án đã ra quyết định thi hành án. Sau 24 giờ kể từ khi đã thông báo mà gia đình phạm nhân chết không đến thì Trưởng Công an cấp huyện chỉ đạo Trưởng nhà tạm giữ cùng các cơ quan chức năng nói trên tiến hành làm thủ tục khai tử với chính quyền cơ sở nơi nhà tạm giữ đóng và tổ chức mai táng, làm văn bản thông báo việc phạm nhân chết theo quy định của pháp luật.
4.3. Trường hợp phạm nhân trốn khỏi nhà tạm giữ thì Trưởng nhà tạm giữ báo cáo ngay lên Trưởng Công an cấp huyện để làm thủ tục khởi tố, ra lệnh truy nã theo quy định của pháp luật, tổ chức lực lượng truy bắt và thông báo cho trại tạm giam, Viện Kiểm sát cùng cấp.
5.1. Trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại nhà tạm giữ, phạm nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn được xét, đề nghị tạm đình chỉ hoặc giảm thời gian chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật thì Trưởng nhà tạm giữ làm thủ tục đề xuất Trưởng Công an cấp huyện chuyển đến Giám thị trại tạm giam lập hồ sơ đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, sau khi có ý kiến của Giám đốc Công an cấp tỉnh.
Hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù phải có nhận xét, đánh giá xếp loại chấp hành hình phạt tù của phạm nhân theo quy định.
5.2. Về giải quyết các thủ tục chấp hành xong hình phạt tù, hai tháng trước khi phạm nhân hết thời hạn chấp hành hình phạt tù, Trưởng Công an cấp huyện gửi thông báo bằng văn bản hoặc cử cán bộ làm việc trực tiếp về kết quả thi hành hình phạt tù, những hình phạt bổ sung phải chấp hành (nếu có) và những thông tin cần thiết về phạm nhân cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan, tổ chức nơi phạm nhân về cư trú, làm việc biết. Đồng thời báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh ra quyết định điều chuyển và cử cán bộ dẫn giải phạm nhân, mang theo hồ sơ, đồ dùng, tư trang của phạm nhân (nếu có) bàn giao cho phân trại quản lý phạm nhân trong trại tạm giam. Đúng ngày phạm nhân hết thời hạn chấp hành hình phạt tù, Giám thị trại tạm giam phải cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù và làm thủ tục trả tự do cho phạm nhân.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc nảy sinh, đề nghị các đơn vị, địa phương báo cáo theo ngành dọc về Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để có hướng dẫn kịp thời.
Khuất Văn Nga (Đã ký) | Lê Thế Tiệm (Đã ký) |
- 1Thông tư liên tịch 02/2006/TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với người đang chấp hành hình phạt tù bị bệnh nặng do Bộ Công an – Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Quốc phòng – Bộ Y tế ban hành
- 2Nghị định 89/1998/NĐ-CP ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam
- 1Thông tư liên tịch 02/2006/TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với người đang chấp hành hình phạt tù bị bệnh nặng do Bộ Công an – Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Quốc phòng – Bộ Y tế ban hành
- 2Nghị định 89/1998/NĐ-CP ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam
- 3Nghị định 98/2002/NĐ-CP sửa đổi Quy chế về tạm giữ, tạm giam kèm theo Nghị định 89/1998/NĐ-CP
Thông tư liên tịch 07/2004/TTLT-BCA-VKSNDTC hướng dẫn thi hành hình phạt tù đối với phạm nhân chấp hành hình phạt tại nhà tạm giữ do Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- Số hiệu: 07/2004/TTLT-BCA-VKSNDTC
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 29/04/2004
- Nơi ban hành: Bộ Công An, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Người ký: Khuất Văn Nga, Lê Thế Tiệm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 12
- Ngày hiệu lực: 02/06/2004
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực