Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ NỘI VỤ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 

Số:  06 /2007/TTLT-BGTVT-BNV

Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2007

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VỀ XẾP HẠNG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, DỊCH VỤ CÔNG LẬP THUỘC NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Quyết định số 181/2005/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định về phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập, sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội  vụ hướng dẫn việc xếp hạng các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành giao thông vận tải như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng

1.1. Đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng theo hướng dẫn tại Thông tư này là đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập có tư cách pháp nhân, có tài khoản, có con dấu riêng, thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công được quy định tại Điều 16 Quyết định số 181/2005/QĐ-TTg và các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập khác (chưa được quy định tại Quyết định này) đang hoạt động trong ngành giao thông vận tải, thuộc các loại hình tổ chức sau đây:

a) Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông và Ban quản lý dự án An toàn giao thông (được thành lập trong trường hợp chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án hoặc đang hoạt động trong thời gian chưa chuyển đổi thành tổ chức tư vấn quản lý dự án);

b) Cảng vụ hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa và Ban quản lý cảng, bến thủy nội địa (nơi không có Cảng vụ đường thủy nội địa);

c) Khu quản lý đường bộ trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam;

d) Ban quản lý bến xe hoặc Bến xe khách;

đ) Trung tâm Sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ;

e) Trung tâm Phối hợp tìm kiếm - Cứu nạn hàng hải Việt Nam;

g) Trung tâm Tiếp nhận truyền phát thông tin hàng hải;

h) Trung tâm Kiểm định kỹ thuật phương tiện, thiết bị giao thông cơ giới;

i) Đoạn quản lý đường sông, Đoạn quản lý đường bộ, Bến phà hoặc Đoạn quản lý thủy bộ (đang hoạt động trong thời gian chưa chuyển đổi thành doanh nghiệp).

1.2. Việc xếp hạng đối với các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập nêu tại các điểm a, d, đ, h khoản 1.1 trên đây thuộc các bộ, ngành khác và tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, được áp dụng theo hướng dẫn tại Thông tư này.

1.3. Không thực hiện việc xếp hạng đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập không có tư cách pháp nhân, trực thuộc đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập tại khoản 1.1 trên đây. Thủ trưởng, phó thủ trưởng đơn vị này được áp dụng mức phụ cấp chức vụ tương đương phụ cấp chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng của đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập được xếp hạng.

1.4. Những đơn vị trước đây hoặc hiện đang là đơn vị sự nghiệp có thu, tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên, thuộc các loại hình tổ chức nêu tại khoản 1.1, Mục 1, Phần I Thông tư này nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chuyển đổi thành doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích thì thực hiện việc xếp hạng doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

1.5. Việc xếp hạng đối với: các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; các cơ sở dạy nghề (trường hoặc trung tâm); các tổ chức khoa học và công nghệ; các cơ sở khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và y tế dự phòng; các báo, tạp chí thuộc ngành giao thông vận tải không áp dụng theo Thông tư này mà thực hiện theo hướng dẫn về xếp hạng của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tương ứng về giáo dục và đào tạo, lao động - thương binh và xã hội, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa - thông tin.

2.  Mục đích, nguyên tắc và thời hạn thực hiện xếp hạng

Ngoài các nguyên tắc chung được quy định tại Quyết định số 181/2005/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ, việc xếp hạng các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập còn được xây dựng trên cơ sở mục đích, nguyên tắc cụ thể sau:

2.1. Việc xếp hạng các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập nhằm: xác định mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo cho thủ trưởng, phó thủ trưởng và trưởng, phó các tổ chức giúp việc cho thủ trưởng đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập; xác định vị trí, quy mô tổ chức của từng đơn vị phù hợp với phân cấp quản lý.

2.2. Việc xếp hạng các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập phải bảo đảm phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động và khả năng đầu tư, phát triển đối với từng loại hình tổ chức thuộc ngành giao thông vận tải được xác định theo các tiêu chí tại các Phụ lục 1, 2, 3, 4, 5, 6 kèm theo Thông tư này.

Đối với đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập chưa quy định rõ loại hình tổ chức hoặc đã được quy định tại Điều 16 Quyết định số 181/2005/QĐ-TTg nhưng do có vị trí đặt trực thuộc cục, tổng công ty, công ty nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính (sau đây gọi chung là Sở Giao thông vận tải), công ty nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thì phải xếp hạng phù hợp với quy định tại Phần II Thông tư này để bảo đảm tương quan hợp lý về thứ bậc trong việc áp dụng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của cơ quan chủ quản so với đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập trực thuộc.

Đối với đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập không quy định tiêu chí xếp hạng cụ thể thì thực hiện xếp hạng theo nguyên tắc:

a) Đơn vị trực thuộc cấp quản lý cao thì xếp hạng cao hơn đơn vị trực thuộc đơn vị thuộc cấp quản lý thấp;

b) Thủ trưởng, phó thủ trưởng đơn vị được áp dụng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo tương đương người đứng đầu tổ chức tham mưu, giúp việc thủ trưởng cơ quan chủ quản của đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập đó được quy định tại Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của nhà nước, đơn vị thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP hoặc Bảng phụ cấp giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng công ty ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp trong các công ty nhà nước.

 2.3. Đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập đã được xếp hạng mà trong quá trình hoạt động nếu đủ điều kiện xếp hạng lại theo các tiêu chí quy định tại phụ lục Thông tư này thì cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc xếp hạng lại sau 5 năm (đủ 60 tháng) kể từ ngày có quyết định xếp hạng. Các trường hợp đặc biệt dưới đây thực hiện xếp hạng như sau:

a) Đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập có sự sắp xếp lại về tổ chức như: chuyển đổi loại hình tổ chức, thay đổi vị trí cấp quản lý trực tiếp, hợp nhất hoặc chia tách thì cơ quan có thẩm quyền xem xét xếp lại hạng ngay từ thời điểm quyết định sắp xếp lại tổ chức đối với đơn vị đó có hiệu lực thi hành;

 b) Đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập gồm nhiều hạng theo quy định tại Thông tư này, nếu được đầu tư phát triển liên tục mà đạt tiêu chí xếp hạng cao hơn trước thời hạn 5 năm thì có thể được xem xét xếp hạng sớm hơn vào hạng liền kề, nhưng không dưới 3 năm (đủ 36 tháng).

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ XẾP HẠNG ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, DỊCH VỤ CÔNG LẬP

1. Xếp hạng các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập

1.1. Các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông, Ban quản lý dự án An toàn giao thông: xếp hạng hai, hạng ba, hạng bốn, hạng năm, hạng sáu.

Chỉ thực hiện việc xếp hạng theo quy định tại Thông tư này đối với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, Ban quản lý dự án An toàn giao thông có tư cách pháp nhân (không xếp hạng đối với Ban quản lý dự án sử dụng tư cách pháp nhân của chủ đầu tư để thực hiện quản lý dự án).

1.2. Cảng vụ và Ban quản lý cảng, bến (nơi không có cảng vụ):

a) Cảng vụ hàng hải: xếp hạng hai, hạng ba, hạng bốn; 

b) Cảng vụ đường thủy nội địa và Ban quản lý cảng, bến thủy nội địa (nơi không có Cảng vụ đường thủy nội địa): xếp hạng ba, hạng bốn, hạng năm, hạng sáu;

c) Cảng vụ hàng không: xếp hạng hai.

1.3. Khu quản lý đường bộ: xếp hạng hai.

1.4. Ban quản lý bến xe hoặc Bến xe khách thuộc Sở Giao thông vận tải: xếp hạng bốn, hạng năm, hạng sáu.

1.5. Trung tâm Sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thuộc các cục quản lý chuyên ngành của các bộ và Sở Giao thông vận tải: xếp hạng năm, hạng sáu.

1.6. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm - Cứu nạn hàng hải Việt Nam (trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam): xếp hạng hai.

 1.7. Trung tâm Tiếp nhận, truyền phát thông tin an ninh hàng hải trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam: xếp hạng ba.

1.8. Trung tâm Kiểm định kỹ thuật phương tiện, thiết bị giao thông cơ giới thuộc Sở Giao thông vận tải: xếp hạng bốn, hạng năm, hạng sáu.

1.9. Đoạn quản lý đường sông trực thuộc Cục Đường sông Việt Nam: xếp hạng bốn.

1.10. Đoạn quản lý đường sông, Đoạn quản lý đường bộ, Bến phà hoặc Đoạn quản lý thủy bộ trực thuộc Sở Giao thông vận tải: xếp hạng năm.

2. Bảng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hạng của các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập 

TT

Chức danh lãnh đạo

Hạng 2

Hạng 3

Hạng 4

Hạng 5

Hạng 6

1

Thủ trưởng đơn vị

0,9

0,8

0,7

0,6

0,5

2

Phó Thủ trưởng đơn vị

0,7

0,6

0,5

0,4

0,3

3

Trưởng phòng và tương đương

0,5

0,4

0,3

0,2

 

4

Phó Trưởng phòng và tương đương

0,3

0,25

0,2

0,1

 

III. THẨM QUYỀN, HỒ SƠ, THỦ TỤC XẾP HẠNG

1. Thẩm quyền quyết định xếp hạng

1.1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định xếp hạng các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập trực thuộc Bộ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập hạng hai, hạng ba trực thuộc các cục, tổng công ty, công ty nhà nước theo đề nghị của Cục trưởng, Hội đồng quản trị tổng công ty, Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc (Giám đốc) công ty nhà nước không có Hội đồng quản trị.

1.2. Cục trưởng, Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc (Giám đốc) công ty nhà nước không có Hội đồng quản trị quyết định xếp hạng đối với đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc cấp mình quản lý (trừ các đơn vị xếp hạng hai, hạng ba).

1.3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xếp hạng các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập do Ủy ban  nhân dân cấp tỉnh và Sở Giao thông vận tải quản lý.

1.4. Bộ trưởng quản lý ngành, Hội đồng quản trị các tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập có đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải được xếp hạng và phân cấp xếp hạng đối với đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập đó.

2. Hồ sơ đề nghị xếp hạng gồm có:

- Tờ trình đề nghị xếp hạng;

- Quyết định thành lập tổ chức hoặc chuyển đổi tổ chức (nếu có).

Đối với đơn vị sự nghiệp xếp hạng theo tiêu chí ban hành kèm theo Thông tư này, ngoài các tài liệu nêu trên cần gửi kèm theo:

- Kết quả tính điểm theo tiêu chí, trên cơ sở số liệu bình quân của 3 năm liền kề năm đề nghị xếp hạng;

- Danh sách cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại đơn vị (áp dụng đối với đơn vị có tiêu chí xếp hạng);

- Báo cáo nguồn thu, chi được cấp có thẩm quyền phê duyệt của 3 năm trước liền kề năm đề nghị xếp hạng;

- Bảng kê dây chuyền và trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác chuyên môn;

- Các tài liệu khác có liên quan đến các tiêu thức để xếp hạng.

3. Cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ

3.1. Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị xếp hạng của các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc thẩm quyền xếp hạng của Bộ Giao thông vận tải.

3.2. Phòng (Ban) Tổ chức cán bộ thuộc các cục, công ty nhà nước có Hội đồng quản trị, công ty nhà nước không có Hội đồng quản trị tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị xếp hạng của các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc thẩm quyền xếp hạng của cục, công ty nhà nước.

3.3. Sở Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị xếp hạng của các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc tỉnh.

3.4. Cơ quan tổ chức cán bộ của các bộ, ngành hoặc tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị xếp hạng của các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc bộ, ngành, tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước đó.

4. Thời hạn quyết định xếp hạng

Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xếp hạng phải có quyết định xếp hạng các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế văn bản số 2736/BNV-TL ngày 14 tháng 9 năm 2005 của Bộ Nội vụ về phụ cấp chức vụ lãnh đạo các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải và các quy định trước đây về xếp hạng đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải trái với Thông tư này.

2. Những đơn vị đã được xếp hạng thì phải xếp hạng lại cho phù hợp với các quy định tại Thông tư này. Các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập hoặc cơ quan chủ quản đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập có trách nhiệm trình cơ quan có thẩm quyền xếp hạng hồ sơ đề nghị xếp hạng chậm nhất là sau 30 ngày, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Sau khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xếp hạng đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ quyết định lại mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo cho đối tượng được hưởng.

Phụ cấp chức vụ lãnh đạo thực hiện theo Thông tư này được truy lĩnh và truy nộp bảo hiểm xã hội phần chênh lệch phụ cấp giữa mức phụ cấp mới so với mức phụ cấp cũ kể từ 01/10/2004 (cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm sau ngày 01/10/2004 thì được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hướng dẫn tại Thông tư này kể từ ngày được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm), phù hợp với quy định  tại khoản 2, Mục IV Thông tư số 02/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, viên chức. Trường hợp người được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo Thông tư này thấp hơn mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang được hưởng thì chuyển sang hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo mới kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định mà không bị truy thu.

4. Đối với các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập khác chưa được quy định trong Thông tư này thì được vận dụng xếp hạng theo nguyên tắc quy định tại điểm b, mục 2.2 Phần I Thông tư này.

5.  Các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ, ngành và các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, hàng năm theo định kỳ vào ngày 15 tháng 3 năm sau gửi báo cáo của năm trước về tình hình thực hiện xếp hạng các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập do mình quản lý (theo phụ lục số 7 kèm theo Thông tư này).

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ để nghiên cứu và giải quyết./.

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ




Đỗ Quang Trung

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI




Hồ Nghĩa Dũng

 

Nơi nhận:
- Bộ Giao thông vận tải;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Tài chính;
- Các bộ, ngành có liên quan;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị trực thuộc thuộc Bộ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Công báo;
- Lưu: VT, TCCB(3 b).

 

Phụ lục 1:

TIÊU CHÍ XẾP HẠNG BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG HOẶC BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN AN TOÀN GIAO THÔNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 06 /2007/TTLT-BGTVT-BNV ngày 17/5/2007 của liên Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ)

TT

TIÊU CHÍ

ĐIỂM

I

Nhóm dự án quản lý

 

 

- Quản lý từ dự án trọng điểm quốc gia và có nhóm A  trở xuống

50

 

- Quản lý từ dự án nhóm A trở xuống

40

 

- Quản lý từ dự án nhóm B trở xuống

25

 

- Quản lý dự án nhóm C

15

II

Phạm vi hoạt động

 

 

- Liên tỉnh

20

 

- Trong một tỉnh

10

III

Biên chế đơn vị

 

 

- Trên 100 người

15

 

- Từ 50 đến 100 người

10

 

- Dưới 50 người

5

IV

Trình độ cán bộ, viên chức trên tổng biên chế đơn vị

 

 

Sau đại học, đại học:

 

 

- Từ 80 % trở lên

15

 

- Từ trên 70 % đến dưới 80 %

12

 

- Dưới 70 %

8

KHUNG ĐIỂM XẾP HẠNG

Hạng đơn vị

II

III

IV

V

VI

Khung điểm

> 80

>70 - 80

> 60 - 70

> 50 - 60

≤ 50

Phụ lục 2:

TIÊU CHÍ XẾP HẠNG CẢNG VỤ HÀNG HẢI
(Ban hành kèm theo Thông tư số:  06/2007/TTLT-BGTVT-BNV ngày 17/5/2007 của liên Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ)

TT

TIÊU THÚC

ĐIỂM

I

Phạm vi và quy mô hoạt động

 

1

Tổ chức quản lý cảng biển và vùng neo đậu tàu biển

 

 

- Trên 6  cảng biển và vùng neo đậu tàu biển

20

 

- Từ 3 đến 6 cảng biển và vùng neo đậu tàu biển

10

 

- Dưới 3 cảng biển và vùng neo đậu tàu biển

5

2

Biên chế

 

 

- Trên 59 người

15

 

- Từ 25 đến 59 người

10

 

- Dưới 25 người

5

3

Phạm vi hoạt động

 

 

- Quản lý vùng nước hàng hải nhiều  tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

20

 

- Quản lý vùng nước hàng hải nội tỉnh hoặc  thành phố trực thuộc Trung ương

15

II

Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao (tính bình quân của 3 năm liền kề năm đề nghị xếp hạng)

 

1

Thu phí, lệ phí cho Nhà nước tỷ đồng/năm

 

 

- Trên 6 tỷ đồng

20

 

- Từ 2 đến 6 tỷ đồng

15

 

- Dưới 2 tỷ đồng

10

2

Làm thủ tục cấp phép cho tàu biển ra, vào cảng

 

 

- Trên 3.200 lượt tàu

15

 

- Từ 1.000 đến 3.200 lượt tàu

10

 

- Dưới 1.000 lượt tàu

5

3

Thực hiện nhiệm vụ khác

 

 

- Trên 3 nhiệm vụ

10

 

- Từ 2 đến 3 nhiệm vụ

7

 

- Dưới 2 nhiệm  vụ

5

KHUNG ĐIỂM XẾP HẠNG

Hạng đơn vị

II

III

IV

Khung điểm

> 80

 60 - 80

< 60

Phụ lục 3:

TIÊU CHÍ XẾP HẠNG CẢNG VỤ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VÀ BAN QUẢN LÝ CẢNG, BẾN THỦY NỘI ĐỊA
 (Ban hành kèm theo Thông tư số: 06/2007/TTLT-BGTVT-BNV ngày 17/5/2007 của liên Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ)

SỐ TT

TIÊU CHÍ

ĐIỂM

I

Phạm vi và quy mô hoạt động

 

1

Tổ chức quản lý cảng, bến thủy nội địa

 

 

- Trên 500 cảng, bến thủy nội địa

20

 

- Từ 100 đến 500 cảng, bến thủy nội địa

15

 

- Dưới 100 cảng, bến thủy nội địa

10

2

Biên chế

 

 

- Trên 100 người

15

 

- Từ 70 đến 100 người

10

 

- Dưới 70 người

5

3

Phạm vi hoạt động

 

 

- Quản lý các cảng, bến thủy nội địa tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

20

 

- Quản lý các cảng, bến thủy nội địa tại thành phố Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh

15

 

- Quản lý các cảng, bến thủy nội địa thuộc 1 tỉnh, thành phố phố trực thuộc Trung ương

10

 

- Quản lý các cảng, bến thủy nội địa riêng lẻ trong phạm vi 1 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

5

II

Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao (tính bình quân của 3 năm liền kề năm đề nghị xếp hạng)

 

1

Thu phí, lệ phí cho Nhà nước tỷ đồng/năm

 

 

- Trên 4 tỷ đồng

15

 

- Từ 2 đến 4 tỷ đồng

10

 

- Dưới 2 tỷ đồng

5

2

Làm thủ tục cấp phép cho phương tiện thủy nội địa ra, vào cảng, bến

 

 

- Trên 20.000 lượt phương tiện

10

 

- Từ 5.000 đến 20.000 lượt phương tiện

7

 

- Dưới 5.000 lượt phương tiện

3

3

Làm thủ tục cấp phép cho tàu biển ra, vào cảng, bến

 

 

- Trên 500 lượt tàu

10

 

- Từ 300 đến 500 lượt tàu

7

 

- Dưới 300 lượt tàu

3

4

Tấn trọng tải phương tiện làm thủ tục ra, vào cảng, bến

 

 

- Trên 10.000.000 tấn

10

 

- Từ 5.000.000 tấn đến 10.000.000 tấn

7

 

- Dưới 5.000.000 tấn

3

KHUNG ĐIỂM XẾP HẠNG

Hạng đơn vị

III

IV

V

VI

Khung điểm

> 80

>60 - 80

50 - 60

< 50

Phụ lục 4:

TIÊU CHÍ XẾP HẠNG BAN QUẢN LÝ BẾN XE HOẶC BẾN XE KHÁCH
 (Ban hành kèm theo Thông tư số: 06 /2007/TTLT-BGTVT-BNV ngày 17/5/2007 của liên Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ)

TT

TIÊU CHÍ

ĐIỂM

I

Nguồn thu (tỷ đồng/năm)

 

 

- Trên 20 tỷ

30

 

- Từ trên 10 tỷ đến 20 tỷ

25

 

- Từ 5 tỷ đến 10 tỷ

15

 

- Dưới 5 tỷ

10

II

Số bến xe thuộc quyền quản  lý

 

 

- Trên 5 bến

15

 

- Từ 3 đến 5 bến

12

 

- 1 đến 2 bến

8

III

Luồng tuyến phục vụ

 

 

- Trên 30

25

 

- Từ 10 đến 30

20

 

- Dưới 10

15

IV

Số lượng đầu xe thông qua bến (triệu lượt/năm)

 

 

- Trên 0,3

15

 

- Từ 0,1 đến 0,3

10

 

- Dưới 0,1

5

V

Biên chế

 

 

- Trên 100 người

15

 

- Từ 50 đến 100 người

10

 

- Dưới 50 người

5

KHUNG ĐIỂM XẾP HẠNG

Hạng đơn vị

IV

V

VI

Khung điểm

> 70

70 - 50

< 50

Phụ lục 5:

TIÊU CHÍ

 XẾP HẠNG TRUNG TÂM SÁT HẠCH CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ
 (Ban hành kèm theo Thông tư số: 06/2007/TTLT-BGTVT-BNV ngày 17/5/2007 của liên Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ)

TT

TIÊU CHÍ

ĐIỂM

I

Loại Trung tâm (theo Quyết định 72/2005/QĐ-BGTVT)

 

 

- Loại 1 (Sát hạch cấp giấy phép lái xe tất cả các Hạng)

60

 

- Loại 2 (Sát hạch cấp giấy phép lái xe đến Hạng C)

45

 

- Loại 3 (Sát hạch cấp giấy phép lái xe các Hạng từ A1 đến A4)

30

II

Số lượng lái xe ô tô sát hạch (lượt/năm)

 

 

- Trên 10.000 lượt

30

 

- Từ 5.000 đến 10.000 lượt

25

 

- Dưới 5.000 lượt

20

III

Số lượng lái xe mô tô sát hạch (lượt/năm)

 

 

- Trên 10.000 lượt

10

 

- Từ 5.000 đến 10.000 lượt

7

 

- Dưới 5.000 lượt

5

KHUNG ĐIỂM XẾP HẠNG

Hạng đơn vị

V

VI

Khung điểm

> 70

 ≤ 70

Phụ lục 6:

TIÊU CHÍ XẾP HẠNG TRUNG TÂM KIỂM ĐỊNH  KỸ THUẬT PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ GIAO THÔNG CƠ GIỚI
 (Ban hành kèm theo Thông tư số: 06/2007/TTLT-BGTVT-BNV ngày 17/5/2007 của liên Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ)

TT

TIÊU CHÍ

ĐIỂM

I

Số phương tiện được kiểm định (bình quân phương tiện/ngày)

 

 

- Trên 100 phương tiện

40

 

- Từ 40 đến 100 phương tiện

30

 

- Dưới 40 phương tiện

20

II

Số lượng dây chuyền kiểm định

 

 

- Từ 5 dây chuyền trở lên

60

 

- Từ 3 đến 4 dây chuyền

40

 

- Từ 1 đến 2 dây chuyền

20

KHUNG ĐIỂM XẾP HẠNG

Hạng đơn vị

IV

V

VI

Khung điểm

> 80

  60 - 80

< 60

 

Phụ lục 7:

(Ban hành kèm theo Thông tư số: 06/2007/TTLT-BGTVT-BNV ngày 17/5/2007 của liên Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ)

BỘ, NGÀNH...

TÊN ĐƠN VỊ ....

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

 

..., ngày          tháng       năm ......

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH XẾP HẠNG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, DỊCH VỤ CÔNG LẬP HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI

                        Kính gửi:          

- Bộ Giao thông vận tải

- Bộ Nội vụ

- Bộ Tài chính   

Thực hiện Quyết định số 181/2005/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định về phân loại, xếp hạng các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập và Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT- BGTVT-BNV ngày 17 tháng 5 năm 2007 của liên Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ, (Tên đơn vị) báo cáo tình hình thực hiện kết quả xếp hạng các các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập do (đơn vị quản  lý) trong năm ... như sau:

Số TT

Tên đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập

Cơ quan trực tiếp quản lý

Loại hình tổ chức trước khi thực hiện Quyết định 181/2005/ QĐ-TTg và Thông tư số....

Kết quả xếp hạng năm báo cáo

Thời điểm xếp hạng (hoặc xếp hạng lại)

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                                          Thủ trưởng đơn vị

                                                                                (Ký tên, đóng dấu)

Hướng dẫn cách ghi:

- Cột 1: Ghi số thứ tự đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập từ 1 đến n.

- Cột 2: Ghi tên đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập hiện có.

- Cột 3: Ghi tên đơn vị cấp trên trực tiếp quản lý đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập.

- Cột 4: Ghi rõ loại hình đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập này là loại hình nào trước khi thực hiện Quyết. định số 181/QĐ-TTg ngày 19/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư này.

- Cột 5: Năm báo cáo được xếp hạng mấy.

- Cột 6: Ghi ngày, tháng, năm xếp hạng hoặc xếp hạng lại đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 06/2007/TTLT-BGTVT-BNV hướng dẫn xếp hạng các đơn vị sự nghiệp, vụ công lập thuộc ngành giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải - Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 06/2007/TTLT-BGTVT-BNV
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 17/05/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ
  • Người ký: Đỗ Quang Trung, Hồ Nghĩa Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 402 đến số 403
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản