Hệ thống pháp luật

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2000/TTLT-BKH-BTCCBCP

Hà Nội , ngày 07 tháng 6 năm 2000

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - BAN TỔ CHỨC CÁN BỘ CHÍNH PHỦ SỐ 05/2000/TTLT- BKH-BTCCBCP NGÀY 7 THÁNG 6 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN VIỆC TỔ CHỨC PHÒNG ĐĂNG KÝ KINH DOANH Ở CẤP TỈNH VÀ CẤP HUYỆN

Thi hành Điều 24, Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 3 tháng 2 năm 2000 của Chính Phủ về đăng ký kinh doanh (sau đây gọi tắt là NĐ 02/2000/NĐ-CP) và văn bản số 34/CP-ĐMDN ngày 22 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ Về việc thi hành Luật Doanh nghiệp, liên tịch Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn việc tổ chức Phòng đăng ký kinh doanh ở cấp tỉnh và cấp huyện như sau:

1. Phòng đăng ký kinh doanh ở cấp tỉnh

Phòng đăng ký kinh doanh ở cấp tỉnh được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, đổi tên, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các phòng đang thực hiện nhiệm vụ đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Phòng đăng ký kinh doanh trong Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 02/2000/NĐ-CP. Đồng thời, tiếp nhận, thụ lý hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, hồ sơ đăng ký kinh doanh của hợp tác xã quy định tại Điều 18, Luật Hợp tác xã và thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giao.

Việc đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp sử dụng con dấu của Phòng đăng ký kinh doanh.

Trưởng phòng đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Phòng.

Trưởng phòng đăng ký kinh doanh có thể do Giám đốc hoặc Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiêm nhiệm.

Biên chế của Phòng đăng ký kinh doanh ở từng địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trong tổng số biên chế quản lý Nhà nước giao cho tỉnh, được xác định trên cơ sở khối lượng công tác đăng ký kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn và các nhiệm vụ khác được giao.

Cán bộ của Phòng đăng ký kinh doanh được bố trí chuyên trách, ổn định, có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực công tác để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Phòng đăng ký kinh doanh ở cấp huyện

Tuỳ tình hình số lượng hộ kinh doanh cá thể và hợp tác xã trên địa bàn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Phòng đăng ký kinh doanh riêng, hoặc giao nhiệm vụ đăng ký kinh doanh cho một phòng chuyên môn đã có thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện (Phòng Kế hoạch và Đầu tư hoặc Phòng Tài chính-Kế hoạch). Việc thành lập Phòng đăng ký kinh doanh riêng chỉ áp dụng đối với cấp huyện có số lượng lớn hộ kinh doanh cá thể và hợp tác xã, trên cơ sở sắp xếp lại số cán bộ đang làm nhiệm vụ đăng ký kinh doanh thuộc các Phòng chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Phòng đăng ký kinh doanh hoặc Phòng làm nhiệm vụ đăng ký kinh doanh ở cấp huyện theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 02/2000/NĐ-CP.

Việc đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh cá thể có thể sử dụng con dấu của Uỷ ban Nhân dân cấp huyện hoặc dấu của Phòng đăng ký kinh doanh theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Biên chế của Phòng đăng ký kinh doanh hoặc bộ phận làm nhiệm vụ đăng ký kinh doanh do Uỷ ban Nhân dân cấp huyện quyết định trong tổng biên chế quản lý Nhà nước của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện, được xác định trên cơ sở khối lượng đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể và hợp tác xã trên địa bàn.

Cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký kinh doanh được bố trí chuyên trách, ổn định, có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực công tác để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

3. Tổ chức thực hiện

Thông tư này có hiệu lực sau mười năm ngày kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban tổ chức chính quyền cấp tỉnh, Uỷ ban Nhân dân cấp huyện căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương để tổ chức công tác đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 3 tháng 2 năm 2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh và hướng dẫn tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có những vướng mắc đề nghị kịp thời phản ánh về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Đỗ Quang Trung

(Đã ký)

Trần Xuân Giá

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 05/2000/TTLT-BKH-BTCCBCP hướng dẫn tổ chức Phòng đăng ký kinh doanh ở cấp tỉnh và cấp huyện do Bộ Kế hoạch và đầu tư và Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 05/2000/TTLT-BKH-BTCCBCP
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 07/06/2000
  • Nơi ban hành: Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Người ký: Đỗ Quang Trung, Trần Xuân Giá
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 25
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản