Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO-BỘ TƯ PHÁP
******

  

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05-BNV-TANDTC-VKSNDTC-BTP/TTLT

Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 1990 

 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI PHẠM TỘI RA TỰ THÚ

Thời gian qua, tình hình người phạm tội ra tự thú với cơ quan công an và chính quyền địa phương để được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước ngày một nhiều, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 4 về công tác an ninh, trật tư, an toàn xã hội, Chỉ thị 135 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về tăng cường công tác bảo vệ trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới và qua các đợt phát động quần chúng đồng loạt tấn công, trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự góp phần lập lại trật tự, kỷ cương xã hội. Nhưng việc thực hiện chính sách hình sự đối với những người phạm tội ra tự thú ở các địa phương chưa được thống nhất, nên ở mức độ nhất định đã hạn chế kết quả công tác này.

Để thống nhất chỉ đạo thực hiện chính sách nhằm khuyến khích người phạm tội ra tự thú và nâng cao hiệu quả công tác vận động người phạm tội ra tự thú, căn cứ vào những quy định trong luật hình sự và luật tố tụng hình sự; Bộ Nội vụ - Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể việc vận dụng chính sách đối với người phạm tội ra tự thú như sau:

I- NGUYÊN TẮC CHUNG

1- Những người đã thực hiện hành vi phạm tội, nhưng chưa bị phát hiện hoặc đã bị phát hiện, bị giam giữ, bị phạt tù nhưng trốn khỏi nơi giam giữ; trốn tránh thi hành án hoặc đang bị truy nã mà ra tự thú được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước.

2- Việc thực hiện chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội ra tự thú phải căn cứ vào chính sách hình sự của Nhà nước; căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, hậu quả tác hại xảy ra; thái độ khai báo, hối lỗi và sự góp phần vào việc phát hiện, điều tra tội phạm v.v… của người ra tự thú.

II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ ĐỐI VỚI NGƯỜI PHẠM TỘI RA TỰ THÚ

1- Người đã thực hiện hành vi phạm tội, nhưng chưa bị phát giác, không kể phạm tội gì, thuộc trường hợp nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng mà ra tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào vệc phát hiện và đều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả tội phạm thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 điều 48 Bộ luật Hình sự hoặc được giảm nhẹ hình phạt theo quy định tại điều 38 Bộ luật Hình sự; nếu cùng với việc tự thú mà còn lập công lớn, vận động được nhiều người khác đã phạm tội ra tự thú thì có thể được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.

2- Người phạm tội đã bị phát hiện mà bỏ trốn, đang bị truy nã, nhưng đã tự thú thì tuỳ theo mức độ phạm tội, thái độ khai báo, v.v… cũng được hưởng chính sách khoan hồng, có thể được Tòa án miễn hình phạt hoặc giảm nhẹ hình phạt theo quy định tại khoản 2 điều 48 hoặc khoản 3 điều 38 Bộ luật Hình sự.

3- Người phạm tội đang bị dẫn giải, tạm giữ, tạm giam để điều tra hoặc chờ xét xử mà bỏ trốn, nhưng đã ra tự thú thì tuỳ trường hợp cụ thể có thể được áp dụng biện pháp cho cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lãnh hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú; nếu trong thời gian trốn tránh mà không phạm tội mới thì có thể miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn khỏi nơi giam quy định tại điều 245 Bộ luật Hình sự; nếu thật thà khai báo hành vi phạm tội trong thời gian trốn tránh, giúp cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện và điều tra tội phạm thì vẫn có thể được Tòa án giảm nhẹ hình phạt theo điều 38 Bộ luật Hình sự về tội phạm đã thực hiện trước khi trốn khỏi nơi giam.

4- Người đã bị phạt tù giam nhưng còn tại ngoại khi bản án đã có hiệu lực pháp luật mà đến cơ quan có trách nhiệm (Tòa án, Công an) để tự nguyện đi chấp hành hình phạt tù thì được coi là đã chứng tỏ quyết tâm cải tạo; nếu đã bỏ trốn mà trong thời gian trốn tránh không phạm tội mới và đã tự thú đi chấp hành hình phạt tù, thì việc tự thú này cũng được coi là chứng tỏ quyết tâm cải tạo và sau đó trong thời gian cải tạo vẫn chứng tỏ quyết tâm cải tạo thì được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt theo quy định chung.

- Nếu người ra tự thú bị ốm nặng hoặc là phụ nữ có thai, mới sinh đẻ, là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu ở tù sẽ làm cho gia đình đặc biệt khó khăn, thì tùy trường hợp cụ thể có thể được Tòa án cho tạm hoãn thi hành án phạt tù theo quy định tại điều 231 Bộ luật tố tụng hình sự.

- Đối với người ra tự thú mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và nếu người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì theo đề nghị của Viện kiểm sát, Tòa án cũng có thể miễn cho họ chấp hành toàn bộ hình phạt theo quy định tại điều 51 Bộ luật Hình sự.

5- Người đang chấp hành hình phạt tù đã trốn khỏi trại cải tạo mà ra tự thú và trong thời gian trốn tránh không phạm tội mới, có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn khỏi nơi giam được quy định tại điều 245 Bộ luật Hình sự, nhưng vẫn phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại và trong thời gian tiếp tục cải tạo ở trại, nếu chứng tỏ quyết tâm cải tạo, vẫn có thể được Tòa án giảm thời gian chấp hành hình phạt theo điều 49 Bộ luật Hình sự.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Căn cứ nội dung Thông tư này, Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo các cấp dưới thống nhất thực hiện.

2- Các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án và Tư pháp các cấp tổ chức quán triệt thống nhất vận dụng những nội dung chính sách cụ thể quy định trong Thông tư. Trong quá trình vận dụng chính sách nếu thấy có điều chưa hợp lý hoặc cần bổ sung thêm thì báo cáo ngay lên Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp để kịp thời giải quyết.

3- Các cơ quan bảo vệ pháp luật phối hợp với các ngành, các tổ chức quần chúng và các cơ quan thông tin (Báo chí, đài truyền hình, truyền thanh) tăng cường công tác tuyên truyền giải thích các chính sách cụ thể đã được quy định trong Thông tư này để thúc đẩy những người phạm tội còn đang trốn tránh ra tự thú; phát động quần chúng tham gia vận động những người phạm tội ra tự thú.

4- Trong mọi trường hợp, khi người phạm tội đến tự thú, cơ quan tiếp nhận người tự thú phải lập biên bản, ghi lời khai, làm rõ hành vi phạm tội, quá trình trốn tránh pháp luật của họ và những vấn đề khác có liên quan đến việc phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Đó là thủ tục tố tụng bắt buộc, làm cơ sở pháp lý cho việc xem xét hình thức xử lý và áp dụng chính sách khoan hồng đối với họ.

Người phạm tội ra tự thú có thể thực hiện tự thú ở cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân hoặc Tòa án nhân dân các cấp; nếu việc giải quyết đối với người tự thú không thuộc thẩm quyền của mình thì cơ quan tiếp nhận phải báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận.

5- Những tổ chức, cá nhân có thành tích vận động người phạm tội ra tự thú được khen thưởng theo chính sách chung của Nhà nước. Các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Tư pháp có trách nhiệm phát hiện, báo cáo và đề nghị khen thưởng kịp thời để động viên phong trào.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 05/-BNV-TANDTC-VKSNDTC-BTP/TTLT năm 1990 hướng dẫn thi hành chính sách đối với người phạm tội ra tự thú do Bộ Nội vụ - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp cùng ban hành

  • Số hiệu: 05-BNV-TANDTC-VKSNDTC-BTP/TTLT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 02/06/1990
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/06/1990
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản