Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN - BỘ VĂN HÓA,
THỂ THAO VÀ DU LỊCH 
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 06/2009/TTLT-BCA-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2009

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN PHỐI HỢP CÔNG TÁC BẢO VỆ AN NINH QUỐC GIA VÀ TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH

Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2005 và Nghị định số 43/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân;
Căn cứ Luật Du lịch năm 2005 và Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Để tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (sau đây gọi chung là đảm bảo an ninh, trật tự) trong hoạt động du lịch, Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất hướng dẫn như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

a. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này quy định những nội dung và biện pháp phối hợp công tác giữa hai ngành Công an và Du lịch nhằm đảm bảo an ninh, trật tự trong hoạt động du lịch.

b. Đối tượng áp dụng:

Công an các cấp từ trung ương đến địa phương; cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương và cơ quan quản lý du lịch cấp địa phương; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch.

2. Nguyên tắc phối hợp

a. Đảm bảo an ninh, trật tự trong hoạt động, kinh doanh du lịch là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân liên quan, trong đó Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là nòng cốt.

b. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, ngành Công an và Du lịch có trách nhiệm phối hợp giải quyết những vấn đề có liên quan, tạo điều kiện thúc đẩy du lịch phát triển gắn liền với đảm bảo an ninh, trật tự.

c. Công tác phối hợp giữa hai ngành phải được thống nhất từ trung ương đến địa phương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi ngành; khi xử lý, giải quyết các vấn đề do hai ngành phối hợp thực hiện, cần có sự trao đổi, thống nhất trước khi quyết định.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Trách nhiệm của Bộ Công an

a. Bộ Công an tham khảo ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, trật tự có liên quan đến hoạt động du lịch.

b. Tham mưu, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp du lịch về nội dung, hình thức phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng chế độ, nội quy bảo vệ cơ quan; công tác phòng ngừa, phát hiện tội phạm, bảo vệ bí mật nhà nước; củng cố, kiện toàn tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp và các quy định, hoạt động liên quan đến an ninh, trật tự.

c. Thông tin kịp thời về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, bọn tội phạm lợi dụng hoạt động du lịch xâm phạm an ninh, trật tự, góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên ngành Du lịch đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

d. Thông báo các chủ trương, quy định mới về an ninh, trật tự liên quan đến hoạt động du lịch; những địa bàn cụ thể không được tổ chức cho khách du lịch đến; những địa bàn trọng điểm về quốc phòng và an ninh cần được tham khảo ý kiến của ngành Công an trước khi mở tuyến du lịch mới tới những khu vực này. Cung cấp thông tin về số lượng và quốc tịch khách du lịch nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam và các thông tin liên quan hoạt động du lịch; tham gia ý kiến, phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan công tác đảm bảo an ninh, trật tự theo đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chủ động trao đổi với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về những tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoạt động, kinh doanh du lịch có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam khi cần thiết và những kinh nghiệm, phương pháp hiệu quả của các nước trong việc bảo vệ an ninh, trật tự cho hoạt động du lịch.

đ. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động, kinh doanh du lịch và khách du lịch thực hiện đúng quy định về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú, đi lại tại Việt Nam và các quy định khác liên quan an ninh, trật tự.

e. Phát hiện điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động du lịch theo pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trong hoạt động du lịch.

g. Các đơn vị Công an theo trách nhiệm được phân công chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp nghiệp vụ tại các địa bàn, tuyến, điểm du lịch để đảm bảo an ninh, trật tự cho các hoạt động kinh doanh và khách du lịch trên địa bàn.

2. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham khảo ý kiến Bộ Công an trước khi ban hành, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, quyết định:

- Các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch liên quan đến an ninh, trật tự.

- Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trong cả nước và những vùng trọng điểm (theo vùng và lãnh thổ);

- Tham gia ký kết các điều ước quốc tế về du lịch có liên quan đến an ninh, trật tự.

- Mở các tuyến, điểm du lịch nằm trong những địa bàn trọng điểm về an ninh, quốc phòng; các loại hình du lịch mới có liên quan đến an ninh, trật tự.

b. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường, an toàn tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch và của các cơ quan, doanh nghiệp du lịch Việt Nam ở nước ngoài; trong việc điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch theo quy định của pháp luật.

c. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp du lịch thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch liên quan đến an ninh, trật tự và tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá theo định kỳ. Chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm tích cực hợp tác với cơ quan Công an trong việc triển khai các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng du lịch xâm phạm an ninh, trật tự.

d. Phối hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần cảnh giác trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự đối với những tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch.

đ. Thường xuyên thông báo cho Bộ Công an về những yêu cầu, kiến nghị của các đơn vị, cá nhân kinh doanh du lịch, khách du lịch liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Công an.

e. Tăng cường phối hợp với ngành Công an trong công tác thanh tra, kiểm tra nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động, kinh doanh du lịch.

3. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động, kinh doanh du lịch

a. Chấp hành, phổ biến và hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật, các quy định của nhà nước về an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

b. Quản lý khách du lịch theo hợp đồng, chương trình du lịch đã ký kết. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an trong việc phát hiện và giải quyết những vấn đề phức tạp phát sinh liên quan đến khách du lịch. Cung cấp kịp thời cho cơ quan Công an nếu phát hiện khách du lịch có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam.

c. Phát hiện, cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh, trật tự cho cơ quan Công an. Có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự.

d. Người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp du lịch chịu trách nhiệm toàn diện đối với cơ quan, doanh nghiệp mình phụ trách về công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ tài sản, giữ gìn an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ bí mật nhà nước, xây dựng cơ quan, doanh nghiệp an toàn. Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tổ chức và chỉ đạo lực lượng bảo vệ trong cơ quan, doanh nghiệp, xây dựng chế độ, nội quy bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp và các quy định khác liên quan đến an ninh, trật tự.

đ. Khi xảy ra các vụ khủng bố, phá hoại, cháy nổ, mất tài liệu, xuất hiện tờ rơi, khẩu hiệu, tài liệu, thư tín điện tử có nội dung tuyên truyền chống nhà nước, các vụ xâm phạm đến tài sản, gây mất trật tự an toàn trong cơ quan, doanh nghiệp… Tùy từng trường hợp cụ thể, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp sau khi tiến hành các biện pháp xử lý khẩn cấp ban đầu, có trách nhiệm chỉ đạo bảo vệ hiện trường và thông báo ngay cho cơ quan Công an để tiến hành điều tra, xử lý theo chức năng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký, thay thế Thông tư liên bộ số 767/LB-NV-DL ngày 08/9/1993 của liên bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Tổng cục Du lịch về việc phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong hoạt động, kinh doanh du lịch.

2. Bộ Công an giao Tổng cục An ninh; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Tổng cục Du lịch là cơ quan đầu mối phối hợp tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Thông tư; định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết đánh giá tình hình, kết quả triển khai, thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vấn đề vướng mắc hoặc cần phải được hướng dẫn, giải thích thì đề nghị phản ánh về Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được giải thích, hướng dẫn kịp thời.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
THỨ TRƯỞNG





Trần Chiến Thắng

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
THƯỢNG TƯỚNG




Nguyễn Văn Hưởng

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Văn phòng TW Đảng, các ban của TW Đảng;
- Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch;
- UBND các tỉnh, trực thuộc Trung ương;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ;
- Lưu: VT, A11 (BCA), TCDL (Bộ VHTTDL).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BCA-BVHTTDL hướng dẫn phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội trong hoạt động du lịch do Bộ Công an - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

  • Số hiệu: 06/2009/TTLT-BCA-BVHTTDL
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 22/07/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
  • Người ký: Nguyễn Văn Hưởng, Trần Chiến Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 387 đến số 388
  • Ngày hiệu lực: 05/09/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản